Thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi
1. Trong lịch sử văn học Việt Nam, cảm thức thiên nhiên
của các thi nhân không phải là hiếm. Nhưng trước Nguyễn Trãi, đã có nhà thơ nào
mê mải, say đắm trước thiên nhiên và để cho tạo vật đất trời ùa vào thơ mình
tràn đầy, phong phú, đa dạng như thi sĩ Ức Trai.
Bằng tâm hồn nhạy cảm, yêu cái
đẹp của đất trời tạo vật; bằng tài năng nghệ thuật điêu luyện, Nguyễn Trãi
đã tạo dựng một thế giới cảnh vật, hình tượng nghệ thuật về thiên nhiên tuyệt
mĩ mà đến nay vẫn còn làm nao lòng những ai yêu thơ và yêu cái đẹp. Đúng như,
Trần Thanh Mại đã có ý kiến: “Thơ về thiên nhiên chiếm phần phú nhất và cũng là
thành công nhất trong di sản thơ của Nguyễn Trãi”.
2. Đến với thơ Nguyễn Trãi, người đọc choáng ngợp
trước thế giới tâm hồn luôn rộng mở của ông. Nhà thơ chân thành tự bạch niềm
thơ lai láng của mình:
Thừa chỉ ai rằng đời khó ngặt,
Túi thơ chứa hết mọi giang san.
Thế thì “Thơ về thiên nhiên chiếm phần
phong phú nhất và cũng là thành công nhất trong di sản thơ” ông cũng là một điều
dễ hiểu. Thơ bát ngát và hồn thơ ông muôn trùng dào dạt trước thiên nhiên. Tâm
hồn ông ăm ắp vẻ đẹp thanh cao, hùng vĩ, mĩ lệ của cảnh sắc non sông, quê hương
đất Việt nên “thơ về thiên nhiên chiến phần phong phú nhất”.
Ông triền miên đắm hồn vào cảnh “Lòng
thơ muôn dặm nguyệt ba canh” (Bảo kính cảnh giới, 42). Bởi nhà thơ và cảnh
vật vốn có nợ duyên: “Non nước cùng ta đã có duyên”.
Thơ Nguyễn Trãi đã bộc lộ năng
lực rung động, cảm xúc dào dạt và tinh tế của hồn thơ ông trước thiên nhiên,
làm nên phần thơ “thành công nhất trong di sản thơ của ông”..Dù một thoáng gió
mây, một tiếng chim kêu, một nhành cúc nở hay một cửa biển Bạch Đằng hùng vĩ,
một Dục Thuý Sơn đẹp thanh thoát; tâm hồn ông vẫn gắn bó như gắn bó với bầu
bạn. Dù là mùa xuân hay mùa hạ, một dây muống, một giậu mồng tơi bình dị hay
một cây tùng cao cả; nhà thơ đều yêu quý, trân trọng và gởi nỗi niềm tâm sự của
mình trong tạo vật, vào những sắc mùa ấy. Đó là cái “phần phong phú nhất của
thơ viết về thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi”.
3. Hình tượng thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi là
hình tượng về một nông thôn Việt Nam có dòng sông bến nước, con đò, bờ bãi và
những cảnh vật quê hương bình dị, thân thuộc. Làng quê trong thơ ông tĩnh lặng,
êm đềm và thơ mộng. Con đường quê chạy vào trang thơ ông không tập người đi như
thơ Đoàn Văn Cừ: “Đường quê quanh quất bao người về thôn” (Cổng làng).
Con đò trong thơ ông như đang mơ màng giấc điệp:
Con đò gối bãi suốt ngày ngơi.
(Bến đò xuân đầu trại)
Nhưng cũng có khi con đò thơ sống động, sáng
láng hẳn lên lúc chở trăng:
Chăng cài cửa tiêc non che
khuất,
Sá để thuyền cho nguyệt chở nhờ.
Hay lúc chở gió mây chở sương khói:
Thuyền chở yên hà, nặng với then.
(Thuật hứng, 34)
Hồn thơ Nguyễn Trãi gắn
chặt với quê hương, nên một nét tạo vật quê nhà cũng trở thành tạo vật tâm
tình, cũng là cảm xúc thi ca. Đấy có thể là một cây chuối, một cây xoan
hoa tím nở trong lất phất mưa bụi mùa xuân:
Trong tiếng cuốc kêu xuân
đã muộn,
Đầy sân mưa bụi nở hoa xoan.
(Mộ xuân tức sự)
Cây hoa xoan đi vào thơ
dẫu sao cũng có dáng vẻ văn chương. Nhưng giậu mồng tơi, bè rau muống có gì là
văn chương mà thành văn chương. Hoá ra, khi tình quê nồng nàn, cảm thức nghệ sĩ
chan chứa thì sự vật tầm thường cũng nên thơ và rất thơ:
Ao quan thả gởi đôi bè muống,
Đất bụt ương nhờ mấy lảnh mồng.
(Thuật hứng, 23)
Hay:
Ai có của thông phòng thết
khách,
Một ao niềng niễng mấy đòng đong.
(Thuật hứng 11)
Hình tượng thiên nhiên
trong thơ Nguyễn Trãi là hình tượng trữ tình đầm ấn chan hoà tình cảm giữa con
người với thiên nhiên. Những ngày sống nhàn tản ở Côn Sơn, cảnh vật quê hương khiến
lòng thi nhân yên tĩnh, thanh thoát. Nhà thơ đem năng lực liên tưởng kì diệu
làm đẹp, tạo hồn cho cảnh và cảnh đem âm điệu, bóng mát, đường nét thanh
thoáng mà làm dịu tâm tư con người:
Côn Sơn suối chảy rì
rầm,
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.
Côn Sơn
có đá rêu phơi,
Ta ngồi trên đá
như ngồi chiếu êm.
Trong ghềnh thông mọc như nêm,
Tìm nơi bóng mát ta
lên ta nằm.
Trong rừng có bóng trúc râm,
Dưới màu xanh mát
ta ngâm thơ nhàn.
(Bài ca Côn Sơn)
Trong thơ, con người và
thiên nhiên chan hoà, giao cảm cùng nhau. Thi sĩ chăm chút cho cây lan, cây
cúc; hương cúc hương lan thanh khiết như thấm vào từng sợi vải, thấm vào tận
tâm hồn con người biết nâng niu trân trọng cái đẹp. Đêm trăng, nhà thơ tìm đến
bầu bạn cùng hoa mai; trăng tràn thấm vào cây, vào đất khiến người thơ tưởng
đạp lên trăng.
Hái cúc, ương lan hương bén áo,
Tìm mai, đạp nguyệt, tuyết xâm
khăn.
(Thuật hứng, 15)
Hai câu thơ có tứ rất lạ,
nhưng lạ nhất vẫn là cái nhìn thiên nhiên tràn ngập yêu thương và mơ màng của
người thơ Nguyễn Trãi.
Cò nằm hạc lặn nên bầu bạn,
Ủ ấp cùng ta làm cái con.
(Ngôn chí, 20)
Nhà thơ sợ nhất là làm mất
vẻ đẹp, sự sống tự nhiên đến hồn nhiên của tạo vật. Ông không muốn làm kinh
động cảnh vật. Ông trân trọng cái đẹp của chúng:
Trì tham, nguyệt hiện chăng
buông cá,
Rừng tiếc chim về ngại phát cây.
(Mạn thuật, 6)
Nguyễn Trãi yêu mây, yêu
hoa, yêu trăng, yêu gió, nên trong thơ ông tất cả như quấn quít lấy ông đòi ông
một nụ cười hiền hoà, bàn tay mơn trớn, ánh nhìn tríu mến. Nhà thơ cảm nhận điều
đó nên không nỡ quét cánh mai rụng ngoài sân, uống rượu nghiêng chén ông chỉ sợ
ánh trăng ngời lóng lánh tiêu tan:
Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng
chén,
Ngày vắng xem hoa bợ cây.
(Ngôn chí, 10)
Nhà thơ mặn nồng với cái
đẹp thiên nhiên nên đã nhào nặn, nâng sự sống của của tạo vật lên một nấc thang
giá trị mới. Cũng vì vậy, trong thơ ông, thiên nhiên mang nhiều hình tượng sinh
động đến kì lạ, làm ta kinh ngạc:
Tuyết sóc leo cây điểm
phấn,
Cõi đông dãi nguyệt in câu.
(Ngôn chí, 13)
Hoặc:
Thơ nên cửa thấy nguyệt vào.
(Mạn thuật 13)
Khi tứ thơ chưa đến thì
không sao. Khi tứ thơ đến, thơ thành rồi, tự nhiên ở cửa thấy trăng lững thững đi vào.
Hình tượng thiên nhiên trong thơ
Nguyễn Trãi tươi thắm sắc xuân, chan chứa sức xuân và sống động tình xuân.
Nguyễn Trãi viết nhiều bài thơ về mùa thu, mùa hạ và mùa xuân. Thơ ông vì thế
như có một bức tranh tứ bình về thiên nhiên bốn mùa tươi đẹp. Mùa thu ông cảm
xúc mà ngâm: “Sau cơn mưa, sắc núi làm cho con mắt thơ trở nên tươi dịu”
(Tứ hứng). Mùa hạ, ngắm cây hoa sinh sôi, lòng ông cũng dào lên niềm vui:
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.
(Cảnh
ngày hè)
Nhưng thơ ông tươi nhất,
thắm nhất vẫn là cảnh sắc mùa xuân. Mùa xuân có cỏ xanh như khói mơ hồ, mưa
xuân nhẹ bay, nước xuân rạt rào khiến hồn thơ ông lai láng:
Cỏ xanh như khói bến xuân tươi,
Lại có mưa xuân nước vỗ trời.
(Bến đò xuân đầu trại)
Nồng nàn nhất là đêm trăng
xuân rắc mộng xuống trần gian, khiến hồn thơ mơ màng:
Say
lòng trước sắc xuân tươi,
Sóng xao bên gối, sắc ngời chiêm
bao.
(Hải khẩu dạ bạc hữu cảm)
Xuân trong thơ ông chứa
chan sức sống. Hồn thơ ông như căng trào sức xuân. Ông tả cây chuối như một
người tình nhân mơ mộng:
Tự bén hơi xuân tốt lại thêm,
Đầy buồng lạ, màu thâu đêm.
(Cây chuối)
Xuân cũng sống động xuân
tình:
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu gượng mở xem.
(Cây chuối)
Giọt giọt điểm canh tà,
Luồn trúc gõ song cửa,
Theo chuông vào giấc mơ.
Hình tượng thiên nhiên trong thơ
Nguyễn Trãi gợi mở về hình ảnh một con người có chí lớn vượt lên khỏi gió bụi
cuộc đời để giúp ích cho dân và hình ảnh con người tự do, tự tại. Hình tượng
cây tùng trong bài thơ “Tùng” là hình ảnh tương trưng về một con người lí tưởng
mà Nguyễn Trãi mong ước. Và cái quý ở hình tượng được xây dựng theo truyền
thống nghệ thuật có tính tượng trưng, nhưng câu thơ cuối lại đậm chất trữ tình
vì dân của ông. Hình tượng cây tùng là quan niệm hoàn chỉnh về kẻ sĩ với ba
phẩm chất đẹp: nhân – trí – dũng:
Lâm tuyền ai rặng già làm khách,
Tài đống lương cao ắt cả dùng.
Cội rễ bền dời chẳng động,
Tuyết sương đã thấy đặng nhiều ngày.
Nguyễn Trãi đã hoá thân, gửi hồn
vào hình tượng cây tùng. Nhà thơ tự nhắc nhở mình, tự bồi dưỡng lí tưởng cho
mình, không ngừng phấn đấu cho hạnh phúc của nhân dân. Câu kết, vì thế hội tụ
vẻ đẹp vẻ sáng của trái tim, khối óc của nhà thơ:
Dành còn để trợ dân này.
Hình tượng cây trúc trong
thơ ông khá đa dạng. Có lúc ông thân mật với trúc, vì có sự trong sáng,
tinh sạch như ông:
Hoa liễu chiều xuân cũng hữu tình,
Ưa mi vì bởi tiết mi thanh.
(Trúc)
Và cả rừng trúc vàng,
trúc ngọc ở Thanh Hư động tại Côn Sơn cũng ùa vào thơ ông. Hình tượng cây trúc
biểu tượng đời sống tâm hồn thanh tịnh, tự do; phong thái ung dung của ông:
Trong rừng có
bóng trúc râm,
Dưới màu
xanh mát ta ngâm thơ nhàn.
(Bài ca Côn Sơn)
Biển lùa gió bấc thổi băng băng,
Nhẹ kéo buồm thơ lướt Bạch Đằng.
Ngạc chặt, kình băm, non lởm chởm,
Giáo chìm, gươm gãy, bãi dăng dăng.
Quan hà hiểm trở trời kia dựng,
Hào kiệt công danh đất ấy từng.
(Cửa biển
Bạch Đằng)
Hình ảnh về một cuộc sống no đủ
cho dân:
Lao xao chợ cá làng ngư phủ,
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.
Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,
Dân giàu đủ khắp đòi phương.
(Cảnh ngày hè)
4. Thơ viết về thiên nhien của
Nguyễn Trãi luôn mới lạ và hấp dẫn, bởi hồn thơ ông luôn tươi trẻ. Đó chính là
mảnh hồn thơ của thi hào gởi vào thiên nhiên đất nước, gởi tới muôn đời. Thiên
nhiên trong thơ ông đã thể hiện tư tưởng yêu nước thương dân, phong thái
ung dung tự tại của ông. Qua những vần thơ viết về đề tài tạo vật
thiên nhiên, Nguyễn Trãi thực sự là một nghệ sĩ và một tài ăng thơ lớn của dân tộc ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét