Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

Nghệ thuật khắc họa nhân vật trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

Nghệ thuật khắc họa nhân vật trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh
Nghệ thuật xây dựng nhân vật là một yếu tố tạo nên nét riêng biệt của các tác giả cùng một thời về thể loại truyện ngắn. Bởi vì, nhắc đến nhân vật văn học là đang nói đến con người được miêu tả, thể hiện trong tác phẩm bằng những phương tiện văn học. Trong các tác phẩm văn học, đặc biệt là truyện ngắn, xây dựng nhân vật là điều rất quan trọng mà nhà văn phải quan tâm.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống văn chương, Phan Thị Vàng Anh được thừa hưởng cái tinh hoa của nghệ thuật trong người bố là nhà thơ Chế Lan Viên,  cùng với sự đam mê của chính bản thân cô, đã làm nên những cái mới lạ mà nhiều người không may mắn có được. Trong dòng văn học đương đại, Phan Thị Vàng Anh nổi lên như một “cơn gió lạ”. Tuy số lượng tác phẩm không nhiều nhưng truyện ngắn của cô để lại những ấn tượng trong lòng bạn đọc, đặc biệt là cách xây dựng nhân vật khá đặc biệt, góp phần tạonên cái khác biệt trong truyện ngắn của mình với các nhà văn trẻ cùng thời.
Có thể khẳng định một điều rằng, nghệ thuật xây dựng nhân vật là một yếu tố tạo nên nét riêng biệt của các tác giả cùng một thời về thể loại truyện ngắn. Bởi vì nhắc đến nhân vật văn học là đang nói đến con người được miêu tả, thể hiện trong tác phẩm bằng những phương tiện văn học. Trong các tác phẩm văn học, đặc biệt là truyện ngắn, xây dựng nhân vật là điều rất quan trọng mà nhà văn phải quan tâm. Văn học tái hiện cuộc sống thông qua những chủ thể nhất định theo mỗi ý đồ của tác giả. Nhân vật không chỉ thể hiện chủ đề, tư tưởng của tác phẩm mà còn thể hiện quan điểm về người và cuộc sống của nhà văn trong thời kì nhất định. Thành công của truyện ngắn phụ thuộc rất nhiều vào việc xây dựng nhân vật.
Trước hết, xin điểm qua những nét chính về nội dung truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh. Nội dung truyện của Vàng Anh xoay quanh những bế tắc trong cuộc sống của những người trẻ tuổi với những tình yêu dang dở, những cuộc tình tay ba, những cuộc tình tuổi tác không cân xứng hay đơn giản là những thứ tình cảm đời thường như tình cảm thầy trò, tình cảm bạn bè cùng với các mối quan hệ đầy mâu thuẫn và khó giải quyết. Hầu hết nhân vật của Vàng Anh thường có một cuộc sống bế tắc, mâu thuẫn tâm lí, những điều đó không phải do ai ép buộc mà chỉnh bản thân nhân vật trói mình vào hoàn cảnh đó, để rồi không thể cựa quậy được trong cái vòng luẩn quẩn mãi không một lối ra. Các cô gái trẻ trong truyện luôn chấp nhận thiệt thòi, chấp nhận là người đến sau để đến với những người đàn ông đã có vợ, những người đàn ông miệng luôn ngọt ngào nhưng sẽ không bao giờ rời bỏ gia đình để theo nhân tình, cho dù tình yêu bên nhân tình có như thế nào đi chăng nữa.
Và thật xót xa cho các nhân vật chính khi người đàn ông mà các cô dành trọn đời hiến dâng lại không vì các cô. Bên các cô vẫn ngọt ngào, ân ái trong khi ở nhà, vợ của anh vẫn cứ cho “con của anh lần lượt ra đời”. Những mảng màu trong cuộc sống hiện lên dưới ngòi bút của Vàng Anh rất chân thực, dễ hình dung, đi vào lòng người một cách sâu sắc, đầy ấn tượng.
Trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh, nhân vật nữ chiếm số đông. Bởi lẽ, phụ nữ có thể thể hiện phong phú những số phận, những cảnh đời. Tình yêu và các cung bậc trạng thái của nó từ những rung động ban đầu cho đến tình yêu đích thực đều được thể hiện một cách tinh tế, gợi cảm; vừa quyết liệt, vừa nồng nàn đằm thắm của cây bút trẻ tuổi này.
Khác với các nhà văn trong dòng học Trung đại khắc họa nhân vật của mình bằng các chi tiết tượng trưng ước lệ thì ở dòng văn học đương đại, Phan Thị Vàng Anh chủ yếu sử dụng những chi tiết chân thực, cụ thể để khắc họa ngoại hình nhân vật.  Bằng ngòi bút tinh tế, tác giả đã miêu tả nhân vật của mình chủ yếu là các cô gái thôn quê đơn giản, không ăn chơi nhưng lại rất nổi bật, không cũ kĩ hay quá nhàm chán đối với người đọc. Ngoại hình một cô gái tuổi đôi mươi biết yêu nhưng cũng hay ngại ngùng trong cái việc trau chuốt. Nhân vật Xuyên trong truyện “Khi người ta trẻ” ăn mặc rất lố:
“Cô mặc một cái quần rộng thùng thình, diện cái áo màu rêu và cái đầu bụi đời không chải chuốt… Cô cười một cái cười xanh xao, đôi mắt u ám chợt trở nên buồn và trong veo kỳ lạ”.
Tác giả sử dụng những hình ảnh rất đỗi quen thuộc dễ dàng có thể kiếm tìm ở đâu đó ở con người. Từ ngữ gần gũi không hề xa lạ đối với  họ trong cái cách cô miêu tả bề ngoài của các nhân vật mà vẫn làm nổi bật được đặc điểm riêng của nhân vật:
“Vài anh nhỏ thó, tóc dài chấm ót, mặc những cái áo in hình đen trắng rằn rợ, vạt bầu nhọn lê thê... thoăn thoắt dựng sạp, mắc điện đèn, thỉnh thoảng quay lại cười đáp lễ mấy đứa con gái mặc đồ bộ, ngoài phủ sơ mi dài tay, mặt lọt thỏm trong nón lá, đi cắt cỏ ngang, đùa ẽo uột: "Con số gì đây, số gì đây...” (Hội chợ).
Tác giả miêu tả nhân vật bằng những từ láy “rằn rợ”, “lê thê” tạo nên cái cảm giác rất rườm rà nhưng lại “thoăn thoắt” làm tan biến cái “rườm rà” đó và tạo cảm giác rất nhanh nhạy và nhí nhảnh của lứa tuổi mới lớn. Những cô cậu đã biết trêu đùa nhau, chọc ghẹo nhau cũng được tác giả nhắc đến làm điểm nhấn cho cái lứa tuổi hồn nhiên đáng yêu đó: “Thỉnh thoảng quay lại cười đáp lễ mấy đứa con gái” thật ngộ nghĩnh. Những cô gái rất đáng yêu được khắc họa một cách tài tình chỉ qua vài nét: “Mấy đứa con gái với những bộ đồ láng lẩy, tóc kẹp nhổng toàn nơ to” trông cũng rất điệu đà và biết làm dáng.
Ngoài cái cách sử dụng những từ ngữ quen thuộc để khắc họa nhân vật thì tác giả còn biết nhấn vào cái sở thích của các cô gái tuổi mới lớn để nhân vật được hiện lên rõ rệt và sinh động hơn: “Hai đứa vào hàng tạp hoá, xin coi mấy loại sổ tay, rồi cuối cùng, cả hai cùng reo lên hoan hỉ khi thấy lần đầu tiên ở cái chợ quê chuyên bán rau này xuất hiện một loại sổ tay kiểu cách, giấy ca rô trắng muốt, cứ vài trang lại in một cụm hoa cỏ, màu có lem luốc một tí nhưng thế là văn minh lắm rồi, văn minh không ngờ” (Hội chợ).     Tác giả miêu tả cụ thể cái thời mà còn chép sổ, viết nhật kí, viết bài hát của tuổi học trò mơ mộng. Mỗi nhân vật đều được khắc họa một cách tự nhiên, nó có cái gì đó về sắc thái giống nhau ở mỗi nhân vật, nhưng cũng xó những cái khác biệt. Nhân vật đều trải qua cái gọi là tình yêu say đắm, nhưng ở Thảo trong tác phẩm Hội chợ thì vẫn có chút vô tư hồn nhiên, nhí nhảnh mặc dù cuối cùng cái mà cô chờ đợi nó không đến. Còn ở Xuyên trong “Khi người ta trẻ” thì lại ngông nghênh, khó hiểu. Cả con người Xuyên được tác giả chú ý một cách kĩ càng không bỏ sót một điều gì, là học trò biết yêu đương mà chẳng mấy khi cô chăm chút ngoại hình của mình lấy một chút, rất ngộ và xuềnh xoàng.
Nhà văn đã miêu tả rất độc đáo, khắc họa ngoại hình nhân vật bằng các chi tiết ngắn gọn mà vẫn cô đọng và in đậm nét từng nhân vật: “Ngày nào chú Tảo cũng mặc cái quần soọc đen lưng lửng, áo may-ô thủng lỗ chỗ, đầu đội cái nón kết đỏ” (Hoa muộn). Đơn giản với những chi tiết mà cuộc sống sinh hoạt người ta vẫn dùng mà toát lên một hình tượng văn học có một ngoại hình chẳng lẫn vào của ai được. Phải nói rằng, tác giả đã biến những cái nhìn như xa xôi thành cái gần gũi ngay trước mắt mà không hề gây cảm giác nhàm chán cho độc giả. Qua cách miêu tả: “Cậu học trò ngồi dãy giữa, bàn hai, chỉ cần năm phút sau khi tiết một bắt đầu là dép đi đằng dép, chân đi đằng chân. Em nhỏ thó, tóc mỗi tháng mỗi kiểu, có lẽ do bố em không chủ động được tay kéo. Mỗi sáng, em được bố chở đến trường, có bữa là mẹ em. Mẹ em đẹp người. Em giống mẹ, em nhỏ thó, tóc cắt thật cao kiểu để dùng một lần cho mấy tháng, cứ đi một quãng lại xốc ba lô lên”  (Học trò cưng) là đã thấy được tài năng quan sát của tác giả đối với cậu học trò nhỏ một cách tỉ mỉ, chi tiết mà rất chân thật. Nhà văn đã quan sát từng chi tiết nhỏ gắn bó với nhân vật để khắc họa được ngoại hình độc đáo của em qua từng thời gian. Không những thế mà còn thể hiện một tình cảm đặc biệt của chính nhà văn với nhân vật nhỏ đáng yêu này.
Phan Thị Vàng Anh còn thể hiện sự độc đáo trong xây dựng ngoại hình nhân vật thông qua việc đặt tên. Ở đây, tác giả không đi vào miêu tả trực tiếp ngoại hình xinh như thế nào, thướt tha như thế nào, hay khổ như thế nào mà vẫn làm cho nhân vật của mình hiện lên rõ ràng. Chỉ với cách đặt tên cho nhân vật thôi cũng đã khắc họa được một người nông dân khổ sở, bị chèn ép đến không còn một  lối ra, vật vã với cuộc sống hằng ngày, bon chen với thực tại khó thở. Lão Khổ trong truyện “Lũ vịt trời” là một minh chứng. Điều này cũng là cái làm cho Phan Thị Vàng Anh có sự khác biệt so với các nhà văn khác, đó chính là thông qua hoạt động, lời nói, cử chỉ để làm nổi bật nhân vật của mình.
Như vậy, có thể thấy rằng, miêu tả ngoại hình nhân vật cũng là một cách Vàng Anh dùng để làm nổi nhân vật của mình. Đồng thời, ngoại hình đó cũng gắn chặt với một cá tính, một tính cách riêng biệt của nhân vật.
Miêu tả càng kĩ hay có những điểm lạ thì càng khắc họa rõ nhân vật bấy nhiêu và nó đi kèm là tính cách nổi trội của nhân vật đó: ăn mặc theo kiểu đầu gấu không chải chuốt hay quan tâm đến hình thức thì tính cách cũng rất ngông nghênh, ăn nói thoải mái; ăn mặc giản dị thì hiền lành, nhẹ nhàng, được mọi người yêu mến… Điều này cho ta thấy, miêu tả ngoại hình thành công hay không ảnh hưởng rất lớn đến việc khắc họa tính cách nhân vật. Phan Thị Vàng Anh đã khôn khéo lựa chọn những gì phù hợp, gắn bó đi liền với nhau để xây dựng nên những nhân vật điển hình cho riêng mình.
     Qua phân tích, chúng ta có thể nói rằng, Phan Thị Vàng Anh là một cây bút trẻ và có sự sáng tạo cao. Cô đã không ngừng đổi mới nghệ thuật viết truyện của mình, đem đến cho người đọc một cảm giác mới mẻ, không nhàm chán. Truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh mang tính hàm súc, nhiều nghĩa ẩn, mang hơi thở của sự sống; thể hiện cái thật trong cuộc sống hằng ngày, cái thật trong tâm lí con người, trong mọi hoàn cảnh khiến độc giả luôn muốn tìm tòi, khám phá.
Tài liệu tham khảo
[1] Phan Thị Vàng Anh, Truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh, NXB Trẻ
[2] Hồ Thế Hà, Đặc sắc truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh, Báo Quân đội nhân dân.
[3] Trần Ngọc Hiếu, Khi người ta trẻ - Hai mươi năm sau, Tap chi Sông Hương, ngày 12/02/2014
[4] Thái Phan Vàng Anh, Ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn đương đại Việt Nam.
 [5] Tuyết Ngân (2001), Phan Thị Vàng Anh và Trần Thanh Hà hai phong cách truyện ngắn trẻ.
 [6] Xuân Viên, Chờ Phan Thị Vàng Anh, NXB Văn hóa Nghệ thuật
Các trang wesite:
- http://baomuahe2011.vnweblogs.com.
- vuongdangbi.blogspot.com
 Theo http://ppe.htu.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Huy Thiệp - Con sông vẫn "Thao thiết" chảy

Nguyễn Huy Thiệp - Con sông vẫn "Thao thiết" chảy Cuốn Anh hùng còn chi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa được NXB Hội Nhà văn ph...