Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2015

Mấy cảm nghĩ ca khúc Ru ta ngậm ngùi Trịnh Công Sơn

Mấy cảm nghĩ ca khúc Ru ta ngậm ngùi Trịnh Công Sơn

Môi nào hãy còn thơm, cho ta phơi cuộc tình
Tóc nào hãy còn xanh, cho ta chút hồn nhiên
Tim nào có bình yên, ta rêu rao đời mình…
(Trịnh Công Sơn, Ru Ta Ngậm Ngùi)
Ai cũng đã từng ấu thơ, đã từng tuổi trẻ, thì ai cũng đã từng môi thơm tươi thắm, đã từng tóc xanh hồn nhiên, đã từng bình yên tâm hồn, đã từng trải rộng lòng mình yêu thương cuộc đời một cách tự nhiên.
Thuở ban đầu, chắc hẳn ai ai cũng đã thanh thản yêu đời như vậy. Nhưng rồi, khi mỗi ngày mỗi đối diện thường xuyên hơn với những ngõ ngách ngoằng ngoèo của cuộc đời, thì niềm vui thơ dại kia tự cảm thấy ngần ngại, mỗi lúc mỗi thêm nghi ngờ. Và rồi một hôm, dừng chân đứng lại, lắc đầu ngao ngán chuyện đời, bất chợt tắc lưỡi thở dài, như cử chỉ của một người đã trải qua một cuộc bể dâu quá ngán. Trái tim hồn nhiên đã mất hẳn hồn nhiên.
Trái tim Trịnh Công Sơn cũng vậy. Mỗi ngày bước đi giữa đời, chứng kiến thêm những oan trái cõi đời, là mỗi ngày bước chân thêm bâng khuâng, đầu óc thêm lúng túng với những câu hỏi quay cuồng nhức nhối.
Ai đã yêu đời, mà mỗi khi nhìn thấy cõi đời đang đẹp bỗng nhiên xấu xí, sẽ khổ sở lắm. Ai đã yêu tuổi thơ, mà mỗi khi nhìn thấy những mầm xanh thơ dại giữa đời bỗng vội vàng héo úa, sẽ tiếc nuối lắm. Ai đã yêu tuổi trẻ, mà mỗi khi chứng kiến những trái tim hồn nhiên bị sa ngã vào dòng đời quỉ dữ, lương tâm sẽ ray rứt không chịu nổi. Mỗi lần nghe ruột gan cào xé như vậy, và mỗi lần nghe thấy chính trái tim mục đồng của mình chao đảo, Trịnh Công Sơn đã ôm ghì lấy cây đàn, trút đổ vào đó những lời réo gọi thiết tha:
Môi nào hãy còn thơm, cho ta phơi cuộc tình
Tóc nào hãy còn xanh, cho ta chút hồn nhiên
Tim nào có bình yên, ta rêu rao đời mình...

Ta vẫn là người trọn vẹn phải không? Với đầy đủ thân xác người và tính nết người, phải không? Mà sao thấy ta như hư mất, như sứt mẻ điều gì đáng tiếc lắm thay.
Nếu môi nào của ta hãy còn thơm bình thường, thì ta hãy phơi bày cuộc tình của ta giữa cuộc đời trong sáng của ta. Nếu tóc nào của ta hãy còn xanh bình thường, vẫn trẻ trung khỏe mạnh bình thường, thì ta hãy sống hồn nhiên như ta chưa hề cằn cỗi giữa đời.
Môi ta vẫn còn thơm, tuổi ta vẫn còn đẹp, thì đáng lẽ ta có thể trao cho người những tiếng hát ngọt ngào, chứ sao ta hằn học trên môi điều gì không đẹp? Tóc ta vẫn còn xanh, tuổi ta vẫn còn trẻ, thì đáng lẽ ta có thể thỏa thích trao đổi với người những suối mát hồn nhiên trong tâm hồn, chứ sao ta cứ buông tuồng những mưa gió dèm pha? Tim ta vẫn đập nhịp bình yên, tuổi ta vẫn trẻ trung hương sắc, thì đáng lẽ ta có thể thẳng thắn tô điểm tình yêu giữa con người với nhau, chứ sao ta cứ sơn phết thù hận giữa con người với nhau?
Đáng lẽ thế gian hòa ca tươi thắm lắm. Đáng lẽ chúng ta yêu đời thanh thản lắm. Đáng lẽ sự đời không phải đảo điên như ta đang thấy. Ấy mà sao, thật đáng tiếc, cuộc đời đã nghiêng đổ lộn xộn ngửa ngang. Đó là sự thật. Nghe xót xa quá, tiếc quá, không thể ngồi bất động lâu hơn, Trịnh Công Sơn lại với lấy cây đàn, thiết tha réo gọi, cố níu kéo một cái gì đó sắp lạc mất giữa đời:

Môi nào hãy còn thơm, cho ta phơi cuộc tình!
Tóc nào hãy còn xanh, cho ta chút hồn nhiên!
Tim nào có bình yên, ta rêu rao đời mình!
Xin người hãy gọi tên ...

Xin người hãy gọi tên cái ấy, cái hình như đã mất ấy, cái hình như vẫn có thể cứu chuộc ấy. Môi ấy thơm hồn nhiên, tóc ấy xanh hồn nhiên, tâm hồn ấy trong sáng hồn nhiên. Xin người hãy gọi tên cái ấy, cái bầu không khí thần tiên ấy, cái cõi bờ thanh tịnh thủy tinh ấy.
Ai cũng đã từng ấu thơ, đã từng tuổi trẻ, thì ai cũng đã từng môi thơm xuân sắc, đã từng xanh tóc hồn nhiên, đã từng bình yên tâm hồn, đã từng trải rộng lòng mình yêu thương tự nhiên với bao la cuộc đời. Bầu trời sống động ấy bao giờ cũng là bức tranh dồi dào nhựa sống, vì được vẽ nên bằng những rung cảm chân thành từ con tim vẫn còn hương xuân ngọt ngào, vẫn còn nhựa sống hồn nhiên. Tựa như ánh rạng đông, tâm hồn xuân trẻ tinh khiết chưa từng dính líu bụi trần ấy, đã chậm rãi vươn mình lên cao, trải rộng tình yêu trên mặt đất trần gian, một cách nhẹ nhàng, một cách hồn nhiên. Môi ấy thơm hồn nhiên, tóc ấy xanh hồn nhiên, tâm hồn ấy trong sáng hồn nhiên. 

Đời vẽ tôi tên mục đồng
Rồi vẽ thêm con ngựa hồng
Từ đó lên đường phiêu linh
Đời vẽ tóc em thật dài
Rồi vẽ môi thơm nụ cười
Từ đó thiên hạ vui tươi.

(Trịnh Công Sơn, Chỉ Có Ta Trong Một Đời).
Vậy đó là cuộc đời thần tiên ban sơ. Đời thần tiên như đời tự vẽ ra đời nguyên xuân. Lòng người bình yên giữa đời thanh bình, tâm hồn trong sáng giữa đời không bụi bặm, tình người tự nhiên phơi bày giữa đời không xảo quyệt cuồng điên. Thuở ban sơ ấy, môi nào cũng thơm, tóc nào cũng xanh, tâm hồn nào cũng trong sáng hồn nhiên.
Đó là hình ảnh của cõi xứ thanh tịnh không tên. Nếu người muốn gọi tên, thì xin người hãy gọi tên, nhưng cái tên ấy vẫn là cái tên không có thực tính. Vì mọi thứ tên gọi đều được biết là phiến diện, hoặc lệch lạc, và dễ bị ngộ nhận. Mọi ngôn từ, mọi danh xưng, cho dù hoa mỹ bao nhiêu đi nữa, thận trọng đẻo gọt bao nhiêu đi nữa, chải chuốc tinh tế bao nhiêu đi nữa, thì nó vẫn còn một khoảng cách xa lắm mới chạm tới được mép rìa của sự thật muốn mô tả.
Ngôn ngữ chỉ là phương tiện truyền đạt, nên nó không thay thế cho chính cái mà nó muốn truyền đạt. “Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh” (Đạo Đức kinh). "Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng, tất kiến Như Lai " (Kim Cương kinh). Tự nó, chân thiện mỹ, sự sống, tình yêu, cuộc đời, nó là vậy đó, thì hãy sống và cảm nghiệm nó như nó vốn là vậy đó mà thôi. Môi nào hãy còn thơm cho ta phơi cuộc tình. Tóc nào hãy còn xanh cho ta chút hồn nhiên. Tim nào có bình yên, ta rêu rao đời mình. Xin người hãy gọi tên...
Tưởng như một cái gì đó rất quí giá của cuộc đời đang chìm khuất vào dĩ vãng. Tiếc nuối vô cùng. Cho nên tha thiết réo gọi, mong mỏi, hy vọng. Rằng: người ơi, có thể nào ta và người giữ gìn sao cho tấm thân ta này – thân xác này và tâm hồn này – vẫn duy trì được nguyên lành là môi thơm, là xanh tóc, là con tim bình yên cho hiện tại hay không? Được hay không? Hay đành lòng nhìn tất cả đều đổ nhào vào dĩ vãng hư mất, không thể cứu chuộc được?
Câu trả lời vừa xa xăm vừa gần gũi: “Không có đâu em này, không có cái chết đầu tiên. Mà có đâu bao giờ, đâu có cái chết sau cùng” (Trịnh Công Sơn, Ngẫu Nhiên). “Có thì có tự mảy may, không thì không tự kiếp nào cũng không.” Nghĩa là, ở đây, điều cốt lõi không phải là câu chuyện tiếc nuối dĩ vãng, mà là sự nhận biết từng cái hiện tại bây giờ đang mất phẩm chất của chính hiện tại đáng lẽ phải là. Hiện tại mất chất này, sao nó cứ là hình bóng sao chép của quá khứ, của định kiến, của hủ tục, chứ không được trong sáng xinh đẹp như từng cái hiện tại thuần tịnh tự nó trôi đi. Hoặc, hiện tại mất chất này, sao nó cứ là hình bóng tưởng tượng về một tương lai hão huyền, không có thật, của mê muội, của tham vọng, của ác ý, của thêu dệt, chứ không hồn nhiên chắc thật như từng cái hiện tại thuần tịnh tự nó đang đi.
Cái đáng giá là chính từng cái hiện tại này đây, môi thơm này, tóc xanh này, mà ta đang bỏ phế này. Từng hiện tại đang “trôi đi”, từng phút giây đang nhảy múa, từng khoảnh khắc đang ca vui bài ca sinh động của hiện tại có thật.
Hương thơm của môi, màu xanh của tóc, sở dĩ còn đầy nhựa sống, không phải xuất phát từ môi kia hay tóc nọ, mà là từ chính trái tim người hôm nay, tại mỗi hiện tại này đây, có còn hồn nhiên rung cảm sống động thật hay không. Sức sống từ tim người là tố chất quyết định hương thơm của tình yêu, hương thơm của cuộc đời, tỏa lộ tự nhiên trên môi, trên tóc, trên da. Nếu chính trái tim người khép cửa hôm nay, thì tất cả cuộc đời hôm nay đành khép lại hẹp hòi, thì tình yêu bị cắt mất nguồn dinh dưỡng. Không tình yêu đồng loại, con người trở thành như vô tri vô giác, như con tim hóa đá, như giọt máu hóa điên, như con chim không biết hót.
Khi tình đã vội quên
Tim lăn trên đường mòn
Trên giọt máu cuồng điên
Con chim đứng lặng câm…

Chừng nào con tim tự nhiên còn mở lòng rung cảm yêu thương thật sự, thì hương tình còn nồng nàn đam mê, hương đời còn chứa chan ý nghĩa. Khi con tim đi lạc vào mê cung của những tham vọng hão huyền, thì môi tóc nào rồi cũng hóa thành những cơ phận khô khan “lăn” trên đường mòn xã hội, và sẽ lạnh lẽo như giữa hoang vu rừng núi, và sẽ chai cứng như tường trắng lặng câm. Khi con tim đánh mất rung cảm tự nhiên, đó là lúc tiếng chim trong lòng thôi ríu rít, đó là lúc tình mình bắt đầu hoàng hôn, tim mình từ xuân vui đã bước sang thu buồn đông giá.
Khi tình đã vội quên
Tim lăn trên đường mòn
Trên giọt máu cuồng điên
Con chim đứng lặng câm
Khi về trong mùa đông
Tay rong rêu muộn màng
Thôi chờ những rạng đông

Xin chờ những rạng đông
(Trịnh Công Sơn, Ru Ta Ngậm Ngùi)
Con chim đứng lặng câm. Chờ đợi và buồn bã. Buồn bã vì người đã vội vàng vứt bỏ cái tâm hồn xuân sắc quí giá nhất của mình, lơ đễnh chối bỏ trái tim chân chính quí giá nhất của chính mình, và mê lầm qui phục những tà kiến cuồng điên ở đâu đâu. Chính ta đang hoang phí trái tim người của ta hồn nhiên này, và đang để trái tim quỉ quái của ai ai xa lạ chi phối nhịp đập của ta này. Thật oan uổng vô cùng. Con chim đứng lặng câm. Buồn bã. Buồn bã vì đáng lẽ tiếng ca bình minh phải thường tại trong lòng như bẩm sinh trái tim mình là con chim biết hót, biết ca, biết nhảy múa trên cành, ấy vậy mà nay đã, đành ngậm ngùi đứng lặng câm giữa trời đất mùa đông. Vạn vật thì suối sông trôi chảy mãi, mà mình thì ảm đạm ao đầm hoài nơi đây. 

Đời sao im vắng
Như đồng lúa gặt xong, như rừng núi bỏ hoang
Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm

Con chim chờ đợi. Buồn bã nhìn cảnh đời hoang vắng chung quanh. Buồn bã vì đáng lẽ mỗi ngày loài người chúng ta có thể cùng đồng loại hội hè vui chơi ca hát, ấy vậy mà, thay vào đó, mỗi ngày loài người lại phải chứng kiến những bi kịch do chính con người trút đổ chồng chéo lên nhau. Nghe cõi đời âm u càng lạnh ngắt. Con chim đứng lặng im trong mùa đông. Thôi chờ những rạng đông cuộc đời…
Chờ đợi tội lỗi sẽ biết ăn năn. Chờ đợi hận thù sẽ thôi thù hận. Chờ đợi một ngày vườn cây cuộc đời sẽ tưng bừng chim muông trở lại. Chờ đợi những môi thơm, những tóc xanh, những con tim trong sáng. Chờ đợi những phố xá bao dung trong cõi người ta. Chờ đợi người đời sẽ đối xử tử tế với người đời.

Có đường phố nào vui, cho ta qua một ngày
Có sợi tóc nào bay trong trí nhớ nhỏ nhoi

Niềm khao khát ấy rất tha thiết, rất chân thật. Ta chờ đợi những phố xá bao dung. Ta chờ mong những con tim rộng lòng. Nếu phố xá bao dung thì ta không cần do dự, nếu lòng người cởi mở thì ta đâu cần phân vân, và tất nhiên ta sẽ ở lại vui chơi với phố xá, ta sẽ là bạn bè với tất cả trần gian. Nhưng, hỡi cõi đời, hỡi nhân gian, sự thật là người đời đã đối đãi ngược lại. Đôi tay nhân gian vẫn chưa từng độ lượng với nhân gian. Đêm tối cuộc đời vẫn còn dài dằng dặc, không biết còn phải chờ đợi bao lâu nữa mới tới rạng đông. Trong cơn lạnh lẽo giữa phố xá đó, giữa phố xá vẫn vắng bóng bao dung ấy, sốt ruột lắm, ta đành phải tự dự liệu.

Có đường phố nào vui, cho ta qua một ngày
Có sợi tóc nào bay trong trí nhớ nhỏ nhoi
Không còn không còn ai
Ta trôi trong cuộc đời
Không chờ không chờ ai

Không chờ đợi ai nữa. Loài người đáng thương chúng ta đã đợi hàng ngàn năm mà vẫn hoài công. Lịch sử cho thấy bóng tối sân hận vẫn không mảy may chuyển biến, người ta vẫn tiếp tục lấy tham lam làm thước đo hào quang vinh hiển. Cuộc đời vẫn thờ ơ với những cố gắng hồi sinh cuộc đời. Thiện chí của chân nhân lắm khi còn bị chế nhạo. Biết làm sao hơn. Nên ta đành ngậm ngùi chấp nhận chọn lựa bất đắc dĩ này: độc hành trên lộ trình “còn lại”. Không chờ không chờ ai. “Trời cao đất rộng, một mình tôi đi. Đời như vô tận, một mình tôi về với tôi.” (Lặng lẽ Nơi Này).
Nếu người đời vẫn lạnh lùng bảo thủ, nếu tục lệ vẫn khăng khăng đường mòn, thì ta biết làm sao chìu lòng! Nếu môi ấy cắn răng không chịu tỏa hương thơm của môi thơm nữa, nếu tóc ấy cố tình không xanh nữa như màu tóc thật của xuân xanh, nghĩa là nếu tâm hồn ấy không còn yêu chuộng tình yêu xuân sắc như diệu tâm bữa trước nữa, thì nào có ích gì khi miễn cưỡng níu kéo nhau thêm? “Thiệt đây mà có ích gì đến ai”. Thôi …

Em về hãy về đi
Ta phiêu du một đời
Hương trầm có còn đây
Ta thắp nốt chiều nay
Xin ngủ trong vòng nôi
Ta ru ta ngậm ngùi
Xin ngủ dưới vòm cây

(Trịnh Công Sơn, Ru Ta Ngậm Ngùi)
Đã đến lúc ta phải dứt khoát giũ bỏ hết những bịn rịn dùng dằng, đốt hết những hương trầm luyến tiếc. Chào em ở lại với những đường mòn hủ tục, với những định kiến già nua, với những giấc ngủ mê - đã ôm ghì những tham vọng hão huyền mà cứ tưởng rằng đích thật.

Như vậy đó là cõi người ta. Những người lớn trong cõi người ta, họ không nghĩ ngợi như những bé thơ nghĩ ngợi. Họ đang rất bận rộn, sa đà tranh chấp, giành giật nhau những bóng ma hư ảo. Nhưng vì họ không hề biết hiện trạng điên đảo như vậy, thôi thì đành để yên như vậy. “Chắc chi thiên hạ đời nay, mà đem non nước làm rầy chiêm bao.” Nguyễn Du tâm sự như vậy. Còn đây là tâm sự của Trịnh Công Sơn:
Em về hãy về đi. Ta phiêu du một đời. Hương trầm có còn đây. Ta thắp nốt chiều nay. Xin ngủ trong vòng nôi. Ta ru ta ngậm ngùi. Xin ngủ dưới vòm cây.
Ai về hãy về đi. Cứ về với thế tục quá đỗi phàm phu ấy đi. Còn ta, ta sẽ tiếp tục cuộc hành trình trong đời bằng hương sắc vốn có của ta, với môi thơm này của ta, với tóc xanh này của ta, với trái tim hồn nhiên này của ta. Ta đơn sơ làm một đứa bé ngây thơ, như chưa từng biết đến cõi đời điên dại tệ tình. Ta lặng lẽ làm một chú chim tự nhiên ca hát giữa vườn xanh nhân từ. Ta chan hòa niềm vui dưới bóng mát toàn nhiên của vũ trụ bao la. Ta làm một đứa bé yên lành trong vòng nôi bát ngát của cuộc đời, và ngậm ngùi tự hát ru mình: “Em về hãy về đi, ta phiêu du một đời. Hương trầm có còn đây, ta thắp nốt chiều nay. Xin ngủ trong vòng nôi, ta ru ta ngậm ngùi. Xin ngủ dưới vòm cây.”
Nguyễn Quang Thanh





1 nhận xét:

Miền cổ tích hoang hư 2

Miền cổ tích hoang hư 2 7 - Ngọ... Chiếc tàu thu mua hải sản ném Phương lên bờ tại cảng cá tanh hôi và ồn ào của Hải Phòng. Lôi thôi lếch ...