Trên Văn Nghệ số 10 (9/3/1996) có bài Thơ Văn Nghệ 1995 - Cuộc gặp mặt đông đủ và sang trọng, ở trang 5, với tư cách là Phó Chủ tịch Hội đồng thơ của Hội Nhà Văn Việt Nam, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã tổng kết, điểm qua những nét nổi bật của các bài thơ dự thi, khi điểm thơ Nguyễn Trọng Tín (Thái Lan rừng chiều - bài đạt giải ba), tác giả bài báo đã bình"... người đi xa nhớ về quê, về đất nước là tâm trạng của thi sĩ nhiều thời". Cách đây gần chục thế kỷ, nhà thơ Mãn Giác đi sứ sang Tàu mà còn nhớ "Lúa sớm bông thơm cua béo ghê" và "Dẫu vui đất khách chẳng bằng về" (Văn Nghệ số 10 năm 1996).
Ai cũng biết, Mãn Giác là Thiền sư nổi tiếng thời Lý, tên là Lý Trường, thuộc dòng dõi vương triều bấy giờ. Khi đã xuất gia, ông chưa hề tham gia chính sự và cũng không một lần đi sứ sang Tàu. Về thơ, ông chỉ để lại bài thơ - bài kệ nổi tiếng với hai câu cuối:
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền dạ nhất chi mai.
Đình tiền dạ nhất chi mai.
Vì nhầm lẫn nên bốn tuần sau, trên Văn Nghệ số 14 (6.4.96) mục Hộp thư đã đính chính "hai câu thơ trên là trích trong bài Quy Hứng của Tiến sĩ Nguyễn Trung Ngạn (1289-1379), chứ không phải của Mãn Giác Thiền sư". Sau đó, Văn Nghệ số 23 (8/6/96) lần nữa lại đính chính "đúng như bạn đã chỉ cho (Nguyễn Duy Dương, giáo viên văn PTTH Nam Định - Nam Hà), hai câu thơ trích trong bài là của Tiến sĩ Nguyễn Trung Ngạn chứ không phải là của Mãn giác Thiền sư. Toà soạn và tác giả xin cảm ơn bạn đã có công nhặt giùm hạt sạn".
Chúng tôi thấy rằng:
1. Hai lần đính chính đều không nhất quán về năm mất của Nguyễn Trung Ngạn.
- Về năm sinh, Nguyễn Trung Ngạn sinh năm Kỷ Sửu (1289) niên hiệu Trùng Hưng đời Trần Nhân Tông. Sách xưa chép rằng, mẹ ông là ca nhi mộng thấy nuốt trâu vào bụng nên mang thai và đến năm Kỷ Sửu sinh ra ông.
- Về năm mất, xưa nay các sách lịch sử văn học, hợp tuyển thơ văn, sách giáo khoa đều chép là 1370 (chưa thấy sách nào chép 1379): Tìm hiểu kỹ, năm 1370 cũng chưa phải là năm mất của ông.
a. Bài tựa Giới Hiên thi tập không khẳng định năm mất của ông. Sách chỉ ghi rằng năm ất Mùi (1355) lúc 67 tuổi, thăng chức An Phủ Sứ Lạng Giang, Nhập nội hành khiển, Thượng thư hữu bật kiêm Tri Khu mật viện sự, thị kinh diên khai huyện bá. Từ đó về sau không nghe thấy tiếng tăm ông trong sử sách. Ông làm quan trải qua năm đời vua: Nhân Tông, Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông, Dụ Tông(1).
b. Sách Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỷ, kỷ nhà Trần, quyển V, VI, VII có chép việc Nguyễn Trung Ngạn từ lúc đỗ Hoàng giáp khoa thi 1304 đến khi làm các chức quan, chứ không chép năm mất.
c. Sách Lịch triều hiến chương loại chí (các mục Nhân vật chí, Văn tịch chí) có ghi "Năm Thiệu Phong 15 (1355) đời Trần Dụ Tông, ông được việc thăng Kinh lược sứ Lạng Giang. Đại hành khiển, Thượng thư hữu bật, kiêm cả Viện Khu mật Đại học sĩ hầu ở toà Kinh duyên, Trụ quốc, khái huyện bá, gia Thân quốc công. Hơn 10 năm sau ông chết, thọ hơn 80 tuổi. Như vậy sách này cũng không ghi rõ đích xác năm mất của ông. Nếu tính từ năm 1355 "hơn 10 năm" là sau năm 1365, và "thọ hơn 80 tuổi" là vào khoảng 1369-1370 (vì năm 1368 ông đúng 80 tuổi).
d. Sách Đăng khoa lục ghi: "Ông làm quan đến Thượng thư Lục bộ kiêm Khu mật quốc công, thọ 80 tuổi (công sĩ chí Lục bộ Thượng thư, kiêm tri Khu mật, quốc công, thọ bát thập tuế).(2)
d. Sách Trích diễm thi tập (Hoàng Đức Lương) chép: "Ông thọ 80 tuổi, hiệu là thần đồng, làm quan chức Thiếu chuyển khai nội hầu" (thọ bát thập tuế, hiệu thần đồng, sĩ chí Thiếu chuyển khai nội hầu).
Như vậy, căn cứ theo tài liệu a, tuy không nói năm mất của Nguyễn Trung Ngạn nhưng chi tiết ông làm quan trải 5 đời vua đã là căn cứ để cho chúng ta thấy rằng có lẽ ông mất vào năm 1369 lúc 81 tuổi. Vì đây là năm Dương Nhật Lễ phế Trần Dụ Tông chiếm ngôi. Năm sau, Canh Tuất (1370), Nhật Lễ bị hạ, Trần Nghệ Tông lên thay. Nếu nói ông sống đến 1370 có nghĩa là ông thọ 82 tuổi và phải trải qua 6 đời vua (năm 1370 là niên hiệu Thiên Khánh của Trần Nghệ Tông). Nếu theo tài liệu thì Nguyễn Trung Ngạn mất trên 80 tuổi khoảng năm 1369 không thể là năm 1370. Nếu căn cứ vào tài liệu d và e thì ông mất lúc 80 tuổi tức năm Mậu Thân 1368 niên hiệu Đại Trị đời Trần Dụ Tông.
2. Đính chính lại về học vị của Nguyễn Trung Ngạn.
- Nói Nguyễn Trung Ngạn thi đỗ Tiến sĩ là đúng nhưng chưa trúng và chưa đủ.
- Kỳ thi Đình xếp lại danh hiệu trúng tuyển của các vị đỗ đại khoa được chia làm ba bảng (tam giáp) như sau:
a. Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ gồm tam khôi (3 vị đỗ đầu) Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám hoa, tên ghi ở chánh bảng.
b. Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân: người đứng đầu bảng này là Hoàng Giáp, tên ghi ở chánh bảng.
c. Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân: tất cả người đỗ được gọi là Tiến sĩ, tên ghi ở phụ bảng.
Các vị đỗ trong 3 giáp trên được vua ban áo mão, đãi yến tiệc, ban sắc tứ vinh qui và được ghi tên vào bia Tiến sĩ ở Văn Miếu. Riêng triều Nguyễn, ngoài ba bảng trên còn lấy thêm học vị Phó bảng. Người đỗ học vị này cũng được gọi là đỗ đại khoa, được vua ban áo mão và sắc tứ vinh quy, có điều mão chỉ có 2 cánh chuồn, còn đuôi sau bị cắt và không được ghi tên ở bia Tiến sĩ. Sau này muốn xin đi thi lại để đạt học vị cao hơn cũng không được. Đây là nỗi đau của kẻ sĩ đỗ học vị này.
Điều lưu ý là không phải khoa nào cũng có đủ tam khôi hay tam giáp. Có khoa, người đỗ Đình nguyên là Bảng nhãn, như Lê Quí Đôn (khoa thi năm 1752 đời Lê Cảnh Hưng); có khoa, người đỗ đầu là Thám hoa, như Nguyễn Trung Oánh, khoa Mậu Thìn năm 1748 triều vua Lê Cảnh Hưng; và có khoa người đỗ đầu là Hoàng Giáp (bảng thứ nhì), vì ở bảng thứ nhất không có ai như Nguyễn Khuyến, khoa thi Tân Mùi 1871 đời Nguyễn Tự Đức; và cũng có khoa ở bảng thứ nhất, bảng thứ nhì không có ai nên Đình nguyên là đồng Tiến sĩ xuất thân (bảng thứ ba), như Nguyễn Tông Trình đỗ khoa thi năm Giáp Tuất 1754 đời Lê Cảnh Hưng thứ 15.
Tôi hơi dông dài một chút để nói rõ hơn về học vị thi Đình ngày xưa. Còn Nguyễn Trung Ngạn thì sao ? Thời Trần, lúc Nguyễn Trung Ngạn thi không có học vị Tiến sĩ mà là học vị Thái học sinh (dĩ nhiên hai học vị này tương đương nhau). Ông đỗ Hoàng giáp (Đệ nhị giáp, đệ nhất danh) lúc 16 tuổi ở khoa thi Đại tỷ năm Giáp Thìn (tháng 3 năm 1304) đời vua Trần Anh Tông (niên hiệu Hưng Long thứ 13). Khoa thi này có 44 người đỗ, trong đó bảng thứ nhất có đủ tam khôi: Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Bảng nhãn là Bùi Mộ, Thám hoa là Trương Phóng. Đầu bảng thứ hai là Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn. Bảng thứ ba với 40 vị Thái học sinh (theo Đại Việt sử ký toàn thư và Lịch triều Hiến chương loại chí). Khi gọi học vị Tiến sĩ là chỉ những người đỗ ở bảng thứ ba (đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân) còn những người đỗ ở bảng thứ nhất, bảng thứ hai phải gọi đúng học vị của họ là Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp kèm theo tên khai sinh, như Bảng nhãn Lê Quý Đôn, Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi v.v...
Vậy gọi Tiến sĩ Nguyễn Trung Ngạn cũng được nhưng chưa trúng và chưa đủ (lúc này chưa có học vị Tiến sĩ) mà phải gọi là Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn.
3. Nguyễn Trung Ngạn là tác giả Giới Hiên thi tập, cả tập nay đã mất, người đời sau gom góp chép lại được hơn 80 bài. Phan Huy Chú trong Lịch triều Hiến chương loại chí (Văn tịch chí II) đã khen thơ ông hết lời "Lời thơ phần nhiều hào mại phóng khoáng, có khí phách và cốt cách Đỗ Lăng". Khi đi sứ sang nhà Nguyên Trung Quốc, ông viết nhiều bài thơ nhớ về quê hương đầy lòng tự hào dân tộc, với "Lời thơ mạnh mẽ, phóng khoáng khác thường"... "Thơ tứ tuyệt của ông lại càng hay, không kém gì đời Thịnh Đường", "Lời thơ thanh nhã xinh đẹp, có phong thể như thơ của Long Tiêu (Vương Xương Linh) và của Cung Phụng (Lý Bật). Trong đó có bài thơ Quy hứng:
Lão tang diệp lạc tàm phương tận,
Tảo đạo hoa hương giải chính phì,
Kiến thuyết tại gia bần diệc hảo,
Giang Nam tuy lạc bất như qui.
Tảo đạo hoa hương giải chính phì,
Kiến thuyết tại gia bần diệc hảo,
Giang Nam tuy lạc bất như qui.
Dịch thơ:
Thích về nhà
Dâu già lá rụng tằm vừa chín,
Lúa sớm bông thơm, cua béo ghê,
Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt,
Dẫu vui đất khách chẳng bằng về.
(Bài dịch Hoàng Việt thi tuyển, Văn hoá, H, 1958)
Dâu già lá rụng tằm vừa chín,
Lúa sớm bông thơm, cua béo ghê,
Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt,
Dẫu vui đất khách chẳng bằng về.
(Bài dịch Hoàng Việt thi tuyển, Văn hoá, H, 1958)
Xin cung cấp một bản dịch khác của đồng chí Xuân Thuỷ. Vào năm 1972, trên chuyến bay trở lại Paris đàm phán (Hội nghị bàn tròn của Chính phủ 4 bên, chuẩn bị ký Hiệp định Paris 17/1/1973, ngừng bắn ở miền Nam, Xuân Thuỷ đã dịch bài thơ như sau:
Dâu già, lá rụng, tằm xong,
Bông thơm lúa sớm, béo mòng con cua,
Ở nhà nghèo thế mà ưa,
Giang nam vui mấy cũng thua về nhà.
Bông thơm lúa sớm, béo mòng con cua,
Ở nhà nghèo thế mà ưa,
Giang nam vui mấy cũng thua về nhà.
Nguyên tác bài thơ đã hay, hai bản dịch lại đầy ý vị, hấp dẫn. Tất cả mang nặng nỗi lòng nhớ quê hương, tự hào về đất nước. Quê mình dù còn nghèo nhưng rất vui và thật đáng yêu, đáng nhớ biết bao, so với phồn hoa đô hội nổi tiếng cùng thắng cảnh hữu tình ở Giang Nam. Trên đường đi công tác, có lẽ Xuân Thủy đã gởi gắm lòng mình qua tiếng nói tâm tình của người xưa chăng?.
CHÚ THÍCH
(1) Có lẽ bài tựa sách nhầm vì mãi đến đời Trần Anh Tông, ông mới thi đậu rồi làm quan. Cho nên năm đời vua mà ông đã trải qua là: Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông, Dụ Tông và Dương Nhật Lễ (niên hiệu Đại Định 1369).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét