Thứ Năm, 10 tháng 7, 2014

Những dòng sông cùng chảy về cội nguồn

Những dòng sông cùng chảy về cội nguồn

TRẦN HỮU LỤC
   NV-TP. HCM - Những người Việt ly hương, xa xứ đều có hoàn cảnh và lý do khác nhau. Trước và sau 1975, cộng đồng người Việt ở xứ người đã hội nhập và từng lúc, từng nơi đã khẳng định một dân tộc hiếu học, yêu cội nguồn, âm thầm đóng góp công sức, tài năng và tiền của và luôn hướng về quê hương. Dễ nhận thấy nhất là giới văn nghệ sĩ Việt kiều.
    Trong một vài năm trở lại, có thể ví như “làn sóng” của những nghệ sĩ điện ảnh, ca sĩ, hoạ sĩ đã và đang tấp nập hồi hương để hoạt động, làm phim nhụa, truyền hình, triển lãm tranh tượng và biểu diễn ca nhạc. Nhưng cũng có thể ví như “đợt sóng ngầm” là những người cầm bút, giới sáng tác văn học.
Nhà văn Linda Lê ở Pháp
    Ra đi và trở về
   Cách đây gần 10 năm, một cuốn sách mang tên rất ấn tượng Sông Hương ngoài biên giới đã được NXB Trẻ ấn hành. Tâp sách in trên 30 sáng tác (bút ký, tản văn, hồi ức, truyện ngắn…) phản ánh cuộc sống, tâm tư  của mỗi tác giả ở xứ người .Và đăc biệt qua góc nhìn của mình, đã thể hiện chân thực và sinh động cuộc sống ở quê nhà- xứ Huế xứ thương. Đấy là 6 tác giả Trần Kiêm Đoàn, Bùi Minh Đức (Hoa Kỳ) Thái Kim Lan (Đức), Hoàng Nguyên Nhuận (Úc), Nguyễn Hữu Vinh (Đài Loan- Trung Quốc) và Võ Quang Yến (Pháp). Dù đang ở đâu bên ngoài biên giới, người định cư đều luôn hướng về quê hương. Và chỉ có những công trình khoa học, những hoạt động văn hoá cộng đồng, những sáng tác văn học nghệ thuật… mới có thể xoa dịu nỗi niềm thương nhớ của người ly hương. Tác giả-TS Thái Kim Lan (CHLB Đức) với tác phẩm Thơ Tiếng Đức đã được trao giải nhất “Giải thưởng người nước ngoài sáng tác bằng tiếng Đức” tại Munich. Họ vẫn đi đi, về về với đất nước. Nhìn rộng ra, không chỉ có sự đi- về, mà nhiều văn nghệ sĩ  xa xứ  đã thực sự trở về và định cư tại quê hương. Như một số trường hợp đã được giới truyền thông báo chí  quan tâm là GS.TS Trần Văn Khê, hoạ sư  Lê Bá Đảng, nhạc sĩ Phạm Duy… Mấy năm gần đây, người Việt hồi hương càng nhiều hơn. Các văn nghệ sĩ đã về nước để tìm kiếm cơ hội làm ăn và thể hiện mình. Có người “trở về” với một tác phẩm cụ thể, như trường hợp của nhà văn Nguyễn Mộng Giác (Hoa Kỳ) với tiểu thuyết “Sông Côn mùa lũ (NXB Văn Học), nhà văn Nam Dao (Canada) với tập truyện ngắn Trăng thuê ảo ảnh (NXB Hôi Nhà văn). Một nhóm tác giả là những người viết cũ đang sinh sống tại Hoa Kỳ và Canada đã một thời rất quen thuộc với sinh hoạt văn học nghệ thuật miền Nam trước năm 1975, góp mặt với một số tác giả trong nước ấn hành  tập truyện 18 tác gỉa trong & ngoài nước (Thư ấn Quán), trong đó có Trần Hoài Thư, Vĩnh Hảo, Nguyên Nhung, Phạm Văn Nhàn, Cao Vị Khanh… bên cạnh những nhà văn trong nước: Võ Hồng, Trần Duy Phiên, Trần Huiền An, Nguyễn Lệ Uyên… Nhà thơ Thế Phong đã tái bản tập thơ Nếu anh có em là vợ (NXB Văn Học, trước đó đã in năm 1959 tại Sài Gòn)… Có nhà văn về nước rồi đi thâm nhập thực tế, sau đó đã hoàn thành tác phẩm tại quê nhà. Đấy là trường hợp của nhà văn Hoàng Khởi Phong (Hoa Kỳ) đã viết cuốn tiểu thuyết lịch sử về cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Đấy là trường hợp của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng (CHLB Nga) đã hoàn thành và xuất bản tập thơ viết về Hà Nội. Như thể viết là cách làm người của nhà văn xa xứ. Và đấy cũng là trường hợp của nhà văn Trần Kiêm Đoàn đã trở về quê nhà để in Từ ngõ Huế xưa (NXB Thuận Hoá). Văn chương như thế sẽ được đo bằng độ lắng và ở chiều sâu tâm thức của người sáng tác và người đọc.
    Những nhà văn xa xứ vẫn đi đi, về về với đất nước.Và chỉ có khi nhìn thấy tận mắt cuộc sống đổi thay, gặp lại người thân và bạn bè… thì họ mới thêm gắn bó và tin yêu cội nguồn.
    Không chỉ là hoài niệm
    Nếu chỉ trao  gửi nhau một hành trình thương nhớ quê nhà thì cộng đồng sẽ xích lại gần hơn. Hành trình thương nhớ không chỉ là hoài niệm mà còn đang ở phía trước. Những nhà văn ở phía trước lại thuộc thế hệ trẻ hơn nhiều. Họ là thuyền nhân hoặc định cư tại các nước ngoài khi còn rất trẻ. Ít ai có thể trông chờ và hy vọng vào văn chương ở thế hệ này. Nhưng chính các nhà văn trẻ gốc Việt đã bắt đầu phác hoạ bản đồ Việt Nam với thế giới. Trong số các nhà văn trẻ gốc Việt nổi bật trong giới văn học phương Tây như Nam Lê, Đinh Linh, Linda Lê, Kim Thuỷ và một số cây bút trẻ tại Hoa Kỳ, Canada, Úc… thì nhà văn Pháp gốc Việt Linda Lê là tài năng hơn cả. Rời Việt Nam khi mới 14 tuổi (sinh năm 1963), Linda Lê đến Pháp năm 1977. Chính  hai nền văn hóa Việt-Pháp đã dung hoà với nhau tạo nên tính cách hiền hậu và lối viết đầy căng thẳng, đau thương. Linda Lê viết tiểu thuyết đầu tay bằng tiếng Pháp, lúc 23 tuổi: Một con ma cà rồng rất dịu dàng với giọng văn ảm đạm một cách kỳ dị. Tiểu thuyết mới xuất bản Cromos đã nhận giải Wepler vào cuối tháng 11.2010 (trị giá 10.000 euro). Tiểu thuyết này viết về một thành phố hư cấu sống trong nỗi sợ hãi dưới ách thống trị của hai kẻ chuyên chế. Để cứu cha mình, con gái của một nhà thiên văn học phải kết hôn với một trong hai kẻ độc tài. Khi biết mình sắp làm mẹ, cô đã từ chức, đi theo những người chống đối và mưu phản… Trả lời phỏng vấn báo Le Monde, nhà văn nữ này cho biết: “Bạn biết đấy, để viết bạn phải hăng hái, để tính tự phụ mạnh mẽ và sự nhún nhường vĩ đại chung sống với nhau, để có một nhận thức rõ ràng về tính đa dạng của sự vật”. Độc giả yêu văn chương trong nước có thể tìm đọc một số tác phẩm của Linda Lê đã được dịch sang tiếng Việt như Vu khống (2009), Lại chơi với lửa (2010). Giải Wepler là một giải thưởng văn học được trao cho một tác giả đương đại vào tháng 11 hằng năm dưới sự tài trợ của Tổ chức Fondation La Poste và Brasserie Wepler. Với Linda Lê thì “Bây giờ trong xã hội nơi tôi sống, vũ khí duy nhất của tôi là ngồi viết”.
   Một nhà văn nữ gốc Việt khác là Kim Thuỷ vừa đoạt giải văn chương danh giá nhất Canada dành cho tiểu thuyết Ru (viết bằng tiếng Anh và tiếng Pháp). Tác phẩm Ru (NXB Libre Expression, Group Librese) được nhật báoFigaro (Pháp) đánh giá: “Văn của Kim Thuỷ chảy như những vần thơ, nó chuyên chở và khuây khoả; nó đầy sinh lực và bắt người đọc suy nghĩ”. Rutiếng Pháp có nghĩa là dòng suối nhỏ. Trong tiếng Việt là lời ru- một ký ức thời thơ ấu từng gắn với với tác giả như  một nỗi ám ảnh. Kim Thuỷ họ Lý sinh năm 1968 tại Sài Gòn. Năm 1978, cô cùng gia đình sang  định cư ở Quebec (Canada) và tốt nghiệp Luật năm 1993 rồi học khoa ngôn ngữ- dịch thuật tại đại học Montréal mà vẫn giữ tiếng mẹ đẻ của mình. Tác phẩm Ru in lần đầu 10.000 bản và thành công vang dội khi ra mắt tại Pháp, sau 2 tuần phải tái bản thêm 5.000 cuốn. Đến nay đã ấn hành đến 45.000 bản. Ru có tính chất tự truyện, gồm nhiều đoạn văn rất ngắn đầy nữ tính, ấm áp, rung động, thoát khỏi giới hạn đời sống thường ngày. Kim Thuỷ cũng đã đoạt giải RTL-Live 2010 tại Liên hoan Sách Paris vào tháng 5-2010.
    Một thế hệ trẻ gốc Việt viết văn ở nước ngoài đang hướng về tương lai và dần dần khẳng định được mình. Họ mới bắt đầu định hình văn phong và tính cách của các nhà văn trẻ gốc Việt, trong đó  có những trầm tích của văn hoá Việt Nam.
    Và những dòng sông như thế đã cùng chảy về nguồn cội.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xuống phố

Xuống phố Sáng nay trước khi đi làm con trai nói với mẹ: - Chiều đi làm về, con chở mẹ với em đi dạo phố noel ha? - Thiệt nghen. - Dạ mẹ. ...