Câu
văn tạo chất thơ, chất cổ tích trong
truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
Trên tinh thần cách tân, đổi mới, Nguyễn Huy Thiệp đã sử dụng
một cách tối đa ngôn ngữ và ngữ pháp câu cú để biểu đạt một cách cao nhất ý tưởng,
tình cảm của mình. Chính vì sự mới mẻ ấy mà từ khi xuất hiện đến nay, Nguyễn
Huy Thiệp đã tạo nên một làn sóng dư luận xôn xao nhất cho sự vận động của văn
học đương đại.
Đọc truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, ai cũng nhận thấy bức tranh
đời sống mà tác giả vẽ ra rất trần trụi, thậm chí thô ráp bởi cái xấu, cái ác
được phô bày. Hệ từ vựng thông tục, lẫn thô tục áp đảo; giọng lạnh lùng, khách
quan với giọng châm biếm, giễu nhại là giọng điệu nổi bật trong ngòi bút của
nhà văn. Nhưng ở góc độ tư duy nghệ thuật, ngòi bút tự sự của Nguyễn Huy Thiệp
lại có sự chi phối của tư duy thơ, tư duy cổ tích. Điều này được nhận thấy qua
sự lặp lại đều đặn của các câu văn.
Những ngọn gió Hua Tát là truyện giả cổ tích, không những biểu
hiện qua nội dung phản ánh mà còn qua hình thức lặp lại câu văn trong cổ tích.
Câu chuyện Tiệc xòe vui nhất có sự lặp lại cùng cấu trúc và nội dung câu
văn:
Đoạn 1:
“Hặc nói với mọi người:
- Trung thực là đức tính đáng quý và khó kiếm nhất!
- Cứ chứng minh xem! Mọi người bảo chàng. Hặc trả lời”. Qua
đó ta thấy câu “tôi là người có đức tính ấy” (2 lần), “cứ chứng minh xem” (3 lần).
Đoạn 2:
“E trả lời:
- Đúng thế, thưa cha!
Chàng trai đã chứng minh được đức tính dũng cảm của mình...đức tính thật là
đáng quý...Nhưng thưa cha, đức tính ấy đáng quý nhưng chắc không khó kiếm vì mới
từ sáng đến chiều chàng đã chứng minh được nó...”. “E trả lời:
- Thưa cha, chàng trai cũng đã chứng minh được đức tính đáng quý của mình.
Nhưng thưa cha, đức tính ấy đáng quý nhưng chắc cũng không khó kiếm vì mới từ
sáng đến chiều, chàng lại chứng minh được nó...” Ở đây câu “Nhưng thưa cha, đức
tính ấy đáng quý nhưng chắc cũng không khó kiếm vì mới từ sáng đến chiều, chàng
đã chứng minh được nó…” (2 lần).
Chưa dừng
lại ở đó, trong truyện Con gái thủy thần, kết thúc mỗi truyện đều có sự lặp lại
các câu văn: “Sông chảy ra biển. Biển rông vô cùng. Tôi chưa biết biển… Mà tôi
sống nữa cuộc đời rồi đấy. Chỉ vài năm nữa đến năm 2000.” Sự lặp lại này có sức
ám ảnh người đọc. Nhân vật Chương như một chàng ngốc tìm kiếm cái đẹp tuyệt đối
– Con gái thủy thần – Biển. Biển trở thành biểu tượng về nhu cầu sống của con
người, về cái đẹp tuyệt đối. Và hành trình tìm kiếm cái lẽ sống của con người
trở thành vô vọng trong sự lặp lại câu văn. Dựa trên nguyên lí lặp lại của thơ,
truyện ngắn Mưa, tác giả lặp lại hình thức câu văn kể để tạo khoảng lặng cần
thiết trong cuộc đối thoại không dứt giữa hai nhân vật nữ: “Họ lại ngồi im lặng.
Nghe rõ tiếng mưa rơi” (3 lần); “Nghe rõ tiếng mưa rơi” (8 lần).
Giống như sự lặp lại ý thơ trong các khổ thơ ở một bài thơ,
hình thức câu văn được lặp lại gây ấn tượng sâu sắc cho độc giả. Nó là cánh cửa
để bước vào khám phá những bí ẩn bên trong của tác phẩm. Có được tính nhạc, chất
thơ, chất cổ tích chủ yếu là do cấu trúc câu đơn giản – câu đơn cấu tạo
nên. Dựa trên phương thức lặp lại câu của thơ, cổ tích để xây dựng lời văn nghệ
thuật, Nguyễn Huy Thiệp đã tạo nhịp điệu, tính nhạc trong truyện ngắn. Câu văn
được lặp lại ấy trở thành một dòng chủ âm cho trong tác phẩm. Đây là một điều rất
đặc biệt trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp.
Ngoài ra, câu văn trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp mang
hình thức thơ. Nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng Mạnh nhận xét: “Từ những trang
văn xuôi ngổn ngang bề
bộn, thậm chí còn xô bồ, tục tĩu và đầy khinh bạc của Nguyễn Huy Thiệp nhiều
khi thấy vút lên những tứ thơ thật trong trẻo, những âm điệu thật thiết tha. Và
bao giờ cũng mênh mang buồn. Buồn thương xót xa vẫn là âm hưởng bao trùm lên mọi
trang viết của Nguyễn Huy Thiệp.”[2; 78]. Đỗ Đức Hiểu cũng cho rằng: “Giá có ai
tập hợp tất cả các câu thơ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, chúng ta sẽ có một
“tập” thơ Nguyễn Huy Thiệp. Những câu thơ không vần ấy vừa gợi mở vừa đóng kín,
nó bí ẩn và tiên tri, người đọc nghĩ đến những chân trời khác.”[2; 486]. Yếu tố
thơ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp như là một thủ pháp nghệ thuật mà nhà
thơ chủ ý xây dựng hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm của mình. Qua thống kê,
chúng tôi nhận thấy 37/42 truyện trong tập truyện Như những ngọn gió đều
có thơ. Có thể thấy rằng, việc đưa chất trữ tình vào mạch tự sự, Nguyễn
Huy Thiệp có ý thức rất rõ về sức mạnh của ngôn từ.
Đặc biệt ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ cô đúc giàu sức biểu cảm;
mang tính hình tượng và biểu tượng. Ngôn từ trong từng câu thơ có chức năng tạo
nghĩa và tạo hình. Nó được thể hiện qua yếu tố thanh điệu, vần và nhịp điệu… .
Đồng thời cũng sử dụng chủ yếu là cấu trúc của câu đơn bình thường, và
câu đơn đặc biệt, góp phần tạo ra tiết tấu của cuộc sống; biểu đạt quan niệm,
cách nhìn của tác giả. Hình thức thơ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp vừa là
phát ngôn của nhân vật với tư cách là người kể chuyện, đồng thời là phát ngôn của
tác giả. Phát ngôn này có thể tách khỏi cốt truyện tạo thành một chỉnh thể nghệ
thuật trữ tình. Độc giả có cơ hội sở hữu phát ngôn đó như sở hữu một tác phẩm
trữ tình độc lập (như một bài ca dao, một bài thơ mới…).
Yếu tố thơ xuất hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau. Các truyện Con gái thủy thần,
Những người thợ xẻ, Chút thoáng Xuân Hương, Nguyễn Thị Lộ, Cánh buôm nâu thuở ấy…
dưới tên truyện đều có những tứ thơ gieo vào lòng người tâm trạng bâng
khuâng.Chẳng hạn, trong truyện Con gái thủy thần (truyện thứ nhất):
“Cái tình chi Mượn màu son phấn ra đi”. Nhân vật Chương trong
suốt hành trình của mình đã vin vào
tình yêu bất di bất dịch của mình với mẹ Cả. Câu hát cổ ngân nga thâu tóm phần
hồn của tác phẩm. Đó chính là nỗi trăn trở thường trực trong tâm hồn Chương:
“Con gái thủy thần! Nàng ở đâu? (…). Để tôi mượn màu son phấn ra đi”.
Hình thức thơ còn xuất hiện dưới hình thức bài thơ có cấu tứ
hoàn chỉnh nằm giữa mạch kể. Nó thể hiện những ray rức mang tính hiện sinh của
người kể chuyện, những triết lí, những suy tư của người kể chuyện. Chẳng hạn, lồng
giữa lời kể trong Cánh buồm nâu thuở ấy, Nguyễn Huy Thiệp đưa vào bài thơ làm
ngưng lại mạch tự sự của câu chuyện, độc giả thấm thía tình yêu bao la của cha
mẹ dành cho đứa con thơ của mình: “Ông Hân bổng khóc tu tu. Tiếng khóc vỡ ra đột
ngột khiên con chó mực ngoài sân cũng giật thót mình, sủa lên mấy tiếng ai
oán(…).
Ông Cả Giao đỡ Nhi lên thuyền rồi quay lại chắp tay chào ông bà Hân. Mặt sông lạnh. Gió bấc hun hút thổi. tiếng chèo khua mạnh lạnh lùng. Vầng trăng khuyết cuối trời nhòe đi trong dòng nước mắt.
Ông Cả Giao đỡ Nhi lên thuyền rồi quay lại chắp tay chào ông bà Hân. Mặt sông lạnh. Gió bấc hun hút thổi. tiếng chèo khua mạnh lạnh lùng. Vầng trăng khuyết cuối trời nhòe đi trong dòng nước mắt.
Thuyền ai trôi thuyền ai trôi rồi?
Kìa con thuyền trôi, con ơi, nước trôi
Kìa con sông đời, lạnh toát, xa vời
Mênh mông bể cả mưa nguồn xa xôi
Ngẫm sự đời…
Tang thương ngẫm những sự đời.
Phù hoa muôn nẻo phương trời
Ai luống ngậm ngùi
Thế gian ai luống ngậm ngùi tình si
Cái đêm hôm ấy đêm gì
Để cho ai nhớ
khắc ghi trong lòng.
Xét những câu thơ trên, ta thấy đó là những câu đơn,
không có câu phức và câu ghép, chính vì thế mà mật độ của câu đơn đậm đặc hơn
so vói câu phức và câu ghép. Những câu thơ sâu lắng, nhà thơ dựa
vào mạch cảm xúc của nhân vật để xây dựng tình ý của bài thơ, đồng thời thể hiện
cảm xúc mênh mang của chính tác giả. Như vậy, việc đưa vào những bài thơ có nội
dung hoàn chỉnh trong truyện giúp người đọc đi sâu vào khám phá quan điểm, tư
tưởng của nhà văn với hình tượng đời sống trong tác phẩm. Đây cũng chính là một
trong những đặc điểm tạo nên phong cách truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.
Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đã phản ánh chân thật thế giới
cuộc sống đương đại. Trên hành trình tìm kiếm, nuôi dưỡng cái Chân – Thiện – Mỹ,
tác giả đã phơi bày cái xấu, cái ác. Toàn bộ truyện ngắn của ông là vùng đất giữ
chân người, có những đoạn gập ghềnh khó bước vào, buộc người đọc phải suy
xét, trăn trở, nhưng cũng có những phần đất rất bằng phẳng, đẹp và thơ mộng
nhưng đâu đâu cũng màu mỡ, cũng là cội nguồn để nuôi dưỡng cái đẹp. Giá trị
chân chính của văn chương chính là hiệu quả nghệ thuật mà nhà văn đạt được
trong hành trình lựa chọn cách thức tổ chức, lựa chọn các câu, các phương tiện
phù hợp để tạo nên chỉnh thể câu văn độc đáo mang phong cách và cá tính sáng tạo
của mình./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Đỗ Hồng Hạnh (tuyển chọn) (2005), Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp,
NXB Văn hóa Sài Gòn.
Nhiều tác giả (2001), Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, NXB Văn hóa
thông tin.
Nguyễn Thị Lương (2006), Câu tiếng Việt, NXB Đại học Sư phạm.
Bùi Minh Toán (2007), Giáo trình Ngữ pháp tiếng Việt, NXB Đại
học Sư Phạm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét