Trần Ninh Hồ - Quên và nhớ với thơ
Cứ độ dăm năm, nhà thơ Trần Ninh Hồ lại có một "đợt"
xuất bản thơ. Cuối 2004 và đầu 2005, anh vừa in hai tập thơ: "Lữ thứ với
con người" và "Cho người tôi thương nhớ". Anh là cây bút sung sức
trong suốt mấy thập niên vừa qua của nền thơ hiện đại Việt Nam. eVăn có
cuộc trò chuyện với anh.
- "Lữ thứ với con người", anh có thể giải thích
góc nhìn thời đại và nghĩa rộng bao hàm của nó?
- Vị trí của tuyệt đại đa số các nhà thơ và nghệ sĩ trong
cuộc đời này là ở đâu nhỉ? Nói một cách khác là thiên chức, thiên lương (chứ
không phải là chức năng, nhiệm vụ) của họ? Đó là điều mà tôi thường suy ngẫm.
Nếu cần phải kêu gọi, hiệu triệu, thì đấy là công việc của những người đứng đầu
một tổ chức lớn, một quốc gia. Nếu cần phải giảng giải, răn dạy, thì là việc
của các nhà giáo và các nhà truyền giáo (hoà thượng, linh mục, giáo chủ). Nếu
cần phải áp đặt, thì đấy là việc của pháp luật... Còn nhà thơ và nghệ sĩ, có
lẽ việc của họ là sẻ chia, tâm sự, gợi mở. Đôi khi cũng phải thét lên, nhưng
có lẽ không nhiều lắm!
"Lữ thứ với con người" là theo cái hàm ý ấy. “Kẻ
chốn chương đài, người lữ thứ/ Lấy ai mà giải nỗi hàn, ôn”(Bà Huyện Thanh
Quan). Lấy “Người lữ thứ” mà chia sẻ nỗi hàn, ôn (lạnh, nóng) của kiếp người,
chứ chia sẻ chi với “kẻ chốn chương đài”, nơi lầu hồng gác tía!
Vội vã hay thư thả cũng là đi giữa dòng đời này thôi. “Lữ
thứ” ở đây là một cách đi, một động từ.
- Còn "Cho người tôi thương nhớ", hẳn là một bản
tình ca về trái tim con người?
- Vâng, tôi cũng ước thế. Nhưng liệu nó có xứng là như thế
không nhỉ? Trái tim con người ư? Một biểu tượng tuyệt vời của thế giới xúc cảm.
Nhưng kể cả khi nó - trái tim - được là một biểu tượng truyền đời, tôi cũng
không dám lạm dụng! Cụ thể là trong cả một tập thơ có tới 169 bài thơ tình,
dày tới hơn hai trăm trang in này, cũng chỉ có một bài (Ca dao trên tuyết) là
tôi dùng đến chữ “tim”! Duy nhất một chữ “tim”!
“Rất có thể ban đầu chỉ là sự đặt tên/ Người ta gọi cái này
là trái tim, cái kia là
khối óc.../ Thế rồi không hiểu sao, bằng đủ mọi lý luận trên đời, người ta bảo
cái này là sản phẩm của trái tim, cái kia là sản phẩm của khối óc/ Cứ như là
tim, óc ở... ngoài ta!”
Khi viết, nhất là khi viết thơ, tôi rất sợ những hình ảnh,
những biểu tượng quen thuộc, đã đành. Nhưng nhân đây, tôi cũng xin được phép
huỷ bỏ trong tôi những khái niệm có tính bày vẽ kinh viện, khi người ta cứ
thích vân vi chia ra thơ-hướng-nội, thơ-hướng-ngoại, thơ-trí-tuệ, thơ-xúc-cảm...
Làm gì mà lắm loại thơ như thế! “Tức cảnh sinh tình” thôi. Chia một tia chớp
ra làm nhiều khúc làm gì! Mà có chia được không chứ? Trong tiếng ta có chữ “nghĩ”
thiên về duy-lý. Có chữ “cảm” nghiêng về duy-cảm. Nhưng lại có chữ “ngẫm”.
Tôi thích cái chữ “ngẫm” này lắm, vì dường như nó bao hàm cả “nghĩ” và “cảm”.
Bạn thử “ngẫm” cùng tôi xem,
có đúng thế không nhỉ?
Cho người tôi thương nhớ, có người bảo cái đầu đề tập thơ
này hơi... quê, và cải lương nữa! Nhưng biết làm thế nào, khi thật lòng tôi
chỉ muốn viết rồi gửi cho những người như thế. Tôi có thể chọn một đầu đề
“mô-đéc” hơn, ví dụ như “cho người phe nước mắt”, vì nhớ thương thì hẳn là
nhiều nước mắt, nhưng những chữ đó có phải của tôi đâu. Của một ông Tây nào đấy
chứ! Mà tôi thì lại thuộc “phe” dùng chữ làm thơ, chứ không dùng thơ để
nói... chữ, khoe chữ! “Bắt chước cái hiện đại/ Quên phắt cái hiện thời/ Làm
sao thơ còn mãi/ Khi mãi còn chơi chơi”.
Lại còn có người bảo: thơ tình gì mà dùng đến “hai mươi
khúc đề từ” cho một tập? Người ta chê thế cũng phải, vì thông thường mỗi một
tập chỉ nên có một đề từ. Nhưng đây là thơ tình yêu, cái loại “tình ” này nó
chi phối rất nhiều... tình khác! Có khi nó là Giây lát , có lúc nó lại là Vô
biên. Xin bạn đừng cho tôi là tín đồ của Freud.
Vì thế ở loại thơ này mới có cái sự “thẩm định” trái khoáy đến mức:
“Có những câu thơ chỉ viết tặng em thôi/ Nhà phê bình đọc
xong bảo là thơ... chiến trận!/Lại có những câu thơ viết ngay trong
lửa đạn/ Tới tay em, em lại bảo thơ tình!” (trang 11).
Thế đấy! Có lúc nào bạn định bỏ văn xuôi để sang (hay lên?)
làm phê bình thẩm định thơ chưa?
- Trong một bài thơ anh viết: “Riêng cái chết của nhà thơ
không phải lúc nào cũng quá buồn đâu nhé /ấy là khi nhà thơ đã tự né mình đi
cho ánh sáng tràn vào/ Đầy trang sách. Không một dòng khuất lấp/ Bởi cái bóng
- nhà - thơ - thế - tục đã che đi!”
(Bài "Tiễn biệt nhà thơ"). Có phải đây là một trong những Tuyên
ngôn Thơ của Trần Ninh Hồ?
- Gọi là Tuyên ngôn Thơ hay tuyên ngôn gì thì cũng khí...
to tát! Khi viết những dòng ấy, tôi chỉ nghĩ một cách đơn giản là hình như
sau cái chết, con người bình đẳng hơn? Lúc ấy làm gì có thơ-tổng-thống hay
thơ-móc-cống! Thậm chí không còn có cả thơ mới hay cũ nữa, mà chỉ có hay hoặc
dở, đáng thờ hay không đáng thờ (Nguyễn Huy Lượng), đáng nhớ hay không đáng
nhớ (với thế gian) thôi.
Trong tập Thơ gửi cho Thơ in năm 1999 gồm 100 bài viết về
nghiệp thơ, tôi cũng thường viết nhiều những đoạn thơ như bạn vừa trích. Cũng
như gần đây tôi viết:
“Nơi nào anh cũng có mặt/ Sách, báo tên anh trang đầu/ Vậy
mà đời sao tệ bạc/ Không ai chịu nhớ anh lâu” (Nghịch lý 1)
Hay là:
“Cả thế gian bao la có thể/ Vào sống nhờ trong một câu thơ/
Nhưng khi một câu thơ lâm nạn/ Cả thế gian bao la không chỗ nương nhờ” (Nghịch
lý 2, tưởng niệm Cao Bá Quát Thánh Thán)...
Cũng chỉ là những “Tuyên ngôn... vặt” thôi!
- Anh được biết đến như một nhà thơ ào ạt đi trong trào lưu
thơ đương đại, vừa rất hào hoa trong ngôn cách, lại vừa dịu nhẹ trong tiết tấu;
hầu như không gây sốc cho độc giả yêu thơ, nhưng lại nằm sâu trong ký ức họ.
Vậy thế mạnh tiềm ẩn trong Trần Ninh Hồ là ở đâu, hay là ở một bí ẩn thiên bẩm
nào đó?
- Cảm ơn bạn có lời khen tặng. Nhưng trong đôi lời khen tặng
đó, tôi thích nhất câu: "hầu như không gây sốc cho độc giả yêu
thơ". Gây sốc được cho bạn đọc không phải dễ, không phải ai muốn cũng được.
Với tính nết tôi, tôi không làm được điều đó, đã đành! Mà thực tình tôi cũng
không muốn làm điều đó. Đấy có lẽ thuộc bản tính của những nhà ấn tượng chủ
nghĩa. Mà sốc, hình như là một trạng thái nguy hiểm, đang khiến nhiều nhà y học
phải đau đầu nghiên cứu cách chữa chạy, chống sốc!
Thế mạnh của tôi là “một bí ẩn thiên bẩm nào đó”ư? Vâng, có
chứ. Đấy chính là khi xác định được vị thế của thi ca, nghệ thuật là sẻ chia,
tâm sự, gợi mở... như tôi đã nói ở phần trên. Mà đã tâm sự với người ta thì
trước tiên phải thực thà. Bạn có thể chịu được một người bảo: rất muốn tâm sự
(sự từ trong tâm) với Võ Thị Xuân Hà. Mà lại cứ nói dối từ đầu đến cuối, dù
là lời nói có hoa mỹ, cách nói có cách tân đến mấy đi nữa?
Ai đó đã từng ví cảm hứng sáng tạo “như đột nhiên ta bước tới
Cửa Trời, và nhào vô Lòng Mẹ”. Cao rộng thế mà cũng gần gũi thế đấy.
- Nhưng nhiều bạn viết cho rằng độc giả yêu thơ Trần Ninh Hồ
dường như không thuộc nằm lòng bài thơ nào, mà họ chỉ biết đến một tổng thể
các bài thơ rất có duyên của anh. Anh nghĩ sao về nhận định này?
- Kể ra như thế thì cũng... đau! Thấy người ta đọc xuôi, rồi
đọc ngược Truyện Kiều dài đến 3.254 câu thơ của cụ Nguyễn Du; lại thấy người
ta ngân nga hết bài này sang bài khác của bác Nguyễn Bính; người ta véo von
hát bài kia sang bài nọ của một số những nhà thơ được phổ nhạc nào đó... thì
lại càng sốt ruột. Biết làm sao khi cái tạng mình, cái số mình chỉ được vào hạng
thoang thoảng nhớ?
Hay là đành tự an ủi theo lối hơi ngụy biện một chút, ví
như khối anh yêu say đắm hẳn hoi mà lại rất đau khổ khi không nhớ được mặt
người yêu vì “thấy em như thấy mặt trời/ chói chang khó ngó trao lời khó
trao”. Không nhớ cho nên mới phải lòng... mặt. “Gặp rồi lại nhớ là mình với
ta”! (Xuân Diệu)
Hay là đành lôi mấy cây cổ thụ như Chế Lan Viên với chùm
thơ “Tàu đến”, “ Tàu đi”, “ Cành phong lan biển”; Trần Mai Ninh với “ Nhớ
máu”, “ Tổ quốc”... hay đến đứt ruột mà không sao thuộc.
Ờ, lại còn mấy ông bậc thi hào, thi bá ở nước ngoài. Họ làm
gì có lục bát, song thất, ngữ ngôn... để cho mình dễ thuộc?
Thế thì đành chỉ dừng ở mức nhớ. Nhớ tứ, nhớ tình, nhớ cái
ý tưởng, cái tình huống nào đó rất đặc sắc, rất... thơ của các vị ấy chăng? Ừ,
không làm người ta thuộc được thì gắng mà làm người ta nhớ. Tất nhiên là nhớ
cái hay chứ đừng bắt họ nhớ cái... không hiểu được và cũng không cảm nổi, nhớ
cái... nhảm theo kiểu “Cố làm lạ câu thơ/ Lại tưởng là thơ lạ...”. Thơ vốn
“Không cần trò biến hoá/ Theo lối Tôn Ngộ Không/ Trước những câu thơ hay/
Vòng kim-cô tự gãy”(Trần Ninh Hồ).
- Anh có thuộc típ người “ ăn không ngon ngủ không yên” nếu
như mỗi ngày không nghĩ ra được một bài thơ hay chí ít... một câu thơ?
- Cứ bình quân 5 năm được một tập, tới nay tôi đã có 7 tập
thơ. Cũng không đếm có bao nhiêu bài, vì với văn chương, con số có lẽ không
nói được gì nhiều. Hiện không ít người mắc bệnh... viết! Cứ mỗi ngày không
vài chục trang computer hay không vài câu thơ vần điệu thì “ăn không ngon”.
Khổ thế!
- Vẫn thấy anh kỳ cạch đạp xe hàng chiều để đến những chốn “quan
-trường-bia-nhậu-chữ”. Vậy cái bụng - chữ của anh liệu sắp tới sẽ cho ra đời
những đứa con tinh thần ra sao?
- Đây là lúc tôi đang chuẩn bị trong đầu kế hoạch sưu tầm,
biên soạn, nói đơn giản là nhặt nhạnh lại trên hàng nghìn trang báo đủ các kiểu
viết, xem có gì đáng in thành sách.
Chốn “quan-trường-bia-nhậu-chữ”? Ô, những chốn ấy là nơi
kích thích sức sáng tạo của nhiều tạng thơ. Nhưng hiện nay tôi chưa có tác phẩm
mới nào đang phôi thai cả.
Trưa hôm kia tôi vừa bị một ông bạn viết nhã nhặn mời ra khỏi
nhà vì cái tội trà rượu hơi lâu khiến ông cáu: “Ám quá! Mọi hôm cứ nắng ra ba
hàng gạch là đã xong một hai bài lục bát. Vậy mà hôm nay, ngọ rồi vẫn chưa được
dòng nào. Ám quá!”.
Tôi đành tợp nốt chén rượu rồi lủi thủi đi. Thương thay
Nàng Thơ! Thương thay tôi! Nhưng đến ám làm vỡ “kế hoạch sáng tác” của người
ta, đuổi là phải!
Hà Nội, 2005
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét