Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2015

Kể chuyện về Mô-da - Sô Panh và Pa-ga-ni-ni

Kể chuyện về Mô-da - Sô Panh và Pa-ga-ni-ni 
 Mô-da
Vôn-gang A-ma-đơ Mô-da là nhạc sĩ thiên tài, một ngôi sao chói lọi, một thần đồng trong lịch sử âm nhạc thế giới. Tất cả những từ đẹp đẽ nhất để nói về tài năng âm nhạc đều xứng đáng có thể dành cho ông. Mô-da được mệnh danh là “Mặt trời âm nhạc” do tài năng kiệt xuất, độc nhất vô nhị, cũng như tính chất âm nhạc rất trong trẻo, rực rỡ, tươi sáng. Ngay từ khi còn sống, cuộc đời của Mô-da đã có nhiều chi tiết đặc biệt. Vì thế, theo dòng thời gian, cuộc đời ông được tô điểm bằng nhiều câu chuyện mang nét huyền thoại, không rõ hư hay thực.
Mô-da sinh ngày 27/1/1756 trong một gia đình âm nhạc ở thị trấn San-buốc, nước Áo. Cha là Lê-ô-pôn, một nghệ sĩ chơi đàn violon có tiếng trong dàn nhạc của nhà quí tộc ở San-buốc, ông cũng là người dạy dỗ âm nhạc cho Mô-da. Gia đình Mô-da có 2 người con, đó là Nan-nếc, chị gái và Mô-da. Hai chị em cùng tỏ ra có năng khiếu đặc biệt về âm nhạc. Nan-nếc nhiều hơn em trai năm tuổi, từ khi 4 tuổi, cô đã có biểu hiện của một tài năng âm nhạc, chỉ sau một năm luyện tập đã đánh được những bản nhạc khá hóc búa. Tuy nhiên, tài năng của người em còn vượt xa hơn. Sở dĩ, người ta gọi Mô-da là thần đồng âm nhạc vì tài năng của ông đặc biệt và được bộc lộ từ lúc còn rất nhỏ.
Một buổi sáng mùa thu năm 1758, bà Anna  Maria- mẹ của Môda ở nhà cùng cậu con trai, ông Lê-ô-pôn đã đi làm, còn Nan-nếc thì đi học. Như lệ thường, bà ngồi vào đàn clavơxanh (đàn piano cổ) và bắt đầu chơi những bản nhạc mà hàng ngày Nan-nếc vẫn luyện tập. Trước đó, bà cẩn thận đặt Mô-da ngồi trên chiếc ghế, phía bên phải cây đàn, để vừa đánh đàn vừa dễ dàng quay sang nói chuyện và trông nom cậu bé.
Trong khi mẹ chơi đàn, Mô-da rất chăm chú nghe và quan sát những ngón tay đang di chuyển của bà mẹ, có vẻ như những bản nhạc đang thu hút được sự chú ý của cậu. Không lâu, sau khi đã chơi một số bản nhạc ngắn, bà Maria đứng lên, đi vào bếp để lấy một cốc nước. Trước khi đi, bà đẩy chiếc ghế mà Mô-da đang ngồi sát lại cây đàn, cho cậu bé bám vào thành đàn đề phòng cậu có thể bị ngã.
Khi đang rót nước vào cốc, bà Maria chợt nghe thấy bản nhạc vừa chơi vang lên từ phòng khách, thầm ngạc nhiên nghĩ rằng cô con gái hôm nay lại đi học về sớm, bà hỏi vọng ra ngoài phòng khách: “ Sao về học sớm vậy, Nan-nếc ? ”. Không có tiếng trả lời, bà liền nghiêng người nhìn ra phía ngoài. Bỗng nhiên bà  sững người, suýt đánh rơi cả chiếc cốc trên tay, khi nhìn thấy cậu con trai bé nhỏ của mình đang mải miết đánh lại bản nhạc mà lúc trước bà đã tập. Tuy mức độ thuần thục và tốc độ của bản nhạc chưa thật chính xác, nhưng đó chính là bản nhạc mà bà vừa chơi. Không tin được ở mắt mình, sau giây lát định thần, bà Maria tiến gần lại cây đàn, nơi cậu bé vẫn đang say sưa chơi nhạc, bà hỏi:
-Con trai của mẹ, tại sao con đánh được bài này ? Chị Nan-nec đã dạy con từ khi nào vậy ?
-Không, chị đã dạy con đâu, vừa nghe mẹ chơi đàn, con chỉ đánh lại thôi. Bà mẹ càng ngạc nhiên :
-Con nói gì? Vừa nghe mẹ chơi mà con đã đánh được như vậy sao? Không thể tin nổi ? Thấy cậu con trai tỏ vẻ chú ý và rất thích thú với cây đàn, bà Maria hỏi:
-Nếu con muốn tiếp tục được đánh đàn, hãy nghe mẹ chơi đoạn nhạc ngắn này, rồi con thử đánh lại xem.
Tay trái giữ vai Mô-da, còn tay phải bà chạy trên những phím đàn một giai điệu ngắn. Ngay khi giai điệu vừa kết thúc, bàn tay bé xíu của cậu bé  đặt lên phím đàn, không hề có chút ngập ngừng, cậu đánh lại giai điệu vừa xuất hiện. Cậu chơi chính xác cứ như đã từng tập nó nhiều lần. Bà Maria lại chuyển sang một giai điệu khác, lần này đó là một câu nhạc do bà tự nghĩ ra, Mô-da cũng đánh lại chính xác. Rồi những câu tiếp theo, ngày  càng trở nên dài hơn, khó nhớ hơn, cậu bé cũng đánh lại được gần như là hoàn hảo. Đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, càng thử, bà Maria càng thấy được khả năng đặc biệt của con trai mình.
Đến trưa, khi ông Lê-ô-pôn về nhà, việc đầu tiên, bà Maria gọi ông đến bên cây đàn để cho ông chứng kiến khả năng đặc biệt của cậu con trai. Bây giờ đến lượt ông bố ngỡ ngàng khi thấy con trai mình, mọi ngày chỉ bình thường như những cậu bé khác, bỗng nhiên có những biểu hiện đặc biệt của một thiên tài âm nhạc. Sau khi kiểm tra kỹ năng khiếu của con trai bằng những đoạn nhạc khá hóc búa, ông tự hào nói với vợ: “ Đó là một tài năng đặc biệt, rồi em xem, mai đây, mọi người sẽ nhắc đến thằng bé nhà mình nhiều đấy”.
Điều đó đã sớm xảy ra, chỉ ít lâu sau, dưới sự hướng dẫn của ông Lê-ô-pôn, hai đứa con của ông đã cùng nhau luyện tập đồng thời hai loại nhạc cụ là violon và clavơxanh, chúng có thể biểu diễn độc tấu cũng như hoà tấu một cách khá thuần thục. Trong khi người khác phải mất nhiều năm mới có thể học để hoàn thiện kỹ thuật chơi một trong hai nhạc cụ này, thì chỉ trong hai năm, những đứa con ông đã nắm được kỹ thuật trình diễn thành thạo, đặc biệt là Mô-da. Cậu vừa có kỹ thuật tốt, có nhạc cảm và tỏ ra có tâm lý vững vàng trong khi biểu diễn. Chính vì thế Mô-da thường được ông Lê-ô-pôn giới thiệu trong các cuộc trình diễn âm nhạc ở San-buốc, sau đó là thành phố Viên- thủ đô nước Áo, và khắp các thành phố lớn của Châu Âu
Một buổi sáng trước khi đi làm, ông Lê-ô-pôn gọi Mô-da đến và trao cho cậu một bản nhạc. Ông muốn con trai mang bản nhạc tới nhà ông chủ rạp hát, đó là món quà của ông Lê-ô-pôn tặng con gái ông chủ rạp hát nhân dịp sinh nhật cô bé.
Mô-da hiếm khi được ra khỏi nhà một mình, mọi cảnh vật trên đường đều rất mới lạ với cậu bé. Trên đường tới nhà ông chủ rạp hát phải qua dòng kênh nhỏ, Mô-da dừng lại trên thành cầu và ngắm nhìn không chán mắt cảnh những chiếc thuyền trôi dưới dòng kênh. Bỗng làn gió mạnh thổi tới, bản nhạc rời khỏi tay Mô-da và bay nhanh xuống dòng kênh.
Mô-da buồn bã quay về nhà, cậu chưa biết sẽ nói gì với cha về chuyện vừa xảy ra. Ông Lê-ô-pôn đi làm chưa về. Mô-da ngồi vào đàn và chơi những khúc nhạc ngắn, trong đầu cậu chợt loé lên một suy nghĩ. Mô-da liền sáng tác một bản nhạc và mang nó đến nhà ông chủ rạp hát, thay cho bản nhạc đã rơi xuống dòng nước.
Hôm sau, ông Lê-ô-pôn tới chơi nhà ông chủ rạp. Trước khách mời, ông này tươi cười nói với ông Lê-ô-pôn:
- Bản nhạc của bác hay tuyệt. Bác có muốn nghe lại không?
Lê-ô-pôn nhã nhặn cảm ơn. Con gái ông chủ rạp đàn những nốt nhạc đầu tiên. Ông Lê-ô-pôn thoáng giật mình vì thấy đó không phải là khúc nhạc của mình. Ông tiến lại gần cây đàn và nhìn vào bản nhạc. Quả thật như vậy, đó không phải là bản nhạc của ông sáng tác, ông nhận ra những nốt nhạc được viết bởi cậu con trai mình.
Bản nhạc kết thúc, những tiếng vỗ tay vang lên. Ông chủ rạp hồ hởi nói:
- Đó là một khúc nhạc thật trong sáng và đáng yêu. Tôi và con gái rất hài lòng khi nhận được món quà này của bác.
Khi về tới nhà, ông Lê-ô-pôn gọi Mô-da tới và hỏi xem chuyện gì đã xảy ra. Cậu bé kể lại câu chuyện về bản nhạc rơi xuống dòng nước. Ông Lê-ô-pôn không mắng cậu bé, ông chỉ xoa đầu con trai và nói:
- Con đã viết được khúc nhạc thật hay, cha tự hào vì điều đó. Cha tin sau này con sẽ trở thành một nhạc sĩ lớn.
   Lời tiên đoán của ông Lê-ô-pôn đã sớm trở thành sự thật. Ít năm sau, Mô-da đã trở thành nhạc sĩ nổi tiếng khắp châu Âu và thế giới.
Câu chuyện trên xảy ra khi Mô-da mới 6 tuổi.
Vào thời kỳ đó, thành Viên là nơi tập trung của những nhạc sĩ giỏi nhất thế giới, họ tìm đến đây để học tập, sáng tác âm nhạc và muốn khẳng định khả năng, danh tiếng của mình. Vì thế Viên được coi là thủ đô của nền âm nhạc Châu Âu, ở đây người dân rất yêu âm nhạc, thành phố có nhiều nhà hát, nhiều dàn nhạc xuất sắc và các nhạc sĩ tài ba. Tuy nhiên nhờ tiếng tăm nổi như cồn của thần đồng âm nhạc San-buốc, khi mới sáu tuổi, Mô-da đã cùng với chị gái được biểu diễn âm nhạc trong hoàng cung của nước Áo. Buổi diễn này có mặt rất đông cận thần, đại sứ các nước, có hoàng tử và công chúa tham dự  và đặc biệt là sự có mặt của nữ hoàng của nước Áo thời bấy giờ là Ma-ri-a Tê-rê-da. Phần đầu của buổi hoà nhạc do hai chị em cùng chơi, hoà tấu bốn tay trên cây đàn clavơxanh, trình độ biểu diễn của hai chị em đã đạt tới trình độ xuất sắc và nhận được sự tán thưởng rất nhiệt tình của giới thượng lưu nước. Điều này không hề đơn giản, vì những người ở đó đều có sự am hiểu về âm nhạc. Phần tiếp theo, Mô-da biểu diễn một mình những khúc nhạc tuỳ hứng mà cậu ưa thích. Những âm thanh vang lên, một làn âm thanh hoà quyện nhau như một dòng suối ùa ra tưởng chừng như bất tận, cung điện như tràn ngập ánh sáng, tràn ngập hương thơm và màu sắc của vô vàn loài hoa trên thế gian.
Khi tiếng đàn cuối cùng của Mô-da vừa tắt, nữ hoàng Tê-rê-da giơ cao hai bàn tay lên, cả cung điện như thừa lệnh của nữ hoàng, cùng rền lên những đợt vỗ tay tưng bừng, những lời ngợi khen ùa ra, tưởng như không thể dứt. Một nhạc sĩ già, vóc người nhỏ nhắn, ăn mặc trang trọng, bước đến gần cậu, đặt tay lên vai, nhìn thật lâu vào đôi mắt đang tập trung và gương mặt hơi tái đi vì cảm xúc của cậu bé. Ông khẽ kêu lên:
- Không thể ngờ được! Thật là siêu phàm!
Nữ hoàng quay lại phía ông, nói gần như đáp lại lời ông:
- Đúng thế, ông Hay-đơn! Đây thật sự là một hiện tượng siêu phàm!
Người đàn ông đứng đó, chính là nhạc sĩ Hay-đơn nổi tiếng và vĩ đại của thành Viên, Ông cúi đầu, nói với Mô-da bằng một giọng trầm, như nói với một người bạn tâm tình:
- Ta ngày xưa cũng đã sáng tác âm nhạc từ năm lên sáu đấy, cháu ạ. Nhưng ta khổ cực lắm! Ta là đứa trẻ mồ côi, cháu hiểu không, tức là không còn cha mẹ nữa ấy mà!. Cháu giỏi lắm, nhất định cháu còn  có khả năng tiến rất xa.
Đúng lúc đó, hoàng tử Giô-dép, là con trai cả của Tê-rê-da, một người cũng có nhiều năm học tập âm nhạc, tiến lại trao cho Mô-da một cây violon và nói giọng thách thức:
- Cậu bé quê mùa, còn  đủ sức chơi thêm một bản nữa không?
Mô-da nhìn thẳng vào mắt Giô-dép và đỡ lấy cây đàn. Sau khi biểu diễn nhiều, cậu đã rất mệt. Lướt nhìn quanh như muốn tìm một hình ảnh nào đó quen thuộc, ánh mắt cậu dừng lại trước công chúa út đang ngồi ngoan ngoãn trên chiếc đệm gần nữ hoàng. Cô bé mặc áo xa-tanh mầu hồng, thêu thùa rất đẹp. Cô có đôi mắt đầy thiện cảm, đang mở to nhìn Mô-da, trông cô giống như Lu-i-da, người bạn thân thiết nhất của Mô-da đang sống ở San-buốc. Cảm giác đó làm Mô-da vui hẳn lên, cậu nhắm mắt lại, nghiêng người, đưa chiếc ác-sê lướt trên dây đàn, một dòng âm thanh óng mượt và trong vắt như từ trên trời buông xuống, trong giây lát, căn phòng bỗng trở nên lặng tờ. Mô-da đã ứng tác bản nhạc thật hay, thật bất ngờ mà không hề chuẩn bị trước. Khi tiếng nhạc dứt, cậu phải nghiêng mình đáp lễ đến bốn năm lần mà tiếng hoan hô vẫn vang lên. Quay người lại phía nữ hoàng định chào lần cuối, bỗng nhiên, Mô-da thấy choáng váng, mọi vật chao đảo, cậu bước thêm một bước và ngã nhào xuống tấm thảm trên sàn.
Viên quan hầu đứng ở gần cửa kêu lên, vội bước tới, nhưng công chúa út đã nhanh hơn, cô vụt nhảy khỏi chỗ ngồi, chạy lại đỡ Mô-da dậy. Mô-da ngẩng đầu lên và nhìn thấy ánh mắt đầy ân cần, trìu mến đang nhìn mình tha thiết.
- Lu-i-da !- Mô-da buột miệng kêu lên.
- Không phải Lu-i-da đâu ! Tôi là Tô-ni ! Mà thôi, cậu đừng xấu hổ nhé ! Cái sàn này trơn lắm. Mọi ngày chơi ở đây, tôi vẫn bị ngã luôn ấy mà !
Những lời an ủi giản dị, thân tình ấy làm Mô-da muốn khóc lên vì cảm động. Cậu lập cập đứng thẳng dậy, không biết nói gì, nước mắt cứ định trào ra. Công chúa nắm tay Mô-da dắt cậu lại gần chiếc ghế của Tê-rê-da, nữ hoàng hỏi:
- Con có đau không ?
Mô-da nhìn công chúa Tô-ni với ánh mắt biết ơn, trả lời:
- Con không sao ạ! Công chúa thật tốt bụng! Khi lớn lên, lệnh bà cho cô ấy kết bạn với con được không ạ? Con thích sẽ được chơi thân với cô ấy!
Tô-ni nói ngay:
- Sao lại không? Thưa mẫu hậu, con cũng thích được chơi với cậu nhạc sĩ này. Mẫu hậu sẽ đồng ý chứ?
Nữ hoàng Tê-rê-da trong lúc đang có tâm trạng phấn chấn liền cười và nói vui:
- Để sau này ta nhận nó vào cung dạy nhạc cho con nhé! Sẽ tha hồ mà kết thân với nhau !
     Tức thì, công chúa  Tô-ni vòng tay ôm hôn mẹ, trông cô bé có vẻ rất sung sướng, còn  Mô-da thì đứng ngây người không biết sao.
 Nhưng về sau, tình bạn ấy chẳng bao giờ diễn ra, Mô-da không thể hình dung nổi, công chúa Tô-ni xinh đẹp và tốt bụng ngày ấy, sau này lại trở thành một hoàng hậu hết sức thâm hiểm của nước Pháp. Công chúa Tô-ni lớn lên, trở thành hoàng hậu Ma-ri Ăng-toan-nét, một người có nhiều tham vọng, đầy quyền hành và những mưu mô ghê gớm. Hai năm sau khi Mô-da qua đời, hoàng hậu Ma-ri Ăng-toan-nét bị Toà án Cách mạng Pháp xử tử vào năm 1793, cùng với chồng là nhà vua Lu-y thứ 16.
Những ngày tháng Hai năm 1790  ở Viên rất lạnh giá. Gió rét căm căm. Buổi tối, một làn sương mỏng bao trùm lên thành phố, càng tăng vẻ u ám. Một cỗ xe ngựa mang biểu trưng hoàng gia nước Áo dừng lại trước cửa nhà Mô-da, trong xe không thắp đèn, hai vị quan hầu của hoàng cung vội vã bước xuống, chạy vội vào phòng Mô-da, gõ cửa. Mô-da đang ngồi sáng tác bên cây đàn dương cầm, một ngọn nến lớn toả sáng trước mặt.
-Thưa nhạc sư- Viên quan hầu nói- Thánh thượng mệt nặng, Người sai chúng tôi đến triệu ngài, xin hãy đi ngay cùng chúng tôi.
Mô-da ngạc nhiên đứng dậy, vội vàng mặc áo khoác, trở vào dặn vợ- Công-xtăng mấy câu, rồi bước ra xe. Anh được đưa tới Suên-brun, lâu đài của hoàng gia nước Áo.
Đêm lạnh lẽo mù mịt. Lối sỏi quen thuộc như đưa anh trở về quá khứ của mình. Lòng buồn vui lẫn lộn, xen cả chút mệt mỏi, lo âu. Giô-dép cần gì đến anh, một nhạc sĩ nghèo nàn, quẫn bách, trong đêm giá rét buồn bã này ?
Mô-da được đưa tới một căn phòng lớn, có thắp những ngọn nến to. Một chiếc giường rộng trải đệm màu trắng, trên đó là một người đàn ông khổ người to lớn nhưng gầy guộc, khuôn mặt lúc thì đỏ vì sốt cao, lúc lại tái vì những cơn đau. Mấy vị ngự y chăm sóc sức khoẻ cho nhà vua, đang ngồi trên những chiếc ghế nhỏ ở một góc, thì thầm trao đổi gì với nhau. Thấy Mô-da bước vào, họ đứng dậy chào. Một người đến bên hoàng đế, thông báo, Mô-da được lệnh cho tiến lại gần.
Hướng về phía Mô-da, vua Giô-dép nói thều thào:
- Ta muốn anh đánh cho ta nghe những bản nhạc của anh, bản nhạc nào thật ấm áp, yêu đời, bởi vì lúc này, ta đang phải đơn độc chiến đấu với thần chết!.
Mô-da cúi thấp người, tỏ ý tuân lệnh, những người hầu cận đẩy chiếc đàn piano vào phòng. Ngồi xuống ghế, anh đặt tay lên phím đàn, nhớ lại khúc nhạc tuổi thơ ấu mình hay dạo. Ngẩng mặt lên, anh thấy những bức chân dung rất lớn treo trên tường. Có cả chân dung nữ hoàng Tê-rê-da và công chúa út Tô-ni thời con gái. Anh bỗng quên đi không khí bệnh tật xung quanh, vẻ mặt khắc khổ của nhà vua, quên đi những ánh nến lung linh như ma quái trên tường, quên đi cả bao điều cay cực, bất công mà đời anh đã phải gánh chịu. Anh chìm vào khúc nhạc tuyệt vời của mình. Âm thanh tràn khắp phòng như những tia lửa rực sáng, ấm áp. Khúc nhạc tươi rói, mạnh mẽ, tuôn trào từ trong tâm hồn, lướt trên những ngón tay, chứa đầy sức sống tuổi thanh xuân. Mô-da như đang nhìn thấy mùa xuân đã xa rồi ở Viên, hoa táo và hoa mận nở trắng trong các khu vườn xanh mát, màu nắng mai trên những ngọn tùng cao óng ánh, như những ngọn tháp nhọn dát đầy vàng. Anh nhớ lại tuổi thơ kỳ diệu  của mình, một thần đồng âm nhạc, khi ấy Giô-dép đang còn là một thái tử đầy hiếu thắng, đã thách thức đưa cho anh cây đàn violon để thử tài. Anh đã thắng cuộc, nhưng rồi chóng mặt ngã nhào xuống thảm, và cô bé Tô-ni dịu dàng hồi ấy chưa là hoàng hậu nước Pháp, đã chạy đến nâng anh dậy. Trí tưởng tượng và âm nhạc đưa anh đi mãi. Mô-da thấy lại mẹ anh, vẻ mặt hiền hậu, thường thích ủ tay cho con bằng những củ khoai tây nướng nóng, trước khi anh dạo đàn. Anh thấy lại chị Nan-nếc, hồi đó còn xinh đẹp, thông minh, còn tài năng biết bao nhiêu ! Và ông bố anh, ngày ấy đang tràn đầy nghị lực, vui vẻ tự tin, dắt tay anh, đưa anh đi tới những ngả đường rộng mở trước ngưỡng cửa cuộc đời.
Mô-da chợt choàng tỉnh khi nghe tiếng thở mạnh của vua Giô-dép. Anh quay sang và nhìn thấy những giọt nước mắt đang lăn trên khuôn mặt gầy guộc của đức vua.
- Hãy dừng lại, Mô-da, ta xin cảm ơn anh- Nhà vua nói chậm rãi, nhưng rõ ràng, ngừng một lát, ông nói tiếp- Anh là người đã biết sống xứng đáng, vì cái đẹp của cuộc đời ! Còn ta, ta chỉ biết sống vì trật tự của nó ! Ta đã làm hết sức, nhưng tới phút này, trước khi nằm xuống, ta cũng chưa rõ đã đạt tới mục đích hay chưa ? Ta có tất cả, quyền lực, triều đình, quân đội, đất đai. Còn anh, anh có trái tim và đôi tay như bao người khác. Nhưng biết đâu, những thế kỷ sau, dân tộc áo sẽ đánh giá anh hơn cả ta ! Ta chưa bao giờ có cảm giác nhỏ bé trước quyền lực, những có những giây phút, ta thấy mình thật nhỏ bé trước cái đẹp vĩnh cửu của cuộc đời.
Mô-da giữ yên đôi tay trên phím đàn, xung quanh là một sự im lặng thiêng liêng. Anh hiểu là nhà vua đang thốt ra những lời tự thú của một người đang hấp hối, không còn là lời nói của một ông vua, với kẻ thần dân nghèo hèn. Trong thâm tâm anh vẫn kính trọng Giô-dép, đó là một ông vua có ý chí, có hiểu biết và khao khát làm được những công việc vĩ đại. Ông muốn trở thành minh quân, những có lẽ đã không đạt được. Hơn bao giờ hết, anh cảm thấy buồn rầu sâu sắc, thậm chí còn thương hại ông ta, mặc dù đối với anh, đó là con người đang có địa vị cao sang tột đỉnh.
Nhà vua Giô-dép qua đời ngày 20/2/1790. Những lời nói của Giô-dép ngày ấy, đến nay đã trở thành sự thật, lịch sử đánh giá rất cao vai trò của Mô-da. Mô-da là con người của cả nhân loại, trong khi Giô-dép chỉ là một ông vua của nước Áo.
Vào một đêm tháng Năm, năm 1791, có một cơn mưa giông dữ dội đổ xuống thành Viên. Ngôi nhà của Mô-da chìm trong im lặng khi mọi người đều đã đi ngủ, anh bước xuống phòng khách để tắt ngọn nến cuối cùng. Chợt nghe thấy tiếng gõ cửa khá mạnh, Mô-da thầm ngạc nhiên vì không hiểu trong đêm mưa to, gió lớn lại rất khuya khuắt như thế này, người nào có việc gì mà tìm đến anh. Dừng ở giữa phòng, nghe tiếng gõ vẫn vang lên, Mô-da do dự bước đến gần cánh cửa, tay cầm ngọn  nến, anh cất tiếng:
- Ai thế ?
Lẫn trong tiếng mưa rơi, Mô-da vẫn nghe rõ tiếng người rành rọt:
- Xin hãy mở cửa ? Tôi muốn gặp ngài Mô-da.
- Tôi đây, nhưng xin ông đi cho, đã khuya rồi lắm. Nếu có việc gì, ngày mai mời ông quay lại.
- Thưa ngài, việc của tôi rất gấp, chỉ xin gặp ngài ít phút thôi, tôi hứa sẽ không dám làm phiền ngài lâu.
Mô-da rất do dự những nghe lời nói khẩn thiết của người lạ, anh kéo then cài, hé cánh cửa, nhìn ra bên ngoài. Đúng lúc ấy, một ánh chớp loé lên, làm Mô-da nhìn rõ hình dáng người lạ mặt, khiến anh rùng mình lùi lại. Đó là một người cao lớn, chắc phải là đàn ông, ông ta đội chiếc mũ che mưa rộng vành, mặc trang phục toàn bộ bằng vải mầu đen. Ghê gớm hơn, nhờ ngọn nến và ánh chớp loé sáng, Mô-da còn thấy ông ta che mặt bằng chiếc khăn đen, dáng vẻ thật lạ lùng, đặc biệt. Định khép cửa lại, nhưng không kịp, người lạ mặt đã giơ tay giữ lấy cánh cửa, giọng nói của ông ta trầm xuống:
- Thưa ngài, xin đừng sợ, tôi có lí do để mang trang phục như thế này. Nhưng đảm bảo với ngài, tôi sẽ không làm điều gì khiến ngài phải phật ý. Hãy để tôi vào phòng, xin ngài hãy nghe tôi nói.
Nghe những lời này, Mô-da đã bình tâm lại đôi chút, khép cánh cửa lại. Mô-da quay vào phòng và đối mặt với con người lạ lùng đó.
- Tôi xin được trao đổi với ngài câu chuyện của tôi trong phòng riêng được không ? Tôi muốn được giữ kín chuyện này.
- Tôi không có phòng riêng, vả lại mọi người trong nhà đã ngủ hết rồi, có chuyện gì, xin ông nói ngay cho- Ngập ngừng rồi Mô-da hỏi- Ông có muốn ngồi không ?
Người lạ mặt quay người nhìn xung quanh, những giọt nước mưa từ chiếc mũ rộng vành của ông ta bắn ra thành một vòng. Tiến lại gần hơn một  bước, ông ta nói khẽ :
- Tôi xin được vào ngay câu chuyện của tôi.- Dừng lại, ông ta nói tiếp - Để giữ bí mật cho việc này, xin ngài đừng để ý đến cách ăn mặc của tôi. Thưa nhạc sĩ, tôi cũng làm nghề sáng tác âm nhạc, tôi làm việc đó cho một nhà thờ ở cách xa vùng này. Thưa ngài, tôi có một gia tài lớn, nhưng tôi mới mắc phải một căn bệnh nguy hiểm, căn bệnh đã đến giai đoạn cuối và thời đại này chưa có cách chữa. Bác sĩ nói, có thể tôi chỉ sống được ít ngày nữa. Vậy là tôi sẽ chết mà không để lại dấu ấn gì cho cuộc đời, những bản nhạc tôi viết, chưa bao giờ gây được tiếng vang nào cả. Xin hãy nhận lời cho tôi việc này. Hãy viết một bản nhạc và bán nó cho tôi, tôi biết ngài đang rất khó khăn, nhưng với số tiền của tôi, ngài sẽ vượt qua được những khó khăn đó.
- Tại sao ông lại chọn tôi ? Ông cần bản nhạc như thế nào ?
- Bởi vì ngài đang là người giỏi nhất ? Tôi cần một Khúc cầu hồn (Requiem). Hãy viết một bản cầu hồn thật đặc biệt, có 12 chương. Làm nhanh cho tôi, đừng để bất kỳ ai biết và ngài sẽ nhận được những gì xứng đáng.
Trên bàn tay đi găng tay mẫu đen của người đàn ông kia, từ lúc nào đã xuất hiện một túi tiền, bước thêm vài bước, ông ta đặt nó lên bàn. Rồi ông ta đi ra cửa, quay lại, nói bằng giọng nhẹ nhàng, nhưng rất rõ:
- Xin hãy giữ kín cho. Một bản cầu hồn có 12 chương. Ông ta kéo cửa và bước vào màn đêm.
Gió lạnh thổi ùa vào, Mô-da vội bước lại, đóng cánh cửa, anh nhìn ra ngoài, thấy cỗ xe ngựa đang lăn bánh rất nhanh giữa trời mưa, anh ngạc nhiên vì chẳng nghe thấy cả tiếng vó ngựa.
Mô-da quay vào và ngồi xuống ghế, im lặng hồi lâu, anh bỗng cảm thấy mệt mỏi rã rời, mọi việc diễn ra như một giấc mơ, Mô-da thầm nghĩ. Nhưng nhìn thấy túi tiền nằm nghiêng trên bàn, anh thở dài, vì hiểu rằng đó không phải là giấc mơ mà là sự thật.
Với khoản tiền 50 đuy-ca đó, gia đình Mô-da đã có điều kiện trang trải, mua sắm những vật dụng cần thiết. Nhưng kể từ hôm đó, hình ảnh về con người lạ mặt và yêu cầu lạ lùng của ông ta cứ ám ảnh Mô-da mãi. Vội vàng hoàn thành xong những bản nhạc khác đang viết dở, Mô-da suy nghĩ và bắt đầu viết khúc nhạc cầu hồn, với cảm giác như mình đang mắc vào một món nợ rất lớn. Hình ảnh người đàn ông lạ mặt thường xuyên xuất hiện trong tâm trí của Mô-da và anh liên tưởng đến ông ta giống như thần chết đang đến đòi nợ mình. Rồi có những khi anh tự hỏi, mình đang viết khúc cầu hồn này cho ai, cho con người lạ lùng đó hay để cầu hồn cho chính mình. Sức khoẻ của anh trước đây đã rất yếu, lại càng suy sụp đi từ đó.
Người lạ mặt còn quay lại thêm hai lần nữa, vẫn vào những lúc đêm rất khuya, và vẫn với bộ trang phục kỳ quái của mình. Ông ta tỏ vẻ hài lòng với những ý tưởng  và những khúc nhạc Mô-da đã viết xong, nhưng vẫn hối thúc anh phải làm nhanh hơn nữa. Mô-da nhận được số tiền lớn hơn so với lần trước, và nhờ thế, vợ anh là Công-xtăng có điều kiện đi chữa bệnh.
Những ngày cuối đời, Mô-da đã làm việc với mức độ phi thường, anh dồn sức vào việc hoàn thành bản cầu hồn, anh muốn đó sẽ là một bản nhạc vĩ đại. Tuy mang tính chất cầu hồn, nhưng bản nhạc phải toát lên tấm lòng yêu cuộc sống, yêu con người bi thiết, bản nhạc mà Mô-da có dự cảm là đang đang dành cho chính bản thân mình.
Đêm 19/11/1791, khi Mô-da mới chỉ viết hết chương thứ tám trong bản cầu hồn, một cơn sốt nặng ập đến, tay và chân anh cứng lại, cử động rất khó khăn, nhưng trí tuệ vẫn rất minh mẫn.  Ý nghĩ đau khổ và bất lực vì phải bỏ lại trên đời một gia đình nghèo túng, bơ vơ, làm Mô-da day dứt không nguôi.
Ngày 3/12, biết mình đã đi đến chặng cuối của cuộc đời, nằm trên giường bệnh trong nhà, Mô-da cho gọi Đuy-xmay-ê là người học trò thông minh và đáng tin cậy nhất đến. Đưa Đuy-xmay-ê tập bản thảo khúc cầu hồn, anh đã kể lại cho người học trò  nghe toàn bộ câu chuyện về sự ra đời của bản nhạc này. Mô-da nhờ Đuy-xmay-ê viết nốt bốn chương còn lại để hoàn tất bản nhạc, anh hướng dẫn Đuy-xmay-ê viết theo phác thảo và ý đồ của mình và dặn, nếu người lạ mặt đó tìm đến, hãy đưa trả bản nhạc và không nhận thêm tiền của ông ta nữa.
    Mô-da qua đời vào ngày 5/12/1791. Nhớ lời thầy dặn, sau đó Đuy-xmay-ê  đã viết tiếp bốn chương còn lại của bản nhạc này một cách khá xuất sắc. Giữ bản nhạc này một thời gian, Đuy-xmay-ê dặn vợ Mô-da rằng, nếu thấy người đàn ông nào đến đòi bản cầu hồn, hãy chỉ ông ta tới gặp Đuy-xmay-ê. Chờ đợi mãi, nhưng con người bí ẩn đó đã không xuất hiện, có thể ông ta sợ câu chuyện bị vỡ lở, hoặc có thể ông ta đã chết trước Mô-da. Cuối cùng, Đuy-xmay-ê đưa trả bản nhạc cho vợ Mô-da là Công-xtăng, và kể lại tất cả. Về sau, bản nhạc được gửi tới nhà in và vẫn giữ tên tác giả là Mô-da. Câu chuyện từ đó lan rộng ra và người ta thường đặt câu hỏi. Trong cuộc đời mình, Mô-da đã bán bản nhạc nào chưa, hay Khúc cầu hồnlà bản duy nhất Mô-da định bán và chưa thực hiện được. Dù sao, bản  Khúc cầu hồn vẫn là sáng tác cuối cùng của nhạc sĩ vĩ đại, và nó xứng đáng là một kiệt tác trong nền âm nhạc thế giới.
Đến những phút cuối trong đời, Mô-da vẫn khăng khăng từ chối không để thầy tu đến rửa tội. Trái lại ông chỉ ao ước: “Trời ơi! Giá có ai kịp đánh cho tôi được nghe một đoạn nhạc trong vở Cây sáo thần của tôi, thì hay quá! “
Nhạc trưởng Rô-xne là bạn của Mô-da, đêm ấy, mới ở buổi biểu diễn vở nhạc kịch Cây sáo thần, từ nhà hát trở về, rẽ vào thăm Mô-da và kể cho ông nghe kết quả của đêm biểu diễn. Mô-da nhắc lại đề nghị và Rô-xne ngồi ngay xuống chiếc piano, đánh cho ông nghe bản tình ca của chàng Pa-pa-ghê-nô, chàng nông dân hiền lành và vui tính. Tiếng đàn vang lên, những âm thanh ríu rít, vui vẻ như nhảy nhót trong thinh không, và Mô-da hài lòng thiếp đi trong nụ cười. Đêm ấy, ông mê sảng trong cơn sốt cao và không tỉnh lại được nữa. Lúc mười hai giờ đêm, khi tiếng chuông nhà thờ Xanh Ê-chiên vẳng lại, ông bừng tỉnh, mở mắt, nhưng cái nhìn đã trở nên trống rỗng, như nhìn vào cõi hư vô. Ông  nhắm mắt lại như ngủ, yên lặng, không kêu rên một lời, và lặng lẽ trút hơi thở cuối cùng vào  rạng sáng ngày 5/12/1791.
Cái chết của Mô-da là một tổn thất nặng nề với nền âm nhạc của nước Áo và với thành Viên, nhạc sĩ vĩ đại này qua đời khi đang trong giai đoạn sung sức nhất của sự nghiệp sáng tác âm nhạc. Tuy nhiên, do không cộng tác và có những bất đồng với giáo hội lúc còn sống, vị tổng giám mục nhất định không cho phép chôn thi hài của Mô-da ở nghĩa trang chính trong thành phố. Gia đình buộc phải an táng thi hài của ông ở nghĩa trang Xanh Mac, một nghĩa trang dành cho người nghèo, nôi chôn cất những kẻ lang thang, cơ nhỡ. Đó lại là một sự bất công nữa dành cho Mô-da, sau bao nhiêu điều tốt đẹp ông đã để lại cho cuộc sống.
Buổi chiều ngày 6/12, mây đen và giá lạnh bao phủ khắp bầu trời, không khí u tối và ảm đạm lạ lùng. Vì rất yếu, nên vợ Mô-da không thể đi đưa tang chồng. Bà phải nhờ những người bạn và học trò của Mô-da lo liệu giúp. Lúc đầu, khi đám tang rời khỏi ngôi nhà của Mô-da, chầm chậm đi trên các đường phố, có  rất đông người đi theo linh cữu, họ muốn được tiễn biệt người nhạc sĩ tài năng nhất của thành Viên,  con người mà họ mến mộ, yêu quí. Nhưng thời tiết hôm đó quá khắc nghiệt, trước khi cỗ xe bắt đầu chuyển bánh, bão tuyết đã nổi lên. Vì thế, cỗ xe tang do ngựa kéo, càng tiến về phía ngoại ô, số người đi theo ngày càng thưa dần. Khi chiếc xe vượt qua chiếc cầu, ranh giới giữa nội thành và ngoại thành, Đuy-xmay-ê  và những học trò khác của Mô-da quay đầu nhìn lại, họ thấy số người đi theo chỉ còn rất ít. Sang tới ngoại ô, cỗ xe phải tiếp tục lăn bánh trên con đường lầy lội, gập ghềnh, hai bên đường chỉ có những cánh đồng hoang, hiu quạnh. Giông bão ở đây còn dữ dội hơn nhiều so với trong thành phố, tuyết bay mù mịt khắp nơi, đến nỗi chỉ đứng cách nhau vài mét đã không nhìn rõ mặt. Chỉ còn một đoạn đường ngắn nữa là vào tới nghĩa trang, bỗng nhiên chiếc xe sa xuống vũng lầy, không thể đi tiếp được nữa. Người thì đẩy, người thì kéo, người thì thúc ngựa, nhưng đường quá trơn nên cỗ xe chẳng hề nhúc nhích. Có ai đó chợt nghĩ ra, đề nghị mọi người tạm tìm chỗ trú mưa, đợi mưa gió ngớt đi, sẽ mang thi hài của Mô-da vào trong nghĩa trang chôn cất.
Tất cả nhanh chóng tản ra tìm chỗ trú mưa, để lại cỗ xe nằm giữa đường, nhưng quanh đó chẳng có chỗ nào có thể dừng chân được.  Trời bắt đầu sâm sẩm tối, tiếng gió rít và tiếng tru của những con chó hoang vẳng lại nghe ghê rợn, ngay cả những cái cây mà mọi người chạy đến để trú chân cũng bị vặn vẹo, nghiêng ngả. Không thể tiếp tục đứng như thế được nữa, họ bảo nhau chuyển thi hài Mô-da vào trong nghĩa trang chôn cất, để có thể sớm quay về thành phố. Mọi người cất tiếng gọi nhau và cùng chạy lại cỗ xe ngựa. Đến nơi, họ vô cùng ngạc nhiên vì không hiểu bằng cách nào, cỗ xe đã vượt qua vũng lầy và để tới cổng nghĩa trang, nhưng trên xe ngựa, thi hài của Mô-da không còn nữa. Chỉ thấy đôi ngựa đang dậm chân, vùng vẫy, có vẻ rất bồn chồn, sợ sệt. Những người phu đào huyệt hỏi nhau, xem ai mang quan tài vào nghĩa trang hay chưa. Nhưng tất cả cùng quả quyết, không ai làm việc đó, vả lại trong lúc mưa bão dữ dội như thế thì chẳng ai có thể làm nổi. Hai người học trò của Mô-da chạy vào trong nghĩa trang để tìm kiếm, sau ít phút họ quay ra và nói, không phát hiện ra điều gì trong đó.
Cuối cùng thì mọi người cũng chẳng muốn ở lại, để tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra. Họ giục nhau mau chóng quay trở về, giống như  tháo chạy khỏi nơi mưa gió, quạnh hiu và bí ẩn này. Những ngày tiếp theo, bão tuyết và giông tố liên miên, chẳng ai lai vãng đến nghĩa địa nữa. ít lâu sau, vài học trò thân tín của Mô-da cùng vợ ông có quay lại nghĩa trang để tìm hiểu thêm, họ có hỏi những người phu đào huyệt, những tất cả đều lắc đầu, không thể giải thích được điều gì đã xảy ra.
Từ đó đến nay, đã có bao nhiêu cuộc tìm kiếm ngôi mộ của Mô-da, nhưng không đạt được kết quả. Thi hài của Mô-da có thể đã được trả về với đất, hoà lẫn với cát bụi, hoàn toàn vô danh, vô tăm tích, giống như bao nhiêu người chết nằm trong nghĩa địa này.
Sau này, khi tên tuổi Mô-da ngày càng trở nên nổi tiếng, tại nghĩa trang Xanh Mac, người ta đã xây dựng một ngôi mộ rất đẹp để tỏ lòng biết ơn nhạc sĩ tài năng này. Ngày ngày, những người từ khắp nơi trên thế giới đến đây, họ đặt lên mộ ông những bó hoa tươi thắm và cùng im lặng, như muốn để nghe thấy những điệu nhạc tuyệt vời của ông. Tuy nhiên, trong ngôi mộ trang trọng đó không có thi hài của Mô-da. Ngôi mộ đặc biệt đó cũng giống như bao nhiêu điều đặc biệt khác trong cuộc đời Mô-da, mãi nhắc nhở chúng ta không quên được một  tài năng âm nhạc kiệt xuất trong lịch sử nhân loại.
Requiem 'Mozart'

                                  Sô-panh


Thời niên thiếu của Sô-panh
Frê-đê-rích Sô-panh- nhạc sĩ thiên tài người Ba lan- sinh ngày 22.8.1810 ở ngoại ô thành phố Vác-sa-va và mất ngày 17.10.1849 tại Paris, nước Pháp. Cuộc đời Sô-panh tuy ngắn ngủi nhưng luôn tràn đầy những ước mơ và hoài bão nồng nhiệt.
Cha Sô-panh- giáo sư Ni-cô-la Sô-panh và người mẹ của cậu đều chơi đàn piano rất tốt. Ông Ni-cô-la Sô-panh sinh ra tại vùng Lo-ren ở nước Pháp nhưng đã sống nhiều năm tại Ba-lan. Trong tám năm làm gia sư dạy tiếng Pháp cho gia đình bá tước Xkác-bếch, ông cưới cô Guýt-xtin Ksy-da-nốp-xka, người chị em họ của gia đình này. Gia đình ông Ni-cô-la có bốn người con, Frê-đê-rích Sô-panh có hai người chị là Lu-i-dơ và I-da-ben và em gái- cô bé Ê-mi-ly.
Sô-panh bộc lộ tài năng âm nhạc từ lúc còn nhỏ, lên ba tuổi đã nhớ và đàn được những bản nhạc mà người mẹ thường chơi. Tám tuổi, Sô-panh có khả năng biểu diễn xuất sắc trước công chúng và sáng tác những bản nhạc nổi tiếng. Từ đó cậu được coi là thần đồng âm nhạc.
Bắt đầu học piano từ lúc ba tuổi, lên sáu, gia đình mời thày giỏi nhất đến dạy đàn cho Sô-panh. Đó là ông Dip-ny, khi ấy đã gần sáu mươi tuổi. Chỉ sau vài năm học tập, 12 tuổi, Sô-panh đã chơi đàn vượt tài thày. Ông Dip-ny, rất có thiện chí, đã xác nhận cậu học trò thiên tài không còn gì phải học trong những bài dạy của ông nữa. Ông nói “Muốn theo dõi những năng khiếu kỳ lạ của Sô-panh hơn là uốn nắn chúng”. Ông còn khuyên bố mẹ Sô-panh “Hãy để mặc cậu bé cho tài năng tự nhiên được nảy nở”.
Lúc còn nhỏ, cậu bé Sô-panh rất buồn vì bàn tay trẻ con của mình không thể bấm được một quãng tám trên đàn piano, cậu bèn nghĩ ra một mẹo. Sô-panh cố làm rộng mu bàn tay bằng cách đặt giữa kẽ ngón tay những cái nêm. Trước khi đi ngủ, cậu bí mật băng chặt bàn tay và cả những cái nêm lại, ước rằng ngày mai có thể bấm tới mười phím. Nhà soạn nhạc tí hon cần đến một quãng mười cho bản nhạc mà cậu đang soạn.
Sống trong ngôi nhà rộng rãi nên gia đình Sô-panh cho một số học sinh ở trọ. Bọn trẻ đến từ các vùng lân cận và theo học ở thủ đô Vác-sa-va. Các buổi tối, Sô-panh hay cùng mẹ chơi đàn cho bọn trẻ này thưởng thức. Nhiều buổi cậu đàn các bản dân vũ để chúng nhảy múa, lần khác, cậu lại kể những câu chuyện tự sáng tác rồi ngồi xuống đàn piano, dùng âm nhạc diễn tả nội dung câu chuyện.
Một hôm, bọn trẻ nô đùa, nghịch ngợm, làm xáo động căn nhà vốn yên tĩnh. Muốn bọn trẻ lặng yên, Sô-panh kể cho chúng nghe câu chuyện về một bọn cướp hung ác. Chọn một ngôi làng yên bình, chúng tấn công và cướp phá rất tàn bạo. Những thanh niên trong làng dũng cảm chiến đấu chống lại, bọn cướp thua và phải tháo chạy. Chúng chỉ còn con đường duy nhất là trốn vào một hang sâu dưới chân núi. Trong hang tối tăm, lạnh lẽo, đó đây ẩn hiện những hình thù kỳ dị. Bọn cướp vừa đói vừa mệt, lăn ra đất rồi nhanh chóng ngủ thiếp đi. Đến cao trào câu chuyện, Sô-panh ngồi vào đàn và miêu tả khung cảnh dưới hang sâu bằng những âm thanh run rẩy. Thính giả như thấy tiếng thầm thì của khu rừng đại ngàn, làn gió rì rào xao động thổi ngoài cửa hang, tiếng kêu rả rích của côn trùng và tiếng ngáy đều đều của bọn cướp. Cuối cùng thì không chỉ bọn cướp mà những người nghe chuyện cũng bị tiếng đàn ru ngủ lúc nào không hay. Đến đây, Sô-panh rón rén ra khỏi phòng tìm bố mẹ rồi chỉ cho họ thấy cảnh tượng khác thường ấy. Cậu trở lại bên cây đàn và bấm mạnh hai tay xuống hàng phím. Âm thanh vang lên chói tai, đám thính giả giật mình tỉnh giấc. Trước những khuôn mặt còn ngơ ngác, Sô-panh nhẹ nhàng kể tiếp, cậu nói đó là tiếng sét đánh xuống cây cổ thụ, làm nó gẫy gục, lấp kín cửa hang. Rồi trận mưa dữ dội đổ xuống, nước ngập đầy hang, bọn cướp không còn đường ra nên bị chết đuối hết.
Về sau, câu chuyện này và cách kể độc đáo của Sô-panh đã in sâu vào trí nhớ của nhiều người từng sống trong ngôi nhà đó.
     Năm 1824, khi Sô-panh vào trường Trung học, bố mẹ đã giao cậu bé cho ông giám đốc nhạc viện thành phố Vác-sa-va tên là Giô-dép En-xne để ông này dạy hoà âm và phức điệu cho cậu thiếu niên. Trong con mắt tinh tường của En-xne, ông đã nhận ra một khả năng âm nhạc kỳ lạ của cậu bé. Những bài tập hoà âm và phức điệu của Sô-panh luôn thể hiện sự sáng tạo đặc biệt so với học sinh khác, cậu không làm bài theo cách thông thường như mọi người. En-xne có lần nói với Sô-panh: “ Có hai loại người không chịu tuân theo luật lệ. Loại thứ nhất là không biết gì luật lệ, còn loại thứ hai lại nắm quá vững về nó. Em thuộc loại thứ hai này”. En-xne nói với những người e ngại việc không gò Sô-panh đi vào khuôn khổ: “Hãy để cho cậu bé mảnh đất tự do. Cậu ta đi theo con đường kỳ lạ bởi vì thiên tư của cậu ta cũng kỳ lạ”. Trong báo cáo hàng năm ở nhạc viện, sau tên Sô-panh, ông giám đốc nhạc viện đã viết những dòng chữ: “Khả năng làm mọi người kinh ngạc, thiên tài âm nhạc”.
    Những sự kiện chính trị đã làm hai năm học cuối tại trường Trung học của Sô-panh trôi trong buồn bã. Đất nước Ba-lan ngày đó còn nằm dưới sự cai trị của Sa Hoàng- Hoàng đế Nga. Sa hoàng ra lệnh đàn áp mọi cuộc biểu tình của nhân dân Ba-lan. Khi mới 15 tuổi, Sô-panh đã nhiệt tình tham gia các cuộc biểu tình phản đối sự chiếm đóng hà khắc này. Nhiều năm sau, khi phải rời xa quê hương Sô-panh không bao giờ nguôi ngoai trong lòng nỗi nhớ da diết về Tổ quốc Ba-lan yêu dấu.
Sô-panh- nghệ sĩ piano vĩ đại
    Tháng 9 năm 1826, khi vào học tại nhạc viện Vác-sa-va, Sô-panh đã có ba tác phẩm âm nhạc được in là bản Pô-lô-ne giọng La thứ, bản hành khúc quân đội và bản Rông-đô. Đó là những tác phẩm có giá trị, chúng nhanh chóng nhận được sự tán thưởng của những người yêu nhạc và đưa Sô-panh trở thành niềm hy vọng của nền âm nhạc Ba-lan.
     Trong thời gian ấy, để hoàn chỉnh việc học tập, Sô-panh thường chơi tác phẩm của các nhạc sĩ thời trước và xem chương trình biểu diễn của các nhạc sĩ nước ngoài. Một lần khi được xem “Nhà phù thuỷ của cây đàn violon” người Italia tên là Pa-ga-ni-ni trình diễn, khả năng đặc biệt của Pa-ga-ni-ni đã làm Sô-panh kinh ngạc. Kỹ thuật biểu diễn tuyệt mĩ của nghệ sĩ đã thôi thúc anh phải mau chóng khổ luyện để đạt tới sự hoàn thiện trong cách chơi của mình, không với mục đích làm người nghe ngạc nhiên mà để có khả năng thể hiện tình cảm của mình được trọn vẹn nhất. Sô-panh bắt tay vào viết một số bài luyện tập cho đàn piano, nhưng khác với nhiều nhạc sĩ, bài tập của Sô-panh rất giàu tính nghệ thuật. Ngày nay, người chơi những bài tập của Sô-panh không chỉ để chơi cho đúng mà phải chơi thành một tác phẩm âm nhạc hoàn hảo.
Năm 1828, trong một chuyến đi từ Béc-lin (Đức) sang nước Pháp, cỗ xe chở Sô-panh phải dừng lại ở gần trạm bưu điện Da-lin để thay ngựa. Cũng như những hành khách khác, Sô-panh đi vào phòng chờ để nghỉ ngơi. Hầu hết mọi người trong căn phòng đều có vẻ mệt nhọc trong chuyến đi dài. Họ đứng ngồi lộn xộn. Căn phòng đầy những âm thanh hỗn độn. Chợt thấy ở góc phòng có một cây đàn piano, Sô-panh tò mò tiến lại gần để thử xem. Chiếc đàn tuy đã cũ nhưng vẫn còn dùng được.
 Quên cả mệt nhọc và quên rằng mình đang ở đâu, Sô-panh dạo tay trên phím đàn những bản nhạc mà ông tự sáng tác. Tiếng đàn vang lên nhẹ nhàng trong khung cảnh hỗn độn và náo nhiệt. Trong giây lát, căn phòng chợt tĩnh lặng, dường như có một luồng khí mát vừa tràn tới. Mọi người nhanh chóng bị tiếng đàn mê hoặc, họ quên mệt nhọc, quên ăn uống và nghỉ ngơi để vây quanh cây đàn. Một thoáng, Sô-panh định dừng tay, nhưng thấy mọi người chăm chú lắng nghe, ông lại tiếp tục chơi những bản nhạc khác. Vừa dừng tay, giữa những tiếng kêu ngạc nhiên đầy thán phục, một người đàn ông có tuổi tiến lại gần Sô-panh và nói: “Thưa ngài, tôi là nhạc sĩ sống ở vùng này, tôi hiểu công việc của mình. Nếu Mô-da nghe ngài chơi đàn, ông ta sẽ bắt tay ngài, còn tôi, tôi không dám...”.
Vừa lúc đó, người phu trạm bước vào, thông báo rằng ngựa đã thay xong, mời mọi người ra xe tiếp tục chuyến đi. Tất cả đều luyến tiếc, dường như họ vừa trải qua một giấc mơ đẹp và không muốn giấc mơ đó sớm kết thúc. Ông trưởng trạm bưu điện tha thiết mời Sô-panh ở lại tiếp tục chơi đàn, sau đó bưu điện sẽ cấp riêng cho ông một cỗ xe khác. Sô-panh lễ phép từ chối và muốn tiếp tục cuộc hành trình cùng mọi người. Kính trọng vì tài năng âm nhạc và sự khiêm nhường đó, mọi người đã không dấu được cảm xúc của mình. Nhiều người đàn ông đến xin bắt tay ông, một số khác tìm cách chạm vào người ông và cuối cùng họ tung Sô-panh lên để hoan hô.
    Sau khi rời quê hương tới nước Pháp, tại đây Sô-panh đã tìm đến một số nghệ sĩ chơi piano nổi tiếng để được học tập và trau dồi kiến thức. Một nghệ sĩ chơi piano bậc thầy lúc bấy giờ tên là Kác-bren-ne, khi chưa được chứng kiến tài năng của Sô-panh, đã tự tin tuyên bố: “Có thể tôi sẽ dành ba năm để giúp chàng thanh niên Ba-lan này hoàn thiện về kỹ thuật chơi đàn”. Khi đó Kác-bren-ne hơn Sô-panh đến 25 tuổi, nhưng khi được nghe tiếng đàn của Sô-panh trong một buổi hoà nhạc lớn, ông ta đã kêu lên trong niềm phấn khích với sự khiêm tốn rất đẹp: “Một người khổng lồ! Anh ta đã dẹp tất cả mọi người và cả tôi!”.
    Có thể nói rằng, về nghệ thuật chơi đàn piano, chỉ có một người có thể sánh được với Sô-panh, đó là Frăng List, nhạc sĩ người Hung-ga-ri và họ cũng là bạn tốt của nhau. Tuy nhiên, cách chơi đàn của hai nghệ sĩ lại khác nhau rất nhiều. List thể hiện sự nhiệt tình, hăng hái của người Hung-ga-ri, ông thường chơi đàn với cảm hứng nẩy lửa, những đoạn nhạc cao trào, ngón tay của List làm bật lên những tiếng sét nổ trên phím đàn. Trong phòng hoà nhạc lớn, nhạc của ông làm cho tất cả đám đông rung lên. Trái lại lối chơi của Sô-panh lại mềm mại, tế nhị hơn diễn tả sự sâu sắc về nội tâm của một người rất giàu tình cảm.
Nhạc sĩ nổi tiếng người Đức là Men-đen-sơn vào năm 1834 đã tuyên bố, Sô-panh là người đứng đầu các nhà chơi dương cầm. Nhà văn nổi tiếng người Pháp là Ban-dắc nói: “Người ta chỉ đánh giá được List khi đã nghe Sô-panh chơi đàn, đó đều là những bậc thầy, List chơi đàn như ma quỷ, còn Sô-panh chơi đàn như thiên thần...”
Có người đã nhận xét về tài năng chơi đàn của ông: “Cách đánh đàn của ông đẹp đến nỗi, ông chỉ chơi một hợp âm thôi đã đủ sức làm mê hoặc khán giả”.
Sô-panh- nhà sáng tác âm nhạc thiên tài
     Sô-panh chủ yếu sáng tác âm nhạc cho đàn piano ở các thể loại nhỏ như Ma-duốc-ca, Pô-lô-ne, Van-xơ, Sô-nát, Dạ khúc (Notude), Khúc mở đầu (Uvectuya), Bài tập luyện ngón (Etude)... Ông không viết những tác phẩm mang hình thức lớn như giao hưởng, nhạc kịch...Âm nhạc của Sô-panh được sáng tác rất công phu, mang đậm tính cách dân tộc Ba-lan, nảy sinh từ một thiên tài kiệt xuất và đem đến cho thính giả lòng tin tưởng mạnh mẽ vào sự lớn lao của con người.
  Số lượng tác phẩm âm nhạc của Sô-panh theo những thống kê chưa đầy đủ, bao gồm 10 bản Pô-lô-ne, bản đầu tiên viết khi lên tám tuổi, 4 bản Sô-nát, 2 Công-xéc-tô, 1 tam tấu, 4 Xkéc-dô, 4 Rông-đô, 19 Dạ khúc, 25 Bài tập (Etude), 15 bản Van-xơ, 1 Ta-răng-ten, 24 khúc mở đầu (U-véc-tuya), 3 hành khúc, 4 thơ ứng khẩu, 4 Ba-lát, 1 Phăng-tê-di, 51 Ma-duốc-ca, một khúc ru, một Bác-ca-rôn, 1 Bô-lê-rô, 1 hành khúc tang lễ, 3 Ê-cốt-xơ và nhiều ca khúc phổ thơ...
  Những nhạc sĩ thời trước mà Sô-panh rất yêu thích là Mô-da và Bach, ông đánh giá những chủ đề âm nhạc của họ được hình thành và phát triển từ những xúc cảm nhạy bén, đôi khi từ một tiếng chim vẫy cánh, một hơi gió thổi, một nét vẽ thuần tuý. Đã nhiều lần, ông khẳng định và thán phục tài năng của họ.
   Theo Sô-panh, một tác phẩm âm nhạc phải có vài trò khác với một bức tượng, một bức tranh hay một bài thơ, bởi ở chúng tình cảm được diễn tả một cách trực tiếp. Âm nhạc chỉ nên dùng để gợi nên, nhắc lại, đánh thức những tình cảm khi lời nói không thể diễn tả được nữa.
Năm 1831, nhạc sĩ người đức là Rô-be Su-man là người nước ngoài đầu tiên nhận thấy tài năng sáng tác âm nhạc của Sô-panh, Su-man không chỉ là một nhà soạn nhạc lớn mà còn là một nhà phê bình âm nhạc tài năng. Qua những tác phẩm âm nhạc của Sô-panh được in và gửi tới Lai-xích, Su-man đã đăng những bài giới thiệu về nhạc sĩ này rất chân thực trên tạp chí âm nhạc mà ông phụ trách. Đến khi được biết Sô-panh hoàn thành biến tấu trên giai điệu vở nhạc kịch Đông-Gioăng của Mô-da, Su-man đã viết trong tạp chí âm nhạc: “Thưa các ngài, hãy hạ mũ xuống: Một thiên tài!”
    Tác phẩm của Sô-panh không có vẻ trống rỗng và hoa mĩ rườm rà. Nó chứa đựng tất cả những cảm xúc chân thực của ông trong cuộc sống, niềm vui và nỗi đau, sự êm ái và dữ dội, tế nhị và cay đắng, tình yêu và lòng căm ghét. Sô-panh là một nhà soạn nhạc vô song, ngay thẳng và tinh tế. Chỉ có ông mới nhận được từ List- tay đàn piano cự phách bậc nhất thời bấy giờ- lời ca ngợi mà rất ít người xứng đáng được hưởng: “Mỗi nốt nhạc là một vần, mỗi nhịp là một chữ và mỗi câu là một tư tưởng”.
Tình yêu của Sô-panh
   Ba người phụ nữ đã đi qua cuộc đời Sô-panh, để lại dấu ấn trong tinh thần cũng như tác phẩm âm nhạc của ông. Khác nhau bởi hoàn cảnh xã hội, địa vị, tuổi tác, họ không đến với Sô-panh bằng tình yêu say mê, chân thành như ông hằng mong đợi để vượt qua những dày vò của bệnh tật và cay đắng của cuộc đời. Hai người đầu tiên, là những cô gái trẻ, họ không hiểu được tâm hồn thanh cao và tài năng đặc biệt của ông. Người phụ nữ thứ ba, có tài năng và nhiều kinh nghiệm, đã che chở và giữ gìn ông bên cạnh như một thần tượng quí giá hơn là một người yêu thực sự. Sô-panh là một người độc thân và không gặp may mắn trong tình yêu.
Ngoại hình của Sô-panh, được người bạn của ông, nhạc sĩ Phrăng List miêu tả như sau: “Toàn bộ con người anh rất hài hoà, ánh mắt thông minh hơn là mơ màng, nụ cười hiền lành và tinh khiết không bao giờ trở nên cay đắng. Sô-panh có nước da trắng mịn, làn tóc màu hung, mũi hơi khoằm, dáng người cao dong dỏng, nhã nhặn như một quí tộc”.
Năm 17 tuổi, với những rung động đầu đời, Sô-panh say mê một nữ sinh nhạc viện Vác-sa-va, tên là Công-xtăng-xơ Glát-cốp-xka. Cô gái này học khoa thanh nhạc và có giọng hát rất hay. Đây là mối tình đầu trong sáng và tươi trẻ, hồn nhiên. Sô-panh sáng tác một số bản nhạc tặng cô gái, đó là một bản Công-xéc-tô và một bài Van-xơ. Mối tình này đã kéo dài không lâu, khi Sô-panh buộc phải rời khỏi đất nước, ông không còn liên lạc được với Glát-cốp-xka nữa, ít lâu sau Sô-panh rất đau lòng khi nhận được tin cô đã lấy chồng, một người thuộc tầng lớp quí tộc nông thôn Ba-lan.
   Năm 1835, nhận được lời mời từ một gia đình họ hàng xa, Sô-panh đã tới Đrét-xđơ. Tại đây, ông gặp lại người chị họ đã quen biết từ thuở còn nhỏ tên là Ma-ri, giờ đây là một cô gái đáng yêu, thông minh và am hiểu âm nhạc. Cùng nhau trải qua những kỷ niệm sâu sắc thời thơ ấu, giữa Sô-panh và Ma-ri nhanh chóng hình thành một mối tình đằm thắm và tế nhị, người mẹ của Ma-ri cũng ủng hộ tình yêu của họ. Với những cảm xúc ngọt ngào của mối tình này, khi chia tay nhau, Sô-panh đã tặng Ma-ri một bản nhạc Van-xơ từ biệt, đó là một trong những kiệt tác bất hủ của ông. 
    Tuy nhiên cha và chú của Ma-ri lại không tán thành việc kết hôn giữa cô gái và Sô-panh. Là những người mang nặng thành kiến về tước hiệu và của cải, họ cho rằng đây là một cuộc hôn nhân không cân xứng. Một năm sau đó, Sô-panh và Ma-ri tìm cách gặp nhau, tình cảm giữa họ vẫn sâu nặng, thậm chí hai người đã bí mật đính hôn nhưng bất lực bởi những khó khăn và cách trở, Ma-ri yếu đuối đành buông xuôi tình cảm của mình. Sô-panh rất đau lòng vì mối tình tan vỡ và người yêu nhanh chóng lãng quên, ông gói bông hồng Ma-ri đã tặng vào trong một bản nhạc, đóng xi lại và viết bên ngoài “Những nỗi đau của tôi”. Gói hoa hồng này, người ta còn thấy nguyên vẹn sau khi Sô-panh qua đời.
    Người phụ nữ có ảnh hưởng nhiều nhất trong cuộc đời và sáng tác âm nhạc của Sô-panh là nữ văn sĩ người Pháp: Gióoc-giơ Xăng (George Sand). Sô-panh gặp và yêu bà từ năm 1838, khi ông 28 tuổi. Gióoc-giơ Xăng hơn Sô-panh sáu tuổi (1804-1876), là một trong số ít phụ nữ Pháp viết tiểu thuyết thành công. Cuộc đời của Gióoc-giơ Xăng cũng có nhiều điểm đáng nói. Gióoc-giơ Xăng là con hoang của một người có dòng dõi hoàng tộc, là cháu vua Ba-lan. Năm 18 tuổi, Gióoc-giơ Xăng kết hôn cùng nam tước Đuy-đơ-văng (Casimir Dudevant). Tám năm sau, bà bỏ đi Paris với nhà văn Xăng-đô, bắt đầu cuộc đời viết văn, sống phóng túng. Gióoc-giơ Xăng nổi tiếng khắp thành Paris thời bấy giờ vì tài viết văn cũng như được nhiều nghệ sĩ nổi tiếng theo đuổi, đó là nhà thơ Muýt-xê (Alfred de Musset), nhà văn Xăng-đô (Jules Sandeau), nhạc sĩ Sô-panh... Nhà của Gióoc-giơ Xăng là nơi lui tới của rất nhiều nhân vật nổi tiếng thời bấy giờ. Sô-panh  sống trong lâu đài của nữ văn sĩ này và yêu bà trong thời gian từ năm 1838 đến năm 1846. Khi đó hai đứa con riêng của Gióoc-giơ Xăng còn nhỏ. Độ lượng và hết lòng, bà chú ý đến nghệ sĩ trẻ thiên tài mà bệnh tật đã bắt đầu tàn phá. Bà nhận Sô-panh vào cuộc đời mình và với tình thương trước hết như một người mẹ, nữ văn sĩ này coi Sô-panh như người con thứ ba của mình. Tám năm Sô-panh sống cạnh bà, trong lâu đài nhỏ Nô-hăng gần Paris, Sô-panh viết nên nhiều tuyệt tác âm nhạc. Nhưng cuối cùng thì hai người cũng chia tay. Trong cuốn Câu chuyện đời tôi, Gióoc-giơ Xăng đã kể lại các sự kiện dẫn đến việc hai người phải đau khổ xa nhau. Bà cho rằng có những nguyên nhân dẫn đến sự chia tay. Thứ nhất, Sô-panh đã không thể sống hoà hợp với hai người con riêng của bà. Thứ hai, tình yêu Sô-panh dành cho Gióoc-giơ Xăng chỉ được xếp sau những tình cảm ông dành cho Tổ quốc Ba-lan và đặc biệt là người mẹ yêu dấu của ông.
     Đã bị tàn phá bởi bệnh tật, lại chịu nỗi đau vì mất tình yêu của Gióoc-giơ Xăng. Một người bạn của ông, nghệ sĩ chơi đàn Xen-lô là Phrăng-om kể lại, trong ngày cuối đời, Sô-panh đã lẩm bẩm: “Thế mà bà ấy nói với tôi rằng tôi chỉ chết trong tay bà”. Sô-panh là con người như vậy, không quên và luôn trung thành trong tình yêu của mình.
Cuộc sống của Sô-panh
Vào năm 1830, cha mẹ của Sô-panh đã bí mật được tin tại Vác-sa-va sắp nổ ra cuộc khởi nghĩa của nhân dân Ba-lan chống lại sự chiếm đóng của Sa hoàng. Họ liền thu xếp để đưa Sô-panh rời khỏi Tổ quốc, tránh ảnh hưởng tới cuộc sống của con trai mình- một thiên tài âm nhạc. Nếu ở lại, chắc chắn Sô-panh sẽ tham gia cuộc chiến và tương lai của anh sẽ không thể định trước được.
Sau cái chết của cô em út Ê-mi-ly khi mới 14 tuổi, Sô-panh rất đau lòng. Ông rời xa Tổ quốc Ba-lan vào ngày 2.9.1830 với linh cảm sẽ không được quay trở lại. Ông mang theo một nắm đất của quê hương và chẳng bao giờ rời xa nó. Chuyến đi bằng xe trạm bưu điện đã đưa Sô-panh qua nhiều nước châu Âu như  Séc, áo, Đức. Khi tới thành Viên, Sô-panh được tin tại Ba-lan đã nổ ra cuộc khởi nghĩa nhân dân. Đắm chìm trong lo lắng, không nhận được tin tức của bạn bè và gia đình, Sô-panh rất đau khổ. Ông định dừng chân ở Đức nhưng đất nước này từ chối cấp thị thực cho ông. Từ đây, ông đi tiếp sang Pháp và sống ở đó tới khi chết. Suốt cuộc đời ngắn ngủi- ông chết năm 39 tuổi- mang trong người từ tuổi 25 một căn bệnh đau ngực vì chứng viêm phổi đã làm ông từ giã cõi đời.
    Khi mới tới Paris, cuộc sống của Sô-panh có nhiều khó khăn, người nghệ sĩ trẻ quyết định tự kiếm sống bằng cách dạy đàn piano. Phải rất cực nhọc, ông mới kiếm đủ ăn qua ngày, vì thế có nhiều lúc ông nghĩ cách đến châu Mỹ, để thử cầu may như một người chơi dương cầm kỳ tài ở lục địa mới.
Sau sự tiếp xúc và giới thiệu của bạn bè, Sô-panh đến chơi đàn tại nhà triệu phú Rốt-sin. Buổi trình diễn tối hôm đó, bằng lối chơi đặc biệt của mình, Sô-panh đã làm mê ly thính giả và từ đó đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời của ông. Rất nhiều người tìm cách làm quen với Sô-panh, họ mời ông đến chơi đàn tại nhà hay ông đến dạy đàn cho họ. Nhờ thế, điều kiện sống của ông được cải thiện. Trong hai buổi hoà nhạc tiếp theo, Sô-panh thành công đến nỗi nhà vua Lu-i Phi-líp đã mời ông đến chơi tại cung điện Xanh Cơ-lu và tặng ông nhiều tặng phẩm quí giá. Những nhạc sĩ tên tuổi thời kỳ đó tại Paris như Men-đen-sơn, Ben-li-ni và Béc-li-ô cũng phải cúi chào trước vẻ đẹp trong lối chơi của ông và trở thành những người bạn khâm phục tài năng của ông. Từ đây, cuộc đời Frê-đê-rích Sô-panh mở ra một thời kỳ đầy thắng lợi vẻ vang.
Sau những thành công tốt đẹp đó là những ngày làm việc quá sức. Sức khoẻ của Sô-panh dần dần giảm sút. Những buổi hoà nhạc, nhiều dạ hội kéo dài rất khuya, những bài dạy âm nhạc hàng ngày không tiếc sức, bắt đầu huỷ hoại sức khoẻ vốn đã tồi tệ của ông. Bệnh viêm phổi không có cách chữa triệt để đã gặm nhấm hết sức khoẻ của Sô-panh.
Lúc hấp hối, Sô-panh gọi tên người mẹ yêu dấu, nhưng vô ích. Tuy nhiên bà đã hiện ra như một ảo ảnh cuối cùng, một niềm tin cuối cùng của Sô-panh. Trái tim Sô-panh ngừng đập vào ngày 17.10.1849. Theo ý nguyện của mình, Sô-panh muốn tro tàn của trái tim ông sẽ được gắn vào cây thánh giá tại nhà thờ lớn của Vác-sa-va. Nhưng sau khi ông mất, theo nguyện vọng của những người thân, trái tim ông được giữ lại. Nhiều năm sau, trái tim của Sô-panh được đưa về Ba-lan cùng với nắm đất quê hương ông mang theo từ thời trai trẻ. Sô-panh yên nghỉ tại nghĩa trang Pe-rơ La-se-dơ ở Paris.
     Nhà thơ người Đức là Hen-ríc Hai-nơ đã nói về ông: “Ảnh hưởng của ba dân tộc đã hợp thành nơi ông một con người đáng trân trọng. Nước Ba-lan đã cho ông tình cảm nghĩa hiệp và nỗi đau đớn lịch sử. Nước Pháp, sự thanh lịch dễ gần và duyên dáng, nước Đức, sự sâu sắc mơ màng. Thiên nhiên đã cho ông một khuông mặt thon, đỏm dáng hơi bệnh tật và một trái tim cao quý của thiên tài. Ta phải thừa nhận ở Sô-panh cái thiên tài với tất cả ý nghĩa của từ đó: ông không chỉ là một nhạc sĩ kỳ tài, mà còn là thi sĩ. Ông có thể diễn đạt cho chúng ta biết chất thơ ở trong tâm hồn ông. Đây là một nhạc sĩ, thi sĩ và không có gì so sánh được với sự hoàn mỹ khi ông tuỳ hứng trên dương cầm. Lúc đó, ông không còn là người Ba-lan, Pháp hay Đức nữa. Ông đi ra từ một nguồn gốc sâu xa hơn: từ xứ sở của Mô-da, của Ra-pha-en, của Gớt, tổ quốc thực sự của ông là xứ sở của nghệ thuật âm nhạc và thơ ca”.
 Pa-ga-ni-ni
Ni-cô-lô Pa-ga-ni-ni (1782-1840) là nhà danh cầm và soạn nhạc tài hoa, một trong những người sáng lập dòng âm nhạc lãng mạn ở châu Âu. Ông là bạn cùng thời của Sô-panh, Lixt và nhiều nhạc sĩ tài năng khác.
Từ bé, Pa-ga-ni-ni đã có ngoại hình khá kì dị, cậu bé trông giống như con khỉ bởi có làn da nâu sẫm, tóc dài và quăn, người nhiều lông và tay chân rất dài, khi đứng, bàn tay có thể chạm tới đầu gối. Tuy vậy, cậu bé lại có đôi mắt đen lấp lánh và ẩn chứa trong đó một vẻ đẹp diệu kì.
Gia đình Pa-ga-ni-ni rất nghèo, cậu bé có thân hình gầy guộc vì ăn uống thiếu thốn. Đã thế, người cha lại rất tàn nhẫn, ông thường hành hạ, bắt Pa-ga-ni-ni phải chơi đàn violon ngoài phố để kiếm tiền.
Người dân Italia luôn tự hào rằng, mình có tài năng âm nhạc ngay từ trong bụng mẹ. Họ nổi tiếng về lòng yêu thích, sự am hiểu cây đàn violon. Đất nước này có những nhà sản xuất violon giỏi nhất thế giới như Ni-cô-lô A-ma-ti (1596-1684), Giu-xep-pê Gac-nê-ri (1698-1744) và đặc biệt là An-tô-ni-ô Xtơ-ra-đi-va-ri (1644-1737). Hầu hết những cây đàn của họ sản xuất là những kiệt tác về nghệ thuật chế tạo nhạc cụ, là tài sản quí giá của đất nước Italia.
Khi Pa-ga-ni-ni lên 8 tuổi, ở thành phố Giê-noa là quê hương của cậu, người ta tổ chức một cuộc thi tìm kiếm những tài năng biểu diễn violon dành cho thiếu nhi dưới 15 tuổi. Vì muốn giành được giải thưởng lớn, cha của Ni-cô-lô là ông An-tô-ni-ô Pa-ga-ni-ni đã ép cậu phải tham dự cuộc thi mặc dù cậu còn rất nhỏ tuổi.
Một buổi sáng, trước khi đi làm, ông An-tô-ni-ô gọi con trai đến và đưa cậu bé một bản nhạc rất dài và khó, đó là một trong những tác phẩm bắt buộc của cuộc thi. Ông yêu cầu trong ngày hôm đó cậu phải tập xong phần đầu của bản nhạc. Do rất sợ cha, Pa-ga-ni-ni đã tập bản nhạc suốt cả buổi sáng. Nhưng đối với một cậu bé lên 8 tuổi thì bản nhạc đó thật là quá khó. Dù rất cố gắng, cậu cũng không thể nhớ hết và chơi chính xác được những phần đã tập. Buổi trưa đi làm về, ông An-tô-ni-ô  bắt Pa-ga-ni-ni chơi lại đoạn nhạc đã tập. Thấy con đàn chưa trôi chảy và thành thạo, người cha giận dữ nhốt cậu vào nhà kho và không cho ăn trưa. Cả buổi chiều cậu bé phải tiếp tục tập luyện bản nhạc một cách khổ sở trong nhà kho với cái bụng đói cồn cào. Đến tối, ông bố kiểm tra lại và vẫn chưa hài lòng về phần trình bày của con trai. Không hiểu rằng cậu bé đã nỗ lực hết sức, ông tàn nhẫn rút thắt lưng quật cho cậu một trận tơi bời. Người mẹ rất thương con, đợi đêm xuống khi ông bố ngủ say mới dám mang cho cậu bánh mì và nước uống. Trời lạnh buốt, cả đêm Pa-ga-ni-ni không sao ngủ được. Cậu căm thù cây đàn violon và nghĩ rằng vì nó mà mình bị cha hành hạ khổ sở.
Với cách dạy hà khắc đến tàn nhẫn của người cha, mặc dù không hề yêu thích, Pa-ga-ni-ni đã nhanh chóng luyện tập thành công tác phẩm để dự thi. Ngày thi đã đến, trong khi nhiều đứa trẻ ăn vận sang trọng, đi xe ngựa đến nhà hát tham gia cuộc thi thì cậu bé Pa-ga-ni-ni gầy gò và rách rưới phải đi bộ cùng cha đến nhà hát. Mọi người xôn xao, nhiều người lắc đầu khi thấy Pa-ga-ni-ni bước ra sân khấu. Cậu là đứa trẻ nhỏ bé, gầy gò và xấu xí tham dự cuộc thi. Không ai tin là tiết mục của cậu sẽ thành công. Khi tiếng đàn của Pa-ga-ni-ni vừa cất lên với những dòng âm thanh dữ dội và tuyệt đẹp, những âm thanh vô tận vút lên, chúng lung linh và huyền ảo tưởng như không bao giờ tắt. Cả nhà hát đứng dậy nín thở theo dõi, hàng trăm cặp mắt không rời người nghệ sĩ tí hon cho đến khi bản nhạc kết thúc. Cậu bé đã vượt qua vòng thứ một để có mặt ở vòng hai với 7 thí sinh khác.
Pa-ga-ni-ni là thí sinh ít tuổi nhất lọt vào vòng hai, cậu phải thi với những đứa trẻ 14, 15 tuổi, con các gia đình giàu có, lại được học hành qui củ và được sự chăm sóc của cha mẹ. Với những giọt nước mắt uất hận vì không muốn tiếp tục bị cha hành hạ, Pa-ga-ni-ni đã chơi đàn với bản năng vô song và giành giải nhất cuộc thi tài năng violon của thành Giê-noa khi mới 8 tuổi.
Danh tiếng của Pa-ga-ni-ni sớm nổi lên trong giới âm nhạc thành Giê-noa và những thành phố lân cận. Cùng với cha, cậu thường đi biểu diễn khắp trong vùng để kiếm tiền nuôi gia đình. Nhìn rõ tài năng âm nhạc của Pa-ga-ni-ni, giám đốc nhạc viện thành Pacma là Phec-đi-nan Paec đã nhận hướng dẫn Pa-ga-ni-ni về các kĩ thuật biểu diễn và sáng tác âm nhạc. Sự nghiệp của chàng trai còn chịu ảnh hưởng sâu sắc của các nhạc sĩ Cô-re-li, Vi-van-đi, Pu-nhi-ani, Vi-ôt-ti và Tac-ti-ni. Với tài năng thiên bẩm cộng với tinh thần ham học, chẳng mấy chốc, Pa-ga-ni-ni đã được mệnh danh là nhạc sĩ có đôi tai thần diệu, có đôi bàn tay vàng, có khả năng chơi đàn ở mức độ tuyệt kĩ và là Thầy phù thuỷ của cây đàn violon.
Tuy nhiên khi tiếng tăm của Pa-ga-ni-ni càng nổi thì ông lại càng có nhiều kẻ thù. Năm 18 tuổi, Pa-ga-ni-ni gia nhập tổ chức Cac-bô-na-ri, biểu tượng của ý chí độc lập, tự do của nhân dân Italia trước hoạ xâm lăng của quân đội Pháp. Pa-ga-ni-ni  thường xuyên bị chính quyền thân Pháp theo dõi.
Ông được nhân dân Italia và công chúng yêu nhạc châu Âu yêu thích bao nhiêu thì lại bị những kẻ đố kị trong giới giáo hội phản động và những kẻ bất tài trong giới âm nhạc căm ghét bấy nhiêu. Một số sinh viên dốt nát tại nhạc viện Pacma rất căm tức tài năng của Pa-ga-ni-ni. Chúng thường xuyên viết thư nặc danh,vu cáo, hăm doạ chàng nhạc sĩ trẻ tuổi.
Pa-ga-ni-ni nhanh chóng đứng vào hàng ngũ những nhà sáng tác và biểu diễn violon xuất sắc nhất của Italia. Ông tự cải tiến cây violon của mình theo cách mà từ trước chưa có ai thực hiện, đó là mắc dây đàn xen-lô, sử dụng chiếc vĩ dài gần gấp đôi bình thường. Pa-ga-ni-ni còn là người chơi ghi-ta rất tuyệt, nhưng hiếm khi ông biểu diễn ghi-ta trước công chúng. Trong lĩnh vực sáng tác, Pa-ga-ni-ni đã có nhiều cách tân táo bạo, vì thế ngôn ngữ âm nhạc của ông rất mới lạ so với những tác phẩm khác. Đối với công chúng, những sáng tác của ông rất khó hiểu, khó hiểu đến nỗi người đương thời nghĩ là do một ma lực siêu nhiên nào đó đã nhập vào người ông.
Pa-ga-ni-ni đã tham gia nhiều cuộc thi về biểu diễn violon và dường như ông không có đối thủ xứng tầm. Ông đã biểu diễn ở hơn 40 thành phố của châu Âu và tiếng tăm ngày càng vang dội. Trong các cuộc thi hay biểu diễn, nhiều lần Pa-ga-ni-ni bị kẻ thù hãm hại nhưng ông vẫn khẳng định mình là tay violon số một của Italia.
Một lần, Pa-ga-ni-ni nhận lời đến thành phố Livorno để thi biểu diễn violon với nghệ sĩ tài năng người Pháp là Mac-xen. Cuộc thi diễn ra tại nhà hát thành phố vào tối thứ bảy, nhân dịp ra mắt của viên lãnh sự nước Anh. Như các lần thi trước, Pa-ga-ni-ni đều giành thắng lợi nên ông có phần chủ quan. Buổi sáng, Pa-ga-ni-ni vẫn cùng một người bạn ra ngoại ô đi săn, đến chiều mới trở về nhà trọ.
Trong khi Pa-ga-ni-ni đi vắng, kẻ thù của ông là Nô-vi và Gác-đi, những người đã từng học với ông ở nhạc viện Pacma, đã thuê gã dọn phòng ở nhà trọ vào lấy cắp đôi giày và cứa gần đứt những chiếc dây đàn trên chiếc violon của ông.
Khi trở về nhà trọ chuẩn bị cho cuộc thi vào buổi tối, Pa-ga-ni-ni kiểm tra lại cây đàn nhưng không phát hiện ra những sự bất thường. Ông cho rằng mọi thứ vẫn ổn. Sắp tới giờ đến nhà hát, Pa-ga-ni-ni tìm đôi giày và ngạc nhiên vì không thấy, ông đành chạy xuống hiệu giày ở góc phố mua một đôi. Điều này đã nằm trong những tính toán của kẻ thù. Lão chủ hiệu được Nô-vi và Gác-đi thuê đã đưa cho Pa-ga-ni-ni một đôi giày khá đẹp vừa với chân ông, nhưng chúng được đóng thêm vào dưới gót những chiếc đinh dài hơn bình thường. Tuy nhiên lúc thử giày, do còn tấm đệm chân và chưa bước mạnh nên Pa-ga-ni-ni không phát hiện ra âm mưu đó.
Pa-ga-ni-ni mang cây đàn xuống đường phố và gọi một chiếc xe ngựa. Không may cho ông là chẳng có chiếc xe nào chạy vào đường đó. Vội vã, ông rảo bước đến nhà hát thành phố. Đi một quãng, chân Pa-ga-ni-ni bắt đầu đau nhói vì những chiếc đinh đã xuyên qua tấm đệm, đâm vào bàn chân. Ngừng lại giây lát, dựa lưng vào tường, ông kiểm tra lại đôi giày, những chiếc đinh xuyên lên làm bàn chân ông chảy máu. Không có cách nào nhổ chúng ra, đường phố thì đầy tuyết trộn lẫn bùn đất, không thể cởi giày ra được. Đành vậy, ông tiếp tục rảo bước trong tiết trời giá lạnh, mồ hôi đẫm khuôn mặt và máu đầy bàn chân.
Pa-ga-ni-ni tới nhà hát khi cuộc thi sắp bắt đầu. Lời giới thiệu về chương trình biểu diễn đã làm khán giả vỗ tay vang dội. Họ mong chờ giây phút này đã lâu, cuộc thi giữa hai nghệ sĩ violon thuộc loại xuất sắc nhất của hai nước láng giềng Italia và Pháp.
Cuộc thi tuy diễn ra trên đất Italia nhưng Pa-ga-ni-ni lại gặp nhiều bất lợi. Vô số kẻ thù của ông có mặt ở đó, chúng huýt sáo la ó khi ông xuất hiện trên sân khấu. Theo qui định, cuộc thi gồm ba phần; phần một hai nghệ sĩ lần lượt chơi bản Sô-nát của Tac-ti-ni; phần hai họ sẽ biểu diễn một sáng tác của mình; phần ba một người sẽ phải ứng tác theo chủ đề của người kia.
Mac-xen bước ra sân khấu và chơi phần thứ nhất, tiếng đàn và những kĩ thuật điêu luyện của nghệ sĩ người Pháp đã thể hiện rất thành công bản Sô-nát của Tac-ti-ni. Pa-ga-ni-ni giật mình vì tài năng của Mac-xen, ông tự nhủ, mình đã gặp một đối thủ lớn.
Tới lượt Pa-ga-ni-ni, ông bước ra sân khấu với đôi chân tập tễnh. Nhiều tiếng la ó nổi lên vì khán giả nghĩ ông đang đùa cợt. Ông tiến lên phía trước, mặt hơi tái vì vết thương và đứng yên lặng giây lát. Chợt Pa-ga-ni-ni nghiêng người đặt cây đàn lên vai, những âm thanh vút lên, tiếng xì xào im bặt. Pa-ga-ni-ni đã trình bày phần mở đầu bản Sô-nát rất khó khăn bởi đau đớn, mệt mỏi và căng thẳng. Nhưng dần dần, ông bị lôi cuốn bởi những âm thanh do mình tạo ra. Pa-ga-ni-ni như quên đi chính bản thân mình, quên đi nỗi đau đớn về thể xác. Trong đầu ông, xung quanh ông chỉ còn tràn ngập những âm thanh. Đến cao trào của bản nhạc, khi Pa-ga-ni-ni kéo mạnh chiếc vĩ vào dây đàn, một tiếng khô khốc vang lên, một dây đàn bị đứt. Khán giả ồ lên nhưng họ lại nhanh chóng im lặng, bởi họ thấy Pa-ga-ni-ni chỉ thoáng dừng lại rồi tiếp tục chơi đàn như không có chuyện gì xảy ra. Thể hiện bản Sô-nát của Tac-ti-ni trên cây đàn violon đủ 4 dây cũng đã là việc khó ngay với cả những nghệ sĩ bậc thầy. Khi đàn đứt một dây, việc đó càng khó gấp bội. Với ba dây còn lại, hai tay của Pa-ga-ni-ni buộc phải chuyển động nhanh hơn, vươn những quãng xa hơn để bù lại cho sự thiếu hụt đó. Dòng máu Pa-ga-ni-ni như trào sôi, khả năng phi thường của ông đã bùng lên trong hoàn cảnh khó khăn nhất. Bản nhạc kết thúc trong sự nghẹt thở của khán giả, họ vừa được chứng kiến sự xuất thần của nghệ sĩ người Italia.
Pa-ga-ni-ni lui vào trong sân khấu khi Mac-xen trình bày phần thi thứ hai, Mac-xen đang biểu diễn một sáng tác của mình. Pa-ga-ni-ni nhờ một người phục vụ đi tìm cho ông một chiếc dây đàn để thay chiếc bị đứt. Một lát anh ta quay lại và nói rằng không tìm được chiếc dây nào thay thế.
Thế là, Pa-ga-ni-ni lại bước ra sân khấu để biểu diễn một sáng tác của mình khi cây violon chỉ còn 3 dây. Ông chơi khúc biến tấu theo chủ đề bài Cac-ma-nhon. Ông như một chiến binh trên chiến trường, đang mang trên mình những nỗi đau đớn về thể xác và sự hằn học của kẻ thù. Vũ khí của ông- cây đàn cũng không còn nguyên vẹn. Pa-ga-ni-ni hiểu rằng mình đang tham dự một cuộc thi khó nhăn nhất, căng thẳng nhất và ông cần phải chiến thắng. Với lòng dũng cảm, sự quyết tâm và tài năng âm nhạc đặc sắc, tiếng đàn vút lên làm sửng sốt khán giả. Họ nhận ra cây đàn của ông chỉ còn ba dây nhưng âm thanh của nó như được phù phép làm họ bị mê hoặc. Lần nữa, đến cao trào của khúc biến tấu, dòng âm thanh đang lên chỗ cao nhất, mạnh nhất thì dây đàn thứ hai lại đứt phựt. Cả nhà hát lặng đi, rồi như một làn sóng, người ta gào lên, dường như không ai còn giữ được bình tĩnh nữa. Số dây đàn càng thiếu thì người nghệ sĩ càng khó thể hiện được tư tưởng của tác phẩm. Nhưng Pa-ga-ni-ni vẫn thản nhiên, dường như ông đã biết trước được những thử thách đang đợi mình. Trong khó khăn tài năng của ông càng bộc lộ. Vả lại, đây là bản nhạc của ông, vì thế ông được thoả sức sáng tạo trên ba dây đàn mình có. Có lẽ chưa bao giờ người ta lại thấy một nghệ sĩ chơi đàn violon chỉ với 2 dây mà lại xuất sắc thế. Bản nhạc kết thúc trong sự ngạc nhiên đến tột độ, những tiếng la ó hoàn toàn bị át đi bởi tiếng vỗ tay vang dội.
Phần thi thứ ba cũng là phần cuối, cả hai nghệ sĩ cùng ra sân khấu. Pa-ga-ni-ni vẫn để nguyên chiếc đàn đứt hai dây, ông đàn một chủ đề ngắn để Mac-xen trình bày khả năng ứng tác của mình. Nghệ sĩ người Pháp chơi phần ứng tác rất hay và sáng tạo, ông ta xứng đáng nhận được những tràng vỗ tay, những lời tán thưởng từ khán giả. Nhưng với những người sành nhạc, như thế vẫn là chưa đủ. Họ đang chờ xem Pa-ga-ni-ni sẽ làm gì với cây đàn chỉ còn hai dây khi phải ứng tác trước chủ đề của Mac-xen.
Mac-xen biết cây đàn của Pa-ga-ni-ni chỉ còn hai dây nhưng ông ta lại đưa ra một chủ đề rất hóc búa. Nét giai điệu với những âm luyến láy, những âm liền bậc và cả những quãng chạy hợp âm rất xa. Chủ đề vừa dứt, Pa-ga-ni-ni lướt nhanh chiếc vĩ trên dây đàn, ông tái hiện lại chủ đề rồi phát triển nó rất hay và độc đáo. Pa-ga-ni-ni thầm nghĩ rằng, ông sẽ chơi cho đến khi cây violon đứt hết dây, vì thế tiếng đàn vút lên vô cùng dữ dội, mạnh mẽ và táo bạo. Khán giả không ai còn ngồi yên trên ghế được nữa. Họ đứng cả dậy như bị thôi miên, mắt mở to dán chặt vào người nghệ sĩ đang say sưa chơi nhạc trên sân khấu. Ông ta dường như không phải là người bình thường, dường như có hàng trăm bàn tay, hàng trăm chiếc vĩ đang cùng điều khiển cây violon, làm cho dòng âm thanh phát ra như có hàng trăm cây đàn cùng hoà giọng. Tiếng đàn làm khán giả có một ảo giác ma quái, làm họ phấn khích đến điên rồ, hơi thở ngừng lại, tim đập đến mức hoảng loạn.
Âm thanh của khúc ứng tác đã kết thúc mà mọi người vẫn còn như chưa sực tỉnh. Mất một hồi lâu, những tràng vỗ tay và những tiếng kêu mới nổi lên như sấm, không còn nghe thấy gì ngoài tiếng vỗ tay. Giống như một chiến binh đã chiến đấu vô cùng dũng cảm, khi tiếng vỗ tay vang lên cũng là lúc Pa-ga-ni-ni đã kiệt sức. Ông đã chơi đàn với tất cả sức lực của mình cả về tinh thần lẫn thể xác, chút năng lượng cuối cùng dường như đã cạn. Ông lảo đảo vì mất nhiều máu và căng thẳng, bàn chân đau buốt và tê dại, cây đàn suýt rời khỏi tay. Mọi người xô tới, nhưng Mac-xen đứng gần đó đã nhanh hơn, nghệ sĩ người Pháp đỡ lấy ông, cầm một tay Pa-ga-ni-ni giơ lên cao, dấu hiệu của người chiến thắng rồi dìu ông vào sau sân khấu.
Sau cuộc thi thành công và vô cùng kì diệu đó, nhiều báo chí ở Italia, ở Pháp, ở Anh và nhiều nước châu Âu đã gọi Pa-ga-ni-ni là “Thầy phù thuỷ của cây đàn violon”. Chẳng nghệ sĩ nào nghĩ đến chuyện thi tài với Pa-ga-ni-ni nữa. Họ chỉ mong muốn được nghe tiếng đàn của ông, muốn bị thôi miên bởi tiếng đàn, muốn được run rẩy trước những cảm xúc kì lạ mà tiếng đàn mang đến. Người ta tin rằng, dù cây violon chỉ có một dây, ông vẫn có thể chơi hay hơn nhiều nghệ sĩ nổi tiếng với những cây đàn có đủ bốn dây.
Pa-ga-ni-ni là con người lạ thường về ngoại hình, về tính cách và khả năng biểu diễn, sáng tác âm nhạc. Với nhiều người, âm nhạc của ông quá khó hiểu, rất khó để biểu diễn, vì thế người ta thường đánh giá khả năng biểu diễn của ông cao hơn khả năng sáng tác âm nhạc.
Có nhiều ý kiến khác nhau về cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của Pa-ga-ni-ni. Tuy nhiên lời đánh giá của nhà lí luận âm nhạc người Pháp Caxtin Bơ-lát (1784-1857) có lẽ xác đáng hơn cả: Pa-ga-ni-ni là nhà bác học, những nét nhạc của ông cũng vĩ đại như việc phát kiến ra thế giới hay vùng đất mới, chúng là kết quả của những kiến thức âm nhạc và quá trình tìm tòi gần như siêu phàm. Pa-ga-ni-ni là người duy nhất trong thế giới âm nhạc, là hiện tượng có giá trị đặc biệt. Cây đàn như biết nói tiếng của con người, nó dễ hiểu với tất cả mọi người song chỉ có mình ông mới có thể bắt nó nói tiếng ấy. Vượt qua mọi sức tưởng tượng của con người, chiếc vĩ của Pa-ga-ni-ni như chiếc đũa thần đã chinh phục thế giới.
Theo http://www.music.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Người đàn bà bên kia sông Làng tôi nằm sát con sông Thương. Từ chân đê vào làng đi qua một con đường đất nhỏ, hai bên trồng phi lao, cắt...