Célèbre Valse - Mối tình xa xưa
JOHANNES BRAHMS
Hoài Nam
JOHANNES BRAHMS (1833-1897)
Johannes Brahms là một
trong những nhà soạn nhạc hàng đầu của thời kỳ lãng mạn (Romantic era), được
hậu thế liệt vào bộ “ba chữ B vĩ đại” – tức ba nhà soạn nhạc lừng danh của ba
thời kỳ khác nhau mà tên họ bắt đầu bằng mẫu tự B – gồm Johann Sebastian BACH
(thời kỳ Baroque), Ludwig van BEETHOVEN (thời kỳ Cổ điển – tức thời kỳ Vàng
son), và Johannes BRAHMS (thời kỳ Lãng mạn). Cả ba đều là người Đức.
Brahms vừa nổi tiếng với
việc tôn trọng quy tắc truyền thống tới mức khó tính với chính mình (chẳng hạn
tiêu hủy những sáng tác mà ông cho là không “chỉnh”), vừa được ái mộ với những
tác phẩm đầy chất sáng tạo, vừa bị xem là “khác người” với một cuộc sống cá
nhân lạ thường.
Về truyền thống,
Johannes Brahms luôn luôn theo đúng những khuôn thước của Bach (thời kỳ
Baroque), và của Haydn, Mozart, Beethoven (thời kỳ Cổ điển). Riêng về nhạc giao
hưởng, ông chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Beethoven – thiên tài mà ông sùng mộ.
Trong nhà ông, có một pho tượng bán thân của Beethoven, nhìn xuống ngay vị trí
mà ông thường ngồi sáng tác.
Ảnh hưởng của Beethoven
mạnh đến nỗi khi Bản giao hưởng số 1 của Brahms được trình diễn ra mắt tại
thành Vienne, giới thưởng ngoạn đã xưng tụng đây là “Bản giao hưởng số 10 của
Beethoven”! (Nhắc lại: Beethoven sáng tác tổng cộng 9 bản giao hưởng)
Tuy nhiên, dù nổi tiếng
với những tác phẩm cổ điển quy mô, Johannes Brahms lại thành công về mặt tài
chánh cũng như được dân gian biết tới nhiều hơn qua những nhạc khúc, ca khúc
ngắn, mà điển hình là tập Vũ khúc Hung-gia-lợi (Hungarian Dances).
Johannes Brahms sinh năm
1833 tại hải cảng Hamburg, Đức quốc. Cha ông, Johann Jakob Brahms, là một nhạc
sĩ nghèo, sinh trưởng tại Dithmarschen, một vùng quê có truyền thống văn hóa
lâu đời. Năm 18 tuổi, Johann Jakob di dân tới Hamburg với ước mộng trở thành
một nhạc sĩ tên tuổi và giàu có. Nhưng khi tới gần, ánh đèn đô thị không đẹp
như nhìn từ xa!
Mặc dù có khả năng sử
dụng nhuần nhuyễn nhiều loại nhạc cụ khác nhau, Johann Jakob đã chỉ được mướn
chơi đàn double-bass (tức contrabass, đại hồ cầm) và kèn French horn (kèn đồng,
hình dạng như “tù và”).
Năm 24 tuổi, Johann
Jakob kết hôn với cô thợ may Johanna Henrika Christiane Nissen, một cô “gái
già” hơn chàng tới 17 tuổi. Hai người có với nhau 3 con – hai trai một gái,
Johannes Brahms là trưởng nam.
Sau nhiều năm sống ở khu
ổ chuột gần bến tàu, gia đình dọn tới một căn nhà nhỏ ở ngoại ô Dammtorwall.
Johannes Brahms được thân phụ dạy nhạc từ lúc bắt đầu có trí khôn, và tới năm 7
tuổi, vì tỏ ra có năng khiếu đặc biệt về dương cầm, đã được cho thọ giáo một vị
danh sư ở Hamburg.
Năm 11 tuổi, Johannes
Brahms bắt đầu sáng tác và trình diễn trước công chúng. Hai chữ “công chúng”
nói tới ở đây mang ý nghĩa không được trang trọng cho lắm. Vì gia cảnh nghèo
túng, Johannes Brahms phải nhận trình diễn tại các quán rượu bình dân có khiêu
vũ, cũng như trong các động điếm ở khu bến tàu. Trong lúc Johannes Brahms đàn,
các cô gái điếm thường tới bên cạnh vuốt ve, sờ soạng cậu bé xinh trai trắng
trẻo (mà ngày nay, ta gọi là “sexual abuse”).
Johannes Brahms – Hình chụp năm 20 tuổi
Theo các nhà viết tiểu
sử Johannes Brahms, qua lời kể lại của các nhân chứng cũng như tiết lộ của bản
thân nhạc sĩ, việc phải trải qua “những kinh nghiệm hãi hùng” này đã ám ảnh ông
suốt đời, ảnh hưởng tiêu cực tới việc giao tiếp, đánh giá phụ nữ, mà hậu quả là
ông đã sống độc thân cho tới cuối đời!
Bắt đầu sáng tác và
trình diễn từ năm lên 11, nhưng phải đợi tới năm 19 tuổi, tài nghệ của Johannes
Brahms mới được đông đảo người yêu nhạc cũng như các đồng nghiệp biết tới, khi
chàng trẻ tuổi được đệm dương cầm cho nhạc sĩ vĩ cầm Eduard Reménji nổi tiếng
của Hung-gia-lợi, trong chuyến lưu diễn kéo dài hai tháng ở Đức.
Từ đó, Johannes Brahms
bắt đầu một cuộc sống giang hồ phiêu lãng, gặp gỡ, giao kết với nhiều nhà soạn
nhạc và nhạc sĩ nổi tiếng đương thời. Khi tới Hanover, Johannes Brahms được gặp
Joseph Joachim, cũng người Hung-gia-lợi, vốn được xưng tụng là một trong những
nhạc sĩ vĩ cầm tạo ảnh hưởng mạnh nhất trong thế kỷ thứ 19. Bên cạnh đó, Joseph
Joachim còn là một nhà soạn nhạc, một nhạc trưởng, và thày dạy nhạc. Về sau,
Joseph Joachim đã cùng Johannes Brahms hợp soạn nhiều nhạc khúc nổi tiếng.
Chính Joseph Joachim đã
viết thư giới thiệu Johannes Brahms với cặp vợ chồng nghệ sĩ lừng danh Robert
và Clara Schumann ở Dusseldorf, khởi đầu cho một quan hệ tình cảm bí ẩn và lạ
lùng nhất trong làng nhạc cổ điển tây phương.
Robert Schumann (1810-1856)
Robert Schumann
(1810-1856),- ra chào đời và sống cùng thời với Frédéric Chopin – là một nhà
soạn nhạc người Đức nổi tiếng bậc nhất của thời kỳ Lãng mạn, đặc biệt là các
sáng tác dành cho dương cầm.
Là con trai của một nhà
văn uy tín kiêm nhà xuất bản giàu có, nhưng Robert Schumann lại say mê và có
khiếu về âm nhạc, bắt đầu sáng tác từ năm 7 tuổi. Tuy nhiên, trước khi mất sớm,
cha của ông đã để lại di chúc buộc ông phải ăn học trở thành một trạng sư thì
mới được hưởng gia tài. Vì thế năm 1826, vào tuổi 16, Robert Schumann tới
Munich để theo học ngành luật. Nhưng qua năm sau, mọi việc đã thay đổi khi
chàng gặp cô bé mồ côi mẹ Clara Weik, 8 tuổi, con gái của Friedrich Weik, vị
thầy dạy nhạc nổi tiếng bậc nhất ở Munich thời bấy giờ.
Nguyên Clara Weik và
Robert Schumann cùng được mời tới trình diễn dương cầm tại tư thất một vị bác
sĩ tên tuổi trong một buổi gây quỹ cho bệnh viện nhi đồng. Vừa thán phục vừa
thích thú trước tài nghệ của Clara, Robert Schumann đã thuyết phục được bà mẹ
cho chàng rời trường luật để theo đuổi âm nhạc. Thế là Robert Schumann trở thành
học trò của Friedrich Weik, và vị thầy này đã đoan chắc Robert Schumann sẽ trở
thành “danh thủ dương cầm số 1 của cả Âu châu”. Thế nhưng chẳng bao sau đó,
Robert Schumann bị chấn thương một cánh tay, và đã phải bỏ mộng trở thành nhạc
sĩ dương cầm để chuyển sang sáng tác.
Cùng thời gian này
(1830), cô bé Clara 11 tuổi được thân phụ đưa đi lưu diễn một vòng các kinh
thành ở Âu châu, và đã gây một tiếng vang lớn – nếu không muốn nói là “chấn
động”. Tại Bá-linh, Clara đã được văn hào Johann Wolfgang van Goethe, núi Thái
Sơn của nền văn học Đức, lúc ấy đã 82 tuổi, trao tặng một huân chương kèm theo
tấm chân dung của ông với lời ghi “Tặng nhạc sĩ thiên tài Clara Wieck”.
Khi tới kinh thành ánh
sáng Paris, Clara đã được danh thủ vĩ cầm kiêm nhà soạn nhạc Niccolo Paganini
của Ý (1782-1840) tình nguyện đệm vĩ cầm cho cô bé!
Sau khi kết thúc chuyến
lưu diễn kéo dài 3 năm, trở về Munich thì Clara đã trở thành một thiếu nữ xinh
đẹp, và chẳng bao lâu sau, cô được Robert Schumann tỏ tình.
Nhưng mối tình của hai
người đã không được ông bố Friedrich Weik của Clara chấp thuận, và đôi tình
nhân đã phải chờ đợi 6 năm trời cho tới khi Clara đủ 21 tuổi, có toàn quyền tự
do kết hôn. Chính trong thời gian chờ đợi ấy, Robert Schumann đã sáng tác những
tình khúc nổi tiếng.
Clara Schumann
Về phần Clara, vào năm
18 tuổi đã được mời sang trình diễn ở thành Vienne, kinh đô Áo và cũng là thủ
đô âm nhạc thế giới. Trong suốt 3 tháng trời, tất cả mọi buổi trình diễn của
Clara đều không còn một ghế trống. Cô được hai vị danh sư nổi tiếng về dương cầm
là Frédéric Chopin và Franz Liszt hết lời ca tụng.
Tháng 3 năm 1838, Clara
được triều đình Áo trao tặng danh hiệu “Royal and Imperial Chamber Virtuoso”
(Danh cầm thượng thặng nhạc thính phòng), danh dự cao nhất về âm nhạc của đế
quốc Áo.
Ngày 12 tháng 9 năm
1940, Robert Schumann, 30 tuổi, và Clara Wieck, 21, tổ chức kết hôn. Thế nhưng,
vì Clara ra chào đời ngày 13 tháng 9 năm 1819, nếu xét cho tới nơi tới chốn, cô
còn thiếu 1 ngày nữa mới đủ 21 tuổi. Thế là ông bố Friedrich Weik đưa nội vụ ra
tòa, nhưng cuối cùng công lý đã đứng về phía hai kẻ yêu nhau. Sau đó Robert và
Clara Schumann đưa nhau về Dusseldorf xây tổ ấm.
Cho tới ngày nay, Robert
và Clara Schumann vẫn được xem là cặp vợ chồng tài hoa lý tưởng nhất của nền
nhạc cổ điển. Mặc dù lần lượt cho ra chào đời 8 đứa con và nuôi dạy nên người
(trừ đứa con út chết khi còn là hài nhi), Clara Schumann vẫn tiếp tục sáng tác
và trình diễn ở Đức cũng như các quốc gia Âu châu khác. Nhờ đó, các sáng tác
của Robert Schumann mới được phổ biến rộng rãi.
Trở lại với Johannes
Brahms, năm 1853, ngay sau khi được Joseph Joachim giới thiệu, vợ chồng Robert
Schumann đã nhận ra tài năng xuất chúng nơi chàng nhạc sĩ 20 tuổi, đón nhận và
xem như một người thân trong gia đình. Với Johannes Brahms, đây là diễm phúc
lớn nhất đời chàng, vì Robert và Clara Schumann là hai bậc thầy mà chàng hằng
ngưỡng mộ.
Cũng vào khoảng thời
gian này, chứng trầm cảm nơi Robert Schumann đã biến thành khủng hoảng tinh
thần trầm trọng. Cuối năm ấy, Robert Schumann tự tử hụt, và qua tháng 1 năm
1854, ông đã tự nguyện vào sống trong một viện tâm thần ở gần Bonn. Từ đó,
Johannes Brahms giữ vai trò liên lạc giữa hai vợ chồng, và trở thành nguồn an
ủi về tinh thần cho Clara cùng với 7 đứa con thơ dại của nàng.
Năm 1856, Robert
Schumann qua đời. Được hung tin, Johannes Brahms đã tạm “dừng bước giang hồ”,
quay về Dusseldorf để chăm sóc, lo lắng cho mẹ con Clara, và trở thành “người
đàn ông trong gia đình”!
Trong thời gian suốt 2
năm liên tục, Johannes Brahms sống trong một căn gác ở phía trên nhà của gia
đình Schumann, ngưng hoàn toàn công việc sáng tác cũng như trình diễn, để dành
trọn thời giờ giúp Clara ổn định cuộc sống, thậm chí đảm trách cả việc trông
nom 7 đứa con của Clara mỗi khi nàng đi lưu diễn.
Sau 2 năm nói trên,
Johannes Brahms chia thời gian ra làm ba, khi thì sống ở Dusseldorf, khi thì
sống ở Hamburg, nơi có ban nữ hợp xướng do ông thành lập và điều khiển, khi thì
sống ở Tiểu vương quốc Lippe (ngày nay là vùng North Rhine-Westphalia của Đức
quốc), nơi ông là nhạc sư và nhạc trưởng của triều đình.
Tình cảm giữa chàng nhạc
sĩ trẻ và vị “sư tỷ” hơn chàng 14 tuổi, người đương thời ai cũng biết. Nhưng có
điều là ngày ấy, không mấy người tin rằng giữa Johannes Brahms và Clara
Schumann có quan hệ xác thịt.
Tuy nhiên hậu thế lại có
người đặt câu hỏi: nếu không có gì cần giữ bí mật, tại sao vào cuối đời,
Johannes Brahms và Clara Schumann lại thiêu hủy hầu hết trong số hàng trăm lá
thư hai người đã viết cho nhau?
Từ đó, không ít người
tin rằng giữa Johannes Brahms và Clara Schumann đã có quan hệ thân mật kín đáo.
Nhưng dù sao, tất cả cũng chỉ là giả thuyết, và với những người yêu nhạc cổ
điển nói chung, cho tới ngày nay, quan hệ tình cảm giữa Johannes Brahms và
Clara Schumann vẫn được xem bí mật lớn nhất.
Quan hệ tình cảm ấy,
cùng với mối tình đẹp và cuộc hôn nhân trước đó của Clara với Robert Schumann,
cũng như đoạn kết bi thảm của vị nhạc sư tài danh này, đã trở thành đề tài cho
vô số phim ảnh, trong số đó nổi tiếng nhất là 3 cuốn phim sau đây:
- Song of Love (1947)
của Hoa Kỳ, với Katharine Hepburn trong vai Clara. Cuốn phim chỉ được đánh giá
vào hạng trung bình, nhưng nếu nhắm mắt lại để thưởng thức phần đệm piano của
danh cầm Arthur Rubinstein thì không còn gì tuyệt vời cho bằng.
- Spring Symphony (1983)
của Đức, với Nastassja Kinski trong vai Clara. Cuốn phim này vừa gây tranh luận
vì mức độ “tiểu thuyết hóa” vừa được yêu thích vì lột tả được cả rung động của
trái tim lẫn đam mê nghệ thuật nơi các nhân vật chính (chưa kể còn có một cảnh
khỏa thân của “cô đào chuyên khỏa thân” Nastassja Kinski).
- Geliebte Clara (2008)
của Đức, do Martina Gedek thủ vai Clara. Cuốn phim này được đánh giá là “cuốn
tiểu sử chính xác nhất của người nữ nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng nhất của nền
nhạc cổ điển”.
Clara, Brahms, Schumann trong phim Geliebte Clara
Ngoài ra, “chuyện tình”
giữa cậu em Johannes Brahms và đàn chị Clara Schumann còn tạo cảm hứng cho nữ
văn sĩ Francoise Sagan của Pháp viết cuốn tiểu thuyết lãng mạn “Aimez-vous
Brahms?” (Anh có yêu nhạc Brahms không?), xuất bản năm 1959, kể về quan hệ tình
cảm giữa một phụ nữ đã có chồng và một chàng trẻ tuổi độc thân. Tới năm 1961,
“Aimez-vous Brahms?” đã được dựng thành phim với tựa đề tiếng Anh “Goodbye
Again”, với một thành phần diễn viên quốc tế: Ingrid Bergman (Thụy-điển),
Anthony Perkins (Mỹ), Yves Montand, Michèle Mercier (Pháp)…
Tại Đại hội Điện ảnh
Quốc tế ở Cannes (Pháp) năm 1961, phim “Goodbye Again” đã được đề nghị tranh
giải Cành Cọ Vàng (Palme d’Or), riêng Anthony Perkins đã đoạt giải nam diễn
viên xuất sắc nhất.
Đây cũng là một cuốn
phim của người yêu nhạc cổ điển, bởi trong phần nhạc phim có “trích đoạn” của
các bản Giao hưởng số 1 và số 3 của Brahms; đặc biệt một khúc nhạc trong bản
Giao hưởng số 3 đã được đặt lời hát để sử dụng làm ca khúc chủ đề của cuốn
phim: “Say No More, It’s Goodbye”.
Cũng giống như Beethoven,
Brahms sống độc thân suốt đời, có khác chăng là trong khi Beethoven trải qua
một mối tình không đoạn kết với Joséphine Deym (góa phụ của Bá tước Josef
Deym), một mối tình không thành với tiểu thư Giulietta Guicciardi, và một mối
tình văn nghệ với tiểu thư Thérèse Malfatti, thì Brahms không có một mối tình
nào khác ngoài Clara Schumann – nếu quả thực đây là một “chuyện tình”!
Theo nhạc sử gia JEFFREY
DANE, có hai nguyên nhân chính đưa tới việc Johannes Brahms sống độc thân suốt
đời. Thứ nhất, nỗi kinh sợ và kinh tởm các cô gái điếm ở khu bến tàu Hamburg
ngày còn thơ dại, vẫn tiếp tục ám ảnh ông. Thứ hai, tình cảm Clara Schumann
dành cho Johannes Brahms, ít ra cũng là trong thời gian đầu, có pha lẫn tình
mẫu tử, khiến ông liên tưởng tới bà mẹ Johanna yêu quý của mình, cũng hơn cha
ông tới 17 tuổi, vì thế Johannes Brahms trân quý, và dành trọn trái tim của
mình cho Clara Schumann.
Jeffrey Dane viết: “Hai
người có thể không ‘gần nhau’ (sexual relationship) nhưng họ ‘bên nhau’ suốt
đời!”
Ngoài Clara Schumann,
bóng hồng duy nhất có liên quan tới Johannes Brahms là BERTHA FABER – người mà
ông đã viết tặng bản Wiegenlied (thường được hậu thế gọi là Brahms’ Lullaby –
Bài hát ru của Brahms) nhân dịp nàng sinh con trai đầu lòng.
Bertha Faber, có tên con
gái là Bertha Porubszky, nguyên là một nữ ca sĩ và là một người bạn của
Johannes Brahms từ khi hai người còn sống ở Hamburg. Về sau, Bertha kết hôn với
kỹ nghệ gia Arthur Faber ở thành Vienne.
Thế nhưng, tình bạn này
cũng đã được một số người thêu dệt thành “mối tình đầu bất thành” của Johannes
Brahms; theo đó, vì không quên được người yêu xưa, sau này ông đã sáng tác bản
Wiegenlied để nàng… ru con! Đây là một bản valse chậm, với lời hát do chính ông
đặt, trừ đoạn đầu lấy ý từ một bài ru dân gian có tựa tiếng Đức là “Guten
Abend, Gut Nacht” (Good Evening, Good Night).
Tuy nhiên, theo các nhà
viết tiểu sử Johannes Brahms, “mối tình đầu bất thành” giữa Brahms và Bertha
Faber hoàn toàn là sản phẩm của óc tưởng tượng. Nhưng tin hay không tin vào
giai thoại này, người ta cũng phải nhìn nhận bản “Brahms’ Lullaby”, tức Bài hát
ru của Brahms (Wiegenlied, No. 4 Op. 49,) đã trở thành bài hát ru phổ biến nhất
kim cổ, đến nỗi nhạc sử gia Jeffrey Dane đã phải viết: “Nếu nhắc tới Leonardo
Da Vinci, người ta nghĩ ngay tới họa phẩm Mona Lisa, nhắc tới Jule Verne, người
ta nghĩ ngay tới cuốn “20 Nghìn dặm dưới đáy biển”, thì nhắc tới Johannes Brahms,
người ta nghĩ ngay tới bản Ru con!”
Brahms không chỉ giống
Beethoven ở điểm sống độc thân suốt đời, mà còn giống Beethoven về tính tình,
sở thích: yêu thiên nhiên, lạnh lùng với con người, nhưng rất tốt bụng.
Sau khi tới sống ở thành
Vienne, ông thường tản bộ cả buổi trong những khu rừng ở ngoại ô. Túi ông lúc
nào cũng có sẵn kẹo để phân phát cho trẻ em. Được triều đình Áo trọng dụng, và
đạt thành công đáng kể về mặt tài chánh, nhưng Brahms vẫn sống đạm bạc trong
một căn apartment nhỏ, mặc quần áo cũ nát, thường mang vớ rách, và rất ít khi
cạo râu.
Tiền bạc làm ra, một
phần ông giúp đỡ thân nhân bạn bè, phần còn lại ông sử dụng để trợ giúp các đàn
em, các mầm non âm nhạc, trong số đó có những người sau này thành danh, chẳng
hạn nhà soạn nhạc gốc Tiệp nổi tiếng Antonin Dvorak.
Năm 1895, Johannes
Brahms bị ung thư tuyến giáp trạng. Năm sau, 1896, Clara Schumann qua đời; phần
vì buồn sầu, phần vì suy nhược, qua năm 1897, vào ngày 3 tháng 4, ông trút hơi
thở cuối cùng, thọ 64 tuổi.
Mộ phần của Johannes Brahms ở thành Vienne
Johannes Brahms được an
táng trong Nghĩa trang trung ương (Zentralfriehof) của thành Vienne, cũng là
nơi an giấc nghìn thu của Beethoven, Schubert, và Johann Strauss – một người
bạn thân của Brahms, tác giả bản Le Beau Danube Bleu (tức Blue Danube, Dòng
sông xanh) bất hủ.
Hai năm sau (1899),
Johannes Brahms được truy tặng danh hiệu “Công dân danh dự của Hamburg” – vinh
dự mà phải đợi một nửa thế kỷ sau (năm 1948), mới có người thứ hai được hưởng.
Một trong những chi tiết
thú vị về Brahms không thể không nhắc tới là việc ông là nhà soạn nhạc nổi
tiếng đầu tiên “thu đĩa nhạc”.
Nguyên vào năm 1889, nhà
sáng chế “máy hát” Thomas Edison của Mỹ đã cử một cộng sự viên tới thành Vienne
để mời Brahms thu đĩa, và ông đã độc tấu dương cầm một đoạn trong bản Vũ khúc
Hung-gia-lợi (Hungarian Dance) số 1.
Vì ngày ấy kỹ thuật còn
thô sơ, nay nghe lại đĩa hát này, người ta thấy nhiễu âm (noise) còn lớn hơn cả
tiếng đàn. Nhưng dù sao, đây cũng là một sự kiện lịch sử.
Cuối cùng, nói về nhạc
khúc “Célèbre Valse” nổi tiếng của Brahms. Một cách chính xác, đây là bản valse
số 15 trong tuyển tập 39 (No.15 Op 39) của Brahms soạn cho dương cầm, được ông
đặt tựa là “Germania”. Tuy nhiên về sau, vì bản valse này quá nổi tiếng, người
Pháp đã gọi là “Célèbre Valse” (bản valse lừng danh), hoặc chi tiết hơn, là
“Célèbre Valse de Brahms”.
Tới thập niên 1940′s,
bản này đã được J. Larue đặt lời bằng tiếng Pháp với tựa “Loin de ton ceur”
(Cách lòng), và được thu vào đĩa nhựa với tiếng hát của Tino Rossi.
Tại miền nam Việt Nam,
trước năm 1975, bản “Célèbre Valse” được Phạm Duy đặt lời Việt với tựa “Mối
tình xa xưa”, và đã được các nữ danh ca Thái Thanh, Lệ Thu, Như Mai trình
bày.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét