Mùa xuân và những khoảnh khắc
hoài niệm
Ngô Thị Hy
Hoa mai hàm tiếu
Con người đến một độ tuổi nào
đó thường hay hoài niệm về quá khứ. Có lẽ bởi vì đến lúc trải qua nhiều thăng
trầm của cuộc đời, người ta càng biết trân trọng những gì đẹp đẽ khó quên của
thời đã qua, nhất là thời thơ ấu. Hoài niệm giúp người ta giữ lại những kỉ niệm
in đậm trong tâm khảm, nhất là kỉ niệm về người thân. Những thời khắc quan
trọng thường là những lúc hoài niệm về quá khứ lại tràn về trong tâm tưởng…
Hôm
nay đã hai mươi chín tết rồi. Tôi muốn dạo một vòng chợ để cảm nhận không khí tết. Đi qua
những con đường trung tâm thành phố mới thấy được sự sôi nổi, nhộp nhịp của
những ngày giáp tết. Chợ hoa nằm dọc bờ sông có lẽ là một trong những nơi thể
hiện rõ không khí tết. Con đường cặp bờ sông hàng ngày tương đối vắng vẻ thì
giờ đây ồn ào, náo nhiệt quá. Mọi người chen chúc trên con đường nhỏ ngắm nghía
từng chậu mai, chậu kiểng, thưởng thức đủ mọi loại hoa đầy màu sắc. Đúng là
ngày hội hoa. Nhiều người đã lựa chọn các chậu hoa đẹp theo ý thích và chất đầy
trên những chiếc xe lôi đã luôn sẵn sàng chờ người gọi. Khi đời sống sung túc,
người ta thường có nhu cầu hưởng thụ, điều đó thật tự nhiên. Một người đàn ông
sang trọng trên chiếc xe SH đang bàn bạc giá cả với người bán hàng. Tôi tò mò đứng
lại nghe họ nói chuyện. Ông chủ ra sức thuyết phục người khách:
– Chậu mai này đẹp lắm cậu ơi! Vừa có dáng vừa có nhiều nụ to, lại bảo đảm sẽ
nở rộ đúng mùng một tết.
Ông khách ngắm nghía chậu mai ra chiều ưng ý nhưng cũng cố vớt vát giá cả nên
cố tìm cách chê bai:
– Nhìn cũng đẹp nhưng cây hơi nhỏ mà giá lại đắt quá, gì mà tới 50 triệu lận…
– Không đắt đâu, tiền nào của nấy mà…
Đúng là bây giờ cuộc sống ngày càng tốt hơn. Nhớ lại ngày còn bé, ngày tết cứ
đến trưa ngày 30 má tôi mới ra chợ hoa. Má hay nói, 30 tết hoa mới rẻ vì người
ta phải bán cho hết để về nhà ăn tết mà. Có lẽ đó là cách nghĩ của người nghèo.
Những người có của ăn của để, có nhu cầu thưởng thức cái đẹp có lẽ không ai
nghĩ như thế. Đến trưa 30 thì còn hoa gì đẹp mà mua. Chợ hoa tỉnh lẻ lại là chợ
nhỏ chủ yếu bán cho người nghèo ngày tết nên hiếm loại đắt tiền như mai mà
thường bán nhiều hoa vạn thọ, mồng gà, các loại cúc, cúc mâm xôi, cúc đại đóa,
các chậu ớt, chậu hạnh… Má tôi thường chọn mua vạn thọ. Nhiều năm đi theo má
dạo chợ tết tôi đều thấy má mua vạn thọ. Thắc mắc thì má bảo, vạn thọ có ý
nghĩa lắm, đầu năm chưng vạn thọ là cầu cho mọi người điều tốt lành, sống lâu,
an khang thịnh vượng. Vạn thọ thì giá rẻ vừa với túi tiền nhà mình. Má lại chọn
mua thêm chậu hạnh để cầu gia đình hạnh phúc. Đến đầu chợ má lại chọn mua một
cành mai nhỏ. Má nói, về hơ gốc mai rồi cắm vào bình là đẹp rồi. Cầm cành mai
vừa mua giá rất rẻ nên chỉ có vài nụ mai chơ vơ trên ngọn, má nói: Thôi
kệ, vậy cũng đẹp rồi, chỉ cần mấy ngày tết thôi mà. Thế là xong việc trang trí
trong nhà ngày tết, đơn giản và phù hợp với gia cảnh nhà tôi. Chị em tôi thế là
có việc để làm. Chị tôi tìm bình để cắm cành mai nhưng miệng bình rộng, cành
mai nhỏ bỏ vào lọt thỏm, chị phải cho thêm vào vài cây cúc để giữ cho mai đứng
thẳng. Tôi thì tìm mấy tấm giấy hoa bọc chậu vạn thọ và chậu hạnh. Ngắm công
trình chuẩn bị của mấy má con tôi, má cười nói, vậy là tươm tất chán rồi, có
người còn không có gạo ăn ngày tết đó.
Ra khỏi chợ hoa một cách khó
khăn vì dòng xe cộ nối nhau không dứt để chen vào khu chợ, tôi lững thững dạo
trên con đường lớn, một trong những con đường trung tâm thành phố. Con đường
này ngày thường vốn đã đông đúc giờ lại càng nhộn nhịp hơn bởi một bên đường
dành cho chỗ bày bán dưa hấu. Đủ loại dưa chất cao ở từng gian hàng: dưa tròn,
dưa dài, dưa vuông, dưa ruột đỏ, dưa ruột vàng… Người đi đường đang lưu thông
trên đường phố bằng xe gắn máy cũng dễ dàng ghé lại một gian hàng nào đó để
chọn mua một cặp dưa vừa ý. Người đi bộ cũng ghé vào rất đông nên tôi phải
chen giữa dòng xe cộ và người mua dưa để chọn mua một cặp dưa vừa phải
chưng tết. Dưa chất cao trong các gian hàng lớn, nhỏ đủ loại làm tôi hoa cả
mắt, có những cặp dưa đã được chủ gian hàng chọn lựa sẵn để riêng từng cặp mà
mỗi trái một người ôm chắc không nổi. Một người phụ nữ cùng chồng đi mua dưa
đứng cạnh tôi đang nhấc lên nhấc xuống từng quả dưa ra chiều khó chọn lựa.
Người chồng bảo vợ: Lấy cặp dưa to nhất kia đi để chưng cho sang. Người vợ tỏ
vẻ không đồng ý: “ Dưa to đắt lắm, cả mấy trăm ngàn một cặp mà chưa chắc đã
ngon, người ta xịt thuốc dưỡng cho to chứ đâu ngon lành gì, rồi chưa hết tết,
nó đã thối rồi”
Hai vợ chồng cứ thế dùng dằng qua lại. Tâm lý con người kể cũng lạ, bao giờ
cũng muốn phơi bày sự sang trọng. Ngày xưa còn bé, anh em chúng tôi cứ
trông đến tết không phải chỉ vì tâm lý trẻ con thích tết mà còn là vì muốn được
ăn dưa hấu. Ngày đó chỉ có tết mới có dưa hấu chứ đâu phải như bây giờ dưa hấu
quanh năm, lúc nào ăn cũng có. Người lao động nghèo thì dù có tết chưa chắc mua
được một quả dưa để cúng ông bà. Nhà tôi lúc đó nghèo, con cái lại đông, ba má
tôi cũng đã rất vất vả để có được bữa ăn hàng ngày. Nhưng tết đến má tôi cũng
cố mua một quả dưa nhỏ chỉ bằng quả bóng nhựa đá bóng của trẻ con đặt
trên bàn thờ cho đủ lễ. Thế là ngày mùng một, buổi sáng thức dậy chúng tôi cứ
quanh quẩn trong nhà rồi chờ đến giờ cúng tổ tiên. Đến trưa, má trịnh trọng đem
quả dưa nhỏ duy nhất đặt trên bàn thờ xuống. Chúng tôi háo hức nhìn theo con
dao trong tay má bổ xuống quả dưa. Hai nửa quả dưa được cắt rời đỏ au. Má nói:
“ Vậy là năm nay nhà mình sẽ gặp may mắn. Trái dưa nhỏ như vầy mà đỏ là điềm
may lắm.”. Chúng tôi không để ý đến lời má nói mà chỉ thèm thuồng nhìn. Má lại
dùng con dao bổ theo chiều dọc quả dưa để cắt thành từng miếng nhỏ và mỏng.
Không biết má có tính toán hay không nhưng khi hoàn thành công việc, tôi đếm
đúng 10 miếng đều nhau, đủ cho ba má và 8 anh chị em chúng tôi. Thằng út nuốt
nước miếng đến ực một cái rõ to:
“ Má ơi! Ăn được chưa?”.
Má tôi la thằng út: “ Còn đem lên cúng nữa, háu ăn quá đi.” Chúng tôi cứ thế
ngồi chờ cho nhang tàn một cách sốt ruột. Thằng út chạy lăng quăng ngoài xóm,
cứ chốc lát lại quay về nhìn lên bàn thờ xem nhang sắp tàn hay chưa. Khi được
ăn, chúng tôi ai cũng trịnh trọng cầm miếng dưa mà ngắm nghía vẻ đỏ mịn của
ruột dưa. Hương vị của dưa mới ngon làm sao, cắn vào mát ngọt tận đầu lưỡi. Tôi
cố ăn thật chậm để giữ lâu hơn cái hương vị của miếng dưa ngày tết. Nhưng miếng
dưa nhỏ quá, dù có muốn ăn lâu thì cũng chỉ một thoáng đã hết. Ăn hết
phần dưa của mình, xem ra thằng út dường như còn thòm thèm, nó cắn cả vào phần
trắng của vỏ dưa. Má thấy tội nghiệp nên cắt một phần miếng dưa của mình đưa
cho nó. Má nói, vậy là được ăn dưa hấu tết năm nay rồi đó nghe. Đến bây giờ
trải qua bao năm tháng có đủ cả vui buồn, sướng khổ của gần một đời người, tôi
vẫn không quên được hương vị ngọt ngào của miếng dưa trong những ngày tết nghèo
của gia đình năm ấy.
Phố
xá ngày càng nhộn nhịp. Càng về khuya, người ta càng đổ ra đường nhiều hơn. Có
lẽ lúc này ai nấy rãnh rỗi sau một ngày làm việc nên đây là thời điểm vừa đi
dạo vừa sắm tết thoải mái nhất. Và cũng có lẽ ai cũng nghĩ đi chợ tết càng muộn
càng đỡ chen lấn. Nhưng họ không ngờ rằng đây là thời điểm náo nhiệt nhất.
Không chỉ ở những chỗ bán hoa, bán dưa mà kể cả ở những gian hàng khác. Dọc
đường Hai Bà Trưng, các shop thời trang sáng rực đèn, shop nào cũng trang hoàng
thật đẹp, thật bắt mắt để thu hút khách sắm tết. Đi dọc theo con đường này
mấy lần, tôi muốn ghé lại một hiệu quần áo nào đó để lựa chọn cho mình và con
gái một cái áo mới mặc tết nhưng tôi ngần ngại không dám vì nghĩ đến cái túi
tiền hạn chế của một công chức nhà nước. Các cô gái bán hàng với đồng phục váy
xanh không ngớt chào mời khách:
– Vào xem cô ơi! Hàng hiệu kiểu mới rất đẹp!
Tôi giả vờ như không quan tâm và định đi qua luôn nhưng cũng không bỏ lỡ cơ hội
liếc nhìn chiếc áo đầm trẻ con treo trên mắc. Một phụ nữ trẻ dắt đứa con gái
nhỏ dừng lại một shop ngắm nghía một chiếc váy hồng đang mặc trên người cô bé
ma nơ canh. Có khách xem hàng, cô bán hàng xoắn xít chào mời. Tranh thủ không
ai chú ý đến mình, tôi bước đến xem chiếc áo tôi để ý ban nãy và liếc nhanh giá
tiền gắn trên mác áo. Người phụ nữ có vẻ vừa ý chiếc áo cho con gái nên bảo cô
gái gói hàng mà không cần mặc cả. Cô bán hàng vui vẻ nhận tiền. Tôi liếc qua
thấy không dưới một triệu. Số tiền quá sức đối với một công chức như tôi. Bước
sang gian hàng kế bên, tôi phải chen chân mới bước vào được. Có lẽ shop quần áo
này vừa với túi tiền của người bình dân nên thật đông người vào xem. Shop trưng
bày quần áo la liệt, lớp nào treo trên cao, lớp nào bày ngay trên kệ, trên nền
nhà để khách dễ lựa chọn. Tôi thấy chóng cả mặt vì không biết lựa chọn thế nào.
– Ba ơi! Mua cho con cái áo sơ mi sọc ca rô kia đi ba!
Đứa con trai nhỏ đứng cạnh tôi nì nèo cha mình. Người đàn ông có vẻ ngoài khắc
khổ, nước da đen nhẻm nói hơi gắt gỏng:
– Con mặc đồ anh hai tết năm ngoái còn mới mà. Anh hai mặc chật rồi tới con.
Người đàn ông có vẻ là dân lao động. Chiếc áo sơ mi tuy lành lặn nhưng vài chỗ
đã sút chỉ, chiếc quần kaki bạc màu và đôi dép cũ cũng mòn một bên. Anh vỗ về
đứa con: “ Ngoan đi con! Ra tết làm thêm được nhiều tiền, ba mua cho”. Đứa bé
có vẻ tủi thân:
“ Có má, thế nào má cũng mua
cho con”
Tôi thấy tội nghiệp cho cha con
người đàn ông. Có lẽ người vợ không còn nên người cha phải sắm sửa cho con ngày
tết. Nếu còn mẹ thế nào người mẹ ấy sẽ chắt mót để chuẩn bị tươm tất cho con
quần áo tết. Lòng mẹ bao giờ cũng thế mà. Tôi nhớ ngày nhỏ bằng tuổi cậu bé,
mỗi lần tết đến, tôi đều chờ đợi được mặc áo mới nhưng đó không phải là những
chiếc áo mới toanh mua ngoài chợ. Nhà đông con, lại khó khăn nên ngày tết
má chỉ ưu tiên chuẩn bị cho tôi và đứa em trai – con gái và con trai út
của má – quần áo tết.
Để có chiếc áo gọi là “mới” để mặc tết, má đã phải chọn lựa những quần áo của
má và các chị lớn của tôi những cái còn khá mới rồi kỳ công ngồi cắt sửa lại
thành áo “mới” cho tôi. Khi tôi mặc vào thấy vừa vặn, má mới lấy vải vụn kết
thành một bông vải lớn đính trên ngực áo rồi đính thêm mẩu ru băng nhỏ
trên nắp túi áo. Chiếc áo lập tức nổi bật không thua kém gì những chiếc áo mới
tôi thấy người ta bán ở chợ. Có được chiếc áo thế thôi mà tôi đã mừng khôn
xiết, tôi đã đi khoe khắp mọi người, từ anh chị tôi đến những người hàng xóm.
Suốt đêm tôi đã ôm chiếc áo ấy ngủ mong sao cho mau chóng đến sáng mồng một để được
mặc áo mới. Sau mấy ngày tết má lại giặt sạch xếp cẩn thận vào tủ để tết năm
sau tôi mặc lại. Giờ tôi mới biết vì sao khi sửa áo, má lại cố ý may rộng một
chút để tôi có thể mặc tiếp năm sau.
