Những trang văn thức cùng đêm gió trở cao nguyên
Hai năm, một tháng có lẻ, là quãng thời gian tôi rời Đà Lạt
sương đằm để về làm “con dân” của sáu huyện, thành phía Nam tỉnh Lâm Đồng. Trước
đây, tôi thường tìm vẻ đẹp qua tiếng nói của hư hình trong độ chênh ngôn từ,
chênh tâm trạng và chênh cảm thức. Nay, tôi lăn xả vào thực tiễn đời sống, nhằm
thức dậy cái đẹp trong sự quăng quật, cần lao. Cuối tuần, lại ngược về Đà Lạt,
để được đắm mình trong miền ngữ ngôn hoang đãng và tiếp tục khai phá những mộng
mị, phiêu sương trên dặc dài đi và viết.
Cứ thế, một ngày chủ nhật nọ, đang ngồi bên chén trà rót dở,
bỗng nhà văn Chu Bá Nam lôi từ trong hộc bàn cuốn Phép màu, tập truyện ngắn vừa
mới được Nhà Xuất bản Văn học ấn hành, ra tặng tôi, kèm theo lời nhắn: “Khỏi cần
ký tặng, vì tất cả đều đã được đăng trên báo trước đây!”. Tập truyện ngắn Phép
màu xuất bản với số lượng in ít kỷ lục, chỉ 30 cuốn. Đây là cuốn sách thứ tư của
nhà văn Chu Bá Nam, sau ba cuốn Ngoài phòng thí nghiệm - NXB Phụ nữ năm 1981,
Chốn sương mù - NXB Văn hóa dân tộc năm 2000 và Khúc nhạc chiều - NXB Hội Nhà
văn năm 2005. Hỏi lý do vì sao in ít, ông trầm giọng: “Có ai đọc đâu mà
in!”.
“Có ai đọc đâu mà in!”. Câu nói thốt nhiên của một nhà văn
giàu tâm huyết, khiến tôi quặn lòng. Đành rằng, từ xa xưa cho tới bây giờ và cả
về sau nữa, chắc chắn không một nhà văn nào sống nổi bằng ngòi bút. Vì thế, chả
trách từ cổ chí kim, không ít nhà văn đành ngậm ngùi gác lại những day trở mang
tầm triết học, những tự vấn bi kịch của con người, của thân phận để chuyển sang
sống bằng viết báo và sáng tác những tác phẩm “á văn chương” (có nghĩa là báo
chí cộng văn chương chia đôi,
chứ không phải là những áng văn đích thực). Cũng là một dạng buồn không dễ gọi
được tên và là nỗi hài hước của nhà văn mà muốn hiểu ra sao thì hiểu. “Bây giờ,
in sách là lỗ, lỗ to” - nhà văn Chu Bá Nam chua chát.
Tôi hiểu nỗi lòng ông. Và, ông đã trải lòng mình qua những
truyện ngắn đắng đau bằng một thứ ngữ ngôn riêng từ một tâm hồn dung dị, mộc mạc
nhưng không kém phần tinh tế: “Phập!.. Phập!.. Phập!.. Tiếng cuốc bổ vào đất đều
đều buồn tẻ. Nó vang lên trong nắng cháy mưa chan, suốt từ lúc mặt trời mọc đến
lúc mặt trời lặn, ngày lại ngày triền miên vô tận. Tiếng cuốc bền bỉ, kiên cường,
háo hức mường tượng một vụ mùa bội thu hay thất vọng trễ nải nhưng chưa bao giờ
ngưng nghỉ. Thì ra sống cũng là định mệnh và làm việc là một thói quen khó thay
đổi, vì thay đổi mình không còn là mình nữa, mình thành người khác mất rồi. Chọn
nghề trồng cây là chọn tự do, ít dính líu đến người khác”.
Tạng Chu Bá Nam không ưa tạo nên những trang văn đột khởi,
bùng xô trong cách thế sai sử ngôn ngữ, mà trắc ẩn, ấp ưu với những tiểu tiết
có thật ở đời thường, để làm vé thông hành tìm về những giá trị thật, riêng có
của chính mình. Tất cả đã được ánh xạ, tương thức cùng đêm gió trở cao nguyên.
Truyện ngắn Độc thoại của đất mà tôi vừa trích dẫn ở trên đã phần nào minh chứng
cho điều đó. Đọc những câu văn giản dị, chân mộc kia, tôi thấy như thể lời quê ủ
từ đất đai, nắng mưa, gio trấu ấm vào thân và tự biết rằng mình cần phải tử tế
hơn trong cuộc sống.
Mỗi một truyện ngắn trong tập truyện ngắn Phép màu là một lát
cắt vơi đầy bao niềm nỗi buồn vui của nhà văn trước nhân tình, thế thái. Ông mượn
ngòi bút để thức và để sẻ chia, ru rín với người, với mình. Bút pháp của nhà
văn Chu Bá Nam nặng về duy cảm, tương tác thật người, thật việc. Ít khi ông đưa
văn mình đi vào miền ký ức ẩn ảo, duy mỹ, siêu thực, mà tình thương người và
lòng trắc ẩn là một ám ảnh xuyên suốt toàn bộ hành trình tìm kiếm sáng tạo của
nhà văn. “Nước mắt Tanhia rơi trên tuyết, những giọt nước mắt đau khổ và hạnh
phúc. Những giọt nước mắt như thế, tự bao đời, đã nhuộm xanh kỷ niệm và làm sống
lại người đã hy sinh”. Câu kết trong thiên truyện ngắn Nước mắt rơi trên tuyết
làm tôi chợt nhớ đến câu thơ của nữ sĩ người Nga - mang tầm vóc nhân loại - Olga Bergholz:
“Không ai bị lãng quên, không gì bị quên lãng”. Câu thơ ấy một lần nữa minh chứng
cho sức sống của thiên truyện ngắn đẹp và phảng phất buồn, nhưng đầy niềm yêu
tin về cuộc sống này. Dẫu cho thế giới có đổi thay thì tình yêu cuộc sống, tình
yêu con người vẫn không bao giờ mất đi và những điều tốt đẹp kia sẽ luôn biết
cách để tái sinh.
Phép màu lại có bút pháp khác hẳn. Chẳng còn sự êm đềm, nhẹ
lướt, trữ tình như ở Nước mắt rơi trên tuyết hay ru rín, tự sự như trong Độc
thoại của đất, Phép màu là một câu chuyện gai góc, đầy kịch tính. Truyện kể về
cuộc tỷ thí võ công nảy lửa giữa vị võ sư karate tiếng tăm và một con khỉ dữ vừa
mới xổng chuồng. Truyện ngắn được kết thúc khá đột ngột gây thích thú, bằng việc
“Có tiếng trẻ con đáp lời” và “Tiếng chuông chùa từ xa vọng lại, ngân nga.
Bu... uông! Bu... uông! Bu... uông!”. Ở truyện ngắn này, Chu Bá Nam sử dụng nhiều
câu văn ngắn, sắc, hoạt đầy dụng công nhằm khắc họa đậm nét tính chất của một
cuộc tỷ thí. Đọc Phép màu có cái thú của người xem phim hành động.
“Cái khúc ca bi tráng của sự sinh tồn vang lên trong gió”. Có
lẽ đấy cũng là lời cảnh tỉnh của nhà văn Chu Bá Nam
trong truyện ngắn Vua Rắn. Con người đang lạm dụng quyền năng để chém
giết loài vật, tàn phá thiên nhiên một cách vô tội vạ. Chẳng chóng thì chầy, thể
nào rồi cũng bị nghiệp báo. Nhưng cái hay của tác giả là không dừng lại ở thông
điệp đơn thuần, mà ông còn đi xa hơn trong việc khai thác ở sự gay cấn, cộng
thêm các tình tiết sống động và thuyết phục. Chính điều này đã khiến câu chuyện
trở nên đáng nhớ và đáng đọc.
Thủy tạ (Đà Lạt). Ảnh: THANH TOÀN
|
Tuy vậy, nhìn nhận vấn đề thật kỹ dưới góc độ thi pháp, Chu
Bá Nam vẫn là một nhà khoa học làm văn chương. Khoa học trong thói quen khu xử.
Khoa học cả trong cách đánh giá con người và hiện tượng. Khoa học còn ở thái độ
thận trọng, luôn e dè, che giấu
trái tim người nghệ sĩ. Cốt cách khoa học đã chi phối rất nhiều đến đặc trưng
truyện ngắn của ông. Đấy vừa là lợi thế vừa là tử huyệt nơi ông. Bởi văn chương
ngoài logic, còn có phi logic, ngoài khả tri còn có bất khả tri, ngoài lý trí
còn có cả siêu lý. Thậm chí, sự phi lý mới là địa hạt chính của văn chương. Văn
chương không nhất thiết một cộng một thì cứ phải bằng hai. Văn chương nhiều khi
còn bay ra cả ngoài vòng thực tại, tri kiến, nói đến những điều mà ta thinh lặng,
viễn mơ về những gì ta quên. Nói như Chernyshevsky - nhà lý luận người Nga, thì
đó là “Sự phi lý đáng yêu”.
Nếu ông thoát khỏi sự kiểm soát của lý tính, dám đưa văn mình
len vào ranh giới giữa có và không, giữa siêu lý và lý trí, cứ thả sức cho xúc
cảm trái tim nghệ sĩ phiêu linh nơi chân trời viễn mơ, phiếm định, thì tôi tin ở
ông, sẽ hé lộ những trữ lượng đáng nể.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét