Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

Sống nữa cũng bằng không

Sống nữa cũng bằng không
“Puisque mon coeur est mort, j’ai bien assez vecu”.
Victor Hugo
Buồn bã như tiếng con chim cuốc kêu ở bãi sậy lúc bóng tối của buổi hoàng hôn khi trời vừa nhọ mặt, giọng ông già Phát thều thào vừa như muốn để phân trần vừa như muốn để than vãn, ông nói. Ông nói nghe tiếng được tiếng không, có chú ý lắng tai, tai cũng không thể nghe nổi ông muốn nói điều gì. Ngồi ở cái ghế bên cạnh cái bàn gỗ kê không xa cái giường ông Phát nằm, Tạo, đứa con ông, có lúc đã phải khó chiụ, mặt nhăn, giọng sẵng, gắt:
“Bố nói nhiều quá, bố im đi có được không”.
Ông già Phát im. Im được vài giây, ông lại lên tiếng:
“Suốt thời gian sống với mẹ con, bố là kẻ bê tha trụy lạc. Một người có tính vị kỷ như bố, hưởng thụ cho chính bản thân mình, bố còn thì giờ đâu để san sẻ thú vui riêng của mình với người khác. Một người có tính keo kiệt và bủn xỉn như bố, của cải tiền bạc tích lũy, nhưng chia sớt với người thiếu thốn bần cùng thì chưa bao giờ bố rộng lòng chia sớt cho ai cả. Một người có tính độc quyền độc đoán như bố, bố đã khó khăn nghiệt ngã với mẹ con, những người bà con hàng xóm láng giềng, họ hàng thân quyến và thậm chí cả bạn bè thân hay sơ. Một người có những cái tính xấu xa bẩn thỉu ti tiện như thế, làm sao bố có thể xứng đáng với chính người đã sinh ra con, đã nuôi nấng đùm bọc con, đã dạy dỗ dưỡng dục con. Vậy mà trong suốt thời gian dài khi mẹ con còn sống, bố đã đối xử ngược đãi, phụ bạc tình nghĩa vợ chồng, bỏ bê bổn phận và trách nhiệm của một người trụ cột trong gia đình, để lao vào những cuộc trác táng lang chạ, đỏ đen trong các sòng bài, như một con thiêu thân đâm đầu vào ánh sáng của ngọn đèn trên đường phố. Đêm đêm với bóng tối đến, bố đã nằm thao thức để mắt không nhắm được, đầu óc xao xuyến không sao yên, nghe trong yên tĩnh những tiếng thì thào giao động, những tiếng than thở buồn phiền, bố lại hối hận khi nghĩ về mẹ của con. Trước đây, nếu như bố nghĩ được và thực hiện được, thì từ lúc sinh ra, lớn lên, rồi già, bố ý thức mục đích và ý nghĩa về cuộc đời, không gian và thời gian của một người có giới hạn, ví như con tầu khởi hành từ nhà ga này, con tầu sẽ về đến nhà ga cuối, sau một đoạn đường đi, người cũng như tầu sẽ trở về điểm cuối. Con người chỉ khác con tầu khi đến điểm cuối là điểm tử, còn con tầu đến điểm cuối chỉ là trạm nghỉ để rồi đầu máy sẽ theo đường ray, đi ngược về. Nhìn đấy, con sẽ thấy cuộc hành trình nghĩ là dài, nhưng không dài, nó có giới hạn và ngắn lắm. Vậy mà bố đã tiêu pha phung phí tuổi đời, đối xử bất công bất nghĩa với kẻ thân người lạ, đến nay cuối đời người, mẹ con không còn có mặt ở cõi dương thế, bố nhìn ngược về quá khứ, mới thấy ngỡ ngàng khi nghĩ đến con đường mình đã đi. Đi trong những ngõ hẹp lầy lội tối tăm. Đi trên những lối mòn của đèo dốc và rừng già âm u với dò dẫm và quỵ ngã. Bố thực sự đã hối hận. Hối hận tận cùng”. 
Cách đây khá nhiều năm, ngã bệnh nhưng không chết, nằm trên giường, bị dày vò bởi những dày vò của những lầm lỗi do mình gây ra, Tạo đã nghe ông bố nói ra những điều sám hối như thế. Lúc đó, tưởng cái chết sẽ đưa ông về cõi thế giới bên kia, ông muốn đó là lời trối trăn để tự rửa tội cho mình được nhẹ nhàng siêu thoát. Cho đến bây giờ, lời nói ông đã nói, nó đã không còn giá trị bằng một đồng 50 cents, nó đã như con chim sổ lồng bay về núi, nó đã nhẹ như một đám mây vẩn vơ trên trời thấy đó rồi mất, như thế có nghĩa là ông bố của Tạo, trước sao, nay vẫn vậy.
Mỗi sáng sớm, khi cánh cửa phòng được mở ra rồi đóng lại, vào cái giờ Tạo đang có mặt ở hãng làm, thì, cũng là lúc ông Phát rời nhà, ông đến cái quán cà phê trên vỉa hè của dẫy phố buôn bán, ngồi uống với ba bốn người bạn vừa thân vừa sơ. Cà phê buổi sáng . Sòng bài buổi trưa. Khiêu vũ buổi tối.  Mười bữa như một, người ở khu chung cư thấy ông khuya khoắt mới về tới nhà. Đó là giờ những ngọn đèn của những căn phòng đều đã tắt cả. Chỉ trừ ra, đèn ở dẫy hành lang, suốt đêm, còn được bật cho sáng. Phụ giúp đôi chân ông mỗi lần đi quá xa đường đất, cái xe cũ, máy chưa đến nỗi tệ, nó đã là người bạn tử tế, hết lòng tận tụy phục vụ đưa ông tới quán nhậu, quán cà phê, sòng bài, ở đây ở đó. Hầu như quanh năm suốt tháng, ông Phát vẫn thường xuyên bận rộn với những việc giải trí một cách đều đặn và chăm chỉ, đã là thói quen cố hữu, đam mê điên cuồng, một căn bệnh dai dẳng ông khó có thể dứt khoát từ bỏ nó một cách dễ dàng.
Nếu ngày nào ông có mặt ở nhà, thì ngày đó là ngày ông ngã bệnh. Sổ mũi, nhức đầu, đau mắt hay máu lên, cánh cửa phòng mới không được ông mở, cái giường mới được ông nằm để dưỡng sức. Vào giờ Tạo ở hãng về, đó là dịp hi hữu hai bố con mới lại gặp được nhau. Gặp nhau cũng chẳng phải là điều mong muốn cho cả hai, vì khi đối diện ngồi chuyện trò, ông Phát và Tạo, câu trước câu sau đã sinh ra bất hòa, khẩu khí mỗi người mỗi khác biệt. Cái tính xung khắc giữa bố và con như tia điện âm và điện dương bị chạm, chạm thì sẹt lửa, cũng như hai luồng chớp đụng nhau, thì phải là tiếng sét hay tiếng sấm rền vào một ngày mưa to gió lớn. Đó là hôm, vì thẳng và thiếu tế nhị, Tạo đã đưa ông bố đem so sánh với những người già khác, khi nói:
“Tuổi của bố, con thấy bố không giống những bác cao niên con biết. Sao bố cứ thích lê la đến những nơi như quán cà phê, quán nhậu, bê tha rượu chè, đàn đúm tụ họp, như thế bố không thấy là xấu hay sao”.
Tự ái không cho phép ông Phát ngồi im, máu dựng lên đầu, ông nói đứa con ông là vô lễ, dám lên mặt dạy dỗ ông như thế là hỗn sược. Rồi tức tối, mất tự chủ, ông lồng lên như một con ngựa rừng khi bị cọp bám gót theo sau.
“Những bác cao niên này là ai con nói cho bố nghe. Mà họ là cái thứ gì để bố phải học họ mà sống theo cách sống của họ. Hẳn nhiên, con nên nhớ, bố là bố và họ là họ, mỗi người mỗi cách sống theo sở thích và thú vui của riêng mình”.
“Dĩ nhiên. Nhưng con thấy các bác ấy đứng đắn và đàng hoàng hơn những người như bố, hết cà phê rồi lại tới rượu, hết nhẩy đầm ôm gái rồi lại bài bạc đến khuya khoắt mới về, nói chung là thiếu tư cách”.
Câu nói đó đúng ra phải là câu ông nói để giáo dục đứa con, ngược lại, câu nói đó lại do chính đứa con ông nói như có tính cách dạy bảo thì ông lộn tiết điên lên không còn cách nào trấn áp nổi để mà bình tĩnh và thản nhiên được 
“Nói năng thiếu suy nghĩ, vô lễ vô phép như thế, tao hỏi mày là con tao hay bố tao, trả lời đi”.
“Có gì quá đáng đâu sao bố phải hùng hổ quá nóng vậy. Con nói chỉ nói mấy bác cao niên như thế này thế nọ để cho bố biết, chứ con có nói gì phạm pháp phạm lỗi đâu mà bố phải dữ dằn thái quá đến thế ”.
“ Tao là bố tao có quyền, mày là con, mày phải chiụ phép. Ở Mỹ hay ở Việt Nam, cái quyền của người bố và người mẹ là quyền bất khả xâm phạm, quyền thiêng liêng được coi là tối thượng, bất kể đứa nào sinh ra đã là con, thì trước hay sau đều phải biết trên biết dưới chứ không được phép vượt quyền và lộng hành như thế”.
“Vậy con không nói nữa. Nhưng nếu bố biết bình tâm suy nghĩ, như mấy bác cao niên kia, bố chỉ thỉnh thoảng ra phố, để nhiều thì giờ ở nhà, bố chịu khó đọc sách coi báo, tới Hội Cao Niên để hàn huyên với các vị có tuổi đáng trọng kính, bố cũng có thể đến các câu lạc bộ cộng đồng để khiêu vũ và để có bạn bè, hơn là ở những nơi bố thường xuyên ghé đến. Ý con muốn nói là nói như vậy”.
Ông Phát lại thủ thế ngồi im, không thèm mở miệng, sắc mặt đỏ bừng, ông giận đến gan sôi ruột tím. Chuyện giữa bố và con như thế thường xẩy ra, có chiến tranh rồi lại hòa bình, dù hòa bình chỉ là tạm thời chứ không bao giờ vĩnh viễn cả. Với ngày và tháng bình thản qua đi, ông Phát vẫn không từ bỏ những thói quen sáng ra quán ngồi uống cà phê, trưa đỏ đen nơi sòng bài, tối lại đến phòng trà nhảy nhót  khuya khoắt mới về.     
Bữa bố con có dịp ngồi nói chuyện với nhau, giọng vừa ngọt ngào, vừa diụ dàng và thân mật, ông Phát nhẹ nhàng lên tiếng:  
“Bố có điều muốn nói với con”.
Không phải đây là lần đầu Tạo thấy bố xử sự hiền từ tử tế như thế với mình, cũng không chắc ông bố sẽ nói ông đã hối hận và ăn năn về những lỗi lầm trong quá khứ cần phải xin lỗi, nếu Tạo nghĩ không sai, thì nhu cầu thúc bách đòi hỏi của ông bố chỉ là những tờ giấy bạc. Vẻ mặt lạnh lùng và  thản nhiên, Tạo đưa cặp mắt không mấy thiện cảm nhìn ông bố:
“Có điều gì bố muốn nói cứ nói. Miễn là bố đừng hỏi con tiền” .
“Tiền. Bố đâu cần tiền”.
“Vậy bố cần …”.
Thẳng thắn và mạnh bạo, ông Phát quyết liệt như người xạ thủ, ngón tay hờm sẵn trên cò súng, bóp, đã trả lời khi đứa con ông nói chưa dứt câu:
“Bố cần một người đàn bà. Một người đàn bà sẽ vực bố đứng như một cây gậy chống đỡ thân cho một người già. Một người đàn bà cần thiết cho bố những ngày bố sống lạnh lẽo cô đơn như một cái cây đứng lẻ loi trên triền dốc núi. Đúng. Một người đàn bà…”.
“Bố nói như thế là đủ rồi. Một người đàn bà …”.
“Đúng. Một người đàn bà sẽ giúp bố đi nốt quãng đời còn lại. Một người đàn bà sống ở bên cạnh bố sẽ đem lại cho bố những ngày vui. Bố hi vọng con sẽ không phản đối”.
“Nếu bố muốn, bố cứ làm theo ý của bố. Còn bố đã hỏi con, con không đồng ý cũng như không dám phản đối việc của bố làm. Xưa đến nay, bất cứ việc gì riêng tư của bố, bố có bao giờ cần biết tới con là ai đâu”.
“Ừ. Có việc tự bố bố quyết định, còn việc này …”.
“Cũng vậy thôi bố ạ. Nếu giả thử như con nói không, con chắc chắn bố vẫn theo ý bố bố làm”.
Ông Phát cứng rắn trong giọng nói:
“Đúng vậy. Hỏi là hỏi như thế, còn quyết định, bố đã quyết định dứt khoát rồi”.
“Vậy là xong. Từ nay trở đi, bố không cần đề cập tới vấn đề đó nữa”.
“Phải”.
Sau tiếng “phải”, mặt ông Phát lạnh như đá đóng băng. Ông coi câu chuyện đến đó kể như đã kết thúc, dù cái kết thúc đó không đúng ý với điều ông mong muốn, ông cũng bất cần. Bố và con, kẻ đứng trên bờ sông bên này, người đứng trên bờ sông bên kia, giòng nước chảy là khoảng cách ở giữa chia đôi, chẳng ai qua được một bờ, nên thấy nhau mà không bao giờ có thể gần nhau được.
Như mọi chuyện đã sắp đặt, người đàn bà tên Lan được ông Phát đưa về nhà cho ở chung. Hai người quen nhau ở một phòng trà khiêu vũ. Sàn nhẩy với những bước chân đi theo điệu nhạc, vòng tay sau lưng ôm thân thể, sau một thời gian đến vũ trường, ông Phát và bà Lan đã yêu nhau. Chuyện tình cảm giữa hai người diễn tiến theo từng giai đoạn một. Khởi đầu, theo trí nhớ giúp cho ông Phát mỗi lần muốn nhớ lại, thì không buổi trưa nào, ông vắng mặt ở cái nơi có lớp dạy khiêu vũ, vào thời gian ông còn đi học,  lúc ông đã khiêu vũ giỏi không cần theo học ở lớp dạy nhẩy nữa. Người đến đó đều đặn và chăm chỉ khiêu vũ cặp đôi với ông là người đàn bà tên Lan. Điệu nghệ trong những vũ điệu được coi là khổ công tập luyện, bà Lan được tiếng là người nhẩy khá đẹp mắt với những  bước chân chuyển động nhẹ nhàng, với một thân hình thon thả mềm mại uốn éo rất ngoạn mục. Buổi trưa hôm đó, nếu bà Lan không nhờ ông cho bà đi quá giang xe để về nhà, thì chắc chắn cuộc tình giữa ông và bà giới hạn chỉ có thế, và cũng chắc chắn bà Lan đã chẳng nhận lời ông Phát về ở chung với ông bao giờ cả. Mọi chuyện xẩy ra không ai tự xếp đặt và tính trước cho mình, nhưng hình như nó đã được an bài bởi một người nào đó đứng ra dàn dựng. Buổi trưa hôm đó ở trong căn phòng của bà Lan, trước sự khao khát đòi hỏi của một người đàn bà chủ động mời mọc, ông Phát đã không tự chế được thôi thúc của bản thân, ông đã lao thẳng vào cuộc chiến. Ở “share” phòng, một căn phòng chật hẹp, xa bà Lan, đêm tối nhớ xác thịt người tình, đấy là nguyên nhân chính thúc đẩy ông Phát đề nghị bà Lan dọn về ở chung nhà.
Về ở chung nhà, gặp đứa con trai của ông Phát ngay ngày đầu, bà thấy nó mặt lạnh như đá đóng băng, mắt trắng dã trợn trừng như mắt chó sói, bà phát sợ. Biết là đứa con trai đó không ưa bà, nhưng trót dọn về ở, bà Lan đành phải chấp nhận. Hình như, bao giờ bà cũng nghĩ là hình như, có lần bà đã gặp đứa con trai của ông Phát, còn ở đâu và trong trường hợp nào, bà hồi tưởng bằng cách sói sâu vào vùng tiềm thức, nhưng cái vùng tiềm thức đó, nó chẳng giúp gì được cho bà cả. Mãi đến một hôm, bà không nghĩ mà nhớ, nhớ rất chính xác về một buổi tối đến nhà một người bạn mời tới ăn sinh nhật, lúc tiệc tan, một người khách uống rượu quá say, nên chủ nhà nhờ bà đưa về, bà đã nể mà nhận. Bà lái xe trên đường đêm khuya khoắt, người say lại say nên chẳng còn biết nhà mình ở đâu, buộc lòng, bà phải chở về nơi trú ngụ của bà. “Vậy mà mình cố nhớ mà nhớ không ra. Bây giờ nhớ ra rồi, cái anh chàng say đêm đó mình đưa về không ai khác lại chính là đứa con của ông già này”. Biết là biết vậy, kín đáo, bà chẳng đem ra nói với ai, kể cả ông chồng hờ của bà.
Một hôm, tiệc cưới con của một người bạn, được mời, ông Phát đã đến dự. Ngồi ở phòng khách, bà Lan đưa mắt nhìn ra ngoài trời, lá trên ngọn của những cây cối ở hai bên đường, nắng còn thoi thóp. Nhưng chẳng bao lâu, những mủn nắng đó đã tàn lụi như những vụn than hồng đổi sang màu tro, tự hóa thân rồi biến mất. Cửa vào nhà bỗng mở. Chẳng ngạc nhiên và giật mình, bà Lan biết đứa con trai của ông Phát đã về. Cánh cửa chưa kịp đóng, anh ta đã gập người xuống, ho. Ho rũ rợi. Ho dữ dội. Ho xong, tay quờ quạng vách tường như một người khiếm thị, chân bước thấp bước cao như một người say, anh ta tự cố gắng lết về căn phòng ngủ của mình. Cảm cúm ho hắng như thế, lái xe có nước lạc tay lái gây ra tai nạn, nguy hiểm đấy chứ bỡn. Bà Lan nhủ thầm nhưng không nói ra.
Vào phòng, người con trai của ông Phát tên Tạo lăn ngay ra giường, giầy chẳng kịp bỏ, áo chưa kịp cởi, vì đầu nặng như một cái cối đá, mắt mờ như váng vất sương mù, tai ù như có tiếng động của đá núi đổ xuống ở xa rất xa, người run lên bần bật như cái lò so bị chấn động, Tạo bắt đầu rên. Ở phòng ngoài, bà Lan nghe thấy tiếng rên, bà vội hấp tấp chạy vào. Thấy đứa con trai của ông Phát mặt xanh lè, theo kinh nghiệm bà biết, thông thường đấy chỉ là triệu chứng bị trúng gió. Trúng gió độc. Vào những trường hợp như trường hợp này, muốn chữa, uống Telynon cũng vô hiệu quả, chỉ cần cạo gió cho gió ra, bệnh sẽ hết, người sẽ khỏe. Nghĩ sao nói vậy, bà bảo:
“Cậu chờ tôi lấy chai dầu gió, lấy cái thìa inox, tôi cạo cho cậu là cậu thấy bệnh khỏi ngay tức thì”.
Tai rõ ràng nghe tiếng bà Lan nói, miệng vẫn chẳng thèm mở để trả lời, Tạo nằm im như một khúc gỗ.
“Cởi cái áo ra có được không. Không cởi làm sao người ta cạo được”.
Vẫn nằm xấp, Tạo chẳng buồn cục cựa để tỏ ý vâng theo lời của bà Lan nói. Đã ngồi nhẹ xuống mép giường, đã cầm chai dầu gió và cái thìa ở tay, tay kia đưa ra, bà Lan kéo cái áo lên cao cho lưng đứa con ông Phát hở, dầu được giỏ, thìa được cạo, bà bắt đầu cạo. Tạo cảm nhận được cạnh của cái thìa đưa lên đưa xuống miết theo đường sống lưng, hai bên bả vai và sườn, dầu làm da thịt nóng, trong suốt thời gian bà Lan mải mê chăm chú cạo.
“Sao. Thấy đỡ nhiều không”.
Chốc chốc, bà Lan lại lên tiếng hỏi. Bà hỏi nhưng câu hỏi đó không được người nghe đáp lại. Bà Lan cũng chẳng cần chờ đợi câu đáp có tính cách trả lời câu hỏi của bà, vì bà đã quá hiểu cái tính vừa lạnh lùng vừa ít nói của đứa con trai ông Phát từ bấy lâu nay rồi. Thực ra, từ lúc nằm để bà Lan cạo gió cho mình, đầu óc của Tạo đang nghĩ về
mẹ. Những lần bị cảm, mẹ lại bắt Tạo nằm dài ra giường để mẹ dùng dầu nóng và thìa inox cạo. Cũng vẫn những động tác mẹ cạo như bà Lan cạo, nhưng rõ ràng trong đầu óc và ý nghĩ của Tạo, Tạo chẳng có một mảy may tư tưởng và cảm xúc vẩn đục nào khác. Còn bây giờ, những tư tưởng và cảm xúc đó lại khuấy động ý nghĩ của Tạo một cách mãnh liệt, thôi thúc, dữ dội, tưởng như đấy là những con sóng từ bờ xa đang lớp lớp chạy về bờ, sóng dựng đứng như những cái sừng của những con trâu rừng gục đầu thi nhau phóng tới.
Trời đã bắt đầu tối. Đèn trong phòng đã được bật. Cái giường, Tạo bỗng nhận ra nó bị thêm một khối nặng đè lên, lún xuống. Nằm úp mặt, Tạo đâu biết bà Lan đã nhẹ nhàng khẽ đặt người xuống mặt đệm, khi cái áo đầm của bà mặc đã được bà tụt ra cho nó tự động rơi xuống sàn nhà, bà thả thân thể lên giường.
“Sao lại kỳ vậy. Bà đừng làm như thế có được không”.
Thấy đứa con ông Phát phản ứng, bà Lan chỉ thản nhiên cười:
“Đừng nói thế. Kỳ gì mà kỳ”.
“Tôi không thích”.
“Anh không thích thật hả. Chỉ làm bộ chứ tôi không tin. Không thích vậy mà đêm anh ở nhà tôi, tôi đang ngủ, anh đã làm gì tôi anh thử cố nhớ xem”.
“Bà lại dựng chuyện để nói”.
“Không dựng. Đó là sự thật. Nếu quả thực anh đã cố tình quên, tôi sẽ gợi lại giúp cho anh nhớ. Tối đó, bữa tiệc sinh nhật ở nhà ông Khoát, anh thử nhớ xem anh có quen ông Khoát không. Hãy thực tình trả lời tôi đã”.
“Ông Khoát hả. Ông ấy là bạn tôi”.
“Vậy nửa khuya bữa tiệc đã vãn, anh say đến nỗi đi không vững, miệng nói lắp nói ngọng câu được câu không, ông Khoát thì bận đưa khách về, lúc đó chẳng còn ai ngoài tôi ở lại, nể bà Khoát nhờ tôi đưa anh về, tôi đưa anh về trên đường khuya khoắt nhưng anh say muốn gục, số nhà không nhớ, đường phố cũng quên, buộc lòng tôi phải đưa anh trở lại nhà tôi đêm đó. Đêm đó, anh đã làm gì thế nhỉ”.
“Tôi đâu nhớ”.
“Đâu nhớ. Làm rồi lại quên chẳng lẽ tôi lại phải nhắc lại cho anh nhớ sao. Anh vừa bảo tôi sao lại kỳ vậy, còn anh, chắc anh cho anh là không kỳ”.
Tạo nằm im thin thít. Nằm im thin thít có nghĩa là Tạo công nhận những điều bà Lan nói ra là đúng với sự thực. Đầu óc hồi phục trí nhớ, nhớ đêm đó mình bị say, mình ngủ ở nhà người đàn bà lạ, gần sáng, mình tỉnh và  đã làm cái chuyện mà bây giờ được bà Lan gợi lại, Tạo mới nhớ một cách cụ thể và rõ ràng.
Sau buổi tối cạo gió, hai tuần sau, Tạo tìm cách ra ở riêng. Ông Phát không đồng ý việc ra ở riêng của Tạo, cản, nhưng cản không lay chuyển được quyết định dứt khoát của Tạo. Từ đó, Tạo ra ngoài. Thỉnh thoảng, Tạo cũng điện thoại về vấn an ông bố, còn về thăm, Tạo dứt khoát không về thăm. Không phải Tạo không thương bố, nhưng về thăm, gặp bà Lan, Tạo không muốn.
Ông Phát đang bình thường khỏe mạnh, đi bác sĩ khám bệnh, ông được bác sĩ cho biết là phổi ông có nước.
Đúng là có nước nên lâu nay, ông thấy hay khó thở. Khó thở còn cố thở được, còn phổi có nước, nước làm nghẹt hơi, thở không còn ra hơi nữa. Có hôm, thấy ông Phát nằm như người thoi thóp, bà Lan đã phải kêu 911. Xe cứu hỏa lẫn xe cứu thương đến, người ta phải cấp tốc đưa ông vào bệnh viện. Vài lần xẩy ra như thế, chưa tới số chết, ông chưa chết. Một người bệnh như vậy, nuôi và lo chăm sóc quá ư là mệt, bà Lan bắt đầu thấy chán và nản lòng. Chồng không chính thức là chồng, bà đâm ra có ý nghĩ muốn bỏ ông Phát để trở về cuộc sống trước đây vẫn sống của mình. Sống như thế, bà thấy vừa thảnh thơi,vừa nhàn hạ, vừa tự do, không như bây giờ vướng vào ông Phát, cứ bận bịu sáng lo bữa sáng, chiều lo bữa chiều, khi ông Phát ngã bệnh, bà lại khổ cực phục vụ đủ thứ cho ông ta. Ngoài những thứ việc vất vả đó ra, bà còn phải canh thức đêm hôm mỗi khi ông Phát vật vã trong cơn bệnh, đòi thuốc uống, đòi đi tiểu. Đã quyết định dứt khoát rời, một sáng, ông Phát dậy không thấy bà vợ hờ của mình đâu, ngoài tờ giấy viết nghuệch ngoạc mấy chữ cho ông. Miếng giấy ghi lại những lời vĩnh biệt hơn là từ giã có tính cách tạm thời, ông nằm đó trên cái giường trong căn nhà cửa sổ đóng nên ánh sáng ở bên ngoài, dù lúc đó trời đã rạng đông, ông cảm thấy trống vắng, lạnh lẽo tưởng như chỗ ông đang ở không phải là nhà mình. Chỗ ông đang ở là chỗ im ắng, tĩnh mịch, âm u, lạnh lẽo, nơi một nhà quàn không chừng là vậy. Sợ, ông muốn rời khỏi giường, đứng dậy ra mở cánh cửa sổ, nhưng đôi chân không cho phép ông thực hiện ý nghĩ đó, ông đứng không được đành lại nằm xuống.
Cái “cell phone” để ở giường cạnh chỗ ông nằm bỗng reo. Ông mừng rỡ cầm lấy áp vào tai nghe và hi vọng cú phone đó là của bà Lan gọi. Nhưng không phải là bà Lan gọi mà lại là con ông:
“May quá. Con gọi đúng lúc bố cần đến con”.
“Cần đến con. Con có giúp gì được cho bố đâu mà bố cần”.
“Con đừng nên nói như vậy. Con nói như vậy là bởi vì con không biết bố đang bị đau”.
“Bây giờ có bà Lan lo cho bố. Còn con, con có cũng như không”.
Vẫn giọng thều thào buồn bã, ông Phát cố gắng nói qua hơi thở không bình thường:
“Con đừng nhắc đến bà Lan đó nữa. Bà ấy đã bỏ bố đi lúc sáng nay rồi”.
“Bà ấy bỏ bố đi khi bố đang đau và cần bà ấy giúp bố”.
“Đó là quyền của bà ta”.
Ông Phát chỉ nói được như thế rồi im.
“Allo. Bố còn nghe đấy chứ”.
“Bố còn nghe đây. Sao. Con về lại nhà được không”.
Không biết đầu dây bên kia đứa con nói gì, chỉ thấy nghe xong, nỗi vui rạng rỡ trên nét mặt ông:
“Ừ. Con về nhé”.
Khi điện thoại đã cúp, mắt ông Phát lại nhắm lại, đáng nhẽ ra ông phải dậy để ăn điểm tâm đúng vào bữa sáng, nhưng ông không ăn điểm tâm đúng vào bữa sáng như thường lệ, đêm qua ông mất ngủ, ông lại buồn ngủ nên đã ngủ luôn.
Buổi chiều Tạo có mặt ở nhà. Khi trời sập tối, Tạo ngồi cạnh giường bố canh chừng ông bố cần gì để giúp. Trong câu chuyện giữa bố và con, Tạo lại đem chuyện bà Lan ra nhắc:
“Con thấy bà bạn của bố đối xử với bố không phải là người đứng đắn đàng hoàng. Nếu biết suy đi nghĩ lại, bà ấy chẳng nên bỏ bố trong lúc bố đang bệnh như thế này”.
“Đừng bao giờ nói như vậy. Quyền đó là quyền của người ta. Bố thực sự không phiền trách bà ta về chuyện bà ta làm. Hãy quên đi. Con đã về căn nhà này, tối nay, bố có nhiều điều muốn nói với con. Đây có thể là lần cuối cùng bố nói với con vì bố có linh cảm, chẳng có lần nào khác bố còn có cơ hội để nói với con nữa. Phải. Rong chơi mãi đã chán lắm rồi. Trác táng trụy lạc cũng chỉ là những quả trái thối nẫu bám trên cành cây chờ đến ngày rụng. Nếu con còn nhớ, đã có lần bố nói với con về điều bố đã ăn năn hối cải khi sống với mẹ con, bố đã hành xử không đúng với chức năng của một người chồng đối với vợ, trong chốn ăn chơi và hưởng thụ, bố đã bỏ bê trách nhiệm và bổn phận của một cây trụ chống đỡ mái của một ngôi nhà, vô tâm lao vào những thú vui vật chất, hưởng thụ vị kỷ ở những chỗ bê tha, bố đã là người mù đi giữa thành phố trong ban ngày. Nếu có một phép lạ nào đó biến bố trở lại làm người, bố sẽ cố gắng làm những việc xứng đáng và chính trực nhất, để khi đến cuối đời, nhìn lại, bố cảm thấy hãnh diện và vui sướng, hơn là phải cúi mặt, phải đi lầm lũi như một kẻ sợ hãi trong bóng đêm. Cây nến, bố muốn nói về cây nến. Một cây nến, thân phận của một cây nến nhỏ nhoi và khiêm nhường chẳng có gì đáng để nói, nhưng một cây nến, bố thấy nó đã phục vụ hết mình từ lúc đầu ngọn bấc được thắp lửa sáng trong bóng tối, cho đến khi lửa trên ngọn bấc chỉ leo lét cháy trên đầu sợi bấc đã cụt, thân xác cấu tạo bởi chất sáp đã chảy, đơng giản chỉ là thế, nhưng bố thích. Ờ, nếu bố được là cây nến, một cây nến, một cây nến, bố sẽ …
Ông Phát - bố của Tạo nhắc mãi về cây nến với giọng nói thều thào cho đến lúc, Tạo chẳng còn nghe thấy ông bố nói thêm về điều gì.
Ngày ông nằm trong cỗ áo quan, mắt đã nhắm, Tạo vẫn có cảm tưởng ông bố đang rõi nhìn về hướng những ngọn nến, những ngọn nến trắng được thắp sáng ở trong nhà quàn. Biết đâu đấy, nằm đó, hai tay chắp để trên ngực, ông đang nghĩ, ông nghĩ nếu ông được tái sinh, ông sẽ trở lại làm người, làm thân phận của một ngọn nến, thân đứng thẳng, lửa cháy trên đầu, ánh sáng rọi vào bóng đêm, hóa thân, khi bấc đã lụn, sáp đã rữa, ngọn nến đi vào cõi vô hình vô sắc, mịt mờ, hư ảo.        
*”Bởi lòng tôi đã chết, Sống Nữa Cũng Bằng Không”,  trong bài Veni,Vidi, Vixi, (Tôi đã đến, đã thấy, đã sống) của Victor Hugo, Huy Cận dịch.
Nguyễn Trung Dũng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...