Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2020

Hoa nhài và những vui buồn quanh hoa nhài

Hoa nhài và những 
vui buồn quanh hoa nhài
Tình cờ đọc được bài thơ HOA NHÀI của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến trên mạng, tôi ngẩn người, bởi bỗng tìm thấy biết bao sự đồng cảm, đồng điệu của một tác giả tôi chưa hề biết mặt… Cuộc đời sao lại có những sự trùng hợp đến thế?
HOA NHÀI
Lần đầu đến thăm tôi
Cô mang theo một đóa hoa nhài
Hoa bình dị
Tôi mỉm cười
Nhìn mây bay
Hờ hững.
Rồi lần sau
Cả những lần sau
Cô không mang thay đổi sắc màu
Vẫn bình dị những đóa nhài nho nhỏ
Và tôi cười
Hờ hững ngó mây trôi.
Rồi một chiều cô không đến thăm tôi
Một ngày đông hoa nhài không nở
Tôi ngơ ngẩn bên thiếp hồng để ngỏ
Ngó mây trời tôi đếm bâng quơ
Tôi trách cô vội bước sang đò
Không thương nhớ những cánh nhài nho nhỏ
Thấm trong tôi hương nhài nỗi nhớ
Tôi trách mình hờ hững ngó mây trôi.
(Đại học Văn Hóa Hà Nội, 1990)
Trước khi đi vào bài thơ trên, tôi xin được rông dài đôi chút, nhưng tất nhiên là rất gần gũi với những tâm sự của nhà thơ này.
Thế hệ học sinh sinh viên hiện nay nhìn chung không thích thơ ca, kể cả sinh viên các trường nghệ thuật - trong đó có sinh viên của tôi. Đôi khi rảnh rang, và chợt “hâm hâm” chút, tôi mới bâng quơ tự hỏi về điều này, để rồi tặc lưỡi: “Ôi dào, tự hỏi, hay hỏi ai về cái thứ tào lao này thì đúng là rỗi hơi thực!” Bởi một chuyện đã xảy ra có liên quan đến thơ ca thỉnh thoảng vẫn đâm vào ký ức tôi như cái dằm ẩn sâu dai dẳng…
Dạo đó, tôi ký hợp đồng làm phim tài liệu cho một Tổng Cty lớn của nhà nước, phải đi tới nhiều địa phương toàn quốc và một số nước Đông Nam Á quay tư liệu. Người được cử đi theo giúp đỡ và giám sát đoàn làm phim là một cô gái xinh đẹp, có học thức, làm phó phòng thông tin tuyên truyền của Tổng Cty này. Nói chuyện sơ sơ, được biết cô ta học ở trường Đại học Văn hóa ra, tôi thấy tạm yên lòng bởi người giám sát, đỡ đần công việc như thế cũng gần gũi với nghề nghiệp của mình, và thời gian làm phim cũng sẽ bớt vất vả lầm lụi vì có “bóng hồng” bên cạnh tỏ ra yêu thích văn chương nghệ thuật… Nhưng tôi sẽ chẳng kể lại câu chuyện này, nếu như cô gái ấy đã không ngắt tặng tôi một bông hoa nhài khi quay tại một ngôi chùa, và bắt tôi kể về thân phận hoa nhài, để rồi một chuyện khá đau lòng, khá nhục nhã xảy ra sau đó không lâu…
Tôi kể: Có một câu truyền miệng tự bao đời nay: "Ngát thơm hoa sói hoa nhài/ Khôn khéo thợ thầy Kẻ Chợ"; nhưng nhiều người Hà Nội cũ trong thuở thơ ấu hẳn đã có lần phải thắc mắc: trong những gói hoa cúng mà các cô gánh hàng hoa lặn lội từ các làng hoa ra đem treo nơi cửa Phật, cửa nhà (rồi lần sau mới lấy tiền), tại sao không có hoa nhài? Tại sao trên mái tóc những cô gái thường cài hoa bưởi, hoa nhài, hoa ngâu, và trong chén trà buổi sớm của người cha đáng kính vẫn thường ngan ngát hương nhài, hương sen, thế nhưng riêng hoa nhài lại bị mang một một cái "án" không tuyên dai dẳng trong tiềm thức nhiều tầng lớp người, trong định kiến toàn xã hội, khiến hoa chỉ biết lặng lẽ nâng vạt áo nâu sồng gạt lệ khóc thầm qua nhiều thiên niên kỷ?... Thật đáng tiếc cho một tâm hồn vĩ đại như Nguyễn Trãi, vốn nặng tình yêu dân trọng dân, nhưng chỉ vì từng là môn sinh nơi cửa Khổng sân Trình, hoặc chỉ vì định kiến chung áp đảo, lại thiếu chút ít thông tin về đời sống mà có ấn tượng không đẹp về hoa nhài:
Môi son bén phấn dây dây
Đêm nguyệt đưa xuân một nguyệt hay
Mấy kẻ hồng nhan thì bạc phận
Hồng nhan kia chớ cậy mình thay
(Trong phần Môn hoa mộc của Quốc âm thi tập)
Nói "môi son bén phấn" là vì hoa nhài từ trước vẫn tượng trưng cho kỹ nữ, gái làng chơi; và hoa chỉ ban đêm mới thơm nên còn được gọi là Dạ lai hương ("đêm nguyệt đưa xuân"), rất dễ liên tưởng tới nghề nghiệp của "gái lầu xanh" (mà một cô gái mười phân vẹn mười như nàng Kiều của cụ Nguyễn Du cũng có thể rơi vào bởi cái xã hội đảo điên ăn thịt người!). Riêng tôi thì tin chắc rằng: nếu không mắc phải họa tru di tam tộc, có thêm một thời gian nữa sống nơi thôn dã lương dân, một trái tim nhạy cảm và thanh cao như Nguyễn Trãi sẽ có cách nhìn hoàn toàn thay đổi về một loài hoa rất gần với nhân cách của cụ, hơn mọi thứ hoa nào khác mà cụ đã ca ngợi, như Mai, Đào, Cúc, Hòe, Mộc...
Trong thời đại này, hoa nhài thậm chí còn thoát khỏi sự trầm luân lặng lẽ của mình để bước vào đời sống chính trị, sự thanh khiết và dịu nhẹ của nó được gắn với một phương thức cách mạng "Bất bạo động". Mới nhất, cuộc cách mạng ở Tunisie và Ai Cập được gọi là "Cuộc cách mạng Hoa Nhài" - nghĩa là người dân đòi quyền sống, đòi công lý và hiến pháp một cách hòa bình thuần khiết theo tinh thần của Thánh Gandhi!
Tôi còn đọc và phân tích cho cô ta nghe bài thơ «Hoa nhài» vừa lạ, vừa hay đến thấm thía của nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy; rồi cho cô ta đọc cả một bài tiểu luận rất lý thú của cố nhà thơ kiêm nghệ sĩ của hoa và cây cảnh - ông Đặng Tiến Nam, một người Hà Nội tài hoa: "Từ ngàn xưa, từ các vương tôn công tử, các học giả, sĩ phu khắp chốn cung đình đến người dân nơi thôn dã ai ai cũng biết sử dụng hoa nhài để ướp trà... Ở đâu, nhài cũng sống giản dị, chẳng đòi hỏi gì, chỉ cần có đất, nước và khí trời. Một cuộc sống thầm lặng nép mình nơi bờ rào, ven lối đi, hoặc vạt đất thừa dưới ô cửa sổ, lầm lũi như hoa ngàn cỏ nội. Nhài cần mẫn như con tằm rút ruột nhả tơ, chắt chiu từng sợi nắng, giọt mưa, để rồi cống hiến bao hương sắc cho đời.
... Phương ngôn mình có câu nói rất đẹp: "Ân trả nghĩa đền". Vậy mà thế gian nỡ phũ phàng cay độc, gán cho Nhài là loài hoa "Con đĩ". Vậy nên từ xa xưa cho đến nay có bao giờ Nhài được người đời dùng làm hoa cúng. Nếu đem so sánh với đĩa hoa mà con người dâng cúng thần linh, thì Nhài đâu có điểm gì thua kém? Thậm chí còn hơn hẳn nhiều loài bởi vẻ đẹp và mùi hương! Trớ trêu thay, Nhài chỉ "can tội" trót nở và thơm về đêm để ướp tẩm giấc ngủ con người thêm đằm. Nỗi oan khiên của Nhài ai tỏ? Quả là "Hồng nhan đa mệnh bạc" (Duyên nợ trần gian - Tùy bút, truyện ngắn. Nxb Thanh niên, HN, 2003)
Thế nhưng, một tai họa nhỏ - nếu có thể gọi là «tai họa» đối với tôi, cũng bắt đầu từ đấy… Cô gái sau khi nghe tôi kể chuyện và đọc thơ văn về Hoa nhài, đã báo cáo về Tổng Gđ C.ty thế nào đó mà một tuần sau, khi tôi đang quay nốt các tư liệu cho phim ở một huyện miền núi, tôi nhận được một lá thư có cộp dấu của ông Tổng Gđ này: «Đạo diễn T thân mến! Xin được nói thẳng chẳng vòng vo: chúng tôi mời anh làm phim cho Tổng Cty là vì tin tưởng ở tay nghề của anh, mà qua một số chương trình anh thực hiện đã chứng tỏ. Nhưng có điều này, chúng tôi cần nói rõ: qua một số tin tức phản ánh của vài nhân viên, chúng tôi cảm thấy lo lắng, quan ngại, vì anh đã tỏ ra hứng thú với những câu chuyện thơ văn tầm phào, lại có liên quan tới gái làng chơi, dẫn đến lơ là đối với công việc anh đã ký trong Hợp đồng. Hơn thế, anh đã nói xấu anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, và nguy hiểm hơn, anh đã nói tới "Cuộc cách mạng Hoa Nhài" vớ vẩn nào đó, tất cả những điều này đã làm ảnh hưởng tới tư tưởng nghiêm túc và tư cách đứng đắn của đội ngũ nhân viên chúng tôi… Tôi có đủ chứng cứ trong tay. Với tình thân, tôi xin khuyên anh nên chấm dứt những câu chuyện như thế để tập trung cho công việc, và để anh khỏi vướng vào những mắc mớ chính trị không cần thiết... Chẳng giấu gì anh, cái Hợp đồng này, các nhân viên của tôi & không ít người thân quen của gia đình tôi đã “nhắm” từ lâu, đã “xí” nhiều lần, nhưng tôi đã dành cho anh! Thế nhé? Chúc vui, khỏe, thành công”.
Tôi như bị búa giáng thẳng vào đầu. Thì ra, cô gái đáng yêu kia đã ghi âm từng lời của tôi, như một thám tử lành nghề, để tâng công lãnh đạo. Hóa ra, tôi là kẻ thực ngây thơ, cả tin. Thế là, đây là một sự cảnh cáo, một sự đe dọa theo cách lịch sự. Nếu khi vừa ký hợp đồng, nghe những lời như thế, tôi sẽ xé tan nó trước mặt ông ta. Nhưng tôi đã trót nhận tiền tạm ứng theo tổng kinh phí hợp đồng, và đã chi tiêu gần hết cho phim. Tôi chỉ còn cách là nuốt nhục, phải làm như cái thư đó là một sự quan tâm chu đáo của ông chủ đối với người làm thuê. Đúng là tôi đang ở thân phận kẻ làm phim thuê, viết thuê, cần biết cẩn trọng hơn trước “mồm chó vó ngựa”, trước “kẻ sang có gang có thép”, để bảo vệ “niêu cơm” của gia đình tôi và tương lai chính trị của các con tôi. Và thế là, thứ hoa hiền lành đáng thương là hoa nhài từng chịu sự oan ức bao thế kỷ, không may dính phải một kẻ nghệ sĩ - nhà báo hạng bét như tôi lại phải gánh thêm nỗi oan ức mới… Giờ đây, ông ta đã chết trong trại tạm giam vì liên quan tới một vụ tham nhũng lớn; và sau khi thắp một nén nhang cầu cho linh hồn ông ta yên ổn nơi Cực lạc, tôi mới dám kể lại chuyện này. Nam mô A di đà Phật!
Đọc bài thơ Hoa Nhài của Đặng Xuân Xuyến, tâm trí tôi chợt hiển hiển lại mồn một câu chuyện  nhục nhã trên… Và nó như một lối mở ban đầu giúp tôi bước vào thơ anh. Điều trùng hợp lạ kỳ đầu tiên là Đặng Xuân Xuyến cũng học Đại học văn hóa như cô gái tôi đã kể! Theo năm sáng tác ghi dưới, và qua giọng thơ, tôi đoán lúc này tác giả mới ngoài 20 tuổi. Đó là cái tuổi của mơ mộng, của tình yêu theo kiểu Puskin: nếu người mà ta yêu say đắm bỏ đi lấy chồng, thì cầu cho người tình mới sẽ yêu em như tôi đã từng yêu! Nhưng điều thú vị hơn cả, là ý tứ bài thơ đã được triển khai như một bộ phim câm kinh điển của “Vua hài Sác-lô” - Ánh sáng thành phố (City Lights): một gã lang thang có tâm hồn cao thượng tình cờ gặp và đem lòng yêu một cô gái mù bán hoa, cứ mỗi lần có xe sang đỗ tới, gã lại bước đến mua cô gái mù, mua một bông hoa, khiến cô có ấn tượng đó là một người hào hoa và giàu có… Ở đây lại là một cô gái, đem theo một đóa hoa nhài mỗi lần tới thăm người cô quý thương. Nhưng tấm lòng chân thật, giản dị của cô, cùng đóa hoa cũng giản dị và “vô danh”, không có trong “từ điển của Tình yêu” đó đã được đáp lại bằng sự “hờ hững” của chàng trai. Chỉ tới khi, cô gái và “những đóa nhài nho nhỏ bình dị” không xuất hiện nữa, chàng trai mới chợt thấm thía sự quen thuộc đáng yêu của chúng, mới thấy tiếc đến “ngơ ngẩn”… Và khi “cô vội bước sang đò”, anh đã trách cô đã vội vã, đã “không thương nhớ những cánh nhài nho nhỏ”; nhưng thực ra là anh đã tự trách mình, giận dỗi với bản thân, để tới câu kết là một lời thở dài buồn bã, sự tiếc nuối vời vợi:
Thấm trong tôi hương nhài nỗi nhớ
Tôi trách mình hờ hững ngó mây trôi.
Cái độc đáo của bài thơ là sự khéo léo và tinh tế lồng ghép & tượng hình hóa vẻ đẹp thầm kín giản dị của tấm lòng cô gái với vẻ đẹp của hoa nhài - một vẻ đẹp mà nếu sống vội vã, xốc nổi, thực dụng sẽ không bao giờ nhận ra, không bao giờ hiểu nổi. Nhà thơ mượn hoa nhài trong hành động thầm lặng của cô gái để cảnh báo cho mọi người - trong đó có chính anh, về cách nhìn đối với những giá trị thực của tình cảm cùng cách ứng xử cần có đối với chúng. Đừng để tới khi những vẻ đẹp, những giá trị quý báu hàng ngày đến với ta nhưng vuột khỏi tay ta bởi sự vô tình vô cảm, ta mới ngẩn ngơ, giật mình tiếc nuối, than thở như chàng trai trong bài thơ!
Câu chuyện về Hoa Nhài có thể nói được biết bao điều về nhân tình thế thái. Sau bài thơ hay của Đặng Xuân Xuyến, tôi xin được nhắc lại bài thơ HOA NHÀI của thi sĩ Nguyễn nguyên Bảy - trong hàng ngũ những người tích cực bênh vực cho loài hoa đáng yêu và đáng thương này:
Ướp trà em. Cài tóc em. Mà vẫn khinh em. Hoa nở đêm.
Nhưng em vẫn nở đêm. Tắm mình trăng. Tắm mình sương. Cho ngon trà. Cho ngọt tóc. Em vẫn cứ là em. Hoa Nhài. "Nhưng em vẫn nở đêm. Tắm mình trăng. Tắm mình sương. Cho ngon trà. Cho ngọt tóc. Em vẫn cứ là em. Hoa Nhài.
23/7/2020
Nguyễn Anh Tuấn
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đội Mũ Lệch Thả vỏ quýt ăn mắm ngấu Hai năm nay, Cả Lĩnh làm ăn phát đạt. Chẳng thế mà hắn ta lại dựng ngay ở phố chính một tòa nhà ...