Thứ Ba, 22 tháng 7, 2014

Gọi nắng

Gọi nắng

“Gọi nắng trên vai em gầy, đường xa áo bay...”
Trịnh Công Sơn đã coi nắng như một người bạn. Ông "Gọi nắng trên vai..." là gọi người bạn tình mang nắng đến trần gian. Thứ nắng gầy guộc, yêu kiều của riêng ông. Còn tôi, nắng là những ngày miền Trung dãi dầu, đổ lửa. Nắng đốt cháy từng chân tơ kẽ tóc tuổi thơ tôi, cho đến nắng bây giờ là những hanh vàng trên đọt lá, nắng lạnh của vùng cao nguyên tôi ở, đẹp và bao la...
Chưa bao giờ nắng rời khỏi trần gian. Vì nắng cần thiết cho sự sống. Đó là điều ai cũng hiểu, nhưng để gọi nắng là một người bạn trong suốt cuộc đời thì xem ra rất ít. Tôi chỉ bắt chước họ Trịnh, "gọi" một cách khác cho riêng mình. Gọi nắng trong ký ức, và gọi nắng hiện hữu. Ký ức tôi là những ngày hè bắt ve râm ran trên vỏ cây. Nắng như muốn lột tung từng vỏ rêu sần sùi, bám trên tầng cây cổ thụ. Lũ trẻ con chúng tôi đội nắng suốt những mùa hè chói chang. Có đứa tóc cháy khét như rang, có đứa tóc loe hoe đỏ như cái tổ chim úp trên đầu. Đa số đen nhẻm vì nắng. Ký ức tôi được nắng phủ một màu nền vàng sậm như màu rơm rạ. Hình ảnh cha tôi gánh rơm dậm từng cây rơm cao ngất trong vườn, rồi mùa khô rút rơm từng ôm vàng ươm thả vào máng cho những chú bò nằm nhai sột soạt, còn in đậm trong mắt tôi. Hình ảnh từng ngày nắng đẹp, mẹ phơi lúa đầy sân, rồi đôi chân trần sàn sạt tõe lúa ra từng hàng, chiều ngồi rê lúa trước gió, nắng gầy tong vai mẹ, lại lửa khát trong con. Nắng đổ xòa trên máng xối nhà phú hộ có cây ổi sai quả thơm lừng, nắng giòn tan trên mái tranh nghèo dân dã, như chực bốc cháy những trưa hè oi ả. Nắng linh thiêng vắt vẻo trên cây đa đầu làng, chim chóc bay về quần tụ. Nắng theo chân cha, nắng nghiêng nón mẹ. Dưới bầu trời xanh lồng lộng, lắng nghe tiếng gọi nắng phiêu diêu trên đồng, tiếng chim chiền chiện mong manh, tiếng chèo bẻo leo lẻo, tiếng quạ kêu xa vắng, thâm u.
Quê nghèo, nắng cũng có hương vị của cái nghèo. Nắng giòn tan chiếc bánh tráng phơi trên liếp tre. Nắng quyện với mùi khoai lang xắt lát phơi ngoài nong trước hiên. Nắng làm chảy mật những muỗng đường vàng óng. Mẹ nấu khoai lang khô trộn đường, chị giã lớ bắp rang, lấy lá mít làm thìa xúc, chọc nhau cười sặc sụa giữa trưa hè nắng gắt. Đó là hương vị của mái tranh vách đất, không lẫn vào đâu được, khiến những đứa con miền Trung gói vào ký ức ngọt ngào mà thương, mà nhớ... Có nhiều khi nhớ đến quay quắt, chút nắng vàng um tiếng cuốc kêu trong bụi rậm. Bụi cây chùm chày, cây giũ giẻ cuối vườn cũng nhờ nắng mà bật tỏa loại mùi thơm tinh khiết của nắng mật ong. Nắng tinh nghịch nhất là nắng trên sông quê. Trẻ con chia phe đánh trận trên bãi bùn, ném nhau bằng bùn cho đến khi mệt lử, rồi nhoài xuống sông vùng vẫy, lặn hụp trốn cút giữa dòng. Rồi cả bọn lại kéo nhau nằm dài trên bãi cỏ chăn trâu, cùng nhìn lên trời xanh mây trắng. Chẳng biết những lúc đó bọn trẻ nghĩ gì. Riêng tôi, chú bé con đầy đầu truyện cổ tích do bà kể, đã thả hồn cùng những cô tiên đi dạo khắp vùng trời mộng tưởng, có khi lạc sang thế giới thần tiên kỳ ảo suốt những khoảnh khắc nhắm mắt mà chẳng hay nắng cháy khô môi, khô mắt.
Trong khi đó, thời gian không hề đứng đợi. Tôi chạy theo cuộc phiêu du của cơ thể và trí tưởng, mà quên bẵng mình từ nắng lớn lên. Những đám mây của thời cuộc đưa tôi qua một vùng trời khác, bỏ lại nắng một thuở quê nhà. Củ khoai lang lùi trong bếp tro thơ ấu ngày nào, chưa hề được moi ra, cho đến khi chợt nhận ra trên da mình cái nắng hanh heo của mùa khô Tây Nguyên. Đó là vùng nắng lạnh của xứ sở sương mù. Nắng như ướp cái lạnh rất khẽ, len lén chạm vào trong từng cảm giác. Nắng vùng cao hồn nhiên đến mức choàng vai nhau đi suốt mấy ngọn đồi, mà nắng chưa tan xúc giác. Phải nói rằng, nắng Đà Lạt thơm như từng nụ môi mềm. Dẫu có lúc đầu đường xó chợ, nắng lạc loài hành khất mồ hôi. Cũng như mưa, như gió, tôi gọi nắng cao nguyên là nắng tình yêu. Ngày tôi lang thang trên đồi chè, bắt gặp nụ cười hoa trà trong nắng thu vàng nhạt, tôi đã yêu nụ cười ấy, và yêu đôi tay thoăn thoắt hái đọt móc câu. Phía sau em là mặt trời đỏ lựng, sương đọng trên từng đọt lá non. Tôi giữ bàn tay em lại, và lắng nghe tiếng chuông nhà thờ đập rộn rã trong tim. Tim tôi và tim em, nắng đã thắp lên đôi ngọn lửa làm ấm áp khí hậu muộn màng. Đất trời khi chan hòa hương thơm vào nắng, sẽ bừng lên thứ men của tình yêu dịu nhẹ vào mênh mông. Nhờ nắng pha, mà con người được bồng bềnh trong gam màu nhan sắc trần gian. Ý niệm về cái đẹp cũng bắt đầu từ nắng. Phải chăng, nắng thông suốt ba nghiệp: thân, lời, và ý của con người. Tôi miên man sống như vậy giữa màu nắng cao nguyên, để cảm nhận cái đẹp xuyên tâm mà nắng đem lại. Bởi trong tôi đã được trộn lẫn cái nắng ấu thơ và nắng bây giờ, làm thành màu nắng trung dung xúc cảm. Trong khi nhớ mùi nắng ngai ngái của ruộng đồng hoang hoải, tôi lại được hít thở không khí hoang nguyên của đại ngàn. Hay nhớ cảm giác nắng cháy lưng mẹ, tôi lại đi trong nắng lạnh cao nguyên, lòng tràn đầy ánh trời như nhựa thông ứa ra trong nắng.
Và mỗi khi được chiêm ngưỡng cảnh trời ươm nắng, lại bừng dậy trong tôi sức sống mãnh liệt...
Vì thế, đêm nằm nhớ nắng ấu thơ mà thương da diết khúc ruột miền Trung, nắng nôi, bão lũ tơi bời. Thương chân lấm tay bùn lưu lạc thập phương, ve chai, vé số. Thương cha mẹ già như chuối chín cây, khi lũ chim mưu sinh khắp chốn bay về, thì cha mẹ đã ra người thiên cổ. Nghĩ vậy mà giật mình, nghe nắng bóc mảnh rêu trên bức tường cổ, đàn chim sẻ vội vàng chở nắng đi hoang...
 Nguyễn Thánh Ngã
,


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Ở bên ngoài tổ quốc Lấy clinker từ một cảng nhỏ gần Osaka Nhật Bản, sau hải trình 10 ngày, tàu chúng tôi đến Kota Kinabalu Malaysia tr...