Thứ Ba, 11 tháng 8, 2015

Trần Xuân Việt: Trái tim mang nặng tình quê

Trần Xuân Việt: Trái tim mang nặng tình quê
    Dáng quê là tập thơ thứ hai (sau tập thơ Vầng trăng Tân Trào) của tác giả Trần Xuân Việt, Hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh vừa được Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc cho ra mắt độc giả đầu năm 2015. Đúng với tên gọi của nó, tập thơ là những nỗi niềm, cảm xúc của tác giả với mẹ, ông bà, những người thân, những tên đất tên làng, địa danh gắn với bao kỷ niệm thân thương. Tuy mới chỉ xuất hiện với 2 tập thơ nhưng đọc thơ Trần Xuân Việt, ta dễ dàng cảm nhận được một hồn thơ với trái tim mang nặng tình quê.
Quê hương - hai tiếng gọi thân thương mà da diết. Bao lâu nay hình ảnh ấy đã khắc sâu trong trái tim mỗi chúng ta. Đối với mỗi nhà thơ, quê hương là một đề tài rộng lớn, quen thuộc. Cùng một hình ảnh của quê hương như cây đa, bến nước, dòng sông... nhưng mỗi thi sỹ lại cho người đọc những cảm nhận, cảm xúc riêng của mình. 

Đọc tập thơ thấy dáng quê, dáng mẹ đan xen, quện vào nhau. Nhìn quê hương ta thấy dáng hình của mẹ và ngược lại. Dù lam lũ, đói nghèo, vất vả nhưng hình ảnh mẹ, hình ảnh quê hương lúc nào hiện lên cũng đẹp. Tác giả như reo vui khi phát hiện ra một sự thật: “Quê ta như một bức tranh/Từ trong rơm rạ, mẹ thành quê hương” - (Mẹ). Hình ảnh dáng quê, dáng mẹ nghèo khó, vất vả cứ ăn sâu vào tâm trí tác giả, trở thành nỗi day dứt, ám ảnh mãi không thôi. Tác giả đã thốt lên xót xa: “Bông lúa hình vòng cung/Giống như hình lưng mẹ/ Mùa gặt nào cũng thế/Thương mẹ đến nao lòng” -(Mùa gặt).Với Trần Xuân Việt, một nhà giáo đã về hưu, tình yêu quê hương được thể hiện sâu sắc qua từng sự vật, hiện tượng. Trước hết, đó là hình ảnh của mẹ. Mẹ xuất hiện xuyên suốt trong tập thơ. Dù là trực tiếp hay gián tiếp thì hình ảnh của mẹ đều hiện lên với dáng vẻ lam lũ, sớm hôm tảo tần, một người mẹ đã hy sinh cả tuổi xuân để thờ chồng nuôi con: “Thân cò lặn lội bờ đê/Sớm khuya bóng mẹ đi về chợ hôm… Xa chồng tuổi mới hai nhăm/Vọng phu đời mẹ lặng thầm nhớ mong… Sần tay trên mảnh đất cằn/Thơm trong hương lúa màu khăn trắng vành” - (Mẹ). Hay “Mẹ tôi gánh sớm gánh chiều/Gánh thời gian với bao nhiêu nhọc nhằn… Mẹ thêm gánh cả yêu thương bốn mùa/Nắng mưa từ những ngày xưa/Mẹ như bông lúa tạc vừa dáng quê”- (Dáng quê).
Hình ảnh quê hương còn hiện lên qua những lời ru của mẹ, của bà, của ông, của thầy: “Thầy ru không rượu mà say/Mẹ ru bên những đường cày của cha” - (Nghe lời thầy ru); “Mát trong như nước giếng khơi/Vịn vào năm tháng ru lời yêu thương… Lời ông nối những nhịp cầu/Đu đưa cánh võng nông sâu cuộc đời” - (Lời ông); “Bà ru cháu ngủ giấc nồng/Bức tranh quê với dòng sông con đò/Lời ru nâng nhẹ cánh cò… Lời ru thắm đượm sắc màu quê hương”.
Hình ảnh quê hương còn được hiện lên qua “Dáng người lính biển”, là tình yêu quê hương, đất nước, là tinh thần sẵn sàng “…bồng cây súng xung phong/ Hướng về nơi cồn cào con sóng”, là nghĩa vụ sẵn sàng bảo vệ biển đảo quê hương.
Cùng với những hình ảnh rất chung của quê hương Việt Nam, ta còn thấy một hình ảnh rất riêng về quê hương Sơn Dương qua những cảm nhận về sự “thay da đổi thịt” từng ngày, diện mạo mới của vùng quê cách mạng trong thơ Trần Xuân Việt. Đọc Xuân về vùng mía Sơn Dương hay Lạc giữa miền quê, ta cảm nhận được tiếng reo vui trong lòng tác giả. Niềm tin phơi phới vào tương lai “rạng rỡ ánh bình minh”, tin chắc đời sống người dân quê mình sẽ khấm khá, kinh tế từng bước đi lên. Nhìn những chuyến xe nhộn nhịp, tấp nập chở mía trên đường mà tác giả cứ ngỡ “Như ngày xưa ra trận ở chiến trường”. Tác giả khoe: “Khác xưa nhiều nay vùng mía Sơn Dương/Trải vị ngọt tới từng thôn bản/Trang giấy mới vẽ bức tranh ngời sáng/Phố mọc trong thôn đượm sắc hoa đào” - (Xuân về vùng mía Sơn Dương)...
Dáng quê, cho thấy một tâm hồn đa sầu, đa cảm. Mỗi sự vật, hiện tượng ở xung quanh đều khiến tác giả phải bận lòng như Đêm khuya ở Bệnh viện Sơn Dương, Gánh hàng rau... Quê hương trong thơ Trần Xuân Việt chứa đựng nhiều tầng, nhiều lớp cảm xúc, hình ảnh phong phú, cụ thể. Chính tình yêu da diết của ông với mẹ, với quê hương, đất nước đã tạo nên một hồn thơ mang nặng tình quê.
Bài, ảnh: Thu Hương
Theo http://www.baotuyenquang.com.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...