Tiềm năng của ngôn ngữ trong sáng tạo
Ngôn ngữ trong tác phẩm nghệ thuật ngôn từ cũng giống như màu
sắc trong hội họa, âm thanh trong âm nhạc, đường nét, hình khối trong kiến
trúc... Nó là chất liệu trực tiếp và duy nhất, là yếu tố không thể thiếu được của
tác phẩm văn chương. Nhưng khác với các loại hình nghệ thuật nói trên, tính đặc
thù trong tác phẩm văn chương không phải do thiên nhiên cung cấp cho người nghệ
sĩ mà nó là một thứ của cải quý báu lâu đời của nhân dân tạo ra, gắn với quá
trình phát triển của lịch sử, truyền thống; đồng thời, nó cũng là cách tư duy
riêng của từng nghệ sĩ để tạo thành cái mà thi pháp học gọi là “con mắt riêng”,
là "nhãn tự", "nhãn cú", là thi pháp cá nhân. Nó được tinh
luyện mang tính sáng tạo độc đáo nhưng nó không hề thoát ly hoặc đối lập với
ngôn ngữ đời sống hàng
ngày.
Trong bài viết ngắn này, chúng tôi chỉ minh chứng bằng thể loại
thơ để thấy sự biến ảo kỳ lạ của ngôn ngữ trong tác phẩm văn chương. Chẳng hạn,
khổ thơ của Chế Lan Viên:
Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa
(Tiếng hát con tàu)
Ta thấy nét độc đáo riêng lại thuộc về tài năng của Chế Lan
Viên. Để nói niềm vui đổi đời của dân tộc, trong đó có từng thành viên của cộng
đồng, Chế Lan Viên đã tạo ra thành một chuỗi hình ảnh so sánh mang giá trị biểu
cảm cao, khiến người đọc không thể không liên tưởng đến những điều kỳ diệu,
thiêng liêng thông qua hình tượng nhân dân trong một hoàn cảnh và tính chất cụ
thể:xưa - nay; cũ - mới; cá nhân - tập thể; hạnh phúc - khổ đau; nô lệ - tự do. Ở
đây, hình tượng nhân dân thông qua mệnh đề đòn bẩy Con gặp lại nhân dân (A)
được so sánh với mệnh đề: nai về suối cũ (B) qua từ so sánh như đã
mở ra một không gian đầm ấm, đoàn tụ, hạnh phúc, chan hòa niềm vui. Nhưng chưa
hết, tác giả đã biến phương trình câu thứ nhất (A như B) thành những chuỗi
phương trình trong ba câu dưới, và vì vậy, giá trị của hình tượng nhân dân càng
được khẳng định lớn lao bởi cấu trúc B mang lại; không có B thì A (con gặp lại
nhân dân) cũng không thể nào thiêng liêng và xúc động như thế. Như vậy, chính
tác giả đã điều hành, tổ chức ngôn ngữ theo một cơ cấu riêng biệt mang
tính chủ quan của mình, nó “khách quan hóa” những hình tượng trong tư duy nghệ
thuật của người nghệ sĩ, chỉ có trong ý thức sáng tạo độc đáo của thi nhân. Từ
những chủ quan ban đầu, qua quá trình tái tạo có chọn lọc, nhà thơ phải tạo điều
kiện, phương thức thích hợp cho chính những hình ảnh trên không còn ở dạng tiềm
năng trong tư duy nữa mà phải được “khách thể hóa”, “vật thể hóa”, và đồng thời
“hình thức hóa” (chữ dùng của GS.TSKH Ngôn ngữ học Nguyễn Lai), làm cho nó hóa
thân từ chủ quan thành khách quan, từ trừu tượng thành cụ thể… dưới hình thức một
tác phẩm văn chương, mang giá trị nhận thức thẩm mỹ. Bốn câu thơ trên của Chế
Lan Viên sở dĩ hay và độc đáo là vì chính cái hình thức ngôn ngữ được tổ chức
“đặc biệt” ấy mà ra.
Thường một bài thơ, tác giả có xu hướng vươn lên nắm bắt và
khắc họa cuộc sống, gợi nhắc sự suy nghĩ từ bề sâu, từ những khoảng lặng của
câu chữ nhiều hơn là từ bề mặt văn bản. Có thể mượn một số bài thơ dưới đây của
Chế Lan Viên để minh họa cho ý trên:
Thành phố không chim tu hú
Bỗng đâu vải chín đầy đường
Mười mấy năm trời đấy nhỉ?
Chưa về thăm lại quê hương.
(Tu hú)
“Chim tu hú” và “mùa vải chín” là hai hình tượng đi liền
nhau, có liên quan nhau trong thực tế. Hễ đến mùa vải chín thì chim tu hú xuất
hiện. Ở đây, tác giả liên hệ mùa vải chín nhưng vắng tiếng chim tu hú để nói
lên sự cắt chia đất nước trong những năm chiến tranh, liên tưởng đến nỗi nhớ
quê Nam là sâu sắc và xúc động. Nghĩa được hiểu gián tiếp nên "lượng thông
tin" tâm hồn được vực dậy, trước hết là ở tác giả, thứ đến là nội cảm
trong tâm hồn người đọc. Hoặc trong bài Hoa trắng đỏ của Chế Lan
Viên, cũng thế:
Anh tặng cho em cành hoa sắc trắng
Nhưng khi yêu anh yêu đỏ hoa hồng
Tuổi năm mươi lòng yêu như lửa đỏ
Màu trắng của câu đầu và câu cuối là sự e dè, sự “giả vờ”
nhưng không thể lừa được ai. Nó là “con đà điểu” giấu đầu hở đuôi, bởi vì “yêu
đỏ hoa hồng” và “tuổi năm mươi lòng yêu như lửa đỏ” đã là phản đề
của tiền đề mà ông gọi cho nó với cái tên Hoa trắng đỏ. Hoa sắc trắng
ở đây không còn nguyên nghĩa nữa. Hoa hồng ở đây cũng vậy, đặc trưng của tình
yêu say đắm. Câu thứ ba thì đã rõ: “yêu đỏ hoa hồng”cùng trạng thái với “yêu
như lửa đỏ”, nhưng cấp độ sau cao hơn. Câu cuối là một ngầm chứa, một cách
nói ẩn dụ. “Bên ngoài vẫn cứ trắng như không” đã không giấu nổi tình
yêu sâu nặng. Thơ Chế Lan Viên bao giờ cũng có liên hệ xâu chuỗi và biến ảo ấy
để tạo nên vẻ đẹp thi ca. Đó là kiểu “phản ứng linh hoạt” của trí tuệ thông qua
ngôn ngữ, đặt cái này bên cạnh cái kia, đặt cái đã có bên cạnh cái sẽ có; cái
chưa có bên cái cần có nhằm tôn lên ý nghĩa đối lập và biểu trưng….để làm giàu
kho ấn tượng và nhận thức thẩm mỹ trong người đọc. Ví như trong hai bài thơ tứ
tuyệt sau đây của ông:
- Làm thơ là đem tên quả ngon ví với môi người
Gửi tên người vào trong hơi gió
Rồi đem gió nhập vào bão dữ
Và nhặt bên thềm một nhánh hoa rơi
(Làm
thơ)
- Anh đi xem cá và gặp người áo đỏ
Anh vẽ nên cá đỏ ở trong thơ
Rồi anh lại vẽ người bơi trong sóng thời gian như cá
Rồi anh chả vẽ gì, anh chỉ vẽ thời gian
(Vẽ cá)
Ta có thể thấy rất nhiều ví dụ đặc sắc trong vô vàn bài thơ để
thấy sự tác động và tiềm năng to lớn của ngôn ngữ thông qua quá trình sáng tạo
của người nghệ sĩ: chính là ở tính hướng nội mạnh và tính cá thể cao của
ngôn ngữ trong tác phẩm nghệ thuật ngôn từ; trong cơ chế nghĩa, cơ chế thể loại...Tính
hướng nội là “một hoạt động tự phát hiện phản ứng nội tâm của mình trước khách
thể”(ý của GS.TSKH Nguyễn Lai). Cho nên, nội tâm ở đây không thể tách rời cá thể
- hơn nữa - đến lượt nó, thế giới nội tâm không tách rời thế giới cảm xúc, cảm
giác, ấn tượng của người nghệ sĩ. Có thể minh chứng tiếp điều trên bằng bài thơ
có nhan đề Thiền của nhà thơ Việt Nam đương đại Nguyễn Khắc Thạch:
Bài thơ rất ngắn, nếu không xuống dòng thì chỉ có hai câu, nhưng ý nghĩa lại
lan rộng ra ngoài văn bản.
Bên thềm hoang
Thiếu phụ
Thoát y nằm
Ngọn nến cháy
Sau vầng trăng khuyết.
Không gian ở đây là thềm hoang nhưng không còn hoang vắng nữa
vì đã hiện diện một bóng hình thiếu phụ. Bất ngờ là ở dòng sau: “thoát y nằm”. Đó
là thế giới không lời, thế giới sinh động trần thế, nó nói lên vẻ đẹp của một
tuyệt tác giai nhân mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Nhờ có hình ảnh này
mà không gian, thời gian trở nên đẹp thánh thiện, ngưng lặng trong vẻ trinh
nguyên, quyến rũ đến lặng lẽ. Khổ thơ thứ hai là một triết lý thiền. Tác giả ngắt
câu thơ thành hai dòng để ý tưởng hiện ra, biểu hiện hai trạng thái của sự vật
(ngọn nến cháy) và trạng thái của thiên nhiên (vầng trăng khuyết).
Ngọn nến cháy không chỉ là ngọn nến mà còn là trạng thái của
con người. Con người ở đây là chủ thể ý thức - cái tôi trữ tình của bài thơ hay
nhân vật trữ tình của bài thơ, cũng thế - đang trầm ngâm nghĩ về cái vô thường
của “quán tướng”, cũng có thể là đang tự vấn về một lẽ vi diệu bí ẩn nào đó.
Còn người thiếu phụ nơi thềm hoang, “thoát y nằm” vẫn là một đối tượng
- với chủ thể thiền - để tôn thờ, ngưỡng vọng nhưng để xoá nhòa, hóa giải, bởi
vì “sau vầng trăng khuyết” chính là thời gian - không gian của sự khải
ngộ, của sự thanh thản như vầng trăng kia, ngọn nến kia đang hoà tan vào trời đất.
Trên đây cũng chỉ là một cách hiểu. Bài thơ kiệm lời đến tối
đa mà nghĩa thì tiềm ẩn, hàm súc, mở ra nhiều kiểu tiếp nhận, nhiều khoảng lặng
bên sau con chữ, chứ không phải hiểu theo nghĩa trực tiếp trên bề mặt câu chữ.
Đó chính là tín hiệu ngữ nghĩa hàm ngôn mà bài thơ mang lại một cách thâm thúy.
Vậy, đến đây cần khẳng định rõ một điều: Tiềm năng và khả
năng tạo sinh nghĩa của tác phẩm văn học, hiểu theo nghĩa ngôn ngữ học và ngôn
ngữ thơ hiện đại, đó chính là cái không lời, cái dồn nén, cái không tỏ lộ, cái
không nói hết, cái bỏ ngỏ của thơ. Tiết kiệm ngôn từ tối đa đến chừng nào đủ chấp
nhận được, khi ấy, nghĩa hàm ngôn, nghĩa khái niệm sẽ hiện lên một cách thâm
thúy và đa dạng. Và người tiếp nhận, tùy vốn văn hoá, vốn triết - mỹ, tùy trạng
thái, thị hiếu của mình mà làm đầy nghĩa cho bài thơ một cách sáng tạo.
Từ những đặc trưng và yêu cầu nghệ thuật thi ca như trên -
thông qua ngôn ngữ, mỗi nhà thơ phải biến tiềm năng ngôn ngữ thành hiện
thực thẩm mỹ với khả năng: cố gắng vượt qua chính mình - nói theo nghĩa sự tiến
lên, sáng tạo mới không ngừng, nhằm làm thất vọng mọi sở thích dễ dãi của chính
mình và chính người đọc để tạo ra những giá trị riêng bất ngờ và mới lạ. Điều
này cũng được nhà thơ Chế Lan Viên xác quyết:“Nhà thơ lớn ư? là để nhân loại
yêu mình bằng mọi cách”, để họ “phát giác sự việc ở bề chưa thấy... Ở
cái bề sâu, ở cái bề sau, ở cái bề xa”. Ở một chỗ khác, Chế Lan Viên cũng
có ý kiến rất tương ứng với tiềm năng ngôn ngữ thi ca: “Cái kết tinh của vần
thơ là muối bể - Muối lắng ở ô nề và thơ đọng ở bề sâu” nhằm tiếp tục “Khai
quật các tầng sâu - Ăn vào mùi hương trầm tích”, tức ông muốn nói “Nghệ sĩ
lớn là người nào muốn gián cách họ với ta bằng tác phẩm - Đem tất cả cái Bên
Trong tạo hình thức Bên Ngoài” thông qua hình thức ngôn ngữ. Chính là
nhờ ngôn ngữ mà nó mở ra khả năng vô hạn trong việc tìm hiểu ở bề sau, bề sâu,
bề xa của từ ngữ trong mỗi cá nhân người đọc mà Tô Đông Pha gọi là “cái vị bên
kia cái vị”, bởi vì trong thơ sở dĩ có được cái vị ấy là do nghĩa của thơ không
xuất hiện (theo cách này hay cách khác), nó thể hiện qua hiện tượng và tình huống
mà không bao giờ áp đặt cho ta” [1, tr.119]. Do vậy, người đọc, nhiều khi cảm
nhận được, nội cảm được tinh thần nhưng không thể miêu tả nó bằng hình ảnh cụ
thể, chính xác.
Phải chăng, thơ có tính để ngỏ, tiết kiệm mà theo R. Jakobson - nhà ngôn ngữ học nổi tiếng người Nga gọi đó là thao tác lựa chọn, chỉ có thơ ca mới cho phép tư duy và tổ chức tín hiệu ngôn ngữ như thế mà thôi. Trong khi đó, văn xuôi tự sự thì ngược lại, phải tuân thủ thao tác kết hợp, làm việc theo trục kết hợp.
Phải chăng, thơ có tính để ngỏ, tiết kiệm mà theo R. Jakobson - nhà ngôn ngữ học nổi tiếng người Nga gọi đó là thao tác lựa chọn, chỉ có thơ ca mới cho phép tư duy và tổ chức tín hiệu ngôn ngữ như thế mà thôi. Trong khi đó, văn xuôi tự sự thì ngược lại, phải tuân thủ thao tác kết hợp, làm việc theo trục kết hợp.
Trong bài thơ Thiền mà tôi dẫn trên, ý nghĩa mà ta
hiểu được có thể khẳng định là cái không phải trên câu chữ. Tinh thần và ý vị
triết học của bài thơ phải được hiểu ở ngoài lời, ở sự liên hệ nội tại bên sâu,
bên sau của văn bản, tức là hiểu ở cái “ảo và xa”. Vậy, sự phong phú về
tín hiệu của ngôn ngữ, ở đây, chính là sự phong phú về tín hiệu nghĩa giữa khoảng
lặng của ngôn từ thơ; tiềm năng của chúng nằm ở khả năng biến cái khó nhận biết
lập tức thành ý thức khám phá nghĩa thẩm mỹ của bài thơ, câu thơ và nhờ thế ý
thức ngày càng sâu sắc: thay vì làm thỏa mãn ngay lập tức thị hiếu hời hợt nhất
thời, chúng có khả năng vẫy gọi liên chủ thể tiếp nhận đồng sáng tạo theo từng
tầm đón nhận của độc giả.
Đấy chính là tiềm năng tạo sinh nghĩa của ngôn ngữ. Nó tỏ ra
phù hợp nhất đối với lĩnh vực thi ca - là thể loại mà nhà thơ cố gắng dùng cái
hữu hạn và tiết kiệm ngôn ngữ đến tối đa để thể hiện nội dung và tư tưởng, hình
tượng, nhưng lại có tiềm năng tạo nên sức bật ngữ nghĩa tối đa cho thơ.
Thơ ca bất kì dân tộc nào, đặc biệt là thi ca Trung Quốc và
Phương Đông đều trọng cái súc tích, hàm ẩn, dùng ít nói nhiều, dùng cái khả giải
để nói cái bất khả giải, là “ý tại ngôn ngoại”, là dư âm, dư vang của câu chữ,
là khoảng trống giữa các từ. Vậy, nếu hiểu theo nghĩa ngôn ngữ học và ngôn ngữ
thơ hiện đại, chính là cái không lời, cái dồn nén, cái không tỏ lộ, cái
không nói hết, cái bỏ ngỏ của thơ. Nhưng tiết kiệm ngôn từ tối đa ở đây phải có
ngưỡng giới hạn đủ chấp nhận được, khi ấy, nghĩa hàm ngôn, nghĩa khái niệm sẽ
hiện lên một cách thâm thúy và đa dạng. Và tùy vốn văn hoá nghệ thuật, vốn triết
mỹ và tùy trạng thái, thị hiếu của người tiếp nhận, giúp họ có thể giải mã được
ý nghĩa thi phẩm một cách chính xác và sáng tạo.
Chính điều này đã làm cho thơ Đường Trung Hoa và Việt Nam
giàu sức biểu hiện, biểu cảm và sức bật thâm thúy ở chiều sâu, ở dư âm, dư vị;
có khi được cảm nhận như những điều vô nghĩa, nhưng là vô nghĩa hợp lý. Một bài
thơ, theo GS.Phan Ngọc - là một sự đánh đố, chính vì lẽ ấy:
Nhiều bài thơ nổi tiếng của các thi sĩ tài danh Hàn Mặc Tử,
Hoàng Cầm, Xuân Diệu như: Đây thôn Vĩ Dạ, Nguyệt Cầm, Lá diêu bông… cũng nằm
trong kiểu tư duy trên nên ta không thể nhận thức, giải mã một lần là xong.
Chính vì vậy, mỗi bài thơ là một sự đánh đố đối với độc giả mà GS. Phan
Ngọc đã nói: “Câu thơ nào, do đó cũng đều đa nghĩa, cũng chứa đựng những câu hỏi
chỉ có anh mới giải đáp được cho mình mà thôi” [4, tr.32].
Đến đây, cần thiết phải nhắc lại phương thức làm việc của thơ
ca một lần nữa để thấy tính đặc thù của thể loại. Nếu văn xuôi tự sự làm việc
theo trục kết hợp để tạo ra tính logíc tuyến tính của văn bản, thì thơ ca lại
ưu tiên làm việc theo trục lựa chọn (trục chất lượng), nó ưu tiên lặp lại một từ
ngữ nào đó trong “hệ hình” và “trường nghĩa” hoặc nó được tổ chức ngôn ngữ “một
cách quái đản’, một cách có chọn lựa đặc biệt ... đã làm cho khả năng giải mã
tác phẩm trở nên vất vả nhưng không kém kỳ thú và hấp dẫn, tạo ra dư vị, dư
vang. Muốn vậy, người đọc phải liên tưởng, vận dụng năng lực thẩm mỹ và vốn văn
hoá - nghệ thuật riêng của mình để suy xét, tìm hiểu cái giá trị ẩn chìm bên sau
của ngôn từ mới có thể hiểu nội hàm thơ ca một cách tối ưu. Khi ấy, người thưởng
thức còn có vai trò thứ hai - vai trò tài năng của người đồng sáng tạo.
Ở đây, tôi muốn đề xuất thêm: Trong thơ ca, muốn tạo ra sự nội
cảm hoá trong lòng độc giả bằng ý nghĩa, tư tưởng thẩm mỹ sâu sắc, phong phú,
thì ngoài việc tổ chức từ ngữ thật độc đáo, quái đản, “ý tại ngôn ngoại”... cần
phải tạo ra nhiều biện pháp nghệ thuật, tăng cường tính triết lý, vận dụng thiền
học, huyền thoại, cổ tích, những nội hàm của các triết thuyết, tôn giáo... Khi ấy,
cái hàm ẩn, súc tích, cái khoảng lặng của câu chữ sẽ “phải cảm nhận được biểu
tượng ngoài biểu tượng”, “cái tuyệt vời ở bên kia âm hưởng”, cái thi vị ở “phía
bên kia từ ngữ”. Cứ thế, thơ sẽ không ngừng tạo sinh nghĩa, làm cho khả năng tiếp
nhận nó được mở ra nhiều hướng, nhiều khả năng trong từng thời kỳ khác nhau của
từng chủ thể tiếp nhận thẩm mỹ khác nhau.
Đến đây, có thể nói K.Mars đã rất đúng khi nói rằng “đặc điểm
riêng thuộc về sức mạnh của bất cứ con người nào cũng chính là bản chất riêng của
họ”. Như vậy, để tự mình “khách quan hóa”… không phải chỉ riêng của tư duy mà
là bằng tất cả các giác quan của con người tồn tại rõ rệt trong thế giới khách
quan. “Cái phong phú hơn cả là cái cụ thể nhất và cái chủ quan nhất” (Lênin).
Vinh quang ấy thuộc về những nghệ sĩ tài năng.
Ngôn ngữ trong tác phẩm nghệ thuật ngôn từ là một thứ ngôn ngữ
có độ mở cao nhất và đánh thức được nhiều trường cảm xúc nhất, làm cho quá
trình đồng sáng tạo giữa tác giả và độc giả càng thêm phong phú. Tính hướng nội
mạnh, tính cá thể cao, tính hình tượng giàu sắc thái mỹ cảm luôn là sự phấn đấu
không chỉ riêng chủ thể sáng tạo (dĩ nhiên là phải dựa vào tư duy lô-gích) mà
còn tùy thuộc vào từng phương thức làm việc, gắn với đặc trưng từng thể loại.
Phong cách của nhà thơ, cũng không thể xét trong sự tách rời ngôn ngữ thể loại.
Cho hay, tất cả những kiệt tác của nhân loại từ xưa đến nay đã, đang và sẽ luôn
làm thổn thức lòng người, mang lại cho mọi người một đời sống văn minh, văn hóa
và đời sống tinh thần phong phú, tinh tế. Điều đó bao giờ cũng thuộc về sự tài
hoa, độc đáo trong việc sử dụng và sáng tạo ngôn từ - chất liệu kỳ diệu của tư
duy con người - thông qua tài năng của từng người nghệ sĩ.
Hồ Thế Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét