Thứ Hai, 20 tháng 7, 2015

Bánh chưng của thi ca Việt Nam

Bánh chưng của thi ca Việt Nam
Một đời người lang thang lắm khi chẳng hết câu lục bát. Cứ xem phong vận thi nhân gắn bó với nó cũng hiểu được đôi phần. Tôi không rõ lục bát xuất hiện từ bao giờ. Nhưng có lẽ là từ lâu lắm rồi, từ trong lịch sử và đời sống tinh thần ngàn năm của người Việt. Ít thể thơ nào có sức sống mãnh liệt, lâu dài và phổ cập như lục bát. Nghẹn ngào câu hát dân ca cổ xưa đi đến Truyện Kiều áng thơ bất hủ để khắc khoải trong niềm vui lẫn tiếng thở dài của thi ca hiện đại. Không hiểu sao lục bát lại ngàn ngạt niềm trắc ẩn về thân phận con người trong hạnh phúc và đắng cay. Ám ảnh người ta đến thế.
     Lục bát là thể thơ linh động, có vần. Dễ thuộc. Dễ nhớ. Thể thức đặt câu và bắt vần, ngắt nhịp không cầu kỳ phức tạp. Hai câu. Bốn câu. Hoặc rất nhiều câu cũng thành một bài. Khả năng diễn tả tâm lý và tự sự đã được thử thách trong thơ ca dân gian và văn học trung đại. Thích ứng được sự biến hóa vô tận đã tạo nên sức chứa kỳ diệu của 6/8. Nó lại thường là lời của nhiều khúc dân ca hát ví, quan họ… Vì thế lục bát có khả năng chuyển tải cho lễ hội mọi thời đại trong lịch sử thi ca. Bởi vậy, có người nói, lục bát như là bánh chưng của ngày tết Việt Nam.
     Tìm câu lục bát bắt vần dở nhất cũng như đọc câu 6/8 tuyệt bích trong Truyện Kiều đối với nhiều người Việt Nam không khó bao nhiêu. Người làm thơ lục bát đứng giữa hai thái cực mong manh. Hoặc dễ dãi quá hay khôn chữ quá. Cả hai lập tức rơi xuống tầm thường. Ai làm cũng được. Hoặc bay lên đến mức đệ nhất thiên hạ. Chỉ cần 2 câu thôi là nên danh nên phận. Chế Lan Viên không ít lần nói về cái khó của lục bát. Đố ai dùng 6/8 mà đưa được chất độc hóa học vào cho khỏi thiên cưỡng… Thơ cũ đi theo con đường riêng, ma đưa lối quỷ đưa đường nên phần lyrisme thì có mà phần readisme thì không… Trong các thể thơ khó nhất là lục bát… Lục bát dễ làm nhưng khó hay. Viết giỏi thì thành thơ. Viết trung bình hoặc dở thì thành vè. Trong hàng nghìn bài thơ của ông để lại, không biết lục bát có được đến 15 hay 20 bài hay không? Nhưng một nhà thơ tài danh viết lục bát nhiều, thể nào cũng có lần nếm vị nôm na… Huy Cận lừng lẫy là thế trong những 6/8 siêu phàm của Lửa Thiêng mà đến Vũ Trụ ca viết khoảng 1940 -1943 người ta không khỏi ngạc nhiên lại bắt vần trần tục đến vậy trong các bài. Nắng đào, Nằm nghe người thở. Nằm trong tiếng nói, Cảm thông v.v... Lục bát giăng bẫy để hạ thơ xuống mức bình thường.
Một nhà thơ nổi tiếng khác của thế kỷ 20, có thừa những phẩm chất tài năng. Nhưng ông đã một lần ngã ngựa trên cánh đồng lục bát. Nguyễn Đình Thi trong Mẹ con đồng chí Chanh. Thơ dài những 293 câu. Đọc mà thương cho ông ấy. Già Lê rõ ràng là nam giới rụng hết tóc râu. Bác Thi tập Kiều thế nào mà cứ ngỡ là vãi Giác Duyên. Bốn câu từ 278 trở đi bắt vần nhạt như không thể nhạt hơn được nữa. Bây giờ con đã nhìn tinh. Trông vào đời cũ thấy mình lớn khôn. Mỗi phen nhảy vọt vào đồn. Nghĩ nhà tan nát máu dồn trào lên… Sau khoảng 40 năm, Nguyễn Đình Thi ngậm ngùi giải thích vì phải làm theo phong trào. Mẹ con đồng chí Chanh in hàng nghìn bản. Thấy nhiều trên các gánh hàng xén những năm mới hòa bình ở miền Bắc.
     Tôi không hiểu có ai cay nghiệt mà chân thành như Nietzche hay không? Ông nói. Các thi sỹ nói dối quá nhiều…Tất cả bọn chúng đều hời hợt…Ta đã nhìn thấy những kẻ khổ hạnh của tinh thần tìm đến. Bọn chúng xuất sinh từ trong đám thi sỹ. Những năm cuối của thế kỷ 20, một nhà văn nổi tiếng ở nước ta cũng bộc trực chẳng kém gì nhà triết học. Đa số các nhà thơ chẳng ra gì, điều ấy thực… Sự suy đồi, sa đọa của thơ lục bát ở ta từ khi Nguyễn Bính và Bùi Giáng mất đi…Những cố gắng cách tân lục bát xét cho cùng giống như người làm răng giả mà thôi. Nhưng, như là một nghiệp chướng của văn chương, chính nhà văn lại là người dường như đã bị ám bởi những câu lục bát tầm thường của một kẻ thi sỹ lang thang chuyên làm thơ 6/8 theo kiểu bút tre hay sấm truyền. Phần nhiều là cay đắng và diễu cợt thế gian.
    Hành trình của thơ lục bát trong thế kỷ 20 đã minh chứng cho sức sống của nó. Nhìn tổng thể, vần của 6/8 vẫn duy trì như truyền thống. Nhưng cách ngắt nhịp và khả năng biểu cảm, tầm tư tưởng của đời sống tinh thần Việt Nam đã thay đổi mạnh mẽ. Trong 100 năm vừa qua, nhiều nhà thơ có bài hay trong thể lục bát. Năm người tiêu biểu nhất với những phong độ và tầm vóc khác nhau trong số đó. Vì lục bát mà đôi khi tôi nghĩ họ còn quanh quẩn đâu đây. Một sân ga. Một rừng thu lá đổ. Hay đang cùng với Câu thơ nấp ở sân đình, nhuộm trăng trăng sáng, nhuộm tình tình đau. Họ là Tản Đà. Nguyễn Bính. Huy Cận. Tố Hữu. Đồng Đức Bốn. Trong 5 người ấy thì lục bát của Tản Đà và Tố Hữu ẩn ức nhiều thế sự hơn cả.
    Nếu như ở bên thềm thế kỷ 20, phong trào Đông kinh Nghĩa thục, năm 1907, không sợ đàn áp đã hô hào quốc dân đồng bào dùng chữ quốc ngữ và họ nhiệt thành viết những bài ca cách mạng bằng lục bát và song thất lục bát thì khoảng 10 năm sau, thi sỹ Tản Đà tiếp tục cổ xúy mạnh mẽ cho việc dùng quốc văn. 1932 Tản Đà viết:Nói về âm và vận thì chữ quốc ngữ của ta so với chữ nước khác lại giàu có, tách bạch hơn.
Sống trong thời buổi mưa Âu gió Mỹ, song Tản Đà không đi về phía Tây mà quay về với phía truyền thống sử dụng nhiều thể thơ lục bát trong các tập thơ Khối tình con 1916. Khối tình con II 1918. Còn chơi- Thơ và Văn xuôi 1921. Thơ Tản Đà 1925. Lục bát của Tản Đà viết khoảng 1920-1925 đặc sắc hơn cả, trong đó có Thề non nước. Thơ lục bát Tản Đà là thơ thế sự. Thơ hay không chỉ 6/8 nhuần nhuyễn mà còn bởi những tâm sự của ông trước thời cuộc. Những ai mặt bể chân trời, nghe mưa ai có nhớ lời nước non. Hay Đêm khuya con ngủ đèn tàn, một hai thế sự muôn vàn tình thâm…Người ta yêu cái phóng khoáng của một nhà nho thức thời. Mỗi lần về quê nhìn lên ngọn núi nơi Đức Thánh Tản cư ngụ, tôi lại nhớ Tản Đà và sợ cái ngông của ông ấy. Ai lên núi Tản Ba Vì. Lấy tư hòn đá về kê chân giường.
   Xuân Diệu nói: Tản Đà là một thi sỹ rất Việt Nam. Có thể nói là hoàn toàn Việt Nam. Phải chăng một phần vì dùng lục bát chuyển tải được nỗi lòng của cả một thời đại đang đổi thay.
    Phong trào Thơ Mới có hai nhà thơ dùng lục bát dụng công nhất. Họ đi hai con đường khác nhau. Mặc dù cùng dùng lục bát làm phương tiện. Huy Cận kiêu sa, suy tưởng mà trầm mặc. Nguyễn Bính thiết tha say đắm bao nhiêu thì dân dã nhà quê bấy nhiêu. Họ cùng mang một thứ hàng lục bát ra chợ Văn chương. Nhưng đều được người đời ngưỡng mộ. Đương nhiên họ được yêu mến còn vì nhiều bài thơ ở các thể thơ khác nữa. Với Nguyễn Bính khi nào cũng nhẹ nhàng dung dị. Như gam màu của Cây bàng cuối thu. Thu đi trên những cành bàng, chỉ còn hai chiếc lá vàng mà thôi.
   Hồn thơ Huy Cận giàu suy tưởng. Đôi khi siêu hình một cách thanh cao. Không phải hai chiếc lá mà cả mộtThu rừng hiu quạnh cùng với lòng người vút lên nỗi sầu không chia tách được. Sầu thu lên vút song song, với cây hiu quạnh với lòng quạnh hiu.
    Với Nguyễn Bính và Huy Cận, lục bát như là thể thơ màu nhiệm tạo dựng các phong cách và bản lĩnh thi ca. Khả năng biểu cảm tâm trạng cùng với tiềm lực kể chuyện của lục bát vốn đã được thơ ca dân gian và Truyện Kiều khẳng định. Lần này, với phong trào Thơ Mới, khả năng biểu hiện tinh tế những trạng thái cảm xúc của lục bát góp phần làm nên một thời đại mới trong thi ca. Giả sử chỉ còn lục bát, Nguyễn Bính, Huy Cận vẫn là hai phong cách thơ độc đáo. Nguyễn Bính băng khi chưa đầy 50 tuổi vào sáng ngày 30 Tết 1966 cạnh một bến ao. Lúc ông đi làm khách ở nhà người. Không kịp ăn miếng bánh chưng ngày Tết. Còn cuộc đời Huy Cận chỉn chu như chính câu lục bát. Ngay từ 1941, khi nhận được cuốn Thi nhân Việt Nam ông đã thắp một nén hương để đọc. Xem Hồi Ký Song Đôi thấy tầm vóc của ông ít người bì kịp. Nhưng có lúc tôi ngài ngại ông ấy. Ví như ông viết thư từ chối hôn nhân do thân phụ ông sắp đặt, nói con gái người ta ba đầu sáu tay mười hai con mắt. Hay như ông bình luận cuối chữ ký của nhà văn Thạch Lam có chữ M hình ngọn nến đang cháy trên nắp quan tài… Thật may là những việc đó nằm ngoài lục bát.
     Những năm nửa sau thế kỷ 20, ít có thi sỹ nào gắn bó với lục bát và thế sự nhiều như Tố Hữu. Người thơ phong vận như thơ ấy. Ông triệt để sử dụng khả năng kể chuyện dễ hiểu, dễ nhớ của lục bát để viết nhiều thơ phục vụ tuyên truyền. Từ ấy 67 bài có 12 bài lục bát. Việt Bắc 22 bài, gần một nửa lục bát. 9 bài. Tố Hữu hay dùng lục bát xen kẽ với thơ tự do trong 1 bài tạo nên hơi thơ khoáng đạt. Hoặc xen kẽ lục bát, song thất lục bát trong những bài thơ dài. Nước non ngàn dặm dài 318 câu. Kể về một chuyến đí. Đúng như quan niệm làm thơ của ông. Câu thơ trước gọi câu thơ sau. Tố Hữu mất năm 2002, hưởng thọ 82 tuổi. Những bài thơ hai năm cuối cùng của một đời người, ông vẫn còn duyên với lục bát. Tình ý thơ vẫn không thay đổi như thời viết Từ ấy 1937. Chỉ một lần ông nhận ra mình già khi viết Chào thế kỷ 21. Với chiếc vé tám mươi năm hơi cũ, ông lên chuyến tàu thời gian nghe náo loạn âm thanh rạn vỡ những lâu đài tư bản, bọn lái súng ngân hàng vênh vang ngạo mạn gào trong đêm “toàn cầu hóa” “văn minh”.
Chao ôi. Tố Hữu vẫn là Tố Hữu. Từ buổi khi con tu hú gọi bầy. Đó là tên bài thơ lục bát mà vào năm 2006, hậu thế đã chọn trong số hàng nghìn bài của ông để làm một trong 100 bài thơ hay nhất của thế kỷ 20. 100 thi sỹ mỗi người một bài. Tôi thảng thốt bởi tâm trạng của chàng trai trẻ cũng là câu kết của bài thơ. Ngột làm sao, chết mất thôi, con chim tu hú ngoài trời cứ kêu. Tố Hữu viết câu này ở Huế tháng 7 – 1939 mà đến giờ, bao nhiêu người còn nghe thấy.
   Quãng 10, 15 năm cuối cùng của thế kỷ, khi người Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước; thực hiện phương thức như Lê Nin đã từng nói Mở một cổng, thậm chí nhiều cổng cho chủ nghĩa tư bản phát triển trên miếng đất tự do mậu dịch, một không khí mưa Âu, gió Mỹ còn nhộn nhịp hơn cả thời thi sỹ Tản Đà. Người ta lũ lượt đi sang trời Âu bể Mỹ để mang về nhiều bộ cánh mới cho thi ca. Hậu hiện đại, Tân hình thức… Người thành công. Người khác còn đau khổ đang phải đi tìm bản thân mình mà vẫn còn chưa thấy. Giữa lúc đó, một anh chàng nửa quê, nửa tỉnh, chè chai lông vịt ở châu thổ sông Hồng bắt đầu ăn những miếng đòn văn chương đầu tiên. Nói như Nguyễn Huy Thiệp - Đồng Đức Bốn. Bốn khăn gõ áo the quẩy hai bồ lục bát vào làng thơ. Lập tức đã gây niềm thán phục. Với 4 người tiền bối trước, tầm vóc của Bốn không bì với họ được. Nhưng ông, dù đời thơ không được hưởng dương bao nhiêu, đã đủ minh chứng cho sức sống và sự mới lạ của lục bát. Vượt qua nhiều người khác, ông lọt vào danh sách 100 thi sỹ có bài thơ hay nhất của thế kỷ 20. Bài Vào chùa. Lục bát chỉ có 4 câu. Lục bát của Đồng Đức Bốn giản dị. Dân dã tự nhiên mà sâu sắc vô cùng. Với vẻ ngoài nói như không mà nặng trịch sức chứa của ngậm ngùi. Nếu không có sự trải nghiệm của trường đời, trường thơ thì không thể viết được như thế. Vào chùa. Chăn trâu đốt lửa, Chuồn chuồn cắn rốn biết bơi… là những ví dụ. Ở đời, ai chẳng dại một lần như cỏ, như Đồng Đức Bồn đã viết Mỗi lần cỏ dại trên đê, chim ngói đi thả bùa mê khắp đồng…
     Thế kỷ 20, có 3 lần lục bát xuất gia đi ra ngoài cửa thiền của sự thách thức sức biểu cảm của nó với những vấn đề thời cuộc và bản thân sự vận động nội tại của thi ca. Vào đầu thế kỷ với Tản Đà và những năm cuối cùng với Đồng Đức Bốn. Cùng với họ còn nhiều thi sỹ khác. Ở đoạn giữa, vài năm đầu kháng chiến chống Pháp, sau thời kỳ hoàng kim của Thơ Mới, một số người muốn tìm đường đổi mới. Quay trở về với thơ ca dân gian. Nhưng thực tế sáng tác đã không làm được điều đó.
   Lục bát như là một đặc trưng sáng tạo của văn hóa Việt Nam, tinh thần Việt Nam. Trên con đường giao hòa tiếp nhận những giá trị khác của các nền văn minh, người Việt đã vận dụng thể thơ nước ngoài như thơ Đường luật của người Tàu hay sonnet có nguồn gốc ở Ý…để làm thơ theo tiếng của mình. Tôi không hiểu thể lục bát dù quy tắc không phức tạp nhưng được ràng buộc bởi 6/8 và tiếng một đơn âm tiết cùng với 6 thanh có làm khó dễ cho những ngôn ngữ đa âm tiết ở châu Âu khi muốn áp dụng hay không? Với một vài ngôn ngữ châu Á, có đặc trưng tiếng một đơn âm tiết – cho dù số thanh ít hơn liệu có thể vận dụng được lục bát nhuần nhuyễn hay không?. Người Việt có quyền hy vọng giá trị văn hóa của mình tỏa sáng ở những chân trời tư duy và cảm xúc khác.
    Tôi đi qua 65 mùa gói bánh chưng tết mà chưa đi hết nửa câu dân ca lục bát quê mùa.
    Ai đi muôn dặm non sông
    Để ai chứa chất sầu đong vơi đầy.
Khuất Bình Nguyên
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ngày sao cát nở

Ngày sao cát nở Hai hàng áo lam đồng loạt ngẩng khỏi giá kinh, báo Ái biết mình lầm to. Mấy chục cặp mắt mới ít phút trước còn sám hối hướ...