Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

“Số phận con người” - Hạnh phúc hay bất hạnh

“Số phận con người” - Hạnh phúc hay bất hạnh?
Mikhail Solokhov (24/5/1905 - 2/2/1984) là một nhà văn lớn của nền văn học Xô Viết. Có thể nói, truyện ngắn “Số phận con người” là một kiệt tác kinh điển của văn chương Nga và thế giới thế kỉ XX. “Số phận con người” là nốt nhạc bi thảm trong khúc nhạc trầm hùng, gieo vào lòng người đọc những suy ngẫm về chiến tranh, về số phận và sức mạnh của con người.
Cũng như một cơn bão lớn, chiến tranh bao giờ cũng gây ra những thảm cảnh đau lòng mà khi tàn lụi, luôn để lại cho con người những đau thương mất mát không gì có thể bù đắp. Sôcôlốp, nhân vật chính của truyện, là một trong những nạn nhân của chiến tranh phải chịu đựng bao sự tra tấn, hành hạ dã man của kẻ thù. Trở về được ít lâu thì anh nhận được một tin đau đớn, một trái bom của máy bay phát xít đã chôn vùi ngôi nhà cùng với vợ và 2 con gái của anh. Một hy vọng mới sưởi ấm tâm hồn giá lạnh của anh khi anh nhận được thư của người con trai lớn nay là một đại úy pháo binh. Anh chờ đợi giây phút bố con gặp nhau nhưng con trai anh đã bị tử trận đúng vào ngày chiến thắng. Đọc truyện “Số phận con người” của M. Solokhov, ta thấy bom đạn chiến tranh như đang từng ngày, từng giờ, từng phút ụp xuống gieo tan vỡ và chết chóc. Trước mắt chúng ta hình như đang có một biểu tượng đau khổ của số phận một con người đầy những bất hạnh, đầy những xót xa qua hình tượng nhân vật Sôcôlốp. Tất cả đều tuột khỏi tay anh. Chiến tranh chỉ vụt thoáng qua mà đã cuốn đi những gì quý báu nhất của anh. Tất cả, phải, tất cả đều không còn. Cả cái hy vọng mà anh rất hằng khao khát được xây thành hiện thực: đứa con trai yêu quý, đứa con trai cuối cùng của anh, ấy vậy mà chiến tranh, chiến tranh khắc nghiệt đã buộc anh phải “Chôn trên đất người, đất Đức niềm vui sướng và niềm hy vọng cuối cùng” của mình. Còn đau xót và cay đắng nào bằng khi tự tay chôn con mình, một đứa con mà anh kỳ vọng cho cuộc đời quá nhiều tang tóc của mình, đó là niềm an ủi duy nhất của anh. Bao nhiêu niềm tin, niềm hy vọng cuối cùng của cuộc đời anh vừa hé lên đã vội bị dập tắt, anh như đứt ruột nghẹn ngào chua xót… Cái đau xót mà hình như anh không thốt ra lời được, cái đau xót đến tột cùng của một con người đầy bất hạnh. Phải chăng đó là “số phận” mà anh phải gánh chịu hay chính chiến tranh đã đưa anh vào tình cảnh bi thảm như thế?!...
Theo tôi, ở đây, tác giả đã dựng lên số phận một con người, một số phận điển hình của con người trong chiến tranh. Con người là nạn nhân đau khổ và bất hạnh của chiến tranh. Qua nhân vật Sôcôlốp, tác giả nói lên suy nghĩ rất thực của mình: Hãy ngắm nhìn thật kỹ những con người ấy, những con người ấy chính là nạn nhân của chiến tranh, họ có những đau khổ tột cùng. Chúng ta hãy quan tâm đến họ, đến số phận của những con người bất hạnh, họ chịu số phận ấy là vì chiến tranh, cuộc chiến tranh phi nghĩa, tàn bạo và đáng ghét. Họ có “số phận” ấy là vì họ dám quên mình, họ dám ra đi và dám hy sinh tất cả để bảo vệ chính nghĩa và để giữ gìn cuộc sống tự do, hạnh phúc, hòa bình cho con người.
Người lính Sôcôlôp thực sự là một số phận điển hình của con người trong và sau chiến tranh. Sau chiến tranh ông trở về cuộc sống thân thuộc xưa kia. Nhưng quê hương, vợ con tất cả đều không còn. Về đâu bây giờ? Nơi duy nhất anh có thể đi là Urinpinic. Đúng vậy, đó là chỗ nương thân duy nhất của Sôcôlôp và anh quyết định tìm về với người bạn, tìm về nơi để gữi gắm tấm thân mệt mỏi và đau khổ của mình. Đến Urinpinic là để quên đi những chồng chất đau khổ về quá khứ, về số phận bất hạnh của mình. Và cũng chính lúc ấy, Sôcôlôp cảm nhận và bắt gặp một niềm vui, niềm an ủi mới: “Chính vào hồi ấy tôi gặp chú con trai của tôi đấy, chú bé đang nghịch cát đấy”. Cái thời gian để tìm được nguồn an ủi mới ở Sôcôlôp trải qua nhiều khó khăn. Sự đấu tranh của bản thân trong đau buồn, cô đơn; tinh thần và ý chí của anh gần như đang tuột dốc, gần trong gang tấc vực thẳm và rượu chè đã kết liễu cuộc đời anh. Hình như, cuộc đời không ưu ái anh một điều gì cả. Nhưng anh không rơi lệ, nói đúng hơn là Sôlôkhôp không cho giọt nước mắt của nhân vật chính thấm đẫm trang văn, bởi lẽ Sôcôlôp là một người lính.
Cuộc đời không lấy hết của ai bao giờ. Một tia sáng của hạnh phúc chợt đến với người lính cô độc: “Một hôm tôi nhìn thấy chú bé ở gần của hàng giải khát, hôm sau lại vẫn thấy”. Sự chú ý của Sôcôlôp có phần hơi đặc biệt. Trong cái nhìn của Sôcôlôp, cậu bé ấy rất tội nghiệp và đáng thương. Phải chăng, đấy là định mệnh đưa đẩy hai con người bất hạnh gặp nhau? Cái bất hạnh của Sôcôlôp cũng như cậu bé Vania: Cha mẹ đều bị chiến tranh cướp đi, sống vất vưởng không nơi nương tựa. Lại thêm một “Số phận con người”! “Số phận” phải làm một con người đau khổ. Thì ra, chiến tranh đâu chừa một ai, cả những đứa trẻ vô tội như Vania. Một đứa trẻ bất hạnh như thế có ai nghĩ đến hay không? Chỉ có những con người từng chịu đau khổ, từng hiểu thế nào là tủi nhục của sự cô đơn như Sôcôlôp thì mới thấy rõ sự mong mỏi của một đứa trẻ, sự quan tâm chân thành của một con người với một con người. “Những giọt nước mắt nóng hổi” đó không còn là những giọt nước mắt của khổ đau và bất hạnh nữa mà đó chính là giọt nước mắt của niềm vui sướng và hạnh phúc, dường như  anh đã tìm lại được cái gì đó cho mình qua lời kể:“ngay lúc đó tâm hồn tôi bỗng nhẹ nhõm và bừng sáng lên”. Đây chính là sự nhẹ nhõm trong lương tâm và sự bừng sáng của niềm tin vào ngày mai.
Có thể nói, tình thương đối với con người như một ngọn lửa hồng ấm áp đã cứu sống một con người bé nhỏ; đồng thời nó đã cứu vớt một con người cô đơn. Hai số phận bất hạnh, hai trái tim cô độc gặp nhau sẽ sưởi ấm cho nhau. Sự sống như được vun bồi thêm và niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của Sôcôlôp nhân lên nhiều hơn: “Trời ơi! Thật không thể tưởng tượng được, nó nhảy chồm lên cổ tôi, hôn vào má, vào môi..”. Hạnh phúc quá bất ngờ đối với Sôcôlôp, vậy ra, anh vẫn còn một đứa con trai này, trong giây lát, anh như quên quãng đời đã qua của mình. Vui thật nhiều và hạnh phúc cũng thật nhiều, anh chưa bao giờ nghĩ rằng mình còn có diễm phúc để nghe tiếng gọi “cha”của một đứa bé. Sự xúc động càng dâng cao khi đứa bé “ghì chặt tôi… áp sát vào người tôi!”. Lúc ấy con người đau khổ ở Sôcôlôp hình như đã tan biến đi, thay vào đó là một con người hạnh phúc.
Có ai đó đã từng nói rằng:“Trong đêm tối với những đắng cay tận cùng của cuộc sống bạn sẽ nhận ra được giá trị đích thực của tình yêu thương và sự chia sẻ chân thành. Hãy tin rằng bạn không hề đơn độc, với lòng dũng cảm vươn lên bão giông rồi sẽ tan, sau đêm đen trời sẽ sáng và cuộc sống sẽ mang đến cho bạn những niềm vui, những nụ cười thay thế cho những đau khổ và cả những giọt nước mắt mà bạn đã từng nuốt vào trong”. Tình người ấm áp đã cứu sống hai con người, hai số phận do chiến tranh tạo ra và cũng từ tình người ấm áp đó đã tác động đến hai người bạn của anh - hai vợ chồng không có con; một niềm an ủi mới cho hai vợ chồng ấy. Họ được vui lây cùng niềm vui của Sôcôlôp.
Với tâm lòng nhân ái, M. Solokhov đã để cho tình người dạt dào tuôn theo mạch cảm xúc, theo lương tri của một con người. Sự dạt dào của tình người, cái chân lý của cuộc sống: “Thương người như thể thương thân” sao quá đỗi sâu xa và thấm thía đến vậy. Nếu ai đó hỏi rằng: Đâu là nơi lạnh nhất trên thế giới này ? Bắc cực chăng? Bạn sẽ trả lời như thế nào? Tôi cũng đã từng nghĩ như vậy nhưng giờ thì không. Nơi lạnh nhất là con người sống không có tình người. Đó là một chân lý. Chỉ có tình thương yêu giữa con người với con người mới có thể làm tan chảy khối băng lạnh giá trong một tâm hồn con người. Với M. Solokhov cũng vậy, theo ông chỉ có tình thương của con người mới có thể chữa lành vết thương ở trái tim con người mà thôi. “Con chim bay mãi cũng mỏi cánh, con ngựa chạy mãi cũng chồn chân” và hai con người cô đơn ấy đã gìn giữ nâng niu hạnh phúc nhỏ nhoi ấy, họ thu nhặt niềm vui nhỏ bé của chính mình “Tôi ngủ chung với nó và lần đầu tiên sau bao nhiêu năm tôi được ngủ một giấc yên lành”.
Nhưng dường như con người không thể trốn khỏi “số phận” mà cuộc đời dành riêng cho mình. Hạnh phúc luôn “từ chối” Sôcôlôp.  Một sự trở trêu nữa lại đến như muốn thử thách sức chịu đựng và lòng kiên trì của anh. Anh bị thu hồi bằng lái chỉ vì một việc không đâu: “Con bò đứng ve vẫy đuôi rồi bỏ chạy vào ngỏ hẻm, còn tôi thì bị tước bằng lái”. Chua xót và cay đắng lắm thay! Con bò thôi, chỉ là một con vật thôi, sao họ lại giải quyết thật tốt cho con bò, trong khi bỏ mặc con người đang đói rét ấy? Thu hồi bằng lái là thu hồi nguồn sống cuối cùng của Sôcôlôp. Số phận thật trớ trêu. Người ta chỉ quan tâm đến con bò mà bỏ qua sự bất hạnh của những con người như Sôcôlôp, như  Vani. Chính tình tiết này ngầm chứa một nụ cười chua cay, đằng sau nụ cười là giọt nước mắt chua cay, cười trong cái vị chua chát của cuộc đời.
M. Solokhov đã thật sự rung lên tiếng chuông cảnh tỉnh. Hỡi những con người đang sống trong hạnh phúc, giàu có hãy quan tâm đến số phận những con người nghèo khó trong xã hội.  
Xã hội cần quan tâm đến họ, chế độ mà họ đang kính trọng hãy quan tâm đến họ nhiều hơn! Bởi vì có họ thì xã hội mới tồn tại được đến ngày nay. Họ đã phải bỏ lại sau lưng tất cả, hy sinh tất cả mọi thứ quý giá của mình để đem lại hạnh phúc, ấm no cho mọi người. Họ - người lính, không đòi hỏi một ân huệ, một sự đãi ngộ nào của chính phủ, họ chỉ cần xã hội quan tâm đến họ, coi họ như một con người để họ thực sự được sống như một con người! Sôcôlôp và Vannia sẽ đi về đâu? “Hai con người côi cút, hai hạt cát đã bị sức mạnh phũ phàng của bão tố chiến tranh thổi bạt tới những miền xa lạ… Cái gì đang chờ đón họ ở phía trước? Thiết nghĩ rằng con người Nga đó, con người có ý chí kiên cường sẽ đứng vững được, chú bé kia một khi lớn lên sẽ đương đầu được với mọi thử thách, sẽ vượt qua mọi chướng ngại trên đường…”
Qua tác phẩm “Số phận con người”, M. Solokhov đã dẫn dòng suy nghĩ của chúng ta đi đến “số phận” của từng con người, những con người bình thường, những anh lính bình thường trở về sau chiến tranh. Tác giả thấu hiểu cuộc sống của con người sau chiến tranh. Ông dám nói lên một sự thật rõ ràng mà từ trước tới nay không ai dám nói. Đó là ông đã mô tả cái đau khổ tột cùng của con người sau chiến tranh. Và ai, ai sẽ là người quan tâm đến “số phận” của họ? Không ai khác hơn đó là xã hội mà họ đang sống, cái xã hội ấy cần quan tâm đến họ nhiều hơn và nhiều hơn nữa… Đây chính là điểm mới, điểm rất mới ở M. Solokhov. Đã qua rồi cái thời xa vắng, nhưng qua cuộc đời và  những chiến công của Sôcôlôp, tác giả đã đặt ra một câu hỏi lớn đối với con người: Nhân loại có thể chiến thắng đau thương, chết chóc, và mọi sự tàn phá hủy diệt do chủ nghĩa phát xít gây nên hay không? Những “số phận” như Sôcôlôp và Vania sẽ đi về đâu trong cuộc đời này? Đó thực sự là nỗi ám ảnh lớn của nhân loại…
Theo http://ppe.htu.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Văn Cao làm cách mạng thơ Văn Cao có những tuyên ngôn và thực hành thơ theo hướng cách mạng. Văn Cao đã có hành trình đi qua thơ định th...