Thứ Sáu, 13 tháng 6, 2014

Quách Tấn, người đại biểu cuối cùng của mùa cổ điển

QUÁCH TẤN, người đại biểu cuối cùngcủa MÙA CỔ ĐIỂN

HUYỀN VIÊM

     Đúng vậy, Quách Tấn chính là người đại biểu cuối cùng của Mùa Cổ Điển , hay – nói như nhà văn Hoài Anh - Quách Tấn là chiếc lá cuối cùng của Mùa Cổ Điển :
Cảm thương chiếc lá bay theo gió,
Riêng nhớ tình xưa ghé đến thăm.
Cũng có thể nói ông là “tín đồ” cuối cùng của đạo Nho ở VN.
Quách Tấn là người rất có công với thơ Đường luật. Ông có khoảng 1500 bài thơ luật, nhưng chỉ một số nhỏ đã được in trong các tập : Một tấm lòng, Mùa cổ điển, Đọng bóng chiều, Mộng Ngân sơn, Giọt trăng và cuốn Tố Như thi, dịch thơ của Nguyễn Du.
Nếu Nguyễn Thuyên là người có công đầu trong việc gây dựng phong trào thơ Nôm dưới đời Trần Nhân Tông thì Quách Tấn là người cuối cùng có công với nền thơ ấy.
Quách Tấn hiệu Trường Xuyên, tự Đăng Đạo, sinh ngày 23 tháng 11 năm Kỷ Dậu tức 4-1-1910 ở làng Trường Định, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định. Ông là người Minh hương, tổ tiên gốc tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) sang cư ngụ ở Việt Nam từ đời chúa Nguyễn. Thơ ông thường đăng trên An Nam tạp chí, Phụ nữ Tân văn, Tiếng Dân, Tiểu thuyết Thứ bảy…. Từ năm 1940 ông sống ở Nha Trang và mất tại đây ngày 21-12-1992, hưởng thọ 83 tuổi.
Trong tập thơ Một tấm lòng (1939) Quách Tấn có những câu thơ thật hay :
Lụy nhớ mưa ngàn tuôn nượp nượp,
Tóc thề mây núi bạc phơ phơ.

(Đá vọng phu)
Chế Lan Viên cho rằng hai câu ấy đáng xếp vào hạng những câu thơ hay nhất của Việt Nam. Cũng trong tập thơ này, Quách Tấn có một bài thơ mới hiếm hoi : bài Đà Lạt đêm sương :
Bóng trăng lóng lánh mặt hồ im,
Thời khắc theo nhau lải rải chìm.
Đứng dựa non cao bờ suối ngọc,
Hồn say dịu dịu, mộng êm êm.
Một luồng sương bạc bỗng từ mô
Lẻn cuốn vừng trăng, cuốn mặt hồ.
Cuốn cả non sao bờ suối ngọc,
Người lơ lửng đứng giữa hư vô.
Trời đất tan ra thành thủy tinh,
Một bàn tay ngọc đẫm hương trinh
Âm thầm mơn trớn bên đôi má,
Hơi mát đê mê chạy khắp mình
Như ta thấy, bài thơ này chịu ảnh hưởng ít nhiều bài thơ Đà Lạt sương mờ của Hàn Mặc Tử. Đọc bài Đà Lạt đêm sương, Hàn Mặc Tử bảo Quách Tấn cũng có tài làm thơ mới, nên tiếp tục, nhưng Quách Tấn từ chối, cho rằng mình đã nặng nợ với thơ Đường, muốn có phong cách riêng với hồn dân tộc trong thơ và khuyến khích Tử làm thơ mới, tuy mỗi người một con đường nhưng cũng đều phụng sự cho cái Đẹp.
Trong tập thơ Đọng bóng chiều (1965), bài Tình xưa có thể xem là bài hay nhất :
Từ buổi thuyền đưa, khách thuận dằm,
Trông chừng bến cũ biệt mù tăm !
Cảm thương chiếc lá bay theo gió,
Riêng nhớ tình xưa ghé đến thăm.
Trong tập thơ Mộng Ngân sơn (1967), bài thơ Ngõ trúc nói lên tình bằng hữu thiết tha vấn vương bên màu xanh cây cỏ, bên mây vàng trời chiều khi sắp biệt ly :
Chở nặng buồn thương xe bạn đi,
Mây vàng lau bạc, bóng sâm si .
Ngõ ngoài trúc đã bao lần biếc,
Còn vướng hoàng hôn phút biệt ly.

