Mênh mang sông nước miền Tây
Người dân huyện Vĩnh Trường (An Giang) thu hoạch lúa.
Đường biên giới Việt Nam - Campu-chia tại tỉnh An Giang dài
98 km, cắt ngang những cánh đồng xanh ngút ngát và mênh mông hai dòng sông Tiền,
sông Hậu, rồi xuôi theo kênh Thoại Ngọc Hầu...
Miền biên viễn hôm nay đang chuyển mình đi lên từ đồng lúa,
con tôm, con cá, từ những lễ hội mang đậm bản sắc vùng sông nước và tình đoàn kết
của một cộng đồng nhiều sắc tộc.
Xe chở chúng tôi chạy thẳng về huyện đầu nguồn sông Hậu.
Không có chuyến công tác nào về An Phú mà tôi không ghé cù lao Vĩnh Trường, đôi
khi chỉ đơn giản để chạy xe một vòng cù lao rồi lại đi. Cha tôi đã lớn lên ở đây, tuổi thơ ông
ngụp lặn dưới dòng sông Hậu này và miệt mài mưa nắng trên cánh đồng xứ sở cù
lao. Mỗi lần về đây tôi luôn có một cảm giác rất lạ, mặc dù đã hơn 30 năm gia
đình chuyển đi nơi khác. Hôm nay về vui với người dân Vĩnh Trường bởi họ đang
phấn khởi vừa trúng mùa, vừa được giá sau khi thu hoạch lúa vụ thu đông.
Bác Trần Văn Hấn, một nông dân ở đây cho biết: "Mấy năm
nay, dân xứ cù lao, cứ trồng rẫy mãi mà bỏ cây lúa, giá cả thì bấp bênh, được
mùa rớt giá, được giá mất mùa... Vụ thu đông năm nay, hơn 90% nông dân trong xã
đều trồng lúa, lại trúng mùa, hơn 40 giạ một công, giá từ 4.500 đến 5.000 đồng/kg,
trừ chi phí lãi hơn 3 triệu đồng/công. Tết này chắc khá...".
Trên đường chạy vào Búng Bình Thiên, mặt trời đã ửng đỏ, những
tia nắng sớm đông như đang "vui đùa" trên mái nhà, hàng cây, xua tan
sương còn đọng trên lá. Búng Bình Thiên vẫn thanh bình như ngày nào, và cuộc sống
người dân nơi đây thật bình lặng. Tôi dừng xe trước bến sông xã Nhơn Hội, để cảm
nhận cái gió, cái lạnh, cái miên man sông nước và cái yên bình ở nơi biên giới
tây nam này.
Búng Bình Thiên - Nhơn Hội, tên đất cũng chính là tên lễ hội
đã trở thành một điểm đến trên bản đồ du lịch đất nước. Không chỉ ở cảnh quan tự
nhiên đặc trưng lôi cuốn những đoàn du khách trong và ngoài nước, nơi đây còn
thu hút họ bởi lễ hội mùa nước nổi tháng tám hằng năm và đã được ngành du lịch
An Giang nâng cấp trở thành một sản phẩm hấp dẫn.
Bên cạnh du lịch, lễ hội cũng là sự nhắc nhở người dân chung
tay bảo vệ môi trường, bảo vệ và khai thác có hiệu quả các loài thủy sản quý hiếm
trong lòng hồ.
Biểu diễn nghệ thuật trong Lễ hội
mùa nước nổi tại Búng Bình
Thiên (An Giang).
Đã thành phong tục, vào những ngày này, người dân sẽ thả về
thiên nhiên hàng tấn cá các loại và hàng nghìn con cá giống rô phi, tai tượng,
cá linh, cá chốt, cá chép, cá hô... Việc làm mang nhiều ý nghĩa này có được từ
người dân và các cơ sở nuôi trồng thủy sản trong tỉnh tự nguyện thực hiện.
Ngược sông Bình Di về thị trấn Long Bình, nơi có Đồn Biên
phòng và Cửa khẩu quốc gia Long Bình, cũng là nơi mua bán tấp nập, nhộn nhịp nhất
nơi đầu nguồn sông Hậu. Từ Phnôm Pênh (Cam-pu-chia), sông Mê Công chia thành
hai nhánh chảy vào Việt Nam. Dòng Mê Công bên trái chảy vào Việt Nam gọi là
sông Tiền, còn bên phải gọi là sông Ba Thắc, khi chảy vào nước ta lại chia hai
nhánh, ôm gọn cồn An Phú rồi hợp lưu tại ngã ba sông (Châu Đốc) và từ đây gọi
là sông Hậu. Chạy xe theo con đường ngược dòng Bình Di, một trong hai nhánh của
sông Ba Thắc, như đang di chuyển trong một bức tranh thủy mặc. Dòng sông uốn lượn
bên những khúc quanh, tạo thành các bùng binh sông nước và trải rộng hơn, dọc
dài theo biên giới tây nam gần 30 km, trở thành ranh giới của nước ta và nước bạn
Cam-pu-chia với những hàng cây xanh hai bờ sông in bóng mặt nước. Đây còn là
nơi lưu trữ nguồn lợi thủy sản dồi dào, bởi lòng sông sâu và những khúc cua tạo
thành hàm ếch là chốn trú ngụ của nhiều loài cá.
Mải ngắm nhìn và suy nghĩ về dòng sông, xe chở chúng tôi đã
chạy gần qua xóm Chăm Khánh Bình mà không hay. Sực Ka Ri Ja, một cô gái Chăm
trong xóm vui vẻ nói: "Nhân dân ở hai bên biên giới thường giao lưu, qua lại với nhau, nhất là vào mùa lễ
hội.
Em cũng thường theo mấy cô bác qua bên Cam-pu-chia mua
bán".
Giao lưu văn hóa mở rộng cho nên Tết của người Chăm, người
Kinh hay người Khmer đều vui với cộng đồng dân cư dọc theo biên giới An Giang.
Tôi hỏi thêm Sực Ka Ri Ja và được biết, sôi động và vui nhất là vào dịp đón
xuân đầu năm. Người dân ở đây đi làm ăn xa cũng tranh thủ về sum họp với gia đình. Niềm vui nơi biên
giới đôi khi chỉ đơn giản thế.
Chúng tôi vòng xe về xứ cù lao An Phú. Dọc theo sông Hậu
phía bên Việt Nam là những bãi bồi màu mỡ, xanh um bởi những công rẫy, những luống
rau màu, nào là ớt, nào là đậu que, đậu đũa, bắp lai, mía... Qua đò sang sông Hậu,
chạy dọc dòng kênh Bảy Xã từ xã Phú Hữu (An Phú) qua xã Vĩnh Xương (Tân Châu).
Con kênh này do con người đào, là nơi đầu tiên thông nước giữa sông Tiền và
sông Hậu. Vẫn là những cánh đồng xanh mướt, vàng ươm, nơi thì mượt mà, nơi thì
óng ánh. Xã Phú Hữu, Vĩnh Lộc (An Phú) và xã Phú Lộc (Tân Châu) nhiều nơi vẫn
còn làm lúa vụ hai, sau khi lũ rút mới xuống giống, giờ mạ đang mơn mởn xanh
tươi. Còn những nơi bao đê thì sắp sửa thu hoạch vụ thu đông.
Những bãi bồi dọc con kênh Bảy Xã chạy qua Phú Hữu và Vĩnh Lộc
là những rẫy đậu xanh đã khô lá, chỉ trơ trái ra phơi nắng chờ ngày thu hoạch.
Anh Trần Văn Cường, một nông dân ở xã Phú Lộc cho hay: "Mùa này trồng đậu
xanh trúng lắm, đất bãi bồi giàu phù sa, nên cây tốt cho trái nhiều và chắc hạt.
Nếu có giá khoảng 27 đến 30 nghìn đồng/kg là lãi to rồi, ăn Tết ấm luôn".
Chiều đông, nắng nhẹ mầu mật ong trải rộng khắp vùng biên giới,
gió chướng mang hơi lạnh se sắt về, từng đàn chim sải cánh bền bỉ tìm về tổ trước
khi màn đêm buông xuống. Thị trấn Tịnh Biên sầm uất ở vùng biên giới tây nam, mọi
hoạt động mua bán diễn ra nhộn nhịp nhưng trật tự.
Những chuyến hàng bên kia biên giới đã kịp về tập kết tại thị
trấn để rồi tỏa đi khắp An Giang và các tỉnh trong
khu vực.
Tôi may mắn, hầu như đã đi khắp dặm dài biên giới An Giang.
Các đồn biên phòng: Sông Tiền, Phú Hữu, Long Bình, Vĩnh Hội Đông, Vĩnh Ngươn,
Nhơn Hưng, Tịnh Biên, Vĩnh Gia, Lạc Quới... và những người lính quân hàm xanh với
tôi như người trong gia đình. Cứ mỗi dịp về công tác, tôi lại ghé vào, trò chuyện
với các chiến sĩ để hiểu hơn đời sống của nhân dân vùng biên và những người
lính biên phòng. Ghé vào Đồn Nhơn Hưng, trao đổi
với Thiếu tá Lê Hoàng Việt, Chính trị viên của đồn, đọng mãi trong tôi là lời
tâm tình của anh: "Những người lính quân hàm xanh chúng tôi luôn đặt trách
nhiệm giữ vững chủ quyền biên giới lên hàng đầu, bảo đảm trật tự xã hội để nhân
dân yên ổn làm ăn. Trong những ngày cận Tết như thế này, nhờ sự quan tâm phối hợp
với các cấp chính quyền địa phương, nhất là sự đồng thuận hợp lực của quân dân,
chúng tôi mới có thể giữ gìn, bảo vệ vùng biên cương yên bình, để nhân dân hưởng
một cái Tết cổ truyền ấm cúng...".
Sương tan dần, hơi ấm của mùa xuân đang về.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét