Thứ Ba, 11 tháng 8, 2015

Câu chuyện cổ và kinh Vệ Đà

Câu chuyện cổ và kinh Vệ Đà
Thung Dung. Anh Nguyễn Quốc Toàn (Bulukhin), nhà hiền triết uyên bác, tạo diễn đàn KINH VỆ ĐÀ SỐ 7 với câu hỏi:“Nội dung Kinh Vệ Đà số 7 nói gì ?”.Tôi xin được trao đổi ba ý  Câu chuyện cổ và kinh Vệ Đà; Từ 36 kế đến Tây Du ký và Lộc Đỉnh ký; Túi khôn của nhân loại.
Câu chuyện cổ và kinh Vệ Đà
Câu chuyện cổ
Ngày xưa, có một anh chàng mạnh khỏe, đẹp trai nhưng hơi bị cù lần, thế nhưng mèo mù vớ cá rán, chàng cưới được một cô vợ vừa xinh đẹp lại vừa thông minh. Cô nàng rất duyên dáng, nói chuyện có duyên, đến nỗi thầy chùa cũng ngẩn ngơ như phải bùa yêu. Anh chồng yêu vợ say đắm nhưng vừa lo, vừa ghen nên cấm tiệt vợ không được tự do giao thiệp và thường hay xét nét vợ. Thế rồi ai đó tư vấn cho anh phải tìm học thuộc kinh Vệ Đà số 7 mới khép cô vợ nghi là đong đưa kia vào khuôn phép. Vậy là một liều ba bảy cũng liều, anh chồng khăn gói bỏ nhà ra đi tìm kinh Vệ Đà số 7.  Anh ta đã vượt qua không biết bao nhiều núi sông với bấy nhiêu đường đất, nhưng chàng vẫn chưa tìm được bảo bối cần tìm. Một hôm chàng gặp một đoàn tiên nữ đẹp tuyệt trần đang tắm bên suối ngọc, chàng lén thưởng thức sau đó lân la làm quen để hỏi về kinh Vệ Đà số 7. Một nàng  ra dáng đại ca cật vấn chàng về lý do đi tìm học kinh Vệ Đà số 7. Chàng đã thành thật kể hết sự tình. Nghe xong cô tiên bảo, anh hãy về động ở chung, chúng tôi sẽ dạy anh lời kinh rất mực thiêng liêng ấy. Anh chàng vui vẻ nghe theo, và từ đó anh thành một lãng tử thực thụ trong động tiên cô. Các nàng dạy cho anh nuôi chim, nuôi thú, đi cày, lại dạy anh cách cãi vã đánh lộn… với chữ nghĩa triết lý sâu sắc, nhân hậu của nhà hiền triết cho đến mọi thói ranh ma của người đời. Sau cùng, truyền cho anh ta biết cách biến một khuôn mặt khả ái đáng yêu thành một khuôn mặt yêu tinh, tầm thường.
Đến một ngày kia anh quay về nhà, phải lúc người vợ đi vắng. Lòng anh lại bùng lên cơn giận vì đoán chắc người vợ lại đi đong đưa. Anh ta lập tức nhắn tin gọi ngay vợ về mà không thèm nghe một lời giải thích. Cô vợ gọi một người bạn ít may mắn, có khuôn mặt “ma chê quỷ hờn” trong nhóm và nói nhỏ với bạn hãy về nhà giúp mình, đợi khi anh chàng ra khỏi phòng thì tắt đèn làm như thế, như thế… Quả nhiên, khi anh chàng về giường đã thấy vợ thơm phức ở đó. Trời tối, cô “vợ” che mặt dỗi chồng, lại không lên tiếng, nên anh chàng cứ nghĩ đấy là vợ mình. Ân ái xong, đến gần sáng, cơn giận của anh chồng lại bùng lên. Anh ta vừa ghen vừa cả giận mất khôn nên đã  niệm chú biến khuôn mặt khả ái đáng yêu của vợ thành khuôn mặt tầm thường. Niệm chú xong, anh ta giơ tay giật phát mặt nạ thì …ôi thôi, phát thuật duy nhất một lần, đã quả nhiên linh nghiệm. Mặt người vợ đổi khác. Cô “vợ” ôm mặt khóc rưng rức và chạy đi…
Anh chàng hối hận đi lang thang tìm vợ khắp nơi và đau đớn tuyệt vọng thề thốt sẽ không màng xấu đẹp chỉ quyết lòng xin nàng trở về. Sau cùng, nàng đồng ý về nhà, nhưng không gặp chồng ngay mà quỳ trước bàn thờ khấn to: “….nếu con quả thật không chung thủy với chồng con thì xin người cứ trừng phạt, còn nếu con bị oan uổng thì xin người hãy ban phép cho mặt con trở lại như xưa…” Anh chồng nghe chưa hết câu đã chạy đến giật phăng tấm mạng che mặt, và sững sờ thấy mặt mũi vợ vẫn đẹp như xưa. Đến lượt anh quỳ thụp xuống bên cạnh vợ, nức nở nói lời xin lỗi, và thề nguyền từ nay đến suốt đời tin vợ, không dám nghi ngờ gì nữa.
Cho đến nay, vợ chồng chàng trai nọ vẫn ở bên nhau, đêm đêm anh chồng vắt tay qua trán nghỉ về kinh Vệ Đà số 7 và vẫn chưa hiểu hết những ẩn ngữ khôn ngoan thật sự trong kho tàng vô giá của người xưa truyền lại.
Kinh Vệ Đà
Xưa kia, sách vở không nhiều như hiện nay, những hiểu biết của nhân loại được truyền khẩu hoặc lưu lại qua chỉ dấu, bia đá, sách vở …PS. Taranop đã lược khảo 106 nhà thông thái: cuộc đời, số phận, học thuyết, tư tưởng, với rất nhiều người lỗi lạc trong các thời đại và đất nước của họ như Sôlômông, Talet, Ê dốp, Lão Tử, Thích ca Mâu Ni, Khổng Tử, Sôcrat, Aristot, Chúa Giêsu, v.v…. (Nhà  Xuất bản Chính trị Quốc gia Hà Nội 914 trang). Các kiệt tác truyền bá sâu rộng được gọi là kinh (như kinh bát nhã, kinh kim cương, đạo đức kinh, kinh thánh, kinh dịch, kinh thi, kinh thư…).
Kinh Vệ Đà là bộ kinh tối cổ của người Ấn Độ. Nó là cội nguồn của Ấn Độ giáo,  Phật giáo, Thiên chúa giáo,  Hồi giáo …Vệ Đà (từ gốc vid, –  hiểu biết) là hợp thành kiến thức của xã hội Ấn Độ được truyền khẩu từ 5000 năm đến 1500 năm trước CN, bao gồm những bài thánh ca, kinh cầu nguyện, nghi lễ tế thần,  ma thuật, thơ ca về thiên nhiên tuyệt đẹp…
Theo Radhakrishnan và Moore, trong cuốn “Indian Philophy”, trích dẫn bởi Thượng tọa Thích Chơn Thiện tại Phật học Ngày nay thì triết lý Ấn Độ chia làm năm giai đoạn:
* Giai đoạn I: Từ 2500 TTL đến 600 TTL là giai đoạn của tư tưởng Vệ-đà.
* Giai đoạn II: Từ 600 TTL đến 200 TL là giai đoạn tư tưởng Anh hùng ca.
* Giai đoạn III: Là giai đoạn của những thế kỷ đầu Tây Lịch, giai đoạn của Kinh (Sutra). Giai đoạn này gồm các phái Triết học: Thực tại luận, Đa nguyên luận, Tiến hóa nhị nguyên luận, Thiền định; Những công trình khảo cứu về kinh Vệ đà
* Giai đoạn IV: là giai đoạn học thuật, luận viết và giải thích các Kinh đã ra đời.
* Giai đoạn V: Tư tưởng Ấn Độ đương thời.
Giai đoạn Vệ-đà là giai đoạn tư tưởng triết học thành tựu của nền văn minh Ấn Độ nổi tiếng và cổ nhất thế giới. Có bốn loại Vệ-đà: Xưng tụng cái Biết (Rig-Veda), Ve- đà về Tế tự (Yajur-Veda); Ve- đà về Thần chú, Ca vịnh (Samma-Veda), và Vệ-đà do Đạo sĩ Atharva truyền lại, có tính cách tham bác và triển khai ý nghiã của ba bộ kia (Atharva-Veda). Kinh Veda đề cập đến rất nhiều vị thần như thần Mặt trời, thần Lửa, thần Bầu trời, thần Bão tố, thần Gió, thần Nước, thần Bình minh, thần Đất, v.v… nhưng dân Ấn khi thờ vị thần nào thì vị thần ấy trở nên vị thần chúa tể. Do vậy, Vệ-đà vừa mang ý nghĩa đa thần, vừa mang ý nghĩa nhất thần.
P.D. Mehta, trong cuốn “Early Indian Religious Thought”, nhà xuất bản Lusac và Company Limited xuất bản ở London năm 1956, đã viết rằng: “Tôn giáo được đức Phật đề xuất thì rất độc đáo, nó khác biệt một cách sửng sốt với tất cả các tôn giáo lớn khác. Chính pháp (chân lý) là suối nguồn, chứ không phải là một con người thần thánh hay tuyệt đối. Mục đích là vô ngã, sự chấm dứt khổ đau, và sự chứng ngộ bất tử, Niết bàn…”.
(But Religion as pronounced by the Buddha is so orginal that it is startling different from all the other great religions. The Dhamma, and not a Divine Person or Absolute, is the fountain head. The goal is selflessness, the cessation from being a source of sufffering and evil, and the realization of the Deathlessness of Nirvàna…) (p. 186-187). Geogre Grimm, học giả người Đức, trong cuốn “The Doctrine of the Buddha” cũng viết: “Giáo lý của đức Phật cũng gọi là giáo lý của Vô ngã, tương phản với giáo lý Ngã của kinh Vệ Đà “ (p. 370). Phật giáo chủ trương hết thảy các pháp là Vô ngã, bình đẳng giai cấp, bình đẳng giữa con người có máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn. Học thuyết mang đầy tính cách mạng tư tưởng và cách mạng xã hội, khác hẵn với các học thuyết Ấn Độ trước đó hoặc cùng thời. Đây là vị trí độc đáo của Phật giáo trong lịch sử Ấn, cũng như trong lịch sử nhân loại. Chính vì điểm khác biệt lớn lao này mà cho đến nay một số Bà-la-môn giáo vẫn xem Phật giáo như là thù nghịch, cho rằng chính Thích Ca Mâu Ni đã làm đảo ngược truyền thống Ấn Độ.
Ngộ được mối liên hệ giữa Phật giáo với kinh Vệ Đà và các học thuyết Ấn Độ trước đó sẽ hiểu được túi khôn của nhân loại trong câu chuyện cổ ở trên.
Từ 36 kế đến Tây Du ký và Lộc Đỉnh ký
Nghe xong câu chuyện cổ với những tình tiết kín đáo đã hé lộ, bạn hẵn đoán được đó là TRÍ TUỆ hoặc TRÍ HUỆ  theo cách diễn đạt của đạo Phật. Đây là kế “Thay Loan tráo Phụng” hay “Du Long chuyển Phượng” mưu kế thứ bảy trong ba mươi sáu kế nổi tiếng (三十六計, Tam thập lục kế; hay 三十六策, Tam thập lục sách) của người xưa. Ba mươi sáu kế đó là:
1. Dương đông kích tây (Đánh lạc hướng đối phương). Kế “Dương đông kích tây” là reo hò giả vờ như thật sự đánh vào phía đông, nhưng chủ yếu lại đánh vào phía tâỵ muốn làm điều này nhưng lại giả làm điều kia. Kế này nhằm chuyển mục tiêu khiến cho địch sơ ý, lừa lúc bất ý tấn công kẻ không chuẩn bị.
2. Điệu hổ ly sơn (Dụ hổ ra khỏi rừng). Kế “Điệu hổ ly sơn” là nhử, dụ hay khuấy động làm cho con hổ ra khỏi rừng. Kế này nhằm nhử hổ ra khỏi rừng để dễ dàng giết hổ hoặc  đuổi hổ đi để dễ bắt giết những loại hồ ly vẫn dựa oai hổ mà hoành hành.
3. Nhất tiễn hạ song điêu (Một mũi tên hạ hai con chim) Ý của mưu kế này là dùng sức lực tối thiểu để đạt đến hiệu quả tối đa.
4. Minh tri cố muội (Biết rõ mà làm như không biết). Với người xưa, đây là một triết lý xử thế rất cao, mục đích lại ẩn trốn tất cả những tiếng thị phi nghi hoặc, nhưng theo nghĩa mưu kế, nó là một thái độ thâm sâu. Cái đức của người quân tử không thể không cho thiên hạ biết, nhưng cái mưu kế của trượng phu không thể không giấu thiên hạ. Biết rất nhiều mà tỏ ra không biết là một mưu kế sâu sắc.
5. Mỹ nhân kế (Kế dùng gái đẹp) Mỹ nhân từ ngàn xưa luôn là đề tài chính. Sức mạnh của người đẹp có thể thay đổi cả đại cục, ảnh hưởng đối với bậc anh hùng, quyền thế.
6. Sấn hỏa đả kiếp (Theo lửa mà hành động) Kế này lợi dụng lúc loạn để sắp xếp theo ý muốn. “Sấn hỏa đả kiếp” có hai loại : Một là theo lửa để mà đánh cướp, thừa lúc người ở trong cơn nguy biến mà ta quấy hỗn loạn thêm. Hai là chính ta phóng hỏa mà đánh cướp, gây ra sự hỗn loạn để thực hiện ý định của ta.
7. Du long chuyển phượng (Biến rồng thành phượng) Kế “Du long chuyển phượng” là biến cái này thành cái kia, trong dân gian thường gọi là “Treo đầu dê, bán thịt chó”.
8. Vô trung sinh hữu (Không có mà làm thành có) Kế này  hình dung như tu hú đẻ nhờ, tổ thì chim khác làm, nhưng con tu hú cứ đến đặt trứng của nó vào đó, rồi lại nhờ loài chim khác ấp trứng luôn, khi trứng nở thành chim, tu hú con bay về với bầy tu hú. Thủ đoạn là chọc trời khuấy nước làm rối beng sự việc lên, tung tiếng đồn, gây tiếng tăm, dựa vào đó mà thủ lợi.
9. Tiên phát chế nhân (Ra tay trước để chế phục đối phương) “Tiên hạ thủ vi cường”  ra tay “chớp nhoáng” không cho địch kịp trở tay, không cho dư luận kịp phản ứng kịp.
10. Đả thảo kinh xà (Đập cỏ rắn sợ) tương tự như kế “giết gà, dọa khỉ” .
11. Tá đao sát nhân (Mượn đao để giết người) mượn tay người khác để tiêu diệt kẻ thù của mình. Tào Tháo mượn tay Lưu Biểu, Hoàng Tổ để giết Nễ Hành là một thí dụ.
12. Di thể giá họa (Dùng vật gì để vu khống người ta) Kế này còn gọi là “vu oan giá họa” tự mình không ra mặt mà làm cho đối phương bị hại.
13. Khích tướng kế (Kế khích tướng) khích lệ hùng khí của người khác làm tướng giặc nổi giận, mất sáng suốt, thiếu suy nghĩ, không tự chủ được mình.
14. Man thiên quá hải (Lợi dụng sương mù để lẩn trốn) Man thiên, trời u ám không phải hoàn cảnh hoàn toàn bất lợi, có thể nhờ nó để lẩn tránh tai họa, lợi dụng sơ hở của địch để thoát hiểm hoặc tạo ra tình thế mới.
15. Ám độ trần sương (Đi con đường mà không ai nghĩ đến) “Tôn Tử Binh Pháp” viết: “Việc binh là trá ngụy, có thể mà làm ra vẻ không có thể, dùng đấy mà tỏ ra không dùng, gần giả làm như xa, xa giả làm như gần. Lấy lợi mà dụ, gây rối mà đuổi, thấy khỏe thì tránh, làm mọi cách giảm lực đối phương để thủ thắng”.
16. Phản khách vi chủ (Đổi khách thành chủ) Kế này là đổi địa vị khách thành địa vị chủ, đổi thế bị động thành chủ động.
17. Kim thiền thoát xác (Ve sầu thoát xác) Kế này dùng để lừa dối, che mắt đối phương, đặng đào tẩu chờ một cơ hội khác.
18. Không thành kế (Kế bỏ trống cửa thành) dùng nghi binh để lừa dối đối phương mà dựa vào đó để trốn thoát hoặc dụ địch vào sâu để tiêu diệt.
19. Cầm tặc cầm vương (Dẹp giặc phải bắt tướng) Cách bắt tướng thiên biến vạn hóa, không cứ bằng sức mạnh hay bằng trí khôn. Các kế khác đều có thể dùng cho kế này
20. Ban chư ngật hổ (Giả làm heo để ăn thịt hổ) Lão Tử nói: “Người cực khôn khéo mà làm ra vụng về”, Làm ra ngu xuẩn nhưng rất tinh tường. Tỏ ra đói mệt nhưng thật là no khỏe Ngoài mặt cung kính nhưng trong âm thầm chuẩn bi để địch mất cảnh giác.
21. Quá kiều trừu bản (Qua cầu rút ván) Lấp đường thành công của những người đến sau để độc chiếm thành tựu.
22. Liên hoàn kế (Kế móc nối nhau)  vận dụng một quyền thuật để tạo phản ứng dây chuyền. Mỹ nhân kế là vũ khí phổ biến nhất trong “Liên hoàn kế”.
23. Dĩ dật đãi lao (Lấy khỏe để đối phó với mệt) lấy sự thanh thản dưỡng sức mà đợi kẻ phí sức, mỏi mệt, giảm bớt nhuệ khí của địch rồi mới thừa cơ xuất kích.
24. Chỉ tang mạ hòe (Chỉ dâu mắng  hòe) tương tự câu “chửi chó mắng mèo”, mượn một sự kiện khác để tỏ thái độ.
25. Lạc tỉnh hạ thạch (Ném đá vào người dưới giếng) Rơi xuống giếng lại còn ném đá vào đầu để đối phương chết hẳn.
26. Hư trương thanh thế (Thổi phồng thanh thế) để cho người ta chóa mắt, nể sợ. Đời Tam Quốc, Tào Tháo tiến quân xuống Giang Nam thổi phồng thanh thế trăm vạn hùng quân nhằm dùng ưu thế tuyệt đối để buộc Tôn Quyền hàng phục. Khổng Minh, Chu Du thấy rõ kế này nên đã thắng được.
27. Phủ để trừu tân (Bớt lửa dưới nồi)  tìm cách làm cho nó dịu đi, lớn thành nhỏ, nhỏ thành không có.
28. Sát kê hách hầu (Giết gà cho khỉ sợ)  Con khỉ vốn rất sợ máu. Lúc bắt khỉ, người ta vặn cổ con gà cho nó kêu lên những tiếng ghê rợn, khiến khỉ bủn rủn chân tay để bắt
29. Phản gián kế (Dùng kế của đối phương để quật lại) dùng người của đối phương để lừa dối đối phương, dùng kế địch lừa địch. Tôn Tử nói: “Biết mình là biết thực lực và nhiệm vụ của mình. Biết người là biết thực lực và ý đồ của địch. Biết mình dễ hơn biết người. Muốn biết người phải dùng gián điệp”.
30. Lý đại đào cương (Đưa cây lý chết thay cây đào) Người lớn làm họa, bắt người bé chịu tội thay, khống chế người thân để khuất phục người cần bắt.
31. Thuận thủ khiên dương (Thuận tay dắt dê) nhân cơ hội vụt để thu được những cái lợi bất ngờ. Dân gian có câu cùng nghĩa “đắm đò rửa trôn”
32. Dục cầm cố tung (Muốn bắt mà lại thả ra) mềm dẻo để thu phục lòng người.
33. Khổ nhục kế (Hành hạ thân xác mình để người ta tin) Đem thân xác bị hành hạ để làm bằng chứng tiếp cận địch để hoàn thành một âm mưu nào đó.
34. Phao bác dẫn ngọc (Ném hòn ngói để thu về hòn ngọc)  Dân gian thường nói “thả con tép bắt con tôm” cũng là kế này.
35. Tá thi hoàn hồn (Mượn xác để hồn về) lợi dụng một lực lượng nào đó để thi hành trở lại chủ trương của mình. Kế này rất nguy hiểm như rước voi giày mả, đưa hổ vào nhà.
36. Tẩu kế (Chạy, thoát thân) “Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách”. (Ba mươi sáu chước, chạy là hơn hết!) Kế này là đầu tiên và sau cùng liên quan nhiều đến sự thành bại của việc lớn. Đó là né tránh tai họa để để bảo toàn lực lượng.
Trong Tây Du ký  và Lộc Đỉnh ký, “Thay Loan tráo Phượng” đã được sử dụng rất khéo và nhiều lần, biến hóa khôn lường, tựa như câu nói trong “Hồng Lâu Mộng”: Giả bảo là chân, chân cũng giả/ Không làm ra có, có rồi không. Để nhận thức được đúng đắn và xử lý được đúng đắn cần phải có minh tâm và trí tuệ.
Túi khôn của nhân loại
Tinh hoa minh triết có nhiều, xin được thu thập mà không lạm bàn. Trí tuệ bậc Thầy là năng động, quyền biến, phát hiện chính xác các mâu thuẫn trong thực tiễn để đạt được mục đích bảo toàn mình và thắng lợi.
Tìm trong vốn cổ, suối nguồn chân lý của dân tộc và nhân loại, cùng những kinh nghiệm mới đương thời, có rất nhiều điều sâu sắc cần đọc lại và suy ngẫm.
Kinh Vệ-đà, tư tưởng triết học thành tựu của nền văn minh Ấn Độ nổi tiếng và cổ nhất thế giới. Kinh Phật với triết lý vô ngã: Chân lý là suối nguồn, chứ không phải là một con người thần thánh hay tuyệt đối. Trúc Lâm Yên Tử Trần Nhân Tông với minh triết:“Hãy quay về tự thân chứ không tìm ở đâu khác”. Đó là ba ngọn núi trí tuệ cao vọi, túi khôn của nhân loại.
Hoàng Kim


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...