Thứ Hai, 3 tháng 8, 2020

Đinh Tiến Luyện

Đinh Tiến Luyện
(Họa sĩ trường phái mắt to)
“Họa sĩ trường phái mắt to” là nhận xét của nhà văn Duyên Anh về Đinh Tiến Luyện, một đồng nghiệp và cũng là cộng sự thân thiết của ông.
Khuôn mặt rắn rỏi, tóc cắt ngắn và nụ cười tươi tắn trên môi đó là hình ảnh tôi còn nhớ rõ khi gặp Đinh Tiến Luyện lần đầu tại nhà của nhạc sĩ Nguyễn Tùng vào năm 1973 ở trong khuôn viên trại Võ Tánh Saigon. Lúc đó Đinh Tiến Luyện là sĩ quan đang ở trong quân đội.
Nhà văn Duyên Anh và nhà văn Đinh Tiến Luyện là hai trụ cột của tờ Tuổi Ngọc, một tuần báo uy tín dành cho lớp trẻ trước năm 1975. Đinh Tiến Luyện còn là một họa sĩ với nét vẽ không thể lẫn với ai, tranh hay minh họa của anh dù không ký tên thì người trong giới văn nghệ hay bạn đọc cũng dễ dàng nhận biết rõ anh là tác giả.
Trong một số tranh bìa trên Tuổi Ngọc có một bức anh vẽ hai cô bé đang kéo chuông trong sảnh giáo đường, với khuôn mặt thánh thiện và đầy niềm vui trong ngày lễ Giáng sinh, đã bao nhiêu năm qua nhưng mỗi dịp Noel về khi nghe tiếng chuông nhà thờ ngân lên, bất chợt tôi nghe lòng lại nhớ… hình ảnh của hai cô bé trong tranh.
Một buổi sáng năm 1990, bạn tôi anh Lê Nguyên Đại, trước năm 1975 là giáo sư dạy văn nổi tiếng ở trường trung học Trưng Vương Saigon, giờ anh nghỉ dạy, mở một Kiosque nhỏ bán sách bên cổng Nhà xuất bản Trẻ tại đường Alexandre de Rhodes (nay là đường Thái văn Lung) trước Dinh Độc Lập, rủ tôi lại đây uống cà phê. Trong lúc đang nói chuyện với anh thì bất ngờ từ trong sân nhà xuất bản Trẻ một người ăn bận lịch sự đi xe gắn máy ngang qua đưa tay chào rồi chạy thẳng, Lê Nguyên Đại nói với tôi:
Đinh Tiến Luyện! chắc đến xin tái bản sách.
Nghe nhắc đến Đinh Tiến Luyện lòng tôi bồi hồi, mười mấy năm rồi với biết bao thay đổi chắc anh không còn nhớ.
Nếu đúng như Lê Nguyên Đại nói, Đinh Tiến Luyện đến Nhà xuất bản Trẻ để xin giấy phép tái bản những tác phẩm của anh thì thật đáng mừng, dù sao đó cũng là  dấu hiệu  của sự «hồi sinh» đối với một nhà văn.
Năm 1991 Đoàn Thạch Biền và tôi xuống nhà Đinh Tiến Luyện ở Biên Hòa nhờ anh giúp một tay thực hiện tờ Áo Trắng, hơn ai hết Đoàn Thạch Biền biết rõ Đinh Tiến Luyện với bao nhiêu năm kinh nghiệm đã tích lũy khi làm Tuổi Ngọc sẽ cùng góp sức tạo đà cho tờ Áo Trắng đi lên. Đoàn Thạch Biền là phóng viên đang làm việc bên báo Người Lao Động, Đỗ Trung Quân lúc đó đang phụ trách một trang chuyên mục của tờ Tuổi Trẻ. Ban Biên tập chỉ có một nhóm người ít ỏi, ai cũng cố gắng hết mình vượt qua những khó khăn lúc ban đầu.
Đinh Tiến Luyện giữ trang Tổ Kiến một chuyên mục thường xuyên trên Áo Trắng cũng tựa như trang Chạp Phô của Tuổi Ngọc ngày xưa, trang Tổ kiến có số lượng bạn đọc tham gia nhiều nhất, liên tục suốt nhiều năm thường trực tại tòa soạn tôi đã tiếp nhận một lượng thư có thể gọi là «khủng khiếp» của bạn đọc gởi về tham gia chuyên mục này của anh, điều đó nói lên sự nhạy bén mà anh đã «nắm» được tâm lý cũng như sở thích của lớp trẻ lúc bấy giờ.
Áo Trắng được Điêu Quốc Việt một họa sĩ tài năng có lối trình bày thông thoáng, rõ ràng vì với hơn 60 trang  mà chuyển tải quá nhiều chương mục. Điêu Quốc Việt và Việt Hải là một trong hai họa sĩ trình bày mà mãi cho đến bây giờ tôi vẫn còn giữ lòng khâm phục.
Cùng với Hoàng Ngọc Tuấn, Từ Kế Tường, Mường Mán. Đinh Tiến Luyện là nhà văn viết cho tuổi mới lớn rất thành công trong giai đoạn trước năm 1975 mà tiêu biểu là tác phẩm Anh Chi Yêu Dấu, một cuốn sách thơ mộng, mượt mà đầy tính lãng mạn được giới trẻ yêu thích nhất ở thời điểm đó. Là nhà văn nhưng anh cũng là một họa sĩ tên tuổi. Minh họa anh thường vẽ cô gái có hai bím tóc với đôi mắt mở to ngơ ngác, miệng ngậm cộng cỏ. Tranh và minh họa của Đinh Tiến Luyện chủ yếu đăng trên tuần báo Tuổi Ngọc và các bìa sách của anh.
Đinh Tiến Luyện là người chu đáo và cẩn trọng trong công việc, làm chung với anh trên 15 năm tôi chưa bao giờ thấy anh giao bài vở trễ hẹn lần nào. Vào thời điểm mà nhiều người viết còn dùng máy đánh chữ hoặc viết bản thảo trên giấy thì anh đã sử dụng computer thành thạo và anh còn có cả máy in là điều rất hiếm hoi lúc đó. Trong một lần trả lời phỏng vấn của nhà báo Phạm Công Luận anh nói “ Tôi rất ham làm ra các ấn phẩm nên khi có chiếc computer đầu tiên là tôi cài photoshop và say mê với nó. Ngày nay với một thiết kế ấn phẩm nó có thể chui từ máy nhà mình, phóng thẳng tới nhà in và chạy ra một ấn phẩm hoàn toàn theo ý muốn, phong phú cả màu sắc lẫn chữ nghĩa. Tất cả dễ dàng hơn nhiều so với thời kỳ làm báo thủ công”.
Khi anh cùng gia đình ra định cư ở nước ngoài, Đinh Tiến Luyện tặng tôi một bức tranh khổ lớn do anh phóng tác, đó là một bức tranh sơn dầu tuyệt đẹp, tôi treo trong nhà một thời gian cũng khá lâu, sau này tôi tặng lại cho Mô Tô Học Bổng một tổ chức từ thiện của hai nhà văn Nguyễn Đông Thức và Đoàn Thạch Biền để bán đấu giá sung vào quỉ cho các em hiếu học ở những vùng nông thôn xa xôi, không biết giờ này bức tranh đã lưu lạc ở phương nào?
Cách nay 3 năm anh cùng gia đình vể tổ chức đám cưới cho hai người con tại Biên Hòa, gặp lại anh trong một buổi trưa đầy bận rộn không nói được gì nhiều.
Những người bạn cũ của anh, những người ngày xưa cộng tác với Tuổi Ngọc hay làm việc chung tại tờ Áo Trắng sau này, khi tiếp xúc và gần gũi họ tôi có cảm nhận rằng “Thay vì lòng đầy nhiệt huyết cũng như hăm hở của những ngày còn tuổi trẻ trên con đường văn chương, chữ nghĩa, bây giờ dường như họ đã chuyển qua một hướng đi khác, một hướng đi ấm áp đầy tình người và lòng nhân ái: Sống cho mọi người, sốngvì mọi người: Như Mường Mán và bà xã anh cùng với nhóm bạn “Chung một tấm lòng” đã nấu cả trăm suất cơm từ thiện, phân phát cả trăm phần quà cho các bệnh nhân ở các bệnh viện tại Saigon trong những ngày lễ, tết. Như Đoàn Thạch Biền và Nguyễn Đông Thức rong ruổi đến tận những vùng thôn làng heo hút với  số tiền quyên góp được làm quà học bổng cho những trẻ em nghèo. Như những bức tranh giá trị của Đinh Tiến Luyện dành cho Mô Tô Học Bổng bán đấu giá sung vào quỉ cho những trẻ em hiếu học… Không biết đó có phải là một chuyển hướng của những nhà văn khi thời gian đã đè nặng trên vai của mỗi người?.
Saigon, tháng 6, 2018
Phạm Thanh Chương
Theo https://vanchuongviet.org/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...