Mưa, và cả nắng của những ngày mùa đông cũng không làm phai
đi màu trắng của những bãi bờ bát ngát hoa lau nơi tôi qua. Mùa hoa lau đã rộ.
Rộ từ đôi bờ những con sông dài oằn mình uốn quanh qua bao ghềnh đá bụi bờ rồi
hòa vào biển lớn. Rộ trên những cánh đồng quê mênh mông gió trời. Và rộ trên cả
những vách núi cheo leo quanh năm sương phủ bốn bề. Tôi đi ngược miền lau trắng.
Lau đồng bằng hiền hòa, vẫy những bông trắng
mong manh nghiêng theo chiều gió lượn. Ấy là những triền lau dọc theo đường
Hoàng Sa của thành phố Đà Nẵng. Một bên là lau trắng chạy dài hàng vài cây số.
Một bên là biển nước mênh mông ngoài kia sóng vỗ dập duềnh. Tôi men theo triền
lau ấy khi một trưa ngày ít nắng, những cặp tình nhân hay vợ chồng sắp cưới gì
đấy cũng về đây chụp ảnh. Họ ôm nhau, hôn nhau giữa màu trắng thanh khiết của
hoa lau trên vùng đất này. Niềm vui của người hòa với vẻ duyên của hoa lau trắng
càng tôn thêm nét đẹp hài hòa. Phất phơ mình trước gió, những ngọn cờ lau trắng
làm lòng tôi thấy yên tâm hơn, yên bình hơn đến lạ.
Rồi đi ngược một chút lên theo miền lau, ấy là
những bờ sông của thành phố Tam Kỳ nơi tôi đang sống. Con sông hiền hòa đã bao
đời nay nuôi dưỡng và gắn kết những con người nơi đây lại với nhau thành một khối.
Phố giờ đã lấn ra sát mép sông với những nhà hàng, quán nhậu tưng bừng từ chiều
đến đêm. Hoa lau cũng vì thế mà hiếm đi. Nhưng không phải vì thế mà hiếm. Có những
đoạn sông, đôi bờ lau vẫn còn rậm rạp vẹn nguyên. Màu hoa trắng vẫn hút hồn tôi
và những người dân phố thị trong một chiều hoàng hôn dần buông xuống. Lau kiêu
hãnh hơn khi khoe sắc trên bãi bồi giữa lòng sông. Những người con gái chèo ghe
qua miền sông đầy hoa lau trong chiều chạng vạng khiến lòng tôi cũng xốn xang
theo. Muộn mà vẫn chưa muốn dời chân. Bởi màn đêm chạm vào màu trắng của hoa
lau càng làm đẹp thêm cho màu trắng huyền ảo lắc lư theo từng cơn gió. Say hoa
lau, rồi lại say người...
Lau ngút ngàn, uy phong và có sắc thái
riêng hơn thường ở núi rừng. Đôi chân tôi vẫn ngược miền lau trắng, mắt dõi
theo từng chút trắng phất phơ trên sườn núi ngay từ lúc ở còn rất xa.
Hoa lau treo mình trên đỉnh đèo Hải Vân thì ngút ngát một phần mây ngàn dường như hút vào đó. Vào một buổi sáng sớm, vượt đèo bằng xe máy, khi sương và mây đã cuộn vào trong từng chút nhỏ của bông lau trắng, lòng chợt thấy một niềm vui rất khó tả. Tầm hoa lau càng gần tầm mắt càng làm cho con người cảm thấy sảng khoái, dễ chịu hơn. Cảm giác muốn chinh phục thiên nhiên, và chinh phục chính con người mình lại dâng trào...
Hoa lau treo mình trên đỉnh đèo Hải Vân thì ngút ngát một phần mây ngàn dường như hút vào đó. Vào một buổi sáng sớm, vượt đèo bằng xe máy, khi sương và mây đã cuộn vào trong từng chút nhỏ của bông lau trắng, lòng chợt thấy một niềm vui rất khó tả. Tầm hoa lau càng gần tầm mắt càng làm cho con người cảm thấy sảng khoái, dễ chịu hơn. Cảm giác muốn chinh phục thiên nhiên, và chinh phục chính con người mình lại dâng trào...
Cũng là núi rừng, nhưng lau mọc theo sườn núi,
theo bờ sông Tranh chạy theo các huyện Hiệp Đức, Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam
Trà My lại có vẻ khô cằn, giận dữ theo mùa. Ngọn lau không thể mềm dịu êm ái
như đồng bằng, cũng không thể uy phong như trên ngọn đèo Hải Vân Quan. Sông
Tranh sủi bọt đục ngầu giận dữ thì bên triền núi, những bông lau cũng va quật
vào nhau, xác xơ theo gió ngàn bay. Cũng trắng đó thôi, cũng lau ấy thôi nhưng
dường như thiếu sức sống, dường như làm con người cảm thấy bất an nhiều hơn là
yên bình, muốn dời chân đi nhiều hơn là hứng thú. Lau mọc dày trên những hố mà
vàng tặc mới đào bới. Lau chênh vênh sát mặt nước ở những chỗ bờ sông sụt lún
sâu vào trong. Lau như chung thân phận với dòng sông cũng như với nỗi lo của
con người vùng đất này.
Tuổi thơ tôi chưa một lần cầm đến được
bông lau trong một buổi chơi trò đánh trận giả. Nhưng trong đầu, câu chuyện kể
về những vị anh hùng cứu quốc thời thơ trẻ cũng cùng lũ mục đồng chơi trò cờ
lau đánh trận vẫn luôn ám ảnh mãi. Bởi thế, lớn lên, trên mỗi bước đường lang bạt,
dấu chân tôi lại thường dừng lại ở những triền lau, ở những mùa lau. Và, kỳ
duyên sao, tôi lại thường đi ngược theo miền lau ấy. Từ đồng bằng, băng rừng đi
về phía đèo cao núi sâu.
Gió đã thổi những ngọn cờ lau khắp những miền
tôi qua. Lau yên bình có, lau uy nghi có, lau khắc khổ có. Như thân phận người
mà thôi. Thương lau, tìm lau và cũng là thương mình, tìm lại về với bản thể
chính mình....
Nguyễn Thành Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét