Không đơn thuần là nơi để nghỉ ngơi, Hồ Núi Cốc còn là nơi để
du khách đắm mình vào huyền thoại, cảm nhận rõ hơn về tình yêu, cuộc sống và thậm
chí là có cơ hội để tĩnh tâm nhìn lại mình.
Đơn giản là Hồ Núi Cốc
Tỉnh lộ Đán - Tân Cương - Núi Cốc trải nhựa phẳng lỳ, quanh
co uốn lượn, khẽ ôm lấy những quả đồi xanh ngút ngàn, màu xanh của cây rừng và
màu xanh của những búp chè Tân Cương - những búp chè đại diện cho thứ chè Thái
Nguyên nức danh. Theo con đường ấy chừng 15km tính từ trung tâm thành phố Thái
Nguyên, du khách không khỏi sững sờ trước một hồ trên núi với những hòn đảo lớn
nhỏ đan xen nổi bật giữa sóng hồ - Hồ Núi Cốc.
Không phải là hồ tự nhiên, Hồ Núi Cốc được tạo ra khi đập
ngăn dòng sông Công được xây dựng. Với 89 hòn đảo lớn nhỏ lô nhô khắp mặt hồ, Hồ
Núi Cốc được ví như một Hạ Long thu nhỏ. Mây trời hòa quyện cùng núi non, cây cỏ
in bóng xuống mặt hồ xanh biếc có sức quyến rũ kỳ lạ, đặc biệt là với những người
vốn đã quen với nhà cao tầng và những con phố đông đúc.
Trên hải trình giữa lòng hồ, du khách không khỏi tò mò trước
một cổng tam quan bề thế trên đảo Núi Cái. Cập bến ở đây, sau khi bước qua cổng
tam quan này, du khách sẽ phải bước lên 108 bậc thang để lên tới Nhà Cổ. Ngôi
nhà này đã có niên đại 200 năm. Bên trong ngôi nhà, hơn 1000 hiện vật được
trưng bày, đây là những sản phẩm làng nghề truyền thống được đưa đến từ hơn 90
làng nghề trên mọi miền Tổ quốc.
Từ huyền thoại nàng Công - chàng Cốc…
Nhắc đến Hồ Núi Cốc thì không thể không nhắc đến cuộc tình giữa
nàng Công và chàng Cốc - một chuyện tình thương đau còn để lại dấu tích đến
ngày nay.
Chuyện rằng:
Ngày xưa có một chàng trai nghèo sống bằng nghề đốn củi,
chàng có tên là Cốc. Bởi vì quá nghèo nên chàng Cốc không thể lấy được vợ. Mỗi
lúc buồn, chàng chỉ còn biết gửi nỗi lòng vào tiếng sáo. Một năm mất mùa, chàng
Cốc đến nhà quan lang ở vùng gần sông Công, sông Gâm làm thuê. Quan lang này có
một cô con gái xinh đẹp và hát hay, múa giỏi nức tiếng khắp vùng, đó là nàng
Công. Nhiều người đến ướm hỏi nhưng nàng Công không ưng một ai. Duyên trời định
đoạt, tiếng sáo chàng Cốc đã khiến trái tim người con gái rung động.
Biết chuyện, quan lang vô cùng tức giận. Ông bắt chàng Cốc
làm những việc khó khăn, nguy hiểm cốt để hại chàng. Với sự giúp đỡ của tiên
ông và các loại thú rừng, chàng Cốc đã hoàn thành tất cả yêu cầu. Song điều đó
không làm quan lang hài lòng, ông bắt nhốt nàng Công trong nhà và cho quân truy
đuổi chàng Cốc. Phần chàng Cốc, chàng về quê chờ ngày gặp lại người yêu. Chàng
chờ mãi, chờ đến khi cả tấm thân hóa thành quả núi mà nàng Công vẫn chưa đến.
Thương nhớ chàng Cốc, nàng Công khóc ròng rã, rồi thân thể nàng cũng tan ra
thành nước.
Ngọn núi Cốc bây giờ là hiện thân của chàng trai năm xưa, còn
người yêu chàng đã hóa thân thành dòng sông Công êm dịu. Người ta bảo, mỗi lần
lũ lên là mỗi lần nàng Công cố vươn mình để được gần chàng Cốc hơn.
… đến chuyện tình ba cây thông
Câu chuyện tình bi thảm của đôi trai gái hóa sông hóa núi kia
không là huyền thoại tình yêu duy nhất ở Hồ Núi Cốc này. Ba cây thông, hai
trai, một gái đang đứng sừng sững kia là một bằng chứng không thể chối bỏ.
Xưa có hai anh em sinh đôi giống nhau như hai giọt nước, cả
hai chàng cùng tài giỏi và vô cùng hiếu thuận. Một ngày nọ, người anh xuống
núi, chàng gặp cô gái xinh đẹp nhất vùng và tình yêu bắt đầu nảy nở trong mỗi
người. Ngày hôm sau, khi cô gái đang mong chờ chàng trai hôm qua tới thì cũng
là lúc người em xuống núi và cũng gặp nàng. Người em cũng say đắm trước dung
nhan của cô gái kia. Còn cô gái, cô đâu ngờ người đang đứng trước mặt mình là một
người khác.
Tới một ngày, người anh hẹn cô gái về ngày đính ước, cô gái
thẹn thùng ưng thuận. Ngày hôm sau, cũng như anh mình, người em xuống núi xin lời
đính ước. Xúc động nghĩ rằng chàng trai đang nhắc lại lời hẹn, cô gái khẽ gật đầu.
Ngày hẹn ước cùng tới, dưới ánh trăng vằng vặc, ba người ngỡ
ngàng nhìn nhau. Cô gái òa khóc trước sự sững sờ của hai anh em. Động lòng
thương cảm, Ngọc Hoàng ban phép cho họ được mãi mãi bên nhau. Ngày hôm sau, tại
nơi ba người đứng đêm qua, người ta bỗng thấy có ba cây thông cao lớn, xanh tốt
đứng sừng sững giữa trời.
Điểm đến Hồ Núi Cốc
Đặt chân đến nơi đây, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước một
công trình cao lớn, uy nghi, đó là bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni khổng lồ. Bức
tượng cao tới 45m màu vàng rực dưới nắng. Đặc biệt hơn cả, đây là một pho tượng
rỗng, trong lòng tượng Phật là ngôi chùa có tên Thác Vàng.
Đến với Hồ Núi Cốc, du khách có thể bị cuốn đi bởi hàng loạt
điểm đến hấp dẫn khác. Ngồi trên thuyền phao trôi theo dòng sông nhỏ tượng
trưng cho nước mắt nàng Công trong Cung Huyền thoại, du khách có thể cảm nhận
sâu hơn về huyền thoại sông Công - núi Cốc qua những tạo hình tái hiện lại câu
chuyện. Ngoài ra, du khách có thể tham quan động Ba cây thông, động Thế giới cổ
tích hay vui chơi trong công viên nước (nếu vào mùa hè), vườn thú hay mua sắm
trong chợ tình…
Đặc biệt, những tiết mục biểu diễn nhạc nước với sân khấu
ngoài trời, nơi có thểngắm nhìn cả ba cây thông trong câu chuyên cổ cũng có sức
hấp dẫn đặc biệt đối với khách tham quan.
Không đơn thuần là nơi để nghỉ ngơi, Hồ Núi Cốc còn là nơi để
du khách đắm mình vào huyền thoại, cảm nhận rõ hơn về tình yêu, cuộc sống và thậm
chí là có cơ hội để tĩnh tâm nhìn lại mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét