Nếu có ai bảo tôi hãy chọn một người thật tiêu biểu cho
"tính cách Nam Bộ" như người ta hay nói… thì tôi không cần
phải suy nghĩ gì mà nói ngay, người
đó là họa sỹ Diệp Minh Châu. Danh từ
riêng Diệp Minh Châu đồng nghĩa với các tính từ: cởi mở, chân thực, hào hiệp
và đạo nghĩa… Bất cứ ai tiếp xúc với họa sỹ Diệp Minh Châu dù chỉ
một lần hay bạn bè nối khố đều thừa nhận rằng, ông là một người tính tình vui
vẻ lạc quan hiếm thấy. Ở họa sỹ Diệp Minh Châu không có tuổi già, ông vui vẻ,
trẻ trung cho đến lúc ra đi ở tuổi ngoài 80 ! Có lẽ đặc tính này đã giúp họa
sỹ vượt qua những năm tháng khó khăn ở tuổi trẻ và thắp sáng mãi ngọn lửa say
mê sáng tạo đến lúc cuối đời. Ngay cả đến lúc phải ngồi xe lăn hàng tháng trời
trong bệnh viện, ông vẫn từ chối không cho tiêm chích vào tay phải
để còn… vẽ !
Suốt đời họa sỹ Diệp Minh Châu đã vẽ vì tình yêu con người.
Trong thời gian học ở Tiệp Khắc, ông phải mổ bao tử và nằm viện. Trong phòng
chung có hai bệnh nhân. Người kia bị
mổ óc và không nói được. Họa sỹ đã bò sang giường của anh ta và vẽ một cái
bô, một cái ly nước, một cái dĩa… để khi y tá đến, cần gì, anh ta
sẽ chỉ vào hình vẽ !!! Vẽ vì con người, vẽ để vui sống… đó là Diệp Minh Châu
! Tôi đã để hết một buổi sáng để đọc hết ba cuốn lưu bút trong sổ tang và
càng tin những điều gì mình đã nghĩ về họa sỹ Diệp Minh Châu. Một bạn trẻ đã
viết về họa sỹ như nhớ về một người bạn vui tính của mình khi nhắc lại câu
nói quen thuộc của ông : "Ở nhà ba số (222), hút thuốc ba số (555), uống
bia ba số (333) ! Người con dâu của họa sỹ đã viết trong sổ tang ba chồng như
sau: " Với đất nước và nghệ thuật ba là một vĩ nhân, một tác giả không
thể nào thay thế được, còn đối với gia đình ba là một người cha, một người
ông đáng yêu và dễ thương của cả nhà. Tuy là dâu nhưng lúc nào ba cũng dạy bảo
và ban cho con sự khoan dung, độ lượng và thân mật. "Con gái tôi
đây" qua những lời giới thiệu con với bạn bè… (Thanh Hương).
Phải thôi thúc lắm, một người con dâu trong gia đình mới
dãi bầy những "nhận xét" của mình với ba chồng trong những giờ phút
thiêng liêng như thế ! Trong những dòng lưu bút của mình, Bí thư Thành ủy
Nguyễn Minh Triết đã viết một câu có tầm khái quát : "Một con người mà
ai ai cũng hết lòng yêu thương và kính trọng" (16.7.2002).
Họa sỹ Lê Thành Trừ nhớ lại:
"… Họa sỹ, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu tài ba và vui
tính. Vào những năm 1970, chiến tranh leo thang
ra Bắc, đời sống của dân Hà Nội khó khăn, phải mua ngô của nước ngoài để nhân
dân ăn độn, thuê tàu ngoại quốc chuyên chở, rất không may, ngô bị ẩm mốc. Ta
bắt đền, họ không ưng, đổ tại ta bốc dỡ chậm (vào lúc cảng Hải Phòng, liên tục
bị máy bay Mỹ bắn phá). Phụ trách công tác này là bà Nhân, cấp giám đốc thuộc
bộ thương mại. Bà Nhân được ông Bộ trưởng Lý Ban mách : khi đi thương lượng đền
bù vụ ngô, nhớ mời hoạ sỹ Diệp Minh Châu cùng đi. Biết viên thuyền trưởng quốc
tịch Ý, sau khi phân định chủ và khách công việc bắt đầu, nhưng hoạ
sỹ ta cố tình không nói gì về ngô, mà lại bàn về văn chương Ý, rồi nghệ thuật
Phục hưng Ý… Khoa ăn nói của nhà điêu khắc khá duyên dáng. Sau đó
Diệp Minh Châu lấy tập giấy và thỏi than ra, xin được vẽ chân dung thuyền trưởng.
Tài vẽ tranh chân dung của ông đã chinh phục vị thuyền trưởng Ý. Ông ta mời
đoàn Việt Nam vào phòng riêng và chiêu đãi. Sau buổi tiệc thật vui, thuyền
trưởng cho ca-nô tiễn đoàn vào cảng và hết lời ca ngợi. Giã từ lưu luyến và …
không quên ký văn bản đền bù cho nước ta 34 triệu đồng. Riêng với hoạ sỹ Diệp
Minh Châu, vị thuyền trưởng tặng một cặp rượu quý. Một bức tranh chân dung
"xả giao" mà đem lại cho đất nước bao nhiêu chục triệu đồng ở thời
điểm đó, quả là hoạ sỹ tuyệt vời. (Báo SGGP - 21-7-2002).
Ở xứ Á Đông ta, khi một ông thầy mất đi thì lời của học trò
bao giờ cũng thống thiết nhất. Tôi đến thăm điêu khắc gia Nguyễn Hải, một học
trò xuất sắc của họa sỹ điêu khắc gia Diệp Minh Châu. Bằng một giọng rất xa
xăm, Nguyễn Hải nhớ lại : … Là một học trò mà thầy Châu còn pha nước trà chờ
tôi đến uống mỗi buổi sáng ở trường Mỹ thuật Hà Nội ! Lúc tốt nghiệp rồi thầy
còn đèo tôi - tôi không biết đi xe đạp - đến các chùa chiền như chùa Tây
Phương, chùa Dôi… để nghiên cứu về tượng … Thầy Châu của chúng tôi là một bậc
thầy về chân dung. Thầy Châu bắt gọn và chắc mẫu vẽ, chỉ vài nét sắc nhưng mềm
mại là bắt được thần thảo của người mình vẽ. Về điêu khắc, thầy Châu là một
người thực học, đã học xong điêu
khắc tại trường Mỹ thuật Đông Dương, thầy còn qua Tiệp Khắc học lại từ đầu về
điêu khắc ở Viện Hàn lâm Mỹ thuật xứ này, rồi năm 1957 thầy còn qua Ấn Độ để
nghiên cứu thêm về đá. Thầy học để làm chứ không học để lấy cái bằng cấp giả
như bây giờ tôi thấy ở nhiều vị !!!. Nhưng đối với thầy Châu, điều lớn lao nhất
là thầy vọng tưởng cho một nền điêu khắc Việt Nam hiện đại, và thầy đã làm hết
mình với học trò điều đó…
Tôi chỉ còn biết ghi chép lại, gần như nguyên văn những lời
gan ruột của họa sỹ điêu khắc gia Nguyễn Hải về thầy Diệp Minh Châu mà
ông đã "hết lòng yêu thương và kính trọng"!
Như có linh tính, chừng vài tuần trước ngày cuối cùng …tôi
chở cả bà xã đến thăm họa sĩ Diệp Minh Châu. Đây là lần đầu tiên tôi đưa bà
xã đến thăm họa sỹ sau gần 20 năm quen biết với gia đình… Để bà xã nói chuyện
với chị Dung - người vợ hiền thảo đã suốt đời hy sinh cho chồng làm nên sự
nghiệp, tôi đẩy xe lăn cho họa sỹ ra sân chơi như thường lệ. Tôi còn có ý định
hôm nào thuận lợi, sẽ đẩy xe lăn để họa sỹ về thăm lại ngôi nhà 222 Pasteus
vì tôi biết, từ ngày về cái hẻm 193 Nam Kỳ Khời Nghĩa này, ông vẫn nhớ ngôi
nhà cũ, nơi ông đã từng sống và làm việc say mê ở đó gần 30 năm trời từ ngày
giải phóng thành phố. Tại đó, ông đã tiếp không biết bao nhiêu vị tổng lãnh sự,
đại sứ và bạn bè quốc tế, trong nước, cả khách qua đường, bà con lân cận những
chiều ngồi hóng mát trên hè phố…
Hôm đó, tôi đã ngồi rất lâu với họa sỹ và phát hiện ra ông
đã bị teo hết cơ khi xoa bóp hai ống chân cho ông. Vốn là người to xương, khi
bị teo cơ, có lẽ do lâu ngày không tự đi lại được, các khớp gối của ông chồi
to khác thường… Họa sỹ Diệp Minh Châu hôm ấy đã hỏi tôi về vụ án Năm Cam mà
thời điểm đó báo đài đang đưa tin dồn dập… Tôi không ngờ đó là lần cuối cùng
được gặp họa sỹ.
Một buổi sáng tinh mơ, nhà văn Đoàn Minh Tuấn gọi điện báo
cho tôi họa sỹ Diệp Minh Châu không còn nữa …Tôi bàng hoàng… Từ giờ phút đó
(9 giờ 55 phút 12.7.2002) Tổ quốc của chúng ta mất đi một nghệ sỹ
tài ba, gia đình họ Diệp mất đi một người cha yêu quý, nhân dân TP.HCM mất đi
một trái tim nhân hậu. Riêng tôi, chỉ ân hận không đến đẩy xe lăn cho họa sỹ,
dù chỉ một lần nữa …!. Thời gian tàn nhẫn với con người đến thế ư ?!.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét