Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2015

Xuân trong cảm thức của Xuân Diệu

Xuân trong cảm thức của Xuân Diệu
 Như một tiền định, khi chào đời, gia đình đã đặt tên cho ông là Xuân Diệu (Ngô Xuân Diệu). Và như vậy, số phận đời ông đã gắn với mùa tươi đẹp nhất của đất trời: Mùa Xuân. Còn tên ông: Xuân Diệu, nghĩa là một mùa xuân diệu vợi, mùa xuân của ấm êm trong tình yêu và hạnh phúc... Nhưng rồi, đời ông chưa bao giờ được hưởng những phút giây huyền diệu ấy của mùa xuân tình yêu và mãi mãi điều ấy với ông chỉ là những khát vọng không thành... Sự ẩn ức ấy đã dồn nén trong tâm thức ông và phóng chiếu thành những cảm hứng sáng tạo. Và xét từ điểm nhìn này, Xuân Diệu đã trở thành một minh chứng cho lý thuyết phân tâm học của Freud trong lĩnh vực sáng tạo văn  nghệ. Điều đó đã góp phần lý giải vì sao cảm thức xuân trong thơ ông luôn gắn với tình yêu lứa đôi, với tuổi trẻ, với sự nồng cháy.
            Ta sẽ thấy rõ điều này trong bài thơ Nguyên đán của ông.
                        Xuân của đất trời nay mới đến;
                        Trong tôi, xuân đến đã lâu rồi;
                                                     (Nguyên đán)
      Quả thật, xuân trong cảm thức của Xuân Diệu là “Nguyên đán” của tình yêu, là sự khai mở của tâm hồn con người. Nó mời gọi và hiến dâng, nồng nàn và say đắm. Nó tồn sinh như một giá trị vĩnh hằng. Nó là “xuân không mùa”. Nó vượt cả không gian, thời gian, không chịu sự ràng buộc vào qui luật vận động của đất trời. Đây là một cảm thức xuân mang tầm vũ trụ của một tâm thức hiện sinh luôn tha thiết với đời. Nó vĩnh hằng bởi nó luôn gắn với tình yêu, mà tình yêu thì không có tuổi, tình yêu mãi mãi hiển linh khi còn có con người. Tình yêu không chết trong thế giới con người và mùa xuân là hiện thân của tình yêu nên nó cũng không bao giờ chết.
                        Từ lúc yêu nhau, hoa nở mãi
                        Trong vườn thơm ngát của hồn tôi.
                                                         (Nguyên đán)
            Tình yêu vốn là điều kỳ diệu mà thượng đế đã ban tặng cho con người. Sự kỳ diệu đó đã làm nên một thế giới trong đó tình yêu được tôn thờ như một tôn giáo mà đã là người thì không có ai là kẻ ngoại đạo. Nữ văn sĩ Quỳnh Dao, một cây bút viết tiểu thuyết diễm tình lừng lẫy đã nói đại ý rằng: Tình yêu - Tôn giáo thứ nhất của loài người; Tình yêu - Từ đó mà có mọi sự; Tình yêu - Không có nó con người không còn là con người. Phải chăng vì thấu cảm được điều nầy mà trong thơ Xuân Diệu, tình yêu đã trở thành một cảm hứng chủ đạo luôn đồng hành với mùa xuân trong những xúc cảm dạt dào mãnh liệt.
                        Một ít nắng, vài ba sương mỏng thắm,
                       Mấy cành xanh, năm bảy sắc yêu yêu.
                        Thế là xuân. Tôi không hỏi chi nhiều.
                        Xuân đã sẵn trong lòng tôi lai láng.
                                                  (Xuân không mùa)
            Và như vậy trong cảm thức của Xuân Diệu về mùa xuân, thì tình yêu và tuổi trẻ bao giờ cũng song hành với mùa xuân. Nó tồn tại như một thực thể của tâm hồn, tinh tế mà tha thiết, lắng sâu...
                        Bình minh quá, mỗi khi tình lại hứa,
                        Xuân ơi xuân vĩnh viễn giữa lòng ta
                                                    (Xuân không mùa)
      Và không chỉ song hành mà xuân và tình yêu trong cảm thức của Xuân Diệu còn là sự gắn kết, ràng rịt giữa con người với đất trời. Đó là một bản giao hưởng, là tiếng vọng đa thanh, đa cảm của tâm hồn con người trong sự giao hòa với tự nhiên.
        Nghìn buổi sáng, bình minh xe chỉ thắm
        Đem lòng tôi ràng rịt với xuân tươi.
                                                         (Đa tình)
        Để rồi từ đây, lại mở ra một chiều kích khác trong cảm thức về mùa xuân của hồn thơ Xuân Diệu. Đó là sự cảm nhận về mùa xuân như biểu tượng cho sự sống của thiên nhiên mà phải có một tâm hồn tinh tế, biết lắng nghe “từng đường tơ ánh sáng” của đất trời lúc giao mùa thì mới thấu cảm được những điều vị diệu ấy.
            Ta hãy nghe thi sĩ đa tình và đa tài Xuân Diệu thủ thỉ với xuân:
                        Những tiếng ân tình hoa bảo gió,
                        Gió đào thỏ thẻ bảo hoa xuân.
                                               (Với bàn tay ấy)
            Hay những rung cảm tinh tế của buổi đầu xuân mà khi đọc lên lòng ta không khỏi nôn  nao cảm xúc và thấy như xuân đã đến gỏ cửa lòng ta để chuyện trò, tình tự...
                        Sao buổi đầu xuân êm ai thế!
                        Cánh hồng kết những nụ cười tươi.
                                                       (Nụ cười xuân)
            Xuân của đất trời đã hòa quyện với xuân của lòng người. Nó “len lén” đi vào tâm hồn con người và ngự trị trong đó như một thiên sứ của ánh sáng và tin yêu                  
                        Ai có biết mùa xuân lên nặng lắm
                        Trên cánh hồng và trong những trái tim?
                        Nghe điệu lòng hưởng ứng với ca chim,
                        Tôi tự thấy lạc loài trong nắng mới.
                                                                (Mời yêu)
            Và như vậy, xuân trong cảm thức của Xuân Diệu không dừng ở những cảm nhận về sự giao hòa giữa xuân với tình yêu, xuân với tuổi trẻ, xuân với thiên nhiên mà đã kết tinh thành lẽ sống với một khát vọng mạnh mẽ của một thi nhân luôn biết trân quí từng sát na của sự sống. Với Xuân Diệu, Tuổi trẻ - Yêu và Sống chính là Mùa xuân và Mùa xuân cũng chính là Sống – Yêu và Tuổi trẻ. Sự hợp hôn diệu kỳ nầy là hiện thân của một tâm thức hiện sinh mà ở đó không có chỗ cho những mưu toan nhỏ nhen, tầm thường của những tâm hồn băng giá, vô cảm.
         Chỉ có tan hòa trong cõi thiên thai của cảm thức: Mùa xuân - Tuổi trẻ - Sống và yêu, Xuân Diệu mới viết được những câu thơ đầy khát vọng sống mãnh liệt như thế nầy.
                        Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,
                        Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
                        Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất.
                        Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
                        Không cho dài thời trẻ của nhân gian;
                                                                  (Vội vàng)
            Phải chăng, từ những khát vọng sống mãnh liệt nầy mà Xuân Diệu đã khao khát sống, thiết tha sống, quí yêu sự sống và ý thức về giá trị của sự sống đến vô ngần, chứ không phải là một lối “sống gấp”, “sống vội” tầm thường như người ta đã từng gán ghép cho ông một cách oan ức, thô bạo mà sinh thời ông chẳng bao giờ cải chính. Tội nghiệp cho ông và cũng tội nghiệp cho thứ phê bình văn học theo kiểu xã hội học dung tục của một thời đã xa!? Và với một cái nhìn nhân bản, có thể khẳng định: Xuân trong cảm thức của Xuân Diệu chính là một tuyên ngôn sống mang tâm thức hiện sinh rất đáng trân trọng. Không có một tấm lòng yêu cuộc đời, yêu sự sống, yêu tuổi trẻ và mùa xuân thì làm sao Xuân Diệu lại viết được những câu thơ bỏng cháy một khát khao sống cao đẹp đến thế.
                        Ta muốn ôm
                        Cả sự sống mới bắt đầu mơm mởn;
                        Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
                        Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
                        Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
                        Và non nước, và cây, và cỏ rạng.
                        Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
                        Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
                        - Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
                                                                    (Vội vàng)
            Một mùa xuân mới lại về. Nhưng nhà thơ Xuân Diệu đã không còn trên cõi đời để đón xuân sang, để được “cắn xuân hồng” mà ông luôn khao khát. Ông đã đi “ra ngoài cõi sống” đến nay được 28 năm (Xuân Diệu mất năm 1985). Hai tám năm từ giã cõi đời cũng là hai mươi tám năm “xuân vẫn tuần hoàn”. Và dẫu rằng Xuân Diệu đã mất đi nhưng thơ ông vẫn hiện hữu trong lòng người như những mùa xuân bất tận. Và đó là một giá trị không thể nào thay thế. Cảm thức xuân trong thơ Xuân Diệu vì thế cũng là một hệ giá trị góp phần làm nên sự bất tử của Xuân Diệu và thơ Xuân Diệu, một nhà thơ mà ngay từ khi mới hiện diện trên thi đàn đã được Hoài Thanh tôn vinh là nhà thơ “mới nhất trong các nhà thơ mới” (1). Và cái mới ấy phải chăng được kết tinh từ sự huyền diệu của tình yêu, tuổi trẻ và mùa xuân trong thơ như ông đã dự cảm:
                        Xuân không chỉ ở mùa xuân ba tháng;
                        Xuân là khi nắng rạng đến tình cờ,
                        Chim trên cành há mỏ hót ra thơ;
                        Xuân là lúc gió về không định trước.
                                                     (Xuân không mùa)
      Mùa xuân ơi! Những ngày mới bắt đầu...
     Chú thích:
         (1) Hoài Thanh, Thi nhân Việt Nam, Nxb. Văn học, H, 1988, tr.121  
Trần Hoài Anh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mười bảy và những cơn mưa đầu hạ

Mười bảy và những cơn mưa đầu hạ Tiếng thầy giảng chồng lên tiếng mưa, cứ êm êm và nhạt nhòa. Buổi đầu ở một lớp học thêm mới nên Việt Anh...