Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

ĐOÀN CHUẨN: Vua tình khúc mùa thu HÀ NỘI

ĐOÀN CHUẨN: VUA TÌNH KHÚC MÙA THU HÀ NỘI

Nguyễn Thụy Kha
Vào dịp kỷ niệm cách mạng tháng Tám của năm 1985, một hôm Văn Cao nói với tôi rằng ngài mai đến nhà Đoàn Chuẩn để dự lễ gặp mặt các cự "Thanh niên xung phong Thành Hoàng Diệu". Ngày hôm sau, theo địa chỉ số 9 phố Cao Bá Quát – Hà Nội mà Văn Cao dặn, tôi đến nhà Đoàn Chuẩn lần đầu tiên. Lúc ấy, đã có rất đông các cựu đoàn viên hiện diện.Có cả nhà văn Hà Minh Tuân – tác giả của "Trong lòng Hà Nội", "Hai trận tuyến", "Vào đời" nổi tiếng mà tôi cũng đã quen từ lâu. Chưa thấy vợ chồng Văn Cao tới, ông Tuân đã vừa cười tươi vừa giới thiệu tôi với Đoàn Chuẩn. Ông Chuẩn cũng cười tươi nắm chặt tay tôi, rồi lắc lắc: "Trẻ quá! Trẻ quá! Còn đủ thời gian tung hoành". Ông quay sang bà Xuyên vợ ông: "Bà ơi! Thụy Kha đây này". Tôi chợt cảm động. Có thể là Văn Cao đã nói với Đoàn Chuẩn về tôi.
Hôm đó, mảnh vườn trước cửa nhà Đoàn Chuẩn đông chật nói cười. Họ kể lại biết bao chuyện hoạt động vừa kỳ bí, vừa đời thường của "Thanh niên xung phong thành Hoàng Diệu" trước cách mạng và những ngày đầu độc lập. Những chén rượu va nhau lách cách. Cả không gian nồng men ký ức và hiện tại. Tài tử Ngọc Bảo cao hứng hát vang "Thu quyến rũ". Giai điệu đẩy tôi quay ngược về thời thơ bé. Đấy là mùa thu năm 1958, khi anh Hải tôi về Hải Phòng để ôn thi đại học cùng hai chị tôi. Ở thời gian này, vụ "Nhân văn giai phẩm" vừa khép lại, song không khí phòng chống tư tưởng tư sản còn tràn ngập các thành phố miền Bắc, nhất là Hải Phòng, còn nhiều rơi rớt của "Vùng 300 ngày". Anh tôi và hai chị kéo nhau lên gác xép học thi, lúc mệt thì anh tôi, hát cho chị hai nghe. Dù anh tôi hát rất nhỏ, ở dưới nhà, tôi vẫn nghe loáng thoáng: "Anh mong chờ mùa thu- dìu thế nhân dần vào chốn thiên thai- và cánh chim ngập ngừng không muốn bay- mùa thu quyến rũ anh rồi". Tôi nghe anh hát thế nhiều lần thì nhập tâm. Thuộc giai điệu nhưng không biết của ai.
Đến mùa xuân năm sau, tôi lại nghe Thu Ve – một ca sĩ của lớp hát "Gửi người em gái miền Nam". Tôi hỏi của ai mà hay thế. Thu Ve cười đắc ý bảo tôi là "ngố rừng". Tuyệt phẩm của Đoàn Chuẩn mà không biết. Mùa thu năm 1965, tôi sang học lớp 10 sơ tán ở Thủy Nguyên. Cùng trọ với tôi là Đoàn Thế Dân. Lúc ấy, qua Dân, tôi mới biết Đoàn Chuẩn là người Cát Hải – Hải Phòng, là con chủ hãng nước mắm Vạn Vân nổi tiếng, có một tòa nhà lớn ở đường Trần Phú – Hải Phòng. Dân còn dậy tôi hát "Chuyển bến". Cứ thế, tôi mang thêm vào hành trang âm nhạc của mình thêm những giai điệu Đoàn Chuẩn vào đại học. Những năm bom đạn ác liệt, ở nơi trường đại học sơ tán, tôi vẫn hay hát Đoàn Chuẩn và nhiều tình khúc hay cho bạn bè nghe. Một hôm tôi đang hát "Thu quyến rũ", Kiểm bạn tôi – là lớp phó – bấm nhẹ vai tôi ý nhắc đừng hát nữa. Kéo tôi ra chỗ vắng, Kiểm thì thầm: "Vừa có chỉ thị cấm sinh viên hát nhạc vàng, thứ nhạc mà cậu đang hát đấy. Cố mà im miệng. Có bản nhạc thì đốt đi. Kẻo họ kiểm tra mà thấy thì nguy lắm. Tôi nghe, thấy khiếp quá. Sau này tôi mới biết, lúc ấy ở Hà Nội đang xảy ra vụ bắt bớ thanh niên hát nhạc vàng. Nghe loáng thoáng, anh Toán xồm- đóng vai nghệ sĩ guitare trong phim "Nổi gió" là chủ soái. Đã bị bắt. Có cả một ca sĩ là Lộc Vàng nữa. Câu chuyện "cấm nhạc vàng" rồi cũng qua đi. Những giai điệu Đoàn Chuẩn thì vẫn ở trong tôi ngay cả khi vượt Trường Sơn vào chiến trường. Thống nhất đất nước. Ở Sài Gòn. Tôi vẫn mua được các tình khúc Đoàn Chuẩn bày bán ở vỉa hè đường phố. Mua thì giữ kín, hát thầm, hát nhỏ cho nhau nghe. Tôi đâu ngờ đến hôm nay, tôi được gặp tác giả ngay tại tệ xá của ông.
Sau buổi sơ ngộ đó, tôi và Đoàn Chuẩn thường xuyên gặp nhau, ít nhất một tuần một lần. Thường là ở quán cà phê đầu Cửa Nam. Dần dà, Đoàn Chuẩn mới kể cho tôi nghe những thăng trầm của ông sau ngày giải phóng Thủ đô. Quanh ông là những người bạn đã từng nhiều năm tháng chia sẻ. Hóa ra, từ sau tình khúc "Gửi người em gái miền Nam" được Ngọc Bảo thu thanh tại Đài tiếng nói Việt Nam mùa xuân 1956, rồi nhận nhiều lời phê phán là vừa ủy mị, vừa lạc quan tếu: "Rồi ngày thống nhất đến rất nhanh không ai ngờ", Đoàn Chuẩn đã dừng bút. Ông chỉ còn kiếm sống bằng việc dậy đàn guitare Espanõn và Hawaii. Con cái thì đông, đồng tiền kiếm ra ít ỏi, trăm sự ông đều nhờ cả vào người vợ tảo tần của mình. Vậy mà vẫn lay lắt tồn tại được tới tận bây giờ. Thân tình thêm chút nữa, tôi bắt đầu tìm hiểu thêm về quãng đời sáng tác của ông và những bóng hồng tạo cho ông cảm xúc.
Đoàn Chuẩn có một thói quen khi uống rượu là chỉ cạn một hơi. Về điểm này, ông rất  giống bác Tô Hoài "Dế mèn phiêu lưu ký". Còn thói quen hút thuốc lá "Thăng Long" thì lại giống Huy Du "Việt Nam trên đường chúng ta đi". Thiện cảm của Huy Du với Văn Cao, Đoàn Chuẩn còn được thể hiện bằng hành động khi Huy Du là Tổng thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam ở nhiệm kỳ bản lề giữa thời bao cấp và thời đổi mới. Nhiều cuộc rượu cùng ông, nghe ông tâm sự, tôi mới dần dà chắp nối những mẩu hồi ức không đầu, không cuối trở thành một trình tự theo thời gian.
Do là con trai chủ hãng nước mắm Vạn Vân nổi tiếng, Đoàn Chuẩn được gia đình khá cưng chiều. Cưng chiều vì tình cảm, song cũng vì một lựa chọn PR riêng biệt của hãng. Một hãng nước mắm ngon mà có một "cậu chủ" là một nghệ sĩ nổi tiếng thì tiếng tăm của hãng sẽ càng loang xa hơn. Bởi vậy, năng khiếu âm nhạc từ nhỏ của Đoàn Chuẩn đã được phát huy tuyệt đối. Có lẽ vì ở đất Cảng Hải Phòng, nơi các thủy thủ quốc tế thường xuyên cập bến, mang theo những luồng gió âm nhạc đến từ bốn phương, đã khiến cho nhiều nghệ sĩ Hải Phòng nhanh chóng tiếp nhận sự mới mẻ ấy. Riêng Đoàn Chuẩn thì tiếp nhận cây ghi-ta Hawai (thường gọi Việt hóa là ghi-ta Ha-Viên hoặc Hán hóa là Lục huyền cầm Hạ-uy-di). Khi đã học và chơi cây đàn này khá thuần thục thì cũng là khi Đoàn Chuẩn lên học ở Hà Nội. Ở Hà Nội, ông đã gặp một thiếu nữ đồng môn nết na, xinh đẹp và dịu dàng. Thiếu nữ đó đã trở thành bà Đoàn Chuẩn. Từ khi lập gia thất, mọi công việc kinh doanh đều thuộc về bà. Còn ông thì cứ phiêu diêu trong tiếng đàn thánh thót, cứ chơi theo cách của một "công tử Hà thành" sành điệu. Vậy mà ông lại tham gia "Thanh niên xung phong thành Hoàng Diệu". Quả là một huyền thoại. Nhờ tin yêu lý tưởng, ông đã chơi với Đỗ Nhuận và chia sẻ cùng "người tù vượt ngục" này những da diết trong "Nhớ chiến khu".
Vào thời kỳ bắt đầu đổi mới, tôi càng ham hiểu biết về Đoàn Chuẩn. Có hôm, tôi tới nhà ông từ sáng. Những buổi ấy, hai anh em thường được bà Xuyên "chiêu đãi" món bánh cuốn Thanh Trì và chả quế, chấm nước mắm cà cuống. Ngon tuyệt. Ngon như hồi ức. Điểm tâm xong, cà phê xong, cũng phải cạm một chén "cuốc lủi". Những lúc hồi ức, mắt Đoàn Chuẩn long lanh xa vời. Nào là "Tình nghệ sĩ" được viết vì cảm mến cô chủ quán Mai Hương ở vùng tự do Thanh Hoa: "Đây quán Mai Hương mây thu vàng ấm", sau mới đổi thành "Đây khách ly hương mây thu vàng ấm". Nào là "Đường về Việt Bắc" viết trên chặng đường theo đoàn quân y ngược lên Việt Bắc tìm vợ con. Nào là chuyện vào thành thực hiện công việc nhưng bị hiểu nhầm là "dinh tê". Đoàn Chuẩn chẹp miệng: "Song không có mấy năm ấy, chắc không có những tình khúc mùa thu Hà Nội để mọi người nhớĐoàn Chuẩn". "Thu quyến rũ" là  sự bắt đầu cho những tình khúc đó, sau khúc dạo "Tình nghệ sĩ".
Một bản tango cho mùa thu Hà Nội. Nguồn cảm hứng của nhạc phẩm lại khởi từ một ca sĩ Sài Gòn kiều diễm mang tên loài hoa lan khi nàng bay ra Hà Nội trình diễn. Vì nàng, chàng "công tử Hà Nội" sẵn sàng ngày nào cũng gửi điện hoa là một bó hoa lan trắng muốt tới nàng ở Sài Gòn. Và kèm thêm một nhạc phẩm "Cánh hoa duyên kiếp". Khi nàng trở lại Hà Nội, thì chàng nàng lại cùng rong ruổi thu vàng trên chiếc xe cadillac sang trọng và hiếm hoi, xuống biển Đồ Sơn. Chính cảm hứng chuyến đi đã làm ra "Gửi gió cho mây ngàn bay".
Rồi những bóng hình thoáng qua cũng tạo nên "Chuyển bến", "Lá thư" để người đời dìu dặt hát mãi. Nhưng tất cả những bóng dáng ấy đã mờ dần khi Đoàn Chuẩn nhận vào đời mình một tiếng sét ái tình mạnh mẽ. Thiếu nữ là ca sĩ đoạt giải nhất cuộc thi đơn ca của đài Pháp – Á năm 1953. Đoàn Chuẩn không trốn chạy được. Chàng phiêu lưu trong trường tình này như phiêu liêu trong thơ Lưu Trọng Lư với cặp mắt "con nai vàng ngơ ngác". Và thế là "Tà áo xanh" ra đời để thêm vào chuỗi tình khúc mùa thu mà nàng đã từng hát say mê như đeo vào cổ mình chuỗi ngọc bích sáng láng. Nhưng nàng đột ngột biến mất cuối mùa xuân 1954. Hóa ra nàng được người chú ruột đại đội trưởng Vệ quốc Đoàn cử liên lạc vào thành đón ra vùng tự do. Đoàn Chuẩn bị xốc nặng, bị hẫng hụt đến tê tái. Dồn nén ấy đã bung ra mãnh liệt khi nàng trở về cùng đoàn quân chiến thắng và chuẩn bị lên xe hoa. Trong tâm trạng đó, Đoàn Chuẩn như bật ra nhạc với liên tiếp những "Lá đổ muôn chiều", "Chiếc lá cuối cùng", "Một chiều để nhớ" và cho đến tận "Gửi người em gái miền Nam" cũng là mượn tâm trạng này gắn vào thời cuộc. Câu chuyện thổn thức trong tập "Bài hát bị xé" với chủ đề "Vàng phai mấy lá" mượn tích đốt cháy Cô Tô thành.
Những ngày cuối xuân 1988, do sự ủng hộ của Hội nhạc sĩ Việt Nam, những tình khúc mùa thu Hà Nội của Đoàn Chuẩn được giới thiệu tại 51 Trần Hưng Đạo – Hà Nội với cái tên "Đoàn Chuẩn 65 mùa lá đổ". Đoàn Chuẩn như được hồi sinh trở lại. Tình bạn vong niên giữa tôi và ông càng mặn nồng hơn. Vẫn những cuộc rượu tri kỷ. Vẫn giọng cười vang thoải mái vô tư lự. Rồi tập nhạc Đoàn Chuẩn, băng nhạc Đoàn Chuẩn tiếp tục được Hội nhạc sĩ Việt Nam xuất bản.
Vài năm trước khi mất, Đoàn Chuẩn bị xuất huyết não phải nằm liệt giường. Nhưng cặp mắt vẫn long lanh khi bè bạn tới thăm. Đoàn Chuẩn – vua tình khúc mùa thu Hà Nội từ trần ngày 15.11.2001, đúng ngày sinh của Văn Cao. Nhưng tình khúc mùa thu Hà Nội của ông  vang mãi trong nhân gian.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Căn Nhà Trong Hồn Thế là thu đã tàn. Những chiếc lá cuối cùng cũng đã bị mưa gió cuốn đi đêm qua. Trận gió bất chợt đưa mưa về thật mạ...