Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2020

Miền ký ức hoa gạo

Miền ký ức hoa gạo
Với những người từng sống, gắn bó ở quê thì hoa gạo như là người bạn thân, biểu tượng cho sức sống an lành, như ngọn đèn trời chiếu sáng cho làng quê thanh bình. Và tháng 3, đỏ thắm một màu hoa gạo, để lại trong tôi những khắc khoải, đậm sâu.
Đưa tuổi thơ về với mơn man ký ức…
Cái thời lên bốn, lên năm chân trần, tóc vàng hoe nắng cháy, mỗi tháng 3 về, đi chăn trâu thể nào tôi cũng phải tới gốc gạo một lần. Chỗ ấy chẳng phải nhiều cỏ, cũng chẳng có bóng râm mát mà giản đơn vì có những bông hoa rực đỏ cuốn hút khó cưỡng.
Dưới gốc hoa gạo, bao nhiêu trò chơi được bày ra. Khi thì lấy thân cây làm điểm tựa để chơi nhảy ngựa, nắm tay nhau thành vòng tròn quanh thân, miệng hát líu lo. Khi lại lấy chính những bông gạo rụng xuống chơi đồ hàng, tết thành vương miện làm cô dâu chú rể. Chỉ từ bông hoa gạo đơn sơ, giản dị mà đủ sức cho trí tưởng tượng của bọn trẻ bay xa trong biết bao trò chơi. Chơi chán, chúng tôi nằm cạnh nhau, tay nắm tay ngước nhìn lên những bông hoa đỏ rực rồi thi nhau đếm. Bất chợt có bông hoa nào rụng xuống trúng người thì lại cười khúc khích. Cũng từ đây nhiều lời đồn thổi, truyền miệng khiến những ai yếu bóng vía thì sợ hết hồn. Có đứa bảo “hồn cây đa, ma thần gạo” nên chắc chắn quanh cây gạo sẽ có những hồn ma. Thế nhưng rồi chỉ độ hai hôm, chuyện hồn ma lui vào dĩ vãng và bên gốc hoa gạo lại rộn vang tiếng cười trẻ thơ.
Rồi hoa gạo kết trái, bông hoa gạo trắng xóa la đà bay trong không trung. Đi trong không gian yên tĩnh của làng quê, vùng trời thoáng đãng, bông hoa gạo trắng bay bay đậu trên vai áo, đậu trên mái tóc mềm của tôi, của bạn để thương để nhớ.
… Mãi mãi không quên
Lớn lên đi xa, hình ảnh hoa gạo khiến lòng tôi nôn nao, nhung nhớ. Mỗi độ tháng 3 về, bắt gặp một hình ảnh, tứ thơ hay bản nhạc nói về hoa gạo lòng lại đầy khắc khoải, dâng lên nỗi ngậm ngùi khôn nguôi. Đó là hình ảnh bông hoa gạo hiện lên với một bức tranh quê nghèo mộc mạc và chân tình qua tứ thơ của nhà thơ Nguyễn Khắc Hào: “Gặp tháng ba mùa hoa gạo nở/ Thức một khoảng trời vạt sông quê/ Kìa mắt ai ngước nhìn mơ mộng quá/ Ta như quen như lạ lẫm lối về”. Hay chuyện tình đôi nam nữ trong huyền thoại: “Lửa hạ nhen hồng lên dáng hoa/ Đường thôn thắm đỏ sắc quê nhà/ Em nhắn: đang mùa hoa gạo nở/ Anh về ôn chuyện Mộc Miên xưa!”.
Đặc biệt khi nghe lại bài hát “Chị tôi” được nữ ca sĩ Mỹ Linh hát trong bộ phim “Người Hà Nội”, nước mắt tôi lại rưng rưng xúc động. Lời bài hát với hình ảnh hoa gạo gợi nhớ cho mỗi người trong chúng ta hình ảnh người phụ nữ đa đoan, khổ hạnh. Giai điệu bài hát da diết, mỗi ca từ giống như đang xoáy vào tâm can người nghe. “Thế là chị ơi/ Rụng bông gạo đỏ/ Ô hay, trời không nín gió/ Cho ngày chị sinh”.
Tháng Ba đỏ thắm màu hoa gạo đã 
đưa tuổi thơ về với miên man ký ức. 
Hoa gạo còn gợi nhớ những tình cảm, kỷ niệm của tôi với nội. Nội thuộc rất nhiều ca dao, tục ngữ mặc dù nội chưa học hết trường làng. Nội bảo, hoa gạo nở là tín hiệu để nhận biết sự giao mùa và chuyển đổi giống cây trồng cho phù hợp: “Bao giờ đom đóm bay ra/ Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng”. Giờ nội đã đi xa về cõi vĩnh hằng nhưng với tôi nội vẫn đang còn ở đây, bên cạnh tôi cùng những cánh hoa gạo an yên khôn xiết.
Về với miền ký ức hoa gạo tôi như được sống lại chính tuổi thơ của mình, được nương náu, bao dung, xua tan muộn phiền ngày cũ. Xin được khép lại cảm xúc nỗi lòng dành cho mùa, cho tháng 3, cho những bông hoa gạo đỏ rực bằng những câu thơ mà tôi tình cờ đọc được: “Em ở đây không có mùa hoa gạo/ Đỏ rực trời đốt cháy tháng ba/ Cho lòng ai thổn thức lúc chia xa/ Quay quắt bước mà hồn còn một nửa...”.
13/6/2017
Cao Văn Quyền
Nguồn: Làng Việt online 
Theo http://www.vncgarden.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tiếng gọi đêm cuối năm

Tiếng gọi đêm cuối năm Đêm hai mươi sáu Tết, chị đứng trên ban công tầng bốn, lặng lẽ đưa đôi mắt u buồn nhìn xa xăm xuống đường phố. Hai ...