Thứ Năm, 14 tháng 11, 2024

Uống trà

Uống trà

Một số người tìm sự bình an, sự tịnh tâm trong việc uống trà. Có thể vì vậy mà họ thường thuộc lứa tuổi đã cao, xế chiều. Thanh niên ít thích ngồi trầm ngâm uống trà, bình này qua bình nọ nhưng phần đông có thể để thời gian ngồi hàng giờ để uống cà phê, bàn chuyện mánh mum, ngắm người qua đường, …
Khi còn nhỏ, tôi vẫn pha trà cho cha, mỗi khi cha có mấy ông bạn ở trong xóm Chợ Dinh đến chơi. Còn nhớ tên mấy bác mà nay đã qua đời hết rồi như bác Bửu Mai ở trong kiệt Cây Gòn, bác Tùng ở vườn hoa 283 Chi Lăng Huế, bác Quảng Ngô gần sát nhà, bác Tri, cụ Chằng ở bên hông nhà, bác Giai ở đường sau Ôn Như Hầu, ông Ưng Nghê ở Chi Lăng phía đối diện gần trường tiểu học Phú Mỹ mà phía trước hai trụ cổng tôi vẫn nhớ có gắn bảng “Tư thất Ưng Nghê” hay ông Đồn Nại nuôi cá phi ở bến đò Cạn. Mỗi lần như vậy cha vui lắm nói chuyện rôm rã. Thường vẫn là chuyện thời cuộc, những diễn biến chính trị trong nước. Cũng có khi pha trà để cha tiếp khách đến đặt hàng như đặt làm cửa kéo, cửa bông sắt, cửa ngõ, các công trình nhà thuộc phần sắt, …Như vậy cốc nước trà mở đầu câu chuyện. Bà con họ hàng cũng thế, cha luôn tiếp chuyện bằng cách pha trà.
Thế nhưng chỉ có buổi sáng sớm, lúc 5, 6 giờ là cha dậy. Ông ngồi một mình nơi bộ salon gỗ bàn tròn. Bình trà đã được học trò dậy sớm pha để sẵn cho ông. Ông độc ẩm, trầm ngâm. Không khí yên ắng, ngôi nhà rộng vắng tiếng động. Yên lặng. Khoảng giờ sau, khi thấy tôi còn nằm, ông bước vào kêu tôi dậy. Rồi ông vẫn tư thế cũ, bộ bình trà 4 cái tách nằm trên khay. Tôi nhớ cái khay bằng sắt mỏng được sơn men láng bóng với hình mấy cái bông hồng giữa nền vàng mơ. Bình trà nhỏ, gọn chạy nước men với hình hoa hoa hồng với cành mấy lá xanh, chung quanh 4 góc khay là 4 cái tách nhỏ gọn nước men trắng bóng, có quai cầm nhỏ, trên mép chén và gần sát đế tách có đường viền nhỏ chạy quanh màu xanh dịu mát rất dễ thương.
Sở thích của cha là uống trà và hình như cha uống trà đã từ lâu. Ngày xưa theo lời kể của các anh, bộ salon gỗ tròn xưa cũ nằm ở giữa nhà và sau này khi tôi đã lớn đi học trung học thì bộ bàn chữ U 6 ghế. Cha vẫn ngồi một mình, uống trà. Ngoài trà tôi nhận ra cha chẳng ghiền món uống nào nữa: rượu, bia, cà phê cha tôi không có thói quen đòi hỏi. Chưa bao giờ ngày thường tôi thấy cha uống bia hay uống cốc “rượu đế” như mấy bác hàng xóm, tuyệt nhiên không. Ngày kỵ, đám cưới, cha vẫn uống bia như mọi người. Sau đó thì thôi, không có thói quen uống nữa.
Khi tôi khôn lớn, tốt nghiệp trung học, vào đại học, cha vẫn thường sai tôi đi mua trà. Địa chỉ tôi hay đến mua là tiệm trà Văn An Thái ở đường Chi Lăng, gần tiệm Phúc Tân. Tôi vẫn còn nhớ các loại trà mà cha ưa thích: trà “Thu hương kỳ chủng”, trà “Thiết quan âm”, trà “Tam Hỷ”. Hình như đây là loại trà của Hồng Kông. Khác với bây giờ người ta lại chuộng trà Bắc gọi là trà "Bắc Thái” còn gọi là trà “Thái Nguyên” một loại trà VN.
Nhắc chuyện mua trà cho cha, tôi lại nhớ cha sai tôi mua mấy việc khác như mua đồ đề làm tại tiệm “Phúc Tân”: Cưa, dũa, sơn, giấy nhám, dầu để chế sơn,… và đi mua báo về đọc cho cha nghe. Lẽ cố nhiên sau này đã lớn tôi đi bằng xe gắn máy của cha.
Chuyện uống trà của cha sau này tôi mới phát hiện, như vậy cha rất dễ chịu, không cầu kỳ kiểu cách như một số người khác. Thì ra uống trà đã được người Đông Phương, cụ thể Nhật Bản nâng lên một lễ nghi: Trà đạo! Nghĩa là uống trà đã được xem như một tôn giáo, ví dụ uống có thời gian, thay đổi cách ăn mặc, cách ngồi, tư thế đưa tay cầm tách trà, và hai tay hạ xuống cùng lúc, …Một điểm nữa, bình trà và tách (cốc) phải nhỏ, nhất là chén trà không có quai, …U chao thật là phiền phức, rách chuyện!
Một kỷ niệm, một sự việc khiến tôi khó lòng lãng quên. Đó là điều cha đã kể lại cho chúng tôi nghe sau khi gia đình xảy ra một chuyện đáng buồn mà sau đó đã cứu kịp nhờ cha phát hiện ra được. Nhớ lại tôi thấy có một điều gì đó khó hiểu, nó như là một linh tính mà cha trực giác được.
Linh tính là gì nhỉ? có phải là một loại trực giác siêu hình, biết thẳng mà không giải thích được bằng khoa học, bằng luận cứ hợp lý. Điều này thường dễ chấp nhận ở những người mê tín. Thế nhưng khi nghĩ về một kỷ niệm xa xưa, một chuyện xảy ra với gia đình mình thì ngẫm lại tôi thấy có một cái gì đó quá lạ với sự việc.
Chuyện xảy ra vào một ngày lễ. Đó là ngày Quân lực VNCH 19 tháng 6. Ngày hôm đó cũng như mọi năm, có biễu diễn nhảy dù trên Sông Hương – Phu Văn Lâu.
Sáng hôm đó như thường lệ đứa học trò học việc dậy sớm pha trà và cha tôi như mọi khi, ngồi nơi bộ bàn ghế chữ U giữa nhà uống trà một mình. Bỗng nhiên ông đứng dậy đi lên thang lầu, bước ra sân thượng để nhìn người ta nhảy dù. Vì không thấy được ông đi thụt lùi ra sau nheo mắt, đưa tay che nắng nhìn cho rõ. Bỗng nhiên ông giật mình vì chân ông va một vật cản mềm. Ông xoay người nhìn xuống và ông thất kinh la lên:
- Thằng Cu Anh có chuyện rồi bây ơi!
Mọi người chạy lên, thì ra người anh kế tôi đã sùi bọt mép, nằm dưới mái ngoái đưa ra phần đúc của sân thượng, bên cạnh có ống Optalidon trống trơn, nghĩa là ông anh đã uống sạch.
Lúc ấy tôi đang bận đi học, chỉ nghe cha tôi sau nầy kể lại, và ông nói rành mạch:
- Tau đang ngồi uống trà, bỗng có tiếng nói văng vẵng bên tai rất quen thuộc, tau nghĩ là mạ mi: “ Nì lên trên lầu mà coai họ nhảy dù tề! “.Đời mô tau ưa mấy cái chuyện ni nhưng không hiểu răng tau lại nghe lời, đi riu ríu, nhờ rứa mới chộ được rứa!
Bấy giờ có anh Hiệp và chị Chanh ở nhà, Cả hai tức tốc gọi xe chở vô cấp cứu bệnh viện Trung Ương Huế.
Chị Ch kể lại: May quá, qua gặp bác sĩ Nguyễn Khoa Nam Anh, ông cho súc ruột và chuyền xê - rum ngay. Lời ông Nam Anh nói với các y tá: Chuyền liên tục cho đến khi nào tỉnh mới thôi!
Sự việc ngày hôm ấy quá bất ngờ, xúc động, tôi vẫn nhớ mãi bác sĩ Nam Anh, sự tận tình và xốc vác đối với ông anh tôi ngày ấy của ông. Nhắc tới đây lại nhớ chị Chanh, người chị thương yêu đùm bọc các em. Phải chăng chị có linh hồn mẹ dẫn dắt mọi hành động săn sóc các em? Ôi! chị làm việc cho bác sĩ Nam Anh ở phòng khám bệnh ngoài giờ của người ở Hàng Bè, sát cầu Đông Ba. Ngày ấy tôi vẫn đi chiếc xe Vélosolex mà chị đã mua để chiều chiều lên đón chị. Vẫn nhớ những lần chị để phần bánh cho em khi bác sĩ Nam Anh dành cho chị.
Nhớ mãi chị Thương Em, con gái bác hàng xóm đã lên ở lại trên bệnh viện, túc trực cho đến khi ông anh bắt đầu tỉnh sau khi chuyền bình xê rum thứ 20. Lúc nầy ông anh vùng quá dữ, phải có y tá nam lên giữ mới yên. Và anh đã được cứu sống. Nhưng còn chị Th. Em? Chị đã không có cơ hội. Chị đã kết thúc cuộc đời của mình bằng một sợi dây. Sự tuyệt vọng khi phát hiện người récepteur ở trong nhà, chị nuôi cho ăn học đã bỏ đi với một người khác.
Trở lại chuyện ông anh nông nỗi. Hành động của ông là kết quả của mối quan hệ ghẽ lạnh giữa cha tôi và ông ngày ấy sau khi cha tôi đã phải vào Đà Nẵng tìm anh tôi do anh bỏ nhà vào trong đó, đi làm récep cho cho gia đình anh Nguyên ở Đà Nẵng. Anh Nguyên là con bác Sáu ở ngay đầu đường Chi Lăng – kiệt Cây Gòn. Vẫn còn nhớ mãi khi tìm ra anh tôi, mang trở về Huế, ông giận lắm nhưng ông không nói một lời nào. Im Lặng. Sự im lặng thật đáng sợ. Anh tôi ở trong nhà mà cha tôi xem như anh không có mặt. Nhiều lúc nhìn khuôn mặt lạnh lùng của cha, tôi cũng cảm thấy sợ hãi. Không khí đó kéo dài đâu được 2 tháng thì xảy ra vụ ông anh quyết định quyên sinh.
Hành động của anh tôi đã làm cho cha hối hận. Kể từ đó, cha tôi rất quan tâm tới anh tôi. Và thường dành mọi sự ưu tiên cho anh. Tôi nhớ sau khi ông tình nguyện đi sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Thời gian đi thực tập chuyên ngành ở Bình Dương ông gửi thư về nhà xin tiền cha tôi mua một cái cassette, ông cho liền. Khi ra trường, cha tôi vui lắm, ông đi khoe cùng xóm. Anh tôi xin tiền mua một chiếc xe Yamaha đàn ông màu đỏ, ông OK ngay.
Chuyện cha tôi kể lại sự việc sáng hôm đó, ông nghe tiếng nói của mạ tôi nhắc ông lên lầu coai nhảy dù tôi tin là thực. Bởi vì thứ nhất, bình thường ông không bao giờ ưa thích mấy chuyện nầy. Thứ hai khi nói rằng ông nghe một giọng nói quen thuộc nhắc ông lên coi thì tôi lại càng ngạc nhiên hơn. Như đã nói cha tôi bản tính không bao giờ tin mấy chuyện huyển hoặc mơ hồ.
Nhắc lại một kỷ niệm ngày xưa với một điều mà tôi vẫn đặt ra cho mình, có không, một thế giới tâm linh, một linh tính, một tín hiệu từ cõi khác gởi về?
Những người ngày xưa ấy bây giờ đã không còn ai: Cha tôi, chị tôi, anh Cự tôi, bác sĩ Nguyễn Khoa Nam Anh, chị Thương Em, chẳng còn ai nữa! nhưng hình ảnh cha tôi, Người ngồi uống trà buổi sáng, trầm ngâm một mình và thoảng nghe tiếng nói của mẹ: Hãy lên trên lầu mà coi người ta nhảy dù tề! vẫn ám ảnh tôi mãi.
Nguyễn Lương Tuấn
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tuyên Quang - Vùng đất cổ giàu bản sắc văn hóa Nhắc đến Tuyên Quang ai cũng nghĩ ngay đến “Miền gái đẹp” với những cái tên nổi tiếng một...