Bước ra khỏi shop quần áo, tôi suýt vấp phải một bé gái đang ngồi bên cạnh một
người phụ nữ ngay sát lề đường, có lẽ là hai mẹ con. Trước mặt họ là một cái
bàn nhỏ bày bán bánh mứt với một ít kẹo lạc, bánh rau câu tạo hình trái ớt,
trái cà chua, mâm ngũ quả với màu sắc xanh đỏ đẹp mắt. Vài đứa trẻ con đi qua
thấy thích mắt níu tay mẹ đòi mua. Mấy món quà này đúng là hướng tới đối tượng
trẻ con bình dân. Tôi cũng ngồi xuống lựa vài trái ớt, trái mãng cầu bằng rau
câu với ý nghĩ vui vui, chắc con bé Vy của tôi thích lắm đây. Đứa con gái giật
giật tay người mẹ bán hàng rong giục: “ Mẹ ơi! Mình về mau mau để đi chợ tết
chứ”. Người mẹ cho mấy mẩu rau câu mà tôi đã chọn vào bịch nylon đưa cho tôi
rồi âu yếm vỗ về con gái: “ Ờ! Mẹ biết rồi, con ngồi yên cho mẹ bán hàng thì
mới có tiền đi chợ tết chứ! ”. Tôi nhìn hai mẹ con, nghĩ họ thật hạnh phúc,
chắc nhà nghèo phải bươn chải để kiếm sống nên tranh thủ những ngày này để kiếm
thêm ít tiền.
– Mẹ ơi! Về chưa mẹ?
Một chiếc xa honda trờ tới trước mặt tôi và tiếng con gái tôi líu lo làm tôi
giật mình. Bé nũng nịu:
– Mẹ ơi mẹ! ba chẳng mua gì cho con hết trơn.
Tôi đưa cho con gái bọc rau
câu. Con bé mừng rỡ reo lên:
– Ôi! Thích quá! Cảm ơn mẹ. Chỉ có mẹ là nhất thôi.
Câu nói của đứa trẻ làm tôi
bâng khuâng. Mẹ con người phụ nữ bán hàng đã dọn dẹp rồi hòa vào dòng người mua
sắm tết. Đứa bé hân hoan đi bên mẹ, người mẹ nắm chặt tay con gái. Tôi biết
chắc điều này, đứa bé sẽ mãi mãi nhớ về những ngày hạnh phúc vì có mẹ, dù thời
gian có trôi đi. Nhìn họ tôi nhớ như in ngày còn bé, cứ tết đến đúng lúc giao
thừa vừa xong, tôi lại cùng má tôi đi lễ chùa. Má cũng nắm tay tôi như thế. Lúc
ấy tôi thấy ấm áp biết chừng nào. Ngôi chùa gần nhà nên chỉ đi bộ một lát là
tới nhưng tôi cứ muốn con đường dài thêm ra để được má dắt tay đi như thế vào
cái giờ khắc giao thừa. Hình ảnh ấy suốt cuộc đời tôi không bao giờ
quên.
Ở thời khắc quan trọng
chuyển giao năm cũ và năm mới thường gợi cho người ta nhiều cảm xúc. Bên cạnh
niềm vui, niềm hân hoan đón chào năm mới có lẽ có cả cảm giác bâng khuâng,
những khuấy động trong ký ức khiến người ta nhớ về quá khứ. Những khoảnh khắc
thế này, trong mỗi việc, mỗi cảnh tôi đều nghĩ đến má tôi với cảm giác buồn nhớ
rưng rưng. Thế là đã hai năm tết đến không có má. Người có lẽ đã hóa thành cát
bụi từ lâu nhưng Người luôn hiện hữu trong tôi mọi khoảnh khắc.
Dòng người ở trung tâm thành
phố ngày càng đông hơn. Tôi nhìn thấy ở từng người có cả nét hân hoan, những
niềm vui, có thể có cả những lo toan nào đó cho cuộc sống của mình. Và có lẽ
cũng có người như tôi, còn có những phút giây lắng lòng để hoài niệm về mẹ, bởi
đó là điều thiêng liêng nhất mà nếu mất đi thì tâm hồn con người chỉ còn là một
cõi trống không hụt hẫng…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét