“HÀ NỘI DẤU YÊU”
Tập ký & tản văn: “Hà Nội dấu
yêu” của tác giả Phạm Thị Phương Thảo, NXB Hội nhà văn năm 2013 như
một nét môi hôn dịu dàng lên kinh thành cổ tích ngàn năm văn hiến, trong đó mỗi
bài đều như ngân lên những cung bậc của cảm xúc thi vị, say đắm, được hun đúc
bằng tình yêu trong sáng, tinh khiết như mối tình đầu..
Tập ký & tản văn “Hà Nội dấu yêu” gồm ba phần:
Phần
I: “Hà Nội dấu yêu” gồm 18 bài
Phần II: “Miền thơ
ấu”, gồm 6 bài
Phần III: “Kỷ niệm
yêu thương”, gồm 12 bài
Hà Nội không phải nơi chôn nhau cắt
rốn của chị nhưng lại là nơi chị học tập và công tác mấy chục năm trời. Tự lúc
nào Hà Nội với những nét trầm tư, cổ kính, thanh tao cùng bao hương sắc mang
hồn cốt dân tộc đã ăn sâu vào máu thịt của chị, có lẽ vì vậy chị dành nhiều bài
viết về Hà Nội hơn trong tập tản văn & ký này. Không biết đã bao người viết
về Hà Nội, với Phương Thảo, bằng cảm quan tinh tế và tố chất của một nhà thơ –
(chị đã xuất bản bốn tập thơ: “Dòng sông khát vọng”, NXB Văn học – 2010,
“Hoa nắng”, NXB Văn học – 2011, “Trao em mùa hạ”, NXB Hội nhà văn – 2012 và:
“Khúc ru nơi lưng núi”, NXB Hội nhà văn – 2012) chị đã thổi hồn vào mỗi
bài, mỗi trang một sắc thái mới đầy chất trữ tình, đa dạng về đề tài, ngôn ngữ
trong sáng, tự nhiên như tấm lòng của chị với Hà Nội.
Phải tinh tế lắm mới cảm nhận được “Những
búp gió Tây Hồ”: “Trong cái se lạnh của tiết thu, ta nghe từng búp gió xôn xao
đang muốn đuổi theo nhau dập dìu trên mặt hồ. Ấy là những ngọn gió sớm mai còn
thảnh thơi đang chờ đợi những tia nắng thu đầu tiên xuất hiện”. Cảnh
và tình hòa trong một mối đồng điệu tương giao, phảng phất một nỗi ưu tư
thế sự: “Chợt những cơn gió thu mang hơi thở heo may đang lô xô đuổi
theo từng búp gió Tây Hồ. Bao mùa thu đã đi qua cuộc đời mà sự tiếc nuối chợt
vỡ òa trên vai áo người qua. Cái còn và cái mất, cái vui và cái buồn, ranh giới
giữa hạnh phúc và khổ đau đôi khi cũng thật mong manh như sương khói”. Những
cơn gió Hà Nội vô hình mà hiện ra hữu hình, đẹp và mộng ảo đến thế.
Chị yêu đến say mê “Cây cầu sắt nhiều
tuổi nhất”, bởi đấy là chứng nhân của lịch sử:“Thành phố ngàn
năm tuổi và cây cầu Long Biên luôn là biểu tượng không thể tách rời” và
không chỉ một lần chị: không cưỡng nổi lòng mình“tự mình phóng xe máy lên
cầu để ngắm sông nước nơi Bãi Giữa sông Hồng. Thả tầm mắt nhìn xuống bãi Soi
khi mùa về xanh mướt mải với đầy bóng lá của cỏ dại và ngô khoai”, để rồi
được tận hưởng “những giây phút ta thấy thanh bình nhất”. Sinh ra
và lớn kên ở thành phố Lào Cai, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt rồi
gắn bó với Thủ đô, một thành phố phía cuối sông nên dòng sông Hồng luôn tha
thiết chảy trong tâm hồn chị, mang theo bao huyền tích, bao bước chân
quen lạ qua cầu và chiêm ngưỡng dòng sông. Hà Nội hôm nay đã có nhiều cây
cầu hiện đại, to đẹp hơn nhưng với chị: “Mỗi khi có dịp qua cầu, tôi
vẫn có cái thú hoài cổ là được ngắm nghía cây cầu già nua… nhìn sang phía chùa
Bồ Đề bên kia sông Hồng mà nghe trong không gian như phảng phất tiếng chuông
chiều ngân nga cùng những bảng lảng khói sương và lòng thầm mong ước một
cuộc sống thanh bình cho Hà Nội”. Thì ra chị đâu phải người hoài cổ, cây
cầu đã nối liền miền quá khứ với hiện tại và nối nhịp đến tương lai được
chị thể hiện rất tinh tế.
Nói đến Hà Nội là phải nói đến: “Phố
cổ”, với 36 phố phường đã đi vào thơ ca nhạc họa và thu hút những ai
muốn khám phá Hà Nội xưa. Chị cũng như bao người “yêu phố cổ thì vẫn
hoài niệm và thích lang thang tản bộ quanh khu phố cổ Hà Nội để kiếm tìm những
trải nghiệm riêng của mình và mỗi lần lại như khám phá thêm những bí ẩn của
chúng, phố cổ Hà Nội cũng còn bao điều khiến chúng ta phải day dứt”. Đấy là
nỗi day dứt của những người yêu văn hóa dân tộc, có ý thức bảo vệ văn hóa dân
tộc cho mai sau.
Yêu Hà Nội, chị thả hồn với những sắc “Hoa
trên phố”, bởi: “Chúng mang theo hơi thở của mùa và lặng lẽ
làm duyên cho thành phố”. Chị dành nhiều trường đoạn miêu tả những sắc hoa
Hà Nội, chị cảm nhận: “Hoa cũng có số phận riêng và mang hồn cốt của
chúng đến với muôn loài xung quanh… Cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên nhạt
nhẽo, buồn tẻ và thiếu vắng các loài hoa”. Victor Hugo từng nói “Nếu
Thượng đế sáng tạo ra người phụ nữ trước thì người đã thôi không sinh ra các
loài hoa” nhưng tôi chợt nghĩ rằng nếu thượng đế được một lần ngắm các
thiếu nữ Việt Nam tha thướt tà áo dài bên hoa thì chắc ngài còn sáng tạo thêm
nhiều loài hoa tuyệt mỹ hơn nữa, vì thế giới này sẽ vô vị nếu thiếu đi một
trong hai kiệt tác đó. Còn với Phương Thảo, chị ẩn mình trong hoa và để hoa lên
tiếng: “Người chơi hoa phải biết trân trọng và nâng niu chúng như nâng
niu người phụ nữ của mình… Thử hỏi cuộc đời này không có hoa thì cuộc sống sẽ
trở nên nhạt nhẽo và cô đơn đến đâu?”. Cũng vì vây chị dành nhiều trang
viết về “Những sắc hoa bên Hồ Gươm” mà từ lâu đã là một phần
không thể thiếu trong không gian nghệ thuật đặc biệt này.
C hị đồng cảm cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
trong: “Mùa thu Hà Nội – Những dấu hương trong nhạc Trịnh” mà
cảm hứng sáng tạo chính từ những nét nhạc tài hoa của hai ca khúc: “Đoản
khúc thu Hà Nội” và “Nhớ mùa thu Hà Nội”. Không gian
trữ tình của mùa thu Hà Nội được chị cảm nhận ở những vần thơ chợt ùa về như
hương cốm mới:
Gói thu trong
hương gió
Để sắc cốm
nồng nàn
Mắt cốm xanh
lấp ló
Thơm dẻo tình
chứa chan
Tình yêu Hà Nội của Phương Thảo thăng hoa khi
thơ của chị được chắp cánh mà chị tự bạch trong tản văn: “Hà Nội những
giọt đêm tan chảy”, cũng chính là tên ca khúc được nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng
Minh phổ bài thơ:“Đêm Hà Nội trong ta” đã in trong tập: “Khúc
ru nơi lưng núi”, ca từ như những giọt thời gian quí báu tan vào lòng những
người yêu Hà Nội, khơi dậy những hạt mầm tốt đẹp:
Từng giọt đêm
tan chảy
Em hát cùng
phố cũ tình ca
Từng giọt đêm
tan chảy
Đêm Hà Nội,
Hà Nội trong ta…
Yêu Hà Nội, nâng niu từng nét đẹp, chị xa xót
cùng “Hà Nội những ngày mưa bão”. “Đó là ngày 17/8/2012…
khi đất trời giận dữ trong cơn cuồng nộ và thành phố ngổn ngang trong cảnh cây
đổ và tắc nghẽn giao thông…” nhưng rồi ý chí kiên cường của người Hà
Nội vẫn vượt lên, chiến thắng những khắc nghiệt của thiên nhiên, cũng như đã
chiến thắng bao kẻ thù hùng mạnh trong suốt chiều dài lịch sử và chị dí dỏm pha
chút tinh nghịch trong: “Hà Nội ngày tận thế”. Dẫu đấy là lời “tiên
tri” theo lịch Maya cổ không có cơ sở khoa học nào nhưng lời “tiên
tri” ấy cũng làm bao người lo sợ, dẫu mơ hồ. Còn trong cảm nhận của
chị:“Sáng nay phố phường Hà Nội vẫn đông đúc như thường. Không gian lạnh hơn
với chút gió từ đêm qua và mặt hồ vẫn lãng đãng sương mù của một ngày đầu đông…
Những cô gái Hà Nội vẫn yểu điệu ngồi trên xe máy trên đường đi làm với những
bộ váy áo đẹp đẽ và còn như duyên dáng thêm với những chiếc khăn mùa đông rực
rỡ mềm mại…” và thật thân thương, đầy ắp tình người khi chị thấy: “Chỉ
có điều từ sáng sớm hôm nay, người dân Hà Nội hình như thức dậy sớm hơn ngày
thường và ánh mắt nhìn nhau dường như thân thiện hơn… Có lẽ mọi người muốn làm
một điều gì đó tốt đẹp hơn cho cuộc đời và cảm thấy phải yêu thương nhau nhiều
hơn trong cuộc đời ngắn ngủi, vốn đã đầy bất trắc và mong manh này”. Người
đọc chợt giật mình nhận ra mình đang sống bình yên trên mặt đất xanh tươi là
diễm phúc, đừng hoang phí những gì ta đang có…
Phương Thảo còn dành nhiều trang viết về đặc
sản làng nghề và ẩm thực của Hà Nội một cách điệu nghệ, Từ: “Gốm Bát
Tràng thắm tươi hồn dân tộc” là sự thăng hoa của đất và những tâm hồn
nghệ nhân làng nghề truyền thống, đến: “Sự hấp dẫn của phở cuốn”. “Đến
chả cá Anh vũ nói về chả cá”.. . Tố chất của một người phụ nữ
Việt Nam vốn giỏi giang nội trợ cùng một tâm hồn trẻ trung làm cho người đọc
nhận diện Hà Nội ở nhiều góc độ hơn, luôn phập phồng hơi thở của cuộc
sống nhiều sắc màu ở: “Thành phố ngàn lẻ một tuổi”của chị. Có ai
ngờ được chị bận bịu với công việc của Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn
vệ sinh thực phẩm quốc gia – Bộ Y tế, vậy mà chị vẫn tràn đầy cảm hứng sáng tạo
với bút lực dồi dào và cảm quan tinh nhậy đến thế. Ba mươi sáu bài được chọn in
trong Hà Nội dấu yêu ứng với con số 36 phố phường của Hà Nội xưa cũng là một
niềm yêu thương , nâng niu, trìu mến, trân quý vô hạn với quê hương thứ hai của
chị. Mới đây, khi gặp chị ở triển lãm mỹ thuật 16 Ngô Quyền, tôi thấy chị đứng
ngắm khá lâu những bức tranh vẽ về Hà Nội, rồi lại sôi nổi bàn luận và chị rút
điện thoại chụp lại, trong ánh mắt chị tôi thấy một sự đồng vọng thú vị khó
diễn tả thành lời.
Tập ký & tản văn: “Hà Nội dấu
yêu” của Phương Thảo khá nhuần nhuyễn giữa tản văn trữ tình, tản
văn tự sự và tản văn nghị luận, chất lãng mạn trữ tình nổi trội là sự lôi cuốn
lớn, niềm đam mê của chị thắp lửa tình yêu Hà Nội trong mỗi chúng ta, thực sự
ngân lên bao cung bậc, nhưng ở đôi bài, đôi trường đoạn chất chính
luận nổi trội có phần “lộ” làm cho người đọc hơi tiếc.
Bây giờ người viết ký & tản văn không
nhiều bởi sự đòi hỏi khắt khe của thể loại “khó tính”này
nhưng Phương Thảo đã thành công bởi xúc cảm đầy ắp một niềm yêu của
chị đã góp một tiếng lòng với “Hà Nội dấu yêu”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét