Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ (*)
Nơi miền "sơn cốc" vắng
Ly cà phê sóng sánh
Chờ đón bạn phương xa
Thế là tôi và một cô bạn nữa đã hẹn
nhau tìm về “sơn cốc” của T.L. một cô bạn ở xứ sở cà phê (chúng tôi đã gọi
nơi ở xa cách và vắng vẻ của bạn một cách trìu mến như thế). Chỉ có hiểu nhau
như thế nào người ta mới đi thăm nhau mà không ngại tuổi tác và đường xa. Chúng
tôi đến nhà T.L. thuộc huyện Krông Ana, một vùng trọng điểm cà phê của Đắk
Lắk, cách thành phố Buôn Mê Thuột gần 30 km vào một buổi chiều nắng nhẹ. Có đến
tận nơi này chúng tôi mới thật sự hiểu về cuộc sống của bạn mình ra sao, đúng là
“trăm nghe không bằng một thấy”, và lại càng thương bạn nhiều hơn.
Cả buổi chiều chúng tôi
thơ thẩn trên con đường cà phê xanh ngát, trĩu quả, nhìn ngút mắt cũng chỉ thấy
cà phê bạt ngàn, cùng tận hưởng không khí mát mẻ, trong lành.
Tối hôm ấy có thêm
hai bạn nam nữa là Th. và H. vốn là cựu học sinh Pleiku trước 75, một người từ
thành phố Ban Mê, một người từ Ninh Hoà- Nha Trang nghe tin người PK về đã vượt
đường xa để cùng hội ngộ với chúng tôi. Tình người Pleiku có thể hiện diện bất
cứ nơi đâu!
Không chỉ thế, người dân ở đây còn để lại trong tôi một
ấn tượng khó quên. Đó là sẵn lòng giúp đỡ nhau lúc “tối lửa tắt đèn”, nhà TL có
cây đu đủ cao khó hái, thấy có người đi qua trước nhà, bạn tôi liền gọi vào nhờ
trèo lên hái. Mỗi người của mỗi nhà đều có số điện thoại của nhau để phòng khi
có bất trắc xảy ra là gọi nhau cứu giúp. T.L. đã có những người bạn tốt như thế,
trong đó nhiệt tình nhất là một cháu trai tên Th- người đã chở tôi đi lại khi
còn ở đây.
Tình thu vui rộn rã
Chuẩn bị mồi tá lả
Mừng gặp bạn tri âm
Sau cuộc vui chén tạc chén thù là đến tiết mục
văn nghệ “cây nhà lá vườn” hát cho nhau nghe. Tiếng hát như phá tan không gian
yên vắng thường ngày và kéo dài đến tận khuya, có lẽ không làm phiền ai
vì tôi nghe cũng có tiếng hát vọng lại từ nhà ai đó trong xóm.
Sáng hôm sau, H. có việc phải về
Ninh Hoà (còn Th. đã về Ban Mê trả phép cho bà xã từ đêm qua) những người còn lại
đi tham quan thác Dray Nur – một cảnh đẹp nổi tiếng của Daklak. Nếu thác Phú Cường
của Gia Lai hùng vĩ về độ cao đến chóng mặt và thường có câu vồng xuất hiện thì
thác Dray Nur lại như một bức tường nước trải dài thật ngoạn mục. Tiếc rằng do
các công trình thuỷ điện nên đã làm giảm đi vẻ đẹp kỳ thú của dòng thác này.
Tác giả bài viết là người ngồi thứ 2 từ trái sang
Thác Dray Nur còn hấp dẫn du
khách bởi cảnh sắc nơi đây vừa hoang sơ vừa có sự tôn tạo của con người với những
bậc thang đá uốn lượn, với cầu treo vắt ngang dòng suối xen giữa các khóm
trúc xanh, với ngôi nhà sàn làm nơi nghỉ chân và uống cà phê hóng mát, ngắm cảnh
núi rừng.
Trong thoáng chốc, tôi mơ màng
nghĩ đến những đêm trăng sáng nơi đây chắc đẹp đến say lòng.
Đêm cuối, chúng tôi- ba người đều
đã lên chức bà, lại cụng ly và cười đùa nghiêng ngả. Chuẩn bị tới 4 chai rượu đủ
loại nhưng chỉ để doạ chơi và…chụp hình cho vui thôi. Sau đó, theo yêu cầu của
tôi, TL vừa đệm đàn vừa hát bản Serenade để cùng hồi tưởng lại một thời mơ mộng
đã đi qua.
Từ biệt “sơn cốc” thân thương của
TL trong sự lưu luyến và mong một ngày nào đó có dịp sẽ quay về.
Những ngày vui qua mau
Nơi “sơn cốc” đìu hiu
Mà Tình Người rực sáng
Âm áp tuổi xế chiều
(*) Câu thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm
(**) Dựa ý câu thơ của Lưu Trọng Lư.
Tháng 8- 2015
Nguyễn Đoan Tuyết (Gia Lai)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét