Thứ Năm, 10 tháng 7, 2014

Những ngả đường sáng tạo của TAGORE

NHỮNG NGẢ ĐƯỜNG SÁNG TẠO CỦA TAGORE

“Trong yếu tính của mình, con người không phải là kẻ nô lệ cho chính mình, hay cho thế giới; con người là một Tình Nhân”.
Tagore viết thế trong chương mở đầu của tác phẩm triết lý Sadhama (Thực hiện cuộc đời). Đối với thi hào Ấn Độ ấy, sự sáng tạo thơ ca, nghệ thuật, triết lý, khoa học… không đủ để thỏa mãn chính mình mà cốt yếu là để cho tâm thức con người bao trùm lấy vũ trụ trong cuộc ôm ấp trọn vẹn tựa như vòng tay nồng ấm của một người tình.
Tôi khát khao tìm thấy ngôi nhà của mình
Ở mọi nơi trong thế giới này trước khi từ biệt nó.
Đó là câu thơ có thể tóm thâu tư tưởng của Tagore về cuộc sống. Suốt đời, nhà thơ khát vọng con người và thế giới sống trong một tương quan tình yêu.
Con người không thể là kẻ xa lạ mãi mãi trong trần gian và vũ trụ của mình.
Toàn bộ tác phẩm và cuộc đời của Tagore là khúc trường ca oanh liệt cho cuộc tìm ra ngôi nhà của mình ở khắp nơi trong vũ trụ.
Biểu tượng ngôi nhà của Tagore không phải là an nghỉ mà là tình yêu.
Một nhân vật của Tagore là nàng Chitra đã nói:
Ta du tử trên đường trần rộng lớn
Áo quần lấm bẩn và bàn chân ứa máu chông gai
Ai chẳng là “du tử” trong đời? Nhưng con đường mà Tagore đi thật là huyền diệu. Dọc bước chân trầm tĩnh như bước bồ câu ấy, biết bao làn điệu linh thiêng đã ngân lên, biết bao vần thơ đã hóa thành ánh sáng và biết bao màu sắc cầu vồng đã vẽ nên tranh?
Ở quê hương mình, Tagore là Gurudeva (bậc thánh sư), là bậc thầy vĩ đại trong mọi nghệ thuật: âm nhạc, thơ ca, sân khấu, hội họa… một cầu vồng của trí tuệ.
Đối với toàn nhân loại, Tagore là người ca hát của tình yêu, là một trong những người chủ hôn cho chén rượu giao bôi của hai nền văn hóa Đông – Tây.
Hai ngàn bài hát, ba ngàn bức họa, vô số bài thơ và truyện ngắn, những tác phẩm triết lý sâu thẳm, những hoạt động giáo dục tiên phong… tất cả được sáng tạo bởi một con người duy nhất Rabindranath Tagore, một hóa thân của huyền thoại.
Hóa thân ấy đã sống và sáng tạo ra sao?
Bông hoa dại
“Nó sẽ mang tên là Rabindra (mặt trời) bởi vì sau này, cũng như mặt trời, nó sẽ đi khắp thế gian và chiếu diệu thế gian”.
Người cha của Rabindranath Tagore đã chào mừng đứa con thứ mười bốn của mình ra đời bằng lời tiên tri ấy.
Người cha, đó là bậc “đại thánh”, theo lời xưng tụng của nhân dân Ấn Độ: Maharshi. Đấy là con người đã từng lên Hy Mã Lạp Sơn với ý định ẩn tu suốt đời. Nhưng rồi một hôm, khi đang bước đi trên núi, Mahashi ngắm nhìn một ngọn thác và bất chợt hiểu ra định mệnh của dòng nước kia. Ở đỉnh cao này, nước mới trong sáng và đẹp làm sao, còn khi đổ xuống đồng, nước lấm bẩn, vẩn bùn và ngầu đục. Nhưng nước vẫn sẳn lòng quên đi niềm kiêu kỳ chói sáng của mình để làm cho đất được phong nhiêu, đó mới là điều đáng kể. Thế là Mahashi từ bỏ ẩn tu, rời đỉnh non cao đi xuống với con người.
Ba năm sau, vào ngày 7 tháng 5 năm 1861, một đứa con trai của bậc đại thánh ấy ra đời, mang tên là Rabindranath Tagore.
Mong ước con trai mình sẽ đi giữa thế gian như một mặt trời của Mahashi dường như đã tác động vào định mệnh của Tagore. Rồi thế giới sẽ được những vần thơ ánh sáng của Tagore chiếu rọi
Người Trung Quốc sẽ gọi Tagore là “Mặt trời Ấn Độ” và người Ba Tư gọi nhà thơ là “Vì sao vĩ đại nhất trên bầu trời phương Đông”.
Mahashi mất vào năm 1905, không kịp nghe những lời ca ngợi ấy nhưng sinh thời, ông thấu hiểu thiên tài của Rabi (tên rút gọn của Rabindranath).
Trong gia đình của Mahashi, hầu như các con trai lẫn con gái đều lỗi lạc.
Người con đầu lòng giỏi cả thơ ca, triết lý và toán học. Đấy là một nhà hiền triết mà sóc nhảy nhót trong lòng và chim chóc đậu trên tay. Người thứ hai là học giả Sankrit và là một cây bút sáng chói trong cả tiếng Bengali lẫn tiếng Anh. Người thứ năm nổi danh trong cả thơ ca lẫn nghệ thuật. Một người chị của Tagore là nhà tiểu thuyết đầu tiên của nền văn học Bengal… Kể hết những gì mà đám anh em tài hoa ấy, gia đình thiên tài ấy đã làm cho văn hóa Bengal và Ấn Độ, sẽ mất rất nhiều thời giờ.
Nhưng là đứa con trong một gia đình đông đảo như thế, Tagore sống trong sự chăm sóc của các gia nhân nhiều hơn là cha mẹ. Các nô bộc chung quanh Tagore trở thành một thế giới mà sau này ông miêu tả là Servocracy (Công quốc nô bộc).
Cậu bé Rabi được họ kể cho nghe truyền kỳ về hoàng tử Rama và các truyện thần tiên…, nuôi dưỡng cậu trong những giấc mộng và bài ca dân gian.
Rabi không thích tới trường, nhất là những trường thuộc địa kiểu Anh. Nhưng không phải là cậu lười nhác và tối tăm. Cậu viết bài thơ đầu tiên vào năm lên tám. Từ đó, cậu giữ một cuốn sổ tay xanh để chép thơ mình. Trong một bài thơ cậu diễn tả một người bơi theo hoa sen và những làn sóng do chính đôi cánh tay mình làm nên đã đẩy hoa sen mãi mãi trôi khỏi tầm với. Các bạn cậu lắng nghe, thích thú. Những người lớn ngạc nhiên và tin, chắc cậu bé có tài năng phi thường.
Năm mười một tuổi, Rabi bước vào cuộc phiêu lưu thiêng liêng đầu tiên trong cuộc đời. Cậu theo cha lên Hy Mã Lạp Sơn.
Trên đường, Maharshi đọc cho con trai nghe các trang sách từ văn chương Sanskrit, Bengali và Anh quốc. Hằng đêm, dưới bầu trời lộng lẫy “những chùm hoa tinh tú”, Rabi học hỏi về thiên văn và học yêu vũ trụ. Họ đến chân núi vào tháng tư khi hoa mùa xuân nở rộ. Sau đó trên đỉnh núi thiêng, họ sống trong một ngôi lều. Cậu bé cầm gậy lang tháng khắp các đỉnh cao. Mỗi ngày, dậy thật sớm, Rabi được cha dạy các bài học Sanskrit và nghe cha đọc tụng các vần thơ Upanishad.
Có thể nói, sau bốn tháng sống trên ngọn núi thiêng với cha, trở về Calcutta, Rabi không còn là một cậu bé thơ ngây. Nhưng dẫu sao đi nữa:
Những bước chân tôi nghe trong trò chơi thơ dại
Vẫn vang âm hoài trong nhạc thế gian bay.
Những tiếng rì rầm
Nhốt mình trong dáng đá
Mang chứa nỗi u sầu
Của ý tình lạc mất
Dù vậy Rabi vẫn còn là một thiếu niên. Hay đúng hơn, đó là một thần đồng đã dịch toàn thể bi kịch Macbeth của Shakespeare ra thơ Bengali. Cậu cũng sáng tác bài thơ dài đầu tiên là Khát vọng (Abhilash) vào lúc tuổi mười hai, đăng trong tờ báo của gia đình.
Đến năm mười bốn tuổi, Rabi quyết định từ bỏ trường học (cũng vào khoảng ấy, Saroyan bỏ học tự nguyện để tự do và sáng tác).
Rabi diễn tả trường học thời đó như là một “tổng hợp của bệnh thất và ngục thất”.
Tuy thế không có chàng tuôi trẻ nào say mê nữ thần trí tuệ Saraswati như Rabi. Có điều l2 chàng biết được những phương cách riêng để giao cảm với vị nữ thần rực rỡ và khó chinh phục ấy.
Và bầu không khí trong nhà thì tràn ngập tinh thần sáng tạo. Một bầu không khí như cấu tạo bằng nhạc trong ngôi nhà Jorasanko ở Calcutta, nơi Tagore mở mắt chào đời. Ở đấy, các anh em Tagore cùng nhau soạn kịch và tự mình diễn xuất. Ở đấy, tài năng nảy nở như cỏ cây…
Trong một lễ hội Hindu Mela tổ chức hàng năm, Rabi mười bốn tuổi đọc một bài thơ ái quốc. Bài thơ được đăng trong tuần san Amrita Bazar.
Đó cũng là năm mẹ Tagore qua đời, là năm cậu bé sáng tác bài trường ca dài hơn 1.600 hàng mang tên Bông hoa dại(Banaphul).
Bài trường ca kể về cô gái mồ côi Kamala sống trên Hy Mã Lạp Sơn. Một lữ khách đã đưa nàng ra khỏi núi rừng và lấy làm vợ. Nhưng nàng không quen sống giữa xã hội, chỉ thương nhớ núi rừng của mình. Nàng yêu một nhà thơ trẻ, và anh ta bị chồng nàng hạ sát. Nàng trở lại núi rừng, nhưng bong hoa dại đã một lần lìa cành không thể hồi sinh giữa thiên nhiên được nữa. Kamala lao từ đỉnh núi tuyết xuống dòng sông.
Bài ca u sầu của nhà thơ tuổi mười bốn ấy được in trong tạp chí Mầm kiến thức (Gyanankur).
Hai năm sau các anh của Tagore sáng lập tạp chí văn học Bharati. Tagore viết càng nhiều: truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, trường ca, thơ, các bản dịch, bài nghiên cứu văn học phương Tây như Petrarch và Laura, Dante, Goethe, Chatterton…
Trên tạp chí ấy, Rabi còn đùa nghịch bịa ra một tác giả cổ điển. Bắt chước giọng thơ tôn giáo thời trung cổ, Rabi viết một số bài thơ rồi gán cho một tác giả tưởng tượng là Bhanu Singh (tên cùng ý nghĩa với Rabindranath: Chúa tể mặt trời).
Nhiều người đọc tưởng thật, một học giả Bengali là Nishikanta tin chắc Bhanu Singh là nhà thơ tài ba thế kỷ XV, ca ngợi những vần thơ trữ tình ấy trong luận án tiến sĩ của mình!
Đó là trò đùa giản dị của cậu bé bỏ học đối với học giả kinh viện của xứ sở mình.
Nhưng các học giả thì ít có tinh thần trào lộng như nhà thơ. Nhiều năm sau, kể cả sau khi Tagore đoạt giải Nobel văn chương, nhà thơ thường bị các vị thông thái bản xứ chê là viết tiếng Bengali (tiếng mẹ đẻ của Tagore) đầy lỗi!
Trong khi chờ đợi sang nước Anh học luật, Tagore bắt đầu soạn một số bản nhạc. Sau này, nhạc Tagore phổ biến ở xứ Bengali đến mức người ta hát những bài ca trữ tình ấy trong mọi dịp, mọi nơi. Với hơn hai ngàn bài hát trong cuộc đời sáng tạo đa dạng của ình, Tagore đáng được gọi là một nhà soạn nhạc lớn. Chính ông tin rằng những bài hát của mình sau này sẽ còn lại sau khi người ta đã quên thơ ông.
Trước khi đi, Rabi đến Bombay sống với gia đình một bác sĩ quen biết để làm quen với phong cách phương Tây ở đó. Người có nhiệm vụ hướng dẫn Tagore thích nghi với lối sống Âu Tây là con gái của bác sĩ, nàng Annapurna. Chàng trai thì hát cho cô gái nghe các bài ca của mình. Nàng nói: “Nhà thơ ơi, tôi cảm thấy rằng nếu như tôi đang nằm chờ chết thì các bài ca của anh sẽ gọi tôi trở lại với đời”.
Sau này, Tagore thường nhắc đến cô gái ấy với một tình cảm vô cùng dịu dàng, trìu mến.
Nhận xét của Annapurna đáng cho ta lưu ý vì dường như nói lên được yếu tính của thơ Tagore: một lòng yêu đời vô hạn.
Ở Ấn Độ, chưa có nhà thơ nào gắn bó cuộc đời bằng một tình yêu nồng nàn, đắm say đến thế – Tagore là người tình của trần gian, người tình của vũ trụ, người tình của cuộc đời.
Thiên tài của Valmiki
Năm mười bảy tuổi, Tagore đáp tàu sang Anh theo người anh thứ hai của mình.
Tagore chỉ lưu lại Anh hơn một năm, đã có lệnh của gia đình gọi về vì e ngại một chàng trai tuổi trẻ như Tagore có thể bị các tiểu thư Anh quá tự do lôi cuốn.
Nhà thơ vừa cảm thấy “ánh sáng của quê hương, bầu trời của quê hương thầm lặng gọi về” vừa cảm thấy lưu luyến:
Một hôm nào hiu quạnh
Trên một bờ sông xa
Ta nhìn vầng dương lặn
Về phương Tây nắng tà
Và phong ba trí nhớ
Sẽ quét ngang tim mình
Ánh chớp còn để lộ
Một gương mặt ta quen…
… tiếng lời ai ứa lệ
Phải xa rồi sao anh?
Có thể đấy là những tình cảm gửi cho một cô gái người Anh đã dạy cho Tagore những bài ca Anh Quốc và Ái Nhĩ Lan.
Vậy là đầu năm 1880, Tagore trở lại quê hương vẫn còn trẻ tuổi và tay trắng, không có học vị gì, chỉ mang về một bi ca mang tên Trái tim tan vỡ (Bhagna Hriday) dài hơn bốn ngàn hàng. Tác phẩm khi ấn hành đã gây xúc động cho nhiều người đến nỗi Tagore nói: “sự kỳ lạ là không chỉ tôi mười tám tuổi mà mọi người quanh tôi bỗng dưng mười tám như tôi”.
Ngay sau đó, Tagore sáng tác vở nhạc kịch đầu tay: Thiên tài của Valmiki (Valmiki Pratibha). Đề tài dựa trên truyền kì về nhà thơ sử thi Valkimi, tác giả của Ramayana, từng là một tướng cướp. Trong vở nhạc kịch của Tagore, Valkimi hồi tâm khi nghe tiếng kêu đau thương của cô gái bị thủ hạ của ông đem đi tế thần. Valkimi cứu cô gái, giải tán lâu la, lang thang đi tìm con đường chân chính của mình. Nữ thần Saraswati ban cho ông tài năng ca hát và nói: “Âm nhạc của từ ái từng làm dịu trái tim sắt đá trong ngươi từ đây sẽ trở thành âm nhạc của nhân tâm trong tiếng hát của ngươi và nó sẽ làm êm dịu muôn trái tim trên đời. Giọng ngươi sẽ vang từ miền đất này sang miền đất khác và nhiều nhà thơ sẽ vang âm lại những bài hát của ngươi”.
Với tác phẩm này, Tagore đã đưa âm nhạc Ấn Độ thoát ra khỏi ngõ cụt của thị hiếu thấp kém bằng những nét nhạc mới mẽ, giàu chất thơ.
Chính Tagore lên sân khấu đóng vai Valkimi.
Tập thơ Khúc ca ban chiều (Sandhya Sangeet) ấn hành hai năm sau đó là tác phẩm đầu tiên mang dấu ấn rõ rệt của thiên tài thơ Tagore.
Câu chuyện sau đây cho thấy tập thơ đã gây được một thanh danh như thế nào vào lúc ấy.
Trong một tiệc cưới, văn hào Chatterjee, tác giả bài quốc ca Ấn Độ đương thời, được chủ nhân tặng hoa. Chatterjee lấy vòng hoa ra khỏi cổ mình choàng cho Tagore rồi nói với chủ nhân:
“Vòng hoa này đáng được trao cho cậu ấy. Bạn đã đọc Khúc ca ban chiều” của cậy ấy chưa?”
Khúc ca gửi tới bóng chiều là bài đầu tiên trong tập thơ. Bóng chiều được hình dung như một người đàn bà huyền ảo, tóc vờn bay và gương mặt cúi nhìn mặt đất:
Nàng tự hát điều gì
Với riêng mình lặng lẽ
Tôi vẫn hằng nghe hát
Mỗi ngày trong đê mê
Ý nghĩa và giai điệu
Cứ rời tôi bay đi.
Tôi vẫn hằng nghe hát
Ôi tà huy, tà huy…
Tập thơ ấy khởi đầu cho nhiều tác phẩm nổi tiếng khác của Tagore, như vở kịch thơ Sự trả thù của tự nhiên về sau dịch sang tiếng Anh mang tên Sanyasi (Thầy tu khô hạnh) với lời đề từ đầy ý nghĩa:
Xin đưa tôi từ hư vô
Trở về cùng thực tại
Năm “từ hư vô trở về cùng thực tại”, Tagore hai mươi mốt tuổi. Và cuộc trở về đó đánh dấu bằng việc Tagore nghe theo quyết định của gia đình, làm lễ kết hôn với  một cô gái mười tuổi. Cô dâu bé nhỏ là con một người làm công cho đồn điền của gia đình Tagore, cô ta không đẹp cũng không có học thức. Nhưng rồi theo thời gian, cô trở nên người vợ tận tụy mà Tagore hết sức yêu thương.
Ba năm sau, tập thơ Sắc nhọn và mòn tù ra đời cất lên tiếng hát nồng nàn về tình yêu và thực tại, nỗi say đắm cuộc đời có mùi hương nhục thể:
Tôi không muốn chết giữa trần gian diễm lệ
Chỉ muốn làm một con người
Bước đi trong nhân thế
Với rộ nắng mặt trời, đơm sắc muôn hoa xui trái tim tình ái hát ca…
Nhà thơ ca ngợi vẻ huyền bí của thân xác người phụ nữ và những hành động ái ân: “Mỗi trái tim tình yêu muốn tan vào nhục thể”. Bộ ngực của người đàn bà được mô tả trong tập thơ như đôi búp hoa của khát vọng, căng nở trong gió thanh xuân.
Nhưng tất cả những gì Tagore đã làm trong thời tuổi trẻ này chỉ mới là bước đầu. Đó là bước đầu của một thiên tài tương xứng với Valkimi mà theo truyền thuyết là kẻ đã sáng tạo nên bộ sử thi vĩ đại Ramayana. Có thể Valkimi chỉ là một cái tên huyền thoại. Nhưng ở Tagore huyền thoại đã hóa thân thành một con người mà tiếng thơ sẽ “vang từ miền đất này sang miền đất khác”.
Con thuyền vàng
Đầy tình yêu đối với cuộc sống, Tagore tung ngòi bút hạ bệ thánh thần trong vở kịch thơ Lễ máu (Visarjan) soạn vào năm ông hai mươi tám tuổi. Tác phẩm tôn vinh con người và tình yêu.
Đối với ai còn trách Tagore “thần bí” thì hãy để họ xem bài thơ “phản thần” dữ dội này. Đây là sự đối đầu của sức mạnh tình yêu và uy quyền tôn giáo.
Qua nhân vật Govinda, Tagore cay đắng nhận định: “Khi dính dáng đến thánh thần, con người mất hết tình nhân đạo”.
Và qua một nhân vật khác, Tagore còn xác quyết:
“Có cần chi thần thánh trong cái thế giới bé nhỏ này của chúng ta? Chúng ta cứ dũng cảm vô thần bước lại gần nhau”.
Những năm sau đó, sau khi viếng thăm nước Anh lần thứ 2 trở về, Tagore hoàn thành nhiều tác phẩm lớn: Kịch Chitra, các tập thơ Con thuyền vàng, Hiến dâng và viết nhiều truyện ngắn xuất sắc.
Chitra được xem là một trong những vở kịch toàn bích của Tagore, một tác phẩm óng ánh chất thơ và từng câu như thấm đẫm mùi hương mùa xuân thể hiện tình yêu của công chúa Chitra với người anh hùng lừng danh Arjuna.
Con thuyền vàng (Sonar Tari) là tập thơ gây nên nhiều sóng gió tranh luận ở Bengal. Các nhà phê bình không đồng ý với nhau về ý nghĩa của thi ảnh Con Thuyền Vàng.
Một ngày mưa, nhà thơ ngồi trầm ngâm bên cánh đồng của mình nhìn ra bờ sông. Chàng thấy con thuyền vàng xuất hiện và lướt đến gần. Nhà thơ chất lên thuyền mùa gặt hái của mình. Thuyền lại ra đi, không biết về đâu. Chỉ còn lại bên bờ sông nhà thơ cô đơn.
Đó là nội dung bài thơ đầu của tập thơ.
Theo chính Tagore thì con thuyền vàng tượng trưng cho cuộc đời. Mùa màng là các thành quả mà chúng ta đạt được và dòng sông là thời gian vô tận.
Cuối tác phẩm, Thuyền vàng lại tái hiện, ghé rước nhà thơ ra đi. Cầm lái là nàng thơ, là người tình huyền ảo. Anh hỏi nàng đưa anh đi đâu? Không nói gì, nàng đưa tay chỉ về phía chân trời xa xôi, nơi vầng dương đang chìm khuất mà đôi môi dường như phảng phất nụ cười.
Tác phẩm còn có nhiều bài thơ đẹp khác về trái đất, biển cả, cá đẹp, trò chơi thơ ấu, giấc mơ thanh xuân…
Hiến dâng (Naivedya) là tập thơ vĩ đại mở đầu cuộc sáng tạo mênh mông bát ngát của Tagore ở đầu thế kỷ hai mươi.
Năm 1901 cũng là năm có ý nghĩa lớn lao trong cuộc đời Tagore. Bốn mươi tuổi, sự chín muồi của tài năng. Sự phát triển tâm linh. Sự tự do của hồn thơ. Sự hoàn thiện bản ngã như một con người. Sự hóa thân thành một nhà giáo dục, một nhà tiên tri của xứ sở.
Hiến dâng là chùm thơ gồm một trăm bài, bộc lộ một đời sống tâm linh thâm trầm, được xếp vào loại thơ tâm linh có giá trị bậc nhất của văn chương nhân loại. Nhiều bài thơ trong tập này về sau được chuyển sang tiếng Anh trong tập Gitanjali.
Tác phẩm đề tặng cho người cha già 83 tuổi. Từ lâu rồi, Maharshi đã hiểu rõ thiên hướng và tài năng của đứa con mang tên mặt trời. Nhiều năm trước, ông đã từng nói: “Nếu người cai trị xứ sở này là người thuộc về dân tộc và hiểu rõ ngôn ngữ dân tộc thì hắn đã tặng thưởng cho nhà thơ trẻ này”. Thay cho người cai trị đó, Tagore có một người cha vô song.
Năm ấy, Tagore bắt đầu một hoạt động mới: lập trường học. Một người từng chán ghét trường học đến mức coi đó là ngục thất cộng với bệnh thất giờ đây quyết định dựng trường!
Nhưng đó là một ngôi trường rất… Tagore. Nó được dựng lên ở Santiniketan (xứ sở bình yên) cách Calcutta 100 dặm.
Các bài học diễn ra giữa trời, dưới các bóng cây. Ở đó, học sinh tìm hiểu thiên nhiên, âm nhạc, nghệ thuật, khoa học… bằng niềm hứng khởi của chính mình, bình đẳng và tự do.
Tagore biên soạn sách giáo khoa, bỏ tiền túi ra để trang trải chi phí…
Tất cả những việc làm trên chứng tỏ Tagore không chỉ là nhà tư tưởng viễn mơ, mà còn là một con người hành động.
Trên cánh cửa của trường, Tagore khắc hàng chữ:
Không thần tượng nào được tôn thờ ở nơi này và không có niềm tin nào bị coi rẻ ở đây
Mấy năm tiếp theo đó, Tagore trải qua những tháng ngày tang tóc. Các người thân lần lượt qua đời: Người vợ thân yêu, đứa con gái mười ba tuổi, người cha khả kính, đứa con trai út.
Nhưng Tagore vẫn không ngừng làm việc, sáng tạo. Tập thơ “Đứa trẻ” (Sisu) là tiền thân của tập Trăng non bằng tiếng Anh sau này. Đó là những vần thơ tuyệt vời về thế giới tươi sáng của trẻ thơ.
Kế đó là cuốn tiểu thuyết Gora được xem là sử thi của Ấn Độ hiện đại.
Gora là một thanh niên mồ côi từ bé, gốc người Ái Nhĩ Lan. Câu chuyện về anh dẫn ta vào mê cung của xã hội Ấn Độ và đưa tâm hồn ta vươn tới ánh nhân bản của thế giới. Khi chưa rõ nguồn gốc của mình, Gora nhiệt thành tin theo chế độ đẳng cấp. Dần dần anh ta nhận ra cuộc sống như một biển cả nhân gian dung hợp mọi dòng máu và đẳng cấp. Vị thần mới của anh là “Tự do”: “vị thần ấy không đóng cửa đền của mình với ai, với bất kì đẳng cấp nào”.
Đó cũng là vị thần của Tagore, vị thần vượt lên trên mọi tôn giáo. Vị thần ấy là con người, chúng sinh duy nhất trong vũ trụ này có năng lực quyết định, nghĩa là có năng lực tự do.
Niềm tin ấy cũng được Tagore thể hiện trong một bài ca về Ấn Độ viết trong thời gian này:
Nơi đất đứng của mình
Tôi dang rộng cánh tay
Xin chào con người
Hình ảnh thiêng liêng ấy
Và ca ngợi vinh quang của Người
Bằng điệu nhạc thiêng liêng
Điệu đời lồng lộng…
Khi quay sang viết truyện ngắn, Tagore lập tức là một nghệ sĩ bậc thầy trong những cuộc tự sự cô đọng này. Nhiều truyện ngắn dựa vào các hoài niệm khi sống trong một chiếc nhà thuyền trên dòng sông Padma. Những bậc bến tắm bên sông cũ kỹ phủ rêu đi vào tác phẩm của Tagore như một kẻ dẫn chuyện, kể cho ta nghe về những bàn chân đã lướt qua chúng, nhất là bàn chân của một cô gái tuyệt vọng trong tình yêu đã lao mình xuống nước.
Truyện ngắn của Tagore về các cô gái trẻ và trẻ em thường buồn nhưng rất đẹp, chứa đựng những tình cảm dịu dàng nhất của tác giả.
Vào năm 1911, sau bao nhiêu nỗi đau buồn, Tagore hoàn thành tập thơ nổi tiếng nhất của ông: Thơ dâng (Gitanjali)
Tác phẩm gồm 157 bài thơ mà hơn 50 bài sẽ được đưa vào tập Gitanjali bằng tiếng Anh do chính Tagore dịch.
Năm mươi năm trong cuộc đời Tagore được đánh dấu bằng kỳ công đó.
Cánh thiên nga
Qua tuổi ngũ tuần, Tagore ra ngoài Ấn Độ, bước vào thế giới như một thi hào, trở thành nhà thơ thế giới (Visva – Kavi), một trong những cánh thiên nga đẹp nhất của thơ ca nhân loại.
Đầu năm 1912, Tagore chuẩn bị đi Anh lần thứ ba. Vì bệnh bất ngờ, phải tạm hoãn chuyến đi, lui về bờ sông Padma yêu dấu của mình. Chính ở đây Tagore bắt đầu dịch một số bài thơ trong tập Gitanjali sang tiếng Anh.
Sau khi cuốn sổ tay đã đầy ắp các bài thơ dịch, Tagore đáp tàu đi Anh vào giữa năm. Một họa sĩ quen biết với Tagore ở London đọc được bản thảo ấy, chuyền cho Yeats, thi hào Ái Nhĩ Lan. Yeats mang tập thơ bên mình, đọc nó với một niềm xúc động vô biên.
Rồi tập thơ Gitanjali được xuất bản ở London, gồm có 103 bài bằng tiếng Anh.
Gitanjali chinh phục thế giới phương Tây hầu như lập tức. Họ cảm thấy một cõi thơ mới lạ mở cánh cửa huyền ảo của nó ra trước mắt mình. Dường như, giọng thơ Tagore đến với họ từ một vòm trời rực rỡ nào đó, tuôn trào như một dòng suối thiêng:
Nếu em không nói lời nào, ta sẽ chất đầy niềm im lặng ấy vào trái tim mình mà cam lòng chịu đựng. Ta sẽ im lìm chờ đợi như bóng đêm kia đầy sao canh giấc, như bóng đêm kia ẩn nhẩn cúi đầu.
Ban mai thế nào cũng đến, bóng tối sẽ tan đi, và tiếng em sẽ là những dòng suối vàng, xé vòm trời, rực rỡ trào tuôn.
Rồi lời em vỗ cánh thành ca khúc bay lên từ mọi tổ chim ta. Và giai điệu em sẽ thành hoa bừng nở, phủ cánh rừng chồi biếc lộc xanh ta.
Cùng đọc thơ Tagore với Yeats, nhà thơ Mỹ nổi tiếng Ezra Pound cho rằng: “Chúng tôi đã bất ngờ tìm thấy Hy lạp mới của mình… Khi rời Tagore, tôi cảm thấy dường như mình là một tên man rợ mặc da thú và cầm chùy đá vậy”.
Khi Gitanjali ấn hành ở Anh thì Tagore đã sang Mỹ. Tác phẩm Sadhana (Thực hiện cuộc đời) viết bằng tiếng Anh đã được hình thành ở Mỹ. Đấy là cuốn sách thể hiện tập trung tư tưởng triết lý của Tagore về vũ trụ, bản ngã, tình yêu, hành động, cái đẹp, vô biên… Những đề tài mà nhà thơ nói chuyện tại đại học Harvard vào đầu năm 1913.
Trong năm đó, ở London, các tập thơ Người giữ vườn, Trăng non và các vở kịch Phòng bưu điện, Chitra của Tagore lần lượt được ấn hành hoặc trình diễn, tất nhiên bằng tiếng Anh.
Vào cuối năm, sau khi đã trở về với xứ sở Bình Yên của mình, Tagore nghe tin tập thơ Gitanjali được giải Nobel văn chương. Những người reo mừng đầu tiên là đám trẻ ở Santiniketan. Các em tự hào vì Gurudeva (bậc thánh sư) của các em được cả thế giới biết tiếng.
Giải Nobel văn chương đầu tiên được trao cho người châu Á xác nhận rằng tâm hồn Đông phương đang sống chứ không đang nằm ngủ trong các viện bảo tàng và các cổ thư.
Thư ký của Ủy ban Nobel tường trình rằng: “Không có nhà thơ ở châu Âu nào kể từ cái chết của Goethe vào năm 1823 có thể sánh được với Tagore về nhân cách cao cả, về sự vĩ đại tự nhiên, về sự thanh thoát hài hòa”.
Trước nay ở quê nhà Belgan, tuy nổi tiếng là thế, Tagore vẫn thường bị chỉ trích một cách kì lạ. Trong một thời gian dài, nhiều “học giả Ấn Độ” (đám pundit) thường đem các trang văn của Tagore ra mà bảo với học sinh: “Hãy viết lại cho đúng tiếng Belgali”.
Khó mà tưởng tượng được rằng ngay cả sau khi Tagore đoạt giải Nobel văn chương, Đại học Calcutta trong kì thi tuyển vào năm 1914 vẫn còn ra đề cho thí sinh bằng cách yêu cầu các em: “hãy viết lại cho đúng và trong sáng tiếng Belgali” từ một trang văn của Tagore mà họ cho là quá ư tồi tệ!
Như vậy, Tagore bị chê là dốt văn, cần được các học sinh nhà trường “uốn nắn” lại. Xem thế, đủ biết việc học văn ở nhà trường xưa nay nguy hiểm ra sao.
Trong khi khói lửa lan tràn khắp châu Âu, Tagore cảm thấy vô cùng bất an, đau khổ. Bất kỳ chiến tranh xảy ra ở đâu, lồng ngực nhân loại vẫn tổn thương. Với những mối cảm xúc tràn ngập, Tagore đã viết nên tập thơ Cánh thiên nga (Balaka) vào năm 1916.
Tuy nhiên, đó không chỉ là những cảm nghĩ về chiến tranh, cho dù:
Tiếng hát của tử thần đã chiếm lĩnh những con đường đi về nơi đất nước.
Tagore cho biết: “Những cảm xúc như một đàn thiên nga bay ùa về, và cũng giống như chim, những cảm xúc từ tâm tư nhà thơ bay về Cõi Xa, chưa ai biết với một niềm háo hức miệt mài khó tả… Tiếng vỗ cánh của chim không chỉ khuấy động một đêm trường tịch mịch mà còn thức dậy trong tôi tiếng lời của Vô tận – đó là ý nghĩa thực sự”…
Cánh bay ấy là tiếng gọi vĩnh cửu vẫn hằng vang lên trong lòng vũ trụ bởi vì nó tượng trưng cho sự vận động không ngừng của đời sống. Đó là niềm khát vọng của tâm linh hóa làm thiên nga bay vào vũ trụ.
Toàn thể tập thơ ca hát về sự hồi sinh liên tục của đời sống. Đó là nhạc điệu của toàn thế giới:
Trên biển trời linh thiêng, ngọn triều của ánh sáng và đêm tối chảy trôi, náo nức, phập phồng.
Và dọc theo đường đi, những cánh hoa hành hương âm thầm tiến bước, luôn luôn huyên náo sắc màu.
Và dòng đời cuồn cuộn lao tới trước trong những dòng thác lớn lao cho dù âm nhạc của chết choc vẫn rung reng nơi chiếc vòng đeo tay của nó.
Cánh thiên nga là một tiếng hát hung vĩ và bi tráng như định mệnh của chính nhân loại.
Ở tác phẩm này và Gitanjali cũng như ở nhiều tập thơ khác của Tagore, ta thấy sức mạnh huyền diệu của một thi pháp rất phù hợp với tâm linh Ấn Độ. Đó có thể gọi là “thi pháp vũ trụ” do không gian của nó là những hình ảnh bát ngát: tổ trời, chùm hoa tinh tú, bình minh tình ái của mùa xuân, những đám mây giông tố, các vực thẳm không cùng… và do thời gian của nó là vĩnh hằng, là vô tận mà “những dấu chân của hàng triệu năm” cũng chỉ là khoảnh khắc…
Tác phẩm như đẩy bật ta ra khỏi những khung cửa nhỏ hẹp để bước ra ngoài thế giới, để trở thành một, với sự vô hạn của nó.
Tiểu thuyết quan trọng của Tagore trong thời kì này mang một cái tên đầy ý nghĩa Ngôi nhà và thế giới (Ghare Beire) viết dưới hình thức nhật kí của ba nhân vật chính phản ánh những năm tháng phong ba của thập niên đầu thế kỷ.
Năm 1916 trong khi chiến tranh lan tỏa châu Âu, Tagore lê tàu đi Nhật. Ba tháng lưu lại tại xứ sở hoa đào, của những vần thơ haiku đã đem lại cho Tagore những cảm giác êm dịu.
Sự cô đọng của thơ Phù tang có thể đã ảnh hương tới Tagore khi ông viết những vần thơ gọi là “những cánh chim bay lạc”hay “những con đom đóm”:
Cánh bướm kia không đếm tháng đếm năm
Chỉ đếm phù du khoảnh khắc
Vẫn sống đủ thời gian.
Vào năm 1919 ở Amritsar, phong trào nông dân bị đàn áp dã man. Hàng ngàn người bị thương, mấy trăm người bị thảm sát. Tagore lập tức viết thư cho chính quyền Anh, trả lại tước hiệp sĩ mà họ đã phong cho ông, buộc tội họ đã hành động man rợ “không đâu bằng trong lịch sử của những chính quyền văn minh”.
Tiếng nói ấy đủ quyền lực để hồi phục danh dự và lòng tự trọng cho dân tộc Ấn Độ và cho thấy Tagore không phải là loại triết gia bàn giấy. Đấy là một tinh thần hiệp sĩ thực sự, không cần ai phong tặng.
Nhiều lần, Tagore đã diễn thuyết, tổ chức mít tinh chống thực dân Anh, sáng tác những bài ca ái quốc làm cả nước xúc động. Một bài hát của ông sau này sẽ là Quốc ca của Ấn Độ. Cả quốc ca của Bangladesh cũng là tác phẩm của ông.
Thế mà, từng có nhiều người Ấn Độ buộc tội Tagore thân châu Âu. Mấy năm sau đó, cả thánh Gandhi cũng kêu gọi: “Mọi người phải quay xa kéo sợi. Hãy để Tagore cũng quay xa kéo sợi như người khác. Hãy để ông đốt cháy Âu phục của mình đi…”
Gandhi và Tagore là hai vĩ nhân được dân tộc Ấn Độ tôn xưng là thánh. Họ luôn tương kính và cảm phục nhau. Nhưng giữa họ có khá nhiều bất đồng. Chẳng hạn Tagore không chấp nhận việc Gandhi kêu gọi nhân dân Ấn Độ quay về với guồng tơ.
Đối với Tagore, chống thực dân không phải là chống văn minh châu Âu. Với nhà thơ, Đông và Tây “chỉ là hai bán cầu của trí não nhân loại. Nếu một bên bị bất toại thì toàn thân thể sẽ bị thoái hóa”.
Tuy vậy, cả hai đều yêu mến nhau vì mỗi người trong họ đều là biểu tượng cho nhân cách cao quý và tâm linh vĩ đại của Ấn Độ.
Hai năm sau, Tagore lại ra nước ngoài như một đặc sứ tư tưởng theo lời mời của Cộng hòa Peru. Do lâm bệnh, Tagore dừng lại ở Buenos Aires. Và ở đó, nhà thơ gặp người phụ nữ Argentina tài năng và duyên dáng. Nàng đưa ông về một biệt thự xinh đẹp trên bờ biển Plate. Đó là nữ sĩ Victoria Ocampo.
Hai tháng trên bờ sông ấy, Tagore sống những ngày nắng đẹp và sự chăm sóc êm đềm của Ocampo. Sau này ông viết nhiều thơ cho nàng, in trong tập Puravi.
Mỉm cười nàng bước đến
Mang hoa của niềm vui
Tôi chẳng còn chi khác
Chỉ còn nguyên trái sầu…
Đầu năm 1927, Tagore dựng vở kịch “sự tôn thờ của nàng vũ nữ” trên sân khấu của Calcutta, dùng toàn nữ diễn viên, đi ngược lại truyền thống sân khấu chỉ dùng diễn viên nam. Việc làm táo bạo này thay đôi hăn bộ mặt sân khấu. Kể từ đó, sân khấu Ấn Độ bắt đầu tràn ngập các nàng vũ nữ xinh tươi.
Trong thập kỷ 20, Tagore trở thành vị sứ giả hành hương của hòa bình trên thế giới. Nhà thơ đi Anh, Pháp, Thụy Điển, Mỹ, Đức, Áo, Tiệp Khắc, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên Xô… để nêu cao tinh thần hòa bình và tình yêu.
Năm 1928, Tagore bắt đầu thể nghiệm một cuộc sáng tạo mới trong đời: vẽ tranh.
Trong hội họa cũng như trong các bộ môn nghệ thuật khác, Tagore không dựa vào các bài học ở trường lớp nào. Bao giờ ông cũng sáng tạo với tinh thần tự do. Ngòi bút của ông tung hoành hào phóng thế nào thì cây cọ của ông bây giờ cũng thế. Chỉ tuân theo một vận động bí ẩn: nhịp điệu. Vũ trụ có nhịp điệu của mình. Và mỗi người phải biết nắm bắt nhịp điệu trong nghệ thuật và cuộc sống.
Tagore vẽ và vẽ. Trong vòng 13 năm cuối đời, hoàn thành gần 3.000 bức tranh! Đồng thời trong 13 năm đó, ấn hành hơn 80 tác phẩm văn chương. Một sức sáng tạo phi thường với một ông lão trong tuổi thất tuần:
“Bình minh cuộc đời tôi vẫn hằng tràn ngập các làn điệu linh thiêng thì xin hoàng hôn cuộc sống được chiếu diệu bằng toàn bộ màu sắc cầu vồng”.
Chính nàng Ocampo duyên dáng và thông minh đã đến Paris tổ chức cuộc triển lãm tranh cho Tagore. Cái mới mẽ độc đáo, sự giản dị và tinh tế trong đường nét của tranh Tagore làm giới phê bình sửng sốt. Các trí tuệ bậc nhất của Pháp như là Paul Valery và Andre Guide ca ngợi rằng hội họa của Tagore thuộc về tương lai: “Khi con người văn hóa sau này trở nên tinh tế hơn, họ sẽ nhận ra đầy đủ giá trị của những bức tranh này”.
Sau đó, tranh Tagore lướt qua London, Berlin, Newyork, Matxcova như thể trong một cuộc rước lễ huyền ảo.
Và năm sau, khi đi Ba Tư, Tagore được người Ba Tư xưng tụng là “vì sao vĩ đại nhất của bầu trời phương Đông”.
Trở về Ấn Độ, nghe tin Gandhi tuyệt thực trong ngục thất Yerevada, Tagore vào thăm. Vị thánh của dân tộc ấy ngưng tuyệt thực, đón Tagore và nói: “cuộc tuyệt thực nhân danh Thượng Đế, nay xin ngừng lại nhân danh ngài, trước sự có mặt của Gurudeva”
Người Ấn Độ vẫn gọi Gandhi là Mahatma và Tagore là Gurudeva. Đấy là những danh hiệu của bậc thánh.
Nhân sinh nhật của Gandhi vào năm 1936, Tagore soạn vở kịch múa Nàng Syama. Và như  thường lệ, Tagore có mặt trên sân khấu ở Calcutta.
Tagore là một vị thánh có thể nhảy múa hồn nhiên. Điều ấy làm cho nhiều người kinh ngạc.
Với Tagore, nhảy múa cũng thiêng liêng như bất kỳ cuộc sáng tạo nào vì niềm vui của nhân loại.
Năm 1940, Gandhi đến xứ sở Bình Yên thăm viếng Tagore. Đó là cuộc gặp gỡ cuối cùng của hai vĩ nhân. Gandhi nói: “Tôi gọi cuộc viếng thăm này là một cuộc hành hương… Tôi đã tiếp nhận lời chúc phúc của Gurudeva và lòng ngập tràn hạnh phúc”.
Cuối năm đó, Tagore lâm bệnh. Ông diễn tả tâm trạng của mình trước cuộc đời bao la vô tận:
Thế gian này tôi hiểu chẳng bao nhiêu…
Trong khi nằm bệnh, Tagore giữ một chùm hoa dại trên giường và mời người khác nhìn ngắm nó. Khi dưỡng bệnh bên hồ Balaton ở Hungary vào năm 1926, Tagore từng nói với chiếc cây tự tay mình trồng:
Ta không còn nữa cây ơi
Thì xin lá mới xuân đời thay ta
Nhắn giùm lữ khách đi qua
Rằng: thi nhân ấy đã là tình nhân
Tagore qua đời ngày 7/8/1941 nơi ngôi nhà cũ mà ông mở mắt chào đời vào 80 năm trước. Đó là ngày trăng rằm của tháng Sravana, tháng của những cơn mưa mát lành thường bay qua những vầng thơ yêu đời của Tagore.
Những cơn mưa ấy, những bông hoa dại sẽ không còn nghe Tagore ca hát nữa.
Chỉ còn trái tim chúng ta sẽ ngân mãi những vần thơ bất tuyệt.
Những ràng buộc phàm nhân không còn nữa
Vũ trụ bao la nhận thi sĩ vào lòng…
Và như thế, cuộc đời tìm kiếm ngôi nhà trong vũ trụ của Tagore đã thành tựu. Vũ trụ đón vào lòng nó một vì sao.
Nhật Chiêu




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xuống phố

Xuống phố Sáng nay trước khi đi làm con trai nói với mẹ: - Chiều đi làm về, con chở mẹ với em đi dạo phố noel ha? - Thiệt nghen. - Dạ mẹ. ...