Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014

XUÂN VÀ TUỔI TRẺ: Khúc ca xuân của nhạc sĩ LA HỐI

XUÂN VÀ TUỔI TRẺ: KHÚC CA XUÂN CỦA 

NHẠC SĨ LA HỐI 

 TRẦN CAN

“Ngày thắm tươi bên đời xuân mới
Lòng đắm say bao nguồn vui sống
Xuân về với ngàn hoa tươi sáng
Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng…”
Nhạc sĩ La Hối (tên thật La Doãn Chánh), ông sinh năm 1920 tại Hội An trong một gia đình gốc Quảng Đông đã định cư nhiều đời ở Việt Nam. Năm 14 tuổi ông đã bắt đầu sáng tác và thể hiện năng khiếu âm nhạc qua các giai điệu vui tươi, sôi nổi… Những năm 1936-1938, ông vào Sài Gòn để hoàn chỉnh chương trình học văn hóa và trau dồi thêm nhạc cổ điển Tây phương. Sau đó, ông lại trở về Hội An dạy đàn. Ông là người yêu âm nhạc ngay từ thuở thiếu thời nên lúc nào cũng ôm ấp hoài bão quy tụ những người cùng yêu âm nhạc lại thành một nhóm để cùng nhau nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm… Năm 1939, ông và một số nhạc sĩ thành lập hội yêu âm nhạc (société philharmonique). Ông được tín nhiệm vào chức Hội Trưởng và cũng là người đầu tiên đưa hành khúc cách mạng Việt Nam vào các chương trình hòa tấu.
Trong giai đoạn Nhật chiếm Trung Hoa, Việt Nam và Đông Nam Á, phong trào kháng Nhật nổi lên mạnh mẽ trên cả ba miền đất nước Việt Nam, La Hối đã tham gia tổ chức chống phát xít bằng cả bầu nhiệt huyết của tuổi thanh niên. Ông là cấp lãnh đạo nòng cốt chống phát xít Nhật tại Hội An và vùng phụ cận. Những đêm cùng đồng đội thức trắng để in truyền đơn, viết biểu ngữ; những kế hoạch tập kích quân đội Nhật… là những kỷ niệm hào hùng hằn sâu trong ký ức người chiến sĩ chống phát xít. Nếu trong âm nhạc, ông say mê về các giai điệu, thì trong đấu tranh, ông lại say mê về các chiến công! Cũng chính vì thế, Hiến Binh Nhật càng ráo riết truy nã ông, cuối cùng tổ chức của ông bị bại lộ và vào một ngày u ám của tháng 5 năm 1945 ông đã bị bắt cùng với mười đồng chí yêu nước khác! Sau nhiều ngày bị giam cầm và bị tra tấn vô cùng dã man, mười một vị anh hùng đã bị phát xít Nhật xử bắn, vùi lấp chung một huyệt tại chân núi Phước Tường, phía Tây Nam Đà Nẵng (Nay đã được đưa về nghĩa trang chống phát xít Nhật ở Hội An). Ông đã ra đi vĩnh viễn lúc tuổi đời chỉ mới hai mươi lăm!
Ông sáng tác rất nhiều, nhưng chỉ để lại khoảng 20 tác phẩm! Một số lớn đã bị hiến binh Nhật tịch thu, một số khác do người tình của ông cất giữ! Những tác phẩm của ông đều xoay quanh đề tài tuổi trẻ và học đường, trong đó “Xuân & tuổi trẻ” được soạn vào giai đoạn ông bị hiến binh Nhật theo dõi, hoàn cảnh sống phức tạp và vô cùng khó khăn, song cũng là tác phẩm gây niềm hứng khởi tin yêu cuộc đời hơn cả.
Năm 1946, văn thi sĩ kiêm đạo diễn kịch Thế Lữ cùng nhóm nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Văn Chung… trong đoàn Ca Vũ Nhạc Anh Vũ đến Hội An trình diễn, đã rất yêu thích giai điệu của bài “Xuân & tuổi trẻ”, lúc bấy giờ gọi theo tiếng Pháp là “Printemps & jeunesse” và chưa có lời ca. Tìm hiểu cuộc đời tài hoa của người nhạc sĩ sớm hy sinh vì đại nghĩa dân tộc, Thế Lữ rất xúc động nên đã xin phép gia đình nhạc sĩ được viết lời cho nhạc phẩm giá trị nầy. Sau đó, Nguyễn Xuân Khoát soạn hòa âm, Văn Chung soạn vũ điệu và khi trình diễn đã làm nức lòng người dân phố Hội.
Từ thời điểm đó, “Xuân & tuổi trẻ” là bản nhạc mang tính trẻ trung, vui tươi, lành mạnh… không thể thiếu trong mọi nhà Việt Nam mỗi độ Xuân về!
La Hối từ giã cuộc đời và sự nghiệp một cách đột ngột khi còn quá trẻ, nên những gì liên quan đến ông, chỉ còn lại rất ít! Trong thời gian dạy nhạc, La Hối có yêu một cô giáo dạy dương cầm. Chuyện tình của họ thật đằm thắm và kín đáo nên ít người biết, ngay cả trong gia đình cũng không nhớ rõ tên của cô giáo ấy! Tất cả những sáng tác giá trị chưa được phổ biến, La Hối đều gởi tặng trước cho người mình yêu quý! Sau khi ông hy sinh, gia đình quá đau buồn, quên mất vai trò “quản thủ tài liệu” của cô giáo Dương Cầm! Và bây giờ, người đẹp của La Hối không biết đã lưu lạc phương nào, còn sống hay đã mất!?
Các bạn click vào ảnh ca sĩ Tú Linh dưới đây để nghe Tú Linh hát ca khúc “Xuân và tuổi trẻ” bằng tiếng Hoa và tiếng Việt:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nghiên cứu và giảng dạy văn học Nhật Bản ở Việt Nam trong hai mươi năm đầu thế kỷ XXI Trong 20 năm đầu thế kỷ XXI, văn học Nhật Bản vẫn ...