TS.Nguyễn Đăng Nghị
Hoàng Việt, tên
thật là Lê Chí Trực, còn có bút danh là Lê Quỳnh, Lê Trực. Ông sinh năm 1928,
quê ở xã An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Ông sáng tác âm nhạc từ năm 16
tuổi, năm 1956, ra Bắc tập kết, học sáng tác tại trường Âm nhạc Việt Nam. Năm
1958, ông theo học chuyên ngành sáng tác tại Nhạc Viện Sofia (Bungari). Năm
1966, về nước, Hoàng Việt tiếp tục sát cánh cùng nhân dân tại chiến
trường Nam Bộ. Ngày chót tháng 12 năm 1967, trong trận oanh tác của giặc Mỹ,
ông đã hy sinh khi chưa kịp hoàn thành tác phẩm giao hưởng số 2 và những dự
định của người nhạc sĩ. Hoàng Việt được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về
Văn học nghệ thuật năm 1996. (Vụ
Tổ chức cán bộ-Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật,2003) [1,tr.56].
1. Sự ra đời của Tình ca tạo nên một cơn “chấn
động” lớn trong giới âm nhạc bấy giờ.
Thời kỳ kháng
chiến chống Pháp, Hoàng Việt đã là nhạc sĩ nổi tiếng với nhiều ca khúc mang âm
hưởng dân gian như Lá xanh, Ai nghe chiến dịch mùa xuân (1950), Tin
tưởng, Đêm mưa dầm (1951), Lên ngàn (1952), Lửa
sáng, Nhạc rừng (1953), Mùa lúa chín (1954)...
Mỗi bài đều gắn với những bối cảnh lịch sử cụ thể, và qua từng năm, bút pháp
của nhạc sĩ càng trở nên điêu luyện hơn. Cái cách mà Hoàng Việt để lại dấu ấn
cho người nghe không phải là những khẩu hiệu xơ cứng, mà ngay trong bối cảnh vô
cùng khó khăn của cuộc kháng chiến, người ta vẫn thấy một sự vui tươi, nhẹ
nhàng đến lãng mạn trong từng ca khúc.
Là một người
con của Nam Bộ, Hoàng Việt đã không chỉ dừng lại ở việc xây dựng hình tượng âm
nhạc thông qua ngôn ngữ âm nhạc dân gian Nam Bộ, mà còn rất thành công trong
việc sử dụng ngôn ngữ âm nhạc mới để thể hiện những điều muốn nói. Mà Tình
cachính là một ca khúc đánh dấu bước ngoặt mới trong cuộc đời sáng tác của
người nhạc sĩ tài ba này.
Đó là vào mùa
xuân năm 1957, tiết trời vẫn còn vương vấn cái lạnh của mùa đông xứ Bắc. Người
nhạc sĩ Nam Bộ lúc đó đang là học viên của Trường Âm nhạc Việt Nam (13 Cao Bá
Quát - Hà Nội). Cảnh xuân, dù trong chiến tranh hay hòa bình, vẫn vốn gợi cho
con người nhớ về quê hương với những kỷ niệm chẳng thể phai mờ trong tiềm thức.
Hoàng Việt cũng không nằm ngoài quy luật đó. Bằng trái tim đa cảm của người
nhạc sĩ trẻ, nỗi niềm nhớ quê, nhớ vợ, nhớ bạn bè, người thân lúc này bùng lên
trong ông mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Đúng thời gian
ấy, một niềm vui trong cái éo le nghịch lý đã xuất hiện. Vui là vì Hoàng Việt
nhận được thư của vợ từ Sài Gòn gửi ra chứa đựng bao tình cảm riêng tư. Cái éo
le, nghịch lý mà không ai ngờ tới đó là hành trình của bước thư vô cùng ngoằn
ngèo, trắc trở: Từ Sài Gòn sang Pari, lòng vòng qua một số nước rồi mới tới Hà
Nội. Ông nhận được thư trong tâm trạng vô cùng phấn chấn. "Ông nghĩ đến
nỗi khổ của người vợ phải xa cách chồng, sống trong vòng cương tỏa, o ép của kẻ
thù... Một cảm xúc mãnh liệt về tấm lòng thủy chung của những lứa đôi trước
phong ba bão táp của cuộc đời, khát vọng về ngày thống nhất đoàn tụ đã bùng lên
trong ông" (PGS.TS Nguyễn Tú Ngọc và ctv,2000) [2,tr.407]. Và,
trái tim của người nhạc sĩ đã được cộng hưởng, dồn nén đến đỉnh điểm từ tình
yêu quê hương đất nước với tình cảm riêng tư, để một đêm thức trắng cho ra đời
bản Tình ca nổi tiếng.
Hoàng Việt và vợ (St)
Điều đáng chú ý
là, ở thời điểm đó, Tình ca đã gây nên một cơn "chấn
động" lớn trong giới âm nhạc nói riêng và giới nghệ thuật nói chung. Nhiều
người cho rằng Hoàng Việt "quá liều" trong việc đề cập tới tình yêu
đôi lứa, khi mà điều kiện lịch sử chưa cho phép. Điều đó có một phần đúng,
nhưng chưa đủ. Bởi, Tình ca của Hoàng Việt ,trong nó chứa đựng
nhiều điều hợp lý, mà nói theo lời của Mác thì: cái gì hợp lý sẽ tồn tại. Nhìn
sâu hơn, tính hợp lý đó được đặt theo chiều ngang - trục hoành của lịch sử văn
hóa âm nhạc nước nhà. Rõ ràng Tình calà điểm nối giữa cái đã có của
quá khứ với hiện tại và cái sẽ có ở tương lai.
Tính từ thời
điểm ấy, ngược dòng thời gian hơn mười năm về trước, do hệ quả của cuộc giao
lưu văn hóa giữa nước ta với các nước phương Tây (thông qua văn hóa Pháp), làm
xuất hiện nhiều hiện tượng văn hóa mới (trong đó có âm nhạc). Âm nhạc mới (tính
đến nay đã xấp xỉ trên dưới 70 năm, nhưng vẫn chưa có một tên gọi hay thuật
ngữ nào bộc lộ đúng với nội hàm của nó (nên không ít người gọi loại
này là tân nhạc hay nhạc cải cách). Trong những
năm tháng trước cách mạng, loại nhạc này có sự phân chia thành ba dòng ca khúc:cách
mạng, yêu nước tiến bộ (hoài vọng lịch sử) và tiền
chiến (trữ tình lãng mạn). Cũng bởi do hoàn cảnh lịch sử chi phối, nên
chỉ sau mấy năm hình thành, dòng ca khúc hoài vọng lịch sử đã hợp lưu cùng dòng
ca khúc cách mạng. Riêng với dòng ca khúc trữ tình lãng mạn thì bị đứt đoạn,
nhưng nó vẫn âm ỉ cháy trong tâm hồn và ý tưởng của nhiều nhạc sĩ. Như vậy, Tình
ca của Hoàng Việt ra đời là sự tiếp nối chủ đề tình yêu của dòng ca
khúc trữ tình lãng mạn, tất nhiên là ở một tâm thế khác.
Từ thời điểm đó
cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, nhiều nhạc sĩ đã chọn những hướng
đi khác nhau để “khai thông” cho dòng ca khúc này mà chúng ta có thể kể đến là:
Hướng thứ nhất, các nhạc sĩ đi vào khai thác đề tài tình yêu trên cơ
sở những mô-tip cốt truyện và âm nhạc dân gian miền núi phía bắc. Nhiều bản
tình ca: Tiếng sáo gọi người yêu (Nguyễn Đình Tấn), Sao cô
em chưa về (Lê Lan), Trước ngày hội bắn (Trịnh Quý), Chiếc
đàn môi (Nguyên Nhung), Tình ca Tây Bắc (Bùi Đức Hạnh
- Cầm Giang)... ra đời đã nhận được sự cộng cảm lớn của đông đảo công
chúng.
Hướng thứ hai, thuộc về Hoàng Việt khi tác giả đã "xông"
thẳng vào hai vấn đề then chốt của tình ca mới: nội dung đề tài mang tính cập
nhật, (nghĩa là gắn với bối cảnh lịch sử đương đại) và sử dụng ngôn ngữ âm nhạc
mới" (PGS.TS Nguyễn Tú Ngọc và ctv,2000) [3,tr.407]. Như vậy, ở một phương
diện nào đó, có thể coi Hoàng Việt là nhạc sĩ đặt nền móng cho sự ra đời của
một nhánh tình ca, mà trong đó có sự kết hợp giữa ngôn ngữ âm nhạc mới với
không khí của thời đại.
Sau đó ít lâu, hướng
thứ ba cũng có nhiều điều giống hướng thứ hai, nhưng lợi thế hơn, an
toàn hơn trong cách ứng xử văn hóa với xã hội, lịch sử. Đó là, các nhạc sĩ khai
thác nội dung trong thơ đương đại. Hướng này có Nhớ (Lê Yên -
Thanh Hải), Nhớ (Hoàng Vân - Nguyễn Đình Thi), Tình em (Huy
Du - Ngọc Sơn)...
Dẫu vậy, lịch
sử vẫn là lịch sử, có tính quy luật riêng, thậm chí quy luật ấy có đủ khả năng
chi phối những hoạt động vật chất lẫn tinh thần của một thời đại. Tình
ca, rồi Tình em, hay Nhớ cũng phải lắng dịu
một thời gian dài, khi mà lịch sử hội đủ các yếu tố xã hội, nhận thức... thì nó
mới được nhìn nhận là những tác phẩm có giá trị về mặt nghệ thuật.
Riêng với Tình
ca, chúng ta đều phải ghi nhận sự táo bạo trong tư duy của nhạc sĩ Hoàng
Việt. Cái tư duy nghịch lý trong cái hợp lý được thể hiện rõ nét cả trong và
ngoài tác phẩm. Trong tác phẩm, đầu tiên là cái tôi, cái tình yêu riêng của
nhạc sĩ được đề cập:
"Khi hát
lên tiếng ca gửi về người yêu quê ta. Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn trong
phong ba. Em ơi nghe chăng lời trái tim vọng ra...".
Rồi ở lời 2 có:
"... Chim
dăng dăng bay ngoài nắng xuân đẹp thay! Tan cơn phong ba, lòng đất yên rồi đây.
Em hãy nở nụ cười tươi xinh. Như đóa hoa xuân chào riêng anh. Nói nhau nghìn
lời qua đôi mắt xanh".
Bây giờ chiến
tranh đã đi qua, tình yêu đôi lứa đang lan tràn trong ca khúc Việt, thậm chí là
quá ủy mị, thiếu sức sống. Nhưng, ở thời điểm đó, khi các tác phẩm âm nhạc được
nhìn nhận dưới hệ quy chiếu của ngôn từ - mà ngôn từ đó luôn được xem xét sức
ảnh hưởng đến sức chiến đấu của dân tộc – thì chúng ta mới thấy được sự táo bạo
của Hoàng Việt trong cách đặt vấn đề về tình yêu đôi lứa. Chính do cách nhìn
mang tính lịch sử mà một số người thời ấy cho rằng Tình ca của
Hoàng Việt là “có vấn đề”. Bởi thế, ngay khi được nghệ sĩ Quốc Hương trình bày
trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, thì sau đó ít tháng, bài hát được xếp lại
trong "kho lưu trữ". Lịch sử vô cùng khắt khe nhưng cũng thật công
bằng, mười năm sau, ca khúc Tình ca đã được trả lại với đúng
vị trí của nó.
Thật ra, lời
trong Tình ca đâu chỉ có tình yêu đôi lứa - cái tôi của
nhạc sĩ - mà trong nó đã chưa đựng cái ta cao cả. Cũng như bao
nhạc sĩ ở thời đó, tình yêu lứa đôi được hòa vào tình yêu quê hương đất nước:
Từ trong chiến tranh gian khổ, tình yêu trong ca khúc của Hoàng Việt càng trở
nên sắt son, bền chặt, đơm hoa kết trái; tình yêu đấy không mang chút bi lụy mà
gắn chặt với cánh đồng, dòng sông của mảnh đất Nam Bộ - nói rộng ra là quê
hương, đất nước, tổ quốc Việt Nam. Hoàng Việt đã “gói” tình yêu của ông như thế
này:
"Em có
nghe tiếng ca chứa đựng hận thù sâu xa. Đã biến tình đôi ta thành những cánh
sao tỏa sáng. Vượt băng băng qua đêm tối tìm hương hoa. Bến nước Cửu Long còn
đó em ơi! Biển lúa nương dâu còn mãi muôn đời. Là còn duyên tình ta với bao
tiếng ca, không thể xóa nhòa"…
Dường như sự
bộc lộ trên vẫn chưa đủ sức nặng, ông còn viết thêm ở lời hai như để khẳng định
tình yêu chân chính sẽ tạo nên sức mạnh, sẽ dệt thành bài ca bất hủ:
"Ta hát
chung tiếng ca vang dội từ nghìn phương xa. Xua kẻ thu đi mau, dập tắt chiến
tranh đẫm máu. Đập tan ngay bao nhiêu đau khổ và chia ly. Giữ lấy đức tin bền
vững em ơi! Giữ lấy trái tim đòi sống yêu đời. Làm một bài tình ca của đôi lứa
ta, dâng cả bao đời"…
Có điều trong Tình
ca, Hoàng Việt đã dùng lối tư duy "ngược". Thời đó, các nhạc sĩ
thường đi từ cái bao la, rộng lớn của cảnh quan, đất nước, sau đó mới đề cập
tới tình yêu lứa đôi, tình yêu anh - em, nhưng tình yêu đó là của mọi người chứ
không phải của riêng mình. Nói cách khác, cái ta, cái lớn lao phải đặt lên
trước, đó là mô thức mang tính khuôn mẫu cho sáng tác thời điểm này. Nhưng
Hoàng Việt không như vậy: bắt đầu từ rung động thật sự từ bản thân, ông đi từ
cái riêng đến cái chung, từ cá thể đến cộng đồng, và cuối cùng người nghe vẫn
thấy cái tôi và cái ta hòa nhập với nhau, quyện chặt không thể tách rời. Chính
bởi lối tư duy này, ở thời nặng về "xét ý suy nghĩa, nhặt chữ
đếm câu" nên không ít người cho rằng bài hát có vấn đề về ca từ. Đó là
điều hoàn toàn dễ hiểu và có thể lý giải được.
Sáng tác là vấn
đề sáng tạo mang tính cá thể, vì thế mỗi người có khả năng và có cách tư duy
riêng để xây dựng nên một phong cách. Hoàng Việt cũng thế, ở Tình ca,
ông đã tạo được một dấu ấn rất riêng, dấu ấn ấy là sự kết hợp giữa cái cũ và
cái mới, giữa cái truyền thống và cái hiện tại.
Trên phương
diện bản thể, Hoàng Việt được sinh ra và lớn lên ở vùng đất Nam Bộ, nên cho dù
là vô thức hay hữu thức, trong con người ông luôn mang đậm những yếu tố văn hóa
Nam Bộ. Nói cách khác, Hoàng Việt cũng là một "mẫu người"(mượn theo
cách nói của PGS. Đỗ Lai Thúy) mang văn hóa làng xã, vùng miền. Bởi thế, tính
mênh mang, phóng khoáng, chân chất là một trong những yếu tố được thể hiện rõ
trong nhiều ca khúc của ông, mà ca từ trong Tình ca không phải
ngoại lệ. Hơn nữa, sau nhiều năm sáng tác ở chiến trường Nam Bộ, khi tập kết ra
Bắc, được tiếp xúc với kiến thức âm nhạc kiểu châu Âu, Hoàng Việt đã có một
cách nhìn mới trong sáng tác. Con người cá thể, con người tài tử đã có đất dụng
võ. Sự kết hợp giữa con người truyền thống và con người cá thể, tài tử được thể
hiện rõ khi ông mạnh dạn sử dụng một loại ngôn ngữ có sự pha trộn giữa âm nhạc
cổ điển bác học phương tây với đường nét âm nhạc dân gian Nam Bộ trong ca khúc
của mình. Tình ca vừa mang hơi thở cuộc sống hiện tại, vừa
mang tính dân tộc truyền thống. Cho dù sự kết hợp đó, tuy rằng chưa thực sự
giải quyết một cách triệt để tính đồng thuận giữa âm nhạc và ngữ điệu của lời
ca, nhưng phải thừa nhận rằng, nhạc sĩ Hoàng Việt đã tạo ra một động cơ mang
tính phát triển cho toàn bộ tuyến giai điệu của ca khúc.
Nhìn trên
phương diện về đặc điểm của hình tượng âm nhạc, thì Tình ca là
một mảng hiện thực của cuộc sống được phản ánh. Tất nhiên, hiện thực ấy không
hiện diện trong tác phẩm như những gì đang diễn ra trong cuộc sống, mà nó đã
được tác giả nhào nặn bằng các thủ pháp âm nhạc. Thông qua sự rung động từ trái
tim, người nhạc sĩ đã xây dựng nên hình tượng âm nhạc mang tính hư cấu, ước lệ,
nhưng lại điển hình, toàn vẹn và không bị chia cắt. Dưới góc độ tiếp cận ấy,
nếu nhìn vào Tình ca của Hoàng Việt sẽ thấy ba mặt của nội
dung được hiển hiện, đó là:
Thứ nhất là Nội
dung cụ thể: Ca khúc lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật về hành trình gian
nan, trắc trở của bức thư người vợ hiền trong Sài Gòn. Tuy nhiên, không theo
lối mòn kể lể dài dòng, Hoàng Việt dùng câu chuyện về lá thư làm cái cớ để nhìn
vào chiều sâu cuộc sống của những người phụ nữ ở miền nam, trên cơ sở đó hình
thành nên giai điệu và lời ca. Đây cũng là một trong những biểu hiện của cái
"nghịch lý" trong tư duy để biểu hiện vấn đề.
Thứ hai, nội
dung thời đại hay nội dung khách quan cũng được thể hiện rõ trong Tình
ca. Đó là thời điểm lá thư tới tay nhạc sĩ vào mùa xuân nơi đất bắc trong
hoàn cảnh đất nước có chiến tranh. Chính hoàn cảnh lịch sử này đã gợi cho nhạc
sĩ đề tài về tình yêu.
Thứ ba, khi
nghe Tình ca cũng thấy được nội dung tư tưởng của
tác giả trong tác phẩm: đó là niềm lạc quan, hân hoan vô cùng. Chẳng hạn:
"Chim dăng
dăng bay ngoài nắng xuân đẹp thay! Tan cơn phong ba lòng đất yên rồi đây",
Hay:
"Giữ lấy
đức tin bền vững em ơi! Giữ lấy trái tim đòi sống yêu đời"...
Tình ca Hoàng Việt được coi là bức thông điệp của tình yêu
trong bối cảnh hai miền đất nước bị chia cắt. Thực tế cuộc sống lại cho ông một
kinh nghiệm nữa về cách xử lý “cái nghịch lý trong sự hợp lý” có thể để đạt
được mục đích. Đó là không gửi thư trả lời mà viết nên ca khúc, gửi những tiết
tấu, giai điệu và lời ca qua làn sóng điện cho người vợ phương xa, và rộng hơn
là những người vợ hậu phương đang ngày ngày mong ngóng đợi chờ dáng chồng nơi
chiến tuyến.
Cái ý tưởng đó
thật độc đáo, và Tình ca của Hoàng Việt, cho dù có lúc bị đứt
đoạn, nhưng đến nay, vẫn sống động, lung linh trong bầu trời âm nhạc Việt Nam. Tình
ca luôn xứng đáng là một trong những ca khúc mẫu mực viết về đề tài
tình yêu đôi lứa. Ở đó có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cái cũ và cái mới, và
cao hơn là sự kết hợp giữa tấm lòng của một con người với cái tài năng của nhạc
sĩ. Phải chăng chính điều đó đã góp phần làm nên sức sống trường tồn của ca
khúc này trong lòng công chúng yêu nhạc?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét