Thứ Năm, 16 tháng 7, 2015

Phận người trong trường ca Trần Anh Thái

Phận người trong trường ca Trần Anh Thái
  Giai đoạn 1945 -1975 là giai đoạn mà cảm hứng sử thi, anh hùng ca được xem là cảm hứng chủ đạo, chi phối toàn bộ các sáng tác trong đời sống văn học. Tuy nhiên, sau năm 1975, lịch sử đã mở ra một trang mới cho cuộc sống của người dân nước Việt nói chung và giới văn nghệ sĩ nói riêng. Văn chương cũng chuyển  mình theo sự đổi mới ấy, thực hiện nhiệm vụ phản ánh một cách chân thực hiện thực đời sống cũng như hiện thực tâm lí con người. Nhà thơ không còn bị vướng bận với những quan niệm kiểu “hiện thực chủ yếu” và “hiện thực thứ yếu”, không bị bó buộc trong những khung tư tưởng định sẵn mà cố gắng thể hiện tính đa diện của hiện thực. Nói đúng hơn, hiện thực trong văn học phải là thứ hiện thực của suy tư. Do đó, cảm hứng chủ đạo chi phối sáng tác chuyển dần từ cảm hứng sử thi sang cảm hứng cá nhân, cảm hứng đời tư, thế sự. Các nhà văn, nhà thơ chuyển từ “bè cao” sang “giọng trầm”, tập trung bút lực khai thác những mảnh đời nhỏ bé, bình thường nhưng lại mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Họ không nói đến những cái to tát, những cái lớn lao của tập thể nữa mà đi sâu vào thân phận con người bình thường, thậm chí là những mảnh đời nhỏ nhoi của thời hậu chiến.
Trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt là lĩnh vực thi ca, người nghệ sĩ muốn tạo dựng đứa con tinh thần có giá trị thì nhân tố đầu tiên không thể không nói đến chính là cảm hứng. Thơ muốn hay thì cảm hứng phải dồi dào, mãnh liệt. Tình cảm của nhà thơ do đó cũng phải lớn. Đó là thứ tình cảm đã dồn nén tới mức trở thành một thứ năng lượng có khả năng giúp thơ hiện hình, tỏa sáng. Song không phải lúc nào tình cảm nào cũng có thể giúp thơ lên ngôi. Tình cảm ấy phải bắt nguồn từ hiện thực đời sống đã được nhà thơ đón nhận bằng tất cả tài năng, tư tưởng và tâm hồn.
Ở Việt Nam, lịch sử chiến tranh liên miên đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong tâm thức cộng đồng. Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, nhiều bài học đã được tổng kết, nhưng để hiểu hết thực tế chiến tranh thì quả là một câu chuyện chưa bao giờ kết thúc. Chiến tranh - như một vết thương khó lành, mỗi khi trái gió trở trời, cơ thể dân tộc lại trở nên nhức nhối.
Chính vì vậy, sau năm 1975, thơ ca chủ yếu viết theo khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, nhằm ca ngợi những người anh hùng trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, thì góc nhìn về chiến tranh đã có sự thay đổi. Những mặt khuất lấp, những góc tối, sự đau đớn, mất mát, hậu quả đau lòng do chiến tranh gây ra mà giai đoạn trước văn học e dè, đến nay được tập trung khai thác, phản ánh chân thực và sâu sắc. Trong trường ca, các tác giả như: Trần Mạnh Hảo, Thanh Thảo, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh,… đã tái hiện bộ mặt chiến tranh một cách sống động bằng những câu thơ thấm trải nỗi đau. Nhưng phải đến Trần Anh Thái, nỗi đau ấy mới thực sự xoi buốt, day dứt và ám ảnh. Cũng từng là người lính, dãi dầu đời sống trận mạc, chứng kiến sự cận kề cái chết trong gang tấc nên khi viết về chiến tranh, với Trần Anh Thái là nhu cầu tự thân, để thỏa cơn khát, để trả món nợ lòng và để tự vỗ về mình. Viết về nó là chạm vào thế giới của biết bao kỉ niệm trận mạc, về phận người, về đồng đội và bè bạn. Để rồi trong các  trường ca của nhà thơ, mỗi cuộc chiến, mỗi tiếng súng, mỗi chiến thắng, mỗi sự hi sinh đều được khái quát hóa, đẩy lên thành biểu tượng cho sức sống dân tộc Việt.
     Trong trường ca Đổ bóng xuống mặt trời ra đời năm 1999 được đánh giá là một bản huyền ca biểu tượng cho  tinh thần văn hoá làng quê Việt. Tác phẩm gồm 9 chương, trong đó có ba chương Trần Anh Thái dành riêng cho chiến tranh: “Chiến tranh”, “Trận đánh”, “Ngày về”. Không phải quá khó hiểu khi chiến tranh trong những trang thơ của Trần Anh Thái trở thành nỗi đau đáu khôn nguôi, bởi: “Trần Anh Thái đã từng là người lính đánh vây lấn ở núi Đình Cương – một trận đánh kéo dài và khốc liệt”. Nhà thơ cũng từng “uống nước dòng sông Vệ, như đã uống nước sông quê miệt biển Thái Bình”. Nên hơn ai hết, Trần Anh Thái trải thấu đến tận cùng nỗi đau, sự mất mát mà chiến tranh đã gây ra. Dòng hồi ức ấy bắt đầu từ những ngày đầu tiên ở làng quê của nhà thơ.
     Ngôi làng ấy sau “thuở khởi nguyên tăm tối” đã bắt đầu một cuộc sống mới bình yên: “Ruộng lúa nhà gặt ngày chín nắng/ Dải bóng vàng dịu cơn khát ban trưa/ Con gà mái chiều qua nhảy ổ/ Cứ tác lên rối rít gác sàn ngang”. Nhưng chẳng mấy chốc chiến tranh đã đổ bóng. Từ góc nhìn rất gần gũi, quen thuộc và bình dị, nhà thơ đã dõi theo từng bước đi của cuộc chiến và thể hiện bằng một nhát cắt tình huống rất đời thường nhưng thật đau đớn, xót xa: “Người đưa thư báo tin chiến trận/  Mẹ đánh rơi nia gạo xuống sàn nhà”. Đột ngột và bất ngờ, chiến tranh đã xáo trộn mọi hoạt động trong nếp sinh hoạt hàng ngày: “Chim chích chòe sợ đông đi tránh rét/ Đu đủ đầu mùa héo lúc vỏ xanh/ Mèo khoang ngại ra đồng đuổi chuột/ Nằm co ro xó bếp ngủ vờ”. Mặc dù nói tới chiến tranh không bắt đầu từ tiếng gầm rú của máy bay, sức giật, rung của bom đạn nhưng những dòng thơ của Trần Anh Thái đã “khiến cho bộ mặt của cuộc chiến tranh hiện lên không còn sót khía cạnh nào của sự tàn bạo. Nó là kẻ thù muôn đời của mọi sự sống”. Chiến tranh - chỉ cần nghe tiếng thôi cũng đã mang lại trạng thái hoang mang trong đời sống vạn vật. Nó nhắc chúng ta nhớ tới những câu thơ của  Nguyễn Đình Chiểu khi Thực dân Pháp nổ tiếng súng đầu tiên vào thành Gia Định, mở đầu cuộc xâm lược lục tỉnh: “Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây,/ Một bàn cờ thế phút sa tay./ Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy,/ Mất ổ, đàn chim dáo dác bay” (Chạy Tây). Điểm gặp gỡ giữa hai nhà thơ chính là việc lựa chọn những đối tượng miêu tả để khắc họa tình cảnh hỗn loạn, thê lương mà chiến tranh gây ra. Đó là trẻ thơ - lớp người cần được chở che, bảo vệ nhất. Chiến tranh với sự tàn khốc của nó đã đảo lộn nhịp sống thường nhật của các em, lấy đi những giờ phút hồn nhiên của tuổi ấu thơ: “Chuyện vui đùa con trẻ dửng dưng”, “Tiếng cười trôi dạt về đâu”. Thay vào đó là những gương mặt nhớn nhác, “tái xanh”: “Đám con gái khóc nhè co ro xó tối/ Chúng tôi như bầy gà hoảng sợ bóng đêm”. 
Như thế, chiến tranh mở màn cuộc tàn phá thảm khốc của nó không phải bằng cái chết nơi chiến trường, không bằng cảnh “máu tung xối, chảy tóe, ồng ộc…” ghê rợn như trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, mà cuộc chiến với Trần Anh Thái lại được khởi đầu trên chính quê hương – nơi  hậu phương của người lính.
    Khi bước chân của chiến tranh đã “tràn vào nhà”, đi qua trạng thái hoảng loạn ban đầu, con người bước vào tư thế đối mặt: “Anh tôi nhập ngũ”, “Ông hàng xóm nghe đài đọc báo/ Giờ oang oang kể chuyện chiến trường”. Gia đình không còn đông đủ, nỗi đau ban đầu mà chiến tranh gây ra chính là sự chia ly, tan tác. Nó phá vỡ cảnh yên vui, sum họp của bao gia đình, reo rắc nỗi thấp thỏm không yên ở bao mái nhà: “Nhà bớt dần tiếng nói”, khiến “cha hay đi ra biển ít ngủ ở nhà”, làm cho:“tóc mẹ rụng những mảng buồn lối ngõ”. Như vậy, ngay từ những giây phút đầu tiên, chiến tranh đã vung lưỡi hái tử thần ở nơi dường như bình yên nhất.
    Bộ mặt của chiến tranh, trước hết, không gì khác là sự tàn phá, dữ dội  và chức năng hủy diệt: “Pháo kích rít bầu trời rực lửa/ Cỏ dưới chân vật vã gió rền” (Đổ bóng xuống mặt trời), “Bầu trời đang vỡ ra/ Nổ tung mặt đất”, “Đạn bay hỗn loạn”, “Đại bác rít qua bầu trời lửa, những chùm mây ám khói đạn bom” (Ngày đang mở sáng). Trong trường ca của Thanh Thảo ta cũng bắt gặp bộ mặt khốc liệt như thế:“Ôi lửa chiến tranh/ Dẫu chỉ còn lập lòe như lửa đầu điếu thuốc/ Có thể bùng cháy mái nhà tranh”.
    Từ điểm nhìn hiện tại, với cái tôi trữ tình trải nghiệm “qua cuộc chiến đầy máu và nước mắt”, Trần Anh Thái không nhằm tiếp tục xây cao tượng đài về người anh hùng mang lí tưởng thời đại, cũng không nhằm khắc họa cái tư thế vinh quang và vẻ đẹp của người chiến thắng mà nhà thơ đi vào khám phá tận cùng vẻ đẹp trong tâm hồn họ.
   Bỏ lại giấc mơ sau lưng “giọng chị lạc chiều, nước mắt mẹ chảy khô đêm rét mướt”, người em: “ánh mắt thẳm sâu/ Và hơi thở gấp gáp buổi chiều” (Ngày đang mở sáng), không được chuẩn bị, không kịp chuẩn bị thứ hành trang tinh thần nào, người lính bị ném vào  hiện thực khắc nghiệt, gian khổ của chiến tranh với sự bất lợi của thiên nhiên, thời tiết: “Chân trời/ Vực thẳm/ Ba lô sập mắt/ Gió lặng hành quân/ Xơ tước cánh rừng/ Dốc người dựng ngược”, “Đường quành quèo dốc dựng”. Đó cũng là những khó khăn mà người lính Tây Tiến gặp phải trên đường hành quân chống Pháp những năm xưa : “Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống” (Tây Tiến – Quang Dũng). Cuộc sống của người lính trong trường ca Trần Anh Thái là những bữa ăn sơ sài, thiếu thốn:Chúng tôi ăn lương khô/ Muối hòa nước suối/ Tuần không rau/ Tuần uống lẫn đất rừng (Đổ bóng xuống mặt trời).
    Thậm chí người lính trong trường ca Trần Anh Thái phải dấn thân trên con đường tắm bằng đạn và máu: “Đất đỏ dọc chiến hào đẫm máu”, “Máu ròng ròng sẫm mặt trời trưa”, “Máu trộn đỏ rừng cây Quảng Ngãi”…Phải chứng kiến cái chết xả thân đau đớn tàn khốc của đồng đội: “Những xác chết ngổn ngang hình hài méo mó”, “Mặt bạn tôi bê bết máu chiến hào”, mới thấm thía đến tận cùng: Chiến tranh là mất mát đau thương, là chết chóc, là sinh li tử biệt nhưng không thể nào khác được, bởi “Chiến tranh không có con đường thứ ba”. Và nó như ngưng đọng vĩnh viễn, như là điểm kết thúc của mọi sự.
Và ngay trong chiến tranh, người lính trong trường ca Trần Anh Thái có những khoảnh khắc hiện lên ở khía cạnh đời thường bởi họ cũng có nhưng phút giây yếu đuối. Yếu đuối lúc ra đi:
Anh phải đi trước khi trời sáng
 Để không ai biết anh khuỵu ngã
 Cái khoảng trống này
 Cỏ sẽ xanh
yếu đuối trong giấc mơ về cánh đồng hoa xuyến chi trắng muốt khi kề cận bom đạn khốc liệt và lửng lơ cái chết. Có những lúc, trong khoảng lặng của tâm hồn, Trần Anh Thái đã phát hiện người lính còn có niềm băn khoăn rất thật:
 Trận đánh ngày mai ai mất ai còn
 Rừng nín thinh
 Sương đổ đầm đìa.
 Họ mang trong mình nỗi sợ hãi và cả tâm trạng hoài nghi khắc khoải:
Tiếng ai nấc trong đêm
 Mồ hôi tứa thấm vào sương ớn lạnh,
những cành khô lạo xạo vỡ hỗn mang,
Sau cái chết dai dẳng hãi hùng này
Có một vòm trời khác?.
Cảm nhận về chiến tranh qua dòng hồi ức của người lính, trường ca Trần Anh Thái không mang hào khí hào hùng, hăm hở đầy quyết tâm như trong sáng tác của Bằng Việt: “Cả một thế hệ giàn hàng gánh đất nước trên vai”, không ám ảnh ghê rợn như Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh mà lặng lẽ thẳm sâu, đau đáu những xúc cảm nhân sinh rất thực của con người. Bước qua chặng đường cam go nhất của cuộc chiến, đến hồi vãn cuộc, người lính trong trường ca Ngày đang mở sáng mới có đủ thời gian nhìn lại:
Đất đồi phơi xác bạn thù
Tiếng chim dại lửng lơ sườn núi
còn kẻ sống:
Kẻ thất trận dưới chân đồi lê bước
 Kéo hoàng hôn rã rời
 Kẻ thắng trận hai tay ôm mặt khóc
Thương tích tạc vào gió thổi ngàn sau
    Không còn những phẫn nộ, căm ghét, hận thù mà là nỗi cảm thương, chua xót với kiếp người nói chung phải trả giá cho sự tồn tại. Khác với cách tiếp cận của Nguyễn Khoa Điềm: “Thằng Mĩ vào thì xác mà để đấy!/ Thằng ngụy vào thì xác nó đừng chôn!/ Cho cháu con ta, ai sau nữa, được nhìn!”.
Người lính trong trường ca Trần Anh Thái có một tâm trạng, thái độ một cái nhìn và nghĩa cử cao đẹp, nhân bản bởi “vinh danh người nằm xuống, là ai, bạn hay thù đều thể hiện “phong độ” nhân bản như nhau ( Nhìn lại bến bờ- NXBHNV). Đó là một cái nhìn rất con người. Bởi chiến tranh đã san bằng giai cấp, địa vị, thành kiến nên dù ở chiến tuyến nào thì cái chết cũng như nhau. Người may mắn sống sót trở về  dù thắng hay thua sẽ vẫn kinh hoàng khi nhìn lại.
     Nhưng lúc chiến cuộc tạm ngừng, trên chiến trường sẽ còn lại điều gì? hay chỉ là những nấm mồ rồi cũng sẽ bị bỏ hoang “Mộ bạn đắp vội ngày/ Hàng cây câm lặng”, “Mồ các bạn lấy gì che bớt lạnh/ Sương giàn giụa đổ dày”, “Xóa đi tên đất, tên người”.
    Câu chuyện nơi chiến trường là vậy, còn hậu phương thì phủ lên bầu không khí tang tóc, thê lương. Các thế hệ trai làng lần lượt lên đường chiến đấu và bỏ xác nơi sa trường:
 Làng vài ngày một tin báo tử
 Các anh tôi thành hương khói vu vơ.
Làng vắng bóng đàn ông càng trở nên mong manh trước thiên tai, địch họa. Nếu có người trong cuộc chiến trở về thì trên mình cũng mang đầy thương tật:“Làng có anh Pheo cụt chân xuất ngũ/ Chim khách bay cuống quýt ngọn tre”. Nhưng dù sao“Có thêm đàn ông gió đồng bớt trống/ Râm bụt trước nhà sáng sáng đỏ hoa”. Chiến tranh đến, duy trì mạng sống là cần thiết, hạnh phúc lứa đôi tuy nhỏ bé, giản đơn cũng thành ra xa xỉ, trở thành niềm ước ao khao khát của bao người: 
Gái làng qua nhà anh lén nhìn lố ngõ
Và âm thầm xoa ngực đêm đêm
Hương cứ tỏa gió qua ai biết
Sương muối bay cay đắng phận người.
đôi khi  còn gợi bao điều xót xa “Chị tôi tuổi dậy thì mưa nắng/ Ngày đi về se thắt mắt mẹ tôi”, “Nước mắt lặng lẽ rơi phía sau bóng tối/ Tiếng thở dài chôn nỗi buồn vào bao căn nhà thiếu vắng đàn ông”. Đời sống hậu phương trong chiến tranh vốn là nơi cung cấp vật chất, là điểm tựa tinh thần cho người lính, nhưng hiện thực ê chề, thật buồn tủi, đớn đau…
Chiến tranh dù khốc liệt, đau thương nhưng rồi cũng đến hồi kết. Cuộc sống  tiếp tục những vòng quay mới ở điểm khởi đầu. Nhưng nỗi đau thương tích  mà nó gây ra thì dai dẳng, nhức nhối. Nói về trường ca Ngày đang mở sáng, nhà thơ Thanh Thảo chia sẻ: “đây là cuộc chiến tranh sau chiến tranh, là mất mát sau mất mát, những nỗi đau sau những nỗi đau”. Đó là nỗi đau, nỗi mất mát, là cuộc chiến của  người mẹ mất chồng, mất con như má Mừng: “Đôi khi buồn quá/ Đôi khi chống gậy tìm đường ra sông Vệ/ Hai mắt ngây nhìn(/…)Gương mặt chồng và năm đứa con”, “Trong đôi mắt mờ đục của mẹ/ Đốm sáng nhỏ nhoi/ Khắc khoải không màu” ( Ngày đang mở sáng). 
Trong các trường ca của Trần Anh Thái, chiến tranh còn gây ra tội ác với những người chị:
- Giỗ tết người ta mua hương hoa về viếng người thân trong nghĩa trang liệt sĩ
Nén nhang chị thắp trời không
- Ba mươi năm sóng thừa đầy biển
         Chị chẳng có cho mình
         Nắm đất thắp nhang riêng
- Chị héo hon giữa dòng người đi tìm hài cốt…
- “Ba mươi năm chị là cái bóng đi về không hay biết
         Mảng tóc trên đầu rụng tháng ngày rơi”
Dòng thời gian chảy trôi đã ném tuổi thanh xuân của người phụ nữ vào chiến trường theo từng bước chân của người đàn ông. Người chị ấy cũng hiện lên thật xót xa trong thơ của Hữu Thỉnh: “Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền…Một mình ngồi một mâm cơm/ Ngồi bên nào cũng lệch”. Nỗi đau của những người phụ nữ được diễn tả một cách thấm thía xúc động – bởi cuộc chiến tranh mà họ đang đối mặt là cuộc chiến tinh thần: đầy khốc liệt, dai dẳng, ngậm ngùi và ám ảnh.
Người lính sống sót trở về sau cuộc chiến, dù may mắn không mang thương tật, nhưng vết thương lòng vẫn không thôi cắt cứa. Họ đã khóc cho những người hi sinh và đau cùng với nỗi đau mất mát của con người trong hiện tại. Cuộc sống và niềm vui không khi nào được trọn vẹn. Ngay cả trong giấc mơ, kí ức dữ dội ấy vẫn trở về:
Giấc ngủ tôi quay vào bóng tối
 Những chiếc gai đinh găm phía đầu giường
 Có gì đó như đang vỡ
Tiếng bom rơi xé rít chân trời.
Sau bao năm lăn lộn chiến trường, giờ đây vật lộn để mưu sinh, người lính chua xót nhận diện một hiện thực tăm tối đang tồn tại trong đời sống thường ngày: “Mày mặt hốc hác/ Nheo nhóc vợ con/ Hai mắt mở tròn/ Đất trời thườn thượt” (Ngày đang mở sáng). Đó là chuyện cơm áo, gạo tiền muôn thuở. Những bận lòng này thật khác với sự hăm hở và khí thế lên đường đến vùng đất hoang vu để khai mở khi chiến tranh kết thúc trong trường ca của tác giả Thu Bồn: “Trong tiếng nổ phá mìn/ Hàng sư đoàn đi phá đất”.
Như vậy, nếu hình ảnh người lính trong trường ca Thu Bồn đạt tới độ chuẩn mực, lí tưởng; nếu người lính trong trường ca Thanh Thảo gần gũi đến trần trụi, có tính cách đặc trưng thế hệ; nếu người lính trong trường ca Nguyễn Khoa Điềm  mang vẻ đẹp tiêu biểu về tâm hồn, lương tri thời đại, thì đến với trường ca Trần Anh Thái, ta bắt gặp chân dung người lính luôn đằm sâu suy tư, day dứt và đầy nhân tính.
Có thể nói, viết về đề tài chiến tranh, trường ca Trần Anh Thái đã đạt tới tầm cao của tư tưởng nhân văn sâu sắc. Các nhân vật chiến tranh dù cá nhân hay tập thể, dù có hay không tên đều hiện lên ở trạng thái đời thường bình dị với tình cảm trong sáng, thuần khiết nhất. Nổi bật lên là hình tượng người phụ nữ và hình tượng người lính. Họ không được khai thác nhiều ở phương diện tính cách anh hùng, và Trần Anh Thái cũng không đứng trên lập trường chính trị để tổng kết chuyện thắng – bại, được – thua, còn – mất . Dòng cảm xúc về chiến tranh trong trường ca của nhà thơ dội lên mãnh liệt và giàu sức suy tư. Có thể nói, Trần Anh Thái đã chạm vào tâm linh những nỗi đau qúa khứ, giúp ta thấy được chặng đường nhân dân đã đi qua để có được cái nhìn sâu sắc, toàn diện, nhân bản về chiến tranh, dân tộc.
   Với khoảng hơn 10 năm độc hành cùng trường ca, Trần Anh Thái là người lữ hành miệt mài trên con đường của mình không màng đến chuyện mưa nắng nhân gian. Mặc dù đã đi qua nửa chặng đường của cuộc đời nhưng nhà thơ vẫn nhận mình là người đi bên lề cuộc sống. Có lẽ, chính vì thế mà Trần Anh Thái đã dồn toàn tâm, toàn sức, dồn hết bút lực của mình cho một mục đích cao nhất của văn chương. Đó là tìm kiếm những câu trả lời cho sự tồn tại số phận của con người và của cuộc đời.
    Qua ba tập trường ca, ta thấy thế giới nhân vật mà nhà thơ xây dựng khá phong phú: Có nhân vật cụ thể, có tên: Ông Kháu, Anh Pheo, “Thằng Thời, thằng Tuyên, thằng Hằng, thằng Văn, anh Chữ”,…lại có người không tên: mẹ tôi, anh tôi, chị tôi,…Có nhân vật đám đông: họ, đoàn người, dòng người,…Có con người của thế giới hiện tại, cũng có cả con người “muôn năm cũ”, trong thế giới tâm linh…Tất cả thế giới nhân vật ấy được quy chiếu dưới cái nhìn mang cảm quan thân phận – thế giới của con người thân phận.
     Trước hết phải kể đến hình bóng của tổ tiên – những con người lao động bình thường trên con đường khai mở xuất hiện trong dòng tâm tưởng của nhà thơ ỏ trường ca Đổ bóng xuống mặt trời: “Đoàn người đi lam lũ dưới hoàng hôn”, “Dân làng bước ngàn năm sương giá”, “Dòng người lầm lũi đi/ Mắt sáng trong veo/ Nụ cười xiêu dại”, “mảnh đất linh hồn ông cha/ Đêm chợt vọng bốn chiều người lầm lũi úp mặt vào bờ ruộng”, “nghìn năm xa xẩm phận người”. Dấu chân của tổ tiên từ thuở hồng hoang mở đất hiện lên với những ám ảnh về nỗi khổ đau, bất hạnh của cuộc đời và số phận. Bằng những lời thơ đằm chất suy tư, Trần Anh Thái đã nhìn xuyên suốt chiều dài lịch sử qua hành trình con người mò mẫm tìm lối đi trên con đường xa xăm mù tối và đầy gai bụi. Đó là cuộc mưu sinh với sự dấn thân không có quyền lựa chọn, bởi“dừng lại là đắm chìm”.
    Trong suốt hành trình khai mở ấy, những con người vùng biển đã phải đối mặt và chống chọi với sự khắc nghiệt nhất của thiên nhiên và cuộc sống. Đó là cảnh đói khát: “Run cơn khát/ Bóng người ngày đổ”, “ Cúc áo cài lộn ngược/ Cơn đói mờ run”, là trạng thái thấp thỏm, bất an: “Tiếng quạ kêu rờn rợn dọc bãi đồi”, là tai ương và dịch bệnh không bao giờ lường trước: “Bờ biển đầy chướng khí”, “những đám mây bí ẩn trôi xa”, “thuở ấy mặt trời hay có giông che”, “cánh đồng hoa mơ nở chậm/ Bão giật rụng đầy mặt sông” và khi “cơn bão qua/ Người sực tỉnh giữa vùng tai họa”. Cuộc sống còn là cái chết cận kề “giữa bốn chiều  tê xót”: Người lên rừng và người xuống bể/ Những giấc mơ cất cánh trở về/ Hồn lãng đãng sương mù cát bụi/ Đàn ông nước cuốn sông trôi.
    Trong sự mưu sinh mòn mỏi, những con người đã sống mòn và cũng chết mòn “cằn cỗi” với “nhịp thời gian biền biệt chảy trôi”. Những mảnh đời bị giam hãm và tù túng trong đói nghèo, khổ ải: “Người thợ cày nhâm nhi giọt máu của mình/ Chảy qua cánh đồng biển sâu lam lũ”, để cuối cùng, “gieo cuộc đời vào ba thước đất”, “Người bị ruồng bỏ ở chính mảnh đất của mình/ Lối đi gập khúc” (Ngày đang mở sáng). Nhưng những con người ấy bằng dáng nét cuộc đời thực cũng hiện lên thật đẹp với nỗ lực vượt thoát: “người làng âm thầm chèo chống”, “Người làng ngậm buồn thả vào trời biếc” và một niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống: “sau chớp giật đường chân trời mở nắng/ Đất lại xanh nuôi máu của mình”.
    Có thể nói, khắc họa hình tượng người lao động – những số phận chung, Trần Anh Thái đã mang lại một cái nhìn mới mẻ, sâu sắc về bản thể người.  Đó là những con người với vẻ đời thường, bình dị, lam lũ nhưng góp phần xây nên lịch sử ViệtNam. Nó khác với sự huyền diệu trong cách miêu tả nhân dân của Thanh Thảo: “khi các thần tiên đã an nghỉ tận trời/ Nhân dân tôi khởi lên từ phù sa vất vả/ Từ điệu múa hồn nhiên trên vách đá” (Những người đi tới biển). Tuy nhiên, bằng mĩ cảm hiện đại, Trần Anh Thái đã có những phát hiện mới về con người ở một chiều kích khác:“Người đánh cá già mải mê rũ sương tìm bình minh trên mắt lưới”. Đã có lần nhà thơ từng lí giải “hiện thực tất nhiên chẳng có ông lão đánh cá nào đi tìm bình minh làm gì cả. Nhưng trong cảm nhận và tưởng tượng của nhà thơ, những màng nước biển đọng lại trên mắt lưới được mặt trời soi chiếu vào trông như những tia sáng bình minh. Cách diễn đạt ấy sẽ tạo ra cho người đọc một cách hình dung về con người bình thường ở một chiều kích khác. Con người hiện ra với một vóc dáng cao lớn và bay bổng hơn -  http://evan.vnexpress.net”
   Trong sáng tác của Trần Ánh Thái, hình ảnh người mẹ được xem là ngọn nguồn của cảm hứng sáng tạo, trở đi trở lại, là điểm nhấn quan trọng trong suốt chặng trường ca của nhà thơ. Lẽ đơn giản, “cũng như mọi người” với  Trần Anh Thái “mẹ là tất cả”.
   Và như thế, ngay từ những chương đầu tiên của trường ca Đổ bóng xuống mặt trời, người mẹ đã xuất hiện trong hồi tưởng nhớ tiếc của tác giả: “Mẹ như chiếc phao không bến”, “Mẹ đi trong đêm/ Sương khuya mò bóng”. Cũng như biết bao người mẹ việt Nam khác, người mẹ của nhà thơ là người mẹ nông dân nhọc nhằn vượt cạn trong đói nghèo:
Mẹ tôi sinh lần thứ ba bên bờ sông Cái
 Ngày sau ra đồng nhặt ngọn rau lang
Mẹ tôi sinh lần thứ tư ở nhà mình bữa cơm có thêm niêu cá bống
Người mẹ ấy đã  lam lũ, tảo tần:
Mẹ ngày cán quốc oằn vai
 thời gian tấy máu mòn tay
 Tóc mẹ rụng những mảng buồn lối ngõ
sự cực khổ sáng chiều ấy cũng giống như người mẹ của Hữu Thỉnh: “Sáng úp mặt ngoài đồng/ Chiều còng lưng cuốc đất”(Đường tới thành phố).  Cả cuộc đời mẹ không lúc nào nguôi yên lo lắng: Lo cho cuộc mưu sinh: “Có hôm đang trưa hè bất chợt/ Mẹ lo giông bão vào nhà”, lo cho con cái: “Anh tôi vào đơn vị/ Mẹ ngồi vá áo/ mũi kim bật máu bàn tay (…) “Mẹ lặng lẽ gói áo quần anh mặc trước đây”,“Chị tôi tuổi dậy thì mưa nắng/ Ngày đi về se thắt mắt mẹ tôi”.    
  Người mẹ ấy còn hiện lên với biết bao đau đớn cuộc đời – đau nỗi đau  trước thiên tai, địch họa, cũng từng ngấm trải cảm xúc tột cùng của mất mát chia li:
Em tôi chết ở mé đồi Lạng Sơn năm bảy chín
…Mẹ mấy năm liền nước mắt gối đêm
 Thấm thía nỗi nhọc nhằn và lòng thương con của mẹ, giữa những tháng ngày chiến tranh khốc liệt, trong giấc mơ của người lính, dáng mẹ hiện về: Mẹ vẫn ngồi/ Cỏ rêu len đầy cửa bếp/ Một ngày/ Đầu gối run run/ hai tay chống đất/ bàn thờ nguội ngắt/ biền biệt khói hương
   Đến với trường ca Ngày đang mở sáng, ta còn bắt gặp hình ảnh một người mẹ nữa, đó chính là má Mừng. Người mẹ ấy hiện lên trước hết ở cuộc đấu tranh sinh tồn với đồng khô, cỏ cháy: “Mẹ bới ngày/ Hạt gieo héo đất”, đấu tranh với phần nửa trước cuộc đời khi nửa phần sau là mất mát không gì bù đắp nổi:
Đôi khi buồn quá
Đôi khi chống gậy tìm đường ra sông Vệ
Hai mắt ngây nhìn
…Gương mặt chồng và năm đứa con
Điều tuyệt vời của người mẹ trong suy cảm của nhà thơ còn là nội lực mãnh liệt, tiềm tàng  để có thể vượt thoát, sống qua đau thương, bất hạnh. Đây cũng là ý nghĩa của cuộc đời mà nhà thơ ngầm gửi gắm.
   Viết về mẹ, mặc dù các tác giả trường ca trước đây đã khá thành công như Nguyễn Khoa Điềm: “Mẹ phả vào con nồng nàn mùi sữa/ Của cánh đồng xa nguyên vẹn như mùa”, như Thanh Thảo: “Cho con xin bắt đầu từ mẹ/ để nói về chúng con lớp tuổi hai mươi(…) Đã từng sung sướng/ đã từng ngọt ngào/ Vì làm con của mẹ” nhưng đến Trần Anh Thái, người mẹ mới thực sự là biểu tượng của sự hi sinh, chịu đựng trong dáng vẻ u buồn, trầm lặng. Không kể hết tấm lòng của mẹ, cũng không khắc sâu nét tâm lí của “Người”, song Trần Anh Thái đã gieo niềm yêu thương về cội nguồn sinh thành và gốc rễ dưỡng nuôi trong lòng người đọc: “Tôi ra đi buổi sáng thiên thần da thịt vấy bùn trộn săn ngày tháng, và trở về nơi ngong ngóng đợi chờ đêm đêm Người thao thức/ Dòng máu người rần rật chảy trong tôi qua những mùa màng, những giấc mơ đêm đêm hổn hển mệt nhoài”.
   Bên cạnh hình ảnh người mẹ, trong những trang viết của Trần Anh Thái  hình ảnh người cha cũng hiện lên đầy nỗi nhớ thương, xa xót: “ Còn đâu bóng núi trăng ngàn/ Trên mồ gió với nhang tàn ngẩn ngơ” “ Con đi qua những rộng dài/ Trước mồ cha bỗng hóa loài cỏ cây”. Khi Trần Anh Thái đến với trường ca, hình ảnh người cha kính yêu ấy vẫn được nhà thơ khắc họa thật xúc động. Ngay ở bản trường ca đầu tiên, người cha đã hiện lên với số phận của người trụ cột và gánh vác:  “Anh tôi chết không cơm không áo/ Cha ôm vùng đêm tối đi chôn” . “Cha ngã vào bầm đêm sương muối”. “Cha vác khoeo đi dưới mặt trời/ Bóng gẫy trên ngọn sóng”.
Đó là con người luôn gắn liền với công việc và những hành động nối tiếp nhau. Gánh công việc, gánh cả những thương đau lặng lẽ, người cha trong trường ca của Trần Anh Thái được miêu tả thật ám ảnh và giàu sức gợi.
     Ngoài hình ảnh người mẹ, người cha, những số phận riêng của con người trong sáng tác của nhà thơ còn là người chị - tiêu biểu cho những tổn thất mất mát của con người trong và sau chiến tranh. Trai làng lần lượt đi lính, làng không có đàn ông, người phụ nữ bị dày vò bởi ước mong thầm kín, tuổi xuân thành vô duyên:
“Chiếc gối mỏng vô tình vò nát
 Chim nhỏ chết vì sa mạc chờ mong.
 Khi Chiến tranh kết thúc, người chồng không trở lại, chị đối mặt với nỗi lo âu thường nhật chuyện cơm áo, gạo tiền: “Chị giật mình/ Gói mì tôm chuột tha đi mất / Bữa cơm chống đũa/ Con thơ đói sữa”. Kiếp người vì thế càng trở nên nhỏ bé, lầm lụi, lẻ loi:“Chị tôi lẫn vào trời vào đất; chị mỗi ngày bước mỏi, bàn chân héo hắt cánh đồng”.Hình ảnh này dường như lạc lõng với niềm vui và hạnh phúc đơn sơ đầu tiên trong những ngày đầu sau chiến tranh của người con gái trong sáng tác của Thanh Thảo:“các thiếu nữ gội đầu hong tóc/ trời khô ráo sao nở giòn tanh tách/ trâu cạ sừng chim về tổ ngủ yên” (Cỏ vẫn mọc).
Tóm lại, hình tượng trung tâm trong trường ca Trần Anh Thái là con người thân phận - con người được khai thác từ phương diện cá nhân và bằng cảm quan thân phận với sự lí giải sâu sắc và mang chiều sâu nhân bản. Do thế, người đọc “có thể chạm tới cả những gì rất riêng tư thẳm sâu của cõi người đầy bí ẩn (…) người ta thấy được cái chung, cái đại diện của tính người mang ý nghĩa phổ quát nhất. Những bi kịch cá nhân luôn tồn tại song hành cùng bi kịch của lịch sử (…). Và lịch sử của một cộng đồng, theo nghĩa đó, cũng không phải là cái gì quá chung chung trừu tượng, cao siêu mà là ở lịch sử hình thành và vận động của tính người ấy - Đỗ Thu Thủy, Tạp chí thơ”…
Trong lịch sử trường ca, hầu hết các tác phẩm được viết với cảm hứng lớn, truyền tải hơi thở và sức sống của lịch sử, thời đại. Đó là cảm hứng về nhân dân, dân tộc. Cảm hứng này cũng cuồng nhiệt chảy trong các sáng tác trường ca của Thu Bồn, Thanh Thảo, Nguyễn Khoa Điềm,….Quyện mình vào những trang viết ấy ta không thể nào quên các câu thơ mang sức nặng cảm xúc bốn nghìn năm lịch sử của Thu Bồn:“chúng sợ An Dương Vương, Thánh Gióng/ sợ trăm dòng sông đều nổi sóng Bạch Đằng/ những súng thần công cổ xưa không bao giờ bắn nữa?/ Nhưng chúng sợ lửa bắn về từ phía bốn nghìn năm”.
Đến với trường ca Trần Anh Thái, ta có thể thấy chiều sâu mạch cảm xúc làm nên giá trị nội dung tư tưởng được viết bởi cảm hứng mạnh mẽ và xuyên suốt của tác giả. Đó là cảm hứng về cội nguồn lịch sử và văn hóa dân tộc theo xu hướng bình thường hóa những phạm trù có ý nghĩa thiêng liêng cao cả. Cảm hứng ấy đã kết tinh lại trong hình tượng một ngôi làng  và xuyên suốt quá trình hình thành cũng như sinh tồn của nó.
    Trần Anh Thái đã viết về những biến cố mang tính thời đại gắn với quá trình dựng làng và giữ nước của nhân dân. Trong suốt quá trình ấy, bằng những nỗ lực không ngừng, lịch sử làng và lịch sử tâm hồn, tinh thần của con người Việt Nam đã được khơi dựng.
 Ở trường ca đầu tiên, Trần Anh Thái đã làm một hành trình tìm về cội nguồn lịch sử, văn hóa gắn với ngôi làng trong không gian huyền thoại:              
    “Không dấu chân đi qua/ Bờ biển đầy chướng khí/ Không có cánh buồm về/ Gió thừa đầy cửa bể/ Giấc mơ chập chờn giữa ngọn sóng đen”
Đó là một không gian hoang sơ, “mù tối”, “thăm thẳm” với âm thanh ghê rợn, chết chóc, thê lương: “Tiếng quạ kêu rờn rợn dọc bãi bồi…Làng bắt đầu từ một tiếng hú hoang”. Trong cõi hỗn mang nước réo, lửa sôi và những vị thần không rõ mặt, con người đã xuất hiện. Bắt đầu bằng hình ảnh người đàn ông: “mang theo búa rìu và con dao rựa”. Và khi ấy ngọn lửa trời nguyên khởi đã bừng lên: “Lửa bừng lên ngọn sóng/ Lửa tràn cõi lang thang/Lửa dịu ngày cơ nhỡ…”. Ngôi làng từ đó được khai sinh, lịch sử đời người, lịch sử dân tộc được thiết lập. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử với nhiều biến cố dữ dội, làng lớn dần lên. Ban đầu làng chỉ là: “lô xô mái cỏ túp lều nghèo”, “…nhỏ nhoi mọc trước mặt trời”, và mỏng manh trước sức mạnh dữ dội của thiên nhiên: “Sóng gió bập bùng” với “Bao ngổn ngang sóng xiết sông sâu”. Sự sống cũng trở nên yếu ớt trước thiên tai, nghèo đói: “Hạt giống bạc xơ / Giấc ngủ chập chờn”, “Người chết nghẹn đường năm đói”, yếu ớt trước chiến tranh xâm lược:“Bao người đi không về làng nữa/ bao người chôn xác giữa mây ngàn”. Nhưng vượt qua đau thương, mất mát ngôi làng với những con người kiên cường ấy đã tồn tại, vượt qua và bước tiếp, thách thức với tai ương và sự hủy diệt của bom đạn: “Làng trước biển trằn lưng che biển”. Và theo thời gian làng đã lớn rộng cùng với bước chân con người mở cõi, kiếm tìm. Lịch sử làng vì thế cũng dày hơn. Nó được viết lên bởi biết bao thế hệ con người đã từng sống trên mảnh đất ấy. Đó là thế hệ tổ tiên trong huyền thoại về làng: “Ngôi đền Thần hoàng tổ tông mười hai đời trước/ Máu người hằn khô vách đá lô xô” (Đổ bóng xuống mặt trời), trong thế giới tâm linh đầy bí ẩn: “chiếc đỉnh thờ u uất khói nhang”, “ngôi đình thiêng cao vút” (Ngày đang mở sáng). Lịch sử ấy tiếp tục bằng cuộc đời ông nội: “Ông mài cuộc đời bằng phiến đá xanh kê bên bậc cửa” và nối dài hơn đến đời người cha: “cha kế thừa chiếc rìu và con dao rựa thuở xưa”. Tới thế hệ người con, nó vẫn được nâng niu, gìn giữ “…chiếc rìu và con dao rựa kê dưới đầu tôi”. Đây là một sự chuyển giao thế hệ đầy ý nghĩa của những con người biết giữ lửa. Các thế hệ con người nối tiếp nhau trong dòng chảy liên tục của lịch sử, bằng phần đời nhỏ bé, giản dị của mình, họ đã giữ gìn và phát triển những giá trị tinh thần tốt đẹp. Đó là ý chí chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, vượt lên trên số phận để sinh tồn: “Giông bão đổ về đâu/ (…) Người làng âm thầm chèo chống”, “Làng trước biển gió rền bão sóng/ Người đứng lên đổ bóng xuống mặt trời”. Đó là sức sống bất diệt mà bom đạn chiến tranh không thể nào hủy diệt: “sau chớp giật đường chân trời mở sáng/ Đất lại xanh nuôi máu của mình”. Đó là giấc mơ vươn tới ánh sáng văn minh và nỗi khát khao vượt thoát: “Trong bóng tối dò tìm sự sống/ Bầu trời không sao sáng/ Những con thuyền ra đi”. Là sự kiếm tìm hành trình sống của cha ông trong quá khứ: “…Tôi lang thang khắp cánh đồng tìm dấu chân tổ tiên/ Mảnh đất im lìm tầng tầng máu đổ/ Mảnh đất linh hồn ông cha”. Đó cũng là tâm hồn tràn đầy tình yêu và tâm thế chủ nhân hướng về ánh sáng với một niềm tin mãnh liệt vào tương lai:
 “Đừng e ngại em ơi
 Con đường nhọc nhằn gai bụi
Tất cả quanh ta
 Cánh đồng núi đồi biển cả
 Nâng bước chân qua u tối đau buồn
 Không có mặt trời cho một mặt trời
 Ánh sáng nơi nơi tỏa rạng
 vang ca sự sống hồi sinh”
    (Ngày đang mở sáng)
   Có thể nói, qua sự cảm nhận sâu sắc và chiều sâu suy tư của cái tôi trữ tình - tác giả, lịch sử văn hóa dân tộc được Trần Anh Thái nhìn nhận ở chính sự lưu giữ và kế thừa những giá trị tinh thần quý báu của nhân dân. Đó là sự đổi mới trong tư duy và mĩ cảm về hiện thực lịch sử của nhà thơ. Nó đã khẳng định tầm nhận thức sâu sắc, sự trải nghiệm rộng lớn và những nỗ lực khám phá về ý nghĩa sự sống cũng như tâm hồn dân tộc của người nghệ sĩ có tài năng và nhân cách.                                                      
   Con người trong quan niệm của Trần Anh Thái vẫn là con người trong mối quan hệ với thời đại, dân tộc. Con người ấy vẫn làm nên lịch sử, nhưng không còn là cái lịch sử hào hùng với tầm vóc sử thi hoành tráng như trong cảm quan của Thu Bồn, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo… những năm xưa nữa. Con người trong quan niệm nghệ thuật của Trần Anh Thái là con người mang ý nghĩa những thân phận nhân sinh; con người đó cũng chính là hiện thân của nhân dân cần lao, thầm lặng gánh chịu những biến thiên lịch sử.
   Quan niệm nghệ thuật đó cũng chi phối và quy định quan điểm sáng tác, quan niệm thi ca và cảm hứng chủ đạo trong các trường ca của tác giả. Xuyên suốt các trường ca của Trần Anh Thái là cảm hứng sâu xa, thao thiết về chiến tranh, về ngọn nguồn lịch sử và thân phận nhân dân và sức sống của đất nước, con người. Có thể nói: Cảm hứng chủ đạo trong trường ca Trần Anh Thái đồng điệu với cảm hứng của Bảo Ninh trong Nỗi buồn chiến tranh. Với chủ đề chiến tranh, anh có thể nói được rất nhiều điều về phận người, về sự sống nhân sinh và lịch sử dân tộc. Rất dễ nhận thấy nỗi buồn chiến tranh trong các trường ca Trần Anh Thái. Đó chính là một trong những nét đặc trưng trong phong cách nghệ thuật của nhà thơ.
Bùi Thị Thủy
Đại học sư phạm Hà Nội II




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Võ Tòng ở Cảnh Dương

  Võ Tòng ở  Cảnh Dương Đây là vào khoảng Hốt tất Liệt đại đế đang nắm chính quyền nhà đại Nguyên. Trên toàn đất Trung Thổ. Đoàn hát Hồ Qu...