Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

Nhà thơ Quỳnh Anh với trăng mờ Đà Lạt

Nhà thơ Quỳnh Anh với trăng mờ Đà Lạt
  Nhà thơ QUỲNH ANH (Phạm Thị Ánh Bích) chuyên về thể thơ “lục bát”, ngậm ngùi vì cuộc tình lỡ, viết đôi dòng hồi ký đầy cô đơn hờn tủi về Đà Lạt xưa và đặt tên là “Vầng trăng kỉ niệm”:
     “Đà Lạt ngoài cái vẻ mĩ miều, thơ mộng, lãng mạn, tình tứ, còn là nơi đầy kỉ niệm, là thiên đường của riêng em. Khi chưa đến Đà Lạt, em vẫn mơ sẽ có những đêm cùng anh ngắm trăng vàng trên đỉnh Lâm Viên. Nhớ quê hương, em lại nhớ Đà Lạt thân yêu với niềm ước mơ không trọn vẹn và những thương đau của cuộc tình dang dở.
     Đêm năm đó, Đà Lạt đang thiêm thiếp dưới ánh sáng mơ màng bàng bạc của trăng hạ tuần. Mình em thơ thẩn trước ngôi biệt thự gần hồ Than Thở, nhìn ánh đèn le lói trên lầu cao. Em ước mong cánh cửa chợt hé ra và anh bước đến bên em thầm thì: “Anh mãi mãi yêu em, không bao giờ thay đổi và chúng mình sẽ không bao giờ chia cách”. Cánh cửa vô-tri im lìm không biết xúc động vì tình cảm khắc khoải của em và anh cũng chẳng bao giờ biết đến em đang thẫn thờ dưới ánh trăng mờ để thương đau, để hờn tủi, để đợi chờ vô vọng.
     Em lần bước theo ánh trăng khuya đến hồ Xuân Hương, lang thang dưới rặng hoa đào để ước mong mình được tan loãng trong biển sương mờ đục. Những đám mây lững lờ theo nhau về che khuất vầng trăng. Bóng trăng trên mặt hồ cũng nhạt nhòa tan biến đi. Cho đến bây giờ mỗi lần nhớ lại, em vẫn muốn bật khóc cho tủi hờn đau xót theo dòng nước mắt trôi đi, cho lòng nhẹ bớt nỗi chua xót, đắng cay.
     Đêm nay trăng huyền ảo, thấm lạnh hồn em. Về khuya, thinh không vắng lặng êm đềm trong giấc ngủ yên bình và hình như không có tiếng chim kêu sương. Những bụi trúc, khóm mai ướt sương đêm, đang run rẩy tắm ánh trăng vàng. Em ngồi đây tưởng nhớ đến anh, nhớ vô vàn. Em nhớ kỉ niệm xưa, nhớ Đà Lạt với những con dốc mù sương, với hồ Than Thở, với rừng Ái Ân, với trăng soi đáy nước, với mây trôi lững lờ. Mây trời đang lãng đãng, vấn vương với trăng, với gió, và em đang ngẩn ngơ gửi hồn mình theo:
“Nổi trôi chỉ thấy mây trời
Lênh đênh ta vẫn giữa đời cô đơn.”
     Sau đó cô gái Bắc Ninh QUỲNH ANH đặt bút viết bài thơ cùng tựa đề là “Vầng trăng kỉ niệm”:
“Tình xưa đã chẳng vuông tròn
Nâng niu kỉ niệm nét son thiếu thời
Khư khư nuối tiếc ngàn khơi
Vầng trăng thủa ấy một đời bâng khuâng
Chia tay lòng vẫn phân vân
Biết bao năm tháng âm thầm nhớ ai.”
     QUỲNH ANH viết tiếp “Đà Lạt trong mơ” (năm 2001), ghi lại những kỷ niệm về tình ái đầy “xót xa”, lắm “tủi hờn” của mình tại thành phố sương mù miền cao nguyên:
     “Đà Lạt, nỗi ám ảnh khôn nguôi trong lòng; nhưng Đà Lạt cũng là chốn tôi hằng mơ ước. Trước khi tới Đà Lạt, tôi vẫn thường mơ thấy mình đang sống rất yên bình hạnh phúc trong tình yêu thương của người yêu dấu. Cái thành phố xinh đẹp có sức quyến rũ làm tôi say mê cũng có khả năng dập tắt ngọn lửa yêu đương đang bừng cháy trong trái tim ngây thơ khờ dại nhưng rất nồng nhiệt của tôi. Thế rồi, mộng đẹp đã theo những giọt mưa xuân ngày ấy trôi đi mất. Hi vọng tương lai cũng đã tan theo khói sương mênh mang đầu núi, lãng đãng ven rừng:
“Mộng ngày xanh đã lỡ làng
Biết bao tủi hận muôn vàn đắng cay.”

     Rồi từ đó, ngay trong tuổi thanh xuân, trái tim tôi đã băng giá, cằn cỗi, rã rời. Nỗi đau bắt nguồn từ thành phố xinh đẹp này là một vết thương đau nhức mãi.
     Trong những năm tháng đằng đẵng, tôi cũng đã cố gắng tạo cho mình niềm hi vọng. Hi vọng có một ngày nào mình quên được nỗi xót xa. Nhưng, cho mãi đến hôm nay, mái tóc đã điểm sương, nhưng niềm hi vọng cũng là hoài vọng mà thôi. Tuy thế, thành phố Đà Lạt đối với tôi vẫn là niềm mơ ước không đạt được. Đối với tôi, đỉnh Lâm Viên là ngọn Hi Mã Lạp Sơn của những người leo núi. Họ cũng như tôi, cũng mơ ước lên được tới đỉnh núi, nhưng cơ may không đến với tất cả mọi người.
     Những ngọn đồi chìm đắm trong sương mù lúc hoàng hôn ập đến. Những con đường dốc núi, mơ hồ, chập chờn trong những buổi sáng mù sương. Những rặng thông hiu hắt che khuất những mái nhà thấp thoáng bên trong. Những ánh đèn hắt ra từ những căn biệt thự ấm áp, quyến rũ những kẻ lữ hành trong đêm đông giá lạnh. Bao nhiêu lần tôi tự vẽ vào bức tranh mộng tưởng của tôi rất nhiều hình ảnh tuyệt vời. Nhưng, vẻ tình tứ, diễm lệ của rừng Ái Ân, hồ Than Thở, thác Cam Ly lúc nào cũng gợi cho tôi một niềm đau chưa rứt, nỗi tủi hận khó quên. Cái thành phố xinh đẹp nên thơ đã làm cho tôi nhận thức được thực tế rất phũ phàng, lạnh lùng đến tàn nhẫn. Dù sao đi nữa, tôi vẫn yêu thương Đà Lạt, nâng niu giấc mộng đầu đời của tôi. Kỉ niệm dù có đớn đau, chua xót, nhưng không bao giờ lìa bỏ mình:
“Con đường phố núi mù sương
Đã xa nhưng mãi vấn vương dạ sầu.”
     Cơn bão nào đi qua cũng để lại những tàn phá, tan hoang, đổ nát. Lòng người cũng không tránh khỏi những tiếc nuối, đớn đau. Đà Lạt bao giờ cũng gắn liền với những kỉ niệm thời niên thiếu. Một hình ảnh nhỏ cũng đủ gợi cho tôi nỗi nhớ thương về thành phố mến thương muôn trùng xa cách.”
     Tuy buồn tủi, dù mái tóc đã đổi màu, nhưng QUỲNH ANH vẫn mong có dịp trở lại chốn cũ nơi ghi nhiều dấu ấn quằn quại trong con tim. Phải chăng nhà thơ muốn đi tìm lại “thú đau thương” của tuổi thanh xuân ngày nào?:
     “Nếu có một ngày được trở về quê cũ, nơi tôi muốn viếng thăm nhất vẫn là Đà Lạt. Tôi ao ước trở về để như được nhìn lại một quãng đời ngây thơ thủa trước. Ngày đó, tôi sẽ lên đỉnh Lâm Viên, tìm những cây thông cao, cao vút chạm vào những đám mây lang thang trên nền trời xanh ngắt, tan loãng trong không gian cùng với giấc mộng ngày xanh của tôi. Bên gốc thông già tôi sẽ suy tưởng về cái thông lệ của trần gian. Mộng và thực rất gần gũi nhau nhưng xa cách muôn trùng. Mộng mong manh. Tình đời đổi thay, phũ phàng. Tôi sẽ được ẩn náu trong cái vùng sương khói lênh đênh đó mà sầu bi, héo hắt:
“Khói sương mờ mịt đất trời
Lá vàng phủ kín một thời tóc xanh
Giấc mộng xưa đã mong manh
Nếu còn thương nhớ sao đành lìa xa.”
Ngô Tằng Giao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Uống trà

Uống trà Một số người tìm sự bình an, sự tịnh tâm trong việc uống trà. Có thể vì vậy mà họ thường thuộc lứa tuổi đã cao, xế chiều. Thanh niê...