Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

Cà phê vỉa hè

 Cà phê vỉa hè
Ở rừng, thời chiến tranh, cơm bữa đói bữa no, làm gì có cà phê mà uống? Ghiền mấy cũng phải nhịn, phải bỏ, phải quên nó thôi. Duy nhứt có một người mỗi sáng phải có một ly cà phê. Ai vậy? Tôi. Là một đặc ân? Không phải. Số là, sau cuộc tiến công năm Mậu Thân 1968, từ Sài Gòn về R tôi bị bịnh. Chẳng biết bịnh gì mà tóc cứ rụng từng chùm, từng chùm, cái đầu lởm chởm. Vốn là dân lưu linh, bên hông cái bình toong lúc nào cũng có rượu, vậy mà, bấy giờ chỉ mới nghe mùi rượu đã choáng váng, nhìn cái giếng sâu cũng thấy chóng mặt. Nằm bệnh viện của bác sĩ Thúy Ba cả tháng trời không thuyên giảm. Từ bịnh viện, chị Thúy Ba điện ra bịnh viện Việt - Xô ở Hà Nội hỏi về cái bịnh lạ của tôi. Bác sĩ Trần Hữu Kiếng là phó giám đốc bịnh viện, năm 1964-1965, bác sĩ đã trị bịnh thấp khớp cho tôi, kết hợp Đông - Tây, vừa thuốc tây vừa thuốc bắc, tôi uống một trăm thang thuốc bắc, để đầu năm 1966 tôi vượt Trường Sơn về chiến trường miền Nam, trèo đèo, lội suối, đi bằng đôi chân với dép cao su, ngày đi đêm nghỉ, ròng rã ba tháng hai mươi lăm ngày, về đến khu rừng già Tây Ninh, đôi chân vẫn vững vàng!
Sau đó không bao lâu, bác sĩ Trần Hữu Kiếng gởi vào cho tôi hai hộp thuốc cùng một cái đơn thuốc, trong đơn ghi rõ, mỗi sáng phải uống một ly cà phê. Ai cũng bất ngờ, có người bật cười – Thuốc của bịnh viện chị Thúy Ba không dồi dào nhưng cũng đủ để trị bịnh, chỉ thiếu cái món thuốc cà phê. Cuối cùng vẫn xoay sở được. Cà phê từ Nam Vang gởi vào R. Người mua cà phê hỏi, cà phê mua cho đồng chí chỉ huy nào vậy? Chỉ huy gì đâu, cà phê cho bịnh nhân. Bịnh nhân gì mà sướng vậy!
Vậy là dù ở rừng, mỗi sáng tôi đều uống cà phê - ở rừng làm gì có phin để pha. Tôi uống cà phê túi, cái túi vải tôi làm được. Cà phê thơm lừng, thoang thoảng dưới tán cây rừng. Uống một mình thấy buồn, tôi rủ bạn bè đến uống cho vui. Trong số đó có nhà văn Trang Thế Hy. Mùa nước năm 1966 tôi với anh cùng về miền Tây, anh về Bến Tre, tôi về Đồng Tháp, cùng đi một đoạn đường, nhiều phen suýt chết. Sau một năm lại trở về R, cùng nhau uống cà phê dưới gốc cây cầy trong rừng già, thú vị biết bao! Qua mùi cà phê tôi nhớ lại mùi cà phê ở quán cà phê vỉa hè đường Tôn Đản, Hà Nội, cà phê vỉa hè với mấy cái ghế cóc, không có gì sang trọng nhưng lại nổi tiếng nhờ có văn nghệ sĩ thường đến uống, trong số đó có họa sĩ Nguyễn Sáng, họa sĩ Bùi Xuân Phái, họa sĩ Diệp Minh Châu, có nhà văn Nguyễn Tuân, nhà thơ Hoàng Trung Thông. Chủ quán tên Lâm, biệt danh là Lâm toét vì mắt anh toét và lèm nhèm. Chủ quán Lâm toét sẵn sàng bán chịu cho văn nghệ sĩ, cũng sẵn sàng phục vụ hàng hiếm cho văn nghệ sĩ. Tôi thấy không ai chơi sang bằng họa sĩ Nguyễn Sáng, những năm đó mà anh toàn hút thuốc lá 555 trong hộp thiếc, vậy mới ghê.
Uống xong, các họa sĩ đứng dậy, phủi đít ra về, không ai trả tiền. Chủ quán Lâm toét vui lắm, hài lòng lắm. Vì sau đó, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái trả nợ cho chủ quán bằng mấy bức tranh.
Cho tôi xin mở ngoặc nói về ông chủ quán cà phê vỉa hè Tôn Đản Lâm toét này. Vào khoảng từ năm 1990 trở lại, trên một tờ báo của thành phố đăng tin Lâm cà phê vỉa hè mang tranh của Nguyễn Sáng và Bùi Xuân Phái triển lãm tại Paris. Lâm toét mặc chiếc áo “ba đờ xuy” trông thật oách.
Không biết nhờ cà phê buổi sáng hay nhờ thuốc, mà bịnh đỡ dần.
Rồi sau mùa mưa năm 1971, tôi cùng một số bịnh nhân được lịnh trở về Hà Nội trị bịnh. Tôi lại vượt Trường Sơn bằng đôi chân. Lần trở ra này tôi mang theo một kí cà phê và một hộp guigô đường cát. Uống cà phê theo đơn thuốc mà! Sáng dậy, bẻ củi (rừng thiếu gì củi) nấu một hăng gô nước, pha cà phê bằng túi vải, nghe rắc rối mà đơn giản. Đi, đi, đi, hơn cả tháng, đến một cái trạm đóng chung với bộ đội từ Bắc vào. Nghe mùi cà phê, mấy chú bộ đội tìm đến, ngồi quanh võng, hỏi chuyện miền Nam, tôi mời các chú uống cà phê, các chú bộ đội vừa lắc đầu vừa đưa tay khoát:
- Chúng cháu không biết uống, chúng cháu nghe mùi thơm thôi!
Hỏi qua hỏi lại, cuối cùng họ biết tên tôi.
- Chú đấy à, chú có xem phim Chị Nhung của chú chưa?
Số là, sau Mậu Thân (1968) ở chiến trường về R, tôi viết truyện ngắn Chị Nhung, truyện điện ra Hà Nội, đọc truyện đêm khuya trên Đài Phát thanh Tiếng Nói Việt Nam, rồi đăng trên báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, rồi Hãng phim Hà Nội lấy đó dựng thành phim Chị Nhung.
- Phim chiếu ở miền Bắc, tôi ở miền Nam xem gì được!
- Chú có biết cô Ái Vân đóng vai chị Nhung không?
Tôi lắc đầu cười.
- Đẹp lắm chú.
- À! Một chú khác kêu:
- Có một anh trong đơn vị mang theo tờ quảng cáo, có hình cô Ái Vân – Để cháu bảo chú mang đến cho chú xem – Rồi vụt chạy – Một lúc sau một chú bộ đội trẻ măng non choẹt ngồi xuống trước mặt tôi nói:
- Thưa chú, tiếc quá – Cháu mới vừa đổi tấm hình của cô Ái Vân lấy một con gà rồi chú. Mấy cô người dân tộc mang gà đổi lấy quần lấy áo nhưng thấy tấm hình của cô Ái Vân thì họ xin đổi. Mấy cô mừng rú lên, rồi biến về bản rồi!
Từ mùi cà phê dẫn đến chuyện phim với diễn viên Ái Vân.

Về Hà Nội, tôi tìm quán cà phê của ông Lâm toét – Có lẽ Hà Nội đang bị đánh bom, quán cà phê vỉa hè của ông Lâm toét dẹp rồi.
Không ra quán, tôi uống cà phê nhà. Vợ tôi là cán bộ Bộ Tài chánh nhưng rang cà phê thì rất tuyệt vời với bí quyết riêng. Cà phê phải có ba loại: một loại cà phê có mùi thơm nhưng không có màu, một loại cà phê có màu rất đậm nhưng mùi rất nhạt, ba là cà phê cứt chồn. (Chồn ăn cà phê  rồi ỉa ra hạt nên gọi là cà phê cứt chồn). Là loại cà phê quý hiếm, tuyệt ngon nhưng chỉ có một mình nó thì không quyện.
Cà phê rang bằng chảo, khi thấy cà phê vừa tới thì cho một muỗng nước mắm ngon, trộn đều, cà phê bốc khói thì đổ ra. Cà phê này khi pha, mùi cà phê dậy lên, thơm lừng cả xóm.
Ở Sài Gòn, tôi ngồi cà phê vỉa hè dưới gốc cây bàng có hơn hai mươi năm. Từ lúc cây bàng lúp xúp cao tới gối, tới lúc cây bàng vượt cao lên, một hàng cây rợp mát cái vỉa hè. Là quán cóc, độ mươi bàn, có bàn một người, hai người… không quá bốn người. Khác hơn một số quán cà phê ở Hà Nội, ở Hà Nội, một tờ báo chuyền tay nhau đọc, còn ở đây, mỗi người trước mặt ly cà phê, trên tay một tờ báo, hoặc đôi ba tờ, không ai mượn của ai.
Có lẽ vậy mà Sài Gòn bán báo chạy hơn những nơi khác. Khách là bác sĩ, nhà giáo, nhà nhiếp ảnh, nhà nghiên cứu, nhà báo, là nghệ sĩ. Mỗi bàn có một đề tài khác nhau: Chuyện thời sự chánh trị, chuyện bóng đá, đề tài nào cũng nóng hổi. Đặc biệt có một anh chuyên tranh luận với báo, không phải tranh luận với nhà báo hay ban biên tập báo, mà tranh luận với tờ báo trên tay, đưa tay chỉ cả những chữ sai chính tả, giọng hùng hồn, sôi nổi, đều đều như vậy mỗi buổi sáng. Hỏi ra anh là bác sĩ. Một cái bàn khác, có anh bạn chuyên kể truyện ngắn mà anh thích trên các báo cho bạn cùng bàn, cũng rất say sưa. Người khách lớn tuổi nhất, gần tám mươi, được gọi là anh Tám cải lương, người Bạc  Liêu, theo gánh hát lên Sài Gòn từ năm 1945 anh là lịch sử sống của cải lương. Một hôm tôi hỏi vì sao ở miền Nam có câu “mút mùa Lệ Thủy”. Anh nói, câu nói lối nhiều chữ, hơi của cổ dài, dài lắm, dài như đầu mùa đến cuối mùa, cuối mùa ời bắt đầu “vô”, mút mùa Lệ Thủy là vậy. Tôi lại hỏi, có người nói câu vọng cổ ca đến hai năm là sao? Anh cười, có gì đâu! Ngày Tết, sắp sửa giao thừa mình bắt đầu ca, đến khi pháo nổ, mình vẫn ca, trước khi pháo nổ là năm cũ, pháo nổ thì bước qua năm mới, câu vọng cổ dài hai năm là vậy.
Lại có một người vốn là biên tập viên phim về hưu, chuyên kể chuyện tiếu lâm thời đại. Có một chuyện, tôi nhớ, anh kể:
- Trong một cuộc thi hoa hậu, có một cô mặt mày rạng rỡ, từ eo đến chân, chỗ nào cũng chuẩn chỉ còn một câu trả lời về sử nữa mà thôi.
Giám khảo hỏi:
- Em hãy nói về Hai Bà Trưng.
Cô hoa hậu, giọng vừa trong vừa thanh, lưu loát lắm, cô đáp:
- Bà Trưng vì thù nhà nợ nước, bà dấy binh đánh đuổi quân thù. Dẹp giặc xong, bà lên ngôi, rồi sau đó bà tái hôn với Trần Hưng Đạo.
Người nghe cười ngả nghiêng.
Căn phố có cái vỉa hè đổi thay chủ. Chủ mới xây sửa lại ngôi nhà, quán cà phê phải dẹp. Chủ nhà mới cũng mở quán cà phê, nhưng là quán cà phê máy lạnh. Bàn ghế mới, cà phê nhạc: nhạc tiền chiến, nhạc trẻ và nhạc ngoại. Người phục vụ không phải là anh chàng quần đùi áo thun, người phục vụ là các cô gái xinh đẹp.
Tôi vào quán, quán đẹp, trên tường nhiều tranh ảnh, bàn đẹp, ghế đẹp, người mang ly cà phê là một cô gái trẻ đẹp, mặc quần ngắn, đùi đẹp, hai cánh tay trần cũng đẹp. Tôi ngồi một mình, một bàn, nhìn những bàn khác, tôi chẳng thấy ai quen, cũng không thấy dòng người qua lại trước vỉa hè.
Một buổi sáng, đang ngồi trên vỉa hè, bỗng có một phụ nữ dựng Honda trước mặt, bước đến tôi, bất thình lình xoa đầu tôi:
- Tóc mọc lại um tùm rồi, nhận ra em chưa?
- Giọng nghe quen nhưng bịt mặt sao nhận được?
Người phụ nữ vẫn nói mà không lột khăn bịt mặt.
- Thanh múa phải không?
Cô cười sảng khoái, rồi đưa tay kéo chiếc khăn bịt mặt:
- Thấy em có già không?
- Không, vẫn trẻ trung.
- Anh trả lời khôn quá, không trả lời già hay trẻ, mà trả lời là trẻ trung! Ra Hà Nội anh trị cách nào mà hết bịnh?
- Không biết mình bịnh gì, cũng không biết bịnh hết từ lúc nào!
- Ở rừng nhiều bịnh lạ quá! Anh bị rụng tóc còn em thì bị nấc cục. May mà em ở đội múa, chớ ở đội đồng ca thì ra rìa rồi.
- Em hết chưa?
- Lạ lắm anh, vừa trị thuốc vừa trị mẹo, vẫn cứ nấc cục, thật khổ sở, rồi một hôm đi diễn, một bà má dạy em, mỗi lúc bị nấc cục thì hớp chín hớp nước mắm, em hớp vài lần rồi hết tới giờ - Anh còn lai rai được không?
- Vẫn đều đều.
- Vậy là anh “phục hồi nhân phẩm” rồi đó. Thôi, em đi. Có ai hỏi anh em chỉ lại đây vào buổi sáng!
Cà phê vỉa hè dẹp rồi, biết tôi ngồi đâu mà tìm.
Ngồi trong quán cà phê sang trọng mà buồn!
Tôi lại dời nhà, nhà mới tự xây, nhìn qua bên kia ngã tư đường là quán cà phê vỉa hè, cũng ghế thấp, khách ngồi lô nhô, thấy vui, bèn bước qua quán. Vừa vào ghế, thì một người đàn ông trung niên bên kia bàn cười cất tiếng:
- Chào ông.
Thấy tôi ngỡ ngàng, người đàn ông nói:
- Ông không biết tôi đâu, nhưng tôi biết ông, ba cháu là dân tập kết, cháu đẻ ở Hải Phòng. Ông đi đâu đây?
- Dời nhà về đây rồi.
- Nhà mới xây đó à? Đẹp lắm.
Anh ta xoay qua cô chủ quán:
- Này em, không được lấy tiền cà phê ông này nhé.
Cô chủ quán đang loay hoay pha cà phê, ngước lên cười, nụ cười rất trẻ. Vài ba buổi cà phê sáng, lại biết thêm nhiều người, bạn học ở rừng thời chống Pháp đã về hưu, ông chủ ngân hàng trẻ, cô ca sĩ nổi tiếng, anh nhà báo, nói tên ra là nhận nhau ngay.
Quán  có bảng hiệu “cà phê Như ý”. Cà phê “Như ý” ở Sài Gòn này nhiều nghe không thích lắm. Tôi hỏi cô chủ:
- Sao cháu đặt “Như ý”
- Em cháu tên Như, cháu đặt luôn “Như ý”
- Cháu tên gì?
- Cháu tên Thu
- Sao không đặt là “Như Thu”, mùa thu bảng lảng, đẹp lắm.
Chủ quán Thu chỉ biết cười.
Cũng buổi sáng, quán cà phê đang vui thì xe cảnh sát từ xa ào tới. Tất cả các quán trên vỉa hè đều nháo nhào, khách phải đứng dậy, người của quán túa ra, xếp bàn xếp ghế đưa vào nhà, đặt sát vô tường. Xe cảnh sát dừng lại, lập biên bản, phạt một trăm ngàn đồng. Xe cảnh sát ào đi, bàn ghế lại đặt ra, khách trở lại ngồi, đâu vào đó. Cảnh này ở Sài Gòn không có gì lạ, thấy cảnh này, có một ông bạn bật lên hai câu, rằng:
- Lấy đá mà liệng xuống ao bèo
Bèo tan rồi hợp, ao bèo vẫn xanh tươi!
Một hôm, trong một cuộc họp giữa Ban lãnh đạo Thành ủy với văn nghệ sĩ, một kiến trúc sư nổi tiếng đã phát biểu, ý rằng, vỉa hè là nơi sanh sống của người nghèo, thay vì quét, đuổi, ta nên sắp xếp cho trật tự. Người bán trên vỉa hè có nghĩa vụ đóng thuế và có  nhiệm vụ giữ vệ sinh, làm sạch, đẹp nơi buôn bán của mình. Đó là văn hóa vỉa hè.
ý kiến của kiến trúc sư được cả hội trường vỗ tay, nhiệt liệt hoan nghinh.
Bây giờ mỗi sáng tôi đạp xe lòng vòng qua các đường, rồi tạt vào quán cà phê vỉa hè, gặp bạn bè, nhìn người qua lại trên đường, một ly cà phê đá bảy ngàn, mỗi sáng thêm một niềm vui!.
 Nguyễn Quang Sáng
Nguồn: Văn nghệ 
Theo http://vanvn.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xuống phố

Xuống phố Sáng nay trước khi đi làm con trai nói với mẹ: - Chiều đi làm về, con chở mẹ với em đi dạo phố noel ha? - Thiệt nghen. - Dạ mẹ. ...