1.
Một trong những câu hỏi mình đã tự chất vấn bản thân từ khi mình mười tuổi: Tại
sao mình là người Việt Nam, nhưng mình phải sống bằng những giá trị đạo đức của
người Trung Quốc?
Đó
là mùa hè cuối cùng của thời Tiểu học, khi đó mình mượn được một cuốn “Cổ học
tinh hoa” từ tủ sách của cô giáo Hương, dạy văn cấp 3 ở cùng khu tập thể nhà
mình. Cô có một đứa con gái cũng bằng tuổi mình, vì chơi với bạn, mình mới có
may mắn được đọc những cuốn sách không phải sách giáo khoa lớp 5. Đọc mỗi cuốn
sách chỉ mất một ngày. Nhưng suy nghĩ về sách thì triền miên từ tháng này qua
tháng khác, cho đến lúc nào mà có một cuốn sách mới lại choán hết tâm trí mình.
Cuốn
“Cổ học tinh hoa” ngày đó dưới con mắt của một cô bé con được hiểu là những
triết lý sống, những quan điểm làm người của… người Trung Quốc cổ đại. Đọc hết
sách ấy, mình chỉ băn khoăn rằng: Thế người Trung Quốc bây giờ họ có sống được
một cách sâu sắc thế này không? Nếu tác giả giúp ta đúc kết được hàng trăm bài
học nhân sinh đắt giá từ những điển tích sách vở Tàu xa xưa, phải chăng thứ mà
trong trang sách nói chính là một mẫu mực để người ngoài sách sống theo? Nhưng
mình là người Tàu hay người Việt?
Đó
là lý do từ sau cuốn “Cổ học tinh hoa”, mình cự tuyệt không đọc tất cả những
cuốn sách nào nổi tiếng của Tàu mà người ta khen lấy khen để, từ Hồng Lâu Mộng
cho tới các bộ truyện chưởng, từ Tam Quốc Diễn Nghĩa cho tới Thủy Hử. Kể cả
phim! Nếu mình đọc mà rồi cũng lại chỉ để tấm tắc như mọi người, thì đọc làm
gì? Nếu đọc nát nghìn trang sách chỉ để hiểu điển tích, tâm đắc thuộc làu cổ
sử, nhưng chất bao nhiêu gánh nặng lên trí nhớ chỉ để hài lòng là, người khác
đọc rồi mà ta cũng đã đọc, ta chẳng thua kém ai, ai nói gì ta cũng biết, thì
chi bằng, đọc những bài bình sách, cảm tưởng của người đọc còn thú vị hơn. Hay
bỏ thời gian ra để đọc những trang sách kém nổi tiếng hơn, nhưng tự mình rút ra
được cảm nhận tươi mới, không bị ám ảnh bởi nhận xét của người khác, thì vẫn
đáng để làm hơn nhiều.
Lớn
hơn chút nữa, cái mình sợ nhất trên đời là một cuốn sách mang tên “Đắc nhân
tâm”. Không hiểu vì sao mình lại sợ một cuốn sách Mỹ mà cho đến ngày hôm nay
mình chưa hề đọc một chữ nào trong ấy? Có lẽ nỗi sợ hãi của một cô thiếu nữ là
bởi, mọi bình luận sách mình đọc đều cho rằng, đó là một cuốn phải đọc nếu muốn
trở thành một người thành đạt, hoàn hảo, tâm lý, được lòng người, thành công
trong công việc và giao tiếp, hoàn thiện bản thân v.v… Triết lý làm người thật
là quý giá. Nhưng, sự sống của mình không đáng giá sao? Sao một mặt ta kêu gọi
hồn nhiên như cỏ hoa, trân trọng mỗi giọt sương, mỗi phút sống, một mặt ta cố
gắng tìm hiểu xem người khác đang sống theo kiểu gì, mình nắn lại để sống kiểu
gì thì vừa lòng đám đông?
Sau
này ông chồng mình trở thành… chồng mình, ông ấy thường trách, vợ chẳng bao giờ
tin vào kinh nghiệm của người khác, chẳng biết tránh chướng ngại vật, mà cứ
phải tự mình vấp ngã!!!
Rồi
trưởng thành thêm một chút nữa, vào lúc được học lý luận truyền thông, mình mới
hiểu ra lý do mình đã từ chối những thứ thịnh hành trong trong xã hội: Nếu coi
mỗi cuốn sách, mỗi tấm biển chỉ đường, mỗi kinh nghiệm truyền khẩu, một bài
tung hô nhà văn này, một bài báo phỉ nhổ một cuốn sách khác… là một thông điệp
truyền thông, thì độc giả của truyền thông đại chúng luôn mang một chút tâm lý
phản đối, từ chối những thông điệp ấy. Nên độc giả một mặt tung hô và hối hả
tiếp nhận, một mặt sẽ phản đối và từ chối. Và mình chỉ là một phản lực nhỏ nhoi
rất bình thường trong xã hội. Chỉ là, đám đông luôn ngờ vực “phản lực” của
chính họ. Còn mình, mình tin nhiều hơn vào “phản lực” nhỏ bé của mình. Dù, ta
sẽ có lẽ cả đời ngược chiều gió thổi.
2.
Hồi còn đi học, chừng hơn hai mươi năm trước, mình nghĩ những người thành đạt
trong xã hội phải là những người đi xe máy và gặp nhau trao danh thiếp. Cho đến
lúc, tự mua được xe máy và có một công việc đầu tiên được trả lương, thì nghĩ:
Người thành đạt là người nổi tiếng và dư tiền mua sắm trang sức.
Vài
đôi năm sau, đường đời khiến mình nghi ngờ thực tài của tất cả những người nổi
tiếng mình gặp, và không mảy may thấy chút giá trị nào trên những món đồ trang
sức đính bảng giá kèm nữa, thì mình nghĩ: Thành đạt là có một tổ ấm gia đình và
một ngôi nhà của riêng mình.
Vào
lúc có một người đàn ông nói, anh sẵn sàng trao em trái tim anh và túi tiền của
anh, miễn là em ở nhà làm máy đẻ và máy giặt, máy hút bụi, thì anh sẵn sàng làm
máy ATM của em, thì mình nghĩ, thành đạt là một phụ nữ tự do.
Vài
đôi năm nữa trôi qua, vào lúc bối rối giữa tự do, mình nhận ra: Cái mình cần
hóa ra không phải là thành đạt! Không phải là tiền, danh thiếp, ngôi nhà, những
lời khen tặng. Mà là, sống theo cách của mình, nghĩ theo cách mình cảm nhận,
nói những lời của chính tâm hồn mình, yêu được bản thân và tha thứ được cả
những kẻ bỉ ổi. Vì ta chẳng thay đổi được cuộc sống này, nhưng ta có thể thay
đổi cách sống và cách nhìn nhận.
Trang Hạ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét