Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2014

Zanzibar, sắc màu thời gian giữa biển khơi

Zanzibar, sắc màu thời gian giữa biển khơi
Từ bến tàu trung tâm của Dares Salaam, thành phố lớn nhất đất nước Tanzania, chúng tôi lên tàu cao tốc để đến Zanzibar. Sau hai giờ rẽ sóng, hòn đảo được mệnh danh là viên ngọc Đông Phi đã hiện ra trước mắt với biển xanh cát trắng và phố cảng cổ kính nằm dưới những tán cọ mát rượi.
Nơi những nền văn minh đi qua
Zanzibar thật ra là tên chung của hai hòn đảo Unguja và Pemba. Tuy nhiên Pemba chỉ là nơi nghỉ dưỡng, còn thủ phủ và mọi hoạt động kinh tế đều đặt ở Unguja nên nhắc đến Zanzibar đa số mọi người đều chỉ nghĩ đến Unguja.
Zanzibar nhìn từ trên tàu.
Vì Zanzibar có vị trí đắc địa trên Ấn Độ Dương, nên từ thế kỷ thứ I, các thương nhân từ Ả Rập, Ba Tư, Ấn Độ đã đến đây mua bán gia vị – sản vật đặc trưng của địa phương. Những thế kỷ tiếp theo, hòn đảo xinh đẹp này liên tục chịu ảnh hưởng bởi những dòng thương nhân và những nền văn minh khác nhau đến từ Ai Cập, Phoenicia, Assyria, Trung Quốc, Ấn Độ, Ả Rập, Ba Tư, Mã Lai, Bồ Đào Nha, Anh, Hà Lan cho đến đế chế Oman.
Lịch sử giao thương đầy biến động đó đã bồi đắp cho Zanzibar một di sản văn hóa pha trộn đặc sắc và khác hẳn với lục địa Tanzania. Sau bãi biển nên thơ trải dài là bức tường dài đồ sộ bao bọc lấy khu phố cổ, nơi những nền văn minh đi qua và để lại nét tinh hoa của mình.
Nếu năm xưa Zanziar nổi tiếng là vùng trồng đinh hương lớn nhất thế giới và cũng là trung tâm mua bán nô lệ khét tiếng thì ngày nay, du khách đến với hòn đảo này vì những bãi biển cát trắng tinh, nước trong vắt tuyệt đẹp. Đảo là kết quả tích tụ qua hàng triệu năm của một rạn san hô khổng lồ
Chiều trên biển Zanzibar.
Phố cổ Stone Town.
Những bãi đá san hô ngầm dưới lòng biển đã góp phần xây dựng nên thành Phố Đá (Stone Town), quần thể kiến trúc quý giá trên đảo được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Phố Đá cũng là kết quả pha trộn của các phong cách kiến trúc, trang trí đến từ Ả Rập, Ba Tư, Ấn Độ và châu Âu.
Khu trung tâm cổ như một mê cung với những con đường hẹp chỉ dành cho khách bộ hành. Những ai có tính hoài cổ sẽ loanh quanh trong phố cả ngày mà không chán. Dư âm thời phồn thịnh của Zanzibar xưa còn đó trên những ngôi nhà xây dựng cầu kỳ có bậc thềm cho người qua đường ngồi nghỉ, và đặc biệt là có những cánh cửa được trang trí vô cùng tinh xảo, đẹp mắt.
Điều thú vị là những cánh cửa bằng gỗ quý cũng nói lên thân thế của chủ nhà. Du khách sẽ dễ dàng nhận ra một ngôi nhà của người Ấn Độ bởi những cánh cửa khắc hoa văn Hindu và những ụ đồng có hình dáng như mái vòm của lăng mộ Taj Mahal.
Một con đường chạy dọc bờ biển.
Còn nếu là nhà của người Swahili đến từ lục địa Phi châu, cánh cửa sẽ được trang trí bằng những ụ đồng tròn nhỏ cùng với hình điêu khắc hoa lá phóng khoáng thể hiện những cánh rừng hay các đồng cỏ savan bao la.
Cách đây 200 năm, Phố Đá lại nhận thêm những nét mới mẻ khi người Oman đến xây thêm nhiều dãy nhà quét sơn trắng và một pháo đài theo kiến trúc của người Ả Rập. Những người Bồ Đào Nha và người Anh đến sau cùng mang không khí châu Âu đến cho phố bằng những ngôi nhà thờ chính thống xây bằng đá san hô. Bên cạnh đó Stone Town còn nhiều nhà thờ đạo Hồi, cửa hàng, chợ, nhà kho cũ mà mỗi công trình đều có những nét đặc trưng riêng.
Phụ nữ Zanzibar trong phố cổ.
Trong những tòa nhà mang tính lịch sử, nổi bật nhất có lẽ là cung điện các phép màu (Palace of Wonders) nằm trên đường Mizingani dọc theo bờ biển. Bước chân vào Palace of Wonders, du khách sẽ trở lại với quá khứ sống động của vùng duyên hải Đông Phi.
Có lẽ vì mảnh đất này còn quá xa lạ với người Việt nên từng câu chuyện, từng bức ảnh trong bảo tàng đều gợi lên trong chúng tôi những tưởng tượng mới mẻ về lịch sử thăng trầm của các nền văn minh.
Sau một buổi chìm đắm trong quá khứ tại bảo tàng, Darajani – ngôi chợ lớn nhất Zanzibar đã đưa chúng tôi trở về thực tại náo nhiệt với người mua bán tấp nập quanh những sạp trái cây ngồn ngộn tươi ngon và các cửa hàng gia vị đầy màu sắc.
Chiều xuống, tại chợ đêm ẩm thực Forodhani Gardens trải dài trên một khu vườn hẹp nằm dọc theo bờ biển, mọi người lại có dịp thưởng thức hải sản cùng nhiều món ăn địa phương rất lạ miệng.
Trang phục đầy màu sắc của phụ nữ Zanzibar.
Resort trong lòng Ấn Độ Dương
Nếu trong chuyện ăn uống người Zanzibar theo phong cách Ấn Độ với các loại gia vị cay nồng thì về khía cạnh tôn giáo, dân đảo lại chịu ảnh hưởng từ Oman. Theo chân đế chế này, đạo Hồi trở thành quốc đạo của Zanzibar mấy trăm năm qua.
Tuy nhiên giáo lý ở đây không đến nỗi khắt khe, phụ nữ thích mặc trang phục dài tha thướt màu sắc rực rỡ, hoa văn vui mắt và chẳng mấy người chịu che mặt. Những phụ nữ làm nghề vớt rong biển trên các bãi biển vắng mà chúng tôi gặp đều cười rất tươi khi gặp du khách. Theo quan niệm của người châu Phi, phụ nữ phải mập mới đẹp nên các bà, các chị ở đây đa số đều đẫy đà.
Một phụ nữ làm nghề vớt rong biển.
Dù những năm gần đây du lịch đã bắt đầu phát triển nhưng đa số dân đảo vẫn sống bằng nghề trồng gia vị, đánh cá, vớt rong biển. Đi sâu vào đảo là những đồn điền trồng ớt, đinh hương, nhục đậu khấu xanh ngút ngàn. Ở một rừng cây bụi ven biển, Zanzibar còn bảo tồn được loài khỉ đỏ colobus rất quý hiếm.
Nhờ môi trường sống trong lành mà dân đảo ai nấy trông đều tươi tắn, khỏe mạnh. Một điều khiến Zanzibar thêm thu hút khách phương Tây là có nền y học cổ truyền dựa trên thảo dược và chế độ ăn uống hợp lý.
Nhiều du khách châu Âu sau khi mệt mỏi với nền y tế hiện đại của nước họ đã tìm đến “thầy lang” xứ này để trị bệnh. “Thầy lang” gần 70 tuổi có lẽ là người nổi tiếng nhất trên đảo.
Vì ông đã chữa thành công cho nhiều du khách phương Tây mà không cần đến phẫu thuật hay thuốc men đắt tiền nên rất được yêu mến. Ngôi nhà giản dị của ông giờ đông khách du lịch chẳng kém những điểm tham quan trên đảo!

Khỉ đỏ Colobus chỉ có ở Zanzibar.
Với các bãi biển tuyệt đẹp và hoang sơ, Zanzibar đang là thiên đường cho các ý tưởng thiết kế resort đầy sáng tạo. Vào giữa năm 2013, một khu nghỉ dưỡng ở đây đã đi vào lịch sử kiến trúc khi xây dựng được những phòng ngủ nằm trong lòng biển khơi.
Nằm cách bờ hơn 100m, Manta resort là một ngôi nhà do các kỹ sư Thụy Điển thiết kế với ba tầng bằng vật liệu bằng gỗ cứng và kính trong suốt. Tầng ngang với mặt nước là không gian sinh hoạt và phòng tắm.
Sân thượng là nơi để khách tắm nắng ban ngày và ngắm sao ban đêm. Tầng dưới cùng mang tên Manta Underwater Room đúng như tên gọi của nó được đặt chìm sâu bốn mét dưới mực nước biển Ấn Độ Dương.

Manta Underwater Room trong lòng Ấn Độ Dương
Nằm trong những căn phòng tường kính ẩn mình gần sát đáy biển hẳn sẽ là trải nghiệm có một không hai. Ban đêm, nếu bật đèn sáng, căn phòng sẽ như thỏi nam châm thu hút các đàn cá đủ màu sắc quây quần.
Có mức giá 750 USD một đêm loại phòng đôi, Manta Underwater Room chẳng dành cho số đông du khách balô như chúng tôi. Tuy nhiên kiến trúc tuyệt vời này vẫn cứ làm Zanzibar thêm phần đặc sắc. Sau làn sóng giao thương, giờ đây làn sóng du lịch lại tiếp tục phủ lên viên ngọc của Đông Phi những màu sắc mới.
HOÀNG THANH


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa tím bao giờ nở

Hoa tím bao giờ nở 1. Chuyến bay bị delay hai tiếng rưỡi, phòng đợi nháo nhào, tôi tìm một góc tĩnh lặng nhâm nhi ly cà phê Lão bạn già ng...