Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

Hãy lắng nghe cái tình đang róc rách qua những vần thơ dào dạt của Đinh Văn Hồng

Hãy lắng nghe cái tình đang róc rách qua những vần thơ dào dạt của Đinh Văn Hồng
Tôi biết đến chú trong một chiều lang thang Internet - một chiều đông lạnh lẽo với nỗi cô đơn vây kín tâm hồn. Nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ quê hương. 
Nhớ cái mùi khói bếp ngai ngái mỗi chiều tà. Nhớ bữa cơm đạm bạc với cà dưa...Tất cả đã dấy lên trong tôi cồn cào quay quắt. Tôi muốn tìm một nơi nương náu cho tâm hồn để được nếm cái hương vị bình yên ấy. Và mỗi khi như vậy, tôi chỉ còn biết tìm đến những vần thơ để thỏa những khát khao nỗi nhớ nhà. Và rồi tôi đã lạc vào vườn thơ của chú: Sự bình yên đến lạ kỳ - đó là cảm xúc khi lần đầu tiên tôi đọc những vần thơ của chú: ở đó là cái tình chan chứa trong thơ Đinh Văn Hồng
Chẳng phải bên mẹ ta mới thấy ấm áp nơi tình mẹ, chẳng phải về quê ta mới được sống cảnh thanh bình dân dã nơi thôn quê. Giữa thành phố quen mà lạ, tôi vẫn thấy bình yên khi đọc những vần thơ da diết của Đinh Văn Hồng.
Về quê ta tắm nắng chiều
Triền đê cùng với cánh diều bay cao
Bờ tre cơn gió lao xao
Dòng sông dát bạc sóng trào yêu thương...
( Về quê - Đinh Văn Hồng)
Gần gũi lắm! Quê tôi đấy - tuổi thơ tôi đấy! Ôi thấy nghẹn ngào khi đọc những vần thơ. Quê hương trong Đinh Văn Hồng là những ký ức tuổi thơ với cánh diều và ánh nắng chiều khắc khoải, đến những bờ tre, những cơn gió lao xao. Sao lại có sự đồng điệu trong tâm hồn đến thế chứ? Hình ảnh dòng sông dát bạc gợi cho tôi nhiều suy nghĩ. Tôi đã mường tượng ra một dòng sông với làn nước trong veo. Trong veo như chính tuổi thơ hồn nhiên của tác giả vậy. Cách so sánh ngầm thật độc đáo: Những tia nắng chiều rớt xuống dòng sông, nhưng con gió thổi tràn tạo lên những lớp sóng lăn tăn. Nhìn từ xa, dòng sông lấp lánh như được dát bạc, như được phủ trên mình một thứ trang sức quý giá vậy.
Chỉ với vài nét chấm phá: Một ánh nắng chiều vàng vọt cuối triền đê. Một cánh diều trên tầng không cao vút. Một bờ tre xào xạc tiếng gió chiều. Một dòng sông "dát bạc" yêu thương. Chỉ bấy nhiêu thôi, đã vẽ lên một bức tranh về một vùng quê yên bình chỉ có trong huyền thoại, trong ký ức. Chỉ bấy nhiêu thôi, đủ thấy được tình yêu Nhà thơ dành cho quê hương sâu sắc đến nhường nào.

Để rồi, tác giả lại thả hồn mình về theo tiếng gọi quê hương, để thấy những thứ thơm tho trong ký ức thuở nào:
Ta về cho thỏa vấn vương
Cho say câu hát bên nương thuở nào.
Ôi! Câu hát bên nương thuở nào kia, tôi tự hỏi là câu hát gì thế nhỉ? Mà khiến nhà thơ say, và muốn về cho thỏa vấn vương? Một câu hát ru của mẹ đã ru chú lớn khôn , là hành trang Đinh Văn Hồng mang theo suốt cuộc đời? Hay tiếng hát mượt mà mềm mại của cô thôn nữ hôm nào khiến bao năm xa quê, chú vẫn chưa khi nào quên nó? Điều này có lẽ chú rõ hơn ai cả.Nhưng bất luận thế nào, dù là tiếng ru của mẹ hay tiếng hát mượt mà của cô thôn nữ bên nương thì đó cũng đều là tiếng của quê hương đã khắc sâu trong tâm hồn nhà thơ.
Tôi đã được nếm cái hương vị "bánh đa bánh đúc" khi "Về Quê" cùng với Phó Đức Phương. Được nếm vị "bánh đa vừng" khi "úp mặt vào sông quê" của Nguyễn Trọng Tạo. Và bây giờ đây, tôi lại được nếm những món ngon tinh thần đậm đà màu sắc dân gian truyền thống của quê hương Đinh Văn Hồng khi làm chuyến hành hương"Về Quê" cùng tác giả:
Về đây ngắm lại chính mình
Những đêm trăng sáng sân đình giao duyên
Còn gì tuyệt với hơn thế nữa, với những đêm trăng hò hẹn nơi sân đình và hát giao duyên? Những làn điệu chèo, những câu quan họ, những câu hát đối của những đôi nam thanh nữ tú. Sâu sắc trong cái tình quê ấy, là tình yêu lứa đôi, tình yêu thiên nhiên Đất nước mà tôi nghĩ bất kỳ ai khi đọc thơ Đinh Văn Hồng cũng nhận thấy điều đó.
Mặc dù:
Cuộc đời lắm nỗi truân chuyên
Nhưng
Dẫu cho lang bạt vẫn nguyên vẹn tình
Bao năm xa xôi, tác giả vẫn nguyên vẹn và tinh khôi với cái tình dành cho quê hương yêu dấu như thuở ban đầu. Từ khi còn thơ, chắc hẳn ai trong chúng ta, nhất là những người xa quê lang bạt cũng đôi lần tự hỏi:
Quê hương là gì hả mẹ?
Mà cô giáo bảo phải yêu
Quê hương là gì hả mẹ?
Ai đi xa cũng nhớ nhiều?
Là gì ư? Thật chẳng giản đơn để có thể đưa ra khái niệm đầy đủ và sâu sắc nhất mà vẫn chứa đựng được cái tình gửi gắm trong đó. Quê hương, chẳng phải là cái gì chung chung trìu tượng, là những thứ giản đơn, rất đời thường nhưng vô cùng thiêng liêng:
Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay...
và rồi:
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người
(Quê hương - Đỗ Trung Quân)
Chắc hẳn chú cũng luôn cánh cánh trong lòng như vậy, để rồi lại quay quắt tìm về:
Về quê tìm lại bóng hình
Dáng cô thôn nữ đội bình bên sông....
Ta về tìm tiếng chìa vôi
Vườn sau ríu rít gọi đôi cuối chiều
Cái tình quê ấy còn ấm nồng tình cô thôn nữ, tình cảm của những con người quê hương. Hình ảnh tiếng chìa vôi gọi nhau cuối chiều, ngoài nghĩa tả thực, ở đó còn là thứ tình cảm thủy chung son sắt của con người quê hương mà chú muốn gửi gắm, nhắn nhủ đến bạn đọc: Đấy hạnh phúc giản dị, bình yên trong tình yêu ngọt ngào, bình dị như tiếng chìa vôi ríu rít mà thôi.
Quê hương trong Đinh Văn Hồng, còn là tiếng thơ Kiều ngoại đọc mỗi đêm khuya:
Về nghe ngoại đọc thơ Kiều
Đời người cay đắng còn nhiều ước mơ.

Có ước mơ là có tất cả. Còn biết ước mơ và còn biết yêu và biết tin vào cuộc sống., tin vào những điều kỳ diệu phép màu của cuộc sống này. Hãy cứ tin, hãy cứ ước mơ đi: "Qua cơn bĩ cực" rồi sẽ "tới tuần thái lai". Đó là truyền thống, là đức tính quý báu của ông cha ta mà bất kỳ người Việt Nam nào mang trong mình dòng máu Lạc Hồng cũng phải luôn khắc ghi, cũng phải luôn tự hào về điều đó.
Soi thấu trong cái tình quê đó, là cả một địa đàng của chan chứa yêu thương: Tình cảm gia đình, tình yêu lứa đôi, tình yêu thiên nhiên đất nước hài hòa trong mối liên hệ thống nhất. Đúng là "Cái tình ngụp lặn trong tình" Phải, chỉ có về quê thôi mới thấy được rằng:
"...Về quê sống cảnh thanh bình
Gần cha, gần mẹ, gần tình anh em
Tìm về nguồn cội êm đềm
Bao năm lang bạt vẫn nguyên ban đầu
Đêm nao anh hát chân cầu
Em ngồi giặt áo cúi đầu thẹn e
Yêu sao ơi những lũy tre
Trưa hè bát nước chè xanh ân tình..."
( bạn đọc bình thơ chú Hồng)
Cái tình trong thơ Đinh Văn Hồng không giản đơn khi tác giả "Về Quê" mà trải dài trong nỗi "Nhớ" . Từ "Tình Vệ Giang" lan sang cả "Tình Chiều", để rồi tất cả ắp đầy và bung ra thành " Tình Nở"
Nếu như trong "Về Quê", chúng ta thấy tình yêu quê hương, đất nước xuyên suốt là tình cảm gia đình, tình yêu lứa đôi mặn nồng son sắt qua những hình ảnh rất đỗi quen thuộc đời thường thì trong "Tình Vệ Giang" ta lại một lần nữa bắt gặp cái tình quê ấy lai láng chảy cùng tình yêu lứa đôi hòa quyện trong nhau thành mạch và trào ra ngòi bút thành những vần thơ:
Thôn quê một thuở dài khờ
Anh yêu em lắm, từng bờ tre xanh
Hành Tín ơi, những ngọt lành
Dọc theo làn nước trong xanh đôi bờ...
Thật khéo léo đến tài tình, Đinh Văn Hồng dụ dỗ người đọc đi hết từ bất ngờ này đến nghi ngờ khác. Trong tôi cứ phải xoáy lên những câu hỏi mà không có một sự trả lời nào cả.
Anh yêu em lắm từng bờ tre xanh
Nhân vật "em" kia, phải chăng là cô thôn nữ đội bình bên sông(trong Về Quê) hay chính là dòng Vệ Giang được nhân cách hóa mà vì quá yêu, quá nhớ mà chú đã gọi thành "em" như người con gái chú từng yêu để cho thỏa nỗi niềm? Ồ, thật khó có thể cắt nghĩa một cách đầy đủ và trọn vẹn điều này.
Ấy thế rồi:
...Vệ Giang lưu luyến câu hò
Dòng sông xanh thẳm cánh cò soi gương
Chiều chiều khói tỏa màn sương
Em tôi xuống rẫy gửi thương cho rừng...
Nỗi nhớ ban chiều bao giờ cũng da diết nhất và đầy đủ hơn bao giờ hết. Tôi đã bắt gặp nỗi nhớ về "câu hát bên nương thuở nào" ( trong Vê Quê). Bây giờ tôi lại thấy tác giả "lưu luyến câu hò" bên "Tình Vệ Giang". Tiếng hát và câu hò ấy, chắc hẳn phải có mối liên hệ nào đó sâu sắc trong Đinh Văn Hồng. Để rồi:
Em tôi xuống rẫy gửi thương cho rừng
Tôi không thấy nghĩa tả thực trong câu thơ này."Gửi thương cho rừng"- phải chăng là gửi tình yêu cho anh lính trẻ đang hành quân qua những cánh rừng nơi biên giới để bảo vệ Tổ quốc , bảo vệ quê hương với sứ mệnh cao cả của mình. Có thể lắm chứ! Và rồi, nỗi nhớ con sông bỗng chuyển hóa thành nỗi nhớ người yêu năm nào.
Thương nhau em hỡi xin đừng
Chớ quên ngày ấy mình từng chăn trâu
Nhặt nhành sim tím em xâu
Vòng hoa hẹn ước bao lâu em chờ...
Tôi nhớ lại cái trò chơi ngày bé. Giả vờ làm chú rể với cô dâu. Tết vòng hoa và cài nó lên đầu. Rồi e thẹn cúi đầu đỏ mặt. Có lẽ tác giả cũng từng có tuổi thơ với nhiều kỷ niệm giống như tôi, những nhành sim tím và vong hoa hẹn ước. Bởi vậy mà nhà thơ đã nhắn nhủ:
Thương nhau em hỡi xin đừng
Chớ quên ngày ấy mình từng chăn trâu.
Thế nhưng
Vòng xoay duyên nợ hững hờ
Tình yêu thơ dại ai ngờ phôi phai
Để rồi
Dòng sông khúc cuối chia hai
Em lên phố thị để ai quê nhà
Ôi thế là thôi! Cái vòng xoay duyên nợ. Ai đâu ngờ lại chia cắt đôi ta.
Vì anh vụng dại hay là vì em?
( Xuân Diệu)
Cái kết của tình yêu thơ dại không có hậu, chỉ còn lại nỗi luyến nhớ cho người ở lại nơi quê nhà. Để rồi bao năm lang bạt, vẫn khắc khoải một nỗi lòng day dứt khôn nguôi.
Giữa cái nơi ồn ào đô thị, cái bon chen của cuộc sống đời thường. Tôi thấy chán ngán giữa những điều bạc bẽo mà người ta vẫn đối xử với nhau. Với những cái tên đình đám như Nguyễn Đức Nghĩa, Lê Văn Luyện mang trong mình dòng máu lạnh kẻ sát nhân. Tôi cứ nghĩ cuộc sống này rồi cũng sẽ rỉ ra, mòn đi như thứ kim loại bị oxi hóa vậy. Nhưng không, giữa trăm nghìn thứ âm thanh ồn ã nơi phố thị, tôi lại tìm thấy sự bình yên đến lạ kỳ của thứ âm thanh vẫn ngày đêm miệt mài róc rách. Ấy là thứ âm thanh của tình người sâu đậm trong thơ Đinh Văn Hồng. Không chỉ trong "Về Quê", trong "Tình Vệ Giang", cái thứ tình ấy còn chảy tràn trong nỗi " Nhớ"
Nhớ chiều Hà Nội người ơi!
Nhớ từng kỷ niệm một thời bên em
Nhớ sao những phút êm đềm
Nhớ đêm góc phố môi mềm nụ hôn.
Nhớ quay quắt mỗi chiều hôm
Nhớ cơn gió thoảng tay ôm chặt nàng
Nhớ ai những phút mơ màng
Nhớ ngày nhớ tháng nhẹ nhàng yêu nhau
Nhớ mà không nén nổi đau
Nhớ trong dạ nhớ trắng phau nỗi lòng
Nhớ thời khắc ngóng mong
Nhớ em anh cứ đèn trong đêm chờ.
Nhớ cho tan loãng sương mờ
Nhớ rồi người lại ngu ngơ thẫn thờ
Nhớ triền đê nhớ đôi bờ
Nhớ con sóng vỗ giấc mơ ngọt ngào.
Thứ nối nhớ, "nhớ da diết nhớ" ấy cứ dâng đầy trong tim. Tôi đã đôi lần nghe nhạc sĩ đa tình nào đó thốt lên rằng:
..Có nỗi nhớ nào ồn ào như nỗi nhớ con thuyền
Có nỗi nhớ nào hơn nỗi nhớ khi em xa anh..."
Có lẽ chú cũng trong tâm trạng nhớ như nhạc sĩ đa tình kia. Trong trăm nghìn nỗi nhớ, thì nỗi nhớ người yêu là mãnh liệt và cồn cào hơn cả. Phải yêu lắm, yêu nhiều lắm người ta mới nhớ quay quắt cháy lòng đến thế. Để rồi không biết dãi bày, chia sẻ cùng ai:
Nhớ mà không nén nổi đau
Nhớ trong dạ nhớ trắng phau nỗi lòng...
Mỗi câu thơ là một nỗi nhớ. Xa rồi Hà Nội mà chú luôn đau đáu một nỗi lòng nhớ khôn nguôi.Từng kỷ niệm cứ ùa về theo năm tháng. Từng nụ hôn trao người yêu nơi góc phố hẹn hò. Đến những vòng tay xiết chặt nhẹ nhàng, tất cả đã " nhớ trong dạ nhớ" - Nỗi nhớ chất chồng nên nỗi nhớ, tạo lên sự cộng hưởng tuyệt vời:
Nhớ trong dạ nhớ trắng phau nỗi lòng
Cái sự cộng hưởng của những nỗi nhớ kia chỉ có thể có được từ sự những xúc cảm chân thành, từ thứ tình yêu ngấm vào từng tế bào trong chú chảy thành cái tình và biểu hiện qua nỗi nhớ. Để rồi đỉnh cao của nó là:
Nhớ cho tan loãng sương mờ...
Đọc đến đây, tôi thực sự sững sờ trước cách dùng từ với những hình ảnh độc đáo mới lạ của nhà thơ. Ôi tình yêu! Phải da diết lắm đây thì mới cháy thành nỗi nhớ trào dâng đến vậy.Tôi mới chỉ đôi lần đọc dòng thơ nào đó"
Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
Nhớ ai sáng đợi, chiều mong, tối chờ
Chứ
Nhớ cho tan loãng sương mờ...
thì chỉ thấy có Đinh Văn Hồng là một.
Tôi thích thơ lục bát. Trong hầu hết những bài thơ của chú, tôi thấy chú viết lục bát khá nhiều. Có lẽ, thể thơ lục bát là thể thơ truyền thống, dễ đọc. dễ nhớ, thể hiện được độ sâu và rộng của tình cảm con người chứa đựng trong đó. Tuy nhiên trong thơ lục bát của Đinh Văn Hồng tôi thấy ở đó là sự kết hợp giữa yếu tố cổ điển, truyền thống và hiện đại. Thể thơ truyền thống, nhưng cách xây dựng hình tượng , cách sử dụng từ ngữ rất táo bạo, mới mẻ, ấn tượng, tạo lên sự phá cách độc đáo và đã để lại ấn tượng trong lòng bạn đọc.
Tôi xin phép được khép lại đôi dòng suy nghĩ về cái tình trong thơ của nhà thơ Đinh Văn Hồng ở đây. Chắc hẳn bạn sẽ mỉm cười trước những điều cảm nhận và suy nghĩ còn non nớt của tôi nhưng đó là những suy nghĩ và cảm nhận của riêng tôi khi đọc thơ chú Hồng: Ở đó là giá trị nhân văn sâu sắc của thứ tình người róc rách chảy thành thơ. 
Kim Anh
Theo http://www.hodinhvietnam.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Con nhà sẩm

Con nhà sẩm Giáp căn hộ nhà tôi là nhà ấy - vợ làm báo, chồng PTS, nay gọi tiến sĩ. Ngay buổi đầu họ mới dọn tới, nhìn anh chồng tôi đã ng...