Tập thơ Giọt trăng gồm 60 bài ngũ ngôn tuyệt cú, xuất bản tại Pháp năm1973, do ông Thi Vũ, giám đốc nhà xuất bản Rừng Trúc ở Paris ấn hành vì yêu thơ và cũng vì rất quí Quách Tấn. Sách toàn in trên giấy Tuyết đào để tặng các bạn thơ. Bìa là một phần bức họa cổ Nhật Nguyệt, thế kỷ XIV, vẽ một cảnh trăng trên núi, chỉ dùng màu xanh trên nền tím. Riêng 20 bản đặc biệt, in trên lụa bồi, ban đêm để dưới ánh đèn ống, coi linh lung, tưởng chừng có một giọt trăng lạc vào trong phòng, thật huyền ảo. Người nào chơi sách mà được một cuốn đặc biệt đó chắc sẽ quí như vàng.
Vì không có chữ Việt, ông Thi Vũ phải dùng một kiểu chữ của Đức, sắp được bài nào, vỗ bài đó rồi mới điểm thêm những dấu huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã…, sau cùng chụp hình rồi mới in. Từ trước tới nay, ở Việt Nam hay ở ngoại quốc, chưa có cuốn nào in công phu như vậy. Cuốn này chỉ in để tặng bạn thơ nên không có bán ở Việt Nam .
Dưới đây là vài bài trong tập thơ ấy :
A O   T R Ư A
Bờ ao cọng cỏ chỉ
Lả lướt ngọn nồm đưa.
Con chuồn chuồn điểm nước ,
Mong dừng chân nghỉ trưa.
S A Y  N Ắ N G
Vườn rộng tiếng chim thưa
Bướm vàng say nắng trưa.
Chờn vờn chân muốn đậu,
Vòi mướp gió đong đưa.

Rõ là cái giọng của một ông lão nhàn tản, khoáng đạt mà có tâm hồn nghệ sĩ.
K H Ó C   C O N   IV
Không nói, lòng đau khổ,
Nói, không nói được gì.
Canh tàn nằm nuốt lệ,
Thời loạn kiếp nam nhi !   
Mười hai bài thơ khóc con trai của ông là những lời thổn thức, nức nở, không nói mà nói rất nhiều.
Nhưng trong các thi phẩm của Quách Tấn, tập thơ Mùa Cổ Điển là có giá trị hơn cả. Trong bài thơ Trơ trọi có hai câu thật hay :
Sầu mong theo lệ khôn rơi lệ,
Nhớ gởi vào thơ nghĩ tội thơ.
Lời thơ có vẻ gọt giũa nhưng tình cảm chân thành nên làm xúc động lòng người. Trong bài Trời đông có ý thơ rất lạ :
Lá thương nhánh nặng bay hầu hết,
Trời sợ non côi hạ xuống gần.

Theo quan niệm thông thường, lá úa vàng tất phải rụng, trời mùa đông đầy mây u ám nên trời thấp thật gần, nhưng ở đây lá tự nguyện bay đi cho cành bớt nặng, trời thương núi cô đơn nên hạ xuống gần ; ý thơ tiềm ẩn một tình thương bao la và lòng trắc ẩn.
Nhưng bài thơ mà Quách Tấn thích nhất trong Mùa Cổ Điển là bài Đêm thu nghe quạ kêu :
Từ Ô y hạng  rủ rê sang,
Bóng lẫn đêm thâu tiếng rộn ràng.
Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng,
Thu sông Xích Bích nguyệt mơ màng.
Bồn chồn thương kẻ nương song bạc,
Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng.
Tiếng dội lưng mây đồng vọng mãi,
Tình hoang mang gợi tứ hoang mang.

Bài thơ ra đời nhân dịp tác giả đi bốc thuốc cho mẹ một đêm có trăng và bước chân ông giẫm lên những chiếc mo nang khô gây nên tiếng sột soạt khiến bầy quạ đang ngủ trên cây bỗng giật mình vỗ cánh kêu vang dậy. Bài thơ này ông đã thai nghén mười hai năm, viết xong trong nửa đêm rồi hai năm sau mới sửa lại. Kể cũng lắm công phu !
Quách Tấn là người rất nặng tình với bạn thơ, nhất là các bạn trong “Bàn thành tứ hữu”. Ông yêu mến nhất Hàn Mặc Tử, đôi bạn rất thân nhau, đến nỗi Quách không chỉ nhớ Hàn trong đời sống thực mà còn nhớ Hàn
 cả trong giấc mộng :
Ôi Lệ Thanh ! Ôi Lệ Thanh !
Một giấc trưa nay lại gặp mình.
Nhan sắc châu sa màu phú quí,
Tài ba bút trổ nét tinh anh.
Rượu tàn thu cũ say sưa chuyện,
Hương tạ trời cao bát ngát tình.
Tôi khóc tôi cười vang cả mộng,
Nhớ thương đưa lạc gió qua mành.

24-4-1940
(Mộng thấy Hàn Mặc Tử – Mùa Cổ Điển )
Với Chế Lan Viên, Quách Tấn cũng thân, nhưng không thân bằng Hàn Mặc Tử. Năm 1948, Quách Tấn từ Phú Phong tản cư xuống Trường Định, gặp lúc xuân sang, nhớ Chế Lan Viên, ông làm một bài tứ tuyệt :
Mây biếc đồng quê, xuân tới đó,
Cỏ thơm, người cũ mộng tìm đâu?
Đãi đưa hoa nở vàng cô hứng,
Lặng lẽ sông khơi mạch viễn sầu.

Theo Quách Tấn thì ông rất vất vả trong việc Chế Lan Viên cưới người vợ đầu tiên. Người thiếu nữ ấy tên là cô Giáo, học trò của Chế ở Đà Nẵng. Cha cô này là ông Ba Hội, mới giàu lên trước đó mươi năm, nhất định không chịu gả con cho một nhà thơ nghèo như Chế. Quách Tấn phải rất vất vả nhờ các ông Năm Cần và Thông Tùng ra sức thuyết phục, ông Ba Hội mới bằng lòng gả Giáo cho Chế Lan Viên và lễ thành hôn cử hành vào ngày 26 tháng 9 năm 1943.
Cưới vợ rồi, Chế không dạy ở trường Chấn Thanh Đà Nẵng nữa. Giáo vào Bình Định sống với song thân của Chế, còn Chế ra Huế dạy ở trường Việt Anh. Ở Huế, Chế không có bạn thân, lại sống một mình ; nghĩ đến Chế, nhiều đêm Quách Tấn không ngủ được nên làm bài thơ nhớ Chế :
Gió lạnh, chim kêu, sương rụng cành,
Sầu theo canh lụn trễ tràng canh.
Thương ai chiếc bóng phòng thơ mỏi,
Một ngọn đèn khêu mấy đoạn tình.

Vợ chồng Chế – Giáo có với nhau ba người con. Hai người con trai đầu tên là Lai Triều và Trường Định. Sau sinh thêm một gái đặt tên là Thanh. Khoảng năm 1958-1959, Chế bị lao phổi phải sang Trung Quốc điều trị. Ở nhà, Giáo không còn chung thủy nữa. Giữa năm 1959, khi Chế ở Trung Quốc về thì Giáo xin ly dị và giao ba đứa con cho Chế. Tiếc thay ! Về sau, Chế kết duyên với nhà văn Vũ thị Thường và sống với nhau cho đến cuối đời (6).
Quách Tấn quen với Yến Lan là nhờ Hàn Mặc Tử. Hai người giao du với nhau khá thân. Đầu năm học 1942-1943, Chế Lan Viên vào dạy trường Chấn Thanh Đà Nẵng, còn Yến Lan ra Thanh Hóa dạy thay Chế ở trường Mission. Từ đó, hễ đến kỳ nghỉ hè hay dịp rảnh rang thì Chế và Yến thường vào Nha Trang thăm Quách Tấn. Lúc này Hàn Mặc Tử đã mất rồi. Ba bạn họp nhau dưới bóng cây mận trước sân nhà và khi hai bạn từ biệt để trở về trường thì lòng Quách thi nhân buồn vô hạn :
Năm ngoái trời trưa chung bóng mận,
Năm nay bóng mận lại chờ nhau.
Đầu xanh gặp gỡ dần thưa thớt,
Mây ráng thêm thương tuổi bạc đầu.
Năm 1973, khi đang viết dở cuốn hồi ký Bóng ngày qua thì Quách Tấn phải ngưng lại vì đau mắt. Ông bị chứng Glaucome (bệnh tăng nhãn áp) cấp tính, một chứng mà các bác sĩ nhãn khoa cho là đáng ngại nhất. Huyết áp ở một con mắt tăng lên trầm trọng, nhức nhối vô cùng, không sao ngủ được, ông phải vào Sài Gòn để mổ. Mổ xong, con mắt hết nhức nhưng không còn thấy gì nữa. Bác sĩ cấm ngặt đọc sách, viết lách, suy nghĩ, để giữ cho con mắt còn lại.
Khi báo tin cho Nguyễn Hiến Lê, giọng Quách Tấn dí dỏm như một triết nhân :
“Tôi nay đã thành người “nhứt mục thập hàng”, phải “bế môn tạ khách”“bế sương tích thư” để dưỡng bệnh. Tôi có bài thơ tức sự, xin chép để ông cười cho vui :
Duyên văn chương đương thắm,
Thân già bỗng đảo điên.
Một đêm đầu nhức nhối,
Suốt tháng bệnh triền miên.
Thành nửa cụ Đồ Chiểu,
Không hai chàng Vân Tiên.
Nên đường hoa chỉ thoáng
Những bán diện thuyền quyên”.

Ngày 20 tháng 8-1973
Năm 1989 bệnh bà Quách Tấn trở nặng rồi bà qua đời ngày 14 tháng 3 âm lịch (19-4-1989). Chưa nguôi nỗi đau mất vợ thì tiếp đến nỗi đau mất bạn : đúng hai tháng sau Chế Lan Viên từ trần (19-6-1989).
Có lẽ vì buồn và khóc nhiều, hoặc do bệnh từ con mắt hỏng lây sang, con mắt còn lại cũng vướng bịnh nốt. Sang xuân 1990, ông phải đi Sài Gòn mổ mắt ở bệnh viện Chợ Rẫy hơn hai tháng, về Nha Trang điều trị thêm ba tháng thì mắt mới lành vết mổ, nhưng hoàn toàn không thấy gì nữa cả. Ông cảm thán bằng một bài thơ :
Tám mốt tuổi vợ mất,
Tám hai tuổi mắt đui.
Ngày đêm dài dặc dặc,
Trời đất tối thui thui.
Lạnh lùng trong ấm áp,
Gần gũi hóa xa xôi.
Nuốt thảm càng thêm thảm,
Tìm vui khó thấy vui.
Đành có thân có khổ,
Mưa thu vẫn sụt sùi.

Từ đó Quách Tấn không còn viết lách gì được nữa. Có cô cháu gái luôn túc trực bên cạnh, hễ nghĩ được câu thơ, câu văn nào là ông đọc cho cô chép, cứ thế cho đến ngày ông từ trần vào cuối năm 1992.
Năm 1991 nhà văn Thế Vũ ra thăm Quách Tấn, thi sĩ mừng lắm vì đôi mắt đã hỏng, không đi đâu được, có ai đến thăm là rất vui. Thế Vũ hỏi :
- Năm 1941 tập thơ Mùa Cổ Điển ra đời. Hồi ấy dư luận trong giới sáng tác và phê bình văn chương có ý kiến thế nào về tập thơ?
- Chế Lan Viên, Bích Khê, Yến Lan đã có ý kiến trong các bài viết của mình. Chế nói với tôi : Mới đọc thấy là Quách Tấn cũ, đọc kỹ ngẫm lại thấy rất mới. Bích Khê thì rất khen. Một bài như Đêm thu nghe quạ kêu đã gây ra nhiều ý kiến trái ngược nhau : Phan Khôi, Đông Hồ thì chê, Vũ Ngọc Phan bảo dùng điển tích cầu kỳ, Hoài Thanh có ý kiến lấp lửng, Bích Khê khen cả bài rất tuyệt.
- Còn đến lần in thứ hai năm 1960 ?
- Nguyệt san Tin sách của Hội Văn bút Việt Nam có bài phê rằng in chỉ tốn giấy. Một vài tờ báo ở Sài Gòn hồi ấy lên tiếng cho rằng thơ Quách Tấn đã đến lúc chỉ đáng cho vào viện bảo tàng. In ra bán không chạy, Tân Việt lỗ nặng. Cả tập thơ Hàn Mặc Tử in trước Mùa Cổ Điển ít lâu cũng ế ẩm, không mấy ai mua. Sau đó Tân Việt hầu như không in thơ nữa.
Ít lâu sau, nhà văn Trần Phong Giao viết rằng :”Nếu tôi không lầm thì tờ báo đòi “quăng Mùa Cổ Điển vào tàng cổ viện vì nó cũ đã đến hai đời” là tờ tuần báo (lá cải) Văn nghệ Tiền phong”. Nhân đó, Trần Phong Giao kể lại hai giai thoại vui vui về Mùa Cổ Điển :
“Năm 1941, trong thời thuộc Pháp, lúc Mùa Cổ Điển mới ra đời, ở Nha Trang có một “nhóm người làm thơ” đem tới để trước nhà tác giả một gói giấy phong kín trong đựng một tập Mùa Cổ Điển, một bức thư và một chiếc roi mây quấn tròn. Tập thơ trong có nhiều trang bị gạch, bị phê bình với những lời bất nhã. Còn bức thư thì phán rằng tác giả dốt nát mà dám đem phổ biến thơ mình. Cái tội kiêu căng vô lễ ấy thật đáng đánh đòn nên gửi trước cái roi mây, nay mai sẽ đến nọc ra đánh đủ ba chục roi trị tội.
Đến năm 1960, khi Mùa Cổ Điển tái bản, nhà thơ Nguyễn Vỹ có chuyển ra tác giả bức thư của một độc giả ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm Nha Trang. Đại ý trong thư nói : Tập thơ Mùa Cổ Điển là của Hàn Mặc Tử. Để đáp lại sự giúp đỡ của Quách Tấn nên Hàn Mặc Tử mới để cho Quách Tấn đứng tên rồi bảo học trò là Chế Lan Viên viết lời đề tựa, bởi họ Quách chỉ là một anh phán tòa sứ tối ngày chỉ biết những OUI cùng NON, chứ có biết gì về thơ đâu… Ông Nguyễn Vỹ yêu cầu tác giả Mùa Cổ Điển lên tiếng trả lời bức thư ấy.
Người viết bức thư nọ không biết là trước Mùa Cổ Điển hai năm (1939) Quách Tấn đã cho xuất bản thi phẩm Một tấm lòng do Tản Đà đề tựa và do Hàn Mặc Tử viết lời bạt. Điều đó, với cương vị chủ nhiệm kiêm chủ bút tập san Phổ Thông, ông Nguyễn Vỹ không thể không rõ, nhất là trong trường hợp ông lại cũng đã được Hoài Thanh định vị trong cùng một tác phẩm (Thi nhân Việt Nam) với tác giả Mùa Cổ Điển . Vì thế nên ông Quách Tấn đã không trả lời bức thư cũng như không trả lời Nguyễn Vỹ”.
Đó là những kẻ kém hiểu biết, nhất là kém hiểu biết về thơ. Chỉ riêng việc cho rằng tập thơ Mùa Cổ Điển là của Hàn Mặc Tử cũng đủ thấy người viết chẳng biết gì về thơ cả. Tập thơ đã nhận được lời khen của cụ Phan Bội Châu, Tản Đà, Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê, chưa kể Hoài Thanh, Bàng Bá Lân, Chế Lan Viên, Yến Lan, Bích Khê…. Chẳng lẽ các vị này không biết thẩm thơ?
Năm 1943, trong dịp ra Huế, Quách Tấn đến viếng mộ cụ Phan Bội Châu, gặp ông Phan Nghi Đệ là con trai cụ. Ông Đệ nhắc lại chuyện cũ :
- Thanh niên đến thăm thầy tôi ngày nào cũng có nên không sao nhớ hết. Phải chi hồi đó tôi biết Quách Tấn là ông thì thú biết mấy bởi thầy tôi thường đọc thơ ông gửi đăng báo Tiếng Dân và rất ưa ngâm bài Vọng phu thạch .
Vợ chồng Nguyễn Khoa Hiền và Nguyễn thị Ngọc Trâm là bạn cố giao của Quách Tấn. Một hôm Hiền kể :
- Nhà tôi có nuôi một ông lão tản cư để giúp việc vườn tược. Ông lão thường nói : Trước kia tôi ở cùng cụ Phan Sào Nam tại bến Ngự. Thỉnh thoảng nghe cụ nhắc đến tên ông Quách. Một hôm nhân xem thơ ông ấy, cụ cao hứng ngâm to làm rơi hàm răng giả xuống phản, tí nữa là hư…. Nguyễn Hiến Lê viết :
- Thơ ông (QT) có cảm xúc mới, ý mới, nồng nàn hơn thơ Đông Xuyên, một số bài gợi cảm và rất nổi tiếng như bài Đêm thu nghe quạ kêu Trơ trọi trong Mùa Cổ Điển. Thơ ông về già tự nhiên hơn nhưng vẫn giữ những nét chính thời bốn mươi năm trước.
Thiết tưởng chừng ấy cũng đủ nói lên giá trị nghệ thuật của thơ Quách Tấn.
Ngày 21-12-1992 Quách Tấn đã ra đi. Chiếc lá cuối cùng của Mùa Cổ Điển đã bay về nơi phương trời vô định, khép lại một Mùa Cổ Điển để mở ra một chân trời mới. 




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chó đá Xế trước đình làng tôi, cạnh lối vào làng hơi lùi xa một tí, gần một cây đề cổ thụ hiếm hoi còn sót lại ở làng quê, có một con ...