NHỚ QUÊ HƯƠNG TỪ
GIAI ĐIỆU MÙA THU
Phòng tập của chương trình Giai điệu mùa thu một buổi sáng đón hai
cô gái trẻ Lê Thanh Thảo, Lê Thu Quỳnh. Họ hơi ngỡ ngàng bước vào căn phòng
toàn những người xa lạ. Nhưng chỉ chốc lát ngón đàn của Thu Quỳnh vang lên say
sưa, mải miết...
Họ - hai cô cháu nhỏ của nhạc sĩ thiên tài Văn Cao - đang trở về
chính nguồn mạch âm nhạc khai sinh ra họ.
chính nguồn mạch âm nhạc khai sinh ra họ.
Trong những giây phút cuối đời vào tháng 7-1995, nhạc sĩ Văn Cao
gặp cháu ngoại Lê Thanh Thảo lần cuối. Bà Nguyễn Hương Hương, mẹ của Thảo, còn
nhớ như in: "Lần nghỉ phép cuối cùng trước khi ông mất, tết năm 1995 Thảo
về thăm ông. Ông hỏi ngay khi gặp là con bé học đàn chưa. Ông bảo đàn là nghề
truyền thống gia đình, dù có khổ cũng phải theo nghề".
Nốt nhạc của truyền thống gia đình
Chương trình Giai điệu mùa thu 2010 diễn ra hai đêm 18 và
19-8-2010 tại Nhà hát TP.HCM. Gala Giai điệu mùa thu được khởi xướng từ năm
2005, với tiêu chí tạo một sân khấu trang trọng để các tài năng của Việt Nam -
thành danh ở môi trường trong nước hoặc nước ngoài - có thể "báo cáo"
với công chúng yêu nghệ thuật của Việt Nam về những thành tựu trên con đường
nghệ thuật mà họ đã chọn. Năm nay, chương trình có sự tham gia của 17 nghệ sĩ
trẻ trong và ngoài nước.
Cây đàn đầu tiên của Thảo được mẹ mua từ một cửa hàng đồ cũ, theo
ý nguyện của ông ngoại. Ký ức và tình yêu với người cha, người ông đáng kính đã
dắt những ngón đàn chập chững của Thanh Thảo vào cuộc hành trình âm nhạc mãi
tới tận bây giờ. Thảo học nhanh như một thiên khiếu, kết thúc chương trình sơ
cấp sớm hơn hai năm, trung cấp sớm hơn một năm so với các bạn cùng học.
Suốt thời đi học, Thảo đã đi diễn cùng dàn nhạc, đi thi concours,
tham dự festival âm nhạc... ở nhiều nơi trên khắp châu Âu. Ngồi nghỉ trong
phòng tập của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM, Thảo trầm ngâm: "Đây
là lần đầu tiên mình về Việt Nam diễn. Mình cứ nghĩ đến một lúc nào đó mình
phải chơi đàn trên ngay quê hương mình".
Thu Quỳnh, cũng theo những mong mỏi nối nghiệp của ông ngoại, bắt
đầu tập nhạc với mẹ từ khi 4 tuổi. Bà Hương Hương tự hào nói về con gái:
"Thảo có cái chín chắn và sâu lắng hơn. Quỳnh lại có phần bốc lửa
hơn". Trong buổi sáng 17-8, Quỳnh say mê với bản Fantazia của Chopin cùng
dàn nhạc giao hưởng của Nhà hát TP.HCM. Cũng với ngón đàn này, cô bé đã nhận
hai giải nghệ sĩ piano biểu diễn hay nhất (do khán giả và Hội Chopin Ba Lan
bình chọn) của festival kỷ niệm 200 năm ngày sinh nhạc sĩ F. Chopin diễn ra tại
Sanok, Ba Lan tháng 2-2010.
Trong đêm diễn Giai điệu mùa thu, Thanh Thảo chơi chương 1.
Allegro moderato Concerto số 4 viết cho piano và dàn nhạc cung G Major của
Beethoven. Thảo cho biết: "Đây là bản mình rất thích và vẫn đang phải tập.
Cứ như một điều kỳ diệu nào đó, mỗi người chơi piano tạo ra một màu sắc khác
nhau khi chơi bản nhạc này. Mình rất thích Beethoven và đây cũng là một trong
những bản concerto mình thích nhất của ông".
Thảo đã tự tin biểu diễn trong rất nhiều nhà hát lớn trên thế giới
suốt từ ngày đi học đến giờ nhưng vẫn cảm thấy lo lắng trước đêm diễn 18-8.
Giai điệu mùa thu sẽ là nơi làm đầy ắp thêm ký ức của cô về quê hương Việt Nam
mà cô đã xa cách từ thuở còn thơ bé.
Cùng với chị trong Giai điệu mùa thu, Thu Quỳnh biểu diễn Fantazia
của Chopin, bản trình tấu đã đem lại sự say mê cho chính những khán giả trên
đất nước Ba Lan, quê hương của thiên tài Chopin. Ngay từ nhỏ, Thu Quỳnh đã tỏ
ra đặc biệt thích các tác phẩm của nhạc sĩ này.
Ngón đàn sinh sôi trong tình yêu của ông ngoại
Bà Hương Hương nhớ lại: "Chính ông ngoại đặt tên cho cháu gái
là Thanh Thảo. Ông muốn cháu của ông phải là người con gái thanh thoát, dịu
dàng. Ông bế ẵm suốt ngày. Thảo bị chàm sữa ở hai má cũng phải ông bôi thuốc
cho". Cả tuổi thơ của Thanh Thảo là những quãng ngắn đứt đoạn có ký ức về
ông. Thảo kể: "Thảo chỉ nhớ lần nào về ông cũng ôm. Ông cho ngồi vào lòng.
Thảo khóc thét lên vì... sợ ông già quá. Ông phải dỗ mãi". Thanh Thảo và
Thu Quỳnh bây giờ sống với ông trong những ngón đàn mà hai em đã chọn cho cả
cuộc đời mình.
Bà Hương Hương kể: "Ở nhà chúng tôi có một bức chân dung cha
vẽ tôi và đề tặng tôi. Các con tôi rất thích bức tranh ấy. Các cháu nhớ rằng
ông cũng là một họa sĩ". Trên cây đàn của Thanh Thảo bây giờ vẫn còn bức
ảnh chân dung của ông ngồi bên cây đàn piano. Sống xa quê hương, mỗi lần bật
VTV4, nghe tiếng nhạc Quốc ca trỗi lên, cả hai cô bé đều nhớ rằng ông của mình
chính là người sáng tác ca khúc tuyệt vời đó cho cả dân tộc mình. Thanh Thảo
yêu Tiến về Hà Nội bởi cái trầm hùng của từng nốt nhạc. Thu Quỳnh say mê Mùa
xuân đầu tiên với sự trong sáng và niềm vui hiếm hoi trong những ngày cuối đời
ông...
Hai con gái của bà Hương Hương, một sâu sắc, một nồng nàn trong
những bản nhạc mà cả tuổi thơ đã say mê. Cả hai đang từng ngày làm hiện hữu hơn
cái nắm tay trăn trở cuối cùng của nhạc sĩ Văn Cao dành cho mẹ các em:
"Nghề đàn là nghề truyền thống gia đình, dù có khổ cũng phải theo
nghề".
Thảo đã nhận được một học bổng ở Mỹ về âm nhạc tại Trường âm nhạc
Manhattan ở New York và hiện đang là sinh viên năm 3 ở trường này. Cô gái trẻ
nói: "Nghề này khổ nhưng đã là cuộc sống của mình. Thiếu âm nhạc, mình
không biết mình có gì nữa...".
* Lê Thu Quỳnh (14 tuổi) học ở trường âm nhạc tại thủ đô
Warsaw, Ba Lan từ năm 6 tuổi. Bắt đầu tham dự concours từ năm 8 tuổi (2004) và
nhận được nhiều giải thưởng lớn trong các cuộc thi concours và festival quốc tế
mang tên các nghệ sĩ và nhạc sĩ danh tiếng của Ba Lan và thế giới: Emma
Altberg, Tadeusz Szeligowski, J. Bach, Janina Garscia, I. J. Paderewski, F. Chopin,
Halina Czerna Stefanska...
* Lê Thanh Thảo (23 tuổi), sinh tại Hà Nội. Năm 10 tuổi vào
học trường sơ cấp âm nhạc tại thủ đô Warsaw. Từ năm 1998-2004, Thanh Thảo đã
tham dự và nhận được nhiều giải thưởng lớn trong các concours toàn quốc Ba Lan
và concours quốc tế tổ chức tại Ba Lan. Lê Thanh Thảo là người nước ngoài duy
nhất được Bộ Văn hóa - Cục Biểu diễn nghệ thuật Ba Lan chọn vào Tổ chức Krajowy
Fundusz Na Rzecz Dzieci - tổ chức biểu diễn nghệ thuật và đào tạo dành riêng
cho các học sinh tài năng của các ngành nghệ thuật toàn Ba Lan.
Nguồn: Tuổi trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét