Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

“Ngấm khúc ca dao” trong thơ Bùi Huyền Tương

“Ngấm khúc ca dao”
 trong thơ Bùi Huyền Tương
Ca dao, tục ngữ có trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam được lưu truyền từ đời này sang đời khác, và trong mỗi chúng ta ai cũng đã từng “ngấm” những câu ca dao từ lời ru của mẹ, của bà từ thưở nhỏ, đến bây giờ những câu ca ấy vẫn ở mãi trong ta. Trong đó có Bùi Huyền Tương và anh đã đặt tên cho tập thơ của mình:
“Ngấm khúc ca dao”. Quê Bùi Huyền Tương ở vùng Đông huyện Sơn Tịnh, một vùng quê nghèo đất cát bạc màu, chỉ có những loài cây cỏ chịu hạn mới có thể mọc lên nổi dưới trời nắng hanh hao, như anh tự giới thiệu: 
“Em biết đấy, đất quê mình toàn cát/ Dẫu mưa dầm cũng chẳng thấm vào đâu”. Anh kể rằng: “Bố mẹ mình khi xưa nghèo lắm! Chân lấm tay bùn quanh năm thu hoạch mùa màng và chăn nuôi chẳng được là bao. Rồi mẹ mình mất sớm, người chị phải tảo tần nuôi em ăn học, chính vì sự học mình mới có được ngày hôm nay. Do đó, ước nguyện của mình là tập trung dạy bảo, đầu tư kiến thức cho các con...”. 
Nhìn những vật dụng anh trang bị trong nhà, ta mới thấy anh chị thương con biết nhường nào: đàn organ, máy vi tính nối mạng, cho con trọ học ở trên phố... Vợ anh cũng là giáo viên cùng trường, một gia đình nhà giáo kiểu mẫu biết vượt qua khó khăn, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.
   Đầu tháng 8/2010, Bùi Huyền Tương có đưa tôi tập bản thảo thơ “Ngấm khúc ca dao”. Một tập thơ không dày về số lượng bài, chất lượng và nỗi niềm anh trao gửi trong thơ thì mỗi người đọc có quyền tự cảm nhận riêng mình. Tập thơ là tập hợp những bài thơ được chọn đăng trên các báo, tạp chí và một số bài mới sáng tác chưa công bố. Khi đọc xong tập thơ, ta có thể hình dung những
gì mà Bùi Huyền Tương đã trải qua, chính cuộc sống là thước đo độ dày của trải nghiệm và thơ anh đã “chín” trong từng câu chữ. Tôi xin trích một số khổ thơ, câu thơ có thể là tiêu biểu đầy xúc cảm theo cảm nhận của riêng tôi:
Viết về Mẹ qua lời kể của Cha: 
“Trong mưa/ vọng tiếng chim kêu/ Khàn hơi gọi Mẹ/ tím chiều/ chiều buông” (Tiếng mưa), “Con lặng thầm/ gói khúc cao dao / đặt vào miền sâu thẳm/ để chiều chiều/ ngồi nhớ/ Mẹ ơi!...” (Ngấm khúc ca dao). Hoài niệm về người Chị đã nuôi dạy đứa em thơ : “Góc vườn chim vịt cứ kêu/ rưng rưng... chị gắng dắt dìu đàn em!” (Hoài niệm chị tôi). Với người vợ yêu của mình: “Một nửa đời đi qua/ anh và em vẫn thế/ vẫn như sông như bể/ sóng mãi ru đôi bờ” (Một nửa), ta nghe anh tâm tình: “Hình như.../ ai đợi người yêu/ bên sông lặng gió/ liu riu lục bình/ run run/ nhặt khúc tự tình/ lơ thơ lau lách / ngỡ mình chiêm bao” (Nỗi chiều) hay: “Em đi về phía đường quê/ Câu thơ lục bát chợt về với tôi/ Câu thơ chẳng vọng nên lời/ Mà âm âm mãi/ Mà ngời ngợi vươn” (Lục bát cho em). Anh thương con và dặn dò: “Học nghe con, con của ba yêu/ Thời gian trôi chẳng bao giờ trở lại” (Đưa con đi học trường xa). Tự ru mình: “Thời gian lặng lẽ trôi qua/ Liêu xiêu bóng đổ la đà trăng treo/ Ngoái nhìn/ Thoắt/ Đã trôi vèo/ Ai gây vực thẳm dốc đèo được chi ?!” (Ru mình). Anh viết về quê hương đất nước cũng thật sâu đậm, chan chứa nghĩa tình: “Thôi đừng hát nữa người ơi/ Câu ca vọng tím góc trời chớm đông/ Mưa bên sông, gió bên sông/ Bên kia có thấu nỗi lòng bên nây!” (Nghe khúc dân ca đất Quảng). Theo những bước chân du khách anh tìm đến: “Hà Nội sương giăng/ tiếng đàn rơi/ xao xuyến/ phía Hồ Tây, cứ gợn sóng ru tình” (Một thoáng Hà Nội). Những câu thơ về xứ Huế mộng mơ cũng thật gợi: “Hoàng hôn trải xuống dòng sông/ Huế thơ soi bóng mây bồng bềnh trôi/ Còn tôi ở chốn xa xôi / Chạm tay dòng nước để rồi đa mang” (Chạm dòng Hương Giang). Một lần lên Tây nguyên vào tháng ba, anh tìm hoa cúc quỳ, mùa không có hoa cúc quỳ nở: “Màu hoa xưa thầm lặng rơi rơi/ Con đường nhỏ gập ghềnh sao quen quá/ Tôi vẫn đi qua bỗng dưng thành lạ/ Cúc quỳ ơi nỗi nhớ cứ quay về” (Đi tìm hoa cúc quỳ), hay: “Ơi! Gia Lai/ Sao tôi lại đến
tháng ba?! / Khói đốt rẫ / Lênh loang/ Chiều tôi đến...” (Nỗi hẹn Gia Lai). Về thăm người bạn thơ ở làng Yên Mô (Đức Lợi, Mộ Đức), anh tự sự: “Khúc sông xưa.
Vẫn xưa/ Vẳng đôi bờ ai gọi / Bóng tre cong dấu hỏi/ Cho lòng cứ rưng rưng” (Về làng Yên). Viết về ngành giáo dục, về ngôi trường thân yêu và những học trò nhỏ của mình: “Có một người/ thầm lặng đứng nhìn mưa/ Cứ rơi chéo về phía cổng trường bao năm trước...” (Mùa thu đứng trước cổng trường) và trái tim cô giáo cùng lớp học ca ba dạt dào cảm xúc: “Em đang về/ miền sâu thẳm - Trái tim/ Của người mẹ dạt dào trên bục giảng/ Những phép tính em ghi đều trên bảng/ Có phép nào mang nặng nghĩa tình em!?” (Cô giáo trẻ và lớp học ca ba). Những lúc rảnh rỗi, anh ngồi một mình trước hiên nhà nhìn ra: “Nắng dát vàng chiều xuống cánh đồng xưa/ Sương lãng đãng và gió thu mỏng quá!/ Khói lênh loang trên đồng chiều cuốn rạ/ Xuôi ta về với nỗi nhớ nôn nao” (Miên man thu muộn). Từng đêm, từng đêm trắng với bao tâm sự, nỗi niềm tuôn chảy: “Ta đứng giữa đôi bờ hư thực/ đếm thời gian hay đếm bước xưa về/ Thềm xưa cũ cứ dập duềnh bến thức/ bao đêm thâu rưng rức một nỗi niềm” (Lời ru tháng Giêng), tri âm ta cùng ngồi lại: “Mang mang/ sương khói bên trời/ Trăm năm/ còn lại/ tình người/ tri nhân” (Ngẫm). Một cuộc tình thơ thoáng qua bây giờ chỉ là: “Tất cả đã xa rồi/ nhắc làm chi/cho lòng thin thít nhớ/ ngồi bên em/ cùng xúyt xoa /một thuở.../ biết tìm đâu/ cổ tích của riêng mình?!” (Cùng em ngắm bóng trong chiều)...Thời gian không bao dừng lại, phải không Bùi Huyền Tương? Ai cũng có một thời để nhớ, để thương, nhưng bóng thời gian đã phủ mờ tất cả, kỉ niệm cũ bây giờ chỉ là hoài niệm, là nỗi nhớ khôn nguôi.
Ngấm khúc ca dao để mà “chợt khững” (lời Bùi Huyền Tương) chứ không dừng lại những cảm xúc! Thơ của thầy giáo Bùi Huyền Tương là vậy, giàu nhạc điệu, giản dị, thân thương, tình cảm đến nao lòng và thăm thẳm khúc ca dao. Và lời kết của tác giả bài viết này bằng khổ thơ thật hay của Tương:
 Bàng hoàng tay đỡ con tim
 Vịn câu thề cũ đi tìm tình nhau
 Thì thôi, ai cũng qua cầu
 Đưa tay anh vuốt mái đầu...
 Tóc xanh.
 (Thăm thẳm ca dao).
10/8/2010
 Hồ Nghĩa Phương
Tiếng mưa
 Kính dâng hương hồn Mẹ tôi
 Tôi ngồi
 nghe tiếng mưa rơi
 Mẹ tôi ngày ấy đâu rồi?
 Trời mưa!
 Mưa rơi
 lúc nhặt
 lúc thưa
 Để tôi nghe tiếng võng đưa
 trong chiều
 Trong mưa
 vọng tiếng chim kêu
 Khàn hơi gọi Mẹ
 tím chiều
 chiều buông! 
Ngấm khúc ca dao
 Kính dâng hương hồn Mẹ tôi
 1.
 Lời cha kể
 dắt con đi dọc theo triền ký ức
 đôi mắt cha rưng rưng
 nghẹn dừng
 đây khúc ca dao
 này cánh cò
 này bờ ao, bến vắng
 này ước mơ xa
 cho con
 lả la cùng nắng
 đong đưa hoài trong tiếng mẹ ru 
2.
 Góc vườn trưa ru rúc tiếng chim gù
 thu đang xanh
 mà lời ru chợt khững
 bóng đổ dài
 vĩnh viễn mẹ đi
 con mới lên năm
 ngày ấy chẳng biết gì
 chỉ nhớ qua loa lời mẹ trối
 hắt hiu buồn
 đoạn cuối khúc ca dao... 
3.
 Lời cha kể
 ngậm ngùi
 chiều
 con ngắm
 con lặng thầm
 gói khúc ca dao
 đặt vào miền sâu thẳm
 để chiều chiều
 ngồi nhớ
 Mẹ ơi !… 
Ngậm ngùi
 Chợt nhìn thấy tổ chim cài
 Cheo leo cành lá một vài chim non
 Chít chiu gọi mẹ chon von
 Ngậm ngùi thương trẻ mỏi mòn: “Mẹ ơi !” 
Hết rồi lại gặp
 Tặng Bích Thủy
 Hết rồi một thưở học sinh
 Sao đèn vẫn thức với mình suốt đêm
 Hết rồi một thưở cùng em
 Đếm từng bóng nắng, canh chừng sao khuya
 Bao nhiêu kỷ niệm xưa kia
 Bỗng xuôi trở lại khẽ chia cuộc đời
 Thương thương những giọt mưa rơi
 Cho em nghiêng vành nón thời học sinh...
 Bây giờ về với chính mình
 Cũng đèn sách thêm yêu tình tuổi thơ 
Bây giờ đâu phải giấc mơ
Chắc em đang thức cho giờ sáng mai
Phải chăng trong phút giây này
Em đang sống lại với ngày xa xưa...
Đêm đông dai dẳng cơn mưa
Sao vẫn thức nghe lời xưa vọng về
Hết rồi sao vẫn say mê
Bởi em thương cái ngô nghê thưở nào
Em đem gió mát trên cao
Lời ru ngọt lịm gieo vào tuổi thơ
Em đem ánh sáng ước mơ
Tình thương dào dạt - Trái tim mẹ hiền
Với em tôi ngỡ lặng yên
Lại mênh mông lắm cái miền bên trong
Hết rồi lòng vẫn gặp lòng
Ngọn đèn em thức ở trong tôi hoài... 
Lục bát cho em
 Em đi về phía đường quê
 Câu thơ lục bát chợt về với tôi
 Câu thơ chẳng vọng nên lời
 Mà âm âm mãi, mà ngời ngợi vươn
 Thì thầm tôi hát “Mười thương”
 Heo may sửng lại. Con đường nắng reo
 Quê tôi vốn dĩ đất nghèo
 Dù trong khoai sắn vẫn theo Thánh hiền 
Thơm từ quả thị bà Tiên
Em bông hoa trắng lung liêng bên trời
Dẫu còn hạt sạn rãi rơi
Em mênh mông quá ! Bằng lời lặng im
Xin dành cho cả trái tim
Cụ Đồ ơi có nỗi niềm này không ?!
Nao nao ngọn gió trên đồng
Có con cò trắng đầu đông bay về
Chiều quê, chiều quê, chiều quê
Em - Cô giáo trẻ đi, về cùng tôi...
 Một nửa
 Vâng. Cũng từ một nửa
 đôi ta lại tìm nhau
 để bây giờ thành một
 cho đến khi bạc đầu
 Một nửa đời đi qua
 anh và em vẫn thế
 vẫn như sông như bể
 sóng mãi ru đôi bờ 
Trong cõi thực, cõi mơ
chẳng bao giờ thái quá
đâu là nhân là quả
để gởi lại đời sau!
Giá một nửa này thôi
cơn say đâu nghiệt ngã
ừ, thì thôi em ạ!
trong khôn. Dại đôi lần
Một nửa... Chiều vang ngân
diệu kỳ thay một nửa 
Cùng em ngắm bóng trong chiều
 Em thả hồn về xa xăm
 kỷ niệm xưa xuôi về đầy ắp
 nghe chiều rơi
 loi lẻ gót chân mềm
 Ơi, ngọn đèn chong đêm
 không mỏi soi ước mơ thời mười tám
 ơi, hạt nắng sân trường
 có ai xâu chuỗi
 cho em vay
 ngắm lại bóng riêng mình
 ơi, những giấc mơ vàng
 lung linh thần tượng
 níu dùm em phía hun hút cổng trường
 giờ cố giấu lại vương vào tiếng nấc
 chiều nghiêng nghiêng
 chao chát nỗi buồn trôi Tất cả đã xa rồi
nhắc làm chi
cho lòng thin thít nhớ
ngồi bên em
cùng xúyt xoa
một thuở...
biết tìm đâu
cổ tích của riêng mình?! 
Bóng thức
 chợt nghe tu hú gọi
 nôn nao kỷ niệm xưa
 ngỡ như đà trầm lặng
 trong tóc chiều lưa thưa
 tu hú kêu khắc khoải
 chiều hạ về nghiêng chao
 ta ngồi cùng bóng thức
 người xưa ơi! giờ đâu? 
lặng lẽ thời gian trôi
chạm vào miền ẩn tích
chiều xuôi về cô tịch
càng quay quắt tim mình
chênh chếch vầng trăng non
cố với tay chạm bóng
tàn hơi, thôi mỏi mòn...
đành riêng mình xao sóng
đã nửa đời neo đậu
vẹt mòn nơi bến quê
vẫn bời bời cỏ rối
ơi, cánh diều triền đê!
Ta về với biển chiều thu
  Anh đưa em về với biển chiều nay.
 Thu gõ nhịp vào biển xanh biêng biếc. Bãi cát vàng sóng sánh nắng vàng thu. Nghiêng nghiêng bóng, hàng dương vi vu gió, con sóng dịu dàng nối biển - bờ - Vệt trắng. Nghiêng phía nào ta cũng chạm vào nhau.
  Biển bây giờ có khác xưa không? Thời gian đã đẽo mòn em nhỉ! Còn sót lại chút tình ta dung dị. Em chớ buồn anh sẽ hát cho em nghe. (Bài hát ngày xưa em thích lại e dè và ngơ ngẩn sợ tình ta không thật). Bài hát ngày xưa, nắng chiều vàng nửa bãi, khản tiếng thùy dương đằm thắm mộng đôi bờ. Hoa trinh nữ còn đâu em nhỉ!(*) Chỉ còn “gai” thương níu chuyện đôi mình. 
    Anh biết vì sao, em lại lặng thinh. Phả vào cát, tìm dấu chân mình thuở trước. Dáng thu xưa, gió cuốn tận phương nào? Em nắm tay anh, sa cánh hải âu. Tìm chút hương xưa nẻo thu vời vợi. Đủ sưởi lòng ru giấc những đêm thâu.
     Anh đưa em về với biển chiều nay.
     Tìm lại dấu xưa, nơi mình hò hẹn. Trễ mất rồi, đã có lứa đôi thay. Thôi, ta tựa vào nhau ở góc này. Vẫn như thể ngày xưa có gì
là lạ... Kìa. Còng gió giật mình chạy ngược gió. Em vô tình, cứ hỏi: - Vì sao? Em đã quên. Ngày xưa anh tìm em vậy đấy! 
    Trăng sắp lên. Này em, ta nán lại. Ngắm dải lụa vàng trên sóng nước mênh mang. Biển và trăng có điểm hẹn thời gian, còn đôi ta sẽ là mãi mãi... Nếu được ước điều chi ? Ta chẳng ngại - Được mỗi chiều ngồi với biển bao dung. Và thời gian vốn dĩ khôn cùng, trên vai ta ngày thêm dày nắng gió. Vẫn không quên - Với biển chiều Thu.
Tao ngộ
 Tặng Quang, Sung, Hiếu, Bờ, Hồ Hải và các bạn cùng lớp
 25 năm tình cờ chúng mình gặp lại
 Tiếng hú gọi bầy nhiễu sóng Quy Nhơn
 25 năm bao dâu bể vô cơn
 Nay gặp lại mái đầu đã xen nhiều sợi bạc
 Ngồi bên nhau, chiều Quy Nhơn nghe
 biển hát
 Mà tiếng lòng cứ xao xác trong nhau
 25 năm chẳng dễ gặp đâu
 Bởi mỗi đứa một phương trời xa lắc
 Quay nỗi nhớ về Thiên Bút xa trầm mặc
 Bao sắc màu thuở ấy chẳng hề phai
 Những buổi tan trường ai đứng đợi ai...
 Xuôi về đấy. Buổi trùng phùng không hẹn 
Bạn hữu ơi ! Gừng vẫn cay, muối vẫn mặn
Để chiều nay ta nhắc lại từng người
Kỷ niệm xưa, kỷ niệm xưa ơi!
Trỗi ăm ắp cho ta quên quên nhớ nhớ
(Chỉ một điều đến giờ vẫn nhớ
Buổi đầu tiên lạ lớp, lạ tên người
Buổi đầu tiên quy tụ khắp mọi nơi
Chung số phận của người thi hỏng)
Thôi khép lại nhắc làm chi thêm bận
Hãy nâng ly xin chúc buổi trùng phùng
Dẫu chưa trọn chiều nay cuộc vui chung
Dăm bảy đứa mượn góc trời, góc phố
Nói sao hết nỗi lòng duyên tao ngộ
Nề! Phương xa điện réo gọi chúc mừng
Nề! Phương xa có đứa gọi rưng rưng
Cứ nhắc mãi bạn mình ơi L8!
Tâm sự
 Có thể, những vần thơ tôi viết
 Đã cũ mèm theo lối mòn xưa
 Ngắm sợi buồn giăng tím chiều mưa
 Gặp bóng ai đang nhớ về cố xứ
 Tiếng vạc kêu đêm chạnh lòng - Thôn nữ!
 Trăng rọi lối về. Lối đã xanh rêu 
Gọi nỗi gì, ơi tiếng cuốc kêu
Bao cảm nhận... Tôi rơi vào khắc khoải
Điều xưa cũ như dòng sông vẫn chảy
Lẽo đẽo tôi tìm mong gặp tri âm
Vịn thời gian lặng lẽ âm thầm
Nghe cơm áo oằn vai thêm mỏi mệt
Gió nhắn gì... đã bao người nói hết
Tôi ngược chiều biết nói gì đây
Đành gởi thơ mình vào gió, vào mây
Trôi lơ lửng... Người ơi - đồng vọng ?!...
Ru mình man mác khói sương...
    Tôi chưa được lần nào gặp Bùi Huyền Tương, hai anh em biết và thân nhau khi tôi còn làm tờ Tuổi Ngọc, và Tương là một cộng tác viên nhiệt tình, viết nhiều thể loại. Cảm giác ban đầu khi đọc Bùi Huyền Tương, dễ đoán tác giả là một người hiền hậu và đằm thắm. Sau này, khi biết Tương là một thầy giáo dạy toán - lý, là giáo viên mạng lưới chuyên môn của ngành, lại là người có khả năng viết thư pháp, từng viết - vẽ trang trí quảng cáo lâu năm, tôi biết mình đã đoán gần đúng và hiểu vì sao thơ của Tương luôn rưng rưng hoài niệm, luôn man mác khói sương...Đa số những bài thơ Tương viết là những khúc “tự ru”. Cho dù Tương viết về cha mẹ, anh chị, vợ con, bạn bè... hay về quê hương, thân phận, thế sự thăng trầm... thì vẫn hiện rõ “chân dung” hiền lành và đằm thắm của Tương trong đó. Tôi thích những khúc “tự ru” nhẹ nhàng và sâu lắng ấy của Tương: “Nghiêng nghiêng che nón qua cầu/ Sợ nhìn bóng nước mà nhàu tình xưa/ Xin trời cho vịn sợi mưa/ Vịn vầng trăng lẻ mới vừa chạm đêm...” (Tự khúc qua cầu). Qua cầu, sự
chênh vênh của Tương không khởi từ sóng xô của nước hay lắt lẻo của cầu, mà sự chênh vênh lại đến từ hoài niệm, từ tình xưa. Và Tương cần đến tay vịn cho bớt chênh vênh, nhưng tay vịn ấy lại là những sợi mưa đang rót mềm lòng, là vầng trăng lẻ loi chính mình vừa chạm vào bóng đêm sầu khởi. Tương là vậy! Tự biết mình là người bị “ngấm ca dao”, có thể xem đó là lời “tuyên thệ - tuyên ngôn” của Tương khi tự ràng buộc mình vào những hệ lụy của thơ. Lợi thế của người làm thơ tôn thờ cadao là luôn có một nền tảng rộng và chắc làm bệ phóng, nhưng để có thể bay lên được từ bệ phóng ấy, người viết phải rất dày công và  bền chí. Ca dao là ca dao, thơ là thơ. Nhưng khi một vài câu thơ được người đọc, người nghe nhận xét “tưởng là ca dao” thì đó là một lời khen tặng cho thơ. Tôi tin Bùi Huyền Tương sẽ bay lên rất đẹp từ “bệ phóng ca dao”, sẽ vẽ được những đường bay mượt mà và kỳ diệu cho riêng mình. Tôi tin, vì Tương hội đủ tố chất để bay, và vì “hành trang bay” của Tương cũng đã có khá nhiều những câu thơ gần với ca dao: “Chênh chao bãi vắng sông dài/ Thân cò vẫn phải miệt mài bến sông!” (Chị tôi); “Ẩn trong hoa - cỏ - lách - lau/ Linh hồn tre trúc ngàn sau vọng về...” (Ẩn); “Ru mình phận cỏ mình ơi!/ Hãy xanh, xanh để lả lơi nhumì...” (Ru mình)...
Chúc Tương thành công!.
Sài Gòn, 10/2010
Nguyễn Liên Châu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguyễn Huy Thiệp - Con sông vẫn "Thao thiết" chảy

Nguyễn Huy Thiệp - Con sông vẫn "Thao thiết" chảy Cuốn Anh hùng còn chi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa được NXB Hội Nhà văn ph...