TÓM TẮT
Thế Lữ là người “Khởi điểm của những khởi điểm”.
Trong buổi đầu của nền văn học quốc ngữ Việt Nam, ông đã có những
đóng góp to lớn cả ở thơ, truyện, báo chí, và sân khấu kịch
nói. Với ý thức chủ động học tập phương Tây để đổi mới nền văn
học nước nhà, thực hiện tôn chỉ của Tự Lực văn đoàn, ông đã tìm đến
văn học Anh Pháp và có sự tiếp nhận sáng tạo độc đáo kỹ thuật
sáng tác trong thể loại truyện ngắn. Đặc biệt là thể loại truyện
trinh thám. Tiếp thu linh hoạt năm hình mẫu truyện trinh thám
của nhà văn Mỹ Edgar Poe mà hầu hết các nhà viết
truyện trinh thám coi là khuôn mẫu, kết hợp tư duy Đông - Tây độc đáo,
Thế Lữ đã có nhiều thử nghiệm mới mẻ, góp phần đặt nền móng cho
truyện trinh thám Việt Nam.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
1.1. Thế Lữ là người “khởi điểm
của những khởi điểm” (Đỗ Lai Thúy, 2000, 31). Tên tuổi của ông gắn
liền với tiến trình hiện đại hóa của văn học Việt Nam nửa đầu thế
kỷ XX. Về thơ, Thế Lữ là một trong người mở đầu, khẳng định vị
thế cho phong trào Thơ Mới (1932-1942). Về truyện, Thế Lữ là một
trong số ít những nhà văn đầu tiên góp phần lớn hiện đại hóa truyện truyền kỳ,
mở đầu truyện kinh dị huyễn tưởng hiện đại và cũng là một trong những
người đặt nền móng cho thể loại truyện trinh thám Việt Nam. Thế Lữ
còn là một nhà báo, một cây bút phê bình văn học sắc
sảo của Tự Lực Văn đoàn. Đặc biệt, ở lĩnh vực sân khấu, ông
vừa là diễn viên vừa là đạo diễn vừa là nhà biên kịch có tài, góp
phần to lớn trong việc xây dựng nền kịch nói Việt Nam buổi đầu phôi
thai đến những đỉnh cao của nó.
1.2. Nhận xét về sáng tác của Thế
Lữ, nhất là truyện trinh thám và kinh dị, nhiều thế hệ các nhà
nghiên cứu đều nhắc đến ảnh hưởng phương Tây, đặc biệt là Edgar Poe
trong sáng tác của ông. Phát hiện sớm nhất là Khái Hưng, năm 1934
trong lời tựa Vàng và máu đã nhận xét: “Tác giả những truyện Vàng
và máu và Một đêm trăng đã tỏ ra có óc khoa học của Edgar
Poe và tâm hồn thi sĩ của Bồ Tùng Linh...” (Phạm Đình Ân, 2006, 416). Sau
đó, các nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan (năm 1942), Phạm Thế Ngũ (1965),
Nguyễn Văn Dân (1997), và gần đây nhất là Phạm Đình Ân (2006) cũng đều
có những nhận định khá thống nhất với Khái Hưng về ảnh hưởng của
Poe trong truyện ngắn của Thế Lữ. Chẳng những thế, Hoài Anh còn
khẳng định: “Thế Lữ cả thơ và truyện đều có hơi hướng Poe, nặng về
duy mỹ mà không đau khổ đến mức bệnh hoạn, tuyệt vọng như Baudelaire.”
(Phạm Đình Ân, 2006, 513).
1.3. Nhà thơ Mỹ Edgar Allan Poe
(1809-1849) là ông tổ của truyện trinh thám, kinh dị huyễn tưởng của
văn học Mỹ và thế giới, đồng thời cũng là một nhà báo, nhà phê
bình văn học nổi tiếng. Ở Việt Nam, ông là tác giả Mỹ đầu tiên được
học trong nhà trường Pháp Việt từ rất sớm, và theo nghiên cứu của
chúng tôi, Poe cũng là tác giả Mỹ đầu tiên có tác phẩm được dịch ra
tiếng Việt ở Việt Nam từ năm 1936. Qua chiếc cầu nối là văn học Pháp
trong nhà trường Pháp Việt, bằng bản tiếng Pháp của Charles
Baudelaire, Stéphane Mallarmé…, thơ, truyện của Edgar Poe đã để lại
những dấu ấn mới lạ trong lòng thế hệ trí thức Tây học lớp đầu
ấy. Việc một nhà văn của nước Mỹ xa xôi vạn dặm như Edgar Poe được
yêu mến, giới thiệu, và dịch ở Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ XX
khi nước ta hoàn toàn chưa có mối bang giao chính thức nào với nước
Mỹ và văn học Mỹ quả là một hiện tượng khá đặc biệt trong lịch sử
văn học Việt Nam.
1.4. Do đó, các ý kiến phát hiện tinh
tế trên hẳn cũng có những hạt nhân hợp lý nhất định. Tuy nhiên, các
ý kiến này còn dừng lại ở những phát hiện ban đầu cũng như chưa lý
giải đầy đủ vì sao có mối duyên nợ hy hữu ấy. Do phạm vi của bài
viết này, chúng tôi không đi vào toàn bộ sáng tác thơ, truyện kinh
dị, lãng mạn, kịch mà chỉ tìm hiểu những tiền đề gặp gỡ nào và
những dấu ấn Edgar Poe nào trong thể loại truyện trinh thám của Thế
Lữ. Chúng tôi cũng không nhằm đi vào phân tích đánh giá các giá trị
nội dung nghệ thuật những tác phẩm của Edgar Poe và Thế Lữ mà chỉ
tóm tắt, trích dẫn một số chi tiết tiêu biểu trong các tác phẩm của
hai tác giả để so sánh đối chiếu minh chứng cho sự tiếp nhận và
tiếp biến loại hình truyện trinh thám của Thế Lữ những năm đầu thế
kỷ XX.
2. TIỀN ĐỀ TIẾP NHẬN EDGAR POE
CỦA THẾ LỮ
2.1. Môi trường văn hóa - văn học
2.1.1.
Từ những năm 1920, sau chính sách khai thác thuộc địa lần thứ hai của
thực dân Pháp, xã hội Việt Nam có nhiều biến đổi lớn lao về kinh
tế, chính trị, văn hóa xã hội. Giao lưu văn hóa không còn bó
hẹp sau lũy tre làng như trong xã hội nông nghiệp truyền thống xưa mà
đã mở rộng hòa nhập với cả khu vực. Cơ chế kinh tế thị trường đã
bắt đầu tác động đến hoạt động báo chí và văn học nghệ thuật.
Một lớp độc giả mới xuất hiện có trình độ văn hóa và
nhu cầu thẩm mỹ cao hơn, đòi hỏi văn học nghệ thuật phải
làm một cuộc canh tân triệt để hầu bắt kịp trào lưu tiến
bộ của thế giới. Chữ quốc ngữ thay thế chữ Hán, chữ Nôm và được
các sĩ phu yêu nước vận động thành một trào lưu rộng rãi cũng là
một nhân tố quan trọng thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa văn học.
Giai đoạn này yêu cầu đổi mới nền văn
học nước nhà để bắt kịp các nước trên
thế giới đã trở thành một vấn đề vô cùng
cấp thiết. Trên hành trình tìm kiếm đổi mới đó, Tự lực Văn
đoàn - “một hàn lâm văn học sang trọng, phát ngôn cho mọi chuẩn mực giá trị của
văn học được công chúng xa gần thừa nhận” (Nguyễn Huệ Chi, 2008) - đã ra đời
với tôn chỉ "Đem phương pháp Thái Tây áp dụng vào văn chương An Nam."
để xây dựng một nền văn chương tiếng Việt đại chúng. Văn đòan đã quy tụ được
rộng rãi tinh hoa văn nghệ trong cả nước và có ảnh hưởng sâu rộng đến
tầng lớp thanh niên trí thức thời bấy giờ. Trong đó, Thế Lữ là một
trong những thành viên tích cực và có nhiều đóng góp đáng chú ý
nhất.
2.1.2. Một trong những kênh tiếp nhận văn học Pháp nói
riêng và phương Tây nói chung vô cùng quan trọng là hệ thống giáo
dục của nhà trường Pháp Việt. Với mục đích phục vụ công cuộc cai trị thuộc
địa, đi cùng chính sách thu phục trái tim người bản xứ, thực dân Pháp đã
thiết lập một cơ chế giáo dục mới, xóa bỏ hoàn toàn nền giáo dục
Hán Nôm trước đây. Theo hồi ký của Vũ Ngọc Phan, chương trình học
trong các trường trung học Tây cũng như trung học Pháp Việt, thực dân
Pháp quy định “tiếng Pháp là tiếng mẹ đẻ, tiếng Anh là sinh ngữ
được xếp hàng đầu (1 ére langue), còn tiếng Việt bị liệt vào tiếng
ngoại quốc với các sinh ngữ Ý, Đức, Tây Ban Nha.” (Vũ Ngọc Phan, 2008,
367). Cấu trúc môn Pháp văn ở bậc cao đẳng tiểu học bao gồm ba phần: chính tả,
từ vựng, ngữ pháp (3h/ tuần); giảng văn (lecture expliquée) và học thuộc lòng
(4h/ tuần) và rèn luyện kỹ năng viết tiếng Pháp (2h/tuần). Tuy không hề có
giờ văn học riêng nhưng học sinh lại được tiếp xúc với hầu hết những
tác phẩm triết học, văn học Pháp tích hợp trong một môn học chung là Pháp
văn với số tiết đã nêu ở trên, chủ yếu là giới thiệu văn chương cổ
điển gồm những tác giả như Racine, Corneille, La Fontaine, V. Hugo,
Chateaubriand, Lamartine. Còn các nền văn học khác, ngoài những tác
phẩm bằng tiếng Pháp, do tiếng Anh có trong chương trình học nên một
số thanh niên Việt Nam thời bấy giờ đã khao khát tìm đọc những tác
phẩm văn học Anh Mỹ bằng nguyên tác ở thư viện Trường Viễn Đông Bác
cổ. Đó là những tác phẩm của Charles Dicken, Roméo and Juliet,
Macbeth, Hamlet của Skakespeare, Những cuộc phiêu lưu của
Piquich… Và ở đó, Dantes, Xervantes, Hoffmann, Edgar Poe, Léon Tolstoi…
cũng sớm được bao thế hệ trí thức tây học Việt Nam yêu mến. Hữu
Ngọc từng nhớ lại: “Tôi biết Edgar Poe qua truyện Con cánh cam
vàng và bài thơ Con quạ từ thời học trung học ở trường
Bưởi.” (Hữu Ngọc, 2000, 529).
2.2. Ý thức tiếp nhận văn học phương Tây
2.2.1. Xu hướng tiếp nhận chung của thời đại:
Việc học kỹ, hiểu sâu văn học
Pháp và văn học thế giới có tác dụng thực tế góp phần quan trọng
trong việc đổi mới, hiện đại hóa văn chương Việt Nam. Có thể thấy
ảnh hưởng của trào lưu đó nhất quán trong nhiều trí thức, học giả,
tác giả cùng thời từ Nam chí Bắc. Trong truyện ngắn đầu tiên viết
theo kỹ thuật phương Tây: Truyện thầy Lazaro Phiền (1887),
P.J.B. Nguyễn Trọng Quản đã nói mục đích sáng tác của mình là thực
hiện niềm mơ ước “làm cho dân tộc các xứ biết rằng người An Nam sánh
trí sánh tài thì cũng chẳng thua ai.” (Bùi ĐứcTịnh, 2002, 16). Phạm
Quỳnh (1917) chủ trương “đọc sách Tây là để thâu thái lấy tư tưởng,
lấy tinh thần văn hóa Âu Tây để bồi bổ cho nền quốc văn còn khiếm
khuyết”, để “làm thế nào gây được những hạng thi nhân mới cho quốc âm
ta.” (Phạm Quỳnh, 2003, 381) Nguyễn Giang, một nhà thơ từng đỗ tú tài
Tây, chủ trương Dịch văn thư xã, nhằm đem tư tưởng Âu Tây đến với văn
học Việt cũng bộc lộ quan điểm muốn làm đẹp giàu thêm tiếng Việt:
“cái tiếng của một nước càng nhập được nhiều giọng, nhiều điệu thì
một ngày nó càng mềm mại và phong phú thêm lên.” (Nguyễn Giang, 1936,
10) Khái Hưng (1934) thì tha thiết: “Tôi vẫn mong mỏi sẽ có nhà văn
dung hợp được văn Thái Tây với văn Á Đông, để gây một lối văn viết
theo óc khoa học mà vẫn giữ được thi vị của văn Tàu.” (Phạm Đình Ân,
2006, 416)
Như vậy, có thể nói không còn là ý
thức của một cá nhân, mà là xu hướng tiếp nhận - đổi mới chung của
cả một thời đại. Cách tiếp nhận có 2 hướng khác nhau: một là bỏ
hẳn cái cũ, học theo cái mới; hai là tổng hợp văn hóa, phương Đông và
phương Tây, truyền thống và hiện đại, “Thổ nạp Âu Á, điều hòa Tân Cựu”. Con
đường này ngay từ bước đầu đã được thế hệ tiên phong nhận thức một
cách đúng đắn: không cắt đứt quá khứ mà chỉ tiếp nhận để bồi bổ
thêm, làm giàu đẹp thêm cho bản sắc vốn có của dân tộc. Lịch sử đã
đặt lên vai họ một trọng trách thiêng liêng. Và đó là một lựa chọn
hết sức đúng đắn. Thế Lữ chính là một trong những nhà văn rất ý
thức, chủ động trong sự kết hợp ấy.
2.2.2. Quan điểm tiếp nhận văn học
phương Tây của Thế Lữ
“Làm sao cho
văn học ta không kém gì Âu châu”. Đây là tâm niệm của người nghệ sĩ đa
tài này. Khi học ở trường Cao đẳng Mỹ thuật, Ông đã cùng bạn
bè từng tổ chức một nhóm văn học (salon littéraire), mục
đích chuyên thảo luận về sự đổi mới văn học, nghệ thuật để theo kịp
đà phát triển các nước. Với ý thức chủ động tiếp nhận để
sáng tạo nền quốc văn mới, Thế Lữ khẳng định mục đích sáng tác
của mình: “Tôi muốn viết văn, viết báo để ta cùng “mở mày mở mặt”:
Pháp họ có nhà văn thì mình cũng có nhà văn. Họ làm báo, viết văn,
thì ta cũng làm được.” (Mai Hương, 2000, 99). Ông cũng từng tâm sự với
Xuân Diệu “Cái ý phá những lề lối trói buộc là nhất quán trong tôi.” (Mai
Hương, 2000, 106). Cùng với thơ ca, Thế Lữ đã tích cực thử nghiệm ở
nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó hoạt động sôi nổi nhất của ông là
báo chí. Hoạt động phong phú này đã đưa ông đến một lĩnh vực bất
ngờ: “truyện lạ kiểu Ét-ga Pô” và truyện trinh thám. “Lê Phong phóng
viên chính là cuốn sách viết theo yêu cầu của báo. Nó đề cập
đức tính cần có của người phóng viên: xông xáo đến tận cùng nơi
người ta khóa trái sự thật để phanh phui chân lý.” (Hoàng Minh Châu,
436). Cộng thêm chủ trương của Tự Lực văn đoàn lúc ấy là kêu gọi
thanh niên bài trừ óc mê tín dị đoan, luyện óc khoa học, chống phong
trào tiểu thuyết thần bí hoang đường. Ngoài ra, cũng không thể không
nhắc đến mục đích kinh tế: do báo Phong hóa đang bị ế, ông
chủ bút Nhất Linh đã giục Thế Lữ viết. Và quả thật, sau những
truyện của Thế Lữ, báo lại lên, độc giả chờ đợi, đón đọc càng
nhiều. Nắm bắt được thị hiếu của độc giả đương thời, ông đã cho ra
đời hàng loạt truyện trinh thám và kinh dị với óc quan sát và phân tích
logic sắc bén, giàu trí tưởng tượng mới lạ của phương Tây, nhưng vẫn
đặt nó trong bối cảnh gần gũi của đất nước và cảm nhận quen thuộc
của người dân Việt. Nhờ vậy, tác phẩm của ông đã được độc giả kinh
ngạc, thích thú đón nhận.
2.2.3. Đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, con trai
Thế Lữ cho biết, sinh thời, Thế Lữ đã thích đọc đủ loại sách trinh
thám chọn lọc. Ngoài Edgar Poe, Conan Doyle, ông còn đọc tác
phẩm của Maurice Leblanc (1864-1941) - nhà viết truyện trinh
thám Pháp, cùng thời với Conan Doyles ở Anh, nổi tiếng với
loạt truyện nhân vật chính là tên trộm quý tộc hào hiệp Arsène
Lupin, được công chúng ở các nước dùng tiếng Pháp yêu thích không kém
gì Sherlock Holmes ở các nước nói tiếng Anh đầu thế kỷ XX. Asrène
Lupin đã để lại bóng dáng trong những truyện trinh thám giai đoạn phôi
thai của văn học Nam kì như nhân vật Ba Lâu trong Kim thời dị sử của
Biến Ngũ Nhy (1917), truyện của Phú Đức, Sơn Vương. Hay nhân vật Kỳ Phát, Tám Huỳnh Kỳ của Phạm Cao Củng. Thế Lữ cũng rất yêu
thích những truyện của Agatha Christie (1890-1976) - nữ văn
sĩ người Anh. Bà đã sống ở Paris từ năm 15 tuổi từng chịu
ảnh hưởng sâu sắc Edgar Allan Poe và A.Conan Doyle. Với hai nhân vật thám tử
nổi tiếng, Hercule Poirot và Bà Marple (Miss Marple), Christie được coi là
"Nữ hoàng trinh thám" (Queen of Crime) và là một trong những nhà văn
quan trọng và sáng tạo nhất của thể loại này [1]. Ông còn say mê nghiền ngẫm các
loại tư liệu hình sự, tài liệu dạy cách điều tra khám phá bí mật
của các cơ quan cảnh sát, tòa án… Đam mê này chính là một trong những
điều kiện quan trọng để Thế Lữ mở đầu thể loại truyện trinh thám
sau này.
2.3. Môi trường sống thưở ấu thơ
2.3.1. Dấu ấn mất mát tuổi ấu thơ: Thế Lữ sinh
ngày 6 tháng 10 năm 1907 tại ấp Thái Hà, Hà Nội trong một gia đình
viên chức nhỏ. Bố là sếp ga xe lửa tuyến đường sắt Lạng Sơn - Thanh
Hóa, chữ Tàu chữ Tây đều thông thạo và rất ham đọc sách. Mẹ đẻ là
một cô gái đảm đang ngoan đạo quê ở Hải Phòng. Thế nhưng, vừa vài
tháng tuổi, cậu bé Nguyễn Thứ Lễ đã bị dứt ra khỏi mẹ đẻ, mang về
Lạng Sơn ở với bà nội và u (vợ chính thức của cha). Cậu bé phải
sống trong tâm trạng luôn phải dằn nén những tình cảm của mình với
mẹ và cả với u vì bà không muốn cậu thương nhớ mẹ mà cũng không
thích cậu tỏ ra quý mến u. Vì thế, theo Thế Lữ kể lại: “Ở Lạng
Sơn, tôi sống trong sợ hãi và thương nhớ.” (Mai Hương, 2000, 95). Trong
truyện Gió ngàn của Thế Lữ, nhân vật cậu bé Nọng Mai, 12
tuổi nhưng quyến luyến yêu mến Ché Sao - cô gái người Thổ 16 tuổi,
thường quan tâm chăm sóc cậu như chị em - với một tình cảm khó tả.
Edgar Poe cũng từng bị cha bỏ rơi cả 3 mẹ con năm lên một và mất mẹ
từ năm 2 tuổi, phải sống với bố mẹ nuôi John Allan trong tâm trạng lúc
nào cũng khao khát yêu thương. Có lẽ vì vậy, 14 tuổi Poe đã yêu
mến Jane Craig Stanard, một phụ nữ 30 tuổi, mẹ của một người bạn học,
sau này bệnh hoạn và đã chết vì điên dại. Bà đã quan tâm và cư xử rất tốt với
cậu bé Poe, vì thế đã ảnh hưởng sâu sắc đến tâm hồn đa sầu đa cảm của cậu bé
luôn khao khát sự trìu mến của tình mẫu tử này. Poe đã cho biết rằng Bà chính
là nguồn cảm hứng cho bài thơ bất tử của ông "To Helen". Phải
chăng có một sự đồng cảm sâu xa giữa hai nhà viết truyện trinh thám
và kinh dị tương lai?
2.3.2. Ký ức Lạng Sơn không phai mờ của mười
năm đầu đời đã trở thành một nhân tố quan trọng trong thế giới nghệ
thuật của Thế Lữ. Vì sao tác giả hay viết những truyện kinh dị với
bối cảnh là không gian núi rừng với những châu Kao Lâm, những hang Văn
Dú, hang Thần (Vàng và Máu), hay Lũng Luông (Gió ngàn)…Nhân vật phần
nhiều là những người Thổ, Mán, mụ Ké… với những cái tên hết sức lạ
lẫm, với những trang phục, phong tục tập quán gợi lên sự khác lạ,
bí ẩn…? Trong thơ cũng vậy, hình ảnh thiên nhiên mây nước quạnh hiu,
hoang dại; những rừng thiêng, bóng cả cây già, hùng vĩ nhưng thâm u;
cả nhân vật con hổ chúa tể “oai linh của rừng thẳm”…cũng chính là
thế giới luôn trở đi trở lại trong sáng tác của ông. Đó là dấu ấn
của ký ức Lạng Sơn mà mười năm thơ dại đầu đời cậu bé đã sống với
bao câu chuyện huyền bí của núi rừng. Nào là chuyên ma xứ Lạng,
chuyện thần hổ, thần rừng, ma cà rồng, chuyện Tàu để của, chuyện
thần đanh đỏ mỏ... Rồi hiện thực cuộc sống xứ Lạng với những cuộc
săn bắn thú dữ trong rừng, giết hổ, giết gấu, chuyện kể cảnh xử tử
ghê rợn bên kia kia biên giới, và cả bọn Tây râu xồm gớm ghiếc… Tất
cả đọng lại trong trí óc non nớt của câu bé cô độc, giàu tưởng
tượng - và dường như chủ yếu sống bằng tưởng tượng - biết bao nhiêu
là câu chuyện hãi hùng ghê gớm về rừng núi.
Môi trường tự nhiên huyền bí ở miền núi bao giờ cũng là một
vùng khuất tối trong tâm thức mà con người không sao chiếm lĩnh hết được.
Những khoảng trống ấy đã được trí tưởng tượng lấp đầy, bằng một thứ tâm lý huyền thoại, kỳ ảo. Không gian âm u ấy có cái gì thiêng liêng khiến con
người vừa kính sợ vừa e dè trước sức mạnh thần bí của nó. Vì thế,
những ký ức Lạng Sơn là những chất liệu có thực của cuộc sống mà
bản thân đã trải nghiệm, được Thế Lữ huyền thoại hóa, kinh dị hóa
vào sáng tác của mình với một tư duy sáng tạo độc đáo, kết hợp
với những yếu tố phương Tây mới lạ mà ông được tiếp cận trên ghế
nhà trường Pháp Việt.
Trở lên, chúng tôi đã tìm hiểu những nhân tố tác
động đến việc tiếp nhận Edgar Poe qua vai trò của chủ thể tiếp nhận
Thế Lữ. Trên cơ sở phân tích bối cảnh lịch sử - xã hội, văn hóa - văn
học cũng như ý thức chủ động tiếp nhận văn học Pháp và phương Tây
nói chung, cũng như những dấu ấn tâm lý tuổi ấu thơ, môi trường sống,
điều kiện giáo dục của Thế Lữ, có thể thấy, Edgar Poe thực sự để
lại những hình ảnh đậm nét trong sáng tác của Thế Lữ. Đặc biệt là
trong truyện trinh thám vụ án và phiêu lưu.
3. EDGAR POE VÀ THẾ LỮ
Sau thành công của Vàng và máu (1934)
và Mấy vần thơ (1935), Thế Lữ tiếp tục làm độc giả thích
thú với một series truyện trinh thám ra đời từ 1936. Bắt đầu từ
truyện Dòng máu đứt quãng, tiếp sau là loạt truyện Lê Phong
phóng viên, Mai Hương và Lê Phong, Những nét chữ (1937), Đòn
hẹn (1939), Gói thuốc lá (1940) liên tiếp xuất hiện trên
báo Ngày nay của Tự Lực văn đoàn. Truyện truyền kỳ, kinh dị thì có
sự tiếp biến từ văn học dân gian và văn học trung đại Việt Nam, Trung
Quốc với sự gặp gỡ văn học phương Tây. Còn truyện trinh thám ở nước
ta thời bấy giờ, tuy ở Nam Kỳ từ 1916-1917 đã có những sáng tác mang
yếu tố truyện trinh thám phương Tây của Biến Ngũ Nhy, Nguyễn Chánh
Sắt, Lê Hoằng Mưu, Phú Đức, Sơn Vương, Bửu Đình…, nhưng với Thế Lữ
vẫn là một thử nghiệm hoàn toàn mới lạ. Đọc lại những tác phẩm
đầu tiên ở buổi phôi thai của nền văn học quốc ngữ ấy, có thể nói,
đến Thế Lữ, truyện trinh thám đã có một bước phát triển mới, được
khẳng định như một thể loại văn học riêng và là sự tổng hợp Đông -
Tây thú vị từ sự gặp gỡ và tiếp nhận sáng tạo năm hình mẫu truyện
trinh thám Edgar Poe.
3.1. Năm hình mẫu truyện trinh thám của Edgar
Poe
Edgar Poe không viết nhiều truyện trinh thám nhưng
“chúng ta thừa hưởng biết bao nhiêu kho báu từ con người kì lạ ấy.”
(J. Borges, Ngô Tự Lập, 2002, 692). Theo Jorges Luis Borges, Poe đã “để
lại cho chúng ta năm hình mẫu của thể loại trinh thám.” (Ngô Tự Lập,
2002, 702). Hình mẫu thứ nhất là Vụ án đường Morgue: kiểu truyện
vụ án với cái chết bí ẩn, khủng khiếp trong căn phòng khóa chặt -
chứng cớ mơ hồ qua bản tin trên báo và lời khai của các nhân chứng -
cảnh sát bó tay - nhà thám tử nghiệp dư quan sát toàn bộ hiện
trường, ghi nhận những chi tiết khác thường, liên kết những thông tin
với trí tuệ sắc sảo phát hiện được hung thủ: một con đười ươi
khổng lồ vùng Boréo. Cùng đề tài tội ác được thực hiện trong căn
phòng đóng kín này là hình mẫu thứ hai Con quỷ đồi bại. Hình
mẫu thứ ba là Lá thư bị mất cắp với cốt truyện đơn giản:
vật bị mất một cách khó hiểu - cảnh sát trưởng, người có nghiệp
vụ chuyên môn và có nhiệm vụ tìm kiếm đã điều tra, truy tìm tỉ mỉ
mọi ngóc ngách bí mật nhất nhưng không phát hiện được - nhà thám tử
nghiệp dư dựa vào suy đoán tâm lý lại phát hiện chỗ cất giấu ít
ngờ nhất là ‘để nó ngay dưới mũi thiên hạ” (Ngô Tự Lập, 2002, 462).
Hình mẫu thứ tư là Con cánh cam vàng: bắt đầu từ chi tiết kho
báu- mật mã- nhà thám tử nghiệp dư cùng người bạn tìm cách giải
mã- tìm được kho báu. Và hình mẫu thứ năm là Bí mật của Marie
Roger: một án mạng có thật đăng trên báo, lúc Poe đang là biên tập viên
văn học của tờ tạp chí “Grew” của bang Philadelphia. Cách khám phá bí mật
vụ án nhờ vào những bức thư của nạn nhân gửi cho một người bạn và
sự thu thập tư liệu về những mối quan hệ của nạn nhân. Ba năm sau,
người ta đã tìm được tên sát nhân và đúng như Poe từng miêu tả trong
truyện của mình.
Đặc điểm chính của truyện trinh thám Edgar Poe là
tính chất duy lý của câu chuyện. Tính chất duy lý ấy thể hiện trong
cách thức khám phá tội ác được suy đoán theo logic trừu tượng
chứ không phải những chứng cứ dễ dãi hiển nhiên, những lời tố giác,
sự vụng về hay lộ liễu quá mức của hung thủ. Và nhân vật thám tử -
nhà quý tộc tài ba A.Dupin của Poe đã trở thành nhân vật được Conan
Doyle yêu thích từ bé để làm nhân vật hồi sinh trong đứa con bất tử
của mình: Sherlock Holmes. Trong truyện, Thế Lữ cũng để cho nhân vật
phóng viên - thám tử Lê Phong công khai nhắc đến phương pháp điều tra
của Edgar Poe và Sherlock Holmes (Lê Phong phóng viên, Những nét chữ).
3.2. Sự tiếp nhận chủ động và sáng tạo của Thế Lữ
3.2.1. Về kiểu truyện trinh thám vụ án và nhân vật
nhà thám tử
Đọc truyện trinh thám của Thế Lữ có thể thấy tuy
mức độ đậm nhạt khác nhau trong từng tác phẩm nhưng chi tiết này, chi
tiết khác đều gợi liên tưởng mạnh mẽ đến những truyện tiêu biểu
nhất làm nên tên tuổi Edgar Poe. Các truyện Án mạng đường nhà
xác (The Murder on the Rue Morgue), Bí mật của Marie Roger (The
Mystery of Marie Roger), Mi cũng là một con người (Thou Art the
Man) của Edgar Poe có những dấu vết trong các truyện Lê Phong phóng
viên, Mai Hương và Lê Phong, Gói thuốc lá của Thế Lữ qua
cách tổ chức sắp xếp các sự kiện. Mở đầu và chứng cứ cũng như
cách phá án đều phảng phất các truyện nêu trên của Poe. Mọi bí mật
đều được phanh phui nhờ vào tài quan sát, phán đoán tâm lý nhân vật
và những giả thuyết lập luận chặt chẽ logic của nhà thám tử nghiệp
dư chứ không phải những thanh tra nhà nước, cảnh sát trưởng chuyên
nghiệp. Cuối cùng hung thủ phải lộ mặt đúng như tiên đoán của Dupin,
hay Lê Phong. Ở phần kết thúc truyện, việc tập họp đông đủ mọi người
để công bố tên hung thủ tương tự như trong Mi cũng là một con
người. Sau khi dựng các chứng cứ khép tội P - cháu người bị giết -
phải ngồi tù, “Charles già” hân hoan mời rất đông bạn bè tôn kính đến
thưởng thức hộp rượu khổng lồ Chateau Margaux nhãn hiệu con linh dương.
Nào ngờ khi nắp hộp bật tung, xác người bị hại dựng đứng lên, nhìn
vào mắt kẻ thủ ác với giọng nói chầm chậm “Mi cũng là một con
người ư?” khiến “Charles già” hoảng loạn, tự thú mọi tội lỗi và gục
chết. Còn chi tiết Thạc tự tử bằng thuốc độc làm ta nghĩ đến cách
kết thúc trong truyện Vụ ám sát Roger Ackroyd (The Murder of Roger
Ackroyd) cũng như nhiều truyện khác của Agatha Christe.
Các truyện trinh thám của Thế Lữ cũng xây dựng cốt
truyện theo mô-típ truyện trinh thám - vụ án của Poe nhưng đã có sự
pha trộn phong cách cuả một số cây bút phương Tây khác, khá rõ nét
như kiểu kết thúc của Agatha Christe. Hoặc cách xây dựng cặp đôi nhà
thám tử tài ba và bạn của nhà thám tử rất quen thuộc
của Poe. Có thể tổng hợp nét chính trong bảng tóm tắt sau:
Bảng 1: Cốt truyện - nhân vật trong kiểu truyện
trinh thám - vụ án
Sự kiện mở đầu
|
1. Một bản tin về ÁN MẠNG BÍ ẨN = BỊ
GIẾT/TỰ TỬ trên báo.
2. Lời khai của các nhân chứng 3. Chi tiết, chứng cứ của căn phòng xảy ra án mạng |
|
Chứng cứ
|
Quá hiển nhiên/mơ hồ, bí ẩn, hầu như bế tắc
|
|
Nguyên nhân vụ án
1. Để tước đoạt của cải, tài sản,
kho báu (Lê Phong phóng viên, Mai Hương và Lê Phong, Gói thuốc lá)
2. Do cản trở hoạt động của băng đảng (Đòn hẹn)
3. Vì ghen, để chiếm được tình yêu (Những nét chữ, Lê
Phong phóng viên)
4. Ngẫu nhiên
(Dòng máu đứt quãng, Con châu chấu tre)
|
Các bước điều tra, truy tìm hung thủ
|
|
CẢNH SÁT
THANH TRA NHÀ NƯỚC
(chuyên nghiệp)
|
THÁM TỬ
PHÓNG VIÊN
(nghiệp dư)
|
|
- khám xét tỉ mỉ mọi nơi theo phương pháp nhà nghề
- chỉ dựa vào các sự kiện thấy rõ
- hời hợt, qua loa, máy móc, thiếu óc phân tích sâu
sắc
- kết luận theo chứng cứ hiển nhiên
- vội vã kết án: thường dẫn đến sai lầm
|
- quan sát, lắng nghe tỉ mỉ và tìm ý nghĩa mọi sự
kiện
- theo dõi diễn biến tâm lý từng nhân vật
- phân tích, suy luận logic, khoa học để liên kết sự
việc
- dùng phép thử để xác minh giả thuyết và loại suy
- tìm được thủ phạm đích thực bằng mưu trí
|
|
Kết thúc truyện
|
- Phải theo sự sắp xếp của thám tử nghiệp dư
- Bị bẽ mặt nhưng phục tài
|
- Chủ động sắp xếp đưa thủ phạm vào tròng
- Tập họp đông đủ mọi người để công bố thủ phạm
- Thủ phạm tự tử bằng thuốc độc
|
(Nguồn: HKO - Tổng hợp từ Tuyển tập truyện trinh
thám Thế Lữ. 2006. H: Nxb.Thanh niên)
Về cốt truyện, tuy xây dựng các chi tiết diễn biến
vụ án gần như trùng khít với truyện của Poe nhưng Thế Lữ đã bổ sung
thêm những nguyên nhân gây nên vụ án khá quen thuộc với người đọc Việt
Nam thời bấy giờ như nguyên nhân (2) và (3) trong bảng tóm tắt trên.
Đặc biệt là nhân vật Aguste Dupin, hình mẫu nhà thám tử tài ba được
tái hiện khá gần gũi qua nhân vật Lê Phong - phóng viên, từ sự xuất
hiện, cử chỉ hành động, đến cách phá án tài tình. Bên cạnh Lê Phong
cũng luôn có nhân vật “bạn của nhà thám tử” làm trợ thủ như Văn
Bình hoặc nữ thám tử xinh đẹp Mai Hương. Nhưng tác giả đã bản địa
hóa nhân vật nhà thám tử nghiệp dư này khi chú ý tính cách hào
hiệp của Lê Phong và những mối tình lãng mạn pha một chút kiểu anh
hùng mã thượng của truyện Tàu, vốn từng được yêu thích trong xã hội
ta.
3.2.2. Gói thuốc lá là truyện tiêu biểu nhất
cho sự tổng hợp cả năm hình mẫu truyện trinh thám Edgar Poe: Cái chết
bất ngờ lúc nửa đêm của Đường trong căn phòng đóng kín chỉ có một
mình anh ta khi các bạn xem chớp bóng về tiếp tục đi chơi, lời khai
của các nhân chứng về giọng nói của một người Thổ trước căn nhà
của Đường trong đêm xảy ra án mạng khiến người đọc liên tưởng đến án
mạng bí mật trong đêm, chi tiết giọng nói lạ của một người ngoại
quốc trong Vụ án phố Morgue của Edgar Poe. Đối tượng bị tình
nghi với nhiều bằng chứng quá hiển nhiên: bức thư cầu cứu của Đường
về mối lo sợ bị Nông An Tăng báo thù, con dao của người Thổ đâm trên
ngực Đường, cuối cùng là cái chết của Thạc khi đuổi theo kẻ khả
nghi bên cạnh tấm thiếp cũng có tên người Thổ Nông An Tăng là kiểu Poe
đã để cho “Charles già” dàn dựng trong Mi cũng là một con người để
đổ tội cho chàng trai P. với một chuỗi chứng cứ hiển nhiên khiến
chàng trai bị kết tội “giết người với mức độ trầm trọng nhất” và
bị tuyên án tử hình. Nào ngờ kẻ giết người không ai khác hơn là kẻ
gần gũi nhất, thân tín nhất, thẳng thắn nhất, kẻ hăng hái cùng nhà
chức trách tham gia truy tìm hung thủ: người bạn độc ác “Charles già”.
Chi tiết Lê Phong tìm hiểu về những bức thư của Đường và các mối
quan hệ của anh với Nông An Tăng cũng là cách Poe đã làm trong Bí
mật của Marie Roger: thu thập toàn bộ thư từ của cô gái bị giết để
lần ra manh mối thủ phạm chính là một thủy thủ có nước da bánh
mật, từng là người tình của cô. Còn chuyện giải mã những chữ khó
hiểu X.A.E.X.I.G trong tấm danh thiếp có tên một người Thổ là Nông An
Tăng mà người chết viết trước khi bị giết, hóa ra là dãy số của
một tấm vé độc đắc có lẽ đã mượn ý tưởng trong Con cánh cam
vàng.
3.2.3. Hình mẫu truyện trinh thám Lá thư bị mất
cắp của Poe cũng được Thế Lữ sử dụng nhiều lần trong tác phẩm
của mình. Đó là câu chuyện một bức thư quan trọng bị lấy mất trong
khi người nhận đang đọc nó một mình trong phòng khách. Cảnh sát
trưởng cho nhân viên của mình lục soát khắp nơi trong nhà của bộ
trưởng D, đến mức “chỉ một hạt bụi nhỏ do gió mang đến, chúng tôi
cũng có thể nhận thấy ngay trong mắt” (Ngô Tự Lập, 2002, 448). Họ
“không chỉ mở sách mà còn lật từng trang từng trang một”, “mở tất
cả các ngăn kéo có thể mở được”, “lật từng tấm thảm, kiểm tra các
tấm ván bằng kính hiển vi”. Suốt ba tháng liền, không có đêm nào
cảnh sát Paris không dành phần lớn thời gian để đào bới tìm
kiếm bức thư tối mật này nhưng vô vọng. Trái lại, Dupin có phương
pháp suy luận riêng. Dupin cho rằng sai lầm của nhà chức trách là sử
dụng những phương pháp rập khuôn máy móc không nghiên cứu kỹ đặc điểm
của đối tượng. Dupin lập luận rằng “đơn giản chỉ là một sự nhận
dạng trí tuệ trong cách suy luận của chúng ta với cách suy luận của
đối phương chúng ta…” (Ngô Tự Lập, 2002, 454). Cuối cùng nhà thám tử
tài ba đã tìm được bức thư tối mật giấu ở một chỗ bất ngờ nhất:
ông bộ trưởng đã để lá thư của mình “ngay dưới mũi thiên hạ”: ngay
trên chiếc bàn ông ta ngồi ở đó, giữa “một đống lộn xộn những lá
thư linh tinh và những giấy tờ khác…” (Ngô Tự Lập, 2002, 463) cộng thêm
vẻ ngoài lá thư vừa bẩn, vừa nhăn nheo, rách nát một cách thảm hại
và chính vì ai cũng có thể thấy, nên không ai có thể nghi ngờ.
Trong Mai Hương và Lê Phong, cách Lý Tuyết Loan và
Trần Thế Đoàn giấu bản di chúc chỉ đường đến một kho vàng bạc châu
báu cũng hết sức “Edgar Poe”: ngay trước mặt Lê Phong, lẫn trong “những
số báo để ngổn ngang bề bộn trên bàn giấy” (Thế Lữ, 2006, 277) và
cho biết giấu như thế mới không lo mất.
Ở Đòn hẹn, để giấu những giấy má quan trọng
không bị lọt vào tay bọn Tam Sơn quỷ quyệt, Lê Phong đã bảo
thằng Biên “lấy những tờ giấy trong hộp bỏ vào những phong bì dùng
rồi’ và “Không cất đâu hết. Để nó cả trên bàn nhà ngoài”, “nhét nó
vào ngăn để thư…hoặc ngăn kéo nhưng không cần khóa (Thế Lữ, 2006, 551,
552). Lời dặn của Lê Phong với thằng nhỏ giúp việc “Những chỗ hở như
thế là chỗ giấu kín nhất đó. Vì đó là những chỗ chúng nó không
thèm để tâm đến nhất.” (Thế Lữ, 2006, 552) rõ ràng là một phiên bản
của hình mẫu truyện trinh thám Lá thư mất trộm Edgar Poe đã
viết năm 1844, nghĩa là từ 165 năm về trước.
Sau này trong truyện ngắn Tay đại bợm (1953), không
biết thực hay hư cấu, cách giấu vật quý giá kiểu đánh lạc hướng
này được lặp lại ở chi tiết nhà văn Hồng Phong áp dụng khi đoàn văn
hóa kháng chiến về sống ở Phú Thọ. Để tránh sự dòm ngó của tay
đại bợm Cả Hống, thay vì cất tiền và vài thứ nữ trang vào
cái vali da đen kín đáo, chắc chắn, có giá trị, vợ của nhà
văn đã khôn ngoan giấu trong cái giỏ mây tồi tàn chỉ có ít bộ
quần áo đóng kịch.
3.2.4. Những nét chữ, Mai Hương và Lê Phong, Gói
thuốc lá, Vàng và máu của Thế Lữ đều sử dụng mô típ giải mật
mã là những hàng chữ, con số bí ẩn của Con cánh cam vàng (The
Golg Bug). Trong kiệt tác này, Poe đã để cho nhà côn trùng học William
Legrand đọc được những ký tự mật mã trên một miếng da sau khi vô tình
hơ trên lửa. Đầu tiên, Legrand xác định đây là tiếng Anh, tiếp theo anh
thống kê những chữ có tần số xuất hiện nhiều nhất và thấp nhất.
Có được bảng thống kê rồi anh đặt giả thuyết “số “8” tương ứng với
chữ “e”…dấu chấm phẩy (;) thay cho “t”, “4” thay cho “h” v.v… (Ngô Tự
Lập, 2002, 626). Sau nhiều lần thử nghiệm, Legrand đã tìm được chữ
đầu tiên và cứ thế, anh thay chỗ của các con số, dịch các chữ đã
biết, thay các mã số chưa biết…cuối cùng có được bản đồ kho báu.
Cách giải mật mã này phức tạp hơn nhiều và chỉ áp dụng cho tiếng
Anh, không thể đem nguyên si vào truyện viết cho độc giả Việt Nam. Cũng
không thể truyện nào cũng giải mã theo một kiểu như nhau sẽ gây nhàm
chán, không thu hút được sự tò mò, hồi hộp đón đợi, suy đoán của
độc giả mỗi ngày chờ mua báo Ngày nay. Do đó, ở mỗi truyện Thế Lữ
đều có những đổi mới sáng tạo độc đáo dựa trên đặc điểm cấu tạo
âm tiết của tiếng Việt và cách chơi chữ quen thuộc của người Việt.
3.2.4.1. Những nét chữ là truyện tiêu biểu
cho kiểu giải mật mã trong hình mẫu Con cánh cam vàng. Để khám
phá nguyên do cái chết bí ẩn của Tuyết Mai, Lê Phong đã tìm hiểu tất
cả nhật ký, thư từ của cô, cả những báo cô đang xem dở. Cuối cùng,
mấu chốt ở một bức thư có nội dung là một bài thơ lục bát. Lê Phong
đã nghiền ngẫm và tinh ý phát hiện những dấu hiệu khác thường trong
từng nét chữ của bài thơ bí ẩn và kết luận có “những tiếng đôi
cách nhau bởi một nét chì dọc”. Với biệt tài suy đoán, anh đã phát
hiện nguyên nhân cái chết oan ức của cô gái đáng thương qua cách giải
mã chìa khóa bài thơ định mệnh Chơi núi cảm tác bằng cách
nói lái. Nói lái là kiểu chơi chữ thú vị của người Việt Nam, không
kể bình dân hay quý tộc, và có lẽ rất được ưa thích thời bấy giờ.
Tiếng Việt có ba cách nói lái thông thường đối với các từ hai âm
tiết:
(1) đổi âm sau, giữ chữ đầu và thanh,
(2) đổi toàn bộ,
(3) đổi dấu thanh.
Đơn cử như chính tên Thứ Lễ được tác giả nói lái thành Thế Lữ theo cách thứ 1. Lê Phong đã ghép các cụm chữ đôi khác thường trong 10 dòng lục bát và đọc lái lại theo kiểu riêng: ghép phụ âm đầu tiếng thứ hai với vần tiếng thứ nhất: tảng đá=đảng, khôn chép= khép, quyết tâm=tuyết, ai mảng=mai, vội tỉnh= tội, gội bên= bội, nản phím= phản, tử sinh=xử, chữ tình=tử, loi còn= coi, dừng chân- chừng, ngó đến= đó, xa xuôi=xa, dưới lối=lưới. Cái mật lệnh giả mạo quái ác được ghép thành câu rõ rệt là “Đảng khép Tuyết Mai tội bội phản, xử tử, coi chừng đó, sa lưới” khiến cho Tuyết Mai, người từng tham gia hội kín, biết rõ chìa khóa mật mã của những từ trong bài thơ ấy, suy sụp và đi đến chỗ tự tử. Hoàng Minh Châu phải “phục tài người đặt thơ” vì “bài thơ bí ẩn, dưới cái mẹo chơi chữ thông thường, thoạt đọc lên ai cũng ngỡ của kẻ thất tình,… làm độc giả hồi hộp đọc tiếp truyện… hóa ra là “thơ trinh thám” của Thế Lữ” (Thế Lữ, 2006, 438)
(1) đổi âm sau, giữ chữ đầu và thanh,
(2) đổi toàn bộ,
(3) đổi dấu thanh.
Đơn cử như chính tên Thứ Lễ được tác giả nói lái thành Thế Lữ theo cách thứ 1. Lê Phong đã ghép các cụm chữ đôi khác thường trong 10 dòng lục bát và đọc lái lại theo kiểu riêng: ghép phụ âm đầu tiếng thứ hai với vần tiếng thứ nhất: tảng đá=đảng, khôn chép= khép, quyết tâm=tuyết, ai mảng=mai, vội tỉnh= tội, gội bên= bội, nản phím= phản, tử sinh=xử, chữ tình=tử, loi còn= coi, dừng chân- chừng, ngó đến= đó, xa xuôi=xa, dưới lối=lưới. Cái mật lệnh giả mạo quái ác được ghép thành câu rõ rệt là “Đảng khép Tuyết Mai tội bội phản, xử tử, coi chừng đó, sa lưới” khiến cho Tuyết Mai, người từng tham gia hội kín, biết rõ chìa khóa mật mã của những từ trong bài thơ ấy, suy sụp và đi đến chỗ tự tử. Hoàng Minh Châu phải “phục tài người đặt thơ” vì “bài thơ bí ẩn, dưới cái mẹo chơi chữ thông thường, thoạt đọc lên ai cũng ngỡ của kẻ thất tình,… làm độc giả hồi hộp đọc tiếp truyện… hóa ra là “thơ trinh thám” của Thế Lữ” (Thế Lữ, 2006, 438)
3.2.4.2. Cách giải mật mã trong Gói thuốc lá không
phải là sự sao chép nguyên mẫu hay lặp lại cách giải trong những
truyện trước mà đơn giản đến bất ngờ. Hàng chữ kỳ dị X.A.E.X.I.G viết bằng bút chì sau lưng tấm danh thiếp Đường đang đọc
dở trước khi chết, một trong những chi tiết cốt lõi của vụ án đã
được Lê Phong khám phá theo kiểu quy ước thứ tự tương đương giữa bảng
chữ và bảng số. Lê Phong đã lý giải:
“Những chữ cái ta tưởng là những lời bí mật đó chỉ là những
chữ số dịch ra chữ cái: A là 1, B là 2, C là 3 v.v... Tại sao tôi lại biết thế,
chỉ vì tôi thấy trong đó có 6 chữ, trừ hai chữ giống nhau, còn những chữ khác
không chữ nào theo thứ tự mà ở quá số 10. Tôi liền thử đổi lại chữ cái bằng chữ
số xem thì thấy đó là một hàng bốn chữ số 1597 và hai chữ X. Chữ X, nếu theo thứ
tự, sẽ là số 23, nhưng nếu muốn dùng số 23, sao không viết chữ B.C? Vậy chữ X
là số vô danh theo khoa toán pháp và ở đây, đó là một chữ có thể thay cho số 0.
Tôi ghép lại thử xem. Không ngờ thử mà thành ra thực X.A.E.X.I. G. tức là
015097, con số trúng độc đắc trong kỳ xổ số Đông Dương vừa rồi.
(Thế Lữ, Gói thuốc lá, 501)
Phải có một trí óc sắc sảo, nhạy bén kiểu Lê Phong
mới có thể suy ra cách giải vô cùng đơn giản ai cũng có thể biết mà
không ngờ tới ấy. Điều đơn giản ấy lại chính là nguyên nhân gây ra vụ
án. Thạc muốn chiếm đoạt cái vé số độc đắc nên đã ra tay giết
người bạn thân của mình và khéo léo dàn cảnh để mọi người nghi ngờ
người Thổ Nông An Tăng. Tiếc là các chứng cứ quá hiển nhiên đến phi
lý: không ai giết người mà để lại danh thiếp bao giờ. Cho nên, hung
thủ chỉ đánh lừa được nhà chức trách chứ không qua nổi mắt Lê Phong.
3.2.5. Ngoài
ra, Thế Lữ còn tiếp nhận tổng hợp các thể loại sáng tác của
Poe qua tác phẩm đặc sắc nhất của ông: Vàng và máu. Kiểu
truyện kho báu bí mật - giải mật mã của Thế Lữ có sự giao thoa kiểu
truyện vừa kinh dị vừa trinh thám phiêu lưu và rất nhiều chi tiết khá
trùng khít với kiệt tác Con cánh cam vàng của Edgar Poe. Cái
tài của Thế Lữ ở chỗ xây dựng thế nào mà cốt truyện Vàng và
máu gần gũi với Poe nhất nhưng cũng Việt Nam nhất. Tác giả đã
“bản địa hóa” kiểu truyện kinh dị - trinh thám hiện đại dưới ảnh
hưởng văn chương duy lý phương Tây và phong cách Edgar Poe bằng cách kết
hợp với Bồ Tùng Linh cũng như tín ngưỡng dân gian người Việt một
cách độc đáo tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm.
Bảng 2: So sánh đối chiếu Vàng và máu - Con cánh cam
vàng
CHI TIẾT
|
VÀNG VÀ MÁU
|
CON CÁNH CAM VÀNG
|
|
1. Không gian thực
|
- Núi Văn Dú thuộc Châu Kao Lâm (miền
thượng du)
- phong cảnh hoang vu, rừng xanh chi chít um tùm
|
- Một hòn đảo nhỏ xíu, rất lạ ở miền nam xứ
Ca-rô-lin
- lau sậy um tùm, khắp mặt đảo mọc một thứ gai rậm
rạp
|
|
2. Không gian huyền thoại
|
- Nơi quan Tầu giấu của
- Văn Dú là một sự gở lạ, nguồn những sự khủng khiếp
và những chuyện kinh hoàng, đầy tai họa
|
- Lời đồn về những kho tàng tướng cướp Kít và
đồng bọn chôn rải trên bờ biển Đại Tây Dương
|
|
3. Nhân vật
|
- Quan Châu Nga Lộc, một người có học thức, đọc
được chữ Hán
- Mấy người Thổ thân tín, tuyệt đối trung thành
|
- Uy- Liêm: có sức học rộng, nhiều sách vở
- Du-Bi-Te: người da đen, lão bộc trung thành
|
|
4. Đề tài
|
- Kho báu- Mật mã
|
- Kho báu- Mật mã
|
|
5. Kết cấu
|
- Kho báu- Mật mã - Giải mật mã
-Những âm mưu chiếm đoạt kho báu không thành-cái
chết bi thảm
- Lấy được kho báu.
|
- Kho báu- Mật mã - Giải mật mã
- Lấy được kho báu.
|
|
6. Cách khám phá mật mã
|
-Tình cờ phát hiện câu thần chú từ tay một người
Thổ châu Kao Lâm
- Vô tình làm ướt miếng giấy và hơ lên lửa cho
khô ’ đọc được lời giải câu thần chú bí ẩn.
|
- Tình cờ phát hiện bản đồ kho báu vì bắt được
con cánh cam vàng kì lạ
- Vô tình vẽ vào miếng da nhặt dưới cát, ngọn lửa
lò sưởi làm hiện lên hình sọ người ’ lấy nước nóng lau
sạch miếng da và hơ trên bếp than nóng ’ những dòng chữ bí
mật.
- Dựa vào trí tuệ và suy luận để giải mã.
|
|
7. Âm mưu cướp kho báu và báo thù
|
- Lồng vào truyện chuyện quan Tàu giấu của và kẻ
ác tàn sát lẫn nhau để cướp kho tàng hoặc bị chết vì các tảng
đá có chất độc.
|
- Có những bộ hài cốt đào thấy cùng với hòm
vàng, bọn cướp biển giết bộ hạ để bảo vệ bí mật kho báu
|
|
8. Kết cuộc
|
- Nhân vật chính được hưởng kho báu và kể lại cách
mình tìm ra bí mật nhờ óc suy đoán và lập luận logic
|
||
- Phá bỏ nỗi sợ hãi huyền thoại bao đời
|
- Phê phán những kẻ tàn nhẫn, độc ác giết bộ hạ
để giữ bí mật kho báu
|
||
(Nguồn: Vàng và máu của Thế Lữ (1943), Con
bọ hung vàng, bản dịch năm 1957 của Hoàng Lan)
Nhân vật, đề tài, diễn biến của hai tác phẩm
khá trùng khít, nhất là chi tiết khám phá mật mã đều là
thấm ướt miếng da và hơ lên lửa. Nhưng khác với Poe, Vàng và máu ngoài không
gian thực còn đi vào khai thác yêu tố huyền bí tượng trưng trong
hình ảnh núi rừng linh thiêng, tạo thêm một không gian tín ngưỡng
tâm linh với màu sắc thần linh - ma quỷ huyền bí vốn có nền
tảng từ văn hóa phương Đông, khiến cho câu chuyện phù hợp
với người đọc Việt Nam và mục đích sáng tác thời bấy giờ: phá bỏ
óc mê tín bằng cách lý giải khoa học. Về cách giải mật mã,
Thế Lữ chỉ vay mượn chi tiết mật mã - giải
mã, còn nội dung đã Việt hóa theo kiểu những câu thần chú của các
thầy địa lý Tàu: Miệng có hai răng; ba chân bốn tay; Mày vào trăm
chân; Mày lên ba tay… làm tăng sự huyền bí nhưng cũng gần gũi với
người đọc Việt Nam vốn quen thuộc với những chuyện truyền kỳ Trung
quốc nhất là mô típ “Tàu để của”. Nhờ mô típ quen thuộc này và
kiểu kết thúc có hậu của truyện cổ tích dân gian: kẻ
ác, kẻ xấu bị trừng phạt bằng cái chết, người tốt sẽ lấy được kho
báu, tác phẩm của Thế Lữ tuy có bóng dáng duy lý của Edgar Poe nhưng
hoàn toàn Việt Nam và có giá trị hiện thực và lịch sử đôc đáo
của nó.
Với kiểu truyện vừa trinh thám phiêu lưu vừa kinh dị
kì ảo độc đáo này, Edgar Poe được coi là “tổ sư truyện trinh thám
hiện đại”, Con cánh cam vàng được “lấy tên để đặt cho một
tùng thư tiểu thuyết trinh thám ở Pháp (Le scarabee d’or)” (Hữu Ngọc,
2000, 530). Còn Vàng và máu của Thế Lữ, đã mở ra một kiểu
truyện đường rừng đặc sắc với những cây bút tiếp nối như Lan Khai,
Tchya Đái Đức Tuấn. Kế thừa thành tựu của những cây bút mở đường
nền văn học quốc ngữ trên mảnh đất Nam kỳ như Biến Ngũ Nhy, Phú Đức,
Lê Hoằng Mưu, Sơn Vương… (các tác giả này gần với Maurice Leblanc hơn
Poe) và cùng với Phạm Cao Củng, Bùi Huy Phồn, Thế Lữ đã góp phần
khẳng định sự ra đời của thể loại truyện trinh thám Việt Nam.
4. KẾT LUẬN
4.1. Nền tảng văn hóa Việt, Hán và Pháp như một
dòng hợp lưu, thấm đẫm trong những sáng tác của Thế Lữ. Qua văn bản
tiếng Pháp, ảnh hưởng Edgar Poe và các nhà viết truyện trinh thám Anh
- Pháp như Agatha Christie, Maurice Leblanc… đã có những dấu ấn đậm nét
trong truyện trinh thám nói riêng và sáng tác của Thế Lữ nói chung.
Điều có thể thấy rõ là không phải là sự vay mượn nguyên mẫu rập
khuôn và ngẫu nhiên mà có quá trình bắt nguồn từ ý thức chủ động
học tập tư tưởng, văn học Âu Tây để làm giàu văn học dân tộc của cả
một thời đại. Chất duy lý khoa học phương Tây được quyện lẫn với
tính chất huyền bí ma quái của Bồ Tùng Linh và cái kỳ ảo hoang
đường của truyện truyền kỳ dân gian Việt Nam làm thành sắc màu
truyện trinh thám của Thế Lữ.
4.2. Có thể vận dụng lý thuyết tiếp nhận văn học
của Hans Robert Jauss vào sáng tác của Thế Lữ để lý giải hiện tượng
này “Văn bản mới gợi lại cho người đọc (người nghe) tầm của những
đón đợi và quy tắc chơi quen thuộc từ những văn bản trước đó mà giờ
đây được biến cách, được sửa chữa, được thay đổi hay cũng chỉ được
tái tạo lại” (Huỳnh Vân, 2009, 62). Theo đó, giá trị thẩm mỹ của tác
phẩm văn học chính là ở sự cách tân, ở chất lượng khác biệt của
nó qua sự thay đổi (càng khác biệt càng có giá trị thẩm mỹ) giữa
tầm đón đợi cũ và tầm đón đợi mới do sự xuất hiện của một tác
phẩm mới. Mượn cách xây dựng năm hình mẫu truyện trinh thám của Edgar
Poe, mô phỏng nhiều tính cách của nhân vật thám tử Aguste Dupin nhưng
truyện trinh thám của Thế Lữ lại tổng hợp phong cách các cây bút
trinh thám phương Tây khác. Điều quan trọng là tác giả đã dựa vào
đặc điểm văn hóa, văn học của dân tộc để Việt Nam hóa Dupin và làm
mới cả Edgar Poe.
4.3. Bản thân Thế Lữ cũng có nhiều điều kiện thuận
lợi do những yếu tố tiếp nhận mang tính chất cá nhân gần gũi với
Poe hơn cả. Đó là hoàn cảnh sống, môi trường văn hóa, lịch sử, điều
kiện giáo dục, yêu cầu nghề nghiệp của một nhà báo. Nhưng có lẽ quan
trọng hơn cả là tâm hồn nghệ sĩ rộng mở trong ông. Thể loại nào Thế
Lữ cũng đi vào với tất cả say mê của mình như người đi tìm Cái Đẹp,
và muốn đi đến tận cùng thế giới thuần khiết của Cái Đẹp. Hoàng
Trọng Miên cũng rất say mê Edgar Poe, cũng học Poe đến mức tập
truyện Trăng xanh huyền hoặc xuất bản năm 1941 gồm 5/8
truyện kinh dị của ông hầu như là một bản sao hay tổng hợp, pha trộn
các tác phẩm của Poe, không vượt lên được chính nó tạo thành tác
phẩm mới như Thế Lữ. Phạm Cao Củng cũng chịu ảnh hưởng đậm nét
truyện trinh thám Conan Doyle và Edgar Poe. Nhân vật thám tử Kỳ Phát,
Tám Huỳnh Kỳ là những đóng góp quý báu của Phạm Cao Củng với thể
loại truyện trinh thám Việt Nam. Nhưng ở cảm nhận cá nhân, chúng tôi
thấy chất duy lý trong truyện trinh thám của Edgar Poe chỉ có Thế Lữ
thể hiện được đầy đủ nhất thông qua năm hình mẫu truyện trinh thám
đã phân tích. Có lẽ xuất phát từ đối tượng người đọc của Tự Lực
Văn đoàn tuy nói là tầng lớp bình dân nhưng chủ yếu vẫn hướng về
lớp thanh niên trí thức, những người có trình độ văn hóa, thẩm mỹ
nhất định trong xã hội Việt Nam những năm 1932-1945.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bửu Đình.
1998. Mảnh trăng thu. Tiền Giang. Nxb.Tổng hợp Tiền Giang.
2. Bùi Đức Tịnh.
2002. Những bước đầu của báo chí, truyện ngắn, tiểu thuyết và Thơ mới (1865-1932).
HCM: Nxb. TP.HCM
3. Christie,
Agatha. 2006. Mười ba vụ án (Tiểu thuyết trinh thám của Agatha
Christie). H: Nxb. Văn học.
4. Bằng
Giang. 1992. Văn học quốc ngữ ở Nam kỳ 1865-1930. HCM: Nxb
Trẻ.
5. Hoàng Nhân. 1998. Phác thảo quan hệ Văn học Pháp với Văn học Việt Nam hiện
đại. Minh Hải:Nxb. Mũi Cà Mau.
6. Hoàng
Trọng Miên.1941. Trăng xanh huyền hoặc (tập truyện). H: Nxb Đông
Phương.
7. Hữu Ngọc. 2000. Hồ sơ văn hoá Mỹ. H: Nxb.Thế giới.
8. Leblanc, Maurice. 2007. Arsene
Lupin - Cái chết rình rập. H: Nxb VHTT.
9. Mai Hương (sưu tầm).2000. Thế
Lữ cây đàn muôn điệu. H: Nxb. VHTT.
10. Nguyễn Giang .1936. Danh văn
Âu Mỹ. H: Imprimerie D’Extrême-Orient.
11. Nguyễn Huệ Chi. 2008. Thử định vị
Tự lực văn đoàn. Tham luận ở Hội thảo Tự lực văn đoàn tại Cẩm Giàng
ngày 9.5.2008. Nguồn: http://vietsciences.free.fr/ và http://vietsciences.org/
12. Nguyễn Văn Trung. 1950. Diễn tiến
truyện văn xuôi quốc ngữ. Lục Châu học. Nguồn:http://www.dunglac.org/
13. Phạm Cao Củng. 2006. Vết
tay trên trần. H: Nxb. CAND.
14. Phạm Cao Củng. 2006. Chiếc
tất nhuộm bùn, Kho tàng họ Đặng. H: Nxb. CAND.
15. Phạm Cao Củng. 2006. Kỳ Phát giết
người - Bóng người áo tím. H: Nxb. CAND.
16. Phạm Đình Ân tuyển chọn. 2006. Thế
Lữ, Về tác gia và tác phẩm. H: Nxb. GD.
17. Phạm Quỳnh.
2003. Luận giải văn học và triết học. H: Nxb VHTT
18. Phạm Xuân
Thạch. 2006. “Giáo dục Pháp Việt - Nhân tố then chốt trong quá trình
hiện đại hóa văn học Việt Nam”. Hội thảo quốc tế. Viện Văn học
Việt Nam.
19. Poe, Edgar
Allan. 2002. Tuyển tập Truyện ngắn Edgar Poe. Ngô Tự Lập và
nhóm địa cầu dịch. H: Nxb Văn học.
20. Thế Lữ. 2006. Thế Lữ
tuyển tập, Truyện ngắn, Tiểu luận, Phê bình, Tin thơ - Tin văn… vắn. H:
Nxb.Thanh niên.
21. Thế Lữ. 2006. Thế Lữ
tuyển tập, Truyện trinh thám. H: Nxb.Thanh niên.
22. Vũ Ngọc Phan. 2008. Vũ Ngọc Phan
tuyển tập. Tập IV. Bút ký, hồi ký và những trang
viết khác. H: Nxb Văn học.
23. Huỳnh
Vân. 2009. Vấn đề Tầm đón đợi và xác định tính nghệ thuật trong
mỹ học tiếp nhận của Hans Robert Jauss. Hà Nội: Tạp chí Nghiên
cứu văn học số 3 (445), tr. 55 - 71.
Chú thích:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét