Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

Mùa hoa ô môi, rung động thuở đầu đời

Mùa hoa ô môi, rung động thuở đầu đời
 Theo cánh tay chỉ của Hà tôi ngạc nhiên đến bàng hoàng khi lần đầu tiên nhìn thấy màu hoa hồng tím rực rỡ  nở rộ trên cây ô môi ở đầu vàm sông mà Hà nói đó là nhà ngoại của Hà. Cả một cây toàn hoa là hoa, đứng ở xa nó như một cây nấm hồng khổng lồ giữa một màu xanh của dừa, cam và những cây ăn trái khác. Ngày nhỏ tôi chỉ biết ô môi qua những khúc trái ô môi được người bán hàng trong xóm bày trên sạp hàng xen kẻ lủ khủ với bánh kẹo cốc ổi hay trong những cái mẹt của những người bán hàng rong trước cổng trường. Trái ô môi giống như cây gậy đen dài, thô cứng cong cong. Người bán mua về chặt thành từng khúc chừng một gang tay, chỉ cần một đồng bạc là học trò nhỏ chúng tôi sẽ là chủ nhân của những khúc ô môi đó. Muốn ăn phải róc vỏ cứng hai bên đường gân của quả rồi dùng tay ép hai bên đường gân qua lại cho nó xệu xạo đi rồi mới lấy từng múi ô môi tròn tròn đen lánh nhựa bỏ vào miệng nhai một cách ngon lành, nếu người nào mới ăn ô môi lần đầu tiên sẽ không cảm nhận được cái ngon của nó  vì mùi vị ngòn ngọt nhưng hơi hăng hắc, cay nồng còn đối với tuổi thơ chúng tôi đó là món quà dân dã mà học trò chúng tôi rất ưa thích. Tôi không ngờ quả ô môi xấu xí, đen đúa như thế mà hoa của nó lại đẹp, quyến rũ vô cùng.
      Tôi và Hà học chung với nhau ở trường trung học tư thục TV nằm trên đường Phan Đình Phùng. Thuở ấy học sinh thi rớt vào đệ thất (lớp 6 bây giờ) trường công lập học sinh phải ra trường tư học. Hiệu trưởng trường TV nơi tôi và Hà học là một vị linh mục công giáo đâu ở tận Sài Gòn, năm khi mười họa mới thấy ông có mặt ở trường, người điều hành trực tiếp là ông giám học S, lùn tịt, đầu hói chạy chiếc xe 67 sơn màu đỏ, mỗi lần ông nầy lên xuống chiếc honda đó là học sinh chúng tôi quay mặt nhìn nhau cười vì  như đang trông thấy một hình ảnh ngộ nghỉnh quá giống như ông đang đánh vật với chiếc xe gắn máy đó vậy. Lớp đệ nhị A1 tôi năm ấy rất đông học sinh gần 60 mạng chứ ít sao, mà thành phần cũng rất hỗn tạp. Để tránh việc mất tập trung trong giờ học tôi chọn dãy bàn đầu gần bảng vì thế tôi và Hà ngồi chung bàn với nhau. Hà không phải người thành phố mà nhà ở tận vàm Thới An Ô Môn, vì ở huyện không có trường cấp 3 nên Hà được cha mẹ cho xuống  nhà bà ngoại ở thành phố học. Nhà ngoại Hà cách thành phố gần 4 cây số qua cầu Đầu Sấu nên mỗi ngày Hà phải đón xe lam đến trường. Ngày bình thường thì không nói làm gì, cực nhất là những ngày mưa dầm và những ngày đổi tiết học bù vào buổi chiều. Vì là trường tư nên số giáo viên cơ hữu rất ít, đội ngũ giáo viên thường là giáo viên công lập được mời dạy thêm và có đôi ba ông sĩ quan có bằng cấp xin dạy thêm giờ nên mỗi lần họ bận công tác là chúng tôi bị bắt học bù vào buổi chiều, vì nhà xa nên buổi trưa Hà phải ở lại trường đợi học xong mấy tiết buổi chiều rồi mới đón xe lam về. Hà  lớn hơn tôi hai tuổi, có mái tóc rất đẹp, dài mịn xõa chấm vai, bọn con trai trong lớp tôi nhiều đứa mê mái tóc đó đặt tên là tóc hoàng kim vì nó không đen nhánh mà ửng một màu vàng rất đẹp. Hà giỏi toán còn tôi lại giỏi văn do đó chúng tôi thường trao đổi, giúp đở nhau trong học tập rất ăn ý. Mỗi lần học buổi chiều thường Hà thường rũ tôi ở lại trường cho vui. Mỗi lần như thế Hà rất chu đáo, đem cơm theo sẵn để tôi cùng ăn chung. Sau khi ăn xong chúng tôi  tìm một góc yên tỉnh để ôn bài vì năm nay là năm chúng tôi thi tú tài một nên bài vở rất nhiều, có người học chung lại có dịp trao đổi với nhau nên chúng tôi học, hiểu bài rất nhanh. Hà thường nói với tôi về ước mơ tương lai của cô sau nầy sẽ thi vào trường sư phạm trở thành cô giáo dạy học cho mấy đứa nhỏ ở quê nhà vì chiến tranh mà nhiều đứa thất học rất tội nghiệp. Ước mơ của Hà thật bình thường giản dị như bao cô gái vùng quê khác.
    Một ngày tháng tư gần cuối năm học, đột nhiên Hà rủ tôi về nhà bà ngoại chơi, tôi cũng háo hức muốn biết nhà ngoại của Hà như thế nào nên đồng ý ngay. Thế là sau buổi học ngày thứ bảy tôi lấy xe đạp chở Hà về nhà. Qua khỏi cầu Đầu Sấu chúng tôi xuống xe dẫn bộ đi dọc theo con sông, qua mấy cây cầu dừa được một khoảng khá xa, Hà chỉ cho tôi thấy nhà ngoại nằm dưới bóng cây ô môi rực hoa hồng tím ấy.
       Hôm ấy tôi được ngoại Hà đãi cho một bửa cơm canh chua cá lóc bông súng và cá rô kho tộ thật ngon, tôi cũng góp sức bằng cách lội xuống ao ngắt những cọng bông súng to ụ để nấu canh. Ăn cơm xong tôi và Hà ra ngoài bờ sông dưới gốc cây ô môi để ngắm cảnh, nói chuyện học hành với nhau. Thấy tôi chăm chú nhìn lên cây ô môi đang mùa trổ bông, Hà giải thích cho tôi biết cây ô môi mỗi năm chỉ trổ hoa một lần vào khoảng cuối xuân, đặc biệt trước khi bắt đầu kết nụ, cây ô môi rụng hết lá rồi mới bắt đầu trổ bông, bông trổ trên những cành dài mấy sải tay nhìn giống như hoa đào. Bông ô môi hồng thắm, chỉ lớn bằng gấp đôi hoa khế nhưng khi trổ dày đặc, oằn trĩu cả thân cành. Chỉ cần qua một đêm, những cành cây khẳng khiu xấu xí của ô môi như bỗng thức dậy với những chùm bông hồng tím rực rỡ đến lạ kỳ. Hà nói hoa ô môi đẹp lắm, nó được nhiều người ví như hoa đào phương Nam, nó đẹp quyến rũ một cách lạ lùng, nhất là những ngày nắng vàng tươi, những chùm hoa ô môi khoe sắc lung linh trong gió, óng mượt như tơ. Mùa hoa ô môi có thể kéo dài cả tháng, những cánh hoa khi nở xong lần lượt lìa cành, nhuộm đỏ cả sân vườn, dòng kênh. Ô Môi bắt đầu kết trái mãi đến tận mùa hè năm sau mới có thể thu hoạch được.
          Hà cúi xuống đất nhặt một cánh hoa ô môi đưa cho tôi nói:
        - Bình cài lên tóc của Hà đi.
         Hà thường xưng hô bằng tên với tôi như vậy. Tôi cầm lấy cánh hoa cài nhẹ lên mái tóc của Hà, cô hỏi tôi:
        - Bình thấy Hà thế nào?
       Tôi hơi bối rối:
       - Chị đẹp lắm, trong lớp nhiều anh thích chị lắm chị biết không?
        Đột nhiên Hà cầm lấy tay tôi, run rẩy:
       -   Còn Bình có thích Hà không?
       Mặt tôi đỏ lên, lần đầu tiên được người con gái cầm tay, lại hỏi mình có thích cô ấy hay không, một sự rung động nhẹ nhàng len vào lòng mình một cảm giác êm dịu khó tả, tôi nói nhỏ:
       - Sao chị hỏi như vậy? không thích sao mình làm bạn với nhau bấy lâu nay?
        Hà nhìn tôi hơi buồn, rồi buông tay tôi ra, nhìn ra bờ sông. Vài cánh hoa ô môi rơi rụng xuống dòng sông trôi dật dờ trên mặt nước, nói bâng quơ:
      - Sợ sau nầy Bình không còn thích Hà nữa.
       Tôi lặng im không nói cũng nhìn ra bờ sông, không phải tôi không biết Hà có nhiều tình cảm đối với tôi, nhưng từ lâu tôi đã vạch một hướng đi riêng cho mình. Ánh sáng của thành phố Sài Gòn lúc bấy giờ đang hấp dẫn đối với tôi, tôi như con thiêu thân muốn bay về đó bằng bất cứ giá nào. Tôi phải lên đó học tập và thực hiện những ước mơ hoài bảo của mình. Tôi không thể ở lại vùng quê nhỏ bé cùng Hà thực hiện ước mơ bình thường giản dị của cô  nhưng tôi không dám nói dự định của mình sợ làm Hà buồn, thôi đành vậy cứ để thời gian qua đi. Mọi việc sẽ được giải quyết thôi mà.          Sau mùa thi tú tài năm ấy, có kết quả xong Hạ nộp đơn thi vào trường sư phạm Vĩnh Long để thực hiện mơ ước làm giáo viên mà mình ấp ủ từ bấy lâu nay, còn tôi thì lên Sài Gòn tiếp tục học để thực hiện  những ước mơ xa vời viễn vông của mình. Lúc ấy ở miền Tây muốn làm giáo viên dạy tiểu học, thí sinh đều phải qua Vĩnh Long để thi vào trường sư phạm. Vì nhà xa nên Hà xin vào ở nội trú trong trường luôn, vài tuần hay một hai tháng Hà mới về Cần Thơ thăm ngoại hay về Ô Môn thăm gia đình, tôi và Hà gần như không còn có dịp gặp nhau, chúng tôi chỉ còn thăm hỏi nhau qua thư từ, những lời hỏi thăm, động viên nhau trong học tập, đôi lần Hà hỏi bâng quơ tôi có bạn gái chưa tôi chỉ trả lời ởm ờ rằng chuyện đó còn xa xôi quá tôi chưa nghĩ tới, rồi tôi cũng hỏi Hà câu đại để như thế nhưng trong thư trả lời sau đó Hà không nhắc tới, lời trong thư có vẻ hơi buồn. Rồi thư từ giữa chúng tôi mỗi ngày cũng một thưa dần, thưa dần.
      Lần cuối tôi nhận được thư của Hà, cô báo tin là đã ra trường gần một năm, xin về quê nhà ở Ô Môn để dạy, cô cũng cho hay bà ngoại cô, người mà cô thương yêu rất mực đã mất tròn một năm rồi, ngôi nhà cũ với khu vườn nhỏ không người trông coi đã được sang cho người quen và quan trọng hơn hết là Hà báo tin sắp lập gia đình với một giáo viên cùng trường, anh là người ở xa nhưng vì thương Hà nên đồng ý đổi về quê Hà cùng dạy chung, nếu tôi thời gian đó có rảnh về quê Hà dự đám cưới cho vui và trong thư Hà cũng mong muốn tôi sẽ tìm được người mà mình yêu thương, tôi trả lời lại với Hà rằng tôi rất vui khi cô tìm được một nửa của mình, hạnh phúc bên người chồng yêu thương cô  hứa  sẽ cố sắp xếp việc học hành để về dự nhưng trong thâm tâm tôi lại do dự không muốn về. Một cảm giác buồn buồn như đánh mất một thứ gì đó thật sự lúc bấy giờ tôi nghĩ mãi vẫn không ra, trong tâm trí tôi lại hiện ra hình ảnh cây ô môi bên bờ sông Đầu Sấu nhà ngoại của Hà, cái cây ô môi  mọc ve ra ngoài mé sông đến cuối xuân là bắt đầu rụng hết lá để bắt đầu cho một mùa hoa mới với những chùm hoa hồng phớt rực rỡ đứng mãi đằng xa vẫn có thể trông thấy màu hoa tươi tắn đến nao lòng của nó, những cánh hoa ô môi chỉ sau một đêm nở bung hết mình một cách mạnh mẽ nhưng cũng rất thầm lặng, lặng lẽ nở rồi từng cánh cũng lặng lẽ rơi trôi theo dòng nước ra sông cái và không biết sẽ trôi về đâu không ai biết nữa. Dưới gốc cây ô môi ngày ấy có một người con gái có mái tóc hoàng kim dịu mềm hỏi một thằng con trai vừa lớn râu mới lún phún lông tơ xem có thích cô ấy không và thằng con trai ấy trái tim bắt đầu biết xao xuyến, rung động  nhưng  đã tự kiềm chế vì không muốn dừng lại ở một ước mơ bình dị của cô gái đã lặng lẽ rời xa . Sau nầy lớn lên trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống tôi, những đắng cay đổ vỡ trong tình cảm tôi mới hiểu được cái cảm giác buồn buồn khi được Hà báo tin sắp lập gia đình, đó là sự mất mác một thứ tình yêu hồn nhiên ngây thơ của tuổi học trò, sự rung động đầu đời đã qua đi và nếu ta không biết giữ lấy nó sẽ không bao giờ trở lại lần thứ hai trong cuộc đời mình nữa.     
       Bỗng nhiên tôi lại nhớ bài ca vọng cổ của sọan giả Viễn Châu về hoa ô môi nghe buồn tha thiết:
“…Ô môi rụng cánh ngoài sân
Mấy mùa hoa nở mấy năm đợi chờ
Ô môi rụng cánh tơi bời
Chuông tắt lâu rồi, tôi còn đứng đợi ai?”
Nguyễn An Bình


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...