Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

Lê Trí Viền, bậc sư biểu 'kính nhi cận chi"

Lê Trí Viễn, bậc sư biểu "kính nhi cận chi"

                                                       PGS.TS  Lã Nhâm Thìn 
Với chúng tôi và nhiều thế hệ học sinh, GS.NGND Lê Trí Viễn - Một giáo sư đầu ngành, một nhà khoa học uyên bác Đông Tây kim cổ - là một bậc sư biểu "kính nhi cận chi" vô hạn kính trọng và vô cùng gần gũi.
GS.NGND Lê Trí Viễn sinh ngày 10 tháng 3 năm 1918 trong một gia đình bần nho tại thôn Bào Đông, xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Thuở nhỏ học tại nhà, sau theo học trường và cũng chỉ được học hết Cao đẳng tiểu học. Năm 21 tuổi là giáo viên trường Tiểu học Bảo An tại quên nhà. Vừa dạy, vừa tự học, Thầy lần lượt đỗ tú tài 1 tại Quảng Nam, rồi thủ khoa kỳ thi tú tài 2 ngành Triết học năm 1945 tại Huế. Vẫn tiếp tục con đường vừa dạy vừa tự học, thầy giáo trẻ Lê Trí Viễn đã có tiếng tăm về học vấn, nên ngay khi cách mạng Tháng Tám thành công Thầy đã được cử giảng dạy tại trường Quốc học Huế. Bên cạnh học vấn tự học từ sách vở, từ trường đời, ở Lê Trí Viễn đã xuất lộ thi tài với những bài thơ mang đậm phong cách riêng: Vườn khuya (1940), Tới đây (1942), Bào Nghi Châu (1943)... Tuy nhiên, duyên mệnh của Thầy vẫn là nghiệp văn gắn liền với nghề giáo.
Kháng chiến toàn quốc, năm 1947 trường Quốc học Huế chuyển ra Hà Tĩnh, đổi tên thành trường chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng. Cũng từ ngôi trường này, từ người thầy Lê Trí Viễn, sau này đất nước có những nhà khoa học nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực - khoa học xã hội như Nguyễn Tài Cẩn, Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Đức Nam, khoa học tự nhiên như Nguyễn Đình Tứ...
Năm 1950, Thầy về dạy rồi làm hiệu trưởng trường cấp 3 Lê Khiết - Quảng Ngãi. Thời kì kháng chiến chống Pháp, nghiệp văn của Thầy Lê Trí Viễn không chỉ gắn bó với nghề giáo qua các bài giảng mà còn qua những sáng tác văn chương. Bên cạnh cuốn lịch sử văn học đầu tiên được viết với quan điểm macxit - Việt Nam văn học sử - thời Lê mạt, Nguyễn sơ (1951), Thầy còn sáng tác nhiều truyện ngắn và kí đăng trên các tạp chí văn nghệ của Liên khu IV.


Năm 1954, Thầy Lê Trí Viễn tập kết ra Bắc, công tác tại ban Tu Thư của Bộ Giáo dục. Thời gian làm việc tại ban Tu Thư, Thầy viết sách giáo khoa văn cho các cấp 2, 3. Lê Trí Viễn cùng với các nhà văn, các nhà khoa học tên tuổi như Hoàng Ngọc Phách, Vũ Đình Liên, Huỳnh Lí, Chương Trính, Đỗ Đức Hiểu thành lập nhóm nghiên cứu văn học mang tên Lê Quý Đôn. Lê Trí Viễn còn là dịch giả nổi tiếng với những dịch phẩm như Thần khúc (Dante), Những người khốn khổ (V.Hugo, dịch chung)...

Từ năm 1958, Thầy về giảng dạy tại khoa Ngữ văn trường Đại học sư phạm Hà Nội và ở cương vị chủ nhiệm khoa từ năm 1963 đến năm 1978, Thầy Lê Trí Viễn có nhiều công trình khoa học đặt nền móng cho việc giảng dạy và nghiên cứu văn học Việt Nam, nhất là văn học trung đại, như bộ Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam (đồng tác giả, 3 tập, 1958), Một số vấn đề lịch sử văn học Việt Nam (1961, xuất bản tại Trung Quốc, trong thời gian làm chuyên gia tại Đại học Bắc Kinh), Thơ văn Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương (1968). Năm 1978, Thầy chuyển vào giảng dạy tại Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho đến ngày nghỉ hưu. Thầy hưu công chức chứ không hưu công việc.
Thầy vẫn tham gia đào tạo cao học, nghiên cứu sinh, viết sách, mở trường trung học phổ thông, phát triển nhà trường với vị thế đứng ở tốp đầu trong hệ thống các trường dân lập ở thành phố Hồ Chí Minh... Thầy xuất bản một loạt công trình, kết tinh độ chín nhất về khoa học cơ bản và khoa học sư phạm của "một đời dạy văn, một đời viết văn": Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao càng nhìn càng sáng (1982), Lịch sử văn học Việt Nam thế kỉ X - giữa thế kỉ XIX (1985), Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam (1996), Nghĩ về thơ Hồ Xuân Hương (viết chung, 1996), Đến với thơ hay (1997), Quy luật phát triển của lịch sử văn học Việt Nam (1998)...

GS.NGND Lê Trí Viễn là một tấm gương về quyết tâm và nghị lực tự học đến phi thường. Tự học kiên trì để từ trình độ tiểu học, vượt xuất sắc qua trình độ tú tài rồi trở thành giảng viên, thành giáo sư đại học, thành chuyên gia đầu ngành thuộc tầm cỡ số một trong giảng dạy và nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam.
Tự học quyết liệt để từ vốn chữ Hán ban đầu khiêm tốn học tại gia "cha truyền con nối", từ vốn tiếng Pháp không nhiều khi theo học bậc tiểu học trường Pháp Việt, trở thành người uyên thâm Hán Nôm, tinh tường Pháp văn, dịch và viết thơ chữ Hán, dịch nhiều tác phẩm từ tiếng Pháp sang tiếng Việt, trong đó có những bản dịch đã trở thành kinh điển như Những người khốn khổ của Victor Hugo. Tự học thông minh, sáng tạo để có được phong cách độc đáo trong giảng dạy và nghiên cứu văn chương: uyên bác mà tài hoa, khoa học mà nghệ sĩ, trí tụê mà tràn đầy cảm xúc, tỉnh táo mà say đắm hết mình. Tự học mà vươn tới đỉnh cao thành tựu, để lại một di sản đồ sộ: bộ Lê Trí Viễn toàn tập gồm 7 cuốn với gần 6000 trang sách khổ lớn.



Con đường tự học của GS.NGND Lê Trí Viễn lại làm cho bậc sư biểu gần chúng ta hơn. Học trò từng ghi lại lời tâm sự của Thầy: "Một lần tôi suýt bị chết đuối do bơi kém. Khi ra Huế, tôi quyết tâm đi học bơi một năm, thành một tay bơi có hạng. Khi về quê, tôi bơi một mạch qua sông hai lần không nhằm nhò gì. Ấy là bởi may mắn trong tôi sớm có được cái “Chí”: ý chí vượt khó và lòng ham mê văn chương”. Việc tự học của Thầy đâu có gì cao sang, diệu vợi. Nó tự nhiên, đơn giản như việc tập bơi. Nó cần có "chí" và "lòng ham mê", mà điều này vẫn tiềm ẩn trong mỗi con người. Con đường tự học của thầy gieo vào lòng ta một niềm tin giản dị mà mạnh mẽ, như lời thơ của Nguyễn Trãi: "Càng khó bao nhiêu chí mới hào".



Từ con đường tự học của chính mình, GS.NGND Lê Trí Viễn lại vô cùng nhiệt huyết với sự nỗ lực vươn lên của những sinh viên nghèo vượt khó. Năm 2007, khi Thầy tuổi chín mươi, từ thành phố Hồ Chí Minh, Thầy đã gửi tặng khoa Ngữ văn trường Đại học sư phạm Hà Nội 50 triệu đồng để làm giải thưởng cho những sinh viên nghèo vượt khó. Giải thưởng này mang tên GS.NGND Lê Trí Viễn và hàng năm vẫn trao cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng đã nỗ lực vươn lên đạt kết quả cao trong học tập. Chính điều này càng làm cho các thế hệ sinh viên "kính nhi cận chi" đối với Thầy Lê Trí Viễn.


Chúng tôi thuộc những thế hệ sinh viên cuối cùng của khoa Ngữ văn trường Đại học sư phạm Hà Nội có niềm may mắn lớn được thụ giáo, thụ nghiệp Thầy (vì sau đó Thầy chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh). Hôm tựu trường, một chủ nhiệm khoa đầy uy vọng mà chúng tôi từng biết tiếng lại đón những tân sinh viên bằng nụ cười hiền từ, đôn hậu với câu thơ giản dị như không thể giản dị hơn, nhưng hết sức sâu sắc: "Đến đây thì ở lại đây/Bao giờ chữ tốt văn hay hãy về". Các sinh viên còn lưu truyền những giai thoại về bài giảng của Thầy. Khi Thầy giảng bài Nam quốc sơ hà, ánh mắt Thầy long lanh như nhập cả hồn vía vào bài thơ. Giọng Thầy âm vang mà trầm đến dễ sợ: "Nam quốc sơn hà Nam đế cư/Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư".
Nghe giọng thầy, nhìn ánh mắt và dáng vẻ của thầy mà tự nhiên thấy sởn gai ốc. Có bạn như không chịu nổi, đứng lên xin Thầy đừng đọc nữa. Lúc đó Thầy phá lên cười một cách sảng khoái: Thầy đọc bài thơ giữa giảng đường mà các anh chị còn sợ thế thì bài thơ Thần được phát ra từ đền thờ Trương Hống, Trương Hát, trên chiến tuyến sông Như Nguyệt, trong không khí của một đêm thiêng thì quân giặc sợ đến vỡ mật mà tháo chạy là phải rồi. Phương pháp dạy của thầy như "Cây đời mãi mãi xanh tươi" là thế. Chúng tôi cũng còn nhớ mãi hình ảnh Thầy hôm chia tay khoa Ngữ văn vào Thành phố Hồ Chí Minh, Thầy vận Kiều để nói về 15 năm mình làm chủ nhiệm khoa: "Mười lăm năm cho đủ một thân Kiều". Thầy cao cả lớn lao mà sao Đời đến vậy. Thầy rất Đời trong công việc chung, trong quan điểm lãnh đạo: đừng để quan tính lấn nhân tính. Thầy rất Đời trong cuộc sống riêng tư: "Có quê mà chẳng có nhà / Đành đem giấc ngủ gửi bà con thôi/ Nửa đêm sực tỉnh bồi hồi /Mẹ ơi, con chết nửa người, mẹ ơi!", "Đêm Thuý Kiều sang nhà Kim Trọng / Nguyễn Du tắt bớt trăng và vặn thấp ngọn đèn".



GS.NGND Lê Trí Viễn rất Đời khi đi vào cõi vĩnh hằng. Thầy từ biệt dương gian sau kì nghỉ Tết Nguyên đán, nhằm ngày 3 tháng 2 năm 2012 (ngày 12 tháng Giêng năm Nhâm Thìn). Thầy muốn mọi người đón mùa xuân bằng nụ cười, bằng niềm vui chứ không phải bằng những giọt nước mắt và nỗi buồn. Chín mươi lăm năm tại thế của Thầy làm ta nhớ đến 95 năm tại thế của Tuyết giang phu tử Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thầy Lê Trí Viễn từng nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy về Nguyễn Bỉnh Khiêm và Tuyết giang phu tử là bậc sư biểu mà thầy luôn ngưỡng vọng. Để rồi chính GS.NGND Lê Trí Viễn cũng trở thành sư biểu - bậc sư biểu "kính nhi cận chi" của nhiều thế hệ học trò.









                                
 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bóng dáng chim câu

Bóng dáng chim câu Bay đi! Bay đi! Ơi con câu xanh! Người ấy đợi chờ tôi mòn mỏi Hồi đó tôi hai mươi tuổi. Cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới...