THỜI GIAN
Em ngồi
Hứng giọt thu phai
Đếm
Thời gian chảy có dài lắm
không?
Giọt nào?
Rơi phía hoài mong
Giọt nào?
Rơi phía đếm đong cuộc tình?
Em về
Đo nẻo phù sinh
Thời gian vốn dĩ chông
chênh
Phiến đời
Mười năm
Cánh bướm rong chơi
Đá vàng hóa mỏng như lời …
Dối gian
Anh về
Nhặt gió mùa sang
Gió ru
Ngày lặng nốt hoang mê
Trầm…
Nghe lời thu gọi
Xa xăm
Thời gian lắng nhịp
Dư âm cuộc người!
Huế 7/2014
Trong cuộc sống, chúng ta
thường bắt gặp những câu tục ngữ, ca dao nói về thời gian như:
“Thời
gian là vàng bạc”
“Thời
gian thấm thoắt thoi đưa
Nó
đi đi mãi có chờ ai đâu”.
Thời gian là thứ tài sản quý
giá nhất của con người. Bởi vì một khi thời gian đã mất đi thì ta không bao giờ
có thể lấy lại được. Và thời gian lại một lần nữa được nhắc lại trong bài thơ
“Thời gian” của Nguyễn Tấn Tuấn.
“Thời
gian” là một đề tài không mới nhưng Nguyễn Tấn Tuấn đã gửi gắm trong những vần
thơ của mình sự sáng tạo mới mẻ, những chiêm nghiệm về cuộc sống thật đáng quý,
đáng trân trọng.
Ngay từ những dòng thơ đầu
tiên, Nguyễn Tấn Tuấn đã có những sáng tạo rất mới khi sử dụng thể ca dao biến
thể:
“Em ngồi
Hứng
giọt thu phai
Đếm
Thời
gian chảy có dài lắm không?
“Em” ta có thể hiểu theo hai
nghĩa. “Em” là đại từ nhân xưng chỉ nhân vật trữ tình và “em” là chỉ cô gái. Cả
hai ngồi hứng giọt thu phai. Cách dùng từ “hứng”, “phai”, “đếm” của nhà thơ thật
hay, thật độc đáo. Động từ “hứng” chỉ hành động đưa tay ra phía trước để đón lấy
những giọt sương của mùa thu. Và cũng có thể hiểu nhân vật trữ tình đưa tay ra
đón lấy những giọt thời gian. Nhà thơ thật sáng tạo khi dùng từ “giọt”. Giọt
sương là cái hữu hình, ta có thể nhìn và sờ được. Thời gian lại là cái vô hình
không thể trông, nhìn và sờ thấy được. Nhưng qua từ “giọt” đã biến cái vô hình
thành hữu hình, thời gian đã ngưng tụ thành từng giọt, từng giọt. Như vậy nhà
thơ đã sử dụng thành công nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác làm cho hình ảnh
thơ trở nên sống động và mới lạ. Không chỉ vậy, tính từ “phai” đã biến giọt
sương, giọt thời gian trong trẻo thành muôn nghìn màu sắc rực rỡ, tươi sáng. Tạo
sức hút lớn đối với người đọc nhất phải nói đến từ “đếm”. Từ “đếm” là động từ
được ngắt xuống thành một câu vừa tạo được điểm nhấn, vừa tạo được sự nâng niu,
trân trọng của con người khi đếm những giọt thời gian đã qua. Có lẽ thời gian sẽ
dài, bởi cứ ngồi chờ, đợi và hứng bao giờ cho giọt thời gian rơi đây?
“Giọt
nào?
Rơi
phía hoài mong
Giọt
nào?
Rơi
phía đếm đong cuộc tình?”
Nhà thơ
đã sử dụng liên tiếp các câu hỏi tu từ mang đến cho người đọc những trăn
trở, những thổn thức về thời gian. Khi đọc những câu thơ này, tôi đã tự vấn bản
thân mình đã làm được những gì trong thời gian qua. Những câu hỏi tu từ đó là
trăn trở không chỉ của nhà thơ - nhân vật trữ tình mà là những trăn trở cho
tôi,cho bạn, cho tất cả chúng ta. Từ “rơi” đã biến thời gian từ tĩnh chuyển sang
động để cho ta thấy rõ hơn sự vận động của thời gian. Ở thời gian quá khứ chúng
ta đã làm được gì? Có dành thời gian cho nhớ thương không? Có dành thời gian
thương yêu và sẻ chia giữa con người với con người không? Đó là những tình cảm
đẹp thấm đượm sâu sắc tình người.Bên cạnh đó, câu thơ:
“
Giọt nào?
Rơi phía đếm đong cuộc tình?”
đem đến cho chúng ta không
ít những trở trăn. “Đếm đong” là động từ nhưng được dùng để diễn tả sự so đo
tính toán trong tình yêu. Từ sự chiêm nghiệm quá khứ, nhà thơ đã nhắn nhủ mỗi
chúng ta hãy dành thời gian để yêu thương, hãy sống thật tốt không nên có những
toan tính nhỏ nhen để sau này không phải hối tiếc về những gì đã qua.
Và cứ thế, thật nhẹ nhàng những vần thơ ngọt ngào len lỏi vào lòng người
đọc:
“Em về
Đo nẻo phù sinh
Thời gian vốn dĩ chông chênh
Phiến đời
Mười năm
Cánh bướm rong chơi
Đá vàng hóa mỏng như lời…
Dối gian.”
Nếu ở
khổ đầu “Em ngồi” chỉ sự trầm ngâm suy ngẫm về thời gian quá khứ thì “Em về” ở
khổ hai lại khắc họa hành động nhanh, mạnh mẽ của nhân vật trữ tình quay trở lại
với thời gian hiện tại. Cái hay của khổ thơ là ở chỗ nhà thơ đã dùng từ “chông
chênh” để khăc họa thời gian. “Chông chênh” là từ láy thường được dùng để chỉ sự
không ổn định, không vững chãi vì không có chỗ dựa chắc chắn. Và ta cũng có thể
hiểu thời gian là vô định, là bất tận được đem ra để đo đếm cuộc đời của mỗi
con người. Đời người được cô đúc qua hình ảnh:
“Phiến đời
Mười năm
Cánh bướm rong chơi
Đá vàng hóa mỏng như lời…
Dối gian.”
“Mười năm” là khoảng thời
gian cụ thể. Cái hay ở chỗ là nhà thơ lấy cái cụ thể để khắc họa cái trừu tượng.
Đó là cuộc đời của mỗi con người rất ngắn ngủi, chỉ là một khoảnh khắc trong sự
vô tận của thời gian. Khoảnh khắc ngắn ngủi của cuộc đời nếu sa vào cuộc sống
chơi bời vô nghĩa thì cuộc sống đó thật lãng phí Từ đó , nhà thơ đã dẫn dắt ta
đến một chân lí “khoảnh khắc đời người thật ngắn ngủi, hãy sống một cuộc sống
thật có ích để cuộc sống đó không mỏng manh đi vào hư vô với những gian dối của
cuộc đời”
Thời gian đã ngưng tụ ở khổ
thơ cuối:
“Anh về
Nhặt gió thu sang
Gió ru
Ngày lặng nốt
hoang mê”
Nhân vật trữ tình hiện ra rõ
nét hơn qua hình ảnh “Anh về”. Động từ “nhặt” một lần nữa khẳng định cách dùng
từ đặc sắc của nhà thơ. Nhân vật trữ tình đang nhặt gió thu hay khi đã bước vào
độ tuổi chớm thu mới quay lại tìm về quá khứ và tự vấn lòng mình đã làm được những
việc gì có ích cho cuộc đời. Từ “lặng” diễn tả trạng thái đứng im. Thế nhưng từ
“lặng” ở đây lại khắc họa những sóng gió mà con người đã trải qua trong quá khứ
có nỗi buồn, có niềm vui, có những khó khăn thử thách… mà đến ngày hôm nay, khi
gần đi hết cuộc đời mới nhận ra diều đó.
“Trầm
Nghe lời thu gọi
Xa xăm
Thời gian lắng nhịp
Dư âm cuộc người.”
Từ “trầm” được tách làm câu
riêng vừa giúp cho giọng thơ lắng xuống, vừa nhấn mạnh sự vẫy gọi nhân vật trữ
tình hãy trở lại với hiện tại. Đó là hiện tại của tuổi đời sang thu đã nếm trải
hết những cay đắng của cuộc đời. và một cuộc sống tốt đẹp đang chờ đợi ở phía
trước. Tất cả đã dồn nén và nở tung ở câu cuối bài thơ:
“ Thời gian lắng nhịp
Dư âm cuộc người”
Thời gian dường như đồng cảm
với con người khích lệ cuộc sống và dư âm cuộc người là hình ảnh đẹp về một cuộc
sống có ích đã để lại tiếng vang như lời ngân nga, trầm lắng, tha thiết đi vào
lòng người.
Bằng giọng thơ nhẹ nhàng,
sâu lắng, cách ngắt nhịp sáng tạo kết hợp với một số biện pháp tu từ và cách
dùng từ độc đáo, bài thơ mamg tính triết lí sâu sắc về cuộc đời của mỗi con người.
Qua “Thời gian”, nhà thơ gửi gắm đến tất cả chúng ta thông điệp: “Hãy tận dụng
khoảnh khắc thời gian quý giá để sống thật tốt, cố gắng vượt qua những thử
thách của cuộc đời và tương lai tốt đẹp đang mỉm cười chờ đón chúng ta ở phía
trước.”
Nguyễn Thị Thu Thúy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét