Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

Cuốn sách nhỏ bàn vấn đề lớn

Cuốn sách nhỏ bàn vấn đề lớn
Cuốn sách có độ dày khá khiêm tốn, chỉ trên 180 trang khổ 14,5cmx 20,5cm  được chia làm 2 phần. Phần đầu bàn về Nguồn gốc người Việt, phần sau bàn về Cội nguồn văn hoá Việt Nam.
Chỉ hai phần đơn giản thế thôi, song trong đó chứa đựng tư liệu của rất nhiều bộ môn cả khoa học xã hội lẫn khoa học tự nhiên như nhân chủng học, di truyền học, khảo cổ học , sử học, ngôn ngữ học, địa chất học.v.v... Tác giả đã sử dụng tư liệu từ xa xưa như Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, Việt sử tiêu án của Ngô Thời Sĩ, những tư liệu trước Cách mạng Tháng 8 như Việt Nam sử lược của Trân Trọng Kim, của L. Aurousseau và khá nhiều tư liệu của các học giả ở miền Nam trước ngày đất nước thống nhất năm 1975 như cuốn Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam của Bình Nguyên Lộc, các cuốn sử của Phạm Văn Sơn, sách của Kim Định, Nguyễn Đăng Thục, v.v...cùng nhiều sách của các học giả như các công trình của W.G. Solheim II, C. Sauer, J.Y. Chu, Bing Su, W. Kim, S.W. Ballinger, Jin Li, Peter Savolainen, Stephen Oppenheimer, v.v...
Trước một khối lượng tư liệu đồ sộ từ nhiều nguồn khác nhau như vậy, tôi lần đọc trích yếu lý lịch của tác giả ở trang bìa: Hà Văn Thuỳ quê gốc lúa Thái Bình, sinh trước Cách mạng Tháng 8 một năm, tốt nghiệp Khoa Sinh Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1967. Ra nghề, không làm công việc của ngành sinh học, mà chuyên về văn, thơ. Từng làm việc tại Hội Văn nghệ Thái Bình, Kiên Giang rồi báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam. Và cũng đã có tác phẩm đủ các lãnh vực thơ, tiểu thuyết, biên khảo, dịch thuật, phê bình và tiểu luận. Cuốn Tìm lại cội nguồn văn hoá của người Việt này là tác phẩm gần đây nhất của ông, xuất bản năm 2007.
Càng đọc tôi càng phục khả năng đọc và viết của ông. Ngành văn thơ vốn là nghề tay trái của ông mà đã có những công trình đủ loại như vậy, nếu ngay từ đầu hiến thân cho ngành tay phải chắc là đã có nhiều đóng góp to lớn cho ngành sinh học. Ngay cuốn sách này, theo tôi chính là xuất phát từ những kiến thức sinh học mà ông đã tiếp thu từ những ngày ngồi trên ghế nhà trường. Vì thế, tuy công trình dẫn ra rất nhiều nguồn tư liệu, nhưng kết luận cuối cùng của ông chính là dựa trên tư liệu di truyền học (?).
Như phần trên đã nói, công trình này đã đề cập đến một vấn đề vô cùng quan trọng mà không phải các nhà khoa học cần và phải giải đáp mà cũng là nguyện vọng của bất cứ một người con dân đất Việt nào ở trong hay ngoài nước đều muốn biết. Đặc biệt là những người dân Việt sống xa tổ quốc lại càng quan tâm tìm hiểu cội nguồn dân tộc. Trong những năm tháng trước giải phóng miền Nam - 1975, có rất nhiều nhà nghiên cứu quan tâm đến vấn đề này, chẳng hạn như Nguyễn Phương có các bài: Tiến trình hình thành của dân tộc Việt Nam, Việt Nam thời khai sinh; Trở lại bài lịch sử Lạc Việt; Nghiêm Thẩm có bài Nguồn gốc văn minh Việt Nam; Đỗ Trọng Huề có bài Đi tìm dấu vết Hùng Vương; Hồ Hữu Tường có bài Đi tìm nguồn gốc dân tộc, v.v...Và ngay trên miền Bắc nước ta trong những ngày kháng chiến chống Mỹ ác liệt nhất, toàn ngành khảo cổ, sử học, dân tộc học cùng một số ngành liên quan khác đã tập trung một số năm nghiên cứu về thời kỳ dựng nước đầu tiên của dân tộc: Thời Hùng Vương. Chính nhờ đợt nghiên cứu tập trung này mà Thời kỳ Hùng Vương từ trong mây mù huyền thoại đã được đưa vào chính sử...
Nói như vậy để thấy rằng tác giả Hà Văn Thùy đã đề cập đến một vấn đề cấp thiết mà mỗi người dân Việt bất cứ ở đâu, làm bất cứ công việc gì đều muốn biết.
Nhưng, đúng đây là một vấn đề vừa rộng vừa khó nên ít người muốn xông vào nên có hiện tượng đúng như Xuân Cang nói về hai công trình Việt Lý Tố Nguyên và Cơ cấu Việt Nho của Lương Kim Định bị chìm trong im lặng.
Thực ra, thì vấn đề Nguồn gốc dân tộc Việt Nam luôn được đề cập đến trong các công trình khảo cổ và lịch sử  thời kỳ tiền sơ sử, nhưng thường chỉ được gói gọn trong tư liệu cổ nhân học và khảo cổ học phát hiện được trong những năm gần đây có sự đối chiếu với truyền thuyết trong các thư tịch xưa.
Cuốn sách mà tác giả dẫn ra khá nhiều tài liệu về các ngữ hệ ngôn ngữ từ Môn - Khme, Mèo - Dao, Tày - Thái đến Tạng - Miến, Mã Lai - Đa Đảo, Việt - Mường, các tài liệu về nhân chủng như đại chủng Mongoloid, Australoid, người Melanesien, Indonesien và Nam Á thuộc loại hình nhân chủng Mongoloid phương Nam và loại bình Mongoloid phương Bắc, cùng các thần thoại về Tam Hoàng, Ngũ Đế, về nước Xích Quỷ, về người Viêm Việt, về Xi Vưu, Đế Lai, Đế Minh, v.v... và đặc biệt tác giả đã dựa vào tư liệu di truyền học hiện đại của các học giả phương Tây vạch ra con đường thiên di của các dòng người Đông Nam Á diễn ra với hai giai đoạn. “Giai đoạn đầu là cuộc Bắc tiến mang theo rìu đá, giống lúa, khoai sọ, giống gà, giống chó đi mở mang khai thác lưu vực sông Hoàng Hà và Dương Tử... Giai đoạn hai, mà sử sách gọi là cuộc Nam tiến, thì thực chất là những dòng người Đông Nam Á sau hàng vạn năm khai khẩn mở mang vùng đất mới, bị kẻ xâm lược xua đuổi, trở về mái nhà xưa, trở lại quê gốc của mình”.
Đối với người Việt thì “Khoảng 40.000 năm trước, trong dòng di cư chung của người Đông Nam Á, người Việt từ miền Trung và miền Bắc Việt Nam tiến lên phía Bắc, trở thành nhân tố chủ đạo trong dòng Bách Việt. Người Việt làm nông nghiệp lúa nước, quần tụ quanh vùng Thái Sơn, sông Nguồn. Tại đây người Bách Việt hình thành quốc gia lỏng lẻo, tôn Toại Nhân, Phục Hy, Nữ Oa những bậc á thánh làm vua, tiếp sau là Thần Nông Viêm Đế. Kế tục Thần Nông là Đế Minh, Đế Nghi, Đế Lai ở phía Bắc và Kinh Dương Vươn, Lạc Long Quân ở phía Nam. Thời kỳ này người Mông ở phía bắc và liên tục xâm lấn, thường xuyên xẩy ra tranh chấp”
“Khoảng năm 2.600 trước Công nguyên, trong trận Trác Lộc, Đế Lai tử trận, người Mông thắng, tôn Hoàng Đế làm vua. Quân Bách Việt thua trận theo Âu Cơ con gái Đế Lai chạy xuống nước Xích Quỷ phía Nam sông Dương Tử. Một bộ phận theo cha Lạc Long Quân chạy ra biển trở về Việt Nam.” (Xem trang 52, 53)
Tóm lại, sau khi trích dẫn nhiều loại tài liệu, tác giả đi đến kết luận là từ rất sớm, cư dân Đông Nam Á thiên di lên đến miền bắc Trung Quốc, về sau bị dân du mục ở phía tây bắc tràn vào phải rút lui về phương nam. Người Việt là một trong số cư dân Đông Nam Á đó đã từng làm chủ đất Trung Quốc. Về sau bị xua đuổi mà phải trở về đất cũ ở phương nam. Những kết luận này làm nổi bật vai trò của dân tộc Việt cũng như văn hoá Việt đã một thời góp phần tạo nên văn minh Trung Hoa.
Ở đây, do phạm vi của một bài báo nhỏ và cũng là do có nhiều tư liệu như di truyền học hiện đại tôi gần như không có tư liệu nên chỉ xin nêu lên một số vấn đề quanh cội nguồn dân tộc và văn hoá Việt mà thôi.
Trước hết, theo tôi để giải quyết vấn để trên thì tư liệu cổ nhân học và tư liệu khảo cổ học là hai nguồn tư liệu quan trọng nhất, còn các tài liệu khác chỉ là góp phần tham khảo, nó chỉ thật sự có giá trị khi có sự phù hợp giữa chúng với hai loại tư liệu trên. Bởi vì tài liệu cổ nhân loại và tài liệu khảo cổ là những tư liệu thực bằng vật chất từ thời đó để lại, còn truyền thuyết, huyền thoại là những câu chuyện được hình thành sau này, còn tài liệu dân tộc học hay ngôn ngữ học là những gì còn lại hiện nay nó đã thay đổi biến dị khá nhiều so với nguyên gốc.
Thứ hai, mối giao lưu trao đổi cũng như sự dịch chuyển của một bộ phận cư dân qua các thời kỳ là việc xẩy ra thường nhật, nhất là ở một vị trí như nước ta có thể trao đổi từ đất liền ra hải đảo, từ bắc xuống nam hay trái lại từ hải đảo vào đất liền, từ Nam lên Bắc. Nhưng qua di cốt sọ cùng bộ mặt văn hoá vật chất thể hiện trên tư liệu khảo cổ, có thể thấy trên đất nước ta đã tìm thấy xương răng cùng công cụ đá của con người sơ kỳ thời đại đá cũ sống cách ngày này năm sáu chục vạn năm, tương đương người vượn Bắc Kinh. Và trên đất nước ta con người có mặt suốt trong các thờì kỳ đá mới, thời đại đồng thau và thời đại sắt cho mãi tới ngày nay.Và ngay trên đất Trung Quốc cũng vậy, cả trên lưu vực sông Hoàng Hà lẫn lưu vực sông Dương Tử và Hoa Nam suốt từ sơ kỳ thời đại đá cũ cho đến các thời kỳ đồ đá mới, đồ đồng, đồ sắt sau đó luôn luôn có con người cư trú. Giữa các vùng này luôn có sự giao lưu trao đổi qua lại hai chiều, song bộ mặt văn hoá mỗi vùng vẫn có những đặc trưng riêng không thể lẫn được. Những tư liệu trên cho thấy không có một dòng thiên di lớn từ vùng Đông Nam Á lên miền bắc Trung Quốc trong lịch sử.
Lấy văn hoá Hoà Bình làm ví dụ, văn hoá Hoà Bình phân bố rộng rãi khắp vùng Đông Nam Á lục địa và một phần vùng Lưỡng Quảng Trung Quốc, và đựơc xem là văn hoá đặt nền móng cho văn hoá thời tiền sử Đông Nam Á. Vùng núi  Lưỡng Quảng trong khái niệm địa chất được các nhà khoa học xếp vào Đông Nam Á. Trên vùng sông Dương Tử và lưu vực Hoàng Hà không hề có dấu tích văn hoá Hoà Bình. Đó là về thời tiền sử.
Còn trong thời dựng nước đầu tiên cuả dân tộc ta: Thời Hùng Vương các nhà nghiên cứu của nhiều ngành đã qua nhiều cuộc thảo luận trao đổi, đối chiếu nhiều nguồn tư liệu khác nhau đã đi đến những nhận định khá thống nhất.Văn hoá Đông Sơn là văn hoá vật chất của thời dưng nước đầu tiên của dân tộc, mà truyền thuyết gọi là Thời Hùng Vương. Trước đó tại các lưu vực sông Hồng, sông Mã và  sông Cả đã có một quá trình phát triển liên tục văn hoá thời đại đồng thau để hoà hợp thành văn hoá Đông Sơn mở đầu vào khoảng một hai thế kỷ đầu Thiên niên kỷ I trước Công nguyên. Trước đây các học giả phương Tây cho văn hoá Đông Sơn bắt nguồn từ văn hoá sông Hoài thời Chiến Quốc bên Trung Quốc hoặc tận vùng Han Tát bên trời Âu. Nhưng tư liệu khảo cổ phát hiện trong vài chục năm lại đây đã chứng minh một cách hùng hồn văn hoá Đông Sơn có nguồn gốc bản địa, văn hoá Đông Sơn được phát triển lên từ các văn hoá thời đại đồng thau ở Bắc bộ và bắc Trung bộ.
Thời kỳ hình thành nhà nước Văn Lang của các Vua Hùng trong Thiên niên kỷ  I và II trước Công nguyên là thời kỳ ra đời của nhà Thương và nhà Chu ở Trung Quốc.Trong giai đoạn văn hoá Phùng Nguyên mở đầu thời Tiền Đông Sơn (khoảng 4000 – 3500 năm trước) cư dân Phùng Nguyên mới biết đến kỹ thuật luyện đúc đồng thì thời Thương họ đã đúc được những chiếc đỉnh đồng nặng tới 700kg. Và cũng cần nói thêm phong cách văn hoá giữa hai vùng hoàn toàn khác nhau.Trống đồng là biểu tượng của nền văn minh Việt cổ, còn văn minh Hoa Hạ làm gì có trống đồng. Nhân đây cũng cần nói thêm vấn đề Bách Việt. Bách Việt là tên phiếm chỉ người Hán dùng để chỉ một số nước nhỏ ở Hoa Nam trước lúc nhà Tần thống nhất vào Trung Quốc. Đó là Ngô Việt ờ vùng Chiết Giang, Mân Việt ở vùng Phúc Kiến, Nam Việt ở vùng Quảng Đông, Quế Việt ở vùng Quảng Tây, Điền Việt ở vùng Vân Nam, và Lạc Việt ở Việt Nam. Trên đất Sơn Đông làm gì có dân Việt nào. Các dân tộc ở phía nam sông Dương Tử về văn hoá, tộc người khá khác với người Hán vùng Hoa Hạ, mà trái lại có nhiều nét gần gũi với người Việt Nam. Trải qua mấy ngàn năm sống chung lẫn lộn trong cộng đồng dân tộc Trung Quốc, nhưng ngày nay vẫn dễ dàng phân biệt dân Hoa Bắc và dân Hoa Nam.
Tôi trình bày kỹ một số tình hình như vậy để muốn nói rằng, trong các thời kỳ, các dân tộc đều có sự giao lưu trao đổi, dịch chuyển nơi cư trú, nhưng cư dân và nền văn hoá bản địa luôn đóng vai trò chủ thể, do đó cần phải thận trọng sử dụng học thuyết thiên di để giải thích tìm nguồn gốc của dân tộc và cội nguồn văn hoá. Trước đây nhiều nhà nghiên cứu phương Tây khi nghiên cứu tìm hiểu cội nguồn các nền văn hoá của các dân tộc thường bị ảnh hưởng của thuyết thiên di chi phối. Những phát hiện khảo cổ cũng như cổ nhân loại học những năm gần đây cho thấy nhiều trường hợp không thoả đáng, thậm chí sai lầm.
Trong cuốn sách mà tác giả Hà Văn Thùy đã sử dụng nhiều tài liệu, nhưng phải nói rằng tác giả quá chú ý đến tài liệu truyền thuyết hay những tư liệu quá xưa, hoặc của những người đề cập đến những vấn đề không phải là chuyên môn của họ, mà ít những tư liệu cập nhật về cổ nhân cũng như khảo cổ. Chẳng hạn ngày nay tư liệu về cổ nhân  cũng như khảo cổ đều cho thấy trên châu Âu, Nam Á, Đông Nam Á, Bắc Á đều phát hiện di cốt của cả một quá trình biến diễn từ Người vượn đứng thẳng (Homo erectus) qua Người hiện đại cũ (Homo sapiens) sang Người hiện đại mới (Homo sapiens sapiens). Những tư liệu đó cùng với tư liệu khảo cổ cho thấy ngay từ thời tối cổ cũng không hề có một dòng thiên di từ châu Phi qua Nam Á rồi sang Đông Nam Á, từ đây lại chuyển lên phía bắc.Có thể trước đây có một vài người theo thuyết một nguồn gốc nêu lên như vậy, nhưng những phát hiện ngày nay đã khác.
Còn cư dân châu Đại Dương và châu Mỹ thì cho đến nay ở các nơi đó chưa phát hiện được di cốt và văn hoá của con người thời tối cổ, mà chỉ mới phát hiện được dấu tích văn hoá và di cốt của con người cách ngày nay vài vạn năm nên các nhà nghiên cứu cho rằng cư dân tiền sử châu Á đã bằng bè mảng theo gió mùa hoặc qua eo bể Bering tiến sang châu Đại Dương và châu Mỹ.
Có một số tư liệu tác giả cần chính xác hơn. Chẳng hạn ông W.G. Solheim II không phải là nhà nhân chủng học, mà thuần tuý là nhà khảo cổ học Mỹ, giảng dạy ở Đại học Ha-oai. Ông đã đến thăm Việt Nam và tôi cũng đã từng trao đổi với ông nhiều vấn đề về khảo cổ Việt Nam và Đông Nam Á, chẳng hạn như ông cho văn hoá Sa Huỳnh là từ hải đảo vào, mà các nhà nghiên cứu chúng ta có đủ tư liệu chứng minh, văn hoá Sa Huỳnh là một văn hoá bản địa có sự góp mặt từ một vài nguồn khác.
Hoặc tác giả viết: “...những di vật để lại trong hang núi Đọ” (tr.74) .Thật ra Núi Đọ không phải là núi đá vôi như ở văn hoá Hoà Bình  - Bắc Sơn, mà núi Đọ là núi đá ba dan và đất, công cụ Núi Đọ được làm từ đá ba dan chủ yếu nhặt trên  sườn núi.
Ở trang 53 tác giả đã viết: “Khoảng 40.000 năm trước, trong dòng di cư chung của người Đông Nam Á, người Việt từ miền Trung và miền Bắc Việt Nam tiến lên phía Bắc, trở thành nhân tố chủ đạo trong dòng Bách Việt. Người Việt làm nông nghiệp lúa nước, quần tụ quanh vùng Thái Sơn, sông Nguồn. Tại đây người Bách Việt hình thành quốc gia lỏng lẻo...” (tr.53). Trong đoạn văn ngắn này có vài vấn đề phải bàn.
Thứ nhất, khoảng 40.000 năm trước người Việt chưa hình thành, vì lúc này con người đang trong giai đoạn cuối để hoàn thành quá trình hình thành con người về mặt sinh học và bắt đầu hình thành các đại chủng, cư dân sinh sống trên miền trung và bắc Việt Nam lúc bấy giờ chưa phải là người Việt.
Thứ hai, lúc này cả thế giới, chứ nói gì đến người Việt đã làm gì có nông nghiệp, mà lại là nông nghiệp trồng lúa nước.
Nhân đây cũng xin nói thêm về sự ra đời của nông nghiệp. Trước đây có tài liệu đều nói cư dân văn hoá Hoà Bình sinh sống bằng săn bắn và hái lượm, nhưng đến những năm 60 của thế kỷ XX sau khi nhà khảo cổ học người Mỹ C.Gorman đào một di tích thuộc văn hoá Hoà Bình trong Hang Ma, miền bắc Thái Lan đã phát hiện được một số hạt và phấn hoa của một số cây rau quả như bầu, đậu, dưa chuột, củ ấu, trám v.v...một số nhà nghiên cứu trong đó có tôi nghĩ rằng cư dân văn hoá Hoà Bình đã biết đến nông nghiệp sơ khai, mà là nông nghiệp làm vườn trồng cây rau củ. Tuy vậy, các nhà nghiên cứu nước ta nhận định về sự ra đời của nông nghiệp sơ khai trong bối cảnh văn hoá Hoà Bình khá dè dặt. Còn nông  nghiệp trồng lúa nước ở ta cho đến nay chỉ mới phát hiện được dấu tích hạt lúa và vỏ trấu trong một số di tích văn hoá Phùng Nguyên là có niên đại sớm hơn cả. Hầu như các nhà nghiên cứu về nông nghiệp cổ đều cho Đông Nam Á là nơi phát sinh của nông nghiệp trồng lúa nước, còn sớm nhất ở nước nào thì chưa thống nhất được. Di tích Hà Mẫu Độ ở gần Thượng Hải có niên đại khoảng trên 5.000 năm đã tìm được dấu tích hạt lúa. Ở Thái Lan cũng đã tìm được dấu tích lúa khá sớm.
Thứ ba là thời Toại Nhân, Phục Hy, Nữ Oa làm gì đã thành lập được nhà nước kể cả còn lỏng lẻo. Ở Trung Quốc nhà nước đầu tiên là nhà Hạ cũng chỉ có niên đại khoảng trên dưới 2.000 năm trước Công nguyên để phát triển thành nhà Thương tiếp sau đó. Ở ta, nhà nước Văn Lang cũng chỉ mới hình thành vào khoảng đầu Thiên niên kỷ I trước Công nguyên. Các nước Việt khác trong khối Bách Việt như Điền Việt, Mân Việt cũng có tình hình tương tự .
Qua đó có thể nói nguồn gốc dân tộc Việt Nam là từ cư dân bản địa đã sinh sống lâu đời trên đất nước ta. Cư dân này trong thời đại đá mới là ngươì Melanesien và Indonesien thuộc loại hình Mongoloid phương Nam. Sang thời đại kim khí do sự cộng cư hoà đồng cùng cư dân Hoa Nam tràn xuống, yếu tố Mongoloid ngày càng đậm thêm thành chủng người Nam Á.Với vị trí nằm ở giữa con đường giao lưu đông tây nam bắc thường xuyên có mối giao lưu giữa các nhóm người và các nền văn hoá xung quanh, song yếu tố con người và văn hoá bản địa luôn chiếm địa vị chủ đạo.
Vì thế tôi nghĩ rằng, đất nước ta trước, trong và sau thời dựng nước đầu tiên của dân tộc luôn là nơi tiếp nhận các yếu tố nhân chủng và văn hoá mới để góp phần cùng cư dân và văn hoá bản địa tạo nên bộ mặt dân tộc và văn hoá mới .
Như phần trên đã nói, cho đến nay tôi chưa có tư liệu về di truyền học hiện đại khu vực này nên không thể nói được gì hơn, nhưng tư liệu về di truyền học hiện đại cũng cần được kiểm chứng với các nguồn tư liệu khác như cổ nhân học và khảo cổ học thì mới đáng tin cậy.
Còn một số vấn đề cần được trao đổi sáng tỏ hơn, nhưng phải nói rằng đây là một cuốn sách được tác giả viết khá công phu, có trách nhiệm, tư liệu phong phú rất đáng được trân trọng. Đây thực chất là một công trình khoa học bao trùm nhiều khoa học rộng lớn được tác giả nêu lên một số ý kiến mới. Mà đã là khoa học, lại có ý kiến mới thì nhất định sẽ có những ý kiến trao đổi, đồng ý hoặc phản bác. Đó là điều bình thường. Tôi có nhiều điều muốn trao đổi cặn kẽ với tác giả như vấn đề Nhà Triệu, vấn đề tượng đá Mỵ Châu, v.v...nhưng trong bài viết này không thể nói hết. Mong sẽ có dịp được trao đổi kỹ với tác giả.
* NXB Văn học. Hà Nội, 2006, 186 trang.
Hà Nội, 9/2007 
Hoàng Xuân Chinh
 Theo http://www.vanchuongviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bùi Minh Vũ: Tiếng thơ siêu thực chính ngọ

Bùi Minh Vũ: Tiếng thơ siêu thực chính ngọ Bùi Minh Vũ, cũng giống như rất nhiều người làm thơ hôm nay trăn trở, quyết liệt (nếu không muốn ...