Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

Những nhạc sĩ lớn lên từ một dòng sông

Những nhạc sĩ lớn lên từ một dòng sông
Hai anh em nhạc sĩ Hình Phước Long và Hình Phước Liên sinh ra và lớn lên ở làng quê nghèo Hà Liên - Ninh Hà - Ninh Hòa - Khánh Hòa, nơi có con sông Dinh hiền hòa đổ vào đầm Nha Phu. Hình ảnh làng quê, dòng sông và những câu hò đã in dấu vào tâm hồn và âm nhạc của những người nhạc sĩ tài hoa.
Sinh ra trong một gia đình không có truyền thống về nghệ thuật nhưng ngay từ thời niên thiếu, hai anh em Hình Phước Long - Hình Phước Liên đã đam mê âm nhạc. Ở tuổi 15 - 16, hai người đã biết chơi guitar, mandolin khá thành thạo. Từ việc chơi nhạc, hai anh em Hình Phước Long - Hình Phước Liên tự tập sáng tác những bài hát thiếu nhi, những bài hát bày tỏ tình cảm lãng mạn của tuổi mới lớn. Sau 1975, Hình Phước Long và Hình Phước Liên đều công tác trong ngành Văn hóa - Thông tin. Yêu cầu của công việc đã thúc đẩy hai người bắt tay vào sáng tác để phục vụ cho công tác tuyên truyền. Từ đây, Hình Phước Long và Hình Phước Liên gắn bó luôn với âm nhạc. Dấu ấn đầu tay của nhạc sĩ Hình Phước Liên là bài hát về quê hương: Ca ngợi quê hương Khánh Ninh (1975) - bài hát từng một thời được lấy làm nhạc hiệu của Đài Truyền thanh huyện Vạn Ninh. Tiếp đó, nhạc sĩ Hình Phước Long viết ca khúc Những vồng lang xanh (1977), một bài hát về phong trào tăng gia sản xuất. Sau những thành công ban đầu đó, hai nhạc sĩ đã liên tiếp cho ra đời nhiều tác phẩm về Khánh Hòa được khán giả yêu thích.
Nói đến nhạc sĩ Hình Phước Long, nhiều khán giả biết đến ông như một nhạc sĩ chuyên viết về Trường Sa. Nhưng có lẽ nhiều người không biết, ông đã viết về Trường Sa khi chưa hề đặt chân đến vùng đảo quanh năm sóng vỗ. Năm 1980, khi xem bộ phim tài liệu “Tổ quốc trên một vùng đảo nhỏ”, gặp gỡ những người lính đảo trở về đất liền, trong ông đã nảy nở những cảm xúc về Trường Sa. Nhưng phải gần hai năm sau (1982), những cảm xúc ấy mới chín muồi, thăng hoa để rồi làm nên Gần lắm Trường Sa. Từ đó đến nay, nhạc sĩ Hình Phước Long đã có 14 ca khúc về vùng đảo tiền tiêu của Tổ quốc: Gần lắm Trường Sa, Gặp anh trên đảo Sinh Tồn, Vầng trăng nơi đảo xa… Những bài hát về Trường Sa của ông được những người lính đảo yêu thích và đạt nhiều giải thưởng lớn của Hội nhạc sĩ Việt Nam. Nhưng, nhạc sĩ Hình Phước Long không chỉ có Trường Sa, xứ Trầm hương đã gợi cho ông nhiều cảm xúc để ông có thể viết nhiều ca khúc trữ tình về: Nha Trang, Diên Khánh, Ninh Hòa… Nổi bật trong số đó là Khánh Hòa một khúc ca - một bài hát được nhiều người biết đến trong thời gian gần đây. Không chỉ vậy, ngoài sáng tác ca khúc, Hình Phước Long còn là một người chuyên nghiên cứu về âm nhạc các dân tộc Tây Nguyên. Ông có nhiều bài viết về âm nhạc của các dân tộc Êđê, Raglai… Với những đóng góp đó,nhạc sĩ Hình Phước Long đã được tặng giải A Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật (VHNT) Khánh Hòa giai đoạn 1975 - 2000.
Bắt đầu sáng tác sớm nhưng cũng phải đến sau năm 1975, nhạc sĩ Hình Phước Liên mới được nhiều người biết đến: Ca ngợi quê hương Khánh Ninh (1975), Khánh Ninh đẹp tình ta (1976), Ơi sông Dinh (1981)… Những thành công trong sáng tác của ông hầu như gắn chặt với mảnh đất quê hương Ninh Hòa. Hình ảnh con sông Dinh hiền hòa luôn “cuộn chảy” trong tâm hồn của người NS. Mấy ai biết bài hát Ơi sông Dinh làm rung động tâm hồn bao người ấy lại được viết nên bởi một người NS tuổi 26. Trong các ca khúc viết về quê hương của NS Hình Phước Liên luôn bàng bạc bóng hình của con sông Dinh, đầm Nha Phu với những câu hò của người dân vùng biển. Bên cạnh đề tài quê hương, NS Hình Phước Liên còn rất có duyên với đề tài thiếu nhi. Nhiều sáng tác của ông được trao giải thưởng: Năm 2000 của chúng em được chọn vào tuyển tập 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ của Việt Nam, Ngôi nhà của chúng ta, Em bé Hiroshima, Con bò và bác tàu lửa… NS Hình Phước Liên được nhận giải B Giải thưởng VHNT Khánh Hòa giai đoạn 1975 - 2000.
Chung một cội nguồn - “một dòng sông” nhưng con đường âm nhạc của họ không hề giống nhau, mỗi người để lại dấu ấn riêng, gắn liền với mỗi vùng đất. Nếu như âm nhạc của Hình Phước Long luôn có dấu ấn của âm nhạc dân gian, thì âm nhạc của Hình Phước Liên lại mang màu sắc hiện đại. Càng ngày sự khác biệt trong âm nhạc của hai người càng rõ nét, như một dòng sông được phân làm hai nhánh đổ vào biển cả âm nhạc mênh mông.
Thế nhưng, có một dấu ấn không thể mờ phai trong âm nhạc, trong tâm hồn của hai nhạc sĩ, đó là tình cảm sâu nặng với quê hương Ninh Hòa, với con sông Dinh hiền hòa.

XUÂN THÀNH

Cô giáo em là hoa Ê.ban - Hình Phước Liên


Gần lắm Trường Sa - Hình Phước Long



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bùi Minh Vũ: Tiếng thơ siêu thực chính ngọ

Bùi Minh Vũ: Tiếng thơ siêu thực chính ngọ Bùi Minh Vũ, cũng giống như rất nhiều người làm thơ hôm nay trăn trở, quyết liệt (nếu không muốn ...