Thứ Tư, 19 tháng 8, 2015

Cuốn sách - Đời người

Cuốn sách - Đời người
  (Về cuốn “Thao thức” của Minh Mỵ, 
NXB Lao Động, 12/2009)
Nhà xuất bản Lao Động vừa cho ra mắt bạn đọc cuốn Thao thức của tác giả Minh Mỵ. Sách dày 840 trang (khổ 14,5 x 20,5 cm), Trung tâm quyền tác giả Văn học Việt Nam bảo hộ bản quyền tác phẩm. Bìa do họa sĩ Lương Xuân Đoàn trình bày khá ấn tượng, lấy bông “Trác cẩm vạn đại lan”. Một loài hoa địa lan nở vào cữ rét cuối đông mà hương sắc bền đẹp, tràn sang cả mùa xuân - làm biểu tượng cho tuổi 90 của tác giả. Màu trắng tinh khiết của hoa được tôn thêm bởi màu nâu của đất làm nền và màu vàng - màu của Phật - của tên sách “Thao thức”. Sự công phu, tâm huyết của họa sĩ sáng tác bìa sách là bởi như lời ông nói, ông dường như bị hút hồn trước khối lượng trước tác đa dạng (thơ - văn xuôi - dịch thuật), hàm lượng văn hóa tiềm ẩn trong cuộc đời một cụ bà tưởng như rất đỗi bình thường mà âm thầm theo đuổi mộng văn chương suốt gần một thế kỷ…
Cuốn Thao thức của tác giả Minh Mỵ gồm 3 phần chính: Thơ sáng tác (trang 13 - 334), Tạp văn (trang 335- 472) và Dịch thơ tiếng Pháp, tiếng Hán (trang 491 - 700). Mỗi phần của cuốn sách cho ta một góc nhìn, một lát cắt tâm hồn người Hà Nội thuộc lớp trung lưu, gốc quê Thường Tín (Hà Đông cũ) mà số phận đưa đẩy lên sống ở bản Tạ Chan (Sơn La) từ nhỏ, rồi trở về Hà Nội, đi qua hai cuộc chống Pháp, chống Mỹ, sống ở nhiều nơi, chứng kiến nhiều sự lạ trong đời sống chính trị và cả đời sống văn học nghệ thuật nước nhà, bởi tác giả có mối thâm giao với nhiều bậc tài danh thời tiền chiến. Ở phần thơ sáng tác, người đọc bắt gặp một giọng thơ buồn, hoài cổ, cất lên từ tâm hồn đa cảm, luôn “thao thức” với lẽ đời, chiêm nghiệm trước nhân tình thế thái. Ở phần thơ dịch, tác giả chủ yếu lựa chọn những thi phẩm nổi tiếng trong nền thơ Pháp, thơ Đường - Tống (Trung Quốc) và thơ cổ điển của Việt Nam. Vì thế, có những bài đã từng qua tay nhiều dịch giả, nhưng với Minh Mỵ, người đọc vẫn nhận ra nét riêng mới bởi lối dịch cốt ở Tứ, nắm bắt cái Thầncủa bài thơ chứ không quá câu nệ bởi lời trong nguyên tác. Có lẽ khi chưa đọc tập Thao thức, ít ai nghĩ rằng nhà bác học, giáo sư - bác sĩ Tôn Thất Tùng năm 1948 đã từng làm một bài thơ “Nhớ về Hà Nội” bằng tiếng Pháp (En se souvenant de Hanoi) khá hay và xúc động. Đây cũng là nét độc đáo trong cách chọn lựa thi phẩm để chuyển ngữ của dịch giả Minh Mỵ. Người đọc sẽ càng ngạc nhiên, thú vị với phần Tạp văn (Những mảnh ký ức và Ghi chép). Là nhân chứng lịch sử một thời đầy biến động, bằng giọng văn điềm tĩnh, thâm trầm, tác giả tái hiện lại một cách sinh động đời sống chính trị, kinh tế, tập quán xã hội…những năm 30- 40 của thế kỷ XX.
Đặc biệt, thông qua “Salon văn học Tuyết Chi” và mối thâm giao với các bậc tài danh, tác giả khắc họa lại chân dung rất đời thường của Lan Khai, Thâm Tâm, Nguyễn Bính, Thanh Châu, Ngọc Giao, Hồ Dzếnh, Song Kim, Huy Cận, Xuân Diệu…hay kể về những người thân trong họ tộc như bà bính (chị họ- vợ cố GS Hoàng Xuân Hãn), bà Khuê (cháu ruột- vợ cố thi sĩ Trần Dần) bằng những mẩu chuyện có lẽ chưa từng có trong văn học sử, đáng để các nhà nghiên cứu trân trọng tìm đọc.
Gấp cuốn Thao thức, người viết bài này vẫn cảm như còn tiếc nuối, muốn đọc thêm, chợt bắt gặp đoạn văn trích “Lời giới thiệu” của nhà thơ Chử Văn Long, in trang trọng trên bìa 4 nền nâu, chữ vàng: “…tôi có cảm tưởng bài viết của nhà văn Lê Mai (“Hà Thành siêu độc giả”, báo Văn Nghệ số 26 ngày 28/6/2009- VNT chú thích) chỉ cốt hé lộ phần chân dung một “siêu độc giả” của cụ bà Minh Mỵ, nhằm nói rằng giữa cuộc sống đua chen thật giả hôm nay, đâu đó vẫn còn những mẫu người sống mực thước, thanh tao, nghị lực cùng với say mê suốt đời tự đi tìm lấy vẻ đẹp, niềm vui làm cho cuộc đời hữu hạn mỗi con người trở nên có ý nghĩa; còn những bài thơ, trang viết mang niềm xúc động, tâm tư của chính cuộc đời Cụ gửi gắm cả trong tập bản thảo này…”
Vâng, như lời nhà thơ Chử Văn Long, những gì nhà văn Lê Mai chưa nói trong bài “Hà Thành siêu độc giả” đã hiện diện cả ở trong tập Thao thức: Cuốn sách - đời người của một cụ bà 90 tuổi, đang sống thanh sạch giữa Thăng Long 1.000 năm tuổi và âm thầm đi tìm cái đẹp trong thú vui đọc sách, sáng tác không hề ngơi nghỉ…
Hà Nội 12/2009
Vũ Ngọc Tiến
Theo http://www.vanchuongviet.org/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ban công nhỏ bé và Tiếng Sài Gòn dễ thương

Ban công nhỏ bé và Tiếng Sài Gòn dễ thương Hà Tuyết Giảo (He Xuejiao) là người Trung Quốc đã học tiếng Việt 8 năm, tốt nghiệp đại học ...