Thứ Tư, 9 tháng 7, 2014

Phải sống bằng nội lực của chính mình


PHẢI SỐNG BẰNG 

NỘI LỰC CỦA CHÍNH MÌNH  

Lời giới thiệu:
Nguyễn Thị Thúy Quỳnh được mọi người biết đến không chỉ ở cương vị một nhà tâm lý trị liệu/tâm lý lâm sàng mà còn ở góc độ một trí thức, một nhà văn trẻ. Tốt nghiệp ĐH KHXH NV Hà nội Khoa khoa tâm lý học (năm 2001) thiết nghĩ chị chỉ cần làm đủ trọng trách của một "Lương y kiêm từ mẫu" như bao đồng nghiệp khác của chị đã và đang làm, chắc chắn chị có thể tìm được cho mình một vị trí đứng nào đó trong ngành y. Nhưng có lẽ cái duyên viết lách (thiên bẩm chăng) đã đưa chị đến với con đường Văn chương Nghệ thuật - con đường tưởng như đầy hoa bướm, mộng mơ... ấy nhưng cũng đầy cạm bẫy, thử thách, chông gai. Chị cho biết mặc dù chị mới chỉ thực sự quan tâm đến nghiệp Văn chương từ 4-5 năm nay, nhưng sức sáng tạo, đặc biệt tư duy thẩm nhận Văn chương Nghệ thuật của chị đáng khiến cho những cây bút gạo cội trong làng Văn học Việt Nam phải giật mình để tỉnh ngộ.
Hai tiểu thuyết đầu tay "21 khúc biến tấu" (2004), "Chả Sất cuộc rượu lúc 4giờ" (12.2006) đã mang đến cho chị không ít niềm vui và cũng không kém sự nhọc nhằn, để rồi cũng từ những nhọc nhằn ấy chị đã chẩn định được cho mình một bút pháp thích hợp - bút pháp của một nhà tâm lý lâm sàng - mọi sự việc, vấn đề đều được chị nhìn nhận, đánh giá dưới lăng kính quang học một cách rạch ròi, chuẩn xác nhưng cũng không kém phần tinh tế, khúc triết và nhiều khi đầy gay cấn, trần trụi - trần trụi hóa mọi vấn đề trong một xã hội mà "Bao công" luôn lăm lăm trong tay thanh "thượng phong bảo kiếm" và luôn sẵn sàng “xuống một đường kiếm ngọt nước” vào cổ đám mọi dân dám cả gan gióng trống đòi thưa kiện, là điều không phải cây bút nào cũng dám xung trận. Với Nguyễn Thị Thúy Quỳnh chị cho rằng: Phải nội nhập hóa bằng cách thống hợp giải mã những vấn đề của môi trường đặt ra bên ngoài. Đó là điều kiện tiên quyết cho một người làm công việc sáng tác...
Nhân dịp đầu năm Đinh Hợi 2007, xin được giới thiệu đến quí vị và các bạn cuộc trò chuyện đầy thú vị và đầy tính nhân văn với nữ trí thức và cũng là một cây bút trẻ trong nước Nguyễn Thị Thúy Quỳnh về hiện tình Văn Chương Nghệ Thuật và Thời Đại (Để quí vị tiện theo dõi cuộc trò chuyện dưới đây sẽ được viết tắt bằng: VH=người hỏi và NTTQ=người trả lời. Tựa đề do Việt Hà tự chọn).
VH: Xin chào chị Thúy Quỳnh! Vài năm lại đây bầu không khí văn chương trong nước có phẫn tĩnh lặng nếu không nói: không có sự đột biến lớn. Phải chăng chất nhựa sống của những nhà văn trong nước đã cạn kiệt hay có một lý do tiềm ần nào khác?. 

NTTQ: Tôi lại có ý ngược lại anh một chút. Thời điểm mà tôi bắt đầu quan tâm tới văn nghệ trong nước thực ra chỉ 4, 5 năm trở lại đây, cũng thú nhận là quan tâm của tôi không có tính chuyên môn lẫn hệ thống. Tuy nhiên tôi cho rằng, 2, 3 năm trở lại đây, bầu không khí văn chương hết sức nóng bỏng và ồn ào chứ không phải tĩnh lặng. Hiện tượng xuất hiện những nhà văn trẻ/ chưa thành danh với những tác phẩm mang tính chất tiểu thuyết, truyện thơ chứ không phải truyện ngắn/bài thơ như Nguyễn Thị Ngọc Lan, tiểu thuyết“ phu bòn „ 2003, Nguyến Thế Hoàng Linh, tiểu thuyết“ chuyện của thiên tài „2005 Nguyễn Thuý Hằng, tập thơ/truyện“ thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý „ Trần Thu Trang, tiểu thuyết“Phải lấy người như anh „Vũ Phương Nghi, tiểu thuyết“ Chuyện lan man đầu thế kỷ „2006...v..v. Ngoài ra thì những nhà văn đã thành danh/lão làng như Nguyễn Huy Thiệp, tiểu thuyết “tuổi 20 yêu dấu“, “Tiểu Long Nữ“ Nguyễn Bình Phương, tiểu thuyết “Ngồi „. Tô Hoài, tiểu thuyết “Ba người khác„. Vấn đề là phần mục văn chương văn nghệ trên các trang báo trong nước phát triển về đằng... giới thiệu sách nẫn nộn tiểu thuyết tác giả Việt nam với tiểu thuyết dịch nước ngoài. Thêm đó báo chí văn nghệ bù lấp chỗ trống thì và phát triển về đằng... dịch thuật báo chí phong trào văn chương trẻ Trung Quốc. Như vậy là nhựa sống nhà văn đang trở nên hết sức tràn trề và dạt dào chứ không hề cạn kiệt. Lý do tiềm ẩn ở đây là khả năng thú nhận bế tắc của hệ thống các nhà phê bình ăn giải chạy theo báo chí trong việc định hướng dư luận xã hội. Các đại hội lý luận phê bình mang tính chuyên môn trong năm vừa qua, tôi cho rằng các nhà phê bình chỉ làm được việc trưng bày mâu thuẫn và ẩn ức của tình trạng yếu kém chứ chưa thực sự thú nhận sự kém cỏi làm cho trở nên bế tắc trong chính nội tâm của họ. Nhà phê bình cạn chữ, nhà báo cạn chữ, sinh ra nhà văn Việt nam trẻ mới xuất hiện với dịch giả Việt nam dịch tác phẩm Nô ben thế giới khó xin giấy phép để chung một đống hỗn độn ở giữa báo chí. Thành ra là không khí ngùn ngụt bên trong làng văn có một cái vẻ ngoài tĩnh lặng hết sức bệnh hoạn.

VH: Là một nhà văn trẻ của thế hệ chuyển giao từ 7X sang 8X chị có cảm thấy mình bị thiệt thòi; có một khoảng trống nào đó khi sáng tác? Chị có suy nghĩ gì về nền Văn chương hậu chiến tranh?
NTTQ: Tôi cảm thấy khá thiệt thòi... khi không thoải mái lắm ở trong tình trạng bị nhốt trong nhóm từ “nhà văn trẻ thế hệ chuyển giao từ 7X sang 8X“.Gần đây đọc một bài báo tiếng Việt dịch tổng hợp từ Trung Quốc tôi mới biết cái từ này cũng xuất phát từ Trung Quốc. Tôi đành phải nhắc lại ý bài báo đó, cá nhân một người trưởng thành, giá trị tri thức của anh ta/cô ta phải được đo từ chính những nguyên tắc học thuật tri thức đó chứ không phải đo bởi tuổi tác và khoảng cách thế hệ. Từ 8X, 7X, 9X..vv.. hoặc tuổi teen tuổi tin như thuật ngữ của báo Hoa học trò Việt Nam thực chất chỉ ra một sự từ chối đối diện với vấn đề thực chất của nó. Thuật ngữ 7X, 8X, thể hiện một thế hệ con cháu đe doạ bị nuốt chửng bởi ông bố bà mẹ nó (tri thức ngút trời không sao vượt qua chẳng hạn). Sự đe doạ này, nó buộc phải chống đỡ bởi việc những lời phát biểu của nó có một tấm chắn là độ tuổi của nó, tương đương những câu phát biểu của nó (ngô nghê chẳng hạn) phải được chấp nhận. Như vậy, ngay khi mà những thế hệ tri thức trẻ như chúng tôi được quyền phát biểu những suy nghĩ của chính mình (nhà văn trẻ Việt nam so với nhà văn trẻ Trung Quốc chẳng hạn), sau đó những suy nghĩ này được quyền phán xét chúng một cách ngang bằng bằng tiêu chuẩn học thuật với thế hệ trước đã là một khoảng trống mà tôi cho rằng, một mình tôi không sao đủ sáng tác để có thể lấp đầy. Công cuộc của nó phải là một sự vận động khổng lồ của nhiều bạn trẻ cùng độ tuổi như tôi khác nữa. Sự vận động khổng lồ này, may ra mới có thể trả lời cho câu hỏi của một nền văn chương “hậu chiến tranh“ của Việt nam. Cách đây không lâu, tôi dự định thử viết hẳn một bài luận phê bình theo quan điểm phân tâm học về tập thơ “thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý„ của Nguyễn Thúy Hằng vì nhận thấy nhiều điểm ám ảnh cùng vấn đề với tôi mà chính tôi với những ám ảnh này đang trở nên bế tắc. Tôi nhận ra là, trong tác phẩm của Hằng, sự tình “cắt đuôi tiền nhân“ (ý của nhà thơ Dư thị Hoàn), từ chối một thực tế đất nước (vừa trải qua một cuộc chiến tranh thảm khốc chẳng hạn). Đó là một sự từ chối thực tế một cách triệt để, tâm thần, bấn loạn và đau xót. Dấu tích còn sót lại của cái gọi là Việt nam chỉ còn những dấu nối mờ nhạt, mã hoá và biến dạng. Ngay cả trong nỗi ám ảnh của tôi và trong tác phẩm tôi viết cũng không hề có điều này, cái gọi là chiến tranh. Như vậy, sự tình có thể gọi là “nền văn chương hậu chiến tranh” chỉ có nghĩa khi mà tác phẩm văn học đề cập đến nó trực diện và giải mã nó. Nếu như Bảo Ninh diễn giải/kể lại nó cần phải xác thực một hiện thực cần phải nhìn bằng một góc cạnh khác ở “Nỗi buồn chiến tranh“. Sự diễn giải như một người tham gia vào những ngày tháng cuối cùng của chiến tranh và buộc phải trực diện thì thế hệ chúng tôi những kẻ không trực tiếp phải đối diện với cuộc chiến, nhiệm vụ nhận diện xác thực và giải mã ý nghĩa của nó để có thể hiểu được, có thể chấp nhận được, có thể tiêu hoá được trở nên hết sức nặng nề. Tôi cũng chưa hình dung được nó sẽ là điều gì và công cuộc đó sẽ khủng khiếp thế nào.
VH: Nhiều người nhận xét: những nhà văn trong nước giống như một đàn cá bống sống trong một vũng bùn xăm xắp nước và luôn có nguy cơ bị khuynh đảo tới trắng bụng, khá hơn là đủ ngoi ngóp để thở? 
NTTQ: Ẩn dụ của câu hỏi này rất thú vị. Thời điểm mà tôi bắt đầu tôi mang tập tiểu thuyết “21 khúc biến tấu“ những năm 2002-2003, tới các nhà xuất bản tại Hà nội là thời điểm báo chí và giới trí thức trong nước rộ lên câu hỏi “tại sao văn chương/khoa học Việt nam không có giải Nô ben?” Ẩn dụ về con cá bống làm tôi liên tưởng đến câu chuyện cổ tích Tấm Cám. Con cá bống mầu nhiệm mà bụt đã cho Tấm khi nàng bị mẹ con Cám đối xử tệ bạc. Trả lời cho câu hỏi có vẻ ngớ ngẩn về một khả năng hoang tưởng hay thực tế một giải Nô ben văn chương thì, con cá bống ở đây quả là đang sống trong một chiếc ao bị tát cạn chuẩn bị cho một cậu bé nào đó bắt về đưa cho mẹ mang ra chợ bán hoặc cho vào nồi làm món kho tộ. Câu hỏi của nó là thoát khỏi vũng nước bùn đó, lặn sâu dưới lớp bùn đó để còn khả năng sống sót hay là ngoi ngóp thở để sau đó chết trong nồi cá kho. Trường hợp thứ 2 cho vũng bùn xăm xắp nước với một bầy cá bống khó thở đó là nắng nóng của mặt trời và tự nhiên là thủ phạm cho việc hết nước, lý do mà trước đó chiếc ao, con sông trở thành vũng bùn xăm xắp nước. Nếu quả vậy thì vấn đề không phải làm sao để thở, trắng bụng dập đầu mà phải kiên nhẫn chịu trận kém đường thở sao cho sống sót mà chờ mưa thôi chứ biết sao giờ.
VH: Có một luồng nhận định: thế hệ nhà văn thời 3X-7X trong nước là thế hệ thích ôn nghèo gợi khổ (ca ngợi công ơn đảng, Bác và hào quang chiến thắng), trong khi đó tại hải ngoại những thế hệ tương đồng (khác giới tuyến) này cũng chỉ thích mơ về đường xưa lối cũ, một thời oanh liệt, vàng son và mất mát đau thương. Nhưng trước cơn lốc của Kinh tế thị trường, nơi mọi giá trị đều bị khuynh đảo, những nhà văn trong nước đã không có đủ nhuệ khí để đối mặt; tại hải ngoại trong một môi trường tự do, dân chủ những thế hệ này cảm thấy vừa như chới với vừa như trống vắng. Quan điểm của chị?
NTTQ: Tôi cho rằng có nhiều quan điểm nhận diện về thực tế. Tuy nhiên việc cần phải suy xét điều gì sẽ cần phải đối mặt tiếp theo để có đủ nhuệ khí, sau đó là điều gì đã vừa mất đi nhưng vẫn còn ẩn mặt đâu đó để tiếp tục tấn công không sao xác định được cũng rất cần thiết. Có thể đó là lý do tại sao lại chơi với trống vắng của thế hệ nhà văn hải ngoại. Thời kỳ mở cửa/đổi mới những năm 86-90 là một thành tựu như một mục đích mà thế hệ nhà văn trong nước lấy làm mục tiêu với nhuệ khí vàng son của Đảng Bác. Với điều này thì thế hệ hải ngoại khác giới tuyến, khi hướng về trong nước lấy điểm đó làm mục đích cho việc chứng minh có nhiều nhuệ khí mà bạn có thể tìm thấy được ngoài Đảng Bác chẳng hạn. Tuy nhiên có thể vấn đề là thế hệ kế tiếp tại Hải ngoại có thể chưa nhận ra, hoặc chứng minh được cho thế hệ trước đó của họ thấy. Tôi cho rằng đã qua thời điểm tìm sự phản ánh mang tính chất đối lập để nhận diện một cái tôi lấy mình làm trung tâm vũ trụ đang trở nên hết sức khó chịu. Sự tự do dân chủ nhất thiết phải là một nhu cầu đến từ bên trong nội tâm cá nhân trước xã hội với khái niệm/định nghĩa/hiểu biết lý giải của riêng nó chứ không phải là tự do dân chủ áp đặt từ bên ngoài vào mà cá nhân đó không biết nó mọc từ đâu ra.
VH: Một thần tượng nhà văn của chị ở trong nước và hải ngoại?
Cần phải thú nhận là tôi không có được học bài bản về văn chương và không có đọc hết hoặc biết hết những nhà văn Việt nam từ trước tới nay. Thí dụ như một số tác phẩm của nhóm nhà văn tự lực văn đoàn như Nhất Linh, Khái Hưng tôi chưa có đọc, hoặc một số tác giả người Việt trẻ viết văn bằng tiếng Anh, Pháp gì đó tôi khá tò mò (rất tiếc là tôi không có nhớ tên). Tuy nhiên những nhà văn trong nước và hải ngoại làm tôi cảm thấy thú vị và cần phải học tập thì quả thực rất nhiều. Tôi không thích dùng chữ “thần tượng“. Có thể tôi hơi kiêu hãnh một chút. Thần tượng theo tôi là một mẫu người hoặc mẫu nhân cách tài năng nào đó mà là đích đến mà mình không thể vượt qua. Nếu vậy thì tôi chưa có tìm thấy thần tượng vậy trong các nhà văn Việt nam.
VH: Theo chị có hay không tồn tại một nền văn học hải ngoại? bởi thực thế văn học hải ngoại bị coi là đứa con rơi (phi chính thống) và trong nước mới được gọi là chính thống. Liệu hai nền văn học này có thể giao thoa với nhau? 
NTTQ: Tôi cho rằng, tất nhiên là có và đã tồn tại một nền văn học tiếng Việt ngoài biên giới Việt Nam. Nói chính thống/phi chính thống dành cho một trung tâm (với nghĩa chính danh/chính thống). Khái niệm “trung tâm“ mang nghĩa là một điểm chính giữa không cần một điểm khác để so sánh. Vì vậy tôi cho rằng nếu như “văn chương chính thống đó“ coi văn chương “phi chính thống“ là một đứa con rơi thì nên tôn trọng nó. Từ chính thống và phi chính thống ở đây liên quan mật thiết tới một cái tôi chính thống làm trung tâm nào đó đã là một nhận thức về thực tế rất xưa cũ . Tôi dùng từ “xưa cũ“ vì sự giao thoa này đã xảy ra rồi, một cách hết sức hiển nhiên. Nếu như cá nhân một ai đó bất kỳ nhận ra hiểu biết về cái tôi trung tâm không còn hợp thời ở thời đại này thì một thực tế càng ngày càng rõ nét chứng minh cho họ thấy, sẽ sáng tỏ rất nhiều vấn đề mù mịt chính họ trong bối cảnh toàn cầu này. Tất nhiên nếu như vậy còn nhiều người giữ quan điểm chính thống/phi chính thống này thì đó là vấn đề của họ, họ có quyền vậy và cũng cần phải tôn trọng họ cho điều này.
VH: Quan điểm sáng tác của chị? Lối văn chương trần chuồng đang được coi là một idol cho giới cầm bút trẻ trong nước. Cảm nhận của chị?
NTTQ: Giới cầm bút trẻ trong nước đang“ idol“ một lối văn chương“trần truồng“? tôi cảm thấy nghi hoặc cho nhận định này. Tuy nhiên, thú thật với anh là tôi không hiểu từ “ idol“ ở đây dịch ra tiếng Việt có nghĩa là gì. Nguyễn Thế hoàng Linh, Ngọc Tư và Đỗ Hoàng Diệu, hay Từ Nữ Triệu Vương, Lynh Barcadi tôi cũng không thấy họ viết “trần chuồng“ bằng Nguyễn Bình Phương trong “Ngồi“ hoặc Tô Hoài trong “Ba người khác“. Tôi cho rằng, thực tế của một cá nhân khi họ bỏ quần áo, trở nên “trần chuồng“ thì đó cũng không phải là một thực tế duy nhất hoặc cuối cùng của họ. Rất tiếc, đây chỉ là một ẩn dụ thú vị mang tính triết lý thôi. Ẩn dụ “trần chuồng“ dành cho câu hỏi giải mã về hiện thực cuối cùng của cá nhân cái tôi, đó là ám ảnh then chốt trong “21 khúc biến tấu“. Mới đầu khi tôi mang bản thảo tới nhà xuất bản nó có tên “Với tới hiện thực“, sau đó người biên tập của Nxb hội nhà văn là ông Tạ Duy Anh đề nghị đổi tên nó là “21 khúc biến tấu“. Tôi đồng ý cho việc đó thậm chí con sáng tác thêm 2 chương cho cái tên thú vị này. Như vậy là quan điểm sáng tác của tôi, nếu có liên quan tới sự “trần chuồng“ theo nhận định của anh về những người cầm bút trẻ trong nước thì là một chủ đề rất cũ.“Không có một hiện thực cuối cùng duy nhất mà có rất nhiều hiện thực cùng tồn tại“. Như vậy sự “trần chuồng“ của cá nhân/cái tôi lúc này đã trở nên không còn quá lắm hấp dẫn hoặc tối kỵ bí mật hay cấm kỵ đặc biệt với nó hoặc với xung quanh.
VH: Thực tế cho thấy những tác phẩm văn học hải ngoại muốn được phổ biến trong nước phải làm một „thẻ căn cước“ theo kiểu: nhập gia tùy tục. Nói khác đi: phải đảm bảo tính hồng-chuyên hoặc thuần những chuyện mây gió trăng hoa tuyết núi sống (vô thưởng vô phạt), nhưng nếu kèm chất „thép“ chắc chắn sẽ bị rơi vào quên lãng?
NTTQ: Tôi thấy một số tác phẩm văn học hải ngoại được in trong nước cũng hết sức thú vị đấy chứ. Nếu như nhiều vấn đề mà văn giới hải ngoại muốn tri thức trong nước phải hiểu “chất thép, chất hồng chuyên“ của riêng nó thì họ đã đạt được rồi đấy thôi, bằng sự xuất hiện của internet. Chỉ cần “gu gồ“ một từ bất kỳ là những trang mạng văn chương hải ngoại xuất hiện rồi đọc không sao hết được. Còn việc xuất bản trong nước bằng giấy rồi để và làm sao không rơi vào quên lãng xa hơn, vấn đề là nó được đem ra hiểu/ lý giải tương ứng với hiện thực trong nước như thế nào. Thì tôi đã thấy bắt đầu có rồi đấy thôi. Đầu tháng 11.06, cách đây vài tháng có một hội thảo đề cập tới việc này ở Viện văn học Việt Nam. Hội thảo có tên “văn học Việt nam trong bối cảnh giao lưu quốc tế“. Trong hội thảo này có nhắc đến khá nhiều vấn đề của văn học hải ngoại một cách sát sườn hoặc lửng lơ. Tuy nhiên rất tiếc là các nhà báo Việt nam quá ngơ ngác trước sự tình này. Chính tôi cũng hết sức ngạc nhiên với tính chất mới mẻ đột ngột của nó mà không sao viết được một bài báo hẳn hoi.
VH: Theo chị yếu tố dân chủ có thực cần thiết cho môi trường sáng tác văn học? Tại sao?
Tất nhiên yếu tố dân chủ thì cần thiết rồi, cho mọi hoàn cảnh và vấn đề chứ không chỉ riêng văn học. Tuy nhiên, tôi nhắc lại câu trả lời từ câu hỏi trước.“Sự tự do dân chủ nhất thiết phải là một nhu cầu đến từ bên trong nội tâm cá nhân, trước xã hội với khái niệm/định nghĩa/hiểu biết lý giải của riêng nó chứ không phải là tự do dân chủ áp đặt từ bên ngoài vào mà cá nhân đó không biết nó mọc từ đâu ra„. Như vậy, yếu tố dân chủ trong môi trường sáng tác văn học phải đến từ nội tại sâu sắc của nhà văn/nhóm nhà văn/hội nhà văn trước xã hội mà không thể áp đặt một “dân chủ cần phải“ cho sự tình cám cảnh của một cá nhân nhóm người nào đó nhìn vào kẻ đó mà ngao ngán. Đôi khi lại có một nhu cầu nội tại trái ngược một cách vô thức của chính cá nhân là “được trở mất dân chủ“ để có môi trường sáng tác cơ đấy.
VH: Chị có thường xuyên được đọc những tác phẩm văn học hải ngoại? Nhận xét của chị.
NTTQ: Tôi khá thường xuyên đọc những tác phẩm văn học hải ngoại, bắt đầu cách đây 4, 5 năm khi tôi mang tập bản thảo “21 khúc biến tấu“ tới các nhà xuất bản ở Hà Nội. Đôi khi tôi theo dõi còn thường xuyên hơn văn học trong nước. Vì trước thời điểm quyết định in cuốn sách tôi không hề có quan tâm gì nhiều tới văn nghệ báo chí. Lý do chính là vì hệ thống văn nghệ trong nước chưa có đưa lên mạng, hoặc rất ít. Mà sách báo văn nghệ trong nước khó tìm mua. Tôi thì thi thoảng hay rơi vào tình trạng “thất nghiệp phải“ nên không có nhiều tiền. Tuy nhiên cũng vui mừng là cho tới thời điểm hiện giờ những tác giả cả già /có tên tuổi lẫn trẻ/ mới xuất hiện trong nước đều đưa tác phẩm mới nhất của mình lên trang mạng hải ngoại thay vì báo giấy (hiện giờ số lượng họ là ngang ngửa với tác giả hải ngoại trên mấy trang đó, tôi cũng không hiểu sao lại vậy!).Thời gian đầu, những tác phẩm văn học hải ngoại khiến tôi khá hứng thú, tuy nhiên sau đó thì tôi cảm thấy mệt mỏi trong việc hiểu nó tương quan với thực tế thế nào. Có quá nhiều thông tin ngoài văn học được đưa lên một cách ồ ạt và tống táng cho xong của mấy người quản lý mấy trang web đó cùng sự đồng tình kiểu nhại lại/vẹt của mấy người tri thức trong nước. Đôi khi là những người tri thức tên tuổi hàng đầu, như ông Nguyễn Trọng Tạo, Lại Nguyên Ân, Nguyên Ngọc, Phạm Xuân Nguyên vv.vv.. lúc nhận ra tình huống này tôi hết sức ngạc nhiên. Tôi cũng không cho rằng mấy người này hiểu lắm được thực chất vấn đề khi đưa ra thông tin chính trị các thứ ồ ạt khi mà trước đó thế hệ trẻ như chúng tôi hoàn toàn bị bưng bít và không biết gì cả.
VH: Là tác giả trẻ lại từ 7X sang 8X (Vietnamnet) chị đã cống hiến cho độc giả hai tập tiểu thuyết „21 khúc biến tấu“ và „Chả Sất cuộc ruợu lúc 4giờ“. Phản ứng của giới „cầm cân nảy mực“ trong địa hạt văn chương nói riêng và của độc giả nói chung?
NTTQ: Tôi nghĩ tôi không có “cống hiến“ cho độc giả 2 cuốn tiểu thuyết đó, mà tôi “tống vào mặt“ họ, trước đó là tôi “ăn vạ“ giới xuất bản và những tri thức Việt liên quan tới tình huống này. Phát biểu có vẻ ngạo mạn nhưng thật chất của vấn đề, tôi cho rằng với việc mang tập bản thảo “21 khúc biến tấu“ tới 5, 6 nhà xuất bản ở Hà nội trong vòng 2 năm, từ năm 2002-2003 với để tại trung tâm văn hoá Đông Tây 1 năm, tức là cuối năm 2004 nó mới được in và phát hành, chính trong quá trình này tôi mới thực sự viết tác phẩm này, và câu chuyện thực sự đã khởi động ngầm tất cả những ẩn ức văn chương Việt của giới làm sách tại Hà nội và sau đó là cả Tp HCM, Việt nam. Tuy nhiên giá phải trả cho can đảm đó quả thực đã đủ lý do để tôi viết tiếp “Chả Sất cuộc rượu lúc 4h“. Như vậy tình huống tất nhiên xảy ra trên bề mặt của nó là... im ắng, chả có chuyện gì cả... Đằng sau sự im ắng giả tạo đó, tất nhiên những người hăng nhất thì họ chửi bới âm thầm (trên mạng hoặc trong những cuộc bia bọt) và tức lộn ruột (với chính họ ngoài đời thực). Tôi có nhận được những ủng hộ, tuy nhiên rất ít, những người này thường le lói rùng mình cảnh báo khi nhìn thấy tôi ăn vạ và tống vào mặt mọi người đống chữ đó.
VH: Những tối kỵ thường gặp phải khi chị viết tiểu thuyết nói riêng và sáng tạo văn học nói chung?
NTTQ: Tối kỵ hoặc vùng khuất của câu chữ tôi ý thức và không thể đề cập đến được khi viết?. Một câu hỏi rất khó. Tôi cho rằng vấn đề là giải pháp mà mình/kẻ viết với thái độ ngầm ẩn làm giả thiết cho câu chuyện được lựa chọn kể ra chứ không phải vấn đề được chỉ ra rành rẽ. Vấn đề được chỉ ra trực diện hoặc kết tội đích danh nguyên nhân (bi thương đau xót chẳng hạn..) luôn là nhu cầu lành mạnh. Tuy nhiên việc này phải dành cho pháp luật hoặc toà án, không phải nhà văn với nhà xuất bản. Sau khi nhà văn bày vẽ một hiện thực trân trối thối nát hoặc hiện thực xinh tươi ngào ngạt thì công việc dành cho giả thiết ngầm của của kẻ viết đó phải là thúc đẩy một sự “tự ý thức nội tâm“, có thể là ý thức về sự hèn nhục hoặc ý thức về một niềm tự hào sâu kín chẳng hạn.

VH: Trên Vietnamnet chị có bật mí: cuốn tiểu thuyêt thứ hai này chị đã nhận được một khoản nhuận bút đủ nuôi mình mấy tháng. Liệu có quá rẻ mạt so với những chất xám chị bỏ ra?
NTTQ: Tôi không cho rằng đó là một tình huống “quá rẻ mạt so với những chất xám của mình bỏ ra“ . Phải chăng tự tôi đã không có coi trọng chất xám của mình? Câu trả lời này thực sự xác định nên vị trí/ giá trị thực của tri thức hoặc những giá trị nhân văn mà tôi, kẻ muốn tham dự vào giới trí thức Việt hiện giờ phải đương đầu. Lúc mà đưa cái giá đó tới ông giám đốc nhà sách Kiến Thức thậm chí tôi cho rằng tôi đã đưa ra một cái giá cao. Đó là kinh nghiệm xương máu của tôi trong việc làm việc với trung tâm văn hoá Đông Tây in cuốn “21 khúc biến tấu“. Thậm chí giữa năm 2005 việc tôi quyết tâm đòi số nhuận bút cuốn sách là một câu chuyện khủng khiếp. Kỳ quặc là tôi kiên nhẫn gọi điện thoại rất nhiều lần trong vòng vài tháng tới đó đều nghe họ nó trả nhuận bút qua đường bưu điện rồi, tuy nhiên tôi lại không có nhận được. Chính lúc tôi quyết định nghỉ việc tại cơ quan (lúc đó là ở Biên Hòa) ra Hà nội để trực tiếp lấy số tiền này thì tôi lại nhận được. Với cái giá 3 triệu rưỡi tiền Việt trả một năm sau khi in và phát hành của “21 khúc biến tấu“ thì tôi cho rằng 5 triệu đồng tiền Việt trong vòng 5 tháng trả trước cho một cuốn tiểu thuyết chưa hoàn thành hoàn toàn không hề rẻ mạt một cách vô lý màcao giá một cách hợp lý. Tôi ý thức rất rõ vẻ bất an của giới trí thức trong nước với mọi tình huống của thực tế xã hội đang luôn trở lên phiêu lưu nguy hiểm không sao xác định được mà họ đang đối đầu hiện giờ. Quả thực như vậy, tôi cho rằng, số tiền không nhiều đó dành cho khoảng cách mà nhà sách Kiến Thức cảm thấy không quá mạo hiểm với nó. Có thể trước đó tôi có một nhận xét rất riêng tư rằng nhà văn Việt nam sống bằng nhuật bút đếm trên đầu ngón tay, mà họ cũng hiếm khi có trường hợp được trả nhuận bút trước cho một cuốn tiểu thuyết chưa hoàn thành. Thường trả nhuận bút sau, khi sách đã bán chạy, có lãi. Còn nếu sách không có bán chạy, có lãi mà lỗ thì chính họ phải trả chi phí cho việc in, liên kết xuất bản và phát hành. Công việc phưu lưu này, nhà văn gánh chịu tổn thất với nhà xuất bản là tiếng tăm anh ta/cô ta với hy vọng vớt vát được. Còn tổn hại thực tế nhà xuất bản/ đơn vị liên kết gánh chịu thì khó có thể diễn đạt rùm beng như nhà văn được. Như vậy, là trường hợp của tôi là một đối chứng quá thú vị cho trường hợp phản kháng của nhóm Mở miệng (bằng việc in sách phô tô và truyền tay nhau ) cho việc in sách thơ/truyện không phân biệt chất lượng của các nhà xuất bản tại Việt nam quá dễ dàng (bằng chi tiết tác giả thường tự bỏ tiền ra in và tự phát hành qua việc biếu tặng).
VH: Chị có thể cho độc giả hải ngoại đôi nét chấm phá về tiểu thuyết "Chả Sất cuộc ruợu lúc 4giờ"?.
NTTQ: Thực sự đó là một sự tình trình diễn mang tính chất giải mẫn cảm cho những rắc rối đang trở nên bế tắc của ngành xuất bản liên quan tới trí thức, học thuật, văn nghệ, chính trị như thế nào. Cuộc trình diễn giải mẫn cảm này được khởi xướng từ năm 2002 với bản thảo “21 khúc biến tấu“ kết thúc vào cuối năm 2004 và giờ, cuộc trình diễn thứ 2, bản thảo tiểu thuyết “ Chả Sất cuộc rượu lúc 4h” tính từ 10. 2006 (tính thời điểm đầu tiên ký hợp đồng viết cuốn sách với nhà sách Kiến Thức) đến nay. Tôi không có ngại khi nhắc tới từchính trị ở đây. Tôi cho rằng, tình huống ám ảnh trong mối quan hệ chính trị và văn chương ở Việt nam là một sự tình hiển nhiên với những vấn nạn riêng của nó. Nếu như quả thực có nhiều sách chất lượng in ra bị cấm như các nhà văn nhà báo, nhà trí thức nhà văn nghệ trong nước truyền mồm hùng hổ và ấp úng thì thọt trên giấy, đanh thép ảo trên computer với nhau điều này thì, với những người viết trẻ mới vào nghề như tôi điều đó thuộc về trách nhiệm của chính họ cần phải thấu hiểu và giải mã tại sao lại như vậy một cách bình tĩnh và tự tin. Có được thái độ này họ mới trưởng thành được chứ không phải thái vậy để hù doạ mơ hồ đẩy trách nhiệm cho thế hệ trẻ chúng tôi phải chịu trách nhiệm một cái tội lỗi nào đó gì đấy trầm trọng của nợ đâu đấy mà chúng tôi không hiểu từ đâu chui ra. Như vậy, từ chính trị ở đây được hiểu là thái độ có trách nhiệm của nhà văn và hệ thống xuất bản/báo chí tri thức còn lại xung quanh, trước trong và sau tác phẩm văn chương xuất hiện cần phải hiểu biết và giả mã nó trong mối tương quan với hiện thực xã hội như thế nào một cách can đảm, tự tin và có văn hoá. Cuốn tiểu thuyết này là một câu chuyện được kể giải nghĩa là câu chuyện “21 khúc biến tấu“ của một cô Quỳnh/Quyên thực nào đó ở Việt nam bỗng trở nên một cô Sất ảo trên cõi internet toàn cầu tiếng Việt một ngày đẹp trời. Sự tình này diễn ra với câu hỏi về một hiện thực với tới bởi thế kỷ 21 hoá ra được nhận ra từ một cơn tỉnh táo vớ phải mà Quỳnh/Sất tình cờ túm được sau một cuộc rượu vào lúc 4h. Và, hiện thực mà trên mặt đất cô ta viết bởi một hiện thực ở trên mây trời, chúng quay ngược lại chính cô ở một cơn phân liệt cả chùm nào đó gì đấy, mà cô ta không sao kể rõ ràng minh bạch ra được.
Trong bản thảo gần đây nhất của tiểu thuyết “Chả Sất cuộc rượu lúc 4h“ tôi có để một số nhân vật có tên trùng với tên một số nhân vật trong cuộc đời thực. Tuy nhiên cố tình nêu ra như vậy tôi cũng không cho rằng đó là một lối văn chương “trần chuồng“. Cái từ này sẽ được gợi cảm chính xác hơn nếu tôi viết văn miêu tả chi tiết cảnh “lên giường“. Việc trần truồng ở đây, nếu ở chi tiết chỉ tên đích danh nhân vật tên tuổi trong cuộc đời thật trong đó có chi tiết “bị tống vào giường“. Chi tiết này, nhân vật chính với nhân vật phụ có tên tuổi gợi cảm (vì trùng với tên tuổi thật một số người ngoài đời thực) tôi cũng không cho rằng là hiện thực cuối cùng cần phải truy vấn. Trong phụ lục hợp đồng cuốn tiểu thuyết này với nhà sách Kiến Thức có phần sửa bản thảo khi biên tập nhà xuất bản/nhà sách yêu cầu. Nếu tôi không đồng ý sửa thì có thể tôi bị kiện ra toà hoặc phải trả lại số tiền nhuận bút đã ứng trước.Vậy thì, văn chương trẻ viết trần chuồng, nếu như tôi là một đại diện“sắp sửa“ cho nó, việc trở nên trần chuồng hay “mặc lắm quần áo kín mít „ hoàn toàn là do ẩn ức bên trong của mấy người làm xuất bản/sách và tri thức liên quan trong xã hội muốn bày đặt nó ra thế. Họ cần phải ý thức và can đảm đảm đương cho điều này nếu như họ tìm thấy ở đó lý do xác đáng.
VH: Theo chị môi trường nào thích hợp nhất cho sáng tác văn học nghệ thuật? vì có nhận định: tự do quá sẽ rơi vào tình trạng loạn ngôn, thậm chí chẳng biết viết gì. Ngược lại nhiều khi bị kìm kẹp lại có thể đẻ ra những tác phẩm sáng giá?
NTTQ: Theo tôi, tự do hay kìm kẹp là cách mà cá nhân người sáng tác quan niệm theo cách của riêng anh ta/cô ta thống hợp được. Ngoài một môi trường bên ngoài thích hợp để có thể biểu hiện, trưng bày, bày bán, thấu hiểu, đồng cảm tác phẩm, thì một môi trường bên trong cá nhân người nghệ sĩ cũng quan trọng không kém. Môi trường bên trong cá nhân này phải nội nhập hóa bằng cách thống hợp giải mã những vấn đề của môi trường bên ngoài đặt ra, đó là điều kiện của sáng tác. Nếu bên trong cá nhân nghệ sỹ sự nội nhập kìm kẹp của môi trường bên ngoài ào ạt trở nên chất chứa không có giới hạn, quá tự do thì cũng có thể có những tác phẩm biểu diễn tình trạng loạn ngôn/điên rồ/phân liệt hoặc một thực tế của môi trường quá tự do bên ngoài kiến tự bên trong cá nhân nghệ sĩ chả thấy vấn đề gì cả và chả biết bày đặt gì. Tác phẩm của một môi trường bên ngoài tự do hay kìm kẹp được giải mã bên trong cá nhân kiểu này có thể dở/hoặc hay, tùy thuộc rất nhiều và người diễn giải. Như vậy là không có một môi trường nào hoàn hảo nhất mà nghệ sĩ chờ đợi thụ động cả, chính cá nhân nghệ sỹ phải tìm cho riêng mình một môi trường có thể thở/ngóc ngách/hay bày đặt chặt chàng rõ ràng được một cách tương đối.
VH: Cần hay không một cuộc cách mạng ngôn từ trong văn học? bởi tôi có cảm tưởng giới viết trẻ trong nước đang tìm tòi cho mình một bước đột phá mới cả về câu chữ lẫn tư duy (ý thức hệ). Và đã có những lúc tưởng được công chúng gật gù, tán thưởng, tuy nhiên sự kiện ấy kéo dài không lâu và đang có nguy cơ bi xì hơi? 
NTTQ: Một cuộc cách mạng ngôn từ ? nếu có thì giới viết trẻ trong nước khi họ biểu hiện ra tình trạng vậy, nó chưa được ai gọi tên là “ một cuộc cách mạng ngôn từ“ như anh nói. Nếu đúng vậy thì cuộc cách mạng này tất nhiên là cần phải xảy ra chứ. Hiện tượng copy paste trong văn chương, báo chí, trường học, xã hội rồi nói viết kiểu chát chít đã là một vấn nạn rất thực rồi. Có thể cuộc cách mạng không được gọi tên này đang bị xì hơi ở đâu đó thì hãy để cái thực tế ngôn từ cũ rỗng đó buộc phải tự ý thức rằng nó cần phải chết và thực sự là nó đã chết rồi trên mặt bàn mặt giấy rõ ràng đi.
VH: Ngoài viết văn chị còn làm thơ? Mảng nào chị cảm thấy gay cấn nhất?
NTTQ: Đó là sự đầu hàng của tôi trong công việc/ nghề nghiệp mà tôi được học tại trường Đại Học, công việc của một nhà tâm lý lâm sàng trong bệnh viện. Rất thú vị đó cũng là lý do chính để tôi viết tiểu thuyết “21 khúc biến tấu“. Gần đây thì tôi còn thử viết báo. Tuy nhiên trực diện sát sườn thực tế xã hội và có cái quyền đặt tên, mô tả, lên tiếng khiến tôi cảm thấy hơi hoảng. Việc viết được là tốt thôi, tuy nhiên còn nơi gửi đăng và nơi mà họ có thể chấp nhận kiểu tư duy của tôi, đó là một câu hỏi không có câu trả lời mà có thể tôi lại đã đầu hàng rồi chăng?. Nếu ở trong bệnh viện, công việc của tôi là đối diện với từng cá nhân đau khổ riêng lẻ thì với đôi vai một nhà báo, quả thực có quá nhiều những vấn đề của cả một nhóm người/xã hội mà tôi cảm giác mình không có đảm đương được. Nói chung tôi nghĩ tôi chưa có thể đi đến thái độ dũng cảm xông pha kiểu một mảng thực tế “gay cấn“. Tôi thấy tôi nhìn đâu xung quanh cũng quá thể gay cấn không sao chịu đựng nổi.
VH: Hình tượng HCM hầu như vẫn ẩn hiện trong cuộc sống nội tâm của dân VN, đặc biệt trong lĩnh vực sáng tác và nhiều tác phẩm lấy đó làm chuẩn mực. Còn nhớ ông HCM viết: nay ở trong thơ nên có thép/nhà thơ cũng phải biết xung phong. Hiểu theo nghĩa tích cực (positive) không có nghĩa nhắm mắt ôm bon lao vào công địch, mà sâu xa hơn là dám đối diện với thực tế xã hội. Nhưng kết quả cho thấy: ai mạnh xung tất sẽ trúng phong và ai mạnh thép tất bị trúng đanh. Một nghịch lý chăng?
NTTQ: Hình tượng Hồ Chí Minh trở thành một biểu tượng nội tâm dân nước Việt Nam thì quả là một sự thật hiển nhiên rồi. Việc nhà thơ/nhà văn cần phải đối diện với thực tế xã hội là một nhiệm vụ đích danh của anh ta/cô ta, cá nhân một người bình thường bất kỳ nào tự dưng một ngày đẹp trời muốn khoác chiếc vai nhà thơ/nhà văn đó vào người. Tôi nghĩ cụ Hồ ở câu thơ này chỉ diễn đạt lại nhiệm vụ cơ bản của nhà thơ nhà văn trong xã hội, tuy nhiên ẩn dụ “thép“ với “xung phong“ liên quan tới một cuộc chiến đấu nào đó mà, theo cách tôi hiểu ý cụ Hồ là nhà thơ phải chiến đấu với thực tế xã hội như cuộc giáp lá cà giữa trận địa vậy. Tất nhiên việc tiêu diệt một thực tế cũ thì ắt phải xuất hiện một thực tế mới thay thế. Nếu không đó sẽ là nghịch lý. Do vậy, sự tiêu diệt/chỉ tên/kết tội đích danh nguyên nhân của vấn đề tồi tệ của thực tế xã hội, tôi cho rằng là một nhu cầu lành mạnh nhưng việc tạo dựng một không gian xây dựng một thực tế tươi sáng khác là một tình huống mà nhà thơ nhà văn cần phải tiếp nối sau đó. Nếu không tạo dựng được không gian này, nhà thơ- kẻ mang nhiệm vụ phải xung phong - kẻ nhiều ý thức về sự xung phong này nhất, kẻ chỉ ra một thực tế xã hội xấu/cần phải tiêu diệt bỗng trở nên bị tử thương bởi chính vũ khí của mình cũng là điều bình thường.
VH: Có người quan niệm: viết văn và làm thơ giống như những cuộc truy hoan trên giấy trắng (bàn phím). Sau những cuộc truy hoan ấy nếu thân thể rã rời đó là dấu hiệu thành công; ngược lại đầu óc, cơ thể rỗng toang thì đó là một cuộc truy hoan thất bại? Chị có nghĩ như vậy không?
NTTQ: Đó là một lối ẩn dụ, có thể đang mốt chẳng hạn. Tuy nhiên tôi cho rằng, việc sáng tác thơ văn như là việc tìm hiểu/hiểu biết/bị chiếm lĩnh trước từng khoảng khắc cái tôi riêng biệt cụ thể hữu hạn của mình trước một cái tôi xã hội nói chung mơ hồ vô hạn. Việc ghi lại những ý tưởng và sau đó cho phép nó độc lập với cá nhân mình (đôi khi nhiều năm sau chính cá nhân đó còn lưu giữ lặp lại một suy nghĩ ngu xuẩn hơn). Sự độc lập này mang nghĩa tác phẩm thơ văn đó được diễn đạt ở trong khoẳnh khắc tình huống nó được biểu đạt trên giấy hoặc ở trong các ký tự chữ computer. Khi biểu hiện ra được tình huống này thì cá nhân đó buộc phải nội nhập/ tượng trưng hoá và vượt qua khỏi khoảnh khắc đông cứng của cái tôi chính mình sẽ có khả năng trở nên vô hạn. Do vậy, tôi không cho rằng cơ thể tôi là là một chiếc lọ có chứa chữ luôn luôn hay ho thú vị lấp lánh như vậy ở mọi lúc để khi đổ ra một ít chữ/ ý tưởng thì cơ thể rỗng toang hoặc khi nhận vào một số chữ /ý tưởng của chính mình vừa mới tách ra thì cơ thể rã rời. Cảm thức của tôi khi viết được phát biểu ở đây không có mới. Chính bản thân tôi khi vừa viết xong một đoạn viết, không bao giờ tôi nhớ lại được chính xác ý của chúng và khi đọc lại, luôn luôn chúng làm tôi ngạc nhiên và hết sức thú vị phấn khích. Tuy nhiên có một số đoạn văn/ý tưởng/thơ có được khả năng đọc lại ngạc nhiên thú vị, đem lại cho chính mình một hiểu biết mới, tất nhiên cũng có một số đoạn văn khi viết xong tôi đọc lại cảm thấy không thú vị nhiều lắm.
VH: Chị có ý định xuất bản hay phổ biến tiểu thuyết của mình tại hải ngoại?
Tôi không hề có ý định xuất bản hoặc phổ biến tiểu thuyết của tôi tại Hải ngoại. Thời điểm năm 2002-2003. Khi hoàn thành bản thảo cuốn tiểu thuyết thứ nhất của tôi có tên ” 21 khúc biến tấu” tôi có dự định đi du học tại Pháp, thời điểm đó tôi có thường trao đổi email với một Việt kiều người Pháp (người này do bà giáo của tôi tại trường đại học giới thiệu qua đó nhờ giúp đỡ). Tôi được biết là việc in sách tại hải ngoại cũng không có khó, và ngoài Việt nam có một cộng đồng người Việt hoặc môi trường tiếng Việt có thể in nó một cách tự do nhưng tôi đã không lựa chọn tình huống này. Còn việc cuốn tiểu thuyết “ Chả Sất cuộc rượu lúc 4h” có hay không phổ biến tại hải ngoại thì, trong trường hợp nếu như có yêu cầu, tôi sẽ bàn bạc chi tiết với ông Dương Tất Thắng, giám đốc nhà sách Kiến Thức một cách nghiêm túc. Như vậy là cuốn sách này theo ý của cá nhân tôi sẽ chỉ xuất bản trong nước không xuất bản ở hải ngoại, còn việc phát hành nó tại hải ngoại thì nếu như có yêu cầu, sẽ được bàn bạc tổ chức bài bản. Tuy nhiên việc này bản thân tôi không có tự quyết định được. Nếu như có trường hợp tôi không có đồng ý xuất bản hoặc phổ biến tại hải ngoại mà ông giám đốc nhà sách Kiến Thức vẫn nhất định có quyết định vậy thì tôi cũng phải chấp nhận. Vì trong hợp đồng có ghi rất rõ là nhà sách Kiến thức là người sở hữu bản quyền, khai thác thương mại cuốn tiểu thuyết chứ không phải tôi. Vì tính chất của hợp đồng vậy nên toàn bộ quá trình xin giấy phép tại nhà xuất bản tôi không biết rõ lắm. Thực sự tôi hết việc cho cuốn tiểu thuyết này ở ngay thời điểm viết song bản thảo và giao cho nhà sách Kiến Thức.Việc xin được giấy phép hay không và ở đâu, bao giờ lúc nào tôi là người hoàn toàn ngoài cuộc.
VH: Nếu cho chị cái quyền được cầm cân nảy mực địa hạt văn chương VN, chị sẽ làm gì?
NTTQ: Tôi chưa tưởng tượng ra tình huống này. Tuy nhiên, tình huống cần phải tưởng tượng tiếp theo là bao giờ tôi có thể thực hiện cái quyền này nếu nó xảy ra. Nếu như tôi có một vị trí trong văn chương Việt Nam có thể có cái quyền “cầm cân nảy mực“ ngay bây giờ thì việc làm của tôi có thể chỉ bắt đầu bằng những câu hỏi về sự bất an của chính mình khi tôi có được vị trí đó. Có thể câu hỏi đó được đặt ra bởi một trang web của riêng người viết trong nước do Hội nhà văn hoặc hội đoàn trong nước quản lý chẳng hạn.
VH: Một lời chia tay và cũng là một lời nhắn nhủ của chị với giới sáng tác trẻ hải ngoại trước năm 2007.
NTTQ: Năm 2007, chúc một năm mới nhiều điểm cảm thông, tương đồng, tôn trọng và hiểu biết mà những người viết trẻ hải ngoại sẽ tìm thấy chính mình trong đất nước Việt nam. Tuy nhiên, tôi hi vọng có thể trao đổi nhiều suy nghĩ sâu sắc và trách nhiệm trước hiện trạng đất nước với các bạn tại Việt nam và bằng tiếng Việt.
Cảm ơn anh về cuộc trao đổi hết sức thú vị này. Những câu hỏi mà anh đặt ra đã giúp cho tôi rất nhiều những hiểu biết liên thông tới nhiều vấn đề bên ngoài tôi mà tôi đang băn khoăn và chưa tìm được điểm gặp.
VH: Xin cảm ơn chị đã dành nhiều thời gian cho cuộc trao đổi này. Chúc chị một năm mới nhiều sức khỏe, nghị lực vượt cạn và dồi dào trí sáng tạo.
VIỆT HÀ
 